Saturday, February 28, 2009

VĂN QUANG * THỜI LUẬN

=


Những chuyện bi đát và khôi hài

Monday, 16 February 2009 20:22 Quê Hương,



Những Điều Trông Thấy

Hai tuần sau Tết Nguyên Đán, TP. Sài Gòn như mang một sắc thái mới, cũng có thể nói là mang một bộ mặt mới. Có lẽ trong những ngày Tết, mọi nhà, mọi người cố tạo ra vẻ "thanh bình, yên ấm" theo cái kiểu "vui thì vui gượng kẻo là"... cho qua những ngày đầu năm. Thật sự, tự trong đáy sâu tâm tư hầu hết những gia đình từ đủ ăn đủ mặc trở xuống đều nhận thấy rất rõ một năm đầy khó khăn trước mặt. Ngay từ những ngày trong Tết, rất nhiều gia đình đã "thắt lưng buộc bụng", bớt xén đủ thứ, không mua sắm những thứ không cần thiết.


Một cành hoa cũng đủ, không cần tới một chậu hoa. Nhung quả thật người ta không thể ngờ rằng cả một khu công viên 23-9 tràn đầy hoa trái năm nào cũng bán gần hết thì năm nay chỉ bán được rất ít, có cửa hàng chỉ bán được 10 đến 20%. Còn bao nhiêu bán "xon", bán "bỏ" cũng chẳng ai mua. Một chậu hoa bán có giá 200 ngàn đồng, 30 Tết bán 20 ngàn, thiếu điều nhờ người ta khuân hộ cũng chẳng ai ngó ngàng tới.



Không chỉ có hoa mà nhiều mặt hàng cũng ở trong tình cảnh ấy. Những bà bán rau ở chợ cũng ế hàng vì số công nhân vắng hẳn.
Bước vào hai tuần đầu năm, điều này được biểu lộ rõ rệt. Thành phố đã trở lại nhịp sống bình thường quen thuộc, nhưng mọi hoạt động uể oải hơn. Thêm vào đó là cảnh những cái lô cốt "sống lại", nhiều hơn, ở những con đường chật chội hơn. Hứa hẹn sẽ còn có thêm nhiều con đường khác được đào xới, sẽ còn vô số những cảnh kẹt đường, chen lấn, toát mồ hôi. Ngay trong quý 1-2009, Thành phố sẽ còn rào chắn gần 100 vị trí trên 80 tuyến đường.


Dân Sài Gòn tha hồ ăn no "lô cốt".

Công nhân mất việc làm long đong đi kiếm việc. Nhiều công ty xí nghiệp đóng cửa luôn hoặc chỉ nhận một số ít công nhân cũ. Có công ty nhân cơ hội này còn "thay máu" công nhân. Họ nhận công nhân mới để khỏi trả tiền làm việc lâu năm. Nhiều văn phòng được trả lại cho chủ cũ.
Tóm lại, sinh hoạt của thành phố bắt đầu chịu ảnh hưởng khá nặng nề trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.



Hành hương hay hành hình?

Tuy nhiên, nhìn ra các lễ hội trên toàn quốc, thường bắt đầu vào những ngày đầu xuân, lễ hội nào cũng chật cứng. Có lẽ năm nay đông hơn mọi năm vì người dân không còn biết tin vào cái gì khác hơn là "số mệnh".


Sau Tết cổ truyền, từ Nam chí Bắc, các lễ hội lại liên tiếp mở ra. Có thể kể một số lễ hội nổi tiếng từ xưa tới nay. Hà Nội có hội Chùa Hương, hội Thánh Gióng Phù Linh, hội vật Triều Khúc; Bắc Ninh có hội Lim; Cao Bằng có lễ hội Kỳ Sầm Hòa An; Bắc Cạn có lễ hội Nam Mẫu; Ba Bể, Tuyên Quang có hội chọi trâu Hàm Yên; Lao Kay, Ninh Bình có hội chùa Bái Đính; Quảng Ninh có hội Yên Tử; Hải Dương có hội Côn Sơn; Thừa Thiên-Huế có hội làng Sình...


Tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở nhiều địa phương có di tích lịch sử văn hóa hoặc danh lam thắng cảnh mang bản sắc văn hóa của mỗi vùng, miền, đó cũng là việc làm đáng khích lệ. Song nhìn vào sự tổ chức lễ hội thì chúng ta không khỏi thất vọng vì ở rất nhiều nơi có những cảnh đúng nghĩa là "vô tổ chức".



Việc khoán trắng cho các "cai thầu" tổ chức bán vé vào hội, thuyền đò lừa đảo khách, hàng ăn quán xá bẩn thỉu, chặt chém khách hành hương vô tội vạ. Hàng trăm trò làm tiền, bịp bợm của những kẻ buôn thần bán thánh công khai diễn ra. Năm nào cũng như năm nào, năm nay "khắc phục" rồi năm sau lại y chang năm trước. Mỗi năm dường như cường độ lại mạnh hơn. Đến nỗi nhiều người ví cuộc hành hương không khác gì một cuộc "hành hình". Vệ sinh môi trường ở nhiều lễ hội chưa bảo đảm, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được giám sát, chẳng ai quản lý. Đi hội là để tham gia trò vui, nhưng nhiều nơi trò vui bị biến tướng thành những sòng bạc trá hình, nhiều khách bị "lột" không còn một xu dính túi. Tệ hại hơn nữa là nạn trộm cắp tung hoành ở khắp các lễ hội, các cơ quan an ninh đành bó tay.



Ở một số lễ hội, phần "lễ" nặng hơn phần "hội" và các trò vui chơi giải trí lành mạnh còn ít. Lễ nặng nhưng nặng về phần "diễn" của quan chức, "diễn" của những đạo diễn quá sáo mòn, nhàm chán chứ không tạo được ấn tượng, ý nghĩa thực sự cho mọi người.



Con buôn lừa dân, cơ quan chức năng phe lờ

Trở lại với cuộc sống của người Sài Gòn, trong mấy ngày gần đây, dư luận lại một phen hoảng hốt vì nhiều nhà sản xuất sữa đánh lừa người dân. Mà điều đáng kinh ngạc hơn là cơ quan chức năng, trong đó gồm các phủ bộ lớn như Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ biết từ 5 tháng trước, nhưng... không hiểu sao không công bố cho người dân biết. Và nếu Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam không tự đi kiểm tra thì mọi chuyện sẽ chìm vào hư không. Người tiêu dùng cứ tiếp tục bị lừa và nguy hiểm hơn là người uống sữa, hầu hết là các cụ già, trẻ em, bệnh nhân sẽ mang vô số mầm bệnh tật, suy yếu mà khó tìm ra nguyên nhân.


Sự việc bắt đầu từ tháng 9-2008, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (từ đây xin gọi tắt là Hội Người Tiêu Dùng) đã mua ngẫu nhiên 20 mẫu sữa bột gồm 20 loại sữa khác nhau - được bán tại các chợ, siêu thị tại TP. Sài Gòn. 20 mẫu sữa được tách nhãn hiệu, đánh mã số riêng và gửi tới phòng thí nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật 3 để phân tích hàm lượng đạm có trong sữa.
Kết quả rất bất ngờ: 10 mẫu (chiếm 50%) số mẫu không đạt tỉ lệ đạm như công bố trên nhãn, trong đó có 1 mẫu không công bố hàm lượng đạm trên nhãn. Có 6 mẫu (chiếm 30%) có tỉ lệ đạm rất thấp dưới 10% và đặc biệt có 4 mẫu sữa có tỉ lệ đạm cực thấp - dưới 2%; điển hình là mẫu sữa bột béo Hà Lan trên nhãn ghi thành phần đạm là 24%, song kết quả thử nghiệm chỉ có 0,5%...



Đã "kính chuyển" và xin được xem xét, nhưng vẫn biệt vô ấm tín

Ông Thắng - Phó Chủ tịch Hội Người tiêu Dùng Việt Nam - cho biết hàm lượng đạm trong sữa không đạt và ở mức rất thấp như kết quả kiểm nghiệm là rất đáng lo ngại. Sữa mà hàm lượng đạm thấp là chất dinh dưỡng thiết yếu đã không có, lừa dối người tiêu dùng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà đặc biệt là sự phát triển của trẻ nhỏ, sức khỏe của người già, người bệnh...
Ngay sau khi có kết quả khảo sát về chất lượng 20 mẫu sữa bột trên thị trường TP. Sài Gòn, ngày 5.10.2008, Hội Người Tiêu Dùng đã có công văn gửi tới Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ, với mong muốn kết quả này được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm.



Hội đã đề nghị, ngoài việc kiểm tra melamine, các cơ quan có trách nhiệm cần mở rộng kiểm tra các chỉ tiêu quan trọng khác của sữa và sản phẩm sữa. Kiểm tra chặt chẽ chỉ tiêu thực của hàng hóa so với chỉ tiêu ghi trên nhãn. Xử lý nghiêm khắc những vi phạm. Công bố công khai kết quả kiểm tra chất lượng sữa trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết...
Nhưng 5 tháng đã trôi qua, cho đến ngày 4-2-2009, Hội Người Tiêu Dùng vẫn chưa nhận được hồi âm nào từ các cơ quan trên. Mặc dù trước đó, đại diện của các bộ này đã đồng ý (bằng miệng) sẽ cấp kinh phí để Hội mở rộng việc khảo sát chất lượng sữa tại các thành phố, địa phương khác, song đến giờ mọi việc vẫn trong yên lặng.



Phải tự công bố thông tin

Vào tháng 10-2008, tại hội nghị sơ kết về "cơn bão" melamine của Bộ Y Tế, đại diện của Trung tâm Kỹ thuật 3, đã cảnh báo tình trạng hàm lượng đạm trong sữa đang rất báo động. Và ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng về những mẫu sữa không đạt chỉ tiêu về hàm lượng đạm, do Hội Người Tiêu Dùng "kính chuyển" tới, cũng không thấy cơ quan chức năng của Bộ Y Tế xem xét.


Không thể hiểu nổi các quan chức năng có ý định gì mà có thái độ thờ ơ quá đáng như vậy, nên Hội Người Tiêu Dùng Việt Nam đã phải tự công bố những thông tin trên để bảo vệ người tiêu dùng. Ông Thắng rất bất bình cho biết: "Chúng tôi không có kinh phí để có thể tiến hành một khảo sát lớn, nhưng chỉ với 10/20 mẫu sữa không đạt tỉ lệ đạm là một phần nhỏ của bức tranh về tình hình chất lượng sữa và cũng đã rất đáng phải báo động. Hiện nay, trên thị trường đang có khoảng 120 mác sữa, việc quản lý không đơn giản, song chỉ quản lý ở khâu cấp phép mà không tăng cường kiểm tra sau đó thì chưa đầy đủ trách nhiệm. Như thế người dân luôn phải chịu thiệt thòi".




Chuyện ông Ninh ông Nang:

Sợ người dân hoang mang nên... ém nhẹm thông tin (?!)

Ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm Văn phòng Giải quyết khiếu nại Người Tiêu Dùng phía Nam - đơn vị trực tiếp thực hiện đợt khảo sát nêu trên, cho biết hội khảo sát hàm lượng đạm trong sữa bột vì thành phần chủ yếu của sữa là đạm, song thực tế đạm có trong sữa rất ít. Đây là điều rất đáng lo ngại. Theo ông Vinh, vào thời điểm khảo sát, thị trường sữa tại Việt Nam đang lao đao vì chuyện melamine, vì thế hội đã gửi báo cáo đến các bộ Y Tế, Khoa học - Công nghệ và Công Thương. Chính ông Vinh cũng đã gọi điện thoại ngay cho giám đốc Sở Y Tế TP. Sài Gòn. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng lo ngại việc tung thông tin này ra trong thời điểm melamine đang nóng sẽ gây thêm tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.



Vậy là cùng lúc với nỗi lo lắng của người dân về sữa có melamine, sữa thiếu đạm đã bị các cơ quan chức năng ém nhẹm. Lâu nay, người dân cứ vô tư sử dụng những loại sữa này mà không hề hay biết thành phần quan trọng nhất là đạm lại không có hoặc rất ít. Chỉ mới đây, khi Cục Quản lý Cạnh tranh vào cuộc, cho biết sẽ kiểm tra các thành phần căn bản trong sữa, thông tin này mới được hé lộ!

Không thể vin vào bất cứ lý do gì không công bố thông tin
Đối với sữa chưa công bố tiêu chuẩn, khi kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho thấy 100% số mẫu sữa chưa công bố tiêu chuẩn đều không đạt về hàm lượng protein và những loại sản phẩm chưa công bố thường bán trôi nổi.


Ngày 6-2, trả lời báo chí xung quanh việc sữa kém chất lượng, ông Nguyễn Văn Nhiên, phụ trách Thanh tra Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế, cho biết thông tin trên là kết quả báo cáo của Sở Y Tế TP. Sài Gòn tại một đợt thanh tra thực hiện trong tháng 8-2008.


Liên quan đến chất lượng sữa đang được người dân quan tâm, ông Nhiên cho biết thêm theo báo cáo của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP. Sài Gòn, với 99 mẫu sữa bột bán lẻ trên thị trường được lấy mẫu giám sát chủ động từ tháng 4-10-2008 có 37/99 mẫu (37,4%) không đạt về hàm lượng đạm so với ghi trên bao bì. Trong đó, sữa bột nhập khẩu có 19/50 mẫu không đạt (38%); sữa bột sản xuất trong nước có 18/49 mẫu không đạt (36,7%).



Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Ninh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP. Sài Gòn cũng cho hay: Khi "giám sát chủ động" chất lượng sữa bột bán lẻ trên thị trường TP. Sài Gòn năm 2008, Viện phát hiện 31/49 mẫu sữa bột nội địa có hàm lượng protein thấp hơn công bố.


Ông Ninh nói: "Chúng tôi đã lấy 99 mẫu, các địa điểm thu thập mẫu là các cơ sở bán lẻ trên thị trường quận, huyện, cửa hàng, siêu thị trong thành phố và chợ vùng ven. Do vậy, đây chỉ là các mẫu sữa để giám sát, nhằm cảnh báo nguy cơ cho người tiêu dùng và báo cáo để các cơ quan có chức năng thanh tra tiếp tục xử lý".



Theo đó, nhiều loại sữa mức chênh lệch giữa hàm lượng protein kiểm tra thực tế thấp hơn nhiều so với ghi trên bao bì sản phẩm đã công bố chất lượng từ 1-30 lần. Điều đáng quan ngại là một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em có hàm lượng thực tế thấp hơn tiêu chuẩn công bố trên bao bì sản phẩm.


Nói gì thì nói, với những sản phẩm sữa gian dối như vậy mà không cơ quan nào công bố rộng rãi cho người dân biết để đề phòng đã trực tiếp gây một mối nguy hiểm trong xã hội. Không thể viện cớ vì "cơn bão melamine" sợ người dân hoang mang mà ém nhẹm thông tin. Và cũng không thể vì bất cứ lý do nào khác để con buôn lộng hành. Đây không chỉ là việc mua rẻ bán đắt kiếm lời mà còn là sức khỏe của người dân. Mọi gia đình cần biết và phải biết bởi nó liên quan tới sinh mạng con người. Các cơ quan chức năng cần phải có thái độ dứt khoát, công bố và loại trừ những sản phẩm gian dối, nếu cần phải truy tố trước pháp luật như các nước khác đã làm với sữa nhiễm melamine. Hai thứ đều có hại cho người dân như nhau.



Đến chuyện cướp gà thiêu hủy

Một thông tin khác khiến người dân ngỡ ngàng, không thể ngờ lúc này có một số người lại "đói" đến thế.
Chi cục Thú y Hà Nội cho biết vào 4g sáng ngày 5-2 (tức sau Tết 10 ngày), chốt kiểm dịch liên ngành tại Ba La (Hà Đông) đã phát hiện và bắt giữ 1 xe vận tải vận chuyển gia cầm không có giấy kiểm dịch. Lực lượng liên ngành kiểm tra phát giác trên xe có 1.500 con gà thịt, trọng lượng khoảng 3 tấn, giấy kiểm dịch đã bị chữa ngày tháng. Lực lượng liên ngành đã quyết định tiêu hủy số gà này.


Chiều cùng ngày, số gia cầm bị bắt giữ trên đã được chở đến bãi cát xã Hồng Vân (Thường Tín) để tổ chức tiêu hủy. Tuy nhiên, tại đây, khi lực lượng chuyên ngành bắt đầu đưa gà xuống hố để chôn theo quy định thì người dân địa phương đã đổ xô vào cướp gà.
Người ta nhảy cả xuống hố để lấy gà, ném lên cho người bên trên cho vào bao tải. Tiếp đến, người dân đổ xô vây lấy xe chở gà và trèo lên xe để cướp. Thậm chí, để tiện cho việc lấy gà, có người dân đã leo lên ca-bin và lái luôn chiếc xe chở gà ra giữa bãi cát. Và, 1.500 con gà không giấy tờ kiểm dịch bị bắt giữ đi tiêu hủy nhưng lượng tiêu hủy không được 20%. Khắp nơi, những con gà chết bị bỏ lại vương vãi.
Trong khi đó, chính quyền địa phương lại không có hành động nào trước sự việc này.



Tham hay quá đói? Liều mình vì gà

Chi cục phó Thú y Hà Nội Nguyễn Xuân Vui kể về vụ tiêu hủy gà ở xã Hồng Vân (Thường Tín): "Lực lượng chức năng gần 30 người, nhưng không thể ngăn được. Thậm chí, khi chúng tôi đổ 20 lít xăng xuống hố chôn và châm lửa đốt, vẫn có người nhảy xuống lấy gà".



Ông Vui kể lại: "Gò cát cách xa khu dân cư, chỉ có người làm gạch, xúc cát bán. Thấy gà tiêu hủy còn khỏe, rất nhiều người đã kéo đến cướp. Gần 30 người gồm công an, quản lý thị trường, thú y thành phố, thú y huyện Thường Tín và an ninh xã Hồng Vân không thể ngăn chặn được dân".
Theo ông Vui, rất nhiều người sau khi cướp được, thấy gà chết, hoặc ướt sũng do được phun thuốc khử trùng, đã vứt khắp gò cát. Lực lượng thú y lại phải đi thu gom từng con để đốt. "Chúng tôi không tính đến khả năng dân cướp gà tiêu hủy, nên bố trí lực lượng mỏng. Từ trước đến nay, địa bàn Hà Nội và Hà Tây cũ chưa bao giờ có hiện tượng này".



Hiện cơ quan thú y rất khó xác định chính xác bao nhiêu gà bị cướp, chỉ ước đoán sau khi thu gom gà vứt bừa bãi khắp gò cát, số tiêu hủy chiếm khoảng 3/4. Hiện, không thể kiểm soát được số gà này đang ở đâu. Đề phòng gà tiêu hủy có thể mang mầm bệnh và lây lan dịch cho địa phương, thú y huyện và xã đã khoanh vùng bán kính 1 km, tính từ vị trí chôn lấp, để phun thuốc khử trùng và giám sát dịch bệnh.



Nguy cơ dịch lây lan từ các địa phương là rất có thể xảy ra. Gần đây nhất, vào chiều ngày 3-2-2009 vừa qua, tại Quảng Ninh đã phát hiện một trường hợp nhiễm virus H5N1.
Đó là bệnh nhân Lý Tài Múi, 23 tuổi, người dân tộc Dao, thôn Nà Cáng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.
Bệnh nhân đã được xét nghiệm lần thứ nhất bằng test nhanh, nhưng kết quả cho được là âm tính. Lần thứ hai được xét nghiệm bằng phương pháp PCR (phương pháp tích hợp gen), kết quả là dương tính.



Theo kết luận ban đầu, bệnh nhân Lý Tài Múi đã nhiễm virus H5N1. Các chuyên gia thuộc Bệnh viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có mặt tại Quảng Ninh để xem xét trường hợp này và địa phương nơi xuất hiện nguồn bệnh.
Nếu 1.500 con gà bị cướp ở Hà Tây, trong đó mang mầm mống dịch bệnh thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Và hành động này của một số người dân, phải chăng đã chứng tỏ sự thiếu đói ở những vùng quê đã đến lúc báo động. Họ đáng thương nhiều hơn đáng trách.



Bi đát và khôi hài

Bên cạnh đó có một thông tin cũng khiến người dân sững sờ. Một ông trưởng công an xã chuyên... bắt trộm gà của dân.
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuy An, tỉnh Phú Yên, đã có kết luận Phạm Ngọc Minh Tâm, Trưởng Công an xã An Chấn, thường đi bắt trộm gà của người dân hàng xóm và nhiều lần bị... bắt quả tang.
Tất nhiên, Ban Thường vụ huyện ủy Tuy An ra quyết định kỷ luật và đề nghị cách chức Trưởng Công an xã An Chấn đối với ông Tâm và Trường Trung cấp Cảnh sát II, nơi ông Tâm đang theo học lớp trung cấp Trưởng Công an xã, hệ "vừa học, vừa làm", cũng đã buộc ông này thôi học.
Quả là một thông tin "bi đát và khôi hài", chẳng còn gì phải "bình loạn", phải không bạn?

Văn Quang

No comments: