Sunday, March 7, 2010

ĐỖ TRUNG QUÂN * ÂM NHẠC

*

Nhạc "Sến" là Nhạc gì (?)
- "Nhạc sến" Ai Nghe
và Vì Sao Gọi là Sến?

Có lẽ trong đời bạn đã hơn một lần "bị" người khác bình phẩm: Sao mà "sến" quá đi! Khi bạn chỉ vừa mới hát một câu, thốt dăm ba tiếng hoặc ngay cả bộ đồ bạn đang mặc, bức tranh bạn vẽ, món quà bạn chọn... cũng có thể bị coi là "sến". "Sến" quả là muôn hình vạn trạng, nhưng nếu cắc cớ hỏi lại: "Sến" là gì ? thì e rằng người vừa bình phẩm cũng... ngắc ngứ vì không thể giải thích một cách thỏa đáng. Ở phạm vi chuyên đề này, chúng tôi chỉ xin lạm bàn về "nhạc sến" - một thực thể luôn hiện hữu trong dòng chảy âm nhạc mấy chục năm qua...

Tản mạn về nhạc sến
Chưa có một quy định "chuẩn" nào để phân biệt bản nhạc này thuộc loại "sến", bản kia không "sến" nhưng không biết do đâu mà hầu như tất cả các bản nhạc được sáng tác có điệu boléro, rumba, ballade... đều bị quy là nhạc sến (tiếng "sến" được hiểu theo nghĩa dè bỉu, mỉa mai, khinh thị...). Vậy thì "sến" là gì?

Theo ý kiến của nhiều lão làng trong giới ca nhạc thì "sến" do chữ sen (trong từ con sen: người giúp việc nhà) đọc trại mà ra. Trước 1954, chỉ có ở miền Bắc mới gọi "ô sin" là con sen, trong Nam gọi là "ở đợ". "Sến" thường là những cô gái quê con nhà nghèo, ít học phải ra tỉnh ở đợ, vì vậy trình độ hiểu biết cũng không cao. Do thường giúp việc cho chủ Tây hoặc trong các gia đình theo Tây học nên các cô được các nhà văn, nhà báo có óc hài hước thêm cho cái tên "Marie" phía trước để trở thành Mari-Sến.

Sau 1954, "Mari-Sến" vào Nam. Dạo đó, nước máy chưa được đưa tới từng nhà, chiều chiều các Mari- Sến lại tụ tập quanh cái máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông ten". Trong khi đứng chờ đầy gánh nước, các cô thường vui miệng hát với nhau những câu đại loại như: "Anh ơi nếu mộng không thành thì sao? Non cao, biển rộng biết đâu mà tìm…" (Duyên kiếp - Lam Phương) hoặc: "Chiều nay có phải anh ra miền Trung, về thăm quê mẹ cho em về cùng..." (Quen nhau trên đường về - Thăng Long). Thế là thành... nhạc sến! Một sự hình thành quá đỗi "mơ hồ" nên cũng khó mà định nghĩa. Thôi thì, hễ loại nhạc nào mà các chị gánh nước mướn, các anh đạp xích lô, thợ thuyền (gọi chung là giới bình dân) khoái hát thì... đó là “nhạc sến”!

Hãy tạm bằng lòng "nhạc sến" là như vậy, nhưng sẽ thật sai lầm khi quan niệm "nhạc sến" với hàm ý khinh thị, chê bai bởi trong dòng nhạc bình dân này có rất nhiều tuyệt tác mà chưa chắc các nhạc sĩ dòng nhạc "hàn lâm" đã sáng tác được, như: Khúc ca ngày mùa (Lam Phương), Hoài thu (Văn Trí), Xóm đêm (Phạm Đình Chương), Ai lên xứ hoa đào (Hoàng Nguyên), Nắng chiều (Lê Trọng Nguyễn), Đường xưa lối cũ (Hoàng Thi Thơ), Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thương hoài ngàn năm (Phạm Mạnh Cương), Nắng lên xóm nghèo (Phạm Thế Mỹ)...

"Tạm bằng lòng" như đã nói ở trên nhưng cũng còn có khá nhiều người "không bằng lòng chút nào" - họ là những người làm ra bài hát (nhạc sĩ) và những người hát (không cứ gì phải là ca sĩ). Nhạc sĩ sừng sộ: "Nhạc của tui được rộng rãi quần chúng hát. Lên non, xuống biển, len lỏi vào tận hang cùng ngõ hẹp, sức "công phá" như... sóng thần! Thử hỏi "nhạc hàn lâm" đã có sức hấp dẫn như thế chưa? Mục đích của âm nhạc là tạo được sự đồng cảm ở mọi tâm hồn, nhạc của tui đã đạt được điều đó và còn... hơn thế nữa! Thế thì sao lại gọi là “nhạc sến” ?".

Người hát thì cải chính: "Sến thế nào được. Đó là loại nhạc dễ nghe, dễ hát và nhất là hợp với tâm trạng (tùy thời điểm) của tôi. Thế là tôi thích, tôi hát hoài: "Tôi với nàng (cóc cóc cóc cóc) hai đứa (cóc cóc cóc cóc) nguyện yêu nhau (cóc cóc cóc cóc). Tha thiết từ đây (cọc cọc cọc cọc) cho đến (cọc cọc cọc cọc) ngày bạc đầu (cọc cọc cọc cọc)...”.

Xem ra, cuộc tranh luận về "nhạc sến" chưa chắc đã dừng lại ở đây !

Hà Đình Nguyên: Nhạc sĩ Vinh Sử: "Sến" là do những người bày đặt... "chảnh" * Anh có… tự hào khi được "phong" là "Vua nhạc sến" không? Và theo anh "nhạc sến" là gì?

Nhạc Sĩ Vinh Sử: - Thú thật, cho đến bây giờ tôi cũng không biết ai đã "phong... vua" cho tôi, và "phong" từ bao giờ. Tự hào à? Biết nói thế nào nhỉ, nhưng rõ ràng chữ "vua" là... hơi bị hiếm! Đã là vua là... trên tất cả (cười). Còn về từ "sến", tôi không thể phân tích. Với tôi, không hề có “nhạc sến” mà chỉ có nhạc hay và nhạc dở mà thôi (đương nhiên nhạc hay mới có giá trị). Nếu từ "nhạc sến" là dùng để chỉ dòng nhạc dành cho giới bình dân thì tôi chịu lắm và tôi rất tự hào khi được rộng rãi quần chúng hát nhạc của mình.

* Nhưng nhạc của anh cũng phải "có cái gì đó" người ta mới "chỉ mặt, đặt tên" rằng… "sến" chứ ?

- Trước 1975, giới làm nhạc rất dễ kiếm tiền. Tiền tác quyền một bản nhạc có khi mua được chiếc xe hơi, nhạc sĩ lại được "đặt hàng" tới tấp, do vậy mới nảy sinh ra loại "nhạc thị trường". Giai đoạn này tôi cũng có sáng tác các ca khúc như: Nhẫn cỏ cho em, Yêu người chung vách, Trả nhẫn kim cương... Có thể từ loại nhạc này mà người ta gọi là "nhạc sến" cũng nên. Sau 1975, "e" nhạc của tôi có tính chất dân gian, mang âm hưởng cổ nhạc (3 Nam, 6 Bắc), chẳng hạn các nhạc phẩm: Tình ngoại, Bằng lòng đi em, Để tóc nàng ngủ yên, Qua ngõ nhà em, Làm dâu xứ lạ, Nhành cây trứng cá... Cái đẹp của quê hương mình sao mình lại không ngợi ca, tôn vinh mà lại dè bỉu là... "sến" ! Tôi nghĩ trừ những người bày đặt "chảnh", còn thì bất cứ ai có tinh thần dân tộc đều yêu mến dòng nhạc trữ tình quê hương.

* Và anh vẫn trung thành với khuynh hướng sáng tác nhạc bình dân đại chúng ?

- Tại sao không? Đó là "e" nhạc sở trường của tôi và tôi vẫn trung thành với khuynh hướng sáng tác đó cho đến bây giờ. Công chúng bình dân đón nhận nhạc của tôi một cách nhiệt tình thì tôi cũng phải có nhiệm vụ viết nhạc phục vụ giới bình dân. Tôi đã từng nói: "Bao giờ nước mình giàu, không còn người đạp xích lô, thợ hồ, ô sin... lúc đó tôi sẽ viết... nhạc sang" (cười).

Trần Công Bảo Anh, 26 tuổi: - "Tôi đặc biệt yêu thích dòng nhạc trước 1975 (mà trong đó có rất nhiều bài hát bị cho là "sến") vì đó là những bản nhạc có hồn, đầy ý nghĩa và tâm trạng. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng sưu tầm loại nhạc này. Hiện nay bộ sưu tập của tôi đã có 1.776 bản nhạc tờ và khoảng mấy chục tuyển tập (tất cả đều được in trước 1975). Nhưng tôi không phải là trường hợp cá biệt mà hiện nay đang rộ lên phong trào sưu tầm nhạc cũ của nhiều bạn trẻ như tôi".

Trần Ngọc Phong: - "Tôi là người rất thích hát nhạc bình dân đại chúng (thực ra boléro cũng là một loại nhạc sang). Một nhóm bạn hữu ngồi nhậu bên vỉa hè, chuyền tay nhau ly rượu có cây đàn guitar, hát nhạc boléro thì thật là... tới bến! Đó là một dòng nhạc đầy tính tự sự, cám cảnh về thân phận, về cái nghèo và cả chuyện... thất tình! Theo tôi, không có bài hát nào là "sến" cả mà chỉ có cách thể hiện tâm trạng nếu nó "lâm ly, bi thiết" thì người ta cho là "sến". Thí dụ bài Đời tôi cô đơn, nếu được hát một cách nghiêm chỉnh thì rất dễ lay động hồn người nhưng nếu rên rỉ, èo uột thì... sến là cái chắc!".

Sến là gì? Tại sao? Như thế nào?

Giáo sư Cao Xuân Hạo: - "Theo tôi, gốc của từ "sến" phải bắt đầu từ chữ "sen" trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở. Xuất phát của từ này ở miền Bắc, thời kỳ Pháp thuộc vào những năm 1930 - 1945; có thể xem là thời của Lý Toét và Xã Xệ, của văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Từ "sen" đọc trại thành "sến" bởi sự khinh bỉ, là tầng lớp thấp, văn hóa kém. Còn nếu ứng dụng vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị. Bàn riêng về chữ "sến" trong "nhạc sến", tôi nghĩ nghĩa gốc cũng vậy, không thay đổi nhiều lắm".

Dịch giả Nhật Chiêu: "Tôi nghĩ nhạc sến là một bộ phận cơ bản trong đời sống âm nhạc dành cho đối tượng thưởng thức bình dân, không thể thiếu. Không chỉ VN mà rất nhiều nước đều có loại hình giải trí dành riêng cho đối tượng đông đảo này. Trong rất nhiều "tình huống" cuộc sống, tình cờ "lạc vào" tôi lại thấy nhiều ca từ của nhạc sến rất có lý (!). Sự thật là chưa có ai buồn nghe nhạc sến mà chết cả nhưng đã có nhiều trường hợp thưởng thức "văn hóa" cao cấp lại tự tử ví dụ như trường hợp tác phẩm Những nỗi đau của chàng Goet-thơ của Gớt. Nói vui, theo tôi, nghe nhạc sến cũng như mặc áo chim cò, không hại ai".

Trịnh Cung: "Trong tranh vẫn có "sến” chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân. Nhưng chân dung các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, bà Tùng Long... của ông thì vẫn đầy cá tính. Nhiều người nhớ ! “Nhạc sến” thường tập trung vào điệu boléro. Theo tôi, ngoài tính mòn, đơn điệu, boléro có ưu điểm là rất thích hợp với giọng nam của các ca sĩ Sàigòn. Các nhạc sĩ như Lam Phương, Hồ Đình Phương, Thanh Sơn... là những cái tên được biết đến từ “nhạc sến”. Nói không quá, “nhạc sến” rất đặc trưng cho đời sống thị dân”.

Ca sĩ Hương Lan: Âm nhạc có nhiều dòng khác nhau: nhạc dân ca, nhạc trữ tình..., nhưng không có dòng nhạc sến. Tôi không biết những người hay dùng từ sến để chê một bài nào đó, họ có hiểu "sến" là gì hay không; hay cái gì không thích thì đều cho là "sến". Cũng như từ "cải lương" vậy, đó là một loại hình nghệ thuật, sao mọi người có thể tùy tiện sử dụng mỗi khi muốn chê cái gì đó (sao sến quá, sao cải lương quá). Tôi xem đó là sự chọc ghẹo, coi thường và nhục mạ rất tệ hại, nếu không nói là vô văn hóa. Nhưng đó là khán giả chê. Đáng buồn hơn, ngay cả người trong giới cũng nói như vậy. Các em dù có nổi tiếng đến đâu, hát nhạc sang thế nào thì cũng đừng nên coi thường các loại nhạc khác .

Sến mà không sến, không sến mà sến

Tôi tạm tiếp nhận những ca khúc sôi động, tưng bừng hôm nay của các bạn là sang nhé. Tôi chỉ kể một câu chuyện cũ, chuyện của một người đã từng có thời tuổi trẻ.

Thuở ấy, tôi nghe Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... tôi cũng đã từng cười vào những bài hát boléro: "Mưa ướt lạnh trong đêm... Đứng bên thềm ga vắng… hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh…". Tôi từng bĩu môi: "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa… trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa… nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt… gác trọ buồn đơn côi, phố nhỏ vắng thêm một người…" và tất nhiên sẽ lắc đầu khi nghe: "đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…", "anh nghèo nên không nhẫn kim cương, tặng em nhẫn cỏ bình thường…". Và thêm nữa, một ca khúc không sang dù chưa chắc sến: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào... tình mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào… lời ru man mác êm như sáo diều rì rào… tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên…" vân vân và vân vân... - những ca khúc lời lẽ không ẩn dụ tượng trưng, không triết học cao siêu chỉ được xếp vào loại bình dân hay gọi là sến cũng được.

Ta hãy thử làm một sự sắp xếp nho nhỏ: đặt những ca từ sến ấy bên cạnh những ca từ được gọi là sang.

Quả thật, thế giới trong thời đại ta đang sống đã trở nên nhỏ hẹp, đời sống sôi động, nhịp sống nhanh, tiện nghi, phương tiện vật chất nhiều. Cách sống, cách nghĩ cũng đã khác thì âm nhạc chẳng cần phải cứ là boléro, thành ngữ chỉ nhạc sến mới là sến. Ngay đến: "Trả lại em yêu khung trời đại học...", "Em tan trường về… anh theo Ngọ về... chân anh nặng nề, lòng anh nức nở…", rồi: "Gửi gió cho mây ngàn bay… gửi bướm đa tình về hoa…" và "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ" trong cách suy nghĩ nhanh gọn lẹ, hiệu quả hoặc không hiệu quả của số đông nhạc sĩ trẻ, một bộ phận người nghe trẻ thì hôm nay, những Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Đoàn Chuẩn - Từ Linh,... đều thành sến tất tần tật chứ còn gì nữa.

Bao nhiêu thập niên trôi qua, người ta thường quan niệm sến là dùng cho bình dân, là nông thôn, là ngoại ô đèn vàng hiu hắt... Thật vậy không? Đúng thế không? Người viết không dám kết luận, chỉ thấy rằng có vô khối người "con nhà giàu học giỏi" hẳn hoi, có bằng cấp hẳn hoi, ở ngay giữa lòng thành phố rực sáng hẳn hoi, cứ bật karaoke lên là nhạc sến đấy thôi! Mà "sến" không chừng đã trở thành "sang" mất rồi. Ai dám bảo chỉ dành cho người bình dân nữa nào.

Cần có một cái nhìn đúng đắn về nhạc "sến"

Tôi đã thử học làm sang. Tôi cũng từng mê nhạc "sến" nhưng khi thấy phong trào nhạc "sang" rộ lên, tự nhiên tôi cũng cảm thấy mình bị lạc hậu, lỗi thời vì những lời dè bĩu của thiên hạ. Thế là tôi thử "học làm sang", chỉ tìm nghe có mỗi nhạc "sang". Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tôi lại cũng "tự nhiên" quay về thưởng thức với những dòng nhạc được cho là "sến" kia.

Lý do à? Nhiều lắm, bởi vì nhạc đã được cho là "sang" ấy hình như không phải sang, nó chỉ mới mà thôi. Hơn nữa, tôi lại không thể "cảm" được cái mới ấy dù chỉ một chút. Nói theo kiểu "nghe tai này lọt qua tai kia" có lẽ là gần chính xác. Bởi vậy, mặc ai có nói gì thì nói, tôi sẽ vẫn tiếp tục thưởng thức lọai nhạc dễ cảm này.

Nhạc "sến" có hồn thơ trong nhạc
Nếu cho rằng nhạc "sến" là bình dân thành thị với ý nghĩa khinh miệt thì đó là một sai lầm rất lớn. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng chỉ có nhạc hay và nhạc dở. Một bản nhạc là một sản phẩm tinh thần. Nếu người nghe nghe xong rồi quên, bản nhạc chỉ có đời sống ngắn ngủi vài tháng thì không thể là một sản phẩm tốt được. Nếu chúng ta biết nghe, biết cảm nhận dòng nhạc bị cho là sến, ta sẽ thấy được rằng sức sống của những bản nhạc này không chỉ ở một thế hệ. Vì sao? Nếu ta đem so sánh những ca từ, những lời ca của nhạc "sến" và dòng nhạc trẻ bây giờ, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt. Ca từ trong những bài nhạc của Ngô Thụy Miên, Phạm Đình Cương, Vinh Sử, Nguyễn Ánh 9... rất chau chuốt, chan chứa hồn thơ trong từng ý nhạc mà những bài nhạc trẻ hầu như không có. Hơn thế nữa, người nghe có thể cảm nhận được hồn quê, tình yêu trong sáng trong từng ca khúc của họ.

Tổng hợp của Hà Đình Nguyên - Huyền Nga
- Đông Dương - N.Vân - Đỗ Trung Quân

http://www.take2tango.com/?display=634

*

No comments: