Wednesday, October 29, 2008

LÊ DINH * NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY


  NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY
Lê Dinh


--------------------------------------------------------------------------------


Một buổi chiều cuối tuần, tôi lang thang trên những con đường ở khu Phố Tàu để nhìn thiên hạ mua bán, tình cờ tôi gặp một gương mặt quen quen, nhưng nghĩ mãi không biết là aì vì gương mặt thì rất giống một người tôi biết, nhưng đầu thì trọc lóc và điều lạ làm tôi bối rối là người này mặc một chiếc áo nâu sồng của những kẻ tu hành. Sau khi bắt tay chào hỏi, thấy tôi có vẻ lúng túng, ông bạn mới lên tiếng:

- Anh Lê Dinh không nhớ em sao?

- Dạ, nhìn mặt thì quá quen, nhưng không biết đã gặp anh ở đâu?

- Em là Lưu Ph. nè, Ph. thổi sáo, anh nhận ra em chưa?

- À ra là Lưu Ph., anh đã nhớ ra rồi. Trên 30 năm rồi, hèn gì.

Thuở đó, đồng bào mình ở thành phố này không có nhiều như bây giờ, tình đồng hương rát là thắm thiết. Thỉnh thoảng, vào dịp Tết hoặc Giáng sinh, tôi thường hay tổ chức những đêm ca nhạc, trình bày lại những bản nhạc ngày xưa trước 1975, có nhạc sống, có ăn nhẹ, giải khát vả khiêu vũ. Vé vào cửa lúc đó là 8$ một người, gọi là để sưởi ấm lòng người tha hương. Với số khách tham dự lên đến cả ngàn người một lần cho nên tôi có thể mời những ca sĩ cũ, nổi tiếng trước 1975 ở gần cũng như ở xa đến giúp vui đồng bào. Tôi có mời Chế Linh đến từ Toronto, Phương Hồng Hạnh đến từ Madison (Wisconsin)…, những ca sĩ này không phải định cư ở Montréal nhưng không quá xa thành phố Montréal, để cho đỡ tốn kém.




Tôi nhớ ra ngay anh Lưu Ph., vì lúc đó anh là người duy nhất biết thổi sáo ở Montréal, cho nên mỗi khi có mục ngâm thơ, tôi thường hay mời anh Ph. đến giúp phần thổi sáo phụ họa cho giọng ngâm. Tôi cũng còn nhớ rất rõ thuở đó, mỗi lần trình diễn văn nghệ, anh thường hay dẫn bà vợ người Québec đi theo, nên tôi liền hỏi:

- Anh nhớ dường như lúc trước em có vợ đầm mà, còn bây giờ sao… sao…, tôi tìm không ra lời để diễn tả con người của anh với cái đầu bóng nhẵn và chiếc áo cà sa trên người anh…

Hiểu ý tôi, anh liền nói:

- Em ly dị con vợ đầm rồi, bây giờ em đi tu, lên Thượng tọa rồi. Chùa em ở bên Verdun, em mời anh hôm nào ghé qua chùa em chơi. Nói xong, anh lục trong túi mang trên vai ra một mảnh giấy nhỏ và ghi tên chùa cùng địa chỉ và trao cho tôi. Cầm mảnh giấy của Thượng tọa Lưu Ph. trao cho, tôi đọc sơ qua rồi bỏ vào túi.

- Vâng, khi nào rảnh anh sẽ đến viếng chùa của em.

Quên bẵng đi một thời gian chuyện chùa chiền của Thương tọa Lưu Ph., đến khi trực nhớ lại tôi tìm mảnh giấy để biết chùa tên gì và ở vùng nào bên thành phố Verdun, một thành phố ngọai ô của Montréal, nhưng mảnh giấy nhỏ đã không còn nữa.

Tôi cũng áy náy mỗi khiù nhớ tới lời hứa “viếng thăm chùa” do Thượng tọa Lưu Ph. trụ trì, nhưng tấm giấy đã mất và không biết làm sao để mà đến chùa thăm sư Ph. một lần cho biết và cho trọn lời hứa. Rồi mọi việc trôi vào quên lãng, mãi cho đến hôm nay…






Cho đến hôm nay, việc sư công an đầu trọc, sư quốc doanh, sư ăn McDonald’ s tại chỗ, sư đi dạo mát với gái… là một mối bận tâm không nhỏ cho những vị sư chân chính và người Việt tị nạn chúng ta. Ở thành phố nho nhỏ như Montréal mà hiện nay cũng có đến 7, 8 ngôi chùa, nhỏ có lớn có. Mới đầu hôm sớm mai đã có một ngôi chùa, một niệm phật đường, một tịnh xá, một tịnh thất… Mới đầu hôm sớm mai, một nghệ sĩ tài tử bỗng trở thành Thượng tọa. Dễ quá, thuê một căn ấp, xin phép, trương bảng tên chùa và treo cờ ngũ sắc lên, rồi đi VN mang về một số sách kinh Phật… rồi cạo đầu, mang bộ áo cà sa vào là thành chùa, thành sư chẳng mấy hồi. Thiện nam tín nữ hả, người nào trước khi thành thầy chùa lại không có người quen biết, không có bạn bè? Thôi thì đến chùa nào cũng để lạy Phật, để thọ trai, bá tánh đến chùa tôi hay chùa khác cũng vậy thôi. Xin mời đạo hữu đến một lần cho biết, chùa tôi cũng có Phật vậy. Mô Phật! Phật nào cũng là Phật mà. Có một ngôi chùa mới thành lập trong thành phố của chúng tôi – tôi nói ra thì có lẻ quý độc giả nói tôi lộng ngôn, nhưng lời tôi nói có Trời Phật chứng giám – vừa ở trên một con đường khá náo nhiệt – không thích hợp với chốn trang nghiêm của chùa chiền - vừa lại không xa một “club des danseuses nues” bao nhiêu, chỉ bước vài bước là tới. Tội nghiệp cho những nhà sư thật sự là sư, những ngôi chùa thật sự là chùa, vàng thau lẫn lộn trong thời buổi suy vong, mạt pháp này!




Một hôm, tham dự đám cưới con của một người bạn, tôi rất “hân hạnh” được gặp lại vợ chồng một ông bạn ngày xưa. Nói ngày xưa cho dễ phân biệt với ngày nay. Ngày xưa là thời sau 1975, chứ không phải xa xưa lắm, lúc những tàu thuyền vượt biên tới tấp đến các trại tị nạn, lúc mà tất cả những người tị nạn là người tị nạn thật sự, được định cư ở một xứ tự do. Lúc ban đầu, người tị nạn đầu tắt mặt tối, lo làm ăn, gầy dựng lại gia đình từ con số không, trong đầu óc chỉ biết có căm thù Cộng sản, vì bọn chúng cho nên mình phải ra đi, bỏ quê hương, xa lìa người thân thuộc. Còn ngày nay, là thời bây giờ, sau hơn 30 năm chí thú làm ăn, nuôi con cái nên nguời… người tị nạn rảnh rỗi rồi sanh chứng này, tật nọ.

Thú thật trong lòng tôi cũng khấp khởi vui mừng khi lâu quá mới gặp lại người bạn đã từ lâu rồi không gặp, tôi hỏi anh chị giờ làm gì, đã hưu trí chưa:

- Tôi làm nhân đạo.

Làm nhân đạo là làm gì?

- Chúng tôi làm từ thiện.




Rồi anh kề miệng vào tai tôi giải thích dài dòng về việc làm nhân đạo, từ thiện của vợ chồng anh. Thì ra tôi được biết mỗi năm vợ chồng anh đi VN đôi ba lần, đem tiền bạc quyên được của những người quen ở bên này về VN giúp cho trẻ mồ côi, mổ mắt người già, tặng thuốc cảm cúm cho người bệnh, tặng mì gói cho những gia đình nghèo túng, cho những đứa trẻ này vài thỏi chocolat, những đứa bé kia vài cục kẹo… À, như vậy thì tôi biết rồi, tôi tự nói thầm với tôi như vậy. Bây giờ không những chỉ riêng ở tại thành phố của chúng tôi - mà cũng như ở các thành phố khác trên thế giới - có rất nhiều người làm từ thiện như anh chị này, nào là Hội “Help the Poor”, nào là chương trình “Sưởi ấm” nào là “Mái ấm tình thương”, “Căn nhà nhân đạo”, “Căn nhà tình nghĩa”, “Căn nhà may mắn”, “Les Enfants du Mékong”, “Les amis du Vietnam” v.v.. À thì ra vậy. Cái nghề này dễ làm, xin việc là có ngay, khỏi cần phải có “Curriculum Vitae”, khỏi cần phải có kinh nghiệm. Vì vậy cho nên hiện nay có rất nhiều người từ ca sĩ, đến nhạc sĩ, từ anh thất nghiệp đến chị có nghề nghiệp (nhưng lương ít), từ ông vợ chết đến bà chết chồng… bỗng nhiên nổi lên tấm lòng từ bi, bác ái bao la, thương đồng bào ta vô hạn, xin gia nhập vô nghiệp đoàn làm cái nghề nhân đạo này. Không cần phải tốn công sức, chỉ dùng miệng lưỡi, nêu ra những khốn khó của lớp người sống cơ cực dưới chế độ CS, dùng năm tất lưỡi để xin tiền thiên hạ đem về… nuôi CS. Rồi lại trở qua xứ họ định cư, xin tiền nữa, rồi lại về nữa. Thật khỏe ru, như đi du lịch, đi nghỉ hè không tốn tiền vậy, khỏi phải sáng lái xe đi, chiều tối lái xe về, khỏi phải tốn công sức ở nhà máy, cơ xưởng, khỏi phải hao tổn trí óc ở văn phòng, khỏi phải bị chủ ăn hiếp, khỏi phải bị xếp xài xể, mà lại được tiếng là… làm nhân đạo.



Nhưng bằng vài thùng mì gói, vài trăm ổ bánh mì, vài ngàn viên thuốc cảm cúm, mà dân chúng nghèo đói bệnh tật thì cả ấp, cả xã, cả huyện… cả nước, quý vị làm thế nào để lo cho xuể, chẳng qua cũng như đem muối bỏ biển mà thôi. Quý vị có biết tài sản gửi ở các ngân hàng ngọai quốc của những tên chóp bu CSVN lên đến cỡ nào không? Quý vị có biết gia sản của Nguyễn Tấn Dũng trải dài từ Saigon ra Hà Nội là bao nhiêu không? Sao những tên ăn trên ngồi trước này không bỏ ra, chỉ một phần ngàn tài sản của chúng thôi, để lo cho dân? Dân thì nghèo đói, chạy ăn từng bữa không đủ, không nhà không cửa trong khi họ thì ở nhà cao năm, bảy tầng, đi xe hàng triệu mỹ kim. Có quý vị lo rồi, họ rảnh tay để cho mặc quý vị lo, thì giờ của họ, họ lo tìm những phương pháp ranh ma hơn, quỉ quyệt hơn để cướp đất cướp nhà của dân. Mà quý vị lo cho đến bao giờ mới thôi lo, quý vị có phải là Bộ Xã Hội hay Bộ Y Tế của nhà nước CS đâu?



Những người đó – những người làm nghề nhân đạo đó – có khi nào quý vị nằm đêm suy nghĩ coi nguyên do vì sao mà đồng bào mình bị khốn khổ như thế không? Cái nghề của quý vị làm, nghe qua thì thật là nhân đạo – vì là cái nghề có tên là “nghề nhân đạo” mà – nhưng thật ra rất là vô nhân đạo. Quý vị cứ đem tiền về nuôi những tên cán bộ CS vương giả, thêm mập phì ra để chúng có thêm sức mà áp bức dân mình nhiều thêm nữa. Tôi tin rằng quý vị cũng nghe, cũng biết chuyện những người dân oan dãi nắng dầm mưa đi đòi đất, đòi nhà mà CS ngang nhiên chiếm cứ của họ, quý vị cũng biết chuyện kẻ thù của quý vị đã bán nước buôn dân như thế nào không? (Lập đi lập lại hoài những chuyện này nghe xấu hổ thêm). Dân của nhà nước sao nhà nước không lo mà quý vị lại đi lo. Quý vị cứu được 100 người, nhưng quý vị giúp cho CS bức hại 100 000 người, quý vị cứu được 1000 người, nhưng quý vị tiếp tay cho CS giết 1 000 000 người. Căn nhà lá ọp ẹp, mái lá rách nát, mưa xuống dột nước lai láng, quý vị cứ lấy bồn hứng nước phía dưới cho đỡ trơn trợt. Tại sao quý vị không giúp người chủ cái nhà lá đó, tháo gỡ băng hết cái mái nhà cũ kỹ, rách nát đó đi, cho vào đống rác và thay bắng lớp lá mới cho nước mưa không rơi vào nhà nữa? Nhà dột chỗ nào, quý vị hứng nước chỗ đó. Quý vị cứ làm vá víu mãi vậy sao? Cho đến bao giờ? Cái gốc gây ra sự nghèo đói, bệnh tật, khốn khổ của dân mình là đảng CS ác ôn, thì hỏi tại sao quý vị không gom góp tiền bạc tặng những phong trào chống đối ở trong nước để giúp họ dẹp tan bè lũ bán nước buôn dân đó đi? Tôi chắc quý vị, vì bận làm việc “nhân đạo”, cho nên không có thì giờ để đọc những bài viết rất hữu ích như “Chính trị và thua cuộc” (Nguyễn Bách), ”Chuyện Trọng Thủy thời nay” (Đỗ văn Phúc), “Có nên cứu trợ VN không?” (An Pha), “Không cho một cắc” (Hoàng Nguyên), “Thế lực nào giúp CSVN sống đến ngày nay?” (Trịnh Việt Bắc), “Những kẻ nối giáo cho giặc” (Trần Thanh), “Nối giáo cho giặc” (Mũ Nâu Thiện Xạ)… Chính quý vị là những kẻ nối giáo cho giặc đó, quý vị có biệt không?





Ngày trước, căm thù CS, trốn chui trốn nhủi, liều chết bỏ xứ ra đi cho bằng được, quyết xa lìa bầy thú dữ cho bằng được, ngày nay, kẻ thù còn sờ sờ ra đó, thú rừng vẫn còn dày nát quê hương, xứ sở mà quý vị lại quay về – chẳng những không phải về tay không – mà lại còn bòn tiền bạn bè thân quyến, đem về nước nuôi kẻ thù. Kẻ cướp nhà của quý vị, đuổi quý vị ra khỏi nhà, thân sơ thất sở, lạc loài tận chân trời gốc bể, sau mấy mươi năm làm ăn có tiền có bạc, quý vị mang tiền về lòn cuối dâng cho kẻ cướp. Ôi sao thật trớ trêu và cay đắng!

Thời buổi tân tiến của thế kỷ 21, có nhiều nghề nghe rất lạ tai: nghề làm thấy chùa, nghề làm nhân đạo. Tất cả đều có vẻ hương nhang tam bảo, có vẻ nam mô a di đà phật, nhưng thật ra với những nghề làm thầy chùa bất chánh và nghề làm nhân đạo giả hiệu của quý vị, dù quý vị có dộng chuông, gõ mõ mười kiếp nữa, chắc chắn quý vị sẽ rơi xuống chín tầng địa ngục vì đi với quỷ thì sẽ sống với quỷ.




--------------------------------------------------------------------------------

Lê Dinh

No comments: