Saturday, January 10, 2009

GIAO CHỈ, SAN JOSÉ *PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI ÚC





Con sáo sang sông...



“Ai đưa con sáo sang sông, để sáo xổ lồng, con sáo bay đi...”


Giao Chỉ, San Jose .


Cô giáo miệt vườn Mỹ Tho trở thành nghị viên miền dưới của Úc Châu. Người thuyền nhân Việt Nam 1978 hai lần trở về biển Ðông tảo mộ đồng hương trên hoang đảo. Phụ nữ tỵ nạn, 22 năm định cư chưa biết lái xe, đã trở thành nghị viên thành phố duyên hải miền Tây Úc.


Quí vị vui lòng mở máy điện toán đi tìm City of Wanneroo Australia sẽ thấy ngay một thị xã duyên hải miền tây nam của Châu Úc. Ðây là thành phố phát triển rất nhanh với 134 ngàn dân, đa số là người Úc gốc Âu châu chung sống hiền hòa với trên 40 sắc dân thiểu số, mỗi nhóm có từ vài trăm đến vài ngàn người. Cũng trong số vài ngàn đó có nhiều người Việt đã vượt biển đến Úc trong 20 năm, suốt từ 1975 đến 1995. Tin tức cộng đồng thường nói đến người Việt tại Sydney , Melbourne hay Canberra tập trung miền duyên hải phía Ðông Úc. Từ Sydney mà đi sang miền Tây Úc phải vượt qua 3 ngàn 500 cây số đường chim bay. Nếu đi đường bộ sẽ là cuộc hành trình hết sức gian nan hàng tuần lễ theo quốc lộ số 1 chạy ven biển miền cực Nam của Úc Châu. Vì thị xã Wanneroo xa xôi hẻo lánh như vậy nên khi có người bạn từ Úc qua, ít có khi nào gặp người từ miền Tây Úc.



Ðầu năm nay, Viện bảo tàng Việt Nam San Jose, có người khách lạ đến thăm. Anh bạn trẻ Trần Ðông, giám đốc Archive of Vietnamese Boat People gửi thư trước giới thiệu cô Trương Nguyệt Ánh là đại diện của Văn khố Thuyền Nhân Việt Nam tại miền Tây Úc. Chúng tôi mở máy điện toán tìm hiểu về thành phố hẻo lánh của lục địa nhỏ bé ở miền dưới địa cầu xem hình ảnh ra sao.. Xứ sở thanh bình, trời xanh biển rộng, thành phố rất hiền lành. Vào xem tòa thị xã tìm danh sách chính quyền thấy tên một nữ lưu Việt Nam, rõ ràng là bà nghị viên của khu vực phía Nam thành phố có tên Nguyet-Anh Trương, mới được bầu vào chức vụ tháng 10 năm 2007. Bao năm qua, đã biết rằng cuộc đời của mỗi người Việt lưu vong đều là một câu chuyện. Nhưng chuyện của cô Nguyệt- Ánh miền Tây Úc này đúng là chuyện con sáo sang sông...



Trương Nguyệt Ánh là cô gái Mỹ Tho, ngồi trên lầu hai của viện Bảo tàng Thuyền Nhân ở San Jose vào một buổi sáng mùa đông, kể chuyện đời mình.



"... Anh chị biết không, nhà em gần nhà bà tổng thống Thiệu đấy. Em sinh năm 1949. Thời chinh chiến, trai 20 tuổi đi quân đội, gái đi dạy học hay theo nghề điều dưỡng. Em tốt nghiệp sư phạm Mỹ Tho. Rồi lấy chồng trung úy Biệt động quân. Ðầu tiên em dạy tiểu học nơi xa, sau về dậy tại trường Thân Cửu Nghĩa quận Bến Tranh. Chỗ này không có an ninh. Em còn nhớ khoảng tháng 4-1974, Việt Cộng vào trường giữa ban ngày, chẳng kêu ai, chỉ kêu mình em lên họp với hiệu trưởng. Trong lớp em có sơn hình cờ vàng trên tường và dán hình dinh Ðộc Lập cắt ra từ phụ bản lịch của tờ báo. Mấy tên Việt Cộng dữ lắm, chính trị có, quân sự có, súng ống đầy đủ cả. Lên án mình em vì các lớp khác không vi phạm. Bắt phải tháo gỡ và chùi đi hết. Lúc đó em là cô giáo mới hơn 20 tuổi lại vừa có bầu. Chúng tôi ngắt lời hỏi rằng thế cô giáo có thi hành ngay không. Không, Nguyệt Ánh nói. Em về lớp chẳng làm gì cả. Sao cô gan vậy. Gan gì đâu. Em sợ muốn chết. Bỏ ngay lớp về Mỹ Tho trình diện ty tiểu học. Dứt khoát không xuống dậy Bến Tranh. Mấy ông đưa ai xuống thì đưa. Tôi có bầu, vợ sĩ quan biệt động quân, trở lại chỉ có chết."







Từ đó Nguyệt Ánh tiếp tục làm cô giáo cho đến 1975 thì chồng đi cải tạo, vợ vừa đứng lớp vừa bị theo dõi. Năm 1978, vì chồng chỉ có trung úy nên được về sớm và gia đình tìm cách vượt biển. Nguyệt Ánh kể rằng gia đình cô rất may mắn, hai vợ chồng, hai đứa con và 2 người cháu chỉ bị thất bại có một lần tháng 3-78. Lần thứ hai, tháng 5-78 đến được Mã Lai. Lần thứ nhất giông bão, thùng dầu rớt xuống biển. Cánh đàn ông say sóng nằm la liệt, chỉ còn mình cô giáo không biết tại sao lại không bị biển hành. Cô giáo đứng lên làm thuyền trưởng lái tàu quay về và thoát chết. Chuyến sau rủ nhau đi ba tàu nhỏ thành đoàn, đến Mã Lai bị kéo ra biển rồi phải đánh đắm tàu mới được nhận vào trại tỵ nạn. Gặp thời gian hết sức may mắn cuối tháng 6 năm 1978 là phái đoàn Úc nhận hết đưa về Tây Úc định cư cho đến ngày nay.

Qua miền đất mới chồng đi cắt cỏ, vợ tình nguyện đi giúp việc không lương cho trường tiểu học.Vừa làm vừa học, cô giáo siêng năng của miền Tiền giang dần dần được tuyển làm phụ giáo rồi trở thành cô giáo trông nom vườn trẻ. Năm 1992, Nguyệt Ánh chính thức đứng ra mở trường Mẫu giáo và trông trẻ. Cơ sở tiến bộ dần dần lên đến 3 lớp và 50 em nhỏ với 8 nhân viên làm việc.

"... Anh chị phải biết rằng ở chỗ của em là thành phố nhỏ, làm ăn như vậy là khá lắm rồi..."



Cô Nguyệt Ánh hăng hái kể lại. Làm việc với các em và phụ huynh là niềm vui và lý tưởng của ngành sư phạm. Nhưng không bao giờ có thể nghĩ rằng cô giáo bị Việt Cộng lên án năm 74 tại quận Bến Tranh mà bây giờ lại trở thành bà hiệu trưởng trường mẫu giáo tại Tây Úc, thành phố ven biển Wanneroo. Hỏi đến chuyện gia đình, Nguyệt Ánh buồn rầu cho biết, từ khi định cư tại Úc thì vợ chồng thêm được một cháu.


Cho đến năm 2004 thì ông xã chia tay. Anh đi đường anh, em đường em. Em thì vẫn ở một mình nuôi con, nhưng anh thì bay bướm đi theo tiếng gọi của cô tài tử ánh đèn sân khấu xa xưa rất vang bóng một thời. Cô Nguyệt Ánh lại tâm sự. Xin anh chị nghe em bày tỏ. Hơn hai mươi năm cố gắng làm ăn, nuôi con, tuy có giao thiệp nhưng toàn trong công việc học đường và nghề trông trẻ. Gặp gỡ các phụ huynh, nhưng em không biết những chuyện xã hội bên ngoài. Cho đến khi vợ chồng chia tay các con mới giúp mẹ mở chương mục ngân hàng rồi tập lái xe để liên lạc ra ngoài. Không ai tin được là làm chủ trường mà đến năm 2004 chưa biết lái xe. Ðường xá bên Úc thì đi lại thong thả, đâu có khó khăn như bên Cali . Nhờ mấy năm sau này, ông chồng bỏ đi, em có cuộc đời tự do khác với ngày xưa như chim nhốt trong lồng, không được phép đi đâu. Ðược tự do nên em có cơ hội đi với phái đoàn Văn khố Thuyền nhân theo chương trình Về bến Tự do tại biển Ðông. Ði tảo mộ thăm viếng 2 lần tại nghĩa trang trên các hoang đảo tỵ nạn ngày xưa. Phải trở về mới cảm thấy thật sự mình đã may mắn biết bao nhiêu.

Rồi cũng nhờ tiếp tục phát triển cơ sở trông trẻ, Nguyệt Ánh đã học được biết bao nhiêu nghề phụ, từ khóa dinh dưỡng thiếu nhi đến phương pháp nấu ăn cho vườn trẻ. Học về vệ sinh mẫu giáo, việc cấp cứu trẻ nhỏ và quan trọng hơn hết là giao tiếp với biết bao nhiêu là gia đình phụ huynh học sinh đủ các sắc dân. Nhân dịp được thành phố trao giải thưởng với bằng khen về Dinh dưỡng an toàn, cô giáo mới được chính quyền biết đến.Thực sự với khả năng của cô giáo miền quê Việt Nam, sinh ngữ Anh đâu có bao nhiêu, nhưng với tinh thần hết sức hăng hái và chịu đóng góp ý kiến, từ những năm trở thành bà mẹ độc thân, Nguyệt Ánh đã mở rộng việc giao thiệp trong xã hội và gặp gỡ giới công quyền địa phương.



Năm 2007 cơ hội rất đặc biệt mở ra như chuyện không ai ngờ được. Ông thị trưởng Wanneroo đi tìm một người sắc tộc thiểu số tiêu biểu để chuẩn bị đưa vào hội đồng nghị viên thành phố thay thế cho các vị hết nhiệm kỳ. Ông tìm gặp lại người phụ nữ Việt Nam đứng tuổi, nhưng hết sức hăng hái và lại được nhiều người biết đến. Chắc chắn Anh ngữ của Nguyệt Ánh không thế nào so sánh được với những người Úc địa phương. Lại cũng không thể so sánh được với những sinh viên trẻ trưởng thành tại Úc vừa tốt nghiệp. Luật lệ tại đây là muốn ứng cử không những phải nộp đơn mà còn phải trải qua một bài thi sơ khảo. Cô giáo Nguyệt Ánh nếu phải thi nói tiếng Úc đúng giọng London thì có thể gặp khó khăn, nhưng cô đã qua được kỳ thi viết. Sau cùng số phiếu tình cảm đã dồn cho bà mẹ trường mẫu giáo hết sức quen thuộc của khu vực miền Nam thành phố. Trong đó có cả phiếu cử tri 18 tuổi ngày xưa đã tốt nghiệp trường vườn trẻ của cô giáo Mỹ Tho.



Tháng 10 năm 2007, cô giáo đóng cửa trường để vào tòa thị chính làm lễ tuyên thệ nhận chức nghị viên. Cô giáo Tiền Giang mặc áo dài hai tà ghép, tay thêu kim tuyến chỉ vàng. Trên vai có khăn quàng màu xanh với hình quốc kỳ của Châu Úc. Rồi cứ như thế, cô xông ra làm việc nước. Hỏi rằng trong năm qua đã làm được những gì. Nguyệt Ánh nói rằng trước hết là dân trong khu vực của mình thì luôn luôn đáp ứng mau lẹ. Còn dân Việt thì bất cứ khu nào cũng gọi ngày đêm. Hiện nay cô là người Á Châu duy nhất được bầu vào chức vụ dân cử miền duyên hải Tây Úc. Không những riêng người Việt mà các sắc dân thiểu số đều gọi đến khi có việc yêu cầu. Dường như di dân có cảm tưởng gặp bà nghị Việt Nam mọi chuyện có vẻ dễ dàng và thông cảm. Nguyệt Ánh rất tin tưởng rằng cô sẽ tiếp tục gặp may mắn trong nhiệm kỳ tới. Biết đâu cô lại có thể trở thành thị trưởng trước khi về hưu.




Tại Hoa Kỳ và trên khắp thế giới, con em Việt Nam chúng ta với tuổi trẻ và tinh thần hiếu học có thể sớm trở thành những mẫu người thành công trên nhiều lãnh vực. Tuy nhiên là phụ nữ đã trưởng thành đến định cư trên quê hương mới với gia đình con cái, ngoài 50 tuổi thì gia đình đổ vỡ. Chưa hề mở chương mục ngân hàng riêng. Chưa biết lái xe. Tất cả như làm lại từ đầu và chỉ có một mình. Năm 2004 mới học lái xe. Anh ngữ mãi mãi vẫn còn âm hưởng Tiền Giang. Ca dao tục ngữ miền Nam vẫn còn thuộc nằm lòng. Vậy mà chỉ có vài năm kể từ khi con sáo xổ lồng, con sáo đã bay cao. Tranh cử có một kỳ vào ngay chức nghị viên. Dù chẳng danh vọng bằng ai, nhưng đi đâu cũng được giới thiệu lên tuyên bố vài lời nhân danh là người dân cử. Trong chỗ riêng tư, cô nghị viên Wanneroo thành thực khai rằng, trước sau cũng chỉ là cô giáo trường làng ở nhà quê lục tỉnh, nay qua Úc về chỗ khỉ ho cò gáy nên may mắn làm bà hội đồng, cũng không hơn hội đồng xã bên Việt Nam. Ðối với cộng đồng Việt Nam tại địa phương tuy không đông đảo như những nơi khác, nhưng cũng vừa đủ để xây dựng tình đồng hương với tinh thần quốc gia vững chắc. Ai cũng tin tưởng vào tấm lòng son sắt của cô giáo Mỹ Tho. Vốn là cô em thứ Chín trong gia đình có đến 6 người chiến sĩ cộng hòa, trong đó có 3 người hy sinh vì tổ quốc. Anh Sáu chết trận Bình Giả, anh Tư chết tại Long Ðịnh và sau cùng anh Tám chết tại Bà Rịa. Dù bất cứ ở phương trời nào thì em Chín cũng không bao giờ quên được sự hy sinh của các anh.

Trong câu chuyện cuối cùng, bèn hỏi rằng Nguyệt Ánh có làm gì đáng kể cho cộng đồng Việt tại Tây Úc. Cô nói ngay là em chuyên trị dẹp cờ đỏ sao vàng và treo cờ vàng sọc đỏ. Các thư viện, trường học, chỗ nào treo cờ theo sách vở là em dẹp hết.


Chuyện Việt Cộng vào ngôi trường tiểu học quận Bến Tranh tháng 4 năm 74 đã làm cô giáo Mỹ Tho rụng rời chân tay. 45 năm sau cô vẫn còn nhớ như ngày hôm qua. Bây giờ, con sáo đã sang sông, con sáo đã bay cao, nhưng mãi mãi con chim sáo của miền Cửu Long vẫn không quên lá cờ vàng, không quên anh Tư, anh Sáu, anh Tám thân yêu của cô đã chết trên quê hương Việt Nam và những thuyền nhân còn nằm lại ở biển Ðông.

Giao Chỉ, San Jose .



No comments: