Sunday, May 17, 2009

SƠN TRUNG * VĂN HÓA

ĐOẠN CUỐI HÀNH TRÌNH KIẾP NGƯỜI

Con người có sinh, có tử. Sinh thì sống ở đâu? Làm sao mà sống? Rồi một thời gian, già, bệnh, con người phải chết. Lúc mạnh khoẻ, trai thì khôi ngô, tuấn tú, gái thì xinh đẹp mỹ miều nhưng chết thì ai cũng nhắm mắt, buông xuôi tay, thân thể trở thành rũa nát, hôi thối, không ai chịu được. Phải đem cái xác hôi thối đó đi chỗ khác, càng nhanh càng tốt, dù con thương, vợ nhớ, mẹ cha yêu quý. Trên thế giới có nhiều cách giải quyết tùy gia đình và quốc gia. Dẫu khác nhau về hình thức, các dân tộc và các tôn giáo đều nghĩ rằng phương pháp của họ là hay nhất và cũng là cách bày tỏ lòng thương yêu đối với người chết. Sau đây, tôi xin trình bày vài trường hơp tiêu biểu.

I. CÁCH THỨ NHẤT: Tiêu hủy tự nhiên.
Loại này cũng có nhiều cách. Tại Ấn Độ, người ta để xác chết trong một khu rừng mà người ta gọi là Thi Lâm. Tại đây, xác chết tiêu hủy tư nhiên, hoặc bị chim chóc hay thú vật ăn thịt.



Cũng có cách bỏ xuống dòng sông nổi trôi theo dòng nước. Tại Ấn Độ, người ta tin sông Hằng là dòng sông linh thiêng cho nên con ngưới các nơi đổ về đây để tắm rửa cầu ân phước. Vì sông Hằng cũng là dòng sông linh thiêng nên người ta cũng thả xác chết xuống đây. Người sống tắm rửa bên cạnh những xác chết.

Theo thiển kiến, hai cách này làm cho xác chết sình vữa, sinh ruồi nhặng, gây mùi hôi thối. Người Việt Nam rất sợ cảnh này. Về khoa học, cách thức này ô nhiễm môi trường đồng thời có thể gây bệnh truyền nhiễm. Về phương diện tâm linh, người Việt Nam không muốn người chết bộc lộ thân thể, bị ruồi bâu, kiến đâu và chim muông xé xác. Cách này có lẽ để dành cho các tôi nhân, nhưng chỉ vài ngày thì cũng đem chôn.
Ở ngoại quốc như Anh, Pháp, Mỹ, người ta không chấp nhận việc để xác chết tự hủy trên mặt đất hay trên sông nước.

II. CÁCH THỨ HAI: HỎA THIÊU

Tại Ấn Độ, người ta hỏa thiêu xác chết. Dường như cũng có nhiều cách hỏa thiêu. Người ta dùng củi đốt xác chết bên cạnh giòng sông, sau đó đem tro rải xuống sông. Ngoài ra còn có những cuộc hỏa thiêu trang trọng như hỏa thiêu di hài đức Phật. Trước khi đặt lên dàn hỏa, thân thể của đức Phật đã được bao bọc mấy trăm lớp vải vóc và hương liệu: Sau đây là một đoạn trong kinh:

Rồi những người Malla ở Kusinara vấn tròn thân Thế Tôn với vải mới. Sau khi vấn vải mới xong, lại vấn thêm với vải gai bện. Sau khi vấn vải gai bện, lại vấn thêm với vải gai mới, và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Ròi đặt thân Như Lai vào trong một hòm dầu bằng sắt, đây hòm sắt này vào một hòm sắt khác, dựng lên một dàn hỏa gồm mọi hương và đặt thân Thế Tôn trên dàn hỏa. . .Như sanh tô hay dầu bị cháy, tất cả cháy sạch, không có tro, không có than. Cũng vậy, khi thân Thế Tôn cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thụt, dây gân hay nước giữa khớp xương, tất cả đều cháy sạch, không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại. Và năm trăm tầng lớp vải gai bện, cả hai lớp trong nhất và ngoài nhất đều bị cháy thiêu. Khi thân Thế Tôn bị thiêu cháy xong, một dòng nước từ hư không chảy xuống tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn, và một giòng nước từ kho nước (hay từ cây sala) phun lên tưới tắt dàn hỏa Thế Tôn, và các người Malla ở Kusinara dùng nước với mọi loại hương tưới tắt dàn hỏa Thế Tôn. Rồi các người Malla xứ Kusinara đặt xá lợi Thế Tôn trong giảng đường, dùng cây thương àm hàng rào, dùng cây cung làm bức thành xung quanh, và trong bảy ngày tôn trọng, cung kính đảnh lễ, cúng dường với các điệu múa, hát, nhạc, vòng hoa, hương. . .(Trường Bộ Kinh III, Kinh Đại Bát Niết Bàn, 156-157).


Theo thiển kiến, cách hỏa thiêu của đại chúng ngày xưa có nhiều bất tiện. Dân chúng nghèo khổ, dân đông, thiếu phương tiện cho nên cách thiệu như vậy chỉ cháy lớp ngoài. Phải chất củi thật nhiều thì thân xác mới cháy thành tro than, còn đốt củi nhỏ và ít thì vẫn còn xương thịt. Ngày nay, người ta dùng lò điện , với sức nóng của lò thiêu tối tân thì thân xác mới cháy hết. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 1980, các lò thiêu thuộc nhà nước quản lý, và các lò thiêu được cấp chất đốt như củi, xăng, dầu hôi, mặc dù lò thiêu là lò điện. Có lẽ nhà nước cộng sản hạn chế điện, hoặc do " óc sáng tạo" của các lãnh đạo, hoặc do việc ăn bớt, ăn chận chất đốt mà việc thiêu xác không đạt kết quả.


(hỏa thiêu)

Xác người mập thì nhiều mỡ nên cháy mạnh, cháy mau, còn xác người gầy như mấy anh bạn xì ke gầy ốm thì cháy rất lâu và khó cháy. Người ta phải thêm dầu thêm củi thì mới cháy hết thịt và da. Còn xương thì hơi khó. Phải nhiều lửa, nhiệt độ cao thì mới cháy xương thành tro tàn. Nếu không, một số xương vẫn còn nguyên, các nhân viên lò thiêu phải lấy búa đập cho bể, cho tan. Tại khu lò thiêu, chúng ta dể ngửi thấy mùi thịt và tro xương tanh tưởi trong không gian.

Người Việt Nam thường đem bình tro vào để trong chùa. Nhưng vào những nơi này, người ta cũng ngửi thấy mùi tro xương bay phảng phất trong chùa.

III. CÁCH THỨ BA: CHÔN.

Cách thứ ba là chôn xuống đất. Nhà nghèo Việt Nam thì bó chiếu hoặc chôn bằng quan tài gổ mỏng, rẻ. Nhà giàu sang thì dùng quan tài gỗ quý. Nhà giàu sang thì chôn hai lớp quan tài mà người ta gọi là "trong quan ngoài quách". BÌnh dân thì chôn xuống đất, trên đắp nấm cao "cao nấm, ấm mồ". Nấm có hai tầng hay một tầng, hình tròn, hình chữ nhật hay hình vuông. Mộ có chu vi một mét, hay chín mười mét. Nhà giàu thì xây mộ, xung quanh có tường. Cấu trúc nguy nga như vua chúa thì gọi là lăng.

Ngày xưa, người Việt Nam và Trung Quốc thường chôn và người ta quan niệm theo thuật địa lý thì mồ mả tổ tiên có ảnh hưởng đến con cháu đời sau. Nếu chôn cha mẹ, ông bà vào vị trí tốt (Huyệt tốt) thì con cháu có thể trở thành vương hầu hay hưởng phú quý vinh hoa. Nếu chôn vào huyệt xấu thì con cháu sẽ lụn bại.
Sống về mồ, về mả; không ai sống về cả bát cơm".
Không phải các tăng ni Việt Nam theo cách hỏa thiêu mà phần đông vẫn thích chôn trong nghĩa trang của nhà chùa.

Sau 1954, miền Bắc tiến lên XHCN, ruộng đất vào tay cộng sản. Họ bắt tập trung một vào một chỗ, phần nhiều là nơi núi non, hay lầy lội, để lấy đất canh tác. Như vậy, một số cổ mộ bị phá hoại, và việc chôn cất phải qua một chế độ mới., Người chết phải đem chôn tạm một nơi, sau hai ba năm cải táng, bỏ xương vào cốt ( hòm nhỏ ) hay hũ sành rồi đem chôn. Mỗi gia tộc được cấp một số đất cố định, và như vậy, mỗi người chết được hạn chế trong một hai tấc đất.
Ngày nay, trong khoảng năm 2000, ruộng đất đem bán cho ngoại quốc được giá, cộng sản công khai cướp đất của dân để bán và để xây dinh thư lâu đài. Chúng liên tiếp chiếm các khu nghĩa trang làm cho người sống và người chết đều không được yên ổn. Hơn nữa, cộng sản phá rừng. Chúng xuất cảng gỗ lấy tiền bỏ túi và ngang nhiên chiếm đất, mỗi tên anh chị được cả hàng trăm, hàng ngàn mẫu đất. Như vậy, dân không có quan tài và đất chôn cho nên họ phải tính đuờng khác. Họ không dám chôn xuống đất nữa mà phải hỏa táng.
Tại hải ngoại, việc chôn cất cũng tốn kém, tiền mua đất, mua quan tài cũng tốn khoảng 10 ngàn USD. Còn thiêu thì chỉ tốn khoảng 3, 4 ngàn USD.
Hỏa táng lấy tro thì phải đưa vào chùa, hoặc nhà thờ, hoặc cộng đồng. . . không ai dám để trong nhà. Mà để vào chùa hay nhà thờ thi phải tốn tiền nhiều thứ, nhiều lần. Nếu không thì các đấng từ bi, bác ái có thể liệng tro cốt các cụ vào một xó. . .

Sau khi chết, linh hồn ta đi về đâu? Một số người cho rằng " chết là hết". Còn một số tin là linh hồn tồn tại. Dù khác nhau về chi tiết, nhưng đại cương, các tôn giáo đều tin linh hồn tồn tại.
Sau 1975, cộng sản đã toàn thắng một cuộc chiến. Nhưng mặt tín ngưỡng và văn hóa thì cộng sản thật bại. Quyển Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh cho thấy có hồn người chết hiện về hàng tiểu đoàn mặc dầu cả tiểu đoàn, trung đoàn banh xác vì bom của B52 Mỹ. Và thực tế các nhà giam cho thấy có linh hồn hiện về. Và cụ thể là những việc tìm mộ liệt sĩ ở Việt Nam cho thấy các tử sĩ Cộng sản còn lẩn quẩn nơi chết, và khao khát trở về quê cũ. Những việc này cho thấy việc cộng sản chỉ trích tôn giáo và phủ nhận linh hồn là một điều sai lầm.

Trong chiều hướng này, Du Tử Lê cũng muốn hồn mình sau khi chết sẽ được trở lại quê nhà:

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ thịt xương không tan biến
Hồn không đi sao trở lại quê nhà . . .
(Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển)

Ngày nay, tại hải ngoại, có người thì mong con cháu hỏa thiêu rồi rẳi tro ra biển ở hải ngoại. Một số người muốn về chết tại quê nhà. Một số yêu cầu con cháu mang mang tro cốt về quê hương để rải trên giòng sông quê mẹ.


Như đã trình bày, ngày nay thế giới chủ trương chôn hay hỏa thiêu, đa số không chấp nhận việc để xác người hôi thối, tan rữa trên mặt đất hay trên sông nước. Còn việc chôn hay thiêu là tùy . Chết thì hồn lìa khỏi xác, nhưng hồn sẽ lên thiên đàng, đia ngục, hay lang thang đây đó như hồn chiến binh cộng sản. Đa số người Việt hải ngoại chọn chôn, hoặc thiêu mà gửi cốt vào chùa, it ai muốn rải tro ra biển vì giữ tro lại thì " còn lại một chút gì để nhớ ". Nếu tung tro ra biển thì hồn có muốn làm thủy thủ không? Hồn có vui trên sông nước hay hồn sẽ sợ sóng, sợ cá mập? Và hồn có về quê hương hay không. Nếu về quê hương thì hồn có vui vẻ hay buồn phiền? Ai vui? Ai buồn? Tại sao vui? Tại sao buồn? Nếu vui thì ở lại, là tốt. Nếu buồn phiền thì phải làm sao? Đó là những câu hỏi chưa ai trả lời được!



No comments: