Thursday, February 12, 2009

PHƯƠNG LAM * NGƯỜI LAO ĐỘNG VIÊT NAM ĂN TẾT

Lao động nghèo đón Tết ra sao ?
Posted by Quản trị on January 24, 2009




Lao động nghèo đón Tết ra sao ?Cần Thơ: Hàng trăm công nhân tụ tập phản đối giảm tiền thưởng TếtTết này đành lỗi hẹn với quê nhàThất nghiệp mang nghèo về quêVùng cói xứ Thanh : Tết chưa về quê nghèo
Lao động nghèo đón Tết ra sao ?BBC 24 Tháng 1 2009 - Cập nhật 07h08 GMTPhạm Khiêmhttp://www.bbcvietnamese.com/

Năm nay Việt Nam ăn Tết ra sao ? Hãng tin AFP viết bài kể về hoàn cảnh khó khăn của một phụ nữ bán hàng rong, khi cả con trai và con dâu bị nghỉ việc, do hãng xưởng ngưng sản xuất.
Báo điện tử Vietnam Net tới thăm chợ người ở đầu cầu Mai Động, khi công việc khan hiếm trong năm đã khiến cho dân ‘cửu vạn’ ngạc nhiên. Một số người tính đi ăn xin để có đủ tiền tàu xe về quê.


Còn Vnexpress.net chụp bộ ảnh miêu tả người Hà Nội tranh nhau mua giò chả, bánh chưng tại một cửa hàng phố Hàng Bông. Tờ báo điện tử cũng đưa tin về chợ hoa Tết tại đường Nguyễn Huệ ở tp Hồ Chí Minh.



AFP kể về Tết ở Hà Nội

Ngồi gọn trên hè phố đông người qua lại ở Hà Nội là một phụ nữ bán hàng rong. Bà Lan, 43 tuổi, có ba người con. Trông bà khá tiều tụy. Gánh hàng của bà bán hạt dẻ và lạc luộc. Nói chuyện với phái viên AFP, bà Lan kể lại:

“Con dâu của tôi vừa mất việc tại xưởng may ở tp Hồ Chí Minh. Đứa con trai nói ăn Tết xong nó không vào lại trong đó, vì công việc dạo này ít, lương trả thấp, không đủ sống.”
“Cuộc sống ngày thêm khó khăn vì cái gì cũng đắt.”

Đường phố Hà Nội có vẻ tấp nập hơn trong những ngày cuối năm.Tết là dịp các thành viên của gia đình đoàn tụ, đi thăm mộ, tặng quà, cho tiền lì xì. Hay tới chùa để xin quẻ may mắn trong năm mới.
Nhiều nút giao thông bị tắc ngẽn khi các tốp xe máy nối đuôi nhau chở đồ ăn Tết. Như thực phẩm, bia rượu, cành đào, chậu quất. Hai thứ sau là vật tượng trưng cho lộc và tài trong năm mới.




( hàng rong và siêu thị ế ẩm)

Đó là trên mặt phố. Bước chân vào cửa hàng, người ta không thấy sự nhộn nhịp như hàng năm. Nguyễn Thụy Hương, chủ tiệm thời trang, than phiền doanh thu của cô giảm 30 phần trăm. Đã thế người mua còn trả giá lên xuống. Theo cô kể từ đầu năm ngoái, cuộc sống trở nên khó khăn hơn.
Bà Lan, người bán hàng rong, nói tuần trước, người con trai 23 tuổi của bà gia nhập đội quân tìm việc thời vụ ở chợ người. Theo bà, anh ta buộc phải làm bất cứ việc gì để có tiền. Còn con dâu bà chấp nhận ở quê coi nhà cửa, ruộng đồng. Gánh hàng rong giúp bà kiếm được khoảng 35 nghìn đồng mỗi ngày.




Vietnam Net thăm chợ người

Những ngày cuối năm tại chợ người đầu cầu Mai Động, theo phái viên báo điện tử Vietnam Net, dân làm thuê đã giảm đi rất nhiều.
Còn khoảng 10 người nấn ná chưa chịu đi. Một số người đã bỏ về quê trước đó. Những người còn lại đi tìm việc trong hoàn cảnh công ăn việc làm đang lúc khó khăn. Người mong kiếm thêm chút tiền để mua quà cho con, người khác nói họ chỉ cần đủ tiền mua vé xe là lên đường về nhà ngay lập tức.



(Trẻ con bắt cá ăn Tết)


Dù những người này chỉ mong công việc lặt vặt quanh chợ hoa Kim Ngưu, như vác hộ cành đào, bưng giùm chậu quất, công việc sao mà hiếm. Có người so sánh được ai đó chở đi chỉ để sai vặt thôi là tương đương với trúng số.



Một thanh niên tên Thu tâm sự: “Thèm về nhà ăn Tết quá. Nhìn thấy người ta mua sắm nhớ nhà lắm. Cả năm có mỗi dịp này là gia đình xum họp đầy đủ. Nhưng về nhà cũng phải mua cho con gái đôi dép, cái kẹp tóc chứ chả nhẽ lại về tay không.”



Đối với Thu ngay cả tiền xe cũng chưa có, làm sao có tiền để mua quà cho con.
Một người tên Dũng, chỉ mong kiếm mấy chục ngàn để mua vé tàu xe. Và mấy ngày qua anh chưa có việc. Anh tâm sự: “Suốt mười năm làm việc ở đây, chưa bao giờ ít việc như năm nay”.
Việc hiếm, trong khi chi phí sinh hoạt chốn đô thành gia tăng. Thì những người nghèo tìm cách cắt giảm chi phí. Thay vì ngày ăn ba bữa, giờ họ ăn hai. Và đi ngủ đường. Hai biện pháp này cũng tiết kiệm cho họ được 20 ngàn đồng mỗi ngày.



Đến 29 Tết, dù kiếm được tiền hay không, tất cả mọi người đều phải về quê. Đây là tục lệ bắt buộc, vì cái Tết mang nhiều ý nghĩa đối với họ. Năm ngoái một số người kiếm được kha khá. Năm nay ai cũng nghèo hơn, đã thế việc lại hiếm. Tiền không có, có người tính đến cách đi ăn xin.
Vnexpress phóng sự bánh chưng




Trong hình ảnh tái hiện lại thời bao cấp, báo điện tử Vnexpress.net đăng chùm ảnh người Hà Nội xúm nhau mua bánh chưng bên ngoài một cửa tiệm giò chả ở phố Hàng Bông.
Cảnh chen lấn, xô đẩy khi mua các mặt hàng khan hiếm, như đường sữa, muối, gạo, hay xảy ra dưới thời bao cấp. Kể từ khi Việt Nam đối mới, và nhất là trong năm, mười năm trở lại đây, kinh tế thị trường hầu như giải tỏa những thắt nút cổ chai trong việc sản xuất và phân phối, hàng hóa dồi dào hơn, người dân hầu như quên mất cụm từ này.




Nhưng khi hàng khan hiếm, người Hà Nội nhất định không quên kỹ năng thời xa xưa, đó là không cần xếp hàng, chỉ dùng chen lấn để mua bánh chưng.
Khoảng chục người, mặc áo dày để tránh giá rét mùa đông, tay cầm tiền lăm lăm, bủa vây một chiếu bánh chưng, trải ra ngay trên vỉa hè, xung quanh người xe qua lại như mắc cửi.
Từng bao tải bánh chưng được kéo nhanh trên xe xuống. Dù mỗi chiếc giá 50 chục ngàn, bánh bán khá chạy. Có người phải đợi 10 phút mới ‘may mắn’ chạm được vật được coi là ‘thần kỳ’. Mọi việc ầm ĩ như ‘mổ bò’ diễn ra ngay trên hè phố.


(Trẻ con gói thuê bánh mứt ngày Tết)



Ông Trương ngậm ngùi tâm sự: Chúng tôi già rồi, lại không có gia đình, con cái gì nên tự nhủ phải cố gắng tiết kiệm để có chút tiền lo hậu sự sau này. Chúng tôi không muốn phiền hà đến bà con xung quanh.


Và để có chút tiền dành dụm lo cho cái phần hậu sự mai sau ấy, ngoài việc phải trả tiền nhà hằng tháng, hai anh em gần như không dám ăn, không dám tiêu pha gì. Khi Tết đã cận kề, để có tiền về quê mà không phải tiêu vào khoản tiền dành dụm, hai anh em phải đi sớm và về muộn hơn, con đường cũng dài hơn, len lỏi vào những ngõ hẻm sâu hơn để kiếm thêm tiền về quê tiêu Tết.



Nói đến chuyện về quê, ông Trương nhìn xa xăm: Tết về quê tốn tiền thật nhưng chúng tôi vẫn cố về vì không muốn bàn thờ ông bà, tổ tiên lại lạnh ngắt không khói nhang trong đêm giao thừa.
Cũng giống như anh em ông Trương, vợ chồng ông Phùng Hữu Thưởng (Phú Yên) cũng tranh thủ những ngày cuối năm kiếm tiền để về quê tiêu Tết. Nhưng khác với anh em ông Trương, ông Thưởng cho biết, vợ chồng ông chỉ vào Sài Gòn bán vé số mấy tháng cận Tết, khi việc ở quê đã vãn. Tranh thủ mấy tháng, kiếm ít tiền cho Tết rồi lại trở về.



Chật vật đường về quê
Ngày cuối cùng của năm, chị Lương Thị Hoài mới sửa soạn để về quê. Ve chai mấy tháng cuối năm xuống giá thê thảm, cả ngày trầy trật ngoài đường nhưng số tiền kiếm được chẳng đáng bao nhiêu. Với cái giá ve chai như năm nay, chị cho biết số tiền kiếm được chưa bằng nửa năm ngoái, trong khi đó thì giá cả mọi thứ đều leo thang khiến cuộc sống của những người như chị vô cùng khốn khổ.
Chị cho biết, rất nhiều người cùng đi ve chai với chị đã bỏ về quê cả hai tháng trước do mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn, chẳng đủ tiền ăn, tiền nhà. Còn chị, sở dĩ còn ở lại vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Ở quê, ruộng không có nên hai vợ chồng phải đi làm thuê kiếm sống. Nhưng công xá ở quê chẳng đáng bao nhiêu, lại ít việc nên chị quyết định xa chồng, xa con vào Sài Gòn kiếm sống. Nếu chị về sớm thì cũng chỉ ăn chơi vì thời gian này ở quê không có việc. Chính vì thế chị quyết định ở lại, kiếm được đồng nào hay đồng ấy.



Và để có tiền gửi về hằng tháng cho mấy bố con ở nhà chị đành phải chấp nhận sống kham khổ tằn tiện. Chị tâm sự: Ve chai ế ẩm nhưng cũng kiếm được đồng ra, đồng vào chứ về quê thì lấy đâu ra. Thôi thì mình chấp nhận hi sinh một chút cho chồng con ở nhà đỡ khổ là được rồi.
Vì kiếm được đồng nào chị lại dành dụm gửi cho chồng con hết nên đến ngày cuối cùng của năm, chị mới đủ tiền để lo liệu tàu xe về quê sum họp với chồng con.
Cũng giống như chị Hoài, chị Phan Thị Ái đang cố gắng để có mặt ở nhà vào đêm giao thừa. Từ Nam Định, chị theo một người bà con vào Sài Gòn bán trái cây dạo để có tiền gửi về lo cho mấy đứa em ăn học.


Đã 3 năm rồi chị chưa về quê, trong khi đó mẹ ở nhà lại đang ốm nên cái khát khao được về quê trong chị càng cháy bỏng. Nhưng với tình hình buôn bán khó khăn như hiện nay của chị thì đường về quê dường như vẫn còn xa vời vợi. Chị bảo chỉ khi nào chắc chắn ngồi trên xe rồi mới biết có về hay không.



Thôi đành lỗi hẹn với quê hương


Đó là nỗi niềm của những người ở lại, biết chắc chắn rằng dù có cố gắng mấy cũng không thể sum họp với gia đình vào dịp cuối năm. Để có chút tiền gửi về quê cho những người thân tiêu Tết, họ chấp nhận ở lại Sài Gòn dù biết rằng ở lại sẽ là buồn tủi và nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Thùy tâm sự: Đi làm cả năm nhưng chẳng dành dụm được bao nhiêu nên đành chấp nhận ở lại để chút tiền xe đó gửi về quê cho mẹ sắm Tết. Vậy là lại một cái Tết nữa không được sum họp với gia đình.


Nhớ lại những cái Tết nơi xứ người chị Thùy vẫn còn thấy rùng mình. Đêm giao thừa, mấy chị em cùng cảnh xa quê quây quần lại chỉ còn biết nhìn nhau khóc. Sáng mùng một, gọi điện về cho mẹ thì hầu như cả mẹ cả con chẳng nói được bao nhiêu vì còn lo khóc. Nghĩ đến Tết, chị không thấy vui mà chỉ thấy sợ vì đấy là lúc để những người như chị nhìn rõ nhất cái tủi cực của kẻ tha hương.
Đó không chỉ là tâm trạng của chị Thùy mà là tâm trạng của biết bao nhiêu người dân nhập cư phải ở lại TP.HCM khi Tết về. Và những ngày đó, nhiều người vẫn ra đường đi làm như là một cách “bắt” mình bận rộn để quên đi nỗi nhớ nhà, để tự lừa mị mình quên đi nỗi niềm tha hương ngày Tết.



* Hà Dịu


Tiền Phong, Thứ Bảy, 24/01/2009, 11:29

Thất nghiệp mang nghèo về quê

TPO - Từ quê nghèo ra thành thị kiếm việc làm, trở thành công nhân, bây giờ mất việc lại về quê nương nhờ ruộng đồng. Ở quê đang cảnh khó khăn, người quê cũng khó cưu mang…


Về quê kiếm đường




Vợ chồng chị Trần Ngọc Mai, ở khu 3, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đang tá túc nhà mẹ ruột. Trước đây, vợ chồng chị lên TP HCM, chị may mũ xuất khẩu, chồng làm công nhân xây dựng. Chị Mai kể: “Lương của tôi khoảng 1.200.000đ/tháng, gần Tết hàng không xuất được nên hết việc. Chồng tôi cũng không còn việc. Vợ chồng con cái phải kéo về nhà mẹ ruột, phụ giúp cha mẹ già, sống qua ngày”.





Vùng nông thôn, tình cảnh người nông dân đi làm công nhân ở thành thị rậm rịch về thật buồn. Chỉ ấp Hòa Đức, xã Hòa Tú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã có vài trăm người đi làm công nhân tại TP HCM.
Anh Dương Văn Trường cho biết: “Tôi làm công nhân xây dựng ở quận 9 (TP HCM). Mới đầu, nhu cầu xây dựng nhiều, tăng ca nên mỗi tháng lĩnh 1.800.000 đồng. Làm nhiều cực nhiều nhưng có tiền gởi về cho vợ con. Sau này, việc ít, không trụ nổi, phải về”. Nhà không ruộng đất, anh Trường phụ vợ chạy chợ.





Bên cạnh anh Trường là gia đình anh Dương Văn Khánh, anh ruột của anh Trường. Gia đình anh Khánh có hơn 10 công đất trồng lúa, nuôi tôm nhưng thất bại, cầm cố cho người khác, cả nhà vợ chồng và 3 đưa con kéo nhau đi làm công nhân may. Gần Tết kéo nhau về và bảo về luôn, trên thành phố thiếu việc làm không sống nổi. Còn về nhà sống thế nào thì tính sau.
Anh Trần Văn Xây ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) làm công nhân xây dựng ở Bình Dương, vừa về quê. Anh Xây kể: “Chúng tôi xây dựng khu dân cư. Ông chủ nói xây nhà không bán được, ngưng thi công, không có việc làm tiếp, chúng tôi phải tứ tán tìm việc. Nhưng người đông việc ít, rất khó tìm việc, nhiều người chỉ còn biết về quê kiếm đường sống”.



Ở quê lắt lay



Bà Lâm Thị Hên ở xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đang vác lúa chất thành đống bên Quốc lộ 1A, chờ người mua. Chị Hên cho biết: “Lúa hạt dài, phơi khô rang mà người ta trả giá 2.700đ- 2.900đ/kg. Tôi ráng chờ bán hết lúa, xoay xở cho qua Tết. Mấy thằng con tôi đi làm công nhân trên thành phố kéo về hết rồi. Cả xóm tôi, người đi làm trên thành phố về hết luôn”.
Ông Trần Văn Sáu ở ấp Bào Vũng, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) mấy năm nhờ các con lên các khu công nghiệp ở Bình Dương làm công nhân. Ông Sáu thở dài: “Mấy đứa con tôi vừa điện về cho hay, chờ lãnh lương Tết rồi về luôn, không có việc làm. Tụi nó nói dạo này làm bữa đực bữa cái, không đủ sống.”





Ở khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới, cạnh khu công nghiệp Trà Nóc Cần Thơ, bà Trần Thị Thêm 67 tuổi có cháu làm công nhân nghỉ việc về nhà đã hơn tháng. Bà ngậm ngùi: “Cháu nó tên Lâm Ngọc Chuyện, mẹ mất sớm, cha có vợ khác, ở với tôi từ nhỏ. Mò cua bắt ốc mà lớn lên, mới được nhận vào làm việc ở Cty PATAYA trong khu công nghiệp Trà Nóc ít lâu thì bị cho nghỉ”.
Bà làm 2 công ruộng, vụ trước chi phí hơn 4 triệu đồng, thu hoạch chỉ được hơn 1 triệu đồng. Vụ đông xuân, vừa gieo sạ lại chết hết, may nhờ chòm xóm cho giống gieo lại.



Ở gần nhà bà Thêm, chị Trần Thị Bé Tư cũng là công nhân của Cty PATAYA mất việc hai tháng nay. Chồng chị bốc vác ở khu công nghiệp Trà Nóc đang khi có việc khi không. Chị Tư muốn đi làm mướn nhưng quê nghèo, không ai mướn làm gì cả. Chị kể, hai tháng rồi nhà chị chưa được ăn thịt. Hàng ngày, chị mò cua bắt ốc để lo cái ăn. Chị hy vọng: “Công ty bảo sau Tết sẽ kêu đi làm lại, không biết sao nữa, nếu thế này mãi chắc đứa con phải nghỉ học”.





Hai mẹ con chị Thủy ở phường Thới Long (Ô Môn, Cần Thơ) cũng vừa thất nghiệp ở nhà máy chế biến thủy sản. Nhà nghèo, không có đất sản xuất, được ít tiền dành dụm ăn đã gần hết.
Chị nói: “Gắng ra Tết coi có chỗ nào kêu đi làm. Đứa con gái có mối lái Hàn Quốc, Đài Loan dạm mãi nhưng tôi từ chối, ra Tết không có việc chắc phải tính đường cho nó đi cho bớt khổ”.





Tiến Hưng-Kiến Giang
Tiền Phong, Thứ Bảy, 24/01/2009, 12:01


Vùng cói xứ Thanh : Tết chưa về quê nghèo



TPO - Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu này, chúng tôi trở lại những xã nghèo nhất ở vùng cói Nga Sơn và nhận thấy không khí Tết nơi đây đang còn xa lắm.
Ba năm trở lại đây, cây cói nguyên liệu và các sản phẩm từ cây cói Nga Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) gặp muôn vàn khó khăn vì thị trường tiêu thụ không ổn định. Hàng chục nghìn nông dân ở vùng cói Nga Sơn- huyện trồng cói lớn nhất xứ Thanh lao đao trong cuộc vật lộn mưu sinh.
Bước chân đến thị trấn huyện Nga Sơn, chúng tôi đã thấy tràn ngập không khí mua sắm Tết, với cảnh hàng tết nhộn nhịp như thành phố. Nhưng khi về đến các xã chuyên canh cây cói của huyện Nga Sơn, thì không khí Tết lại hoàn toàn ngược lại.




Ngồi trong trụ sở UBND xã Nga Tân- một trong những xã nghèo nhất huyện Nga Sơn khi thừa khắc giao thừa của Tết cổ truyền Kỷ Sửu chỉ còn tính từng ngày, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy mùa xuân đến với nơi đây.
Ông Phạm Hồng Quân- Phó chủ tịch UBND xã Nga Tân cho biết: “Hiện nay xã có 1.736 hộ (với 7.656 nhân khẩu), trong đó có 757 hộ nghèo với 3.953 nhân khẩu, nhưng nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì phải hơn 90% số hộ ở đây thuộc diện hộ nghèo.
Toàn xã hiện có 320 ha đất nông nghiệp chuyên trồng cói và có tới 80% số hộ trong xã lấy việc trồng cói và sản xuất các sản phẩm từ cói làm hướng mưu sinh chính. Năm 2008, 40% số hộ trồng cói trong xã đành bỏ ruộng hoang bởi làm không có lãi”.



Trong căn nhà tuềnh toàng, ông Mai Văn Tùng, ở thôn 4, xã Nga Tân tâm sự: “Với 1 sào cói, nếu đầu tư chăm sóc, nào công làm cỏ, phơi, chăm bón, thu hoạch, thuê chẻ, phân đạm, thuốc sâu…, vị chi hết khoảng 1,2 triệu đồng, cho thu trung bình khoảng 3 tạ cói khô. Với giá trung bình 2.500 đồng/kg, tổng thu mới được 750.000 đồng. Lỗ như vậy nên không ai muốn làm, đó là chưa kể trường hợp thu hoạch về, không có người mua, để mốc, hỏng, đành ngậm ngùi vứt bỏ”.
Do trồng cói thất bát, nên tại Nga Tân, Nga Tiến… hàng nghìn lao động phải ly hương đi làm ăn xa, bỏ lại con nhỏ, bố mẹ già nơi làng quê thưa vắng. Thôn 4, xã Nga Tân, năm 2008 có khoảng 300 lao động đi làm tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…





Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ việc trồng cói thất thu, các sản phẩm cói thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi những năm trước bà con nông dân trồng cói ở Nga Sơn phải vay tiền của ngân hàng để phát triển nghề này, nên hiện nay bà con nông dân nơi đây đang là “con nợ” khổng lồ.
Riêng thôn 4, xã Nga Tân có 243 hộ nhưng tổng số tiền các hộ đang nợ ngân hàng đã lên tới 7 tỷ đồng và toàn xã còn nợ 27 tỷ đồng.
Ông Mai Sĩ Ghi- Chủ tịch UBND xã Nga Tiến cho hay: “Đến nay, dư nợ ngân hàng tính cho các “chủ” của 254 ha cói trong xã đã lên tới 24 tỷ đồng. Mỗi tháng, những người dân nghèo ở đây đang phải trả lãi với tổng số tiền khoảng 250 triệu đồng.
Chưa nói đến chuyện trả nợ, hiện nay nếu bán hết số cói trong toàn xã cũng chưa đủ cho nhân dân mua gạo ăn trong 4 tháng tới. Vì vậy, ngày Tết cổ truyền đang đến gần kề mà không khí Tết nơi vùng quê nghèo này vẫn còn đìu hiu lắm”.





Tết này con lại không về”



Đó là lời nhắn vội vàng qua bạn bè, hoặc lời xin lỗi qua điện thoại của rất nhiều người con ở vùng cói Nga Sơn đang đi làm ăn xa xứ nói với bố mẹ đang ở nhà khi ngày Tết cổ truyền đang cận kề.
Thời gian ở Nga Sơn những ngày cuối tháng Chạp này, chúng tôi bắt gặp ánh mắt của những cụ già móm mém luôn hướng ra ngoài ngõ mỗi khi nghe tiếng xe máy chạy qua. Rồi ánh mắt buồn hiu, tiếng cười tắt lịm của những đứa trẻ thơ mừng hụt khi reo lên “A, bố mẹ đã về!”, nhưng chiếc xe máy không rẽ vào ngõ nhà mình.


Quả thật, người nghèo vùng cói lo được cái Tết mới chật vật làm sao. Chị Mai Thị Mùi, ở thôn 4, xã Nga Tân ngồi thần người bên chiếc giường ọp ẹp của gia đình buồn rầu tâm sự:
“Hiện nay, ba cháu nhà tôi phải đi kiếm củi bán lấy tiền đong gạo, khả năng phải nghỉ học đã thường trực. Càng nghĩ đến Tết lại càng thấy thương các con thơ. Không phải riêng gia đình tôi, mà nhiều nhà ở đây vì nghèo nên chả mong Tết đến”.



Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc cùng thôn 4, chủ của 5 sào cói cũng không kém phần khó khăn. Sáu người con trai, gái, dâu, rể của ông đều phải đi làm thuê trong miền Nam lấy tiền gửi về trả nợ. Hai ông bà già gần 60 tuổi nuôi 5 đứa cháu nhỏ đều đang học mẫu giáo, phải sống trong cảnh túng bấn.
Trong nỗi lo Tết sắp tới, ông Ngọc cho biết: “Các con tôi năm nay làm thuê đều thất bát, tiền gửi về còn không đủ trả lãi ngân hàng, nên tiền chi cho ăn Tết đối với gia đình tôi quả là một điều xa vời. Mấy hôm nay qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định hỗ trợ tiền cho các gia đình nghèo đón Tết.



Chỉ mong tiền hỗ trợ của Chính phủ sớm đến tay người nghèo chúng tôi, để còn kịp mua chút quà Tết đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên và mua cho bọn trẻ nhỏ bộ quần áo mới. Nhìn mấy đứa trẻ thơ dại mà thương chúng nó quá. Suốt ngày chúng nó cứ ngong ngóng ra cổng đón tin bố, mẹ từ miền Nam về, nhưng nào có thấy…”



Đời sống người dân vùng chuyên canh cói Nga Sơn những ngày cuối năm thật sự khó khăn. Nhằm chia xẻ những khó khăn của người dân vùng cói, cuối tháng 12/2008, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ cho huyện Nga Sơn 130 tấn gạo để kịp cấp cho bà con nông dân ăn Tết.
Những ngày giáp Tết cổ truyền, các cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp từ tỉnh đến các xã cũng đã quan tâm, tặng hàng nghìn suất quà Tết cho các đối tượng chính sách, gia đình nghèo ở huyện Nga Sơn.


Hoàng Lam





No comments: