Wednesday, March 24, 2010

NAM LỘC * TRƯỜNG KỲ 2

*


... RONG CHƠI CUỐI TRỜI QUÊN LÃNG (Phần 2)

Tuy nhiên, dù giao thiệp, tiếp xúc và sinh hoạt gần gũi với các nghệ sĩ, nhưng Trường Kỳ và tôi chưa bao giờ “date” với một nữ ca sĩ nào, dù các cô đều là những thiếu nữ trẻ đẹp và hấp dẫn. Chúng tôi thường đi lưu diễn chung hoặc gặp gỡ nhiều nghệ sĩ mỗi buổi tối ở các phòng trà ca nhạc, nhưng luôn xem họ như anh chị em trong cùng một gia đình, thân thiết và quý mến nhau. Ngay cả sau khi lập gia đình, Kỳ lại càng gần gũi hơn với các bạn nghệ sĩ không phân biệt tuổi tác. Gần như hầu hết ca sĩ nào đến trình diễn tại Montréal, Canada đều ở lại nhà với Trường Kỳ và Thu Huyền ít nhất là một đêm và nằm ngủ trên chiếc “giường nghệ sĩ” được kê trong căn phòng xinh xắn dành riêng để đón tiếp bạn bè hay khách phương xa đến thăm. Đặc biệt là tất cả mọi người đều ký tên trên thành giường để lưu lại một chút kỷ niệm, từ Ngọc Lan, Sĩ Phú, Billy Shane, Đức Huy, Hà Huyền Chi, cho đến Diễm Liên, Thế Sơn, Lưu Bích, Diệu Hương v..v.., và tôi là một trong số những người khách muộn màng! Vì mãi đến đầu năm 1996 tôi mới có dịp sang thăm tệ xá của bạn mình. Lý do không phải vì tôi lười hoặc không nhớ vợ chồng Kỳ, mà thật sự là vì Kỳ thường qua Mỹ để vừa đi làm việc, vừa thăm viếng anh chị em nghệ sĩ chúng tôi ở HK.

Nam Lộc thăm Trường Kỳ tại Montréal, Canada - 1996

Chiếc “Giường Nghệ Sĩ”

Elvis Phương ký tên trên chiếc “Giường Nghệ Sĩ”

Tuấn Ngọc ký tên trên chiếc “Giường Nghệ Sĩ”

Sau chuyến Mỹ du lần đầu tiên năm 1982 trở đi, Kỳ rất thích nước Mỹ, nói đúng hơn là rất thích sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Mỹ, hoặc nói trắng ra là vì bạn ta rất mê đồ nhậu của người Việt tại Little Sàigòn! cộng thêm yếu tố là có mấy ông bạn rất thân. Mà Kỳ còn có thêm một đặc tính nữa là rất ngại làm phiền người khác, thế nhưng đối với những người bạn thân, hay chiều chuộng và thương mến thì Kỳ “không ngại” làm phiền và vòi vĩnh một cách tối đa! Thích ở đâu thì ở, thích ăn gì thì...đòi, thích chơi cái gì thì...kiếm. Kỳ sắp đặt lịch trình “lưu diễn” một cách rất khéo léo, gọn gàng, tiện nghi cho bạn bè và “tươm tất”...cho mình!

Nguyễn Long, Nam Lộc, Tùng Giang và bạn hữu tiếp đón Trường Kỳ
thăm Mỹ Quốc lần đầu tiên - Orange County, 1982

Thực đơn & lịch trình tiếp đón “Vua Nhạc Trẻ”

Phóng sự Trường Kỳ trên tuần báo Chào - 1982

Anh Jo Marcel vẫn thường nói với tôi: Hình như thằng Kỳ nó có số làm “Vua”, bởi vì đi đâu hắn cũng được mọi người tiếp đón một cách nồng hậu và trân trọng! Kỳ có bạn ở khắp nơi trên thế giới, thuộc đủ mọi thành phần và gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, nam cũng như nữ. Mỗi lần Kỳ ghé California thì bạn bè đều đưa ra sẵn một dự trình cùng “thời khoá biểu” thăm viếng của chàng. Hôm nay ở tư gia người nào, mai ngụ tại nhà của ai, mốt sẽ làm gì và đi đâu, ai sẽ đưa, người nào sẽ đón v..v... Chưa hết, sáng Kỳ muốn điểm tâm ở tiệm nào, ăn trưa tại đâu, món gì, còn buổi chiều thì nhậu ở quán nào, dĩ nhiên phải là chỗ nổi tiếng với những món khoái khẩu của “cậu Kỳ”! Kỳ là người rất có “tinh thần ăn uống”, thậm chí có cả Thẻ Hội Viên của Câu Lạc Bộ Ẩm Thực Unesco, mà chúng tôi vẫn gọi đùa là “license ăn & nhậu around the world”. Kỳ sành ăn uống đến nỗi cháu Bi (con gái Kỳ) qua một bài viết cũng đăng trong tuyển tập này diễn tả: Bố cháu nói, trong số 12 con giáp, bố cháu “sơi” hết 11 con, chỉ trừ con Rồng!

“License ăn uống” Câu Lạc Bộ Ẩm Thực Unesco

Tuy bề ngoài trông có vẻ lù đù, chậm chạm, nhưng Kỳ là người rất thông minh, có nhiều sáng kiến và một bộ óc minh mẫn, lanh lợi. Có thể nói nếu không có Trường Kỳ thì không có tờ báo Hồng ở VN ngày trước do Trịnh Quan làm chủ, không có tuần báo Chào ở Mỹ của Tùng Giang hay báo Trẻ của Kỳ Phát ở California hoặc các ấn bản do nhiều người thực hiện tại khắp các tiểu bang HK hiện nay. Không có Trường Kỳ thì không có những buổi Đại Hội Nhạc Trẻ quy tụ hàng chục ngàn người ở VN trước năm 1975 hay sau này tại Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ vào mùa hè 1985, cơ quan USCC của chúng tôi đã phải triệu ông Vua Nhạc Trẻ từ Canada sang để tổ chức một buổi ĐHNT tại thành phố Long Beach hầu gây quỹ định cư người tỵ nạn thuở đó. Đây là buổi ĐHNT đầu tiên và cũng được xem là duy nhất tổ chức ở hải ngoại sau 1975, và cũng vì thiếu sự hướng dẫn hoặc tham dự của Trường Kỳ cho nên đến nay vẫn chưa có hay không còn một buổi ĐHNT đúng nghĩa nào nữa. Nhưng bên cạnh đó thì Kỳ đã cố vấn cho rất nhiều chương trình và các tổ chức khác sau này như hội Tết Cộng Đồng, gây quỹ trợ giúp Thương Phế Binh VNCH, hoặc các buổi đại hội tôn giáo, họp mặt giới trẻ v..v...

Đại Hội Nhạc Trẻ Long Beach, California - 1985

Nhưng theo tôi, đóng góp lớn lao và đáng kể nhất của Trường Kỳ chính là những công trình sưu tầm cùng các tác phẩm văn học, nghệ thuật mà anh đã âm thầm và khổ công thực hiện, hoặc qua hình thức tuyển tập, hoặc qua hình ảnh hay các chương trình phát thanh v..v... Tất cả những tài liệu trên có thể được xem như những sử liệu đáng quý để lại cho đời và cho thế hệ trẻ sau này mỗi khi các em muốn tìm hiểu về các sinh hoạt nghệ thuật của thời VNCH trước năm 1975 hay của người Việt tại hải ngoại. Đối với Trường Kỳ khi vui chơi hoặc ăn nhậu thì rất là thả giàn mà anh thường diễn tả là “líp baga”, thế nhưng khi bắt tay vào làm một công việc gì thì chàng vô cùng chăm chỉ và đứng đắn. Chỗ Kỳ ngồi làm việc được trang bị thật chu đáo và ngăn nắp, có đầy đủ “đồ nghề”, từ hệ thống computer đến video, audio equipments, máy chụp ảnh, thu hình, scanner v..v... Nói tóm lại Kỳ có thể ngồi nhà, nhưng vẫn liên lạc được với tất cả mọi người hay bất cứ nơi nào chàng muốn. Cũng chính vì thế mà anh đã liên tục thực hiện được hàng ngàn cuộc phỏng vấn nghệ sĩ VN ở khắp nơi trên thế giới mà khán thính giả yêu nhạc đã được nghe hay đọc trên các chương trình phát thanh VOA, BBC, RFI, hoặc các đài radio hay báo chí địa phương, qua Internet, hay trên các tuyển tập nghệ sĩ do anh thực hiện mà mỗi lần phát hành đều được chiếu cố một cách nồng nhiệt, hầu hết đều đã “sold out”. Hiện có rất nhiều người đề nghị chị Trường Kỳ hay con cháu của anh tái bản các tác phẩm văn nghệ hữu ích và giá trị vừa kể để cho nhiều người có dịp được thưởng thức hoặc giữ làm tài liệu.

Một số tác phẩm Trường Kỳ để lại cho đời

Phòng làm việc

“Phòng nghỉ việc”!

Trường Kỳ ra mắt sách tại Orange Co, California - 1995

Là người có máu văn nghệ và hoạt động khá đa dạng trong lãnh vực này, vì thế Trường Kỳ có nhiều “chức vụ” và biệt danh được người đời gán cho anh. Nào là “Vua Nhạc Trẻ”, “Vua Hippy”, nào là nhà văn, nhà báo, nào là nhạc sĩ, nào là nhà tổ chức và đôi khi còn được gọi là “ông bầu”! Nhưng có lẽ vai trò đúng nhất, thích hợp nhất mà Trường Kỳ cũng hài lòng nhất và tự xem như nghề chính của mình, đó là danh xưng “Ký Giả Trường Kỳ”. Quả đúng như vậy, mặc dù làm rất nhiều việc liên quan đến sấn khấu, nghệ thuật, văn chương, ca nhạc, điện ảnh, truyền thanh, truyền hình v..v.., nhưng tất cả đều bắt nguồn từ tài viết lách của anh, từ các bài phỏng vấn, phóng sự tường trình, ký sự, truyện ngắn, truyện dài hay truyện phim v..v.. được ký dưới nhiều bút hiệu khác nhau và được phổ biến một cách rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, kể cả tại VN. Và nếu nhận xét như vậy thì có thể nói Trường Kỳ là một ký giả đã sống đúng nghĩa với câu “Sinh Nghề, Tử Nghiệp”.

Kỳ chính thức bước vào lãnh vực báo chí từ năm 1963, khi mới vừa 17 tuổi bắt đầu bằng một công việc tài tử, phụ trách “Trang Teenager’s” với bút hiệu Johnny Kỳ trên tuần báo Kịch Ảnh rất nổi tiếng thời đó của đạo diễn kiêm chủ nhiệm Quốc Phong. Với sự đáp ứng nồng nhiệt của độc giả nói chung và giới trẻ nói riêng, chẳng bao lâu sau đó vào năm 1964, Kỳ đã được ông Quốc Phong mời cộng tác một cách chính thức và phụ trách tiết mục “Sài Gòn Bão Nhạc” dưới tên Trường Kỳ và được trả tiền nhuận bút đầy đủ như một ký giả chuyên nghiệp. Mỗi khi nhắc đến chuyện này, Kỳ vẫn lấy làm hãnh diện và khoe rằng, các đàn anh “đồng nghiệp”, cùng làm chung một tòa soạn với Kỳ thuở đó đều là những cây cổ thụ của làng văn, làng báo VN như Hoàng Hải Thủy, Mai Thảo, Viên Linh v..v.., mặc dù lúc đó ai cũng biết Kỳ chỉ là một ký giả hạng “tép riu”, nhưng hạng gì thì hạng, anh cũng đã trở thành một ký giả “nhà nghề”. Và đó cũng là cái nghề chính đã nuôi Kỳ cho đến ngày nhắm mắt.

Trường Kỳ bắt đầu nghề cầm bút - Báo Kịch Ảnh, 1964

Chương trình “Nghệ Sĩ & Đời Sống” trên đài VOA

Thật sự Kỳ có thể vẫn còn hiện diện trên cõi đời này, nếu không vì lương tâm nghề nghiệp. Khởi đi từ ngày Thứ Sáu định mệnh 20 tháng 3, 2009, Kỳ nhận lời bay từ Montréal xuống Toronto để tham dự buổi ca nhạc ra mắt CD của một giọng hát trẻ, rất trẻ nên được gọi là Bé Tường Vi, học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức, trưởng ban Việt Nhi ngày trước, và cũng là người đã đào tạo ra hàng chục ca sĩ tên tuổi của nền âm nhạc VN. Lúc chuẩn bị lên đường thì Kỳ cảm thấy khó chịu trong người và than với vợ là bị chóng mặt và huyết áp xuống thấp, sau đó anh đành phải hủy bỏ chuyến đi. Quyết định này không biết có làm cho Kỳ mang “mặc cảm tội lỗi” hay không, nhưng qua ngày hôm sau, sáng Thứ Bẩy 21 tháng 3, Kỳ nói với vợ là đã thấy bớt mệt và muốn đổi lại vé để bay đến Toronto. Thu Huyền vẫn lo lắng và cản chồng nên ở nhà để chị đưa đi khám bác sĩ. Huyền bảo, lâu lâu mới có một lần phải hủy bỏ chuyến đi làm phóng sự phỏng vấn, chắc không sao đâu, thế nào mọi người cũng thông cảm vì sức khỏe của anh. Kỳ trả lời vợ rằng: Em nói đúng, tuy nhiên nếu đây là buổi ra mắt của một ca sĩ nổi tiếng hoặc một người đã có tên tuổi thì anh sẽ ở nhà, nhưng khổ nỗi đêm nay là lần xuất hiện đầu tiên của cháu Tường Vi, một ca sĩ mới có 12 tuổi và vừa bước vào nghề, vì thế nếu anh không dự để viết bài tường thuật cũng như giới thiệu thì chắc nó buồn và thất vọng lắm! Một câu nói mà tôi nghĩ rằng chỉ có thể phát ra từ trái tim của những nhà báo chuyên nghiệp và có lương tâm.

Nữ Ca sĩ trẻ Tường Vi

Cũng xin nhắc lại một chút ở đây rằng Trường Kỳ bạn tôi là người mang chứng bệnh tiểu đường khá nặng. Mỗi ngày anh phải tự đo mức lượng đường trong cơ thể và tự chích Insulin vào người 3, 4 lần một ngày. Đi đâu cũng phải vác theo hộp “đồ nghề” thuốc thang, kim chích, máy đo v..v...

Và như đã nói ở trên, Kỳ rất ngại làm phiền người không thân, vì thế khi sau khi quyết định bay xuống Toronto và tham dự cũng như ghi nhận chi tiết buổi nhạc hội ra mắt CD của cháu ca sĩ Tường Vi, Kỳ tạm trú ở nhà người “bầu show” trẻ tên là Minh. Sáng hôm sau Chủ Nhật 22 tháng 3, 2009 Kỳ thấy mệt trở lại, ca sĩ Quốc Anh đến đón đi ăn sáng nhưng anh cứ lần lữa mãi. Thấy “ông thầy” có vẻ khó chịu bất thường, mặt tái xanh, vợ chồng người bầu show đề nghị gọi ambulance đưa anh vào bệnh viện, nhưng Kỳ nhất định không chịu và trấn an mọi người rằng không sao đâu, nằm nghỉ một tí là khỏe, nhưng tôi đoán chắc vì Kỳ sợ phiền! Bằng cớ là ngay sau đó, có lẽ không còn chịu nổi nữa, Kỳ bắt đầu ói mửa, chủ nhà phải gọi xe cấp cứu, thậm chí khi xe đến nơi Kỳ vẫn còn ngại ngùng không chịu nằm lên băng ca để họ khiêng đi, mà lại tự động bước ra ambulance, nhưng vừa đến cửa xe thì anh ngã quỵ xuống, nhân viên cứu thương vực Kỳ lên đưa anh ngay vào bệnh viện, nhưng quá trễ, Kỳ đã tắt thở giữa đường. Tôi được Quốc Anh gọi điện thoại “tường trình tại chỗ” mọi diễn biến từng phút, từng giây, vừa nghe, vừa đau lòng, vừa xót thương, lại vừa... tức bạn mình! Điều này đã được Thu Huyền xác nhận lại về sau rằng, nếu!!! Vâng, nếu hôm đó Kỳ đừng quá yêu nghề chịu khó nghỉ ở nhà, hoặc đừng ngần ngại trong việc gọi xe cứu thương từ sớm! Hoặc có vợ đi theo để chăm sóc và theo dõi sức khoẻ thì “chắc chắn hắn còn gặp tụi mình dài dài”, đó chính là lời nhận xét của một số bác sĩ y khoa, đồng thời cũng là bạn thân và biết rất rõ tình trạng bệnh lý của Kỳ.

Âu cũng là sự an bài của số mệnh, và nếu tin vào số mệnh thì có lẽ chúng ta cũng phải tin vào những điềm gở xẩy ra trước ngày Kỳ bỏ cuộc chơi! Nhất là khi Thu Huyền khoe tôi tấm ảnh hai vợ chồng vừa nghịch ngợm chụp cách ngày Kỳ mất chỉ 1 tháng trước đó là cảnh Kỳ đứng ở một sân ga xe lửa (giả vờ) vẫy tay chào từ giã vợ mình, phải chăng như một điều báo trước?

Trường Kỳ & Thu Huyền “vẫy tay, vẫy tay chào nhau...”!

Chưa hết, Thu Huyền kể tiếp, buổi sáng Thứ Bẩy đưa chồng ra phi trường, trước khi lên máy bay, Kỳ còn dặn đi, dặn lại vợ là ngày mai giờ này nhớ đón anh nhé và sau đó trấn an Thu Huyền rằng “có lẽ đây là chuyến đi show ngắn nhất của anh phải không em”! Nhưng không ngờ nó đã trở thành chuyến đi dài nhất trong đời của ông Vua Nhạc Trẻ! Kỳ ra đi thật nhanh và thật bất ngờ, không biết đau đớn là gì. Nhanh đến nỗi ở trên cùng một tờ báo, trang bên phải thì đăng mẩu Phân Ưu do Kỳ đứng tên chia buồn một người quen vừa qua đời. Trang bên trái thì đăng Cáo Phó Trường Kỳ đã mất! Và bất ngờ là bởi vì Kỳ vẫn thường nói với Thu Huyền rằng theo lá số tử vi thì anh phải sống cho đến năm 90 tuổi, cho nên Kỳ bao quản mọi việc trong nhà, còn Huyền thì hoàn toàn dựa vào chồng. Từ cách sử dụng cell phone cho đến Internet, check email, xe cộ, bảo hiểm, thuế má v..v.., Kỳ đều làm hết cho vợ, vì thế sự ra đi của Kỳ đã để lại một sự trống vắng và hụt hẫng lớn lao cho Thu Huyền.

Hôm tang lễ, nghe Thu Huyền vừa thương, vừa khóc, vừa trách chồng mà tôi dù đang buồn não ruột nhưng cũng phải bật cười. Huyền nói, con người anh Kỳ làm cái gì cũng chậm. Ăn cũng chậm, nói cũng chậm, đi cũng chậm, vậy mà tại sao đối với cái chết thì anh lại nhanh hơn ai hết! Người thiếu phụ cô đơn nhiều khi cứ tưởng chồng mình vẫn còn đang rong chơi khắp bốn phương trời chưa trở lại mái nhà xưa, nhưng có ngờ đâu chàng đã hoàn tất xong một đời phiêu lãng, rồi quên cả đường về, như lời ca mà Hoàng Thi Thơ đã viết:

Ta đi lang thang quên ngày tháng, quên trần gian,
quên nhân tình đã quên mình.
Xin một sáng trong mùa đông, trên nệm êm lá vàng úa.
Không còn nhớ, không còn thương, ta nằm im chết bên đường!

Kỳ ơi, tôi nhớ ông!

Nam Lộc

22/03/2010


*

No comments: