Wednesday, July 1, 2009

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC

ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Khởi thảo Lịch sử triết học Dưới lăng kính siêu quốc

Dẫn

Lyotard, Gaarder, Hösle là những người mơ ước giải những vấn đề triết học với trẻ thơ: Lyotard viết Le Postmoderne expliqué aux enfants/Giải thích hậu hiện đại cho trẻ thơ, Gaarder viết Sofies verden/Thế giới của Sofie, Hösle viết Das Café der toten Philosophen: Ein philosophischer Briefwechsel für Kinder und Erwachsene/Quán cà phê của những triết gia đã chết: Một trao đổi thư tín cho trẻ em và người lớn.

Thế giới của Sofie
Trong tiểu thuyết của Gaarder, Sofie Amundsen có một thế giới riêng với triết gia Alberto Knox: một ngày kia khi tan học về, Sofie nhận liên tiếp hai bao thư lạ gửi cho cô, mỗi thư một câu hỏi -
bạn là ai?
thế giới đến từ đâu?
Rồi một bưu thiếp gửi cho “Hilde Møller Knag” - nhờ Sofie nhận chuyển, mừng sinh nhật thứ mười lăm!
Hilde là ai?


Hilde có liên quan gì đến một nữ triết gia trong lịch sử tư tưởng tên gọi Hildegard von Bingen? Sofie có làm ta liên tưởng đến  - tiếng hy lạp, có nghĩa là minh trí? Alberto Knox/Knag có liên hệ gì đến Albertus Magnus là người thày triết học của triết gia Aquinas?


Song trước hết, Hilde là người thứ ba - tức tha nhân, bởi nếu không có tha nhân, cần gì tới triết học? Song đôi lúc, rõ ràng Hilde là Sofie, có phải để nhắc nhở đến alter ego, tức cùng là một?
Alberto đi qua suốt dòng lịch sử triết học phương tây - như một người bất tử (hãy tưởng tượng chứng nhân của lịch sử, điều này một nhà văn trước Gaarder là Simone de Beauvoir đã từng hư cấu nhân vật bất tử qua các thời đại trong tiếu thuyết Tous les hommes sont mortels/Mọi người đều chết).

Từ chương Bjerkely, Hilde Møller Knag xuất hiện là một con người thực, còn Sofie chinh là nhân vật giả tưởng của quyển tiểu thuyết nhằm viết về lịch sử triết học. Sofie và Hilde - ai được hư cấu? Không một ai. Tiểu thuyết phá thể như Reflex and Bone Structure của Clarence Major đã dựng nhân vật, tác giả ở những vị thế nhị trùng, tác giả đang viết và ở trong quyển sách đang viết - ở Sofies verden Sofie và Hilde trao đổi vị trí cho nhau, người này đang đọc quyển tiểu thuyết có nhân vật là người kia



Cơ sở căn bản của quyển tiểu thuyết là Cơ đốc giáo từ chương mở đầu mang tên Lạc Viên và chương đóng với tiểu đề …chúng ta là cát bụi - song chương Spinoza từ điểm nhìn vĩnh cửu/sub specie aeternitatis rõ ràng là phiếm thần: có thể tưởng tượng đời sống của chính mình trong then khuôn vũ trụ …vì chỉ là một phần nhỏ nhoi của toàn thể đời sống của tự nhiên


Trong cái nhỏ nhoi ấy có những đấng cứu thế, như (Plotinus từng xem) Platon (trong dòng tư tưởng tuần hoàn của những triết gia hy lạp) mà văn minh châu Âu tùy thuộc vào hai nền văn hóa, một là Ấn-Âu từ bốn ngàn năm qua với Trời là Dyaus/Zeus/Jupiter/Iov/Tyr và những Thần là Asura/deva/daeva/dues/Aser/tivurr, một bên kia là văn hóa Do thái khởi đi từ bán đảo ả-rập, người do thái lang thang khỏi quê hương trên hai ngàn năm, mang theo một lịch sử và tôn giáo biệt căn với con đường Cơ đốc giáo, song cả ba Do thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo chia xẻ nền đất do thái (Qoran, Cựu ước viết bằng ngôn ngữ cùng họ) -


Văn hóa Ấn-Âu tin vào vòng tuần hoàn lịch sử, vào luân hồi, tái sinh. Alberto muốn chỉ ra cho Sofie thấy từ hơn hai ngàn năm trăm năm qua, người Ấn theo đuổi mục đích tối thượng là giải thoát khỏi vòng sinh tử; cũng hơn hai ngàn năm trăm năm sau Phật (xem đời sống như một tồn tục phi gián đoạn những quá trình tâm thân giữ con người trong tình trạng biến chuyển không ngừng), phân tích tinh thần con người, Hume nhìn ra như Phật là không có cái Tôi, bản ngã không thay đổi như nhiều nhà duy lý quan niệm (vì tin vào linh hồn bất tử của con người).
Tiểu thuyết lịch sử triết học của Gaarder đã manh nha tia trực quan về một lịch sử tư tưởng siêu quốc

Quán hội hữu những con người chết nhưng bất tử
Vittorio Hösle được đào tạo trong nền giáo dục triết học, nhân từ cảm hứng quyển tiểu thuyết nói trên của Jostein Gaarder, đã dựng ra nhân vật nữ Nora K. để viết dưới hình thức tiểu thuyết thư - một văn thể có truyền thống lâu đời:
Cả hai tiểu thuyết ở trong thời đại điện toán và trí hiểu nhân tạo - những nhân vật tranh luận với nhau về người máy/robot, về trí não có phải là máy điện toán tiên tiến?



Thư mở đầu tiểu thuyết Quán cà phê của những triết gia đã chết là thiệp cám ơn Vittorio đã gửi con khủng long bột làm quà Giáng sinh cho Nora (nhân cô thắc mắc làm sao ý niệm khủng long theo kiểu Platon biến mất cùng với những con cuối cùng của loài vật này?) và Nora thực sự đang bực tứùc về lối lý giải phụ nữ của Aristote (triết gia Hy lạp mà Hösle đánh giá rất cao) rồi tình cờ lang thang trên phố Rüttenscheid, Vittorio gặp một quán cà phê mang tên “Quán cà phê của những triết gia đã chết song trẻ mãi” khiến ông thích thú, tò mò bước vào và kinh ngạc là đầy khách, dầu toàn là nam giới.


Ông ngồi xuống một bàn chỉ trơ trọi có một ông già - không còn bàn trống nào nữa - trông rất thân quen như những người khác trong quán. đó chính là Aristote; tất nhiên Vittorio sửng sốt, nhưng trong triết học mọi chuyện đều có thể xẩy ra. Không sao. Ông cũng nhận ra nhiều người khác, như ở bàn bi-da đằng kia, một người nhỏ con chắc chắn là Kant đang tranh biện lý chứng hữu thể luận với một giám mục trông khả kính mà ổng thường gọi là “Anselm thân mến”, trong khi một người trẻ coi vẻ rụt rè dội chiếc mũ cao đang giải thích với một người ăn bận bảnh bao nhìn chăm chăm xuống sàn, đề tài Chân lý và bước nhẩy vọt của đức Tin ngoài lý trí. Trong thư hồi âm này của Vittorio đề ngày 27 tháng Giêng 1994 ở Essen, Hösle kể lại cuộc nói chuyện với Aristote cho Nora, đề cập chuyện Nora bực tức về khái niệm phụ nữ của Aristote, việc những loài bị tiêu diệt là một lý chứng chống lại thuyết ý niệm Platon, Aristote nhận xét Nora đã gây ra một liên minh mới đang hình thành trong quán cà phê này, nơi mọi lý chứng hay ho được đánh giá rất cao.

Aristote cũng muốn nhờ Hösle chuyển lại cho Nora ba điều: một, ông không phủ nhận phụ nữ có linh hồn, như nhiều người rêu rao, vì ông cho cây cỏ còn có hồn, huống hồ; hai, mọi người chúng ta đều là con cái của thời đại, phàm đã lớn lên trong một xã hội mà chế độ nô lệ được nhìn nhận, coi như tự nhiên, hay ở đó phụ nữ không được học hỏi hay quan tâm đến ý niệm khủng long, thì những quan điểm như vậy thường không tránh được; ba, ông muốn chỉ ra cho Hösle và Nora là họ cũng giữ những tư kiến có thể làm đỏ mặt vì xấu hổ trong mấy trăm năm - cho nên đừng quá khe khắt với một ông già Hy lạp như ông!


Vittorio còn kể trên đường ra, gặp một người nháy mắt với mình và bảo ông là nếu kể cho Nora, hỏi cô ta có nghĩ là đang mơ, vậy đâu là thực, là mộng?
Trong hồi âm của Nora, cô nghĩ mộng và thực là hai thế giới khác nhau: mộng là thế giới của tri tưởng và tư tưởng, từ đó có cái gì nghiền ngẫm tận sâu trong ta, còn thực là thế giới của những giác quan, cũng là những khoa học, lịch sử hay ngôn ngữ…


Ở quán cà phê của những triết gia trẻ mãi ấy, Vittorio đã gặp những Descartes,Kant, Augustin, Nietzsche, Hegel. Kierkegaard, Max Weber, Rousseau,Giambattista Vico, Al-Farabi, Fichte (chỉ kể một số tiêu biểu) v.v.. đến những hiền triết phương đông như Trang tử, Khổng tử, Lão tử và Nora từng gặp trên xe, trong công viên những Platon, Martin Buber v.v..


Thư từ trao đổi giữa Vittorio (Hưsle) và Nora (K.) thể hiện hai quan điểm triết học rõ ràng: một bên là tư tưởng riêng của Hösle (đã trình bày trong những tác phẩm của ông, ở đó lý giải phê phán các triết gia theo ý ông), một bên là cái nhìn của trẻ thơ (đại biểu là K. về một triết học) thuần túy [trong thư đề ngày 3 tháng Ba 1994: cô bé Nora thân thương thực ngây thơ nếu cô không biết tại sao trẻ thơ phải trả lời những câu hỏi triết học cơ bản. Và điều này đã trả lời câu hỏi của cô: trong triết học, đòi hỏi tính ngây thơ hơn bất kỳ điều gì khác.

Dửng dưng với những gì người khác nghĩ, sẵn sàng hỏi ngay cả những câu hỏi cấm kỵ, một tin cậy là những đáp án đúng cũng đơn giản gây sửng sốt - mọi thứ đó thật quan trọng trong triết học, và về những mặt này, trẻ em ít có những cấm đoán như người lớn. Trẻ em thường ít tư kiến hơn những triết gia từng trải kinh nghiệm…Phải, triết học cần trẻ thơ]. Hãy nghe Nora nói với Max Weber: ông thật quá bi quan. Tại sao ông không tin vào con người? Họ được trao cho luân lý và niềm tin…Kỹ thuật cũng tốt chứ. Nó không hoàn toàn xấu đâu. Này nhé, nếu không có tàu thủy, xe lửa, máy bay ông không thể du lịch qua những xứ khác. Mà đôi khi ông phải muốn đi mhay việcgì quan trọng. Nếu không có kỹ thuật, khoa học không thể tiến bộ. Y khoa hẳn tụt hậu, những bệnh nan y như ung thư không thể chữa trị. Có thể chúng ta phải thay đổi xe, cháu muốn nói là đường rày đó. Để nó không dẫn xuống vực sâu.


Còn Hösle đặt vào miệng Wilhem Hegel và Søren Kierkegaard những tranh luận tay ba như:
(Vittorio:) Thưa ông Wilhem, như vậy Thượng đế và Tuyệt đối có liên hệ với nhau chứ?
(Hegel:) Tất nhiên, cả hai cùng một thứ; tôi thích dùng diễn ngữ 'Tuyệt đối' song nó cũng quy chiếu về điều mà những tín đồ có tri năng gọi là 'Thượng đế'. Thượng đế là nền tảng tột cùng, và nếu như đạo lý là tuyệt đối, nó chính là thánh thiện, một phần của Thượng đế. Người ta cũng có thể nói chính Thượng đế tuyệt đối là đạo lý

(Vittorio:) Vậy Thượng đế và trật tự đạo đức đi với nhau. Nhưng cho tôi biết, cái gì là đạo đức vì Thượng đế muốn, hay vì nó là đạo lý?
(Hegel:) Thượng đế có thể chỉ muốn cái gì là đạo lý, là tinh thần.
(Søren la lên từ phía ông ta:) Nhưng như thế thì đạo lý độc lập với ý chí của Thượng đế, vậy ra ông muốn tiêu diệt toàn năng của Thượng đế.

(Hegel:) Song nếu một cái gì tốt chỉ vì Thượng đế muốn thế, vậy Thượng đế có thể sai khiến cái gì đó khủng khiếp, và nó cũng tốt sao.
(Søren đáp trả:) Hãy thấy gì Ngài đã làm. Cứ nghĩ đến chuyện Abraham và Isaac đó. Có phải vô đạo đức khi hy sinh một đứa trẻ vô tội? Và đóù là cái Ngài đã khiến Abraham làm!
(Vittorio kêu lên:) Ồ nếu Thượng đế khiến tôi phải hy sinh Nora, tôi không bao giờ làm đâu.
(Hegel:) Cũng vậy đó, hãy xem rốt cuộc Isaac có bị giết đâu, có thể là Thượng đế chỉ muốn thử lòng Abraham - và có thể ông ta qua được cuộc thử thách tốt hơn là khi nguyện:”Chúa ơi, mọi điều đều đúng, như ng Ngài thực không có thể muốn một đứa trẻ vô tội bị giết, như vậy con đã hiểu lầm Ngài”.


(Søren ngắt lời:) Không, đức tin ở ngoài lý trí. Lý trí thực tiễn có thể cấm hy sinh trẻ con, song đức tin biết là cái gì mâu thuẫn với lý trí có thể là chân thực hay ý Chúa.
(Hegel lập lại:) Đức tin không thể mâu thuẫn với lý trí. Có lẽ đức tin có nhữngthấu thị mà lý trí mù lòa, song nó không thể mâu thuẫn lý trí. Nếu không, chân lý có thể hai mặt, chân lý của lý và chân lý của tin, điều này phi lý.
(Søren nói nhỏ nhẹ:) Credo quia absurdum/tin vì phi lý.


Cuộc tranh biện tay ba cuối cùng xuất hiện Al-Farabi, triết gia Hồi giáo tự nghĩ có thể đồng hành rất tốt với những nhà Cơ đốc, Do thái và những nhà tôn giáo khác nữa, song ông nhận xét “với người nào trì chiết vào đức tin riêng của họ,tự đặt mình chống chân lý, thì khó nói chuyện với y”. Hösle chịu ảnh hưởng người thày là Apel, cho nên trước nhận xét của Hegel và Al-Farabi là “mỗi chủ thể tự đóng kín bản thân , không thể có thông giao với thế giới hay với tha nhân”, ông nghĩ có một điểm chắc chắn là người ta có thể hiểu nhau, kể cả đôi khi có ngộ nhận về nhau, song chúng ta hiểu ngay sau đó là chúng ta không hiểu nhau và có thể thử một cách tiếp cận khác.
Vào Giáng sinh 1994, Vittorio kể cuộc hội ngộ với Albertus Magnus và Lão tử .


(Lão tử:) Người phương tây các ông thường luôn luôn muốn tranh cãi những vấn đề! Mới đây thôi tôi thấy cảnh Chúa giáng sinh của qúy vị trước ban thờ, và tôi nghĩ về mối quan hệ giữa Đạo và hài đồng này. Rốt cuộc, tôi không rõ tôi là Lão tử đang nhìn hài đồng Giê-su, hay Giê-su đang mỉm cười với Lão tử.
(Albertus:) Vâng, chúng tôi có quan hệ khác với đời sống tích cực như ông, thưa Lão tử. Nếu ông chỉ cần biếtbao nhiêu là nhiệm vụ tổ chức trong trọng trách giám mục của tôi thôi! Chúng làm tôi không thể đi vào chiêm nghiệm, nhưng đó cũng là nhiệm vụ của chúng tôi để phục vụ công lý, và chúng tôi chỉ có thểlàm điều đó nếu chúng tôi hoạt động, xử lý và tổ chức.
(Lão tử cười mỉm đáp:) Mặt khác, tôi gắn bó với Vô Vi, nguyên lý là không làm gì hết. Đại nhân không làm gì hết, mà có hiệu quả, tỏa ra cái hòa hợp với Đạo, và như vậy không cần tổ chức gì hết.
(Albertus:) Tôi cũng thấy ảnh hưởng của nhân cách lớn tràn ngập quyền lực - đó là lý do chúng tôi ăn mừng ngày Giáng sinh.


(Lão tử:) Có thể các ông như vậy; song ông vĩnh viễn trẻ mãi, mặc dầu ông đã chết - không qua lâu như tôi, thực vậy, song dẫu sao cũng đã năm bẩy trăn năm. Tuy vậy, khi tôi đi ngang những con phố và cửa hàng thắp sáng lễ hội, quan sát người ta lũ lượt đi sắm quà tặng, tôi ngờ vực không biết có còn nhiều người cảm thấy ảnh hưởng của Chúa hài đồng không. Nếu người tây phương chỉ dùng những tài khéo léo tổ chức của mình để làm dịu nhu cầu - nhưng thường là họ không dùng tài để khai thác nhu cầu sao. Này ông Albertus, hỏi ông câu này nhé: các nhà thần học Cơ đốc các ông vẫn quyết liệt bảo vệ cái lý chứng là Cơ đốc thì cao hơn các tôn giáo khác.


(Albertus:) Phải, vì không như những tôn giáo khác, tôn giáo của chúng tôi xây dựng trên triết học Hy lạp. Tôn giáo của chúng tôi liên hệ đến logos ngay từ khởi đầu -Chúa Hài đồng là hiện thân của logos.
(Lão tử:) Có thể nhu vậy, song ông có thấy tình trạng hiện nay của châu Âu thực sự quyến rũ không?
(Albertus lắc đầu đáp:) Không, không, tôi thấy thực sự đáng ghê tởm. Chủ nghĩa duy vật này dẫn chúng tôi xa rời căn rễ Cơ đốc. Những bạn bè tôi ở quán cà phê đồng ý với trường phái duy sử nói với tôi là ngay cả giữa quan niệm thời trung cổ về Cơ đốc và Cơ đốc nguyên thủy, cái hố ngăn cách cũng rất lớn. Song hố ngăn cách giữa Cơ đốc nguyên thủy với thế giới hiện đại còn lớn lao hơn nhiều.
(Lão tử:) Rõ ràng rồi. Câu hỏi của tôi bây giờ là: làm sao mà nền văn hóa của các ông rất tự hào về tôn giáo, luôn luôn coi nó là đỉnh cao của phát triển con người, lại sản xuất ra một xã hội bị bọn vụ lợi và tiêu thụ hèn hạ thống trị? Chỉ ở phương Tây chủ nghĩa vô thần là hiện tượng quần chúng, còn ở xứ tôi, nó là kết quả nhập cảng của phương Tây. Làm sao một xã hội vô thần có thể phát triển trên nền tảng Cơ đốc vậy?


(Albertus thở dài:) Giá mà tôi có thể trả lời được câu hỏi của ông? Hiện giờ, tôi thấy là khi bắt đầu thời đại mới Cơ đốc giáo bành trướng khắp thế giới là kết quả của thực dân, chiến thắng dường như đã hoàn tất. Ngày nay tôi thường bất bỉnh khi thấy quan niệm văn hóa Cơ đốc Âu châu mà giới truyền thông đã nhồi nhét vào đầu mọi người. Hủy hoại môi sinh làm tôi bận tâm rất nhiều.
(Lão từ:) Vậy ra những người Cơ đốc các ông đã tách rời Thượng đế khỏi thiên nhiên quá rồi.
Vittorio Hösle có thể là một nhà triết học trẻ (sinh năm 1960) đã sớm có cái nhìn siêu quốc trong tư tưởng hiện đại.

Sau Hösle, có nhiều người bắt chước lối hư cấu gặp lại những danh nhân đã chết (như văn gia, thi sĩ v.v..). Song chính ông thành thật cho hay là trí tưởng của ông đẩy đưa ông tới chỗ nghĩ ra việc gặp gỡ những triết gia chết song còn trẻ mãi là cảm hứng từ coi phim Dead Poets Society/Hội thi sĩ quá cố do Peter Weir đạo diễn, thực hiện năm 1989, người viết truyện phim là Thomas Schulman. O captain! My captain! là câu thơ của Walt Whitman, nhà thơ Nguyễn Du của Mỹ. Henry David Thoreau, người nổi loạn như một Cao Bá Quát trong tác phẩm bất hủ Walden với những tư tưởng bất hủ như: Vũ trụ lớn hơn chúng ta nhìn/the Univers is wider than our views of it, hay: Tôi đi vào rừng vì tôi muốn sống tự do, chỉ đương đầu với những chuyện đời cơ bản…


Tự truyện của người gặp tiên/ngoại thế
Vào một đêm nửa vầng trăng cô độc trên vòm trời khi ngồi ngoài hiên căn nhà nhìn ra biển, tôi đang miên man tưởng đến câu chuyện của Hösle và Gaarder, sóng xô trên cát như những dòng thơ của Perse, bất ngờ ánh sáng êm dịu hiện ra trước mắt, màu sắc như chưa hề thấy tỏa nhập vào châu thân
Mơ hay tỉnh? Tôi tự hỏi
Không âm thanh, tiếng nói
Nhưng rõ ràng tôi đang trò chuyện với một
(đến đây, tôi không thể tìm kiếm ra từ nào chính xác) - vì đối tác không phải là con người - mà tôi có cất tiếng đâu
song cuộc đàm thoại của chúng tôi rõ ràng là thực
đối tác của tôi cho tôi hay (bạn hãy nhớ, chúng tôi không dùng bất kỳ ngôn ngữ nào, dù là tiếng Việt, tiếng quan thoại, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, hoặc mọi thứ tiếng dùng trong thông giao ở hội nghị Liên Hiệp Quốc hiện nay)ông đến từ một Nơi Xa Xăm - dùng theo tiếng người là ở một thiên hà nào đó - nếu tính theo kiến thức khoa học của con người ta hiện tại , có thể là hàng triệu năm ánh sáng
không, đối tác của tôi hẳn nực cười vì cái số đo lường nhỏ nhoi như vậy
chỉ cho hay: ông Đặng, ông là người thứ ba trên trái đất bé tí xíu này mà tôi hiện thân nói chuyện đấy
hân hạnh quá, chứ hai vị khác là ai?
Platon và Dante Alighieri -
tôi nhớ ra rồi, vị đầu tiên sau khi gặp ngài (tôi cũng không rõ tại sao tôi gọi đối tác của tôi bằng cách xưng hô khách sáo đó) Platon đưa ra cái chuyện hang động, coi người trần chúng tôi như bọn tù đày trong ngục, như cái bóng nhìn thấy Ý sinh động là thực ở bên ngoài; Dante viết La Divina Commedia tả cảnh địa ngục khủng khiếp thật ra chỉ là chốn trần gian này; ngài ơi, ngài kỳ vọng ở tôi điều gì?


Không, ông Đặng ơi, sau khi gặp tôi, ông muốn làm gì tùy ông. Cái khó là đồng loại của ông có thức tỉnh là chuyện của họ. Platon há chẳng muốn mở mắt họ mà chẳng đặng; Dante hù dọa chuyện Inferno, có ai sợ?
Tôi biết, chuyện mấy nghìn năm nay, ai tỉnh ai say? Là chuyện xưa như trái đất của chúng tôi -
Song thưa ngài, tôi không thấy hình dạng ngài - để tôi nói ngài rõ, ngài không dị hợm như E.T. đám điện ảnh xuẩn động tưởng tượng, ngài không râu ria rậm rạp như mấy ông thánh nhân loại chúng tôiõ nghĩ ra, tôi chỉ thấy vừng sáng không xanh, không đỏ, không trắng, không đen (tôi cũng biết màu sắc chẳng qua do tri giác thấp kém chúng tôi thấy sao nói vậy), nếu tôi kể lại cho người ta nghe, thì tôi sẽ nói ngài nhang nhác như chân dung con người ta Picasso vẽ, song mờ mờ ảo ảo như tranh của Bacon, hình thù chẳng người chẳng ngợm, trừu tượng như của Kandinsky, nét kỷ hà như tranh Mondrian - đấy là cái dễ nhất để tả ngài cho chúng sinh rõ

Ngài từ đâu đến?
Ngài là nam hay nữ?
Ngài có hồn/xác, thân/tâm như tôi không?
Ngài có tên không? Có ngôn ngữ riêng không?
Ngài có tình dục không?
Ngài là quá khứ, hiện tại, hay tương lai?
Ngài có quê hương, tổ quốc, giống nòi, chủng tộc?
Ngài có cha mẹ, anh em, vợ con, bạn bè, dân tộc?
Ngài có ngôn ngữ, chữ viết để thông giao?
Ngài có tư tưởng, văn chương, khoa học?
Ngài có tuổi tác, học thức, tình dục, tư tưởng, cảm giác?


Đối tác của tôi đáp án, tôi nghĩ y không cười không nhăn nhó như đám chúng sinh quanh ta
Ông Đặng ơi, để tôi nhắc ông nghe một câu văn của ông nhé: thuở nhỏ, chàng hay tỉ mỉ quan sát những đoàn kiến leo tường, châu đầu vào nhau rồi lại tiếp tục bỏ đi không biết về hang ổ nào
Có bao giờ ông nghĩ đến, khi ông bay cao ra khỏi cái hành tinh nhỏ bé của ông, nhìn xuống, nhân quần của ông e còn li ti hơn đoàn kiến trong tuổi nhỏ - thế giới của các ông đó
Vậy thì tất cả những thắc mắc trong câu hỏi của ông không có đáp án
Ông không nhìn thấy tôi rõ, như người láng giềng của ông, tôi không nói bất kỳ ngôn ngữ nhân thế để thông giao với ông, vì tư tưởng, suy luận, ngôn ngữ không khu biệt nơi tôi, tư và ngữ đồng nhất - hay thực sự không có


Sở dĩ ông hiểu ngay tôi vì vô ngôn, vô động,vô ý. vô cảm - để tôi nói cụ thể theo cảnh giới của ông nhé - ông trò chuyện với tôi được vì nghĩ của ông trước khi thành lời đã là một, nên không cần cất tiếng, tôi đã rõ ông muốn nói gì, và phản cảm của tôi - ý và ngữ - là một
Bây giờ thì ông biết/hiểu/đọc/thấy rồi nhé
Tôi đến từ một nơi nhân loại các ông chưa có khả năng tiếp cận - nhớ nhé, thể xác con người chỉ có khoảng năm trăm giờ sống sót nếu trần trụi trong khối thái dương hệ, huống hồ ra khỏi, phi thuyền của nhân loại các ông đã bay tới đâu?
các ông thấy quanh, nào là sao Hỏa, sao Mộc, cung Hằng không có cái gọi là sống, nên các ông nghĩ là chúa tể trong vũ trụ
tôi phản ứng yếu ớt: không, ngài ơi,như ngài đã nhắc đến đoạn văn tôi viết, tôi nghĩ ngài coi nhân loại chúng tôi chắc còn li ti hơn đoàn kiến
đúng vậy đó, ông Đặng; tôi từ muôn một đến nói chuyện với ông, cũng vì tò mò như ông, xem tương lai, chủ đích của quần thể nhân loại kiến đi về đâu.
Vậy thì ngài đâu có là Thượng đế của chúng tôi. Ngài đâu biết thế giới chúng tôi đi về đâu?
Ông Đặng ơi, đừng nóng.Thể xác ông nằm trong hạn chế vật lý nên tôi không thể đưa ông đi ra khỏi thái dương hệ này, mở tầm kiến thức thấy cái Bao La
Song ngài có thể đưa tôi về quá khứ chứ?
Tôi chắc chắn rõ đối tác của tôi như cười ha hả vì ông Đặng ơi, ở thời điểm trần thế các ông, nếu mở được tầm nhìn miên viễn, các ông sẽ nhìn thấy chuyện tương lai - như mấy người điện ảnh các ông tưởng tượng back to the future, không phải như một nhà văn hư tưởng chuyện ba người lính nhẩy dù lâm nạn, ngược về quá khứ thấy cảnh tượng lịch sử (như vua Quang Trung đại phá quân Thanh v. v…).


Đúng vậy, các nhà khoa học của chúng tôi đã dần dà khám phá cái vũ trụ đơn điện tử, vật chất/phản-vật chất, những phương trình như QED nhằm miêu tả phản vật chất đi tới trong thời gian, không có thông tin nào có thể gửi lùi lại trong thời gian. Đời sống trên trái Đất chúng tôi mới có khoảng 4 tỉ năm nay, mọi loài đều từ một cơ sinh đơn bào nguyên thủy do những ngẫu biến mà ra, chung gốc tổ LUCA
Nhân loại chúng tôi mới phát hiện có trên triệu năm nay, song biết bao nền văn minh đã chôn vùi trong cảnh dâu biển, bao nhiêu cuộc chiến tàn sát lẫn nhau, Vũ trụ này xem ra bất ổn, đến một lúc cả Mặt trời kia và đời sống trên trái Đất cũng đến chỗ cáo chung…nhưng đời Sống này có thể kết thúc sớm hơn với vũ khí hạt nhân (nhờ vào tiến bộ siêu đẳng của khoa học, từ khám phá ra nguyên tử, đơn tử, phân tử, hạt cơ bản, helium 1 và 2, lý thuyết tương đối, cơ học lượng tử, lý luận siêu băng trong vật lý v.v..) đang trên đà phát triển cao tốc ở mọi xứ sở, từ nơi nghèo đói nhất như bắc Cao ly đến những vùng tranh nhau một khoảnh đất như Trung Đông mù ám…
Này ông Đặng, thế giới của ông đầy phức tạp: có tình dục (vì nam/nữ), có cạnh tranh (vì mạnh/yếu), có sở hữu (vì giàu/ nghèo) có thù nghịch (vì chủng tộc/tôn giáo), có sinh tồn (vì sống/chết), có phân hóa (vì trí thức/ngu muội)


Tại sao vậy?
Nếu có nhiều thế giới; con người ý thức nhiều thế giới; nếu nhận ra khởi nguyên của thời gian và phi thời gian; nếu biết không và có phi khu biệt
Tại sao vậy?
Những nan giải?
Nhân loại chúng tôi có nhiều cái thiếu song lại có nhiều cái thừa do phân hóa giữa lời và ý, giữa ngôn ngữ và tư tưởng, giữa chữ nghĩa và tiếng nói, giữa lịch sử và tiền lịch sử, giữa lý trí và phi lý, giữa một và nhiều…
Tất cả nằm trong cái ông gọi là hành trạng triết học, phải không? Nói cho tôi vận hành của nó đi, biết đâu tôi có thể chỉ con đường ra ở chỗ No Exit




"Khởi thảo Lịch sử triết học Dưới lăng kính siêu quốc


Lịch sử triết học tỷ giảo - không, đúng ra từ lăng kính siêu quốc (có nghĩa là không phân biệt Đông/Tây, địa chí, thời đại) - viết ra cho đối tác mà tôi đặt tên là tiên (vì như đã giới thiệu ở trên, đến từ Nơi Xa Xăm), ngoại thế (vì ngoài vũ trụ (?) chúng ta), và sau nữa là chủ yếu cho những thế hệ mai sau - có thể chưa ra đời

nhập

Tất yếu của lịch sử triết học

Lịch sử triết học không như lịch sử của những khoa học khác, có nghĩa là thiết yếu cho mọi người và không thể khách quan tuyệt đối, hiểu theo nghĩa người viết sử có thể hoàn toàn đứng ngoài, quan sát sự vật và chụp, nhận, nắm bắt sự vật như thể nó là, xác định như thể chân lý tuyệt đối. Ngay khái niệm chân lý tuyệt đối cũng đã là vấn đề tranh luận. Thiết yếu vì nhận thức, lãnh hội lịch sử triết học đã là một thao tác triết lý, nghĩa là ở trên một quan điểm nhất định, và không ai có thể nói là không cần biết, vì bất kỳ vấn đề triết lý nào cũng đã ở trong nguồn lịch sử. Một khái niệm tưởng chừng như lần thứ nhất được phát hiện thực ra đã có ở đó chỉ làm mới từ một cái nhìn mới.

Phê phán lịch sử triết học

Triết học gắn liền với lịch sử triết học. Ngay từ cổ đại, khi triết học tồn tại dưới hình thức thành văn, việc nhắc lại hay dẫn chứng quan niệm, tư tưởng của những người trước đã là một hình thức viết lịch sử triết học, những công trình của Aristote, Sextus Empiricus, Diogene Laërtius v.v...hay những công trình của những triết gia Ả rập phục hồi triết học Aristote thời Trung cổ.

Khi Hegel viết bộ Lịch sử triết học, ông đã dành hai phần cho triết học Ấn và Trung hoa. Tuy sai lầm trong nhận thức về những nền triết học này, cái nhìn của ông có một giá trị tiến bộ so với nhiều nhà viết lịch sử triết học sau ông đã bỏ quên mảng lớn tư tưởng trong sinh hoạt văn hóa, văn minh của nhân loại.

Khiếm khuyết đó có nhiều lý do: có thể kể hai nguyên nhân, một là tên gọi triết học và hai là định nghĩa về triết học. Từ khác biệt đó dẫn đến tư kiến phân chia hai nguồn tư tưởng Đông và Tây cho đến nay vẫn còn tồn đọng trong não trạng của nhiều người.

Platon trong thiên Phaidros/Phèdre đã chỉ ra một điều cho chàng thanh niên là đã không nhìn sự vật đúng hay sai, mà chỉ để ý đến xem người nói là ai và đến từ xứ sở nào, chính cái tư kiến ấy khiến con người sống trong kỳ thị khu biệt cục bộ.

Nhiều bộ lịch sử triết học, như của Ueberweg, Windelband, Bréhier, Alfred Weber, hay riêng về chủ nghĩa duy vật của Lange chỉ tập trung vào tư tưởng tiến hóa từ triết học Hy lạp qua Kinh viện và hiện đại, chỉ ra tư tưởng định hướng một chiều. Khiếm khuyết ấy có thể do quan niệm tư biệt về triết học, hoặc do không đủ khả năng tri thức chuyên biệt về những vùng tư tưởng khác, như vùng Đông Á, Phi, Mỹ La tinh.

Để khắc phục nhược điểm đó, ngày nay lịch sử triết học cần được nghiên cứu trên những cơ bản như: xác định một triết học thế giới/World Philosophy, xây dựng một công trình tỷ giảo, cấu trúc một viễn tượng siêu quốc, vượt lên khỏi những hoang tưởng về ngọn nguồn trung tâm của một nền văn minh, văn hóa cá biệt làm bá chủ dựa vào những giả đề hàm hồ, phi cơ sở.

Bộ Lịch sử triết học của Wilhem Windelband (1848-1915) khẳng định là quá trình trong đó nhân loại Âu châu đã hiện thể trong quan niệm khoa học những thế giới quan và phán đoán về đời sống. Ông nhận xét Hegel đã đưa lịch sử triết học thành một khoa học độc lập khi phát hiện ra điểm cơ bản của lịch sử này không phải như những người đi trước là tập hợp những tư kiến của những học giả khác nhau, hay khai triển mở rộng chủ đề này, mà Hegel theo một quá trình giới hạn trong đó những phạm trù” lý trí đạt được những ý thức phân biệt và hình thái của những quan niệm, tuy nhiên sai lầm của Hegel theo ông là đã xây dựng lịch sử triết học dưới kiềm chế của hệ thống triết học, cho nên thường cưỡng chế sự kiện lịch sử . Song Windelband cũng chỉ ra cái sai lầm đối nghịch là phủ nhận lý trí của lịch sử dẫn tới việc xét những học thuyết triết học chỉ như những tư tưởng ngẫu nhiên cá thể.

Friedrich Ueberweg (1826-1871) trong Lịch sử triết học giản yếu quan niệm những nguồn cung ứng tri thức lịch sử triết học đáng tin cậy nhất là những công trình triết học có hình thái và toàn vẹn tự nguyên ủy, hay những công trình chính thống không thể nghi hoặc. Theo ông, triết học như một khoa học không thể bắt nguồn từ những dân tộc phương Bắc tuy xuất sắc về sức mạnh và can trường song không có văn hóa, cũng không từ nhửng dân tộc phương Đông tuy có những yếu tố văn hóa cao hơn, song chỉ bằng lòng với những điều này trong tinh thần thụ động, do đó chỉ có thể bắt nguồn từ người Hy lạp đã hài hòa phối hợp được những đặc tính của cả hai. Chính vì vậy, Ueberweg coi những nguồn triết học Trung hoa, Ấn độ, Ba tư, Ai cập thiếu minh chứng khoa học, thường trộn lẫn những khái niệm tôn giáo (ngay một số những mệnh đề hình học chẳng hạn tuy được phát hiện qua kinh nghiệm của người Ai cập, song khai phá những chứng cớ và sáng tạo hệ thống hình học là công trình của người Hy lạp). Quan niệm này thật ra phản ảnh tư tưởng chung của những nhà triết sử thế kỷ 19; chẳng hạn Lange (1828-1875) với bộ Lịch sử chủ nghĩa duy vật cho toàn bộ lịch sử tiên quyết mang ý nghĩa toàn bộ khoa học mở rộng ra là toàn bộ văn hóa chung.

Trong phần dẫn nhập bộ Lịch sử triết học thời Cổ đại và Trung cổ, Emile Bréhier (1876-1952) nhận xét khó giải quyết minh bạch vấn đề biên giới trong lịch sử triết học, nhất là vấn đề nguồn gốc; cho nên không thể xác định ảnh hưởng lẫn nhau giữa Hy lạp và vùng Viễn Đông song lịch sử triết học không có quyền quên tư tưởng Viễn Đông.

Dưới lăng kính siêu quốc

Ý niệm về một lịch sử phổ quát với mục tiêu siêu quốc [1] thực ra đã là tiêu đề của một bài viết Kant cho in trên Berlinische Monatsschrift vào năm 1784. Ý thức lịch sử nơi Kant thể hiện việc khám phá những cứu cánh phổ quát trong tự nhiên hòa hợp với hành động đạo lý kết thành xu hướng siêu quốc, tiếp theo với nghiên cứu Về sử dụng những nguyên lý mục đích luận trong triết học, 1788 [2] như ông xác định: Một đạo lý như thể mục đích luận thực tiễn thuần túy nhằm thực hiện những cứu cánh của nó trong vũ trụ, không thể coi thường khả hữu của những cứu cánh này trong vũ trụ này, liên quan đến những nguyên nhân cứu cánh đã cho cũng như liên quan đến sự phù hợp giữa nguyên nhân tột cùng của vũ trụ với toàn bộ mọi cứu cánh nhận được như thể hiệu quả của nó.

Trong chín mệnh đề Kant nêu ra, có nguyên lý như thiên nhiên không làm điều gì vô ích hay ngông cuồng trong việc sử dụng những phương tiện nhằm đạt tới cứu cánh [3] ở mệnh đề thứ ba hay xác quyết ở mệnh đề cuối cùng về một lịch sử thế giới phổ quát/allgemeine Weltgeschichte. Phải hiểu ý nghĩa của lịch sử phổ quát như thế nào, đó chính là tranh biện trong bài viết của Kant. Ngay từ mở đầu khi nói đến con người theo đuổi những mục đích, không phải thuần túy do bản năng như mọi loài thú, cũng không hành động cho phù hợp với bất kỳ quy hoạch toàn diện, tiền định như Leibniz, Wolff nghĩ, cho nên có phải lịch sử nhân loại không do quy luật chỉ đạo không thể khả hữu? Để tránh rơi vào những nghịch lý của tấn kịch thế giới lớn ở đó, bên cạnh những hành động cá nhân tỏ ra vẻ minh trí, đại thể diễn ra mê cuồng, phù phiếm ấu trĩ, thường có những ranh mãnh, phá hoại trẻ thơ, khiến chúng ta không biết tư kiến nào đáng tự hào, cho nên con đường duy nhất cho nhà triết học là khai phá mục đích trong thiên nhiên đằng sau dòng sự biến vô nghĩa của con người và quyết định xem sau mọi việc làm sao có thể định hình một lịch sử trong ngôn ngữ của một dự kiến tự nhiên nhất định cho loài người vốn hành động không có một dự kiến của chính mình.[4]

Kant cũng từng đối chiếu hai mặt của thế giới: niềm tin vì phi lý/credo quia absurdumkhán trường thế giới/theatrum mundi diễn ra sự đối lập giữa tất yếu và tự do của ý chí, niềm tin và lý trí, thường nghiệm và trí tuệ, vật lý và siêu hình - ở Phê bình lý trí thuần túy, 1781 ông đã giải quyết nghịch lý này khi phân biệt ý chí có quyền tự quyết và hậu quả của những hành động nơi con người trong trật tự hiện tượng ra sao để nhìn ra những hành động này cũng tuân thủ những quy luật phổ quát của tự nhiên. Chính ở góc nhìn này, Dilthey khẳng định Kant đã đề xuất vấn đề cơ bản của triết học cho mọi thời đại - đó là thế giới cho chúng ta dưới hình thái nào, vì chúng ta chỉ thấy nó hiện hữu nhờ vào những trực quan và ý niệm? [5]


Con người phân biệt với mọi loài nhờ vào một khả năng đặc thù: lý trí, tự phát triển theo thời gian, nghĩa là kế tục không ngừng của nhiều thế hệ, qua nhiều thử thách, học hỏi, vượt khỏi giới hạn cơ chế thân phận sinh vật, hàm ngụ tự do. Bài viết của Kant nằm trong cùng một mạch văn với những Khai sáng là gì? Định hướng trong tư duy là gì? Công bố một kết cuộc sắp tới của Hiệp nghị hòa bình vĩnh cứu trong triết học [6] chủ yếu nhằm tranh luận về cơ sở thực tiễn của tư duy, nhấn mạnh đến việc lý trí phải được tự do trong sử dụng công cộng là một quyền không thể bị hạn chế; ý nghĩa sử dụng tự do tư tưởng ở đây có tính công khai, thao tác của lý trí phải được cởi mở và được diễn đạt trước quần chúng. Trong bài viết Trở lại vấn đề Khai sáng của Kant, tôi chỉ ra điều này đo lường sự tiến bộ hay lạc hậu của một xã hội, một đất nước, thật ra chỉ thể hiện trong một nước có dân chủ và tự do, không hề thấy ở một xứ sở chuyên chính, toàn trị [7]- ngày nay trên thế giới, những chế độ man rợ ở Myanmar, Trung Cộng, Bắc Triều tiên, Cao miên, Việt nam v.v… vẫn ngang nhiên cấm đoán, bắt bớ đối lập chính trị, tư tưởng.

Quan điểm siêu quốc có thể là mục tiêu phổ quát cho vấn đề: Viết lịch sử triết học như thế nào? Đồng thời cũng có nghĩa là ngày nay, vào đầu thế kỷ 21, lịch sử triết học mang lại lợi ích gì cho con người, không riêng nhà triết học?

Kant không giảng dạy đặc biệt về lịch sử triết học hay viết về lịch sử triết học ngoài những nhận xét, tranh biện với những triết học trước và đương thời với triết học phê bình của ông. Nhưng Kant đã viết: Một lịch sử của triết học khả hữu không phải trên lịch sử hay theo kinh nghiệm, nhưng khả hữu một cách thuần lý, nghĩa là tiên nghiệm. Bởi vì nó xây dựng những sự kiện của lý trí không phải vay mượn nơi sử ký, nhưng rút ra từ bản chất của lý trí con người theo danh nghĩa khảo cổ học triết lý. Điều đó cho phép các tư tưởng gia giữa mọi người được lý luận về nguồn gốc, mục đích và cứu cánh các sự vật trong thế giới.[8]

Trong Chân dung triết gia, 1973 tôi đã nói đến quan điểm về lịch sử triết học của Hegel, Dilthey và Merleau-Ponty. Trong dự thảo đề cương cho hội thảo quốc tế mở đầu thế kỷ 21 chung quanh vấn đề lịch sử của triết học, những ý niệm, những khái niệm chỉ ra những quan hệ giữa triết học và những khoa sử, văn hoá, ý thức hệ vẫn là những tranh luận vô tận. Hiển nhiên có một điều, lịch sử triết học không chỉ là một phần của lịch sử văn hóa, vì như vậy không còn triết học. Nhà viết lịch sử triết học không làm công việc dân tộc học, hủy triệt tính đặc thù của một triết học - như tôi đã chỉ ra trong Cách ngôn tư tưởng 7: nhà triết học không đứng trong hàng ngũ những người làm khoa học nhân văn, xã hội - mà là người khai phá ra những khoa học này [9].

Như vậy, đâu là tiêu chuẩn để dựng một lịch sử triết học?

Khảo sát lịch sử triết học/historiographie philosophique không giống như khảo sát lịch sử những môn học khác vì nghiên cứu lịch sử triết học là nghiên cứu chính triết học và những nhân vật xuất hiện trên con đường tư tưởng đó. Lịch sử triết học hàm ngụ ý nghĩa luận lýhiện sinh.

Luận lý, vì những triết học dầu chống hệ thống cũng vẫn có tính hệ thống và hiện sinh, vì những hành trạng triết học của cuộc đời thực tiễn tư tưởng.

Trong bài giảng mở đầu tại Đại học Heidelberg vào ngày 28 tháng Mười 1816, Hegel nói ngay chủ đề của những bài giảng này là lịch sử triết học [10]. Ông lưu tâm đến vị thế của triết học, kinh qua những biến cố của thời cuộc, những lợi ích tầm thường nhỏ nhoi của đời sống đã làm triết học tàn tạ và rơi vào quên lãng của ký ức và lý niệm. Ông nhắn nhủ, điều kiện tiên khởi của triết học là đảm lược của chân lý và sức mạnh của tinh thần. Từ khởi sự Dẫn nhập, Hegel đã viết:

Lịch sử triết học là một hành lang những tinh thần cao quý, với lòng can đảm về lý trí đã thâm nhập vào bản chất sự vật, con người và thượng đế, những tinh thần cao quý đó đã khám phá chiều sâu của những bản chất ấy và xây dựng một kho tàng tri thức tối thượng cho chúng ta.”

Lịch sử triết học theo ông không là một tập hợp những ý kiến nào đó, nhưng có một liên lạc thiết yếu, nối kết những khởi điểm đầu tiên khai triển phong phú những tư tưởng. Triết học đa diện, nhưng chỉ có một khái niệm thật sự có thể lĩnh hội những công trình của các nhà triết học đã tạo dựng trong ý nghĩa của khái niệm này. Biên soạn lịch sử triết học thì nhiều, song những cuốn lịch sử triết họcấy không nắm vững được cương lĩnh của vấn đề, đó là lý trí của vấn đề triết lý. Hegel châm biếm: Ta có thể so sánh tác giả của những cuốn lịch sử triết học đó với những con thú nghe tất cả những âm thanh của một nhạcđiệu mà giác quan đã không lãnh hội được một điều duy nhất, đó là sự hòa hợp những âm điệu đó.

Triết học là sự tiến hoá của tư tưởng hoạt động không ngừng và không có gì ngăn cản hoạt động đó được. Triết học như vậy là một hệ thống hiểu theo nghĩa là một toàn thể và chỉ ra toàn thể khởi sự từ những gì đơn giản nhất để cụ thể hóa trong khi tiến triển. Triết học như vậy - triết học sau cùng của Hegel - chứa đựng tất cả những gì đã hoàn thành công trình của cả ngàn năm, nó là thành quả của tất cả những gì đi trước Sự phát triển của tinh thần, nhìn dưới khía cạnh lịch sử, chính là lịch sử triết học. Triết học trình bày sự tiến hóa của tư tưởng trong tự nội và hướng về tự nội, không kể đến những sự biến bất ngờ. Lịch sử triết học chính là tiến hóa này trong thời gian, do đó lịch sử này đồng nhất với hệ thống triết học. Quan niệm này theo Hegel là quan niệm duy nhất xứng đáng về lịch sử triết học.

Triết học là một hệ thống trong sự phát triển cũng như lịch sử triết học. Những triết học khác nhau tiếp diễn trong lịch sử có nghĩa là sự tiếp diễn những tất định của khái niệm ý tưởng về mặt luận lý. Cho nên nghiên cứu lịch sử triết học là nghiên cứu chính triết học, phải xét đến quan hệ giữa đối tượng với thời gian và những cá tính đã thành. Công việc khảo sát này loại trừ lịch sử ngoại tại về thời đại mà chỉ xét đến yếu tố chung của dân tộc và thời gian, với những điều kiện tổng quát, nghĩa là quan hệ giữa lịch sử triết học và hoàn cảnh lịch sử.


Hình thái nhất định của triết học tương ứng với hình thái nhất định của dân tộc mà triết học xuất hiện, như thể chế, chính quyền, phong tục, đời sống xã hội, khả năng, tập quán, tiện nghi của dân tộc, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo, những điều kiện về quân sự, cũng như suy đồi của quốc gia trong đó nguyên tắc tất định này thẩm giá, đến sự hình thành và tiến triển của những quốc gia mới ngõ hầu xác định nguồn gốc của nguyên tắc tối thượng ở cấp độ tất định của ý thức chính tinh thần trong toàn bộ gia bội tinh thần (của một dân tộc, như cơ cấu tổ chức, kiến trúc xã hội v.v..). Triết học là hình thái của những mặt đa biệt này, là khái niệm của một hình thành toàn diện, là ý thức, là bản chất trong toàn bộ, là tinh thần của hiện sinh và tư duy.

Nếu Hegel đã nhìn thấy tính phong phú của lịch sử triết học thì chính ông lại có tham vọng đặt hệ thống triết học của ông lên trên lịch sử, báo hiệu sự cáo chung của lịch sử và triết học. Quan niệm một hệ thống toàn diện đã có tham vọng hướng dẫn công việc triết lý tốt đẹp hơn và giản lược những tư tưởng sinh động, những tinh thần cao qúy thể nhập bằng đời người vào bảo tàng viện. Nhưng thực ra chính nhờ những triết thuyết khác mà ta biết được ý nghĩa triết học của Hegel. Hệ thống của Hegel bắt đầu từ vận động của những mâu thuẫn: khẳng định xuất hiện thành hủy thể và hủy thể chứng nhận là khẳng định, tất cả những điều đó bắt đầu từ Zenon, trong thiên Sophistes của Platon, nơi hoài nghi của Descartes. Hegel cũng biết điều đó, khi nói: Lịch sử triết học là tất cả ở hiện tại.


Điều đó có nghĩa là triết gia không những chỉ có thực trong những cái họ đã thấy mà ngay cả những cái họ không thấy. Những tư tưởng quá khứ không thể chỉ tồn tại trong tinh thần của chúng như những thời khoảng của một hệ thống tột cùng. Những tư tưởng đó tồn tại với những chân lý và những ngông cuồng như những công trình toàn diện của những đầu óc mẫn tiệp hay chúng không bao giờ tồn tại. Ngay cả Hegel, tinh thần muốn ôm lấy tuyệt đối, sống trong hiện tại và cho chúng ta suy tư không phải chỉ qua những chiều sâu tư tưởng của Hegel, nhưng còn qua những tham vọng và xảo thuật của ông. Sự tồn tại của triết học xây dựng trên hiện hữu và tư duy, không phải chỉ ở những vấn đề mà ở cách thế đặt vấn đề, về những ẩn ngữ ngày một phức tạp hơn đặt ra cho con người.

Vào cuối đời, Wilhem Dilthey (1833-1911) đã đưa ra một khái niệm tổng quát về triết học trong Bản chất của triết học [11]: có quy luật cấu trúc mang tính lịch sử, tức là luật phát sinh/Bildungsgesetz tác động hình thành của mọi hệ thống triết học quan hệ qua lại để tiến đến một thống nhất nội tại. Để quyết định xem trong điều kiện nào có thể nói đến một bản chất triết học, phải đi từ những định nghĩa khác nhau về sự kiện lịch sử của chính triết học: tìm hiểu một định nghĩa triết học khả dĩ có thể chấp nhận những danh pháp đa biệt và những quan niệm khác nhau do các triết gia tạo ra, một cách thiết yếu dẫn từ quan điểm hệ thống về quan điểm lịch sử. Các triết gia, trong quan điểm lịch sử của Dilthey, hướng trực tiếp về những ẩn ngữ của thế giới và đời sống. Tinh thần nhân loại trải qua nhiều thái độ có thể chấp nhận được trước những ẩn ngữ này.


Dưới góc nhìn lịch sử, tác phẩm của một triết học đặc thù là sự thực hiện một khả năng trong những điều kiện cho sẵn, mỗi triết học thực hiện một giai đoạn cơ bản của triết học và trong giới hạn này đã hướng về một toàn thể có mục đích, mỗi triết học cá biệt như một bộ phận của tổng thể duy nhất hàm ngụ chân lý toàn diện. Tuy vậy, trong quá trình tiến triển ý thức của con người, có những hệ thống triết học như của Platon, Aristote, Descartes, Spinoza, Leibniz, Locke, Hume, Kant, Fichte, Hegel, Comte chẳng hạn gây ấn tượng sâu sắc hơn những hệ thống triết học khác. Dầu đối tượng hay phương pháp của những hệ thống này ra sao, chúng cũng được xây dựng trên toàn bộ phạm vi của ý thức kinh nghiệm, thường gặp trong đời sống, kinh nghiệm, những khoa học thực nghiệm và chúng tìm cách giải quyết những vấn đề nêu ra. Mặt khác, đặc tính chung của triết học là yêu cầu một tri thức có giá trị phổ quát, gắn liền với xu hướng ngược về nền tảng của triết học.

Trong góc nhìn toàn diện lịch sử, người ta có thể nhận ra các triết gia trươc hết đều hướng về ẩn ngữ của vũ trụ và đời sống, ở đó nẩy sinh ra những quan niệm triết lý, những vị thế triết lý gắn liền với yêu cầu nền tảng này. Mọi công trình triết lý đều phát sinh từ quá trình liên tục này tác động nơi mỗi triết gia đi tớí chiếm cứ một vị trí mới, ngay cả khi ông thất vọng là chưa giải đáp được ẩn ngữ lớn kia.

Tất cả những vị trí của ý thức triết lý cũng như những định nghĩa khác nhau về triết học là gì hợp thành một toàn bộ lịch sử:

Tinh thần minh bạch và ý thức nơi người Hy lạp thời cổ đại chẳng hạn đã giải phóng triết học khỏi tôn giáo và những biểu tượng tiên tri trong thi ca nghệ thuật, để tạo thành Philosophia/φιλοσοφία.

Qua cái nhìn lịch sử về bản chất triết học, người ta nhận thấy mỗi định nghĩa về triết học chỉ khai mở một góc cạnh, diễn ngữ cho một quan niệm triết lý ở một thời khoảng nhất định trong quá trình tiến hoá của triết học, chấp nhận những hiện tượng này, không phải những hiện tượng kia có phẩm chất triết học. Nhận xét từ những công trình của Locke, của Leibniz, của Berkeley chẳng hạn, Dilthey nhận xét triết học gắn liền mật thiết với vấn đề mở rộng một thế giới quan triết lý/philosophische Weltanschauung có tính phổ biến, vượt lên khỏi thế giới quan tôn giáo và nghệ thuật, nó là quyền lực nhằm tác động biến đổi đời sống 12].


Nhân cách, hoàn cảnh, quốc tịch, thời đại ghi dấu nơi mội triết gia vô số những sắc thái của thế giới quan triết lý. Dilthey khẳng định áp dụng ý thức lịch sử vào việc nghiên cứu triết học và lịch sử triết học. Nỗ lực triết lý của ông nhằm chứng tỏ có những tương quan của triết học với kinh nghiệm sống/Erlebnis. Đời sống theo ông là dây liên lạc mật thiết của những chức vụ tâm linh trong khuôn khổ nhân cách [13]. Kinh nghiệm sống là nhận thức tiến triển của đời sống. Chính yếu tố cá nhân thường thấy nơi những triết gia lớn xây dựng trên kinh nghiệm sống này.

Quan điểm tương đối luận chủ sử của Dilthey đối lập với quan điểm triết học như một hệ thống của Hegel. Maurice Merleau-Ponty (1908-1961) đưa ra một cái nhìn khác nhân khi trực tiếp hoặc gián tiếp bàn cãi về diễn tiến của lịch sử triết học. Ông khởi đầu bằng nhận xét: chỉ có một lịch sử về những triết học, không có một lịch sử triết học. Không có một triết học chứa đựng tất cả những triết học. Triết học toàn diện, ở những thời khoảng nhất định, là ở nơi mỗi triết học. Có thể nói: tâm điểm của nó ở khắp nơi và chu vi của nó không ở chỗ nào.

Vấn đề then chốt nhất cần phải được thảo luận là vấn đề Đông/Tây trong lịch sử triết học. Đông và Tây có gặp nhau qua cùng một danh xưng triết học không? Theo Merleau-Ponty, có sự khác biệt giữa hai nền triết học. Người ta có cảm tưởng là triết gia Trung hoa không đồng ý với triết gia phương Tây về ý niệm hiểu và biết, về nguồn gốc tri thức khách thể. Công việc tư tưởng của nhà triết học phương Đông là dẫn khởi, không phân biệt cái bao dung và cái bị bao dung, ý nghĩa và cái được chỉ thị ý nghĩa.


Dường như chỉ có những ngạn ngữ tiêu biểu cho khái niệm. Hegel và những người theo Hegel coi tư tưởng Đông phương như vẫn tiếp cận xa vời với khái niệm. Husserl cũng đi vào con đường thiên kiến như thế khi nhận xét Ấn độ, Trung hoa là những mô thức kinh nghiệm mang tính dân tộc học. Tuy vậy, Husserl đã sáng suốt nhận thức vấn đề triết học là mở rộng khái niệm mà không tiêu diệt nó. Tư tưởng Tây phương có những điểm hay như nỗ lực nhận thức, khái niệm chính xác. Đó là một văn hóa tự phê phán trong minh bạch, khúc chiết, tự ý thức cũng như ý thức các nền văn hóa khác.


Ở điểm này, phương Tây vẫn duy trì hệ thống đối chiếu phát kiến ra những phương tiện lý luận và thực tiễn về nhận thức, tiến tới con đường chân lý. Mục tiêu chiếm hữu tự tại và chân lý là giấc mơ của những nền văn hóa khác, mà chính phương Tây cũng chưa hoàn tất. Nhưng mối tương giao lịch sử giữa Hy lạp và Đông phương, hay trong tư tưởng Đông phương cũng có những đặc tính như ngụy biện, hoài nghi, biện chứng, luận lý chứng tỏ không có một ranh giới địa chí giữa triết học và phi triết học. Triết học thuần túy” hay “tuyệt đối nhân danh Hegel đã loại trừ Đông phương thì chính nó đã loại trừ một phần lớn những cái hay, cái đẹp trong quá khứ Tây phương.

Giữa Đông và Tây, mối quan hệ không phải là phi triết học với triết học [14]. Tinh thần nhân loại thống nhất ở trong những tương giao ngoại biên của mỗi nền văn hóa với những nền văn hóa khác, trong tiếng gọi bên này thức tỉnh bên kia. Tôi gọi đó là tinh thần siêu quốc.

Ý nghĩa siêu quốc thật sự đã có một quá trình lâu dài trong lịch sử triết học, mà lịch sử triết học như Nicolai Hartmann chỉ ra rất quan trọng trong việc đi vào triết học [15] vì tương phản với những khoa học khác, luôn làm mới và xem thế giới như một tổng thể. Trong bộ Lịch sử triết học khái quát giản yếu [16]


Dilthey dùng từ “universalgeschichtlichen Darstellungen để trình bày quá trình tư tưởng qua ba thế hệ trên trái đất này là những dân tộc phương Đông, Địa trung hải thời cổ và hiện đại. Bộ Die grossen Philosophen của Karl Jaspers hay Kleine Weltgeschichte der Philosophie của Hans Joachim Störig lấy đề từ qua ý tưởng của Jaspers: Ảnh hưởng của tư tưởng triết học trong thế giới ngày nay chỉ khả hữu nếu như tiếp cận được đa số con người…Do đó, thiết yếu, đây là thời điểm chiêm ngưỡng của toàn nhân loại có thể thông giao những điều cơ bản, khả dĩ minh bạch mà không hy sinh mất đi cái bản chất sâu sắc [17].

Ngày nay, vô số những công trình về triết học thế giới/World Philosophy nhằm đáp ứng nhu cầu ấy và bổ sung cho những khiếm khuyết về tri thức, tư tưởng ở những vùng khác nhau cho nhà triết học cũng như người thường. Những công trình ấy chỉ mới xuất bản trong mấy thập niên nay chứng tỏ sự trì trệ trong thông giao học thuật [18].

Song ý nghĩa của tinh thần siêu quốc như thế nào? Đó là vấn đề.

Trước tiên là cái nguồn/nguyên ủy ẩn dấu/hidden source: một nhà triết học Mỹ S.M. Melamed từ năm 1933 đã viết một tác phẩm nhan đề Spinoza and Buddha, Visions of a dead God xem Spinoza như một ngôi sao cô độc trên vòm trời triết học, phân biệt hình tượng Spinoza như một triết gia Tây phương tuy là một khuôn mặt sáng chói, song ông muốn chỉ ra vị tổ tinh thần của Spinoza trong hình tượng thế giới ở đây không là Descartes, nhưng là một nhà tôn giáo: Phật, học thuyết của Spinoza như một chấn động cuối của Phật giáo trong thế giới phương Tây. Nhà triết học Đức Reinhard May trong Ex oriente lux: Heideggers Werk unter ostasiatischem Einfluß/Ánh sáng từ phương Đông: tác phẩm của Heidegger chịu ảnh hưởng Đông Á xuất bản năm 1989 chỉ ra nguồn ẩn Đông phương như Thiền và Đạo giáo đã tác động lên tư tưởng Heidegger, do tiếp cận với những học giả Nhật, cũng như qua những bản dịch Lão Trang.

Tính siêu quốc còn đặc thị trong giao ngộ phê phán, như Fred R. Dallmayr rất tán đồng khái niệm “bổ sung/complementarity theo Erhart Kästner trong việc nghiên cứu tư tưởng của một triết gia qua giao ngộ bổ sung của những triết gia khác. Cho nên đọc Nietzsche chẳng hạn qua Heidegger, qua Descartes đọc Heidegger không chỉ qua hủy tạo của Derrida mà qua lý luận phê bình của Adorno.


Nhà triết học Ấn J.L. Mehta dùng một từ khác Inter-cultural Understanding với ý nghĩa Understanding hiểu theo tiếng Đức Verstehen/lĩnh hội để nghiên cứu hiện tượng tôn giáo tỉ giảo cũng là một thể loại lĩnh hội, trong giao ngộ văn hóa [19]. Cho nên việc đọc một tác giả, một triết học ngày nay do những tiếp cận giao ngộ qua lý giải thông diễn đã làm thay đổi tình hình nhận thức; người ta nói đến một Hegel sau Derrida chẳng hạn, có nghĩa là công trình của Derrida trong lý giải Hegel đã là một sự biến tạo thành khúc quanh trong việc đọc/hiểu Hegel. Những sự biến tương tự như khi nói đến sau Heidegger, sau Foucault v.v..

Tần Gia Ý/Julia Ching trong The religious thought of Chu Hsi/tư tưởng tôn giáo của Chu Hy, 2000 nói đến việc tiếp cận tư tưởng phương Đông của những nhà truyền giáo vào thế kỷ 17 và 18 chia làm hai loại: những người ngưỡng mộ văn hóa Trung hoa khá tích cực trong việc giới thiệu triết học phương Đông, đặc biệt là Khổng giáo với người Âu châu và một loại người phê phán như Nicholas Longobardi, Antoine de Ste Marie xem đất Trung hoa như lãnh địa của những người vô thần và bất khả tri.


Hai tác phẩm của Dòng Tên là Confucius Sinarum Philosophus/Triết gia Trung hoa Khổng tử, 1687 của Phillipe Couplet và Nouveaux mémoires sur l'état présent de la Chine/Bút ký mới về tình hình Trung hoa ngày nay, 1696 của L. Lecomte theo Tần Gia Ý như thắp lên ngọn lửa tri tưởng cho giới trí thức châu Âu và đổ thêm dầu vào những tranh luận thần học. Bút ký của Lecomte ca ngợi giáo hỗ đạo giáo của Trung hoa còn làm giới Đại học Sorbonne lên án vì đụng đến nghi hoặc về tính thống nhất của mặc khải Cơ đốc.

Trong chương 3 về triết học Đông/Tây của Cơ sở tư tưởng thời quá độ, tôi đã nhắc đến những công trình của David A. Dilworth về triết học tỉ giảo, của F. Jullien về tư tưởng trung hoa, của Philip Ivanhoe, Heiner Roetz về đạo lý trung hoa, của Jacynthe Tremblay về triết học Nishida Kitarô v.v.., những tác động qua lại trong giao ngộ tư tưởng giữa những nhà triết học Nhật, Ấn với triết học phương Tây.

Trong cuộc giao ngộ tương tranh này, điểm đặc sắc là phân chia những thời kỳ trục mà Karl Jaspers quan niệm, sẽ nói đến sau. Nét đặc sắc siêu quốc khác trong tỉ giảo triết học là hủy tạo ranh giới không/thời gian. Nhiều công trình tham luận vào lãnh vực này. Chẳng hạn tuyển tập Essays on Skepticism, Relativism, and Ethics in the Zhuangzi [20] Paul Kjellberg đối chiếu Trang tử, Tuân tử với Sextus Empiricus, Lisa Raphals luận về sách lược hoài nghi trong sách Trang tử/Nam hoa kinh của Trang với thiên Theaetetus của Platon, David Loy luận về Chân phi chân giữa Trang và Long thọ/Nàgàrjuna, Mark Berkson tranh cãi về vấn đề ngôn ngữ có những tương đồng để mệnh danh Trang là nhà hủy tạo của thế kỷ IV tr. Tây lịch hay Derrida là Đạo gia của thế kỷ 20?


Tuyển tập Nietzsche and Asian Thought [21] bàn về quan tâm đến tư tưởng Nietzsche trong mấy thập niên qua trên phạm vi toàn cầu. Triết gia Nhật Nishitani Keiji nhận xét về Nietzsche: Không phải quan điểm hư vô luận của ông về Phật giáo nhưng chính những ý tưởng như amor fati và quan niệm theo Dionysos như một nỗ lực vượt chủ nghĩa hư vô khiến Nietzsche đến rất gần với Phật giáo, và đặc biệt là Đại thừa.


Những công trình như Selflessness in Sartre's Existentialism and Early Buddhism [22] của triết gia Thái Prayoon Mererk, Derrida and Indian Philosophy, 1990 của Harold Coward, Authentic human destiny: the paths of Shankara and Heidegger, 1998 của Vensus A. George chỉ ra xu hướng đối chiếu đẩy khoảng cách thời gian rất xa thu hẹp lại, những hội luận triết học trên tầm mức quốc tế, đàm thoại trên truyền hình Tây nam tại Baden-Baden giữa Heidegger và tỳ kheo Maha Mani đến từ Bangkok v.v.. chỉ ra thông giao ngoài phạm vi địa chí, đặt lại viễn tưởng lịch sử triết học trên một khung không gian mới.

(còn nữa)

--------------------

[1] Idee zu einer allgemeinen Geschichte in weltbürgerlicher Absicht

[2] Über den Gebrauch teleologischer Principien in der Philosophie

[3] Die Natur thut nämlich nicht überflüssig und ist im Gebrauche der Mittel zu ihren Zwecken nicht verschwenderisch.

[4] Aus welcher von Geschưpfen, die ohne eigenen Plan verfahren, dennoch eine Geschichte nach einem bestimmten Plane der Natur möglich sei.

[5] Nguyên văn: Denn mir scheint das Grundproblem der Philosophie von Kant für alle Zeiten festgestellt zu sein. Es ist das höchste und allgemeinste aller menschlichen Forschung: welchergestalt ist die Welt, die für uns doch nur in unseren Anschauungen und Vorstellungen da ist, uns gegeben?

[6] Was ist Aufklärung? Was heißt: Sich im Denken orientiren? Verkündigung des nahen Abschlusses eines Tractats zum ewigen Frieden in der Philosophie.

[7] In trong Tẩu khúc văn chương/triết lý, 2004.

[8] Dẫn Kant trong Những tiến triển của siêu hình học ở Đức từ Leibniz và Wolff. Xem: Chân dung Triết gia, 1973 (ĐPQ).

[9] Xem Cơ sở tư tưởng thời quá độ, 2007 - ch. 7 (ĐPQ).

[10] Vorlesungen über die Geschichte der Philosophie. Phần dẫn nhập nói đến ở đây là Einleitung in die Geschichte der Philosophie, hrgs. Johanes Hoffmeister, có thể tham chiếu bản dịch tiếng Anh Hegel's Introduction to the Lectures on the History of Philosophy, 1985 của T.M. Knox và A.V. Miller, bản dịch tiếng Pháp Leçons sur l'histoire de la philosophie: Introduction, bibliographie, philosophie orientale, 2004 của Gilles Marmasse.

[11] Das Wesen der Philosophie, lần đầu in trong bộ Systematische Philosophie: Die Kultur der Gegenwart, 1907, in lại trong Die Geistige Welt, GS V.

[12] Một lý luận về thế giới quan/Weltanschauunglehre trong dạng bản thảo của Dilthey đã in trong Gesammelte Schriften, VIII - Luận về triết học của triết học/Abhandlungen zur Philosophie der Philosophie.

[13] Leben ist die innere Beziehung der psychischen Leistungen im Zusammenhang der Person.

[14] Xem chương 2 và chương 3 trong Cơ sở tư tưởng thời quá độ (ĐPQ).

[15] Trong Einführung in die Philosophie, Hartmann xác định: Die Beschäftigung mit der Philosophiegeschichte ist auch in einer Einleitung erforderlich; denn die Philosophie muß sich im Gegensatz zu anderen Wissenschaften immer wieder erneut mit ihrer Geschichte auseinandersetzen, in der es versucht worden ist, die Welt als Ganzes zu schauen.

[16] Grundriss der allgemeinen Geschichte der Philosophie, H-G. Gadamer xuất bản và bổ sung năm 1949.

[17] Karl Jaspers trong Die Aufgabe der Philosophie in der Gegenwart/Nhiệm vụ của triết học ngày nay, 1953.

[18] Có thể kể vài công trình tiêu biểu như: những tham luận tại hội nghị triết học quốc tế do Raymond Klibansky biên soạn, La philosophie contemporaine, I-IV, 1968-1971 La Nuova Italia Editrice x.b.; John R. Burr biên tập: Handbook of World Philosophy, 1980; Robert C. Solomon và Kathleen M. Higgins biên tập: From Africa to Zen, 1993; Eliot Deutsch và Ron Bontekoe biên tập: A Companion to World Philosophies, 1997; Raymond Klibansky và David Pears biên tập: La philosophie en Europe, 1993.

[19] Xem: Fred R. Dallmayr, Critical Encounters, 1987; J.L. Mehta, India and the West, 1985.

[20] Những tiếu luận về thuyết hoài nghi, thuyết tương đối và Đạo lý trong Trang tử, 1996 Paul Kjellberg và Philip J. Ivanhoe biên tập.

[21] Nietzsche và tư tưởng châu Á, 1991 do Graham Parkes biên tập.

[22] Vô ngã trong thuyết

No comments: