Sunday, March 7, 2010

BBC * TRUNG CỘNG & MỸ



Trung Quốc sẽ bá chủ thế giới?

Đoàn Xuân Lộc

Nghiên cứu sinh về quan hệ quốc tế

Martin Jacques cho rằng Trung Quốc sẽ làm bá chủ thế giới

Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xẩy ra, dư luận chung đều cho rằng cán cân quyền lực đang chuyển dần từ Mỹ và phương Tây sang một số nước đang nổi.

Fareed Zakaria, tổng biên tập của tuần báo Newsweek và tác giả cuốn ‘The Post-American World’, xuất bản năm 2008 cho rằng thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện một trật tự thế giới hậu Mỹ không phải vì Mỹ suy yếu mà vì các nước khác đang lớn mạnh.

Báo cáo ‘Xu hướng thế giới 2025 – Global Trends 2025’ của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ năm 2008 cũng dự báo rằng vào năm 2025 Mỹ không còn giữ vị thế siêu cường quốc duy nhất. Lúc đó Mỹ chỉ là ‘first among equals - nước thứ nhất giữa những quốc gia ngang hàng’.

Được đề cập nhiều nhất trong số các nước đang nổi ấy là Trung Quốc.



Mới đây, Jim O’Neill, người đứng đầu chương trình nghiên cứu kinh tế và chiến lược toàn cầu của ngân hàng đầu tư của Mỹ Goldman Sachs dự báo rằng vào năm 2027 Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

‘Vượt trội thế giới’

Trước sự lớn mạnh đó của Trung Quốc, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường quốc và thống trị thế giới.

Trong những người đó có Martin Jacques – tác giả của ‘When China Rules the World: The Rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World’, được xuất bản năm 2009.

Như tựa đề của cuốn sách ghi nhận, tác giả người Anh này cho rằng vấn đề không còn là việc Trung Quốc có thể làm bá chủ thế giới hay không mà là vấn đề thời gian.

Tiêu chí đầu tiên và quan trọng để Martin Jacques khẳng định như vậy là mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Dựa vào các dự báo, trong đó có dự báo của Goldman Sachs, ông cho rằng Trung Quốc sẽ chiếm vị trí số một kinh tế thế giới.



Ngoài sức mạnh kinh tế, tác giả còn chỉ ra một yếu tố quan trọng khác và coi đó là thế mạnh của Trung Quốc là nền văn hóa, văn minh của nước này vì theo ông Trung Quốc không đơn thuần chỉ là một quốc gia dân tộc thuần túy (nation state) mà là một quốc gia với một nền văn minh lâu đời (civilisation state).

Theo Martin Jacques càng ngày càng có nhiều người học tiếng Trung Quốc (Quan thoại), phim ảnh Trung Quốc cũng hiện diện nhiều nơi trên thế giới, hay các biến cố lịch sử Trung Quốc cũng không còn xa lạ với mọi người.

Và ông cho rằng vào khoảng giữa thế kỷ này Bắc Kinh hiển nhiên sẽ trở thành thủ đô của thế giới.

Martin Jacques tin rằng khi Trung Quốc lớn mạnh, họ sẽ tìm cách biểu dương sức mạnh và giá trị của họ với thế giới.

Một điểm đáng chú ý và cũng có vẻ khiêu khích được Martin Jacques nhấn mạnh trong cuốn sách này là việc người Trung Quốc cảm thấy họ vượt trội mọi người cả về văn hóa và chủng tộc, và coi mình là trung tâm của thế giới.

Và tác giả nhận định rằng sự lớn mạnh về kinh tế giúp họ củng cố quan điểm đó.

Vì vậy, Martin Jacques tin rằng khi Trung Quốc lớn mạnh, họ sẽ tìm cách biểu dương sức mạnh và giá trị của họ với thế giới.

Cụ thể ông cho rằng hầu hết các nước Á châu sẽ chấp nhận sự bá chủ của Trung Quốc, và như vậy hệ thống chư hầu (tributary system) có thể quay trở lại tại Á châu.

Không chỉ thế, Martin Jacques cũng tin rằng Trung Quốc có thể bắt đầu thách thức trật tự thế giới do các nước phương Tây thiết lập.




Trong số những người cùng chung quan điểm đó với Martin Jacques, có Kishore Mahbubani – chủ nhiệm Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, thuộc Đại học Quốc gia Singapore và tác giả cuốn ‘The New Asian Hemisphere: The Irresistible Shift of Global Power to the East’, xuất bản năm 2008.




Theo Kishore Mahbubani – một trong những người cổ võ cho ‘các giá trị Á châu’ (Asian values), sự trổi dậy của Trung Quốc và một số nước Á châu khác chắc chắn sẽ kéo theo sự suy yếu của Mỹ và phương Tây cũng như trật tự và sự điều hành thế giới do Mỹ và phương Tây tạo nên.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với quan điểm đó của Martin Jacques và Kishore Mahbubani.

‘Không có triển vọng’

Will Hutton nhấn mạnh Trung Quốc chẳng có triển vọng nào để thống trị thế giới

Trong một bài viết được đăng trên trang mạng của tờ nhật báo Anh The Observer hôm 21/06/2009, Will Hutton – tác giả của ‘The Writing on the Wall: China and the West in the 21st Century’ xuất bản năm 2007, nhận xét rằng ngay tựa đề cuốn sách của Martin Jacques đã có vấn đề.

Theo Will Hutton Trung Quốc chẳng có triển vọng nào để thống trị thế giới vì nước này phải đối diện với sự nhập nhằng về bản sắc và những yếu kém về kinh tế. Và chính những điều này sẽ không cho phép Trung Quốc áp đặt sức mạnh ‘cứng và mềm’ của mình lên các nước khác.

Cụ thể Will Hutton nhấn mạnh rằng thể chế chính trị độc đoán của Trung Quốc không phải là điểm mạnh mà một nhược điểm vì nó không có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực.

Ông cho rằng dù là người Hoa hay người Anh, ai cũng muốn được bình đẳng, được tôn trọng.

Vì vậy, theo Will Hutton, lý luận của Martin Jacques cho rằng công dân Trung Quốc không muốn có đại diện tại công sở, hay cổ đông Trung Quốc không muốn tác động đến việc điều hành công ty, hoặc việc người dân Trung Quốc không quan tâm đến sự minh bạch của chính phủ là sai lầm.

Vì đa số người dân muốn điều đó. Và việc họ chẳng được những quyền đó cho thấy nước này đang bị kìm hãm.

Will Hutton cũng chỉ ra rằng về kinh tế, Trung Quốc vừa mạnh nhưng lại vừa yếu. Mô hình kinh tế hiện tại của nước này chủ yếu dựa trên xuất khẩu và tiết kiệm không thể tồn tại mãi. Và để thay đổi điều này cần có sự thay đổi về chính trị.

Theo ông người Trung Quốc tích trữ chỉ vì họ không tin tưởng vào tương lai. Họ biết rằng đảng Cộng sản không thể mãi duy trì quyền lãnh đạo.

Dựa trên những dự báo về bất ổn chính trị và và những khó khăn về kinh tế mà Trung Quốc phải đương đầu, ông cho rằng trong tương lai phương Tây vẫn dẫn đầu. Do đó theo ông vấn đề đặt ra không phải là việc Trung Quốc sẽ thống trị thế giới hay không mà làm sao có thể giới hạn khoảng cách giữa phương Tây và các nước còn lại.

‘Chẳng mang gì mới’

Trong số những nhà nghiên cứu khác phủ nhận quan điểm rằng trật tự thế giới hiện tại sẽ bị đe đọa trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và một số nước châu Á còn có G. John Ikenberry, giáo sư về Chính trị và các Vấn đề Quốc tế tại đại học Princeton, Mỹ.

Bài viết của ông được đăng trên tạp chí New Perspectives Quarterly, số ra mùa Hè năm 2008 cho rằng châu Á và Trung Quốc nói riêng chẳng mang đến cho hệ thống tổ chức và điều hành thế giới một cái gì mới và đặc trưng.

Theo ông Trung Quốc và các nước Á châu khác vẫn chấp nhận hợp tác với và hoạt động trong khuôn khổ hệ thống tổ chức, điều hành thế giới do Mỹ và các nước phương Tây đặt ra từ trước.



Trung Quốc đang vươn lên nhưng còn nhiều vấn đề

Do vậy, mặc dù thừa nhận rằng sự trổi dậy của châu Á sẽ dẫn đến sự thay đổi về cán cân quyền lực trên thế giới, ông cho rằng những ý kiến hay dự đoán châu Á và Trung Quốc nói riêng sẽ khởi


xướng một trật tự thế giới mới là sai lầm.

Tương tự, một bài viết của Minxin Pei được đăng trên trang mạng của tờ tuần báo Newsweek hôm 08/12/2009 cũng cho rằng viễn cảnh Trung Quốc tạo ra một trật tự thế mới hay bá chủ thế giới là xa vời.


Một trong hai lý do quan trọng Minxin Pei đưa ra là những khó khăn kinh tế hiện tại của nước này. Theo ông, nhiều người nước ngoài ca ngợi thành công của Trung Quốc trong việc khắc phục hậu quả khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế mọi chuyện không phải xuôi chảy, đơn giản như mọi người nghĩ.

Vấn đề thứ hai được tác giả đặt ra là nếu Trung Quốc thực sự mạnh thì tại sao Bắc Kinh lại không đóng một vài trò quan trọng hơn trong các vấn đề quốc tế? Theo bài viết một trong những lý do quan trọng dẫn tới việc Trung Quốc thụ động như vậy là vì điều mà Bắc Kinh quan tâm hiện tại đó là làm sao ổn định chính trị trong nước.

Vì những lý do đó, như tựa đề của bài viết nêu bật, Minxin Pei cho rằng Trung Quốc sẽ không
thể thống trị thế giới trong tương lai như Martin Jacques dự báo.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/03/100303_china_newbooks.shtml
Các hình ảnh trong bài do Tạp chí BKBD D sưu tập về một nước Trung Quốc hiện đại

*

No comments: