Friday, May 15, 2009

VĂN HỌC VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM

Tranh cãi quyết liệt.

‘Ma chiến hữu’ được nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn viết từ 17 năm trước, có tựa đề tiếng Trung là ‘Chiến hữu trùng phùng’, do Công ty Văn hóa Phương Nam (PNC) liên kết với Nhà Xuất bản Văn học xuất bản ở Việt Nam từ năm 2008. Nội dung truyện có liên quan đến cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, vốn là một vấn đề ‘nhạy cảm’ mà sách báo tại Việt Nam ít được phép nói tới.

Bắt đầu từ một vài blog, những tranh cãi quanh cuốn sách ‘Ma chiến hữu’ lan nhanh như những đợt sóng trong cộng đồng mạng tại Việt Nam. Nhiều blogger đã đưa ra lời bình luận trên blog của mình hết sức gay gắt, thu hút hàng trăm lời bình phẩm. Những lời nguyền rủa dịch giả là ‘kẻ bán nước’ và Công ty Văn hóa Phương Nam là ‘vô văn hóa’…, thậm chí những lời thóa mạ nặng nề hơn được các blogger không ngần ngại tung lên.

Luồng ý kiến áp đảo cho rằng cuốn truyện này ca ngợi ‘sự chiến đấu anh hùng’ của những người lính Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979, ca ngợi những ‘kẻ xâm lược’ đã nã súng vào người Việt Nam. Blogger ‘Người buôn gió’ khơi mào cuộc tranh cãi bằng những dòng đầy bức xúc: “Khi đọc vài trang cuốn sách này, tôi thực sự kinh hoàng. Có lẽ nào Nhà Xuất bản Văn học lại cho ra một cuốn sách ca ngợi những kẻ thù đã xâm lược, giết hại đồng bào của mình”. Nhiều blogger khác nhanh chóng hưởng ứng bằng các bài viết trên blog của mình với khí thế ‘hừng hực căm thù’.

Luồng ý kiến khác thì nói ‘Ma chiến hữu’ là một tác phẩm phản chiến, không ca ngợi chủ nghĩa anh hùng mà kể về những người lính nông dân nghèo khổ tham gia cuộc chiến mà không biết rõ lý do vì sao tham chiến. “Đó chỉ là một cái nhìn từ phía bên kia, môt cái nhìn khá nhân bản về tình người, tình bằng hữu giữa những người lính nghèo khổ”, một blogger nói.

Cuộc tranh cãi về sau có chiều hướng xoay sang chỉ trích công ty phát hành sách, nhà xuất bản, dịch giả, cơ quan kiểm duyệt đã ‘để lọt’ cuốn sách sang Việt Nam trong khi những cái nhìn tương tự như thế về cuộc chiến từ phía trong nước lại bị ngăn cấm. Nhất là câu đề từ ghi ở bìa bốn cuốn sách: “Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng” làm hầu hết độc giả phẫn nộ.

Các bài viết đưa ra chính kiến của những người nổi tiếng như nhà văn Trang Hạ, phóng viên ảnh Na Sơn, nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà thơ Trần Mạnh Hảo… càng làm cuộc tranh cãi nóng lên thêm.

‘Ma chiến hữu’ nói gì?


“Vương Thành Cao lớn tiếng: ‘Hãy bắn về phía tôi! Hãy nã pháo về phía tôi’, hai tay nắm chặt lấy quả bộc phá, rất dũng mãnh và anh hùng vọt ra khỏi chiến hào, một ánh chớp nhoáng nhoàng làm sáng rực cả không gian, thân xác quân địch thành bùn đất, dũng sĩ hóa thành sao băng - Ầm! Khí anh hùng sục sôi, máu anh hùng rần rật chảy trong huyết quản, nước mắt anh hùng rưng rưng, tất cả đều đứng ngồi không yên”. Đoạn văn này cùng nhiều đoạn khác được các blogger trích ra từ cuốn ‘Ma chiến hữu’ và sử dụng như là ‘bằng chứng’ cho việc Mạc Ngôn ca ngợi ‘lính xâm lược Trung Quốc’.

Ai đã đọc ‘Ma chiến hữu’ thì biết rằng đây là đoạn Mạc Ngôn kể lại các chi tiết trong bộ phim tuyên truyền mà những người lính đang xem. Giọng văn Mạc Ngôn đầy châm biếm, cợt đùa về ‘lí tưởng ngùn ngụt’ của những người lính khốn khổ khi xem phim chứ chẳng hề ca ngợi. Rất nhiều người chưa đọc tác phẩm mà chỉ đọc những đoạn trích kiểu này (tách khỏi chỉnh thể tác phẩm) sẽ hiểu sai ý đồ của tác giả và dễ bị kích động.

Trong ‘Ma chiến hữu’ không có chi tiết nào chứng tỏ Mạc Ngôn ca ngợi ‘sự chiến đấu anh hùng’ của quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến. Cũng không có chi tiết nào bôi nhọ, nói xấu binh lính Việt Nam như lời một số blogger.

Đọc xong cuốn sách, cái đọng lại trong tâm trí người đọc chỉ là tình người, tình bằng hữu, tình đồng đội của những người lính phía bên kia chiến tuyến. Họ là những nông dân nghèo, tham gia cuộc chiến chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ để thoát khỏi cảnh đói khát hiện tại, họ hầu như không hiểu gì về cuộc chiến ngoài niềm tin ngây thơ từ những lời tuyên huấn hùng hồn, hô hào của cấp trên. Số phận của họ trước, trong và sau khi chiến tranh kết thúc cũng được Mạc Ngôn khắc họa trần trụi, xúc động: “Bố mẹ mình trông già đi rất nhiều, còn con bé thì gầy hơn cả một con mèo hoang… Chúng mình trong bộ đội được ăn cơm trắng bánh mì thơm, con cái ở nhà một ngụm nước sôi cũng không có” - lời kể của một nhân vật trong tác phẩm.

Tính phản chiến, tuy không thẳng thừng lắm, nhưng rõ ràng là có xuất hiện phảng phất trong truyện ở cách tác giả nhìn cuộc chiến đấu với con mắt châm biếm, cười cợt (một cách đau xót). Tiền Anh Hào, nhân vật chính, vốn được đồng đội xem như một anh hùng hào kiệt thì cuối cùng chết lãng xẹt ngay trong trận đánh đầu tiên chỉ vì cái mông tiểu đội trưởng vổng cao quá đã đón ngay quả pháo của địch. Vị tiểu đội trưởng này trước đó khi xem phim tuyên truyền thì tinh thần lên cao, đòi cắn máu ăn thề, nhưng cắn tay mãi vẫn không chảy máu nên… thôi không cắn nữa.

Nguyên nhân của những phản ứng.


Bản thân nội dung tác phẩm ‘Ma chiến hữu’ rõ ràng không có gì đáng nói. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, thì cũng không khó để lý giải những tranh cãi kịch liệt xung quanh cuốn sách này.

Sách báo truyền thông ở Việt Nam bị hạn chế đến mức tối đa việc đề cập đến cuộc chiến Việt-Trung năm 1979. Trong dịp kỷ niệm 30 năm cuộc chiến (17/2/1979-17/2/2009), không có một tờ báo nào ở Việt Nam dám đả động tới vấn đề nhạy cảm này. Bài báo ‘Biên giới tháng Hai’ của tác giả Huy Đức nói về sự quạnh quẽ của nghĩa trang biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) vừa đăng trên báo ‘Sài Gòn Tiếp thị’ đã bị rút xuống ngay tức khắc. Mới đây tập truyện ‘Rồng đá’ (tác giả Vũ Ngọc Tiến - Lê Mai) được Nhà xuất bản Đà Nẵng cho xuất bản có một truyện ngắn viết về cuộc chiến này cũng đã bị thu hồi. Ngay một bài báo vừa rồi đăng trên trang ‘Tuần Việt Nam’ thuộc báo Vietnamnet bàn về chính cuốn sách ‘Ma chiến hữu’ cũng nhanh chóng bị rút xuống.

Trước sự im lặng đáng sợ như thế của truyền thông chính thống ‘phe ta’ thì việc một tác phẩm văn học của Trung Quốc đề cập đến cuộc chiến và những người lính Trung Quốc ‘ngang nhiên’ được phát hành ở Việt Nam dễ làm nhiều người ấm ức, tức tối. Bởi vậy dịch giả và đơn vị phát hành sách nhanh chóng trở thành cái bia hứng bao nhiêu bức xúc dồn nén từ trước ‘bung’ ra thành những chửi bới, xỉ vả. Một số blogger công nhận chưa hề đọc tác phẩm nhưng chỉ qua những trích dẫn trên các blog đã ‘giãy nảy’ ngay tức khắc.

Thêm nữa, có vẻ như gần đây tinh thần ‘bài Hoa’ đang rộ lên trong cộng đồng mạng ở Việt Nam càng làm cho cuộc tranh cãi thêm kịch liệt. Bất cứ một vấn đề gì liên quan đến Trung Quốc, mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc cũng dễ làm cho nhiều người bị kích thích, nhảy vào mổ xẻ, phân tích, bình luận. Như thế, dưới con mắt mang tính dân tộc chủ nghĩa cực đoan, không chấp nhận cái nhìn khác từ phía ‘bên kia’ thì những tác phẩm kiểu như ‘Ma chiến hữu’ khó có thể được tiếp cận với giá trị thực vốn có của nó.

Nguyễn Nam

http://www.abc.net.au/ra/bayvut/baivo/s2513230.htm

No comments: