Friday, October 3, 2008

HÒA HỢP & THỐNG NHẤT TRONG TỤC NGỮ CA DAO

===


==

Xem tục ngữ và ca dao, chúng ta thấy đó là một kho tàng rất phong phú của văn chương Việt Nam. Đi sâu vào nội dung, chúng ta thấy rõ sự thống nhất trong tâm tình và tư tưởng dân tộc, nhưng bên cạnh cũng có nhiều mâu thuẫn. Mục đích của chúng tôi trong bài này là trình bày vài nét về sự thống nhất và mâu thuẫn này, và giải thích lý do cấu tạo các xu hướng đó.


Vũ trụ là thống nhất và hòa hợp. Tùy theo quan điểm mà ta cho là thống nhất hay mâu thuẫn. Thí dụ ngày và đêm, ngắn và dài, giàu và nghèo là những cặp mâu thuuẫn nhưng với cái nhìn của Phật giáo và của Đạo đức Kinh, tất cả chỉ là các mặt khác nhau của một thực tại. Nam và nữ, nóng và lạnh là sự hòa hợp cần thiết của vũ trụ và loài người. Tuy nhiên, không thời đại nào , xã hội nào lại không có mâu thuẫn. Xã hội nào cũng có nhiều giai cấp, nhiều mâu thuẫn. Nhất là trong xã hội tự do tư tưởng, bao nhiêu cái đầu là có bấy nhiêu ý kiến khác nhau, thành thử tư tưởng, tình cảm khác nhau là việc đương nhiên. Xã hội thời trước không hề cấm văn chương, cấn ngôn luận và cấm hội họp. Trai gái có thể gặp gỡ trong lao động hay trọng lễ hội. Xã hội ta rất phóng khoáng và nhân đạo. Vua chúa Việt Nam không bao giờ đốt sách, chôn sống học trò, bỏ tù hàng triệu người, và bắt toàn dân làm nô lệ trong các công trường và nông trường.



I. BÌNH DÂN VÀ BÁC HỌC


Một số nhà nghiên cứu văn học, tách bạch rõ
ràng hai loại văn học là văn chương bình dân và văn chương bác học. Văn chương bác học do các nhà khoa bảng sáng tạo, còn văn chương bình dân được truyền bá trong lũy tre xanh. Do đó, khi viết về ca dao, tục ngữ, những vị đó kết luận rằng ca dao tục ngữ là tác phẩm của quần chúng nhân dân, của những tác giả vô danh ở nơi ruộng đồng và sông núi. Dương Quảng Hàm cho rằng tục ngữ, ca dao không có nguồn gốc rõ rệt.
Ca dao cũng như tục ngữ, không biết tác giả là ai; chắc là lúc ban đầu cũng do một người vì có cảm xúc mà làm nên, rồi người sau nhớ lấy mà truyền tụng mãi đến bây giờ.

Từ khi phong trào bình dân nổi lên, một số văn gia, học giả theo phe Bình Dân hay phe cộng sản, cho rằng văn chương truyền khẩu là do quần chúng lao động sáng tác.Nhận định đó không chính xác lắm bởi vì tục ngữ, ca dao là công trình sáng tác của nhân dân, mà trong nhân dân có nhiều hạng người, có trí thức, có bình dân, có hạng khoa bảng, có kẻ hàn nho. Thí dụ câu hò trên sông Hương được dân chúng truyền tụng là của Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961):
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng trên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non .
Và câu " Thương người như thể thương thân" là của Nguyễn Trãi.


Thực tế, trong cuộc hò hát đối đáp giữa trai gái, phần lớn là nông dân, nhưng họ có một tâm hồn thi sĩ và có tài sáng tạo thi ca. Ở thôn quê thuở trước, có nhiều người không học lại có tài làm thơ. Nhưng trong đám thanh niên trai trẻ, cũng có những nho sinh, hay ông tú, cậu chiêu. Ngoài ra, hai phe nam nữ còn có những vị quân sư giúp họ những khi khó khăn. Những vị quân sư này, cố vấn này phần lớn là thi sĩ, nho sĩ. . Chẳng hạn, có những câu ca rất hóc búa, người bình thường khó mà trả lời, phải là những tay nho học đọc thông hiểu rộng mới giải đáp được:

-Mấy lời hỏi thử học trò,
Ai dàn quân Bái Thượng, ai chèo đó Ô giang?
-Vua Nghiêu có chín con trai,
Đan Chu là một, tám người nữa ai?

Ngày xưa, phụ nữ không đến trường, nhưng có khá nhiều phụ nữ giỏi Hán và nôm như Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương, bà huyện Thanh Quan. . . Như vậy, xét về nhân sự, các nam nữ hát trống quân, quan họ, hát huê tình là một tập hợp nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, nông dân hay nho sĩ.
Xét nghệ thuật , chúng ta khó biết câu nào là của người bình dân, câu nào là của nho sĩ. Có những câu giản dị:

Mẹ ơi chớ đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.

Ru em, em thét cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Tuy nhiên, trong ca dao có những câu nhiều điển tích, ta có thể đoán định các tác giả là nho sĩ:

-Mừng nay mưa nắng thuận trời,
Trị vì Ngu Hạ dân đời Thương Chu.
Nơi nơi kích nhưỡng ca cù,
Khắp trong vũ điện Thang Chu thuận hòa.
Đâu đâu già trẻ gần xa,
Người người kính chúc thiên gia vững vàng.
Ai ai trung hiếu lưỡng toàn,
Năm năm mừng được phong niên thái bình.

-Nay mừng tứ hải đồng xuân,
Tam dương khai thái muôn dân hòa bình.
Sĩ thời chăm việc học hành,
Một mai khoa bảng để giành công danh.
Công thời phượng các long đình,
Đủ nghề Sư Khoáng, rứt nghề công thâu.
Nông thời cuốc bẫm cày sâu,
Thu hòa, hạ mạch phong thu có ngày.
Thương thời buôn bán liền tay,
Rứt tài Tử Cống ai tày cho đang!

Nhìn chung, ca dao, tục ngữ là tác phẩm của nhân dân qua các thời đại, là một công trình tập thể của các tầng lớp nhân dân, gồm sĩ nông, công thương, nam nữ, và Bắc Nam, Trung, tấùt cả cùng hòa điệu, tạo thành một sức sống của dân tộc Việt Nam.



II. TRÍ THỨC VÀ NÔNG DÂN


Nước nào cũng có những nông dân lo việc trồng trọt, chăn nuôi, và các trí thức lo việc giáo dục, và hành chánh. Đây là hai hạng người cần thiết trong mọi xã hội. Chúng ta không biết từ xưa, người Việt có chữ viết riêng hay không, nhưng từ khi Triệu Đà chiếm nước ta và xưng độc lập, có lẽ từ lúc này chúng ta đã học chữ Hán. Nhưng phải từ đời Lý, kẻ sĩ mới được triều đình tôn trọng. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường để chọn những người minh kinh bác học. Đến đời Trần, các vị vua là Phật tử nhưng có đầu óc cởi mở, đã chú trọng Nho học, dùng Nho học là phương cách phát triển văn hóa giáo dục. Từ đó, Nho học được tôn trọng, và nho sĩ trở thành những nhân vật quan trọng.


Trạng nguyên thi có câu:
Vạn ban giai hạ phẩm,
Duy hữu độc thư cao.
( Vạn ban đều thấp kém,
Chỉ có kẻ đọc sách là cao quý nhất ).

Nguyễn Công Trứ đã nói lên vai trò của kẻ sĩ trong xã hội ngày trước:
Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên.
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu Hán, sĩ này là quý. . .

Sự thật thì không có sự ngăn cách giữa kẻ sĩ và nông dân. Nông dân nuôi con ăn học, con thi đỗ, làm quan. Như vậy, nông dân là cha, kẻ sĩ là con. Trí thức vốn xuất thân từ nông dân, từ hàng lao động. Ngay cả hàng vua chúa, đại thần, tướng quân cũng xuất thân từ hàng lao động mà ra, thành thử trong xã hội Việt Nam không có đối lập giữa các giai cấp. Nho sĩ là những người con ưu tú của nhân dân. Các bậc cha mẹ, các cô thôn nữ đã yêu mến các nho sĩ, vì nho sĩ là tương lai dân tộc, là rường cột nước nhà:
-Chẳng tham ruộng cả, ao sâu,
Tham vì anh tú rậm râu mà hiền.
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.

-Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
Tham năm ba chữ cho tày thế gian.

-Đêm nằm thử nghĩ mà coi,
Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng.

-Đôi bên bác mẹ thì già,
Lấy anh hay chữ để mà cậy trông.
Mùa hè cho chí mùa đông,
Mùa nào, thức ấy cho chồng ra đi.
Hết gạo thiếp lại gánh đi,
Hỏi thăm chàng học ở thì nơi nao?
Hỏi thăm đến ngõ thì vào,
Tay đặït gánh xuống, miệng chào thưa anh. . .


Tuy nhiên trong nhân dân cũng có những kẻ chống đối, chỉ trích nho sĩ. Họ là những kẻ “trọng nông”:
Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông
Nhất nông nhỉ sĩ.
Họ chỉ trích nho sĩ là những kẻ ăn bám xã hội, là hạng người vô ích:
Ai ơi chớ lấy học trò,
Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm.
Ngày thì cắp sách đi rong,
Tối về lại giữ đèn chong một mình.

Ngày xưa thi cử khó khăn, rất it người thi đỗ, làm quan. Một số thất bại trên đường cử nghiệp, cam phận hàn nho, suốt đời khốn khó.Những nông dân, nhất là những phú hộ có nhà cửa, ruộng vườn và tiền bạc thì đâm ra khinh nho sĩ là những kẻ nghèo hèn trong xã hội:
-Ra đường ông tú, ông chiêu,
Về nhà móntg tay mỏ sẻ cậy niêu đã mòn.
-Số thầy là số lôi thôi,
Quanh năm chỉ những chùi nồi cả năm.
-Thầy đồ mà chẳng ăn khoai,
Đến khi luộc chín còn hai củ hà.
-Quân tử là quân tử tàu,
Aên cơm thì ít, ăn rau thì nhiều.
-Quan văn mất một đồng tiền,
Xem bằng quan võ mất quyền quận công.
-Ra đường võng giá nghêng ngang,
Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày?
Cám rang tôi để cối xay,
Hễ chó ăn mất thì mày với ông!


Cái đau khổ của nho sĩ, bi kịch của nho sĩ là phải giữ cái bề ngoài lịch sự tao nhã nhưng thực tế thì ăn mặc đều thiếu thốn. Còn nông dân, và dân buôn thúng bán mẹt y phục giản dị nhưng no cơm ấm áo:
-Quần hồ, áo cánh mà chi,
Quần hồ, áo cánh, có khi ăn mày
-Quần dài thời ăn mắm thối,
Quần đầu gối thì ăn mắm thơm.



Trong xã hội xưa, đa số dân chúng tôn trọng kẻ sĩ nhưng một số khinh kẻ sĩ là nghèo đói, túng thiếu. Đó là một sự thực. Và đó cũng là quan điểm thực dụng, hoặc quan điểm trọng kim tiền. Thực ra nông dân và nho sĩ có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều sống trên đồng ruộng, và cả hai đều sống nhờ vào canh tác. Nho sĩ bận học nhưng vợ con canh tác hoặc ruộng đất cho nông dân làm rẽ. Cha nho sĩ là nông dân, anh em nho sĩ cũng là nông dân, mẹ và em gái là những người ươm tơ dệt vải hoặc tiểu thương buôn bán ngoài chợ. Tất cả đều chung một ngưồn gốc, không có việc phân chia đẳng cấp như một số nhà văn, nhà chính trị thiển cận và quá khích đã thêu dệt. Cả hai đều nghèo, không ai khinh ai. Chỉ có bọn trọc phú, trung nông hoặc phú nông, ngoài canh tác còn buôn bán, cho vay nặng lãi để làm giàu là khinh bỉ nho sĩ nghèo. Đó cũng là mâu thuẫn giữa hai phái kim tiền và đạo đức. Chính một số kẻ sĩ đã chỉ trích bọn hào phú thôn quê “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú”. Do đó mà có mâu thuẫn giữa nho sĩ và bọn trọc phú chứ không phải là mâu thuẫn giữa nông dân và nho sĩ. Nho sĩ bao giờ cũng trọng nghề nông vì quốc gia ta dĩ nông vi bản. Nho sĩ bao giờ cunõg mong muốn đất nước no ấm, giàu mạnh, trong đó điều quan trọng là mưa thuận gió hòa, và được mùa:



Nay mừng những kẻ nông phu,
Cầu cho hòa cốc phong thu bình thời.
Vốn xưa nông ở bậc hai,
Thuận hòa mưa gió, nông thời lên trên.
Quý hồ nhiều lúa là tiên,
Rõ ràng phú túc, bình yên cả nhà.
Bốn mùa xuân hạ thu qua,
Muốn cho tiền lúa đầy nhà hán sương.
Bước sang hạ giá thu tàng,
Thu thu tiễn hoạch, giàu ngang Thạch Sùng.
Quý nhân cùng kẻ anh hùng,
Rắp toan muốn hỏi nhà nông ê hề.
Thực thà chân chỉ thú quê,
Chuyên nghề nông nghiệp là nghề vinh quang.
Gặp thời là được thọ khang,
Tam đa, ngụ phúc rõ ràng trời cho.



Nhà nho cũng đã có nhiều người giúp ích cho nông dân như Nguyễn Công Trứ khai khẩn đất hoang vùng Kim Sơn, Tiền Hải (Bắc Việt ), và Nguyễn Thông lo việc doanh điền và định cư cho nhân dân miền Nam tại Bình Thuận khi Pháp chiếm miền Nam.



III. LAO ĐỘNG VÀ HƯỞNG NHÀN


Một số người Việt Nam chủ trương sống là lao động, là tranh đấu:
Tay làm hàm nhai,
Tay quai, miệng trễ.
Đây là điều tất yếu. Nước Việt Nam nghèo khổ, đa số sống về nông nghiệp. Mùa màng thường bị thiên tại, lại nữa, đất nước thường bị chiến tranh, sống chết, tai họa, nghèo đói là chuyện xảy ra thường xuyên. Vì vậy, muốn tồn tại, con người phải lao động, phải tranh đấu. Không thể bỏ phí thời giờ cũng như bỏ hoang ruộng đồng:

-Đời người chỉ một gang tay,
Ai hay ngủ ngày, chỉ được nửa gang.
-Ai ơi, chớ bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu!
Mặt khác, nhân sinh quan đã tạo ra một lối sống. Trong khi một số tin tưởng vào số mệnh, một số tin vào ý chí con người, và cũng có người tin tưởng cả hai:

-Trời nào có phụ ai đâu,
Hay làm thì giàu, có chí thì nên.
-Có chí làm quan, có gan làm giàu.
-Đại phú do thiên, tiểu phú do cần.


Trái lại, trong xã hội Việt Nam có một số người chủ trương sống nhàn hạ, và vui chơi. Nếu vì mưu sinh, con người cũng nên làm vừa phải, không nên lao động quá mức:
Một mình ăn hết bao nhiêu,
Mò cua bắt ốc cho rêu bám đùi!
Đi xa hơn, họ theo khuynh hướng dục lạc và hưởng thụ khác với chủ trương khắc kỷ:
-Chơi hoa cho biết mùi hoa,
Hoa lê thì trắng, hoa cà thì xanh.
-Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già sồng sộc nó thì theo sau.
-Một năm là mấy tháng xuân,
Aên chơi cho thỏa phong trần ai ơi!
-Ai ơi, chơi lấy kẻo chầy,
Xem hoa bốn mắt, đi giầy ba chân.


Khuynh hướng sau này thể hiện rõ rệt trong văn chương triều Nguyễn, nhất là trong những bài hát nói: Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù?
(Nguyễn Công Trứ )
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời,
Tiêu khiển một vài chung lếu láo.
( Cao Bá Quát)


Tuy nhiên hai khuynh hướng này ở một số người là không đối nghịch. Hai khuynh hướng này hòa hợp nhau. Làm việc mệt nhọc thì nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi xong thì lại tiếp tục công việc. Các nho sĩ sau khi thi đỗ, làm quan thì có quyền lui về ẩn dật như nhân sinh quan của Nguyễn Công Trứ:
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu !
Nho sĩ lúc chưa gặp thời cũng có thể ngao du sơn thủy:
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất,
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn.
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đòn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.. .


Không cần phải chờ lúc hưu trí, con người cũng có thể tìm vui sau giờ làm việc. Người nông dân Việt Nam quanh năm cực nhọc, nhưng họ có thể nghỉ ngơi sau vụ mùa, trong dịp tết hay trong những ngày lễ hội:
-Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè. . .
-Tháng giêng là tháng ăn chơi,
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.



Khuynh hướùng hưởng thụ và lao động đều hiện hữu ở các xã hội. Cổ nhân ta nhìn thấy mối tương quan chặt chẽ giữa vật chất và tinh thần. Nghèo khổ thì sống khiêm cung, có tiền có bạc thì sinh ăn chơi:
-Phú quý sinh lễ nghĩa.
-Nhàn cư vi bất thiện.
-No cơm, ấm cật, dâm dật mọi nơi.
Đầu óc tả tơi, mọi nơi chẳng dật.
-No cơm, ấm cật, dâm dật mọi nơi.
Quần áo tả tơi, mọi nơi chẳng dật.
Người giàu hưởng thụ đã đành, người nghèo cũng ăn chơi.
Mẹ già hết gạo treo niêu,
Anh còn áo trắng, khăn điều vắt vai.

Thằng chồng em nó chẳng ra gì,
Tổ tôm, sóc đĩa nó thì chơi hoang
Nói ra xấu thiếp hỗ chàng,
Nó giận ,nó phá, tan hoang cửa nhà.
Nói đây thời có chị em nhà,
Còn năm ba thúng thóc với một và cân bông.
Em bán đi trả nợ cho chồng,
Còn ăn, hết nhịn hả lòng chồng con . . .


Ca dao và tục ngữ đã phản chiếu rất thực về cuộc sống Việt Nam. Trong khi đa số sống cần kiệm và lao động hết mình, một số lại ca tụng nhàn lạc. Đó cũng là nét chung của nhân loại.Nhưng nghỉ ngơi và làm việc cũng không là mâu thuẫn mà chúng lại hòa hợp nhau, bổ túc cho nhau trong cuộc đời.


IV. ĐẠO ĐỨC VÀ PHÓNG TÚNG


Dân Việt Nam theo đạo đức cổ truyền, người phụ nữ bao giờ cũng gìn vàng giữ ngọc như lời khuyên của Nguyễn Đình Chiểu:
Trai thì trung hiếu làm đầu,
Gái thì tiết hạnh là câu trau mình.
Vì giáo dục gia đình và xã hội, người phụ nữ Việt Nam sống đời tiết hạnh chứ không theo dục tính như xã hội Tây phương. Trong cuộc sống, người phụ nữ phải thận trọng khi giao tiếp với nam giới:
Sáng ngày em đi hái dâu,
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
Hai anh đứng dậy hỏi han,
Hỏi rằng cô ấy vội vàng đi đâu?
-Thưa rằng ;Tôi đi hái dâu,
Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.
-Thưa rằng: Bác mẹ tôi răn,
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Chúng ta khó nói rằng Nho giáo cấm hay cho phép nam nữ yêu đương. Nhưng chuyện trai gái yêu đương trở thành một thông lệ trong mọi xã hội. Gặp gỡ, hẹn hò, thương nhớ đã có từ lâu trong Kinh Thi Trung Hoa. Nhưng xã hội ta, cha mẹ quyết định việc hôn nhân và con cái không có quyền tự do luyến ái. Tuy nhiên, một số cha mẹ cho phép trai gái tìm hiểu nhau, và phong tục cũng chấp nhận việc này, cụ thể như việc hát quan họ, hát huê tình ở thôn quê ngày xưa là những dịp để trai gái trong làng gặp gỡ nhau. Kim Trọng yêu Thúy Kiều, Nguyệt Nga yêu Lục Vân Tiên, và xa nữa xã hội không thiếu truyện tình Trương Chi- My nương, và Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Phần nhiều là lén lút hẹn hò, gặp gỡ nhưng người phụ nữ bao giờ cũng là người anh dũng tử thủ bảo vệ thành trì:
Yêu nhau hót cổ, choàng lưng,
Việc ấy xin đừng để có mẹ cha!

Một đôi khi người phụ nữ chủ động chào hỏi người con trai, nhưng đó là đùa vui hoặïc cũng là bản tính vui vẻ, tự nhiên của người phụ nữ nông thôn:
-Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại cho tôi than đôi lời!
-Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn,
Cho em về với một đoàn cho vui.
-Ai về Cầu Ngói Dạ Lê,
Cho em về với thăm quê bên chàng!

Đa số phụ nữ theo Nho giáo giữ đạo tam tòng tứ đứùc.Việc ly hôn là điều ít xảy ra trong xã hội xưa. Hạnh phúc của người phụ nữ là ở chồng con. Người phụ nữ bao giờ cũng giữ nhân nghĩa, chung thủy:
-Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
-Ghe bầu trở lái về đông,
Làm thân con gái thờ chồng nuôi con.
Vì hạnh phúc gia đình, vì chồng con, người phụ nữ Việt Nam đã hy sinh rất nhiều:
Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
-Có con phải khổ vì con,
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.
-Vì chàng thiếp phải mò cua,
Những như thân thiếp thì mua mấy đồng.
-Vì chàng thiếp phải mua mâm,
Những như thân thiếp bốc ngầm cũng xong. . .

Tuy nhiên xã hội nào cũng có một vài phụ nữ lẳng lơ. Một số người vì hoàn cảnh, một số người là bệnh kinh niên, trở thành bản tính, bản năng:
-Chỉ đâu mà buộc ngang trời,
Thuốc đâu mà chữa con ngưòi lẳng lơ!
-Gái đâu có gái lạ đời,
Chỉ còn có một ông trời không chim!
-Anh đánh thì tôi chịu đòn,
Tính tôi hoa nguyệt mười con chẳng chừa!



Trương Tửu đã cho rằng người phụ nữ sống theo tình cảm và bàn năng hơn là sống theo luân lý và pháp luật của nhà nho.
Người cộng sản chủ trương chống Nho giáo và quân chủ cho nên tìm cách bôi xấu Nho giáo. Sựï dâm dục là bản năng chứ không phải là mục đích chống Nho giáo. Trộm cướp, giết người, tham ô là do thiếu đạo đức, là không giữõ được thiện tâm chứ không phải có mục đích chống Nho giáo.Thực ra không phải ai cũng theo Nho giáo, Phật giáo và Lão Trang. Một số dân trên sơn cước hay vùng hẻo lánh sống theo khuôn mẫu của họ. Một số đọc tứ thư, ngũ kinh, đeo tượng Phật nhưng không có lễ nghĩa và từ tâm. Họ không chống Nho, Lão, Phật, họ sống theo bản năng. Dẫu sao, đa số nhân dân Việt Nam đã theo Nho giáo, đã có một trình độ văn hóa và đạo đức. Nho giáo không chôn sống học trò, đốt sách, giết hàng triệu người và bỏ tù hàng triệu người. Nho giáo xây dựng xã hội, làm đẹp cho nhân loại chứ không giết hại nhân loại.



Trương Tửu đã viết về phụ nữ Việt Nam nhưng ông đã sai lầm coi như đa số sống theo bản năng. Ôâng quan niệm như vậy là do ba lý do:
-Ôâng theo quan điểm của Freud
-Ông theo Marx và muốn tỏ rõ rắng phu nữ Việt Nam đã theo chủ nghĩa duy vật.
-Ông không hiểu hoặc cố ý bóp méo ý nghĩa của các câu ca dao. Thí dụ câu:
Không chồng mà chửa mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế gian sự thường.
Câu trên có ý khôi hài chứ không phải khuyên phụ nữ sống theo bản năng, hay có mục đích chống Nho giáo.

===

No comments: