Thursday, May 7, 2009

THANH THANH * VỀ ĐỖ HỮU

NHỚ VỀ ĐỖ HỮU





Thiền-sư Không Lộ có mấy câu thơ:

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư



Đỗ Hữu dịch ra thơ Việt như sau:

Thế đất long xà chọn được nơi

Tình quê không hết suốt ngày vui

Có khi trèo đỉnh cô phong ấy

Một tiếng hô vang lạnh thấu trời



Thanh-Thanh chuyển qua thơ Anh:

This is an ideal, inhabitable terrain

Endless pastoral love all day to gain

Once upon that lonely cold hilltop high

A long vibrating voice chilled the sky



Đó là phần mở đầu của cuốn sách tiếng Anh nhan đề “Sounds of the Bamboo Forest” (Âm Vang Rừng Trúc) của Lê Hữu Đỗ. Sách in cỡ lớn, dày 220 trang, với rất nhiều hình ảnh, do nhà xuất-bản Mỹ Dorrance ở Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ấn hành vào năm 2002.

Trong số những bài bình điểm tác-phẩm này, có một bài dài của nhà văn Nguyễn Hữu Liêm nhan đề “Tiếng Gió Vọng Trúc” đăng trên Viet Mercury tại San Jose số 245 ra ngày 3 tháng 10 năm 2003, với những đoạn sau đây:

“Là một người lớn lên trong tinh thần và tình cảm Phật Giáo, Lê Hữu Đỗ làm nên tuyển tập này, như là một tài liệu về một lịch sử truyền giáo. Tác giả không giới thiệu gì về bối cảnh văn hoá và đời sống tinh thần của người dân bản xứ, không nói gì về cái tương đắc giữa Phật Giáo Việt Nam với người Mỹ, cái khác biệt giữa Phật Giáo Việt Nam và các nguồn Phật Giáo Á Đông khác. Lê Hữu Đỗ lặng lẽ và tự nhiên, thong thả bước vào chuyện kể như là làm một buổi thuyết trình bằng hỉnh ảnh (slide show). Đây là bài của thầy Thích Nhất Hạnh, đây là nghiên cứu của thầy Thích Mãn Giác, đây là hình ảnh của thầy Thích Thiên An, đây là danh sách các cơ sở Phật Giáo Việt Nam, và đây là các bức hình của các ngôi chùa đã được xây ở khắp nước Mỹ. Đúng là một tập tài liệu lịch sử. Những gì có thể rất là quen thuộc trong những cuốn sách này sẽ trở nên rất quý giá khi cái Đang Là đã trở thành Cổ Tích.

“Đọc Sounds of the Bamboo Forest mới thấy được cái tinh thần lớn lao và vai trò quan trọng của Hoà Thượng Thích Thiên An trong lịch sử khai mở Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông là một nhân cách lịch sử của Phật Giáo – và ở một mức độ nhẹ nhàng và khiêm tốn hơn, Thích Thiên An là một Alexandre de Rhodes của người Việt trên đất Mỹ ở thế kỷ 20.

“Còn đối với Thiên An ở Hoa Kỳ thì dân Mỹ đang được thừa hưởng một gia sản tinh thần từ các cộng đồng Phật Giáo nhỏ, rải rác khắp nơi ở xứ Cờ Hoa – nơi mà những ngày cuối tuần, các thành phần người Mỹ bản địa đến để thiền định và bàn về Phật Pháp mà vẫn là những tín đồ của tôn giáo cũ.

“Đây là một gia tài ngôn ngữ tôn giáo mới – không tín điều, không biểu tượng, không truyền giảng. Người Mỹ chắc là sẽ có đủ trí tuệ để mà nuôi nấng ân huệ ngôn ngữ mới của Đạo tỉnh thức này...

“Sự thành công của Sounds là một tuyển tập thuần tuý dữ kiện. Đây là một sách tham khảo – và chỉ có thế. Đó chính là món quà mà Lê Hữu Đỗ cống hiến được với công trình biên khảo này.”







Lê Hữu Đỗ sinh ngày 28 tháng 6 năm 1938 tại làng Dưỡng Mong Thượng, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên.

Anh làm thơ từ thuở còn nhỏ, và đã tham-gia Hội Tao Đàn của Thanh-Thanh, người chủ-trương Nhóm Xây-Dựng, sinh-hoạt tích-cực hằng tuần tại Huế vào cuối thập-niên 1949 đến đầu thập-niên 1960.

Anh đã tốt-nghiệp Đại-Học Sư-Phạm, và làm Hiệu-Trưởng trường trung-học Ninh-Hoà thuộc tỉnh Khánh-Hoà.

Qua Mỹ, Lê Hữu Đỗ đã lấy thêm bằng đại-học của Mỹ tại trường San Jose State University.

Ngoài tác-phẩm bằng tiếng Anh nói trên, Lê Hữu Đỗ đã tiếp-tục sáng-tác và đăng báo nhiều thơ. Anh là một trong những cựu lãnh tụ Thanh Niên Phật Tử tại Hoa Kỳ. Anh đã xuất-bản cuốn Văn Học Việt Nam (vào năm 1972) và là đồng chủ-biên tập kỷ-yếu Lịch Sử 50 Năm của Đoàn Thanh Niên Phật Tử Việt Nam (vào năm 1996). Anh là chủ-biên cuả tờ nhật-báo Việt Báo San Jose, lấy bút-danh là Đỗ Hữu, trong hệ-thống Việt Báo của cặp Trần Dạ Từ ‒ Nhã Ca, từ năm 1993 đến năm 1998 tại Miền Bắc California.



Đỗ Hữu là một nhà thơ hiền-lành, khả-ái, được các thân-hữu và nhiều độc-giả mến mộ, từ trong nước ra nước ngoài.



Mới đây, nghệ-sĩ Tô Kiểu Ngân đã nhắc đến anh trong bài "Nhà Thơ Đỗ Hữu vẫn còn đó" đăng trên tạp-chí "Kiến Thức Ngày Nay" xuất-bản ở Saigon:



"Ông Huỳnh Ngọc Chiến (một độc giả) thì nghĩ rằng Đỗ Hữu 'đã chết' vì ông viết: Không biết thuở sinh thời ông có thấy cay đắng hay không, nhưng mấy mươi năm sau, kẻ hậu học là tôi vẫn không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho một nhà thơ tài hoa tột bậc bị lãng quên. Ông Chiến cũng nêu nhận xét là thơ Đỗ Hữu giống thơ Quang Dũng... Có người cho Đỗ Hữu làm thơ trước cả Quang Dũng...

"Đỗ Hữu để lại ba bài thơ rồi biến mất. Bao nhiêu người mê thơ ông và mất công đi tìm tung tích tác giả, đặt nhiều câu hỏi và đoán phỏng, lại ngỡ rằng tác giả đã qua đời.

"Xin chư vị hãy yên lòng. Tôi xin góp một tin vui: Đỗ Hữu vẫn còn đó. Ông tên thật là Lê Hữu Đỗ, ký bút danh là Đỗ Hữu. Năm Quang Dũng đi Tây Tiến nổi danh lừng lẫy với Đôi Bờ, Quán Bên Đường, Đôi Mắt Người Sơn Tây... thì Đỗ Hữu đang theo học Đại Học Sư Phạm ở Hưế... Ra trường, ông được bổ làm hiệu trưởng một trường trung học tại Quận Ninh Hoà thuộc tỉnh Khánh Hoà. Thời gian ở Huế, ông thường sinh hoạt thơ với Thanh-Thanh, Khang Lang, Hồ Đình Phương, Như Trị... trong nhóm Xây Dựng.

"Từ năm 1950-1955, tôi cộng tác với báo Đời Mới, đồng thời cùng Thanh Nam chủ biên tuần san Thẩm Mỹ, hai tờ báo này thường đăng thơ của các bạn ở Huế gửi vào như: Thanh Thuyền, Tường Phong, Châu Liêm, Diên Nghị, Diên An, Đỗ Hữu...

"Đỗ Hữu từng trải qua nhiều ngày ăn khoai mì thay cơm, từng lao động cải tạo, vác cây, đốn nứa... Sau này rời nước theo diện HO và hiện định cư ở San Jose, California. Ông từng làm chủ bút một tờ báo ở Bắc Cali. Năm 2002, nhà xuất bản Dorrance có tiếng ở Mỹ đã ấn hành cho ông cuốn sách viết bằng tiếng Anh Sounds of the Bamboo Forest, tên Việt là Âm Vang Rừng Trúc nói về các ngôi chùa và các tông phái Phật Giáo Việt Nam (ở Mỹ). Không thấy ông in thơ như ngày xưa, chỉ thấy ông mặn mà với việc nghiên cứu Đạo Phật. Trong Âm Vang Rừng Trúc, người ta thấy ông dịch bài Ngôn Hoài của thiền sư Không Lộ ra tiếng Việt, nhà thơ Thanh-Thanh dịch bài này ra tiếng Anh.

"Tại sao Đỗ Hữu không làm thơ nữa, hay ông có làm mà không in ra? Thơ Đỗ Hữu chịu ảnh hưởng những ai? Những điều đó xin hẹn một dịp khác sẽ trở lại, còn bây giờ bạn Huỳnh Ngọc Chiến, bạn Hồ Công Trừng, và những người hâm mộ Đỗ Hữu (chắc là nhiều) muốn gặp Đỗ Hữu có thể liên lạc theo email..."



Trong số những bài thơ đắc ý của Lê Hữu Đỗ, có bài “Nhạc Chiều” mà Thanh-Thanh đã dịch ra thơ tiếng Anh dưới đây:





EVENING MELODY





Quite a chance that day the journey was granting

On our long way, the afternoon sun slanting.

Over the wind your singing voice took dominion

To lull human life’s vicissitudes to oblivion.



What scenery! with smoke your eyes dimming,

The vast country over with tune was brimming.

Suddenly I reminisced about our motherland

So far that albatrosses hardly reach its strand.



Your hair was bob-waving against the stream;

Your lips ambitiously showed such a beam.

All at once I felt as though I had become of yore

In contrast with your prime of life in the core...



*

Then comes this journey you’re out of my sight

And my way seems endless in the starlight.

How I miss you along each mile of wishing hot

Wondering if you still remember or simply forgot.



Translation by THANH-THANH




Ảnh (từ trái: Đỗ Hữu, Thanh-Thanh, Hồ Mộng Thiệp phu-nhân, Vi Khuê, Ngọc An, Vân Anh, Nguyễn Châu, Lê Mộng Bảo) tại nhà Thanh-Thanh



Đỗ Hữu vĩnh-viễn ra đi vào ngày 19 tháng 3 năm 2009 (tức ngày 23 tháng 2 năm Kỷ Sửu), hưởng thọ 71 tuổi, để lại chị Bích Diệp và các con cháu ở vùng Thung Lũng Hoa Vàng.



Nhân ngày Thất Tuần của anh, tôi xin thắp nén nhang lòng tường nhớ về anh, một người bạn chân-thành, một khuôn mặt văn-nghệ quen-thuộc của Miền Bắc California. Nguyện cầu cho hương linh anh sớm được tiêu-dao trên cõi Vĩnh Hằng.



LÊ XUÂN NHUẬN

No comments: