Wednesday, February 11, 2009

NGUYỄN ĐÌNH LIÊN * TRUYỆN NGẮN

=



=

CÂY CẦU ĐEN VÀ CÔ HỌC TRÒ NHỎ

Truyện ngắn
Nguyễn Đình Liên


Tân không biết cây cầu đó đã được người ta xây lên từ hồi nào, anh chưa đọc được một tài liệu nào và cũng chưa từng nghe ai nói về lịch sử của cây cầu này. anh chỉ biết, khi anh mở mắt chào đời thì đã có nó rồi. Cây cầu bắc qua con sông nhỏ nằm ở phía cửa Đông Thành nội,chạy ngang trước nhà anh. Đó là một con sông đào, từ xưa, người ta đã xẻ con sông Hương từ phía ngã chợ Đông Ba, để đào thêm một nhánh từ đó dẫn một vòng đi ngang qua các làng Bao Vinh, Thế Lại, Kế Môn… rồi tái nhập vào con sông chính ở cửa biển. Con sông hẹp nên chiều dài cây cầu cao tay lắm cũng chừng 150 mét, không kể dốc cầu. Ngoài ra, nếu tính từ 2 con đường ven bờ sông chạy lòn phía dưới thì cây cầu cách mặt đất đúng 5 mét 10. hai bên đầu cầu có xây những bậc tầng cấp bước xuống đường dành cho người đi bộ. Nhà anh nằm sát ngay dốc cầu, nhìn ra phía trước là con sông đào với con đường Huỳnh Thúc Kháng rợp những hàng dừa, con dốc kéo dài khoảng 20 mét thì đụng đến đầu đường Đào Duy Từ nơi tập trung các tiệm nem, tré trứ danh như các tiệm nem Mệ Tôn, nem ông Sạn… cả nước Việt Nam không ai mà không biết, còn phía bên đường Bạch Đằng thì dốc cầu cũng đâm xuống ngã 3 đường Nguyễn Du, nơi có quán chè ông Thân nổi tiếng nhất trong vùng.



Trong đời Tân,. hình như chưa bao giờ anh thấy một cây cầu nào có vẻ kỳ cục và phản mỹ thuật đến như thế Suốt từ tuổi ấu thơ, cho đến khi trưởng thành, cây cầu là một hình ảnh thường trực trong tầm nhìn của anh. Tân đi qua đi lại, chạy nhảy chơi đùa trên đó với đám bạn bè trong xóm không biết bao nhiêu lần. Vậy mà lạ, anh có cảm tưởng là không bao giờ anh quen được với cái dáng kỳ cục của nó.



Tân không hiểu tại sao người ta lại xây được giữa trung tâm thành phố một lối kiến trúc kỳ cục như thế. Toàn bộ cây cầu được lắp ráp bằng những thanh sắc gớm giếc và được nối lại với nhau cũng bằng những cái chốt ốc trông hết sức thô lổ không có một chút thẩm mỹ nào hết . Vài cầu ở giữa dựng đứng lên làm thành một cái khung hình thang mà từ xa nhìn tới nom giống như một chiếc đò đang treo lơ lửng trên không,trông không giống con giáp nào hết.






Lòng cầu chật hẹp, lót bằng ván trên phủ một lớp nhựa đường chỉ vừa đủ cho một chiếc xe ô tô nhỏ đi qua. Vào giữa trưa mùa hè, dưới những tia nắng như thiêu đốt, lớp nhựa đường nóng đến bốc khói khiến mấy chú bé bán cà rem chân đất đi trên cầu vừa nhảy cà tưng vừa chạy như bị ma đuổi. Mặt khác, qua các thời kỳ được tu sửa, mà gần đây nhất móng cầu được đúc bằng 2 bệ xi măng thay cho móng bằng sắc trước kia và vì vậy trông càng không có vẻ gì cân xứng với mấy vài cầu mỏng manh nằm ở trên. Trong thời chiến tranh, cây cầu lại được các nhà quân sự quan trọng hóa bằng cách rào thêm ở móng cầu những cuộn thép gai cộng thêm một cái chốt cảnh sát hàng đêm nằm ở giửa cầu. Tuy đã được tu sửa nhiều lần, nhưng cây cầu trong thực tế vẫn không khá hơn, Tân nhớ, mỗi lần có một đàn bò khoảng chừng chục con đi ngang, thì cây cầu đã thấy đu đưa giống hệt như cái võng.

*



=



Mặc dù chính quyền địa phương đã cẩn thận cho dựng …bản cấm xe ô tô và bò đi qua cầu. Nhưng cấm thì cấm, xe , bò thỉnh thoảng vẫn đi qua và cầu vẫn tiếp tục đu đưa như cái võng. Thật kỳ cục hết chỗ nói… Nét chấm phá cuối cùng nhằm hoàn thiện một cách tột đỉnh (cái ) sự (mà Tân cho là) kỳ cục này chính là lớp sơn đen được phủ lên toàn bộ cây cầu. Và vì thế, cái tên CÂY CẦU ĐEN thường được gìới giang hồ qua lại dùng để gọi một cách đầy ấn tượng thay vì cái tên là CẦU ĐÔNG BA được trịnh trọng ghi ở trên hai tấm bản cắm hai bên đầu cầu nhưng chẳng làm ai chú ý…Có lần, trong một dịp ngồi ở quán chè ông Thân ở đầu đường nguyễn Du với mấy người bạn học, nhìn dốc cầu đổ xuống trước mặt, Tân nói với tụi bạn:”…cây cầu này là một vết nhơ làm hoen ố gần hết một nửa cái thành phố yêu kiều của tụi mình rồi…Nếu ta mà là ông Tỉnh Trưởng thì ta đã cho phá đi, xây một cây cầu khác kiên cố hơn, mỹ thuật hơn….” Xây một cây cầu khác, kiên cố hơn, mỹ thuật là ước mơ của chàng….ước mơ này không phải lúc Tân mới là một anh học trò hay mơ mộng thời trung học, mà sau này vẫn còn đeo đuổi lúc Tân đã trở thành một Sĩ quan ngành công binh.



Anh đem chuyện đó kể vói Diệu Như, cô gái nghiêm trang trả lời: “Em không cần biết chuyện đó, em chỉ biết, nhờ cái cây cầu đen này mà ông anh của em mới qua thăm được bà chị của anh…”
Đó là chuyện của ông anh của Diệu Như với bà chị của Tân, nhưng chuyện của chính họ, giữa anh và cô học trò nhỏ này, cả hai chẳng ai muốn nhắc đến. Anh cũng không để ý đến chuyện đó. Và chuyện đó, hơn 30 chục năm sau, Tân vẫn không biết, là tại làm sao mà anh lại (làm) quen được với Diệu Như. Nhờ ông anh của cô quen với bà chị anh, hay là nhờ cây cầu đen kia ? Có điều mỗi khi nhớ lại cây cầu đen với một nổi bực dọc, thì hình ảnh Diệu Như lại hiện ra. Đó là hình ảnh một cô gái áo dài trắng tóc xỏa ngang vai, mỗi buổi sáng cắp cặp, từ phía đường Bạch Đằng đi qua cây cầu đen…rồi đi dọc theo đường Huỳnh Thúc Kháng lên phố để qua trường Đồng Khánh. Tân nhớ lại hình ảnh đó và tự nhiên cảm thấy một nỗi xúc động thật dịu dàng ở trong lòng. Diệu Như không đẹp, Cô có khuôn mặt của một cô gái thật bình thường và thật thà. Một khuôn mặt trông thật mờ nhạt, dễ chìm lẫn giữa hàng trăm những cô gái, áo dài trắng, tóc xỏa ngang vai với vành nón che nghiêng đi đi về vềmỗi sáng mỗi chiều trên cây cầu Trường Tiền…




Nếu đặt Diệu Như giữa đám đông đó, chắc chắn Tân không bao giờ nhìn thấy được cô gái này, đừng nói chi là có dịp mà làm quen..Tân nhìn thấy Diệu Như, đầu tiên vào một buổi sáng, lúc đứng ở ngoài cửa nhà chờ người bạn đến chở đi học. Tình cờ nhìn lên thì thấy cô học trò nhỏ nhắn này đang đi trên cầu. Anh nhớ lại, khi nhìn thấy Diệu Như lúc đó anh không có một cảm xúc nào hết, anh nhìn cô gái đi trên cây cầu đen này cũng giống lúc anh bân quơ nhìn một o gánh một gánh bắp cồn đang đi qua trước mặt nhà. Vậy thôi. Nhưng đến lần thứ 2, thứ 3 rồi đến lần thứ 4 thì anh mới bắt đầu chú ý. Tân tự hỏi không biết cô học trò đó ở đâu phía bên kia cây cầu đen ? Nhà ở đâu thì chưa biết, nhưng theo hướng đi thì chắc chắn cô gái đó phải học ở trường Đồng Khánh. Trí tò mò bắt anh phải làm một cuộc điều tra về lai lịch của cô nữ sinh mà mỗi ngày xuất hiện trên cây cầu đen khiến anh tự nhiên có một thói quen, là đúng 7 giờ 5 phút mỗi sáng, từ thứ hai đến thứ sáu, anh phải đứng ngoài cửa và nhìn lên …cây cầu. Lúc đó anh mới là một cậu thanh niên 18 tuổi nhiều mơ mộng và đang học lớp đệ nhất, trường Quốc Học. Sau đó không lâu thì Tân biết được tên cô gái là Diệu Như, học lớp Đệ nhị C, trường Đồng Khánh; Nhà thì ở đâu đó trong một ngõ hẻm bên dốc cầu, gần tiệm thuê truyện Nam Cát. Câu chuyện bắt đầu như vậy…



Nhưng đây không phải là một chuyện tình. Mà là một chuyện …đùa
Tân hỏi một thằng bạn về cô gái, cũng ở đâu đó trong con hẻm này, hắn nói về Diệu Như như sau : “Đó là một con mụ …17 tuổi, không đẹp mà lại rất kiêu kỳ…” Anh hỏi như thế nào mà lại gọi là kiêu kỳ ?,thằng bạn cho biết …Hình như chưa có thằng con trai nào nói chuyện được với con mụ nớ một câu.. À ra thế, Tân không biết Diệu Như có thật là kiêu kỳ hay không, thì chưa chắc, chỉ có cái chắc chắn là cô gái đó không đẹp. Hay nói một cách khác, người con gái này không có một nét hấp dẫn để thu hút những thằng con trai khác, (ít ra là dối với anh). Tân không thấy ở Diệu Như điều đó, như bất cứ cô gái nào mà anh từng gặp và đã từng bị hớp hồn, dù rằng anh vẫn có thói quen, mỗi buổi sáng vẫn ra đứng ở cửa để nhìn cô gái đi qua cầu với nắng bay hoa trên tà áo trắng. Nói tóm lại, Diệu Như chỉ là một cái bóng mờ nhạt giữa hàng ngàn cô gái học trường Đồng Khánh khác nghĩa là chỉ có áo dài trắng, tóc xỏa ngang vai và nón bài thơ một cách …chung chung chứ không có một nét đặc biệt nào hết. Con người chung chung như vậy mà không thèm nói chuyện với ai sao ? Con ni …thiệt !!!



Chính vì vậy Tân bắt đầu nghĩ ra một trò đùa.
Đến bây giờ, khi nhớ lại, anh vẫn không hiểu tại sao mình lại nghĩ ra (được) một trò đùa lý thú như vậy ? Phải chăng, trò đùa này phát xuất từ một trí tưởng tượng nhạy cảm nhưng …nhút nhát của một anh con trai mới lớn như anh, hồi đó ??
Anh đứng chực sẵn ngay tại ngã 3 bến tượng, kế tiệm mè xửng Hồng Thuận. Cô gái vừa bước xuống bậc tầng cấp cuối cùng trước cái quán của ông Dương thì anh bắt đầu tà tà đi… trước. Và cứ thế …anh đi. Tất nhiên con đường anh đi là con đường mà cô học trò nhỏ này vẫn đi qua hằng ngày. Bắt đầu thả bước dọc theo đường hàng bè, tức là đường Huỳnh Thúc Kháng lên múi cầu Gia Hội, quẹo phải qua đường Trần Hưng Đạo rồi lên cầu Trường Tiền…Anh lặng lẻ đi, ra vẻ tình cờ mà đi, và ra vẻ chẳng buồn chú ý cách khoảng chừng 10 bước phía sau là cô gái. Ngày nào anh cũng đi đến trường theo một cách như thế. Nếu trên những con đường nắng lấp lánh buổi sáng, mọi người đều biết mất hết, chỉ trừ anh và cô học trò nhỏ kia. Thì…hình ảnh, hai người, anh đi trước và cô gái lẻo đẻo bước theo sau…quả là một hình ảnh đậm nét và đầy …ấn tượng. Tân tự mình thích thú với cái trò đùa lạ đời này. Anh kể lại với mấy thằng bạn thân trong lớp. Cái con mụ Diệu Như ngày nào nó cũng đi theo tau…tụi bây ơi!!!




Chuyện con mụ Diệu Như ngày nào cũng lẻo đẻo đi theo thằng Tân, được truyền miệng từ các lớp đệ nhất trường Quốc Học có thể đã lan truyền đến tận lớp đệ nhị c trường Đồng Khánh. Đúng một tuần sau thì Diệu Như biến mất. Cô gái không còn thấy xuất hiện trên cây cầu này nữa, mỗi buổi sáng…Ít ngày sau Tân mới biết Diệu Như đã thay đổi lộ trình. Thay vì qua cây cầu đen để đi trên đường Huỳnh Thúc Kháng, cô gái đi theo đường Bạch Đằng để lên cầu Gia Hội và đi bằng…xe đạp. Dù trò đùa chấm dứt…Nhưng khi nghĩ lại, Tân vẫn cảm thấy một chút áy náy trong lòng. Anh nghĩ mình đã bày ra một trò hơi quá trớn…
Có một lần, tình cờ…(lần này đúng là tình cờ thật) Hai người đụng đầu nhau ngay trước cửa trường Đồng Khánh vào buổi trưa, tan học. Chiếc Hon Da của thằng bạn chở anh xém tí nữa thì đụng vào bánh trước một chiếc xe đạp trong cả đoàn xe áo trắng từ phía con hẻm bên hông trường đang ào ào túa ra. Tân nhìn lên và nhận ra Diệu Như. Trong một phần 10 giây sau đó, cặp mắt của cô gái cũng đụng vào cái nhìn của anh. Tia mắt lạnh và sắc như con dao bén…Bị vây giữa đoàn quân áo trắng cả hai thằng (mặt mày tái mét) hết đường chạy đành đứng chết trân tại chỗ…



Từ ngày Diệu Như không còn qua cầu áo bay nữa. Tân cũng không còn thói quen mỗi buổi sáng đứng ở cửa mà ngóng cổ lên cầu..
Bóng hình của cô gái cũng dần dần mờ nhạt trong trí nhớ của Tân. Cái dấu tích cuối cùng trong trí nhớ này chỉ còn đọng lại một vết sắc như dao từ đôi mắt mà thỉnh thoảng vẫn còn làm anh …xôn xao.
Một ngày…Bà chị của anh, mặt mày hầm hầm đưa cho anh một tờ giấy.
-Mi đem qua trả lại cho hắn giùm tau, nói…tau không thèm nhìn cái mặt mo hắn nữa…
Hắn ở đây là cái thằng bồ của bà chị anh. Hai anh chị này cứ lâu lâu gây lộn một lần, mỗi lần kéo dài chừng hai ba ngày, thường thường sau đó thằng này giảng hòa bằng cách gửi đến cho em một lá thư thật mùi mẫn. Nhưng lần này coi bộ hơi căng. Lá thư bị trả lại.
-Đem qua mô ??
-Mi đem qua nhà hắn mà trả cho hắn chớ đem qua mô ???
-Nhà hắn ở mô ???
-Trong cái hẻm bên dốc cầu..gần tiệm cho thuê truyện Nam Cát, cái số nhà ni nì…
-Răng chị không đem qua ???
-Tau mà vác mặt đi qua gặp hắn thì chi bằng đừng trả hay hơn !!!
-Được rồi nhưng có chờ thư …trả lời không ???
-Hả ??? chờ hả ?? nì, mi cầm 500 đồng mà đi coi ci nê, liệu mà tính… răng coi cho được thì thôi




Tân hớn hở (và xớn xác) với 500 đồng trong túi và lá thư (bị trả lại) trong tay đi qua cây cầu đen, không hề nghĩ rằng mình đang đi vào một khúc quanh khắc nghiệt. Đó là một căn nhà vuông vắn với một căn gác bằng gỗ, sơn màu xanh nhạt, một tầng tam cấp bước lên trước cánh cửa to kềnh trông rất hắc ám. Nhìn lại một lần nữa cái số nhà treo phía trên cho chắc ăn, xong Tân thò tay gõ vào cánh cửa. Đúng lúc một luồng khí lạnh chợt xuất hiện dọc theo cột xương sống anh. Anh vừa nghĩ ngay đến một điều..nhưng không còn kịp nữa. Cánh cửa lớn mở ra. Một khuông mặt hiện ra trước anh, nhìn anh với cặp mắt sắc lẻm: Diệu Như…
Khi nhớ lại giây phút thảng thốt này, đến cả tháng sau, anh vẫn còn một cảm giác y như hồi đó. Anh đỏ bừng mặt, không còn nhớ gì nữa, chỉ lúng búng nói trong miệng vài câu khó hiểu, đưa nhanh lá thư cho cô gái rồi xoay lưng đi ra đường…
Anh không bao giờ ngờ Diệu Như là em gái của của cái thằng đang cặp kè bà chị mình. Và điều sai lầm lớn nhất của anh lúc đó là không nói rõ (cho Diệu Như) về lá thư này. Cái lá thư tình mùi mẫn này, thay vì được trả lại cho khổ chủ là tác giả của nó thì lại được đưa cho đứa em gái của hắn mà không một lời giải thích.



Sự ngộ nhận này tất nhiên kèm theo biết bao sự rắc rối khác kéo dài đến cả mười lăm ngày sau mới được làm sáng tỏ. Nhưng cũng nhờ đó cái thằng anh của Diệu Như và bà chị anh mới làm lành được với nhau. Và cặp này sau đó có sáng kiến mời anh và Diệu Như đi làm một chầu kem Đào Nguyên ở đường Hàng Bè trước để trả ơn, sau để giãng hòa. Anh quen được với cô gái này từ đó…

Cái gạch nối giữa hai người, thật mơ hồ, vì thế không thểâ coi đây là một mối tình. Nhưng đó là cái gì thì anh cũng không hiểu rõ. Hình như đó chỉ là một sự lơ lửng, nửa chừng không đầu không đuôi. Nó thiếu hẳn nét hấp dẫn của sắc đẹp và sự nóng bỏng của trái tim. Và thật sự, trôngnó hết sức tầm thường, nhạt nhẻo. Tầm thường như những lần gặp gỡ không cần thiết, đến mức nhàm chán, tầm thường như cây cầu đen, hằng ngày vẫn hiện diện trước mắt anh, nhưng không gây cho anh một xúc động nào…

***
Ba mươi năm sau. Ở trên xứ người dù bóng hình của cô gái Huế Diệu Như có phai nhòa đi trong trí nhớ của Tân, nhưng mỗi lần nghĩ về nơi chốn cũ, ngôi nhà, dòng sông, cây cầu …, anh vẫn thấy trái tim mình chợt gợn lên một chút …khó hiểu..

Cho đến một ngày thì anh quyết định trở về thăm lại nơi chốn cũ.
Mọi sự thay đổi đến không ngờ. Cách đây gần 40 năm, ngồi trong quán chè ông Thân, Tân đã ngồi vẽ ra trong trí tưởng của anh một đồ án về một cây cầu hiện đại, mỹ thuật để thay thế cho cây cầu đen gớm giếc đó. Bây giờ khi anh đứng bên bờ con sông nhỏ này. Anh không còn nhận ra mình đang đứng ở đâu nữa. Một cây cầu như anh đã từng nghĩ đến đã xuất hiện trước mặt anh, hoành tráng, hiện đại nằm trong một không gian rộng mở đến ngút mắt. Dãy nhà trên hai con đường Huỳnh Thúc Kháng , Bạch Đằng chạy dọc hai bên bờ sông đã bị xóa sổ, Thay vào đó là một dãy khu thương mãi bề thế mà chủ nhân của chúng là những công ty nổi tiếng nước ngoài.



Anh bước vào lề đường, ngồi xuống cạnh một xe bán nước sinh tố nhìn ra con đường nới rộng khác hẳn trước kia, dù bây giờ vẫn còn mang tên cũ. Con đường Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh anh là con dốc cầu (mới) lài lài làm thành một ngã ba đi về hướng cửa Đông Ba và khu Bến Tượng cũ. Mọi thứ đều thay đổi, chỉ có cổng thành Đông với bờ tường cũ kỷ và những vết lở lem nhem vẫn còn nhận ra nhưng trông có vẽ không có chút cân xứng hòa hợp với cảnh quang phía trước. Tân cảm thấy rùng mình, một cảm giác khó hiểu đang từ từ len lỏi vào trong từng mạch máu và chảy về trái tim anh. Cây cầu mới này không khác gì với cây cầu trong trí tưởng của anh hồi đó. Nhưng hình như anh nhận ra một điều gì không ổn. Giữa hoài niệm của anh và cái hiện thực trước mắt bây giờ đã trở thành một hình ảnh tương phản bất ngờ, xảy ra như một cú xốc đột ngột …



Buổi chiều đến từ phía cổng thành Đông. Vạt nắng đâm bổ xuống rồi hắt lên thành một màu đỏ ửng buồn rầu trên những đám mây gờn gợn bay từ phía biển. Quay lại phía sau, dưới ánh nắng ngược, cái cổng thành giống như một cái bóng cục mịch, đen đúa nhô lên cô đơn giữa bầu trời.
Mải đến uống gần xong ly nước sinh tố, Tân mới nhận ra, chỗ anh ngồi trên lề đường bây giờ là đầu con đường Đào Duy Từ ngày trước. Tân nhắm mắt lại và nhìn thấy cái vật mà cách đây hơn 30 năm về trước anh không bao giờ muốn nhìn thấy: cây cầu đen.
Anh nhìn thấy nó và con đường chật hẹp đầy ổ gà chạy qua trước mặt nhà mình. Con đường với một dãy nhà của tuổi ấu thơ lúp xúp chạy dài xuống ngã 3 gần lò sát sinh A Ba Toa. Anh nhớ mọi thứ trên con đường đó. Những người thân, những người bạn của mình những người đã chết hay còn sống. Anh nhìn thấy cây cầu đó và lạ thay trong trí nhớ anh bây giờ cây cầu không còn xấu xí như lúc trước.Nó sáng lên giữa những hình ảnh cũ, những hoài niệm, và đi vào trí nhớ anh một cách đơn giản và dễ dàng, đơn giản như mọi người đang hít và thở để mà sống…không cần phải tô vẽ màu mè, với những kiểu cách hoành tráng hay đầy nghệ thuật. Anh thấy mình đang đứng trên cây cầu, nhìn xuống ngôi nhà của mình phía dưới. Cách đó vài căn là Tiệm La Ngu, rồi đến căn nhà Mệ Thầy, bán thuốc Tể, cạnh đó tiệm bán bánh ngọt của ông nghè Đờn có thằng Hùng và tiệm ông Bối có thằng Phú ròm. Anh nhớ 2 anh em thằng Khôi và thằng Sơn ở tiệm Hồng Thu ở phía dưới một chút…Bọn chúng đã từng đá banh trên vĩa hè vói anh hằng đêm. Sau đó Thằng Hùng chết trên một mặt trận đâu đó trong Nam. Thằng Sơn và thằng Khôi thì bỏ mình phía Tây Nam Huế. Tội nghiệp..Hai anh em thằng này chết chỉ cách nhau chừng vài tháng.. Anh như nhìn thấy dòng sông trôi im lặng dưới chân mình và những vạn đò lấp lánh ánh đèn ở hai bên bờ kéo dài lên thấu cầu Gia Hội..Trong trí nhớ quen thuộc anh lại mĩm cười khi thấy mình đang đứng ở ngoài cửa nhà nhìn lên cây cầu đen buổi chiều các cô học trò trường Nguyễn Du đi học về. Anh thích thú khi nhớ lại cái thói quen này và cố gắng nhìn lại thật gần những khuông mặt đó. Rồi anh nhớ đến những buổi sáng, những buổi sáng…và đột nhiên anh nhớ ra…





Và anh mở mắt ra khi có người nào đó đụng vào người anh. Một người công an đang huơ tay chạy về phía anh, miệng la lớn đi đi …
Tân cùng vài người ngồi uống sinh tố lật đật đứng dậy trả tiền rồi chạy dạt về phía sau. Anh nhanh chân nhảy vào một cửa tiệm gần đó trước khi những tay công an kéo đến. Từ trong cửa kính nhìn ra, anh nhìn phía bên dốc cầu ngay ngã 3 gần Bến Tượng. Một đám đông đang tụ họp với một vài biểu ngữ trên tay.
-Chuyện chi rứa anh ?
Tân hỏi một người đàn ông lớn tuổi đứng bên cạnh. Người này nhìn Tân có vẽ ngạc nhiên
-Bộ anh là Việt kiều mới về nước hay răng mà không biết ?
Anh ngẩn người ra, đúng là một thằng ngố. Thấy anh có vẽ ngố thật, người đàn ông cười, nói
-Đám đông đang tụ tập đó là những người trước kia sống hai bên bờ sông này, Bên kia đường có Bạch Đằng, bên này là có đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Đào Duy Từ. Khi nhà nước giải tỏa khu vực này để xây lại cây cầu Đông Ba, họ được đền bù một số tiền nhưng nghe nói việc đền bù không được thỏa đáng sao đó, nên thỉnh thoảng họ tập trung đòi thưa kiện …Chuyện thưa kiện này kéo dài cả mấy năm trời, Thành phố đỗ thừa cho Tỉnh, Tỉnh lại bán cái cho thành phố, cứ vòng vo mà không ai chịu giải quyết,thành ra cứ biểu tình kêu oan hoài, mà mỗi lần biểu tình kêu oan thì công an lại phải mất công ra tay dẹp…Có khi dùng cả vòi rồng, dùi cui hay lựu đạn cay nữa…Chuyện ni là chuyện thường ngày…ở huyện.





Đám đông khoảng 50 chục người hầu hết là đàn bà. Khoảng 500 cảnh sát cơ động phối hợp với công an phường Phú Hòa, tổ dân phòng khu vực ào ạt kéo đến đã vây họ vào giữa. Anh biết, thật ra chẳng có gì phải khiến cho 500 người công an đó phải lo lắng đến như vậy. Những người đàn bà tay yếu chân mềm này chỉ làm cái việc mà họ cần làm. Họ tập họp có trật tự, không hề gây trở ngại lưu thông công cộng, họ cũng không hề đòi ông Tổng bí thư đảng hay ông Tỉnh Ủy Tỉnh Thừa Thiên phải từ chức, hay phải lật đổ chính phủ. Họ chỉ muốn việc thưa kiện của họ phải được giải quyết cho công bằng và hợp lý. Vậy tại sao không ai chịu nghe họ ??? Từ cửa kính Tân nhìn thấy một người đàn bà đang nói cái gì đó trước đám đông đang vây chung quanh. Tân không thấy rõ khuôn mặt người đàn bà đó cũng như nghe được bà ta nói gì Tân quay lại hỏi người đàn ông
-Người đàn bà đó là ai vậy ??
-Bà đó là người cầm đầu vụ kêu oan khiếu nại này. Phải nói đó là một tay ghê gớm, bà ta đấu lý ra rả cả buổi với đám Thượng Tá, Đại Tá Công an Thành Phố tỉnh bơ. Ngày nào cũng bị kêu lên kêu xuống trên đồn Công An.
-Anh biết rõ như vậy sao ?
-Không chỉ có tôi, cả thành phố này ai cũng biết người đàn bà đó. Đó là một nhà văn, một luật sư nổi tiếng nhất ở đây, mà cũng không chỉ ở đây, khắp cả nước ai cũng biết. Ghê lắm !!!
-Bà ta tên gì vậy ?
-Tên là Diệu Như..



Trong bóng đêm, Tân đứng nhìn giòng sông trôi trước mắt mình và cảm thấy một nỗi xúc động thật dịu dàng đang lan dần trong trí tưởng của anh. Và, bây giờ không cần phải nhắm mắt lại, anh vẫn thấy cây cầu đen ở phía bên anh. Toàn bộ cây cầu được lắp ráp bằng những thanh sắc gớm giếc và được nối lại với nhau cũng bằng những cái chốt ốc trông hết sức thô lổ không có một chút thẩm mỹ nào hết . Vài cầu ở giữa dựng đứng lên làm thành một cái khung hình thang mà từ xa nhìn tới thấy như một chiếc đò đang treo lơ lửng trên không,trông thật không giống con giáp nào hết. Lòng cầu lót bằng ván trên phủ một lớp nhựa đường, và rộng vừa đủ cho một chiếc xe ô tô nhỏ đi qua. Vào giữa trưa mùa hè, dưới những tia nắng như thiêu đốt, lớp nhựa đường nóng đến bốc khói khiến mấy chú bé bán cà rem đi chân đất trên cầu vừa nhảy cà tưng vừa chạy như bị ma đuổi…Anh nghĩ đến đó bật cười lên trong lúc nước mắt thì rưng rưng ở lưng tròng.
Anh nhớ về cây cầu một thời anh đã từng chống nó. Cũng như nhớ về hình ảnh cô gái một thời anh đã coi thường.



Anh không tiếc cho cây cầu đã biến mất, cũng như anh không bao giờ tiếc nuối những ngày trẻ trung của anh. Cây cầu đó cùng với tuổi thanh xuân của anh, theo thời gian sẽ không còn tồn tại. Đó là một quy luật. Anh chỉ tiếc cho mình lúc trước đã có những đánh giá sai lầm. Anh quá coi trọng cái bề ngoài của một sự vật mà quên đi cái giá trị bên trong vĩnh cửu của nó.
Chỉ có anh mới là một con người tầm thường và xấu xí…

=
Nguyễn Đình Liên
Salt Lake City 12/2006




==

No comments: