Thursday, June 17, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * TRUYỆN NGẮN

**

HOÀNG CÚC



Cao Minh Sơn người Bắc Ninh sớm mồ côi cha, thông tuệ rất mực, mười bốn tuổi đã vào học trường quan giáo thọ. Mẹ hết sức cưng yêu, bình thường không cho đi chơi ra ngoài đồng ruộng. Nhà đã dạm con gái họ Trần cho chàng, song chưa cưới thì nàng mất. Vì thế việc nhân duyên vẫn chưa thành.
Gặp tiết Thượng Nguyên, có người con nhà cậu là chàng Trương đến rủ đi chùa lễ Phật. Vừa ra đến đầu xóm thì có đầy tớ nhà cậu sang gọi Trương về. Trên đường, chàng thấy trai thanh, gái lịch lũ lượt mà đi, nổi hứng, chàng bèn một mình ngao du.


Khi vào chùa Thuận Thành, chàng thấy có một cô gái dắt con hầu đi theo, tay cầm một cành hoa mai, nhan sắc tuyệt vời, nụ cười xinh tươi làm lòng chàng say mê. Chàng nhìn đăm đăm đến nỗi quên cả giữ ý tứ. Cô gái đi vượt lên mấy bước, quay sang cả giận mà mắng chàng:

- Người đâu mà nhìn người ta chòng chọc như giặc cướp!.

Mắng xong, nàng bỏ cành hoa xuống đất, cười nói mà đi . Chàng nhặt cành hoa, buồn thiu, hồn phách xiêu lạc đâu mất, lầm lũi quay về.

Về đến nhà , chàng đặt hoa dưới gối mà ngủ, không nói cũng không ăn. Mẹ đâm lo, đi cầu cúng thì bệnh càng nặng, da thit gầy tóp. Thầy thuốc thăm bệnh, cắt cho thang dưỡng thần bổ khí, nhưng chàng cứ hốt hoảng như người bị tà ma . Mẹ dỗ dành hỏi nguyên do, chàng lặng thinh không đáp.

Vừa lúc đó chàng Trương đến, bà dặn nhỏ chàng hỏi riêng xem sao. Trương vào trước giường; vừa nhìn thấy, chàng đã chảy nước mắt. Trương ghé sát bên giường an ủi, lân la gặng hỏi Chàng bèn thổ lộ thực tình, lại nhờ lo toan hộ. Trương cười đáp:

- Anh lại ngốc rồi! Ước muốn đó thì khó gì mà chẳng toại! Anh hãy tả cho tôi hình dáng nàng để tôi dọ hỏi. Chỉ cần anh thuyên giảm, tôi sẽ lo liệu tất cả.

Chàng nghe vậy bất giác nở nụ cười, bèn tả hình dáng cô gái, má lúm đồng tiền, người thanh tao, giọng nói trong như ngọc, đặc biệt là nàng đeo kiềng vàng rất lớn, lưng đeo xà tích bạc lại đính hồng ngọc, tay đeo chiếc nhẫn vàng mặt minh châu. Trương trở ra bảo với bà mẹ rồi để đi tìm làng ở của cô gái; song thăm hỏi đã cùng khắp vẫn không di ra tin tức. Mẹ lo lắm, chẳng biết tính thế nào. Nhưng từ sau khi Trương về rồi thì sắc mặt con tự nhiên tươi tỉnh, ăn uống đã có phần khá hơn.

Mấy hôm sau, Trương trở lại. Chàng hỏi công việc đã đi đến đâu. Trương vờ vit nói:

- Xong rồi! Cứ tưởng người nào, hoá ra là con gái bà cô tôi, tức là vào hàng em con nhà dì với anh đấy. Hiện vẫn còn đợi gả chồng. Dẫu họ hàng về đằng mẹ kết thông gia không tiện, nhưng cứ tình thực mà nói thì cũng chẳng có gì không xuôi

Chàng mừng, rạng rỡ cả mặt mày, hỏi Trương:
- Thế ở làng nào?
Trương thác rằng:
- Ở trong núi, về phía Bắc cách đây ngoài hai mươi dặm.
Chàng lại dặn di nhờ cậy đến năm lần bảy lượt. Trương cũng sốt sắng tự xin đảm nhận, rồi lui gót. Từ đấy chàng ăn uống ngày một khá hơn, sức khoẻ dần dần bình phục. Lật gối lên xem, hoa tuy khô nhưng vẫn chưa tàn héo hẳn. Mải mê cầm ngắm, tưởng như còn thấy được người

Mãi sau lấy làm lạ sao Trương không đến, bèn viết giấy mời, thì Trương không chiu đến. Chàng tức giận, buồn bã không vui. Mẹ lo bệnh con lại tái phát, vội bàn chuyện hôn nhân, nhưng mới trao đổi sơ qua, đã lắc đầu không chiu, chỉ ngày ngày ngóng đợi chàng Trương Cuối cùng tin tức về Trương cũng bặt, chàng càng thêm tức. Rồi bỗng vụt nghĩ rằng hai mươi dặm cũng chẳng lấy gì làm xa, hà tất phải ỷ lại vào người khác. Cao sinh bèn giấu cành mai vào tay áo, tức mình cất bước ra đi, mà người nhà chẳng một ai hay.

Lủi thủi cuốc bộ một mình, không có ai để hỏi đường, chỉ nhắm mắt hướng núi Bắc đi tới được chừng hơn mười mấy dặm, thấy núi chất chồng. Xa xa trông xuống dưới khe núi trong chỗ cây cối um tùm chằng chit hoa nở từng đám dày, thấp thoáng như có một xóm nhỏ. Xuống núi, vào trong xóm, thấy nhà cửa thưa thớt, toàn là nhà tranh, mà xem chừng lại rất thanh nhã. Một ngôi nhà hướng Bắc, trước cửa buông đẳu tơ liễu, trong tường đào hạnh lại càng sum suê, chen lẫn với những khóm trúc vươn dài; chim rừng kêu lách chách ở trong. Chàng cho là nơi vườn cảnh của ai, không dám đường đột bước vào. Quay nhìn phía đối diện với cánh cổng, thấy có hòn đá lớn trơn nhẵn, sạch sẽ, bàn ngồi lên đó tạm nghỉ. Giây lát nghe phía trong tường có tiếng một người con gái dài giọng gọi: "Thanh Lan! Thanh Lan", tiếng nghe êm ái, nhỏ nhẹ. đang chăm chú lắng nghe, thấy một cô gái từ phía đông rảo sang phía Tây, tay cầm đóa hoa hạnh, cúi đầu cài lên mái tóc; vừa ngẩng đầu lên trông thấy chàng liền không cài nữa, mỉm cười cầm đóa hoa đi vào.

Nhìn kỹ lại thì đúng là người mình đã gặp hôm trên đường đi chơi tiết Thượng Nguyên. Trong lòng mừng quýnh lên, chỉ ngó chứ không lấy cớ gì mà vào được, muốn gọi bằng cô em con dì, lại e từ thuở nào đến giờ không hề đi lại, nhỡ ra có nhầm lẫn chăng
Trong cửa không có một ai để hỏi, đành quẩn quanh hết ngồi lại đứng từ sớm mãi đến tận trưa, đăm đăm trông ngóng, quên cả đói khát. Thỉnh thoảng thấy cô gái hé nửa mặt ra nhìn tựa hồ lấy làm lạ sao mình vẫn không bỏ đi . Bỗng có một bà già chống gậy đi ra, hướng vào chàng mà hỏi:

- Chàng trai ở đâu, nghe như từ giờ thìn đã đến đây, ở mãi cho đến bây giờ à? Anh cần gì? Không đói à?
Chàng vội đứng dậy vái chào, đáp rằng:
- Tiểu sinh đi tìm người bà con.
Bà cụ nghễnh ngãng nghe không rõ. Chàng lại phải nói to lên. Bèn hỏi:
- Vậy chứ quý vị thân thích họ gì ?
Chàng không sao trả lời được. Bà cười bảo:
- Kỳ chưa! đến họ tên còn không biết thì biết bà con như thế nào mà tìm thăm? Tôi xem bộ cậu cũng chỉ là tay nghiện sách mà thôi . Chi bằng hãy theo tôi vào đây, lót lòng lưng cơm hẩm; đợi sáng mai vế hỏi lại cho biết họ gì, rồi đến tìm thăm cũng chưa muộn.

Chàng đang lúc bụng đói muốn ăn, lại được vào đó lân la gần gũi người đẹp, thì mừng quá, bèn theo bà già đi vào. Thấy trong cổng, lối đi lát toàn đá trắng, hai bên đường, hoa hồng từng cánh từng cánh rụng trên thềm. Quanh co đi về phía Tây, lại mở ra một cửa ngăn nữa, phên dậu giàn hoa lan đầy giữa sân. Chủ nhân cung kính dẫn khách vào nhà, tường phấn sáng rỡ như lồng kính; ngoài song, những cành hoa hải đường thi vào cả trong nhà; đệm chiếu, ghế giường, không một thứ gì không bóng lộn, sạch sẽ.

Vừa ngồi xuống đã thấy có bóng người từ ngoài cửa sổ thấp thoáng nhim trộm. Bà cụ gọi:
- Thanh Lan! Làm cơm mau!
Bên ngoài có tiếng dạ to của con hầu.
Sinh ngồi xuống, bà già hỏi:
- Ông ngoại của cậu chẳng biết có phải họ Ngô không?
Sinh đáp:
- Thưa phải
Bà cụ kinh ngạc nói:
- Thế thì cậu là cháu của tạ . Mẹ cậu là em gái ta .Mấy năm nay vì gia cảnh bần hàn, lại không có chút con trai, nên việc thăm hỏi mới để quên bẵng đi .Cháu đã khôn lớn thế này rồi mà vẫn không biết.

Chàng đáp:
- Lần này cháu đến đây là để hỏi thăm dì, mà trong khi vội vàng thành ra quên mất cả họ.
Bà cụ đáp:
- Già đây lấy họ Tần, không sinh nở bận nào cả. Chỉ có một mụn con gái, cũng là con dì hai nó sinh ra. Mẹ nó đi bước nữa, để nó lại cho ta nuôi nấng. Kể cũng chẳng đến nỗi đần, chỉ hiềm ít được dạy dỗ, nên cứ cười cợt suốt, chẳng biết buồn lo gì cả. Chốc nữa sẽ bảo ra chào anh cho biết.
Chẳng mấy lúc, con hầu đã dọn cơm lên; có món gà tơ ngon béo. Bà cụ ngồi tiếp chàng; cơm xong rồi con hầu lại dọn đi. Bà bảo:

- Gọi cô Hoàng Cúc ra đây!
Con hầu vâng lời đi vào. Lúc lâu, nghe như ngoài cửa có tiếng cười, bà cụ lại gọi:
- Hoàng Cúc! Có người anh con dì mày ở đây đấy!
Ngoài cửa tiếng cười khúc khích vẫn không ngừng. Con hầu đẩy cô gái vào, vẫn còn che miệng cười không nín được. Bà già trừng mắt bảo:
- Nhà đương có khách, mà cứ khúc kha khúc khích, là cung cách gì thế?
Cô gái nhịn cười đứng yên. Chàng vái chào. Bà cụ nói:
- Đây là cậu Cao, anh con dì của mày. Người trong một nhà mà không biết nhau, thế mới đáng cười chứ!

Chàng hỏi:
- Em đây năm nay bao nhiêu tuổi?
Bà già chưa nghe kip. Chàng bèn nhắc lại Cô gái lại rũ ra cười, không ngẩng đầu lên nhìn ai được nữa. Bà cụ bảo chàng:
- Tôi vừa nói nó ít được dạy dỗ, giờ thì thấy rồi đấy. Tuổi đã mười sáu mà vẫn ngây dại như trẻ con.
Chàng đáp:
- Thua cháu một tuổi
Bà nói:
- Cháu đã mười bảy rồi, thế chẳng hóa ra là tuổi canh ngọ, cầm tinh con ngựa ư?
Chàng gật đầu thừa nhận. Lại hỏi:
- Thế vợ cháu là ai?
Sinh đáp:
- Vẫn ở không ạ!
Bà bảo:
- Tài mạo như cháu, sao mười bảy tuổi rồi còn chưa cưới vợ? Hoàng Cúc cũng chưa hứa gả về đâu, kể sánh với nhau thật xứng đôi, chỉ hiềm có chút họ hàng đằng mẹ.

Chàng không đáp, mắt cứ nhìn dán vào Hoàng Cúc, không còn rời đi đâu một chớp. Con hầu quay sang cô gái nói nhỏ rằng:
- Vẫn con mắt chòng chọc như giặc cướp không có thay đổi
Nàng lại cười to, ngoảnh lại bảo con hầu:
- Ta đi xem bích đào nở chưa đi!
Rồi vụt đứng ngay dậy, lấy tay áo che miệng, rón rén gót sen bước nhanh ra, khỏi cửa rồi tiếng cười mới phá lên. Bà già cũng đứng dậy, gọi con hầu mang chăn chiếu để xắp đặt chỗ nghỉ cho chàng. Bà bảo:

- Cháu một lần đến không phải dễ, hãy ở chơi dăm ba hôm thư thả rồi sẽ tiễn mày về. Nếu hiềm vì vắng vẻ buồn chán thì sau nhà có mảnh vườn con, cũng đủ làm nơi tiêu khiển; có cả sách nữa, cháu có thể đọc chơi

Hôm sau, chàng ra phía sau nhà, quả có thửa vườn chừng nửa mẫu, cỏ như rải thảm, hoa dương rắc lấm tấm đầy lối đi. Ba gian nhà cỏ, cây và hoa vây phủ bốn chung quanh.Chợt nghe trên ngọn cây có tiếng khinh khích , ngẩng lên nhìn thì ra Hoàng Cúc đang ở trên đó, thấy chàng đến cười rũ lên muốn ngã. Chàng vội kêu:

- Đừng làm thế, ngã đấy!
Nàng vừa tụt xuống vừa cười, không sao nhin được. Gần đến đất, tuột tay ngã,.Chàng chạy ôm nàng vào lòng rồi đỡ dậy, thì ngửi thầy mùi hương của thân thể nàng tỏa ra rất thơm tho, quyến rũ. Nàng như không hay biết gì về cái động chạm vừa rồi, lại rũ ra cười, phải dựa vào thân cây, không sao bước được nữa, một lúc lâu mới hết. Chờ cho ngớt cơn cười, chàng mới rút cành hoa trong tay áo ra cho xem. Cô gái cầm lấy, nói:

- Khô rồi, còn giữ làm gì?
Sinh đáp:
- Đây là hoa em bỏ lại hôm tiết Thượng Nguyên, nên mới giữ.
Hoàng Cúc hỏi:
- Giữ thế là có ý gì
Sinh đáp:
- Để tỏ rằng yêu thương nhau không quên được. Kể từ hôm tiết Thượng Nguyên, được gặp em , anh cứ tơ tưởng đến thành bệnh. Những tưởng phận mình đã hóa ra ma rồi, nào ngờ lại còn được thấy mặt. Xin hãy rủ lòng thương xót.

Cô gái đáp:
- Đấy là việc quá nhỏ mọn. Chỗ họ thân nào có tiếc gì. đợi hôm nào anh đi, các thứ hoa trong vườn, sẽ gọi lão bộc đến, bẻ hẳn một ôm lớn đội theo tiễn anh.
Chàng nói:
- Em ngây thơ ư?
- Thế nào là ngây thơ?

Sinh đáp:
- Anh chẳng phải yêu hoa mà yêu người cầm hoa cơ.
Nàng nói:
- Tình thân họ hàng, yêu nhau còn phải nói gì?
Chàng đáp:
- Anh nói yêu, chẳng phải là cái tình yêu họ hàng giây mơ rễ má, mà là tình yêu vợ chồng kia.
Cô gái nói:
- Có gì khác nhau sao?
Sinh đáp:
- Đêm thì cùng chung chăn gối
Cô gái cúi đầu nghỉ ngợi giây lâu, nói:
- Em không quen ngủ với người lạ.
Nói chưa dứt lời, con hầu đã rón rén đi đến. Chàng hoảng sợ, vội lẩn đi . Lát sau, cùng họp mặt ở chỗ bà mẹ. Mẹ hỏi đi đâu, cô gái đáp rằng ở trong vườn trò chuyện.

Bà cụ hỏi:
- Cơm đã chín lâu, có gì dài lời mà con cà con kê mãi thế?
Nàng đáp:
- Anh cả muốn cùng con ngủ chung.

Nói chưa hết câu chàng đã cuống cả lên, vội đưa mắt lườm. Nàng mỉm cười ngừng ngay lại May bà già không nghe rõ, còn phải lằng nhằng hỏi lại . Chàng vội đem chuyện khác lấp liếm đi Nhân đó, khẽ rỉ tai trách riêng nàng. Cô gái hỏi:

- Thế chuyện ấy không nên nói à?
Chàng đáp:
- Đó là chuyện phải giấu người khác.
Nàng bảo:
- Giấu người khác, chứ giấu mẹ già sao được. Vả lại, ngủ đâu là chuyện thường, việc gì phải kiêng không nói
Chàng bực vì nỗi ngố, không cách gì làm cho hiểu ra được.

Ăn vừa xong thì gia nhân dắt hai con lừa đến tìm chàng. Số là, bà mẹ đợi lâu không thấy con về, sinh nghi, cho tìm kiếm hầu khắp mọi chỗ trong làng, cũng không thấy tăm hơi gì cả, bàn đến hỏi Trương, Trương nhớ ra lời mình nói trước đây, liền bảo đến núi phía Bắc mà tìm. đi lần qua hết mấy hôm mới đến được đây. Chàng tình cờ ra cửa thì gặp nhau, bèn trở vào thưa bà già, lại xin được dẫn cô gái về cùng. Bà cụ mừng nói:

- Ta vẫn có ấy từ lâu rồi, hiềm vì tấm thân già yếu không thể đi xa được. Nay được cháu dẫn em nó về, để nhận dì, thì tốt quá
Bàn gọi Hoàng Cúc, Hoàng Cúc cười, bước ra. Bà nói:

- Có gì vui mà cười hoài không ngớt thế? Giá không cười thì cũng được là người toàn vẹn rồi đấy.
Bà nhân đấy lừ mắt giận dữ, rồi bảo:
- Anh cả muốn mày đi cùng, hãy vào sắm sửa hành trang đi!
Lại dọn cơm rượu thắt đãi người gia nhân, rồi mới tiễn ra cửa, nói:
- Nhà dì ruộng nương dư dật, đủ sức nuôi người ăn dưng. đến đấy hãy khoan về, cố học lấy chút thi lễ, để biết đường thờ phụng bố mẹ chồng rồi sẽ cậy bà dì kiếm cho mày một tấm chồng xứng đáng.

Hai người bàn khởi hành. đến vạt núi trũng, quay lại nhìn, còn lờ mờ thấy bà cụ tựa cửa trông theo. Về tới nhà, mẹ nhìn thấy cô gái xinh đẹp, kinh ngạc hỏi là ai .Chàng đáp là con bà dì. Mẹ nói:
- Những điều anh Trương nói với con dạo trước là dối đấy. Mẹ chưa từng có chị, có em gái, sao lại có cháu con dì được?

Hỏi cô gái, nàng đáp:
- Tôi không phải là do mẹ đẻ ra. Bố vốn họ Tần, lúc mất, con còn nằm trong tã, nên không thể nhớ được gì.
Bà mẹ nói:
- Ta có một người chi lấy chồng họ Tần thật, nhưng mất đã lâu, làm sao lại còn được?
Nhân hỏi kỹ những dấu vết trên mặt, nốt ruồi, cục bướu, nhất nhất đều phù hợp.
Lại ngờ ngợ mà nói:
- Thế thì phải đấy! Nhưng chết đã bao năm nay rồi, làm gì mà còn được đến giờ?
Giữa lúc đang ngẫm nghĩ, nghi hoặc thì chàng Trương đến, cô gái lánh vào nhà trong. Trương hỏi biết duyên cớ, ngẩn ra một lúc hồi lâu rồi chợt hỏi:
- Cô gái này có phải tên là Hoàng Cúc không?
Chàng bảo phải . Chàng Trương vội nói ngay là chuyện lạ lùng. Hỏi vì sao mà biết. Trương đáp:

- Từ sau khi cô Tần mất, dượng ấy ở góa, bi hồ ám, mang bệnh mỏi mòn mà chết. Hồ sinh một gái tên là Hoàng Cúc, vẫn quấn tã giữa đường, gia nhân đều trông thấy cả. Dượng mất rồi, hồ thỉnh thoảng còn tới, sau xin bùa của thiền sư dán lên vách, hồ mới ôm con gái bỏ đi .Chẳng lẽ lại là đấy chăng?

Bên nào bên ấy cũng bàn qua tán lại những đìêu còn nghi ngờ. Chỉ nghe buồng trong vẳng ra những tiếng khúc khích, đều là tiếng cười của Hoàng Cúc. Bà mẹ bảo:

- Con bé này cũng ngớ ngẩn quá thể!
Trương xin cho xem mặt. Mẹ vào nhà trong, nàng còn rũ ra cười không ngoái lại .Mẹ giục bảo ra, mới cố sức nín cười, lại phải ngoảnh mặt vào vách mất một lúc mới ra được. Vừa mới vái chào, đã xoay mình trở vào rất lẹ, rồi buông tiếng cười tọ. Đàn bà con gái đầy nhà, ai cũng đều cười vui theo nàng.

Trương xin đi dò xét sự lạ, tiện thể sẽ làm mối luôn. Tìm đến xóm nọ, nhà cửa đều chẳng thấy đâu, chỉ có hoa rừng rơi rụng mà thôi . Trương nhớ lại nơi chôn bà cô, phảng phất đâu đây không xa lắm, nhưng phần mộ đẫ bi lấp mất, chẳng còn nhận ra được, đành thở than mà quay về.

Bà mẹ ngờ cô gái là ma.hoặc hồ ly. Vào buồng thuật lại những lời Trương vừa nói, nàng không mảy may tỏ sợ hãi. Lại xót cho nàng không có nhà cửa gì, cũng không hề có buồn rầu, cứ rúc rích cười hoài mà thôi.

Mẹ bảo cùng ngủ với bọn con gái; sáng tinh mơ đã đến vấn an. Giữ việc nữ công, tinh xảo không ai bì. Chỉ phải cái tật hay cười, cấm cũng không nhịn được. Song nét cười rất tươi, dẫu cười đến phát rồ cũng không giảm vẻ yểu điệu, ai thấy cũng vui thích. đàn bà con gái láng giềng thường tranh nhau mời đón nàng.

Mẹ đã chọn ngày tốt để cho làm lễ hợp cẩn, mà vẫn cứ sợ là ma; bèn rình lúc nàng đứng dưới bóng mặt trời nhim xem, thì hình bóng không có gì khác lạ. đến ngày cưới, bảo nàng trang sức đẹp đẽ để làm lễ cô dâu. Cô gái cười quá, không thể cúi xuống, ngẩng lên được, đành phải thôi

Chàng thấy vợ ngây dại, sợ nàng đem những chuyện kín trong phòng riêng tiết lộ ra ngoài, nhưng cô gái lại hết sức kín đáo, một câu cũng không nói
Mỗi khi mẹ có điều lo giận, nàng dâu đến, chỉ cười một tiếng là lập tức nguôi hết. Đầy tớ, con hầu có lỗi nhỏ, sợ bi roi vọt liền cầu xin nàng đến nói chuyện với mẹ; nhờ thế chúng đến chiu tội thường được thạ . Mà nàng yêu hoa thành nghiện, vẫn tìm kiếm khắp nơi trong thân thích xóm làng, lại phải cầm trộm cả thoa vàng đi, để mua cho được giống hoa đẹp, mới có vài tháng mà thềm hè, bờ giậu, chuồng lợn, hố tiêu, không chỗ nào không có hoa.

Sân sau có một giàn mộc hương, vốn ăn liền với nhà láng giềng phía Tây. Nàng vẫn thường vin cây trào lên, hái hoa cài đầu chơi Mẹ thỉnh thoảng bắt gặp lại mắng, mà nàng rốt cuộc vẫn không chừa. Một hôm, con trai nhà phía Tây trông thấy, ngây ra nhìn, lòng dường điên đảo. Cô gái không tránh mặt mà lại cười Con trai nhà phía Tây nghĩ rằng nàng đã thuận, bụng càng khao khát. Nàng chỉ tay vào chân tường, rồi cười mà trèo xuống. Con trai nhà phía Tây cho là nàng trỏ nơi hò hẹn, sướng quá đỗi đến tối mò ra, thì nàng đã ở đấy thật. Sáng đêm hành dâm, thì dương vật như bi mũi dùi đâm, đau buốt đến tận tim, kêu rú lên mà ngã vật ra. Nhìn kỹ lại thì chẳng phải là cô gái, chỉ là một cây khô nằm ở bên tường, chỗ mình chọc vào là một cái hốc còn nước. Ông bố nhà láng giềng nghe tiếng con kêu, vội chạy ra hỏi xem, chỉ rên rỉ không nói Vợ đến, mới chịu nói thực. đốt đuốc soi vào thấy trong hốc cây có một con bọ cạp lớn như con cua con. Ông bố bổ cây ra, bắt giết đi, rồi vực con về, nửa đêm thì người con chết.

Nhà láng giềng đâm đơn kiện chàng, cáo giác Hoàng Cúc là yêu quái .Quan huyện vốn ngưỡng mộ tài học của chàng, lại biết chàng là một học trò năng trau dồi đức hạnh, cho rằng nhà láng giềng kiện xằng, toan nọc ra đánh. Chàng xin cho, mới được phóng thích mà về. Bà mẹ bảo rằng:

- Cứ ngây dại như thế mãi, từ sớm đã biết vui quá hoá lo mà. May được quan huyện sáng suốt như thần nên mới không liên luỵ, chứ nếu gặp phải hạng quan hồ đồ hẳn đã bắt đàn bà con gái đến chất vấn ở công đường, thì con ta mặt mũi nào nhìn thấy họ hàng làng xóm nữa?

Cô gái liền nghiêm sắc mặt lại, kể từ nay không cười nữa. Mẹ bảo:
- Người ta ai mà không cười, nhưng cười cũng phải có lúc.
Thế là từ đấy về sau nàng không cười nữa thật, dù cố trêu, vẫn không bao giờ cười.

Năm sau, mẹ chồng bệnh, nằm một chỗ rồi mất lúc tuổi ngoài bốn mươi. Thế là nàng trở thành chủ nhân gia đình, gánh vác mọi việc, quán xuyến trong ngoài.. .Và từ đấy về sau, nàng thay đổi rõ rệt. Nàng trở thành con người nghiêm nghị đạo đức. Nàng nói về từ bi, bác ái, dân vi quý, thế giới đại đồng. Bên cạnh tính tốt như vừa nói, nàng lại bộc lộ một vài tính xấu. Nàng thích ăn thịt gà, thịt heo, bánh trái, và lén ăn một mình không cho ai biết. Đi chợ thì công khai ăn quà. Hết ngồi hàng bánh cuốn lại sang hàng lòng heo, hết nem nướng lại sang hàng thịt chó. Việc gì nàng cũng giấu diếm đối trá.Nang lúc trước yêu hoa, nay ra lệnh cho gia nhân nhổ hết hoa để trồng khoai sắn. Nàng trở thành một bà chủ. khó tính. Nàng luôn luôn gắt gỏng, cau có với mọi người. Nàng chửi thề, nói tục, nàng nói ngọng. Nàng ăn bốc không dùng đũa, dùng bát như người văn minh. Lúc trước, nhà Cao sinh có năm tôi tớ, khi nàng lên cầm quyền thì thải hết ba. Hai người còn lại phải làm gấp đôi lúc trước mà lương bổng lại giảm đi một nửa. Tôi tớ không dám than van.

Nàng bảo:-Ta đây rất từ bi, bác ái, rất thương người cùng khổ, hết lòng tranh đấu cho kẻ vô sản. Các ngươi được tự do vạn lần nhà khác. Các người có quyền làm chủ. Muốn ăn gì thì ăn, muốn làm gì thì làm. Làm hay nghỉ đều tùy thích.Thành thử các người có đủ tự do, hạnh phúc, không cần phải đòi hỏi gì cả!

Vài năm sau, một người họ Hồ, xưng là bà con với nàng, nhân đi làm thuốc qua đây, ghé thăm nàng. Cao sinh long trọng mời anh họ của vợ ở lại một thời gian. Ít tháng sau, Cao sinh lâm bệnh, nàng phải nhờ Hồ ông bốc thuốc và trông nom. Bệnh sinh càng ngày càng trầm trọng, nàng phải bán ruộng vườn. Trong họ, ngoài làng có ai thắc mắc, nàng bảo phải bán để chạy chữa cho chồng.
Năm sau, chồng mất, nàng và Hồ ông bỏ đi biệt tích. Khi chủ nhân mới đến nhận nhà, thiên hạ mới biết nhà cửa, ruộng đất nàng đã bán từ lâu cho người làng bên để đổi lấy vàng bạc và châu báu. Mỗi khi đi ngang qua nhà Cao sinh, thiên hạ nhiều người than thở rằng Cao sinh học giỏi, tính tình hiền lương mà lại yêu hồ ly đến nỗi hại mình , mất gia sản và phải tuyệt tự!



HỒ LY BÁO ÂN

Kim Văn Lâu quê ở Thái Nguyên là một nông dân hiền lành. Chàng là em, trên chàng là anh trai. Cha mất sớm, ở với mẹ. Công việc của chàng suốt ngày là trông nom ruộng vườn . Kim không hay săn bắn. Chàng chỉ lên rừng hái mặng tre , đào khoai , hái hoa lan, hái củi và trồng khoai sắn.Tính Kim Văn Lâu thật thà, hiền hậu, rất yêu thương loài vật. Khi lên núi, thấy thỏ, hươu , chim bị nạn là Kim băng bó vết thương cho chúng nó. Một bận, Kim vào rừng, thấy một con Cáo mắc bẫy, Kim giải cứu cho Cáo , lấy lá cây xức thuốc và băng bó cho nó. Việc cứu chim chóc, thú rừng và thả cá là chuyện thường xuyên vì bản tính hiền lành và cũng vì muốn vui chơi, chàng tìm vui trong các việc thiện nhỏ.

Một hôm vào rẫy, chàng thấy một con thỏ trắng muốt, chạy qua trước mặt chàng. Nó chạy một đoạn thì dừng lại như muốn chơi trò cút bắt với chàng. Chàng vui thích bèn đuổi theo. Chạy theo con thỏ trắng một đoạn dài, con thỏ biến mất. Chàng bước đến nữa thì thấy có một khe nước trong xanh, một cố gái Thái trắng, vai mang gùi măng tươi, đang lội giữa suối. Nàng đội khăn hoa, mang đầm xòe, áo trắng, váy xanh, thắt lưng vàng, chân và tay trắng như trứng gà bóc. Chàng say sưa ngắm nghía nàng. Nàng mỉm cưùi với chàng, và cất tiếng hát trêu ghẹo:
-Hỡi anh lên rừng hái hoa,
Chứ anh ở nhà, có vợ con chưa?
Kim đáp:
-Hỡi cô má đỏ hồng hồng,
Cô muốn lấy chồng thì hãy theo anh!

Kim tiến ra giòng suối chuyện trò cùng nàng. Hỏi nàng tên gì, nàng đáp tên Thanh Thanh, nhà ở bên suối. Kể từ đó, ngày nào gần trưa, chàng ra suối thì gặp nàng. Từ đó hai bên yêu nhau. Một hôm, cả hai ngồi trên bãi cỏ rộng, bên trên là hoa đào nở rộ, tiếng chim rừng thánh thót như khúc nhạc tình. Kim ôm nàng và cả hai nằm xuống thảm cỏ. Chàng thấy thân nàng ấm áp, mềm mại, tỏa ra một mùi hương rất quyến rũ. Cả hai người thấy thân thể nóng ran, Kim ôm nàng rất chặt như hai thân hình nhập vào một. Bỗng nhiên nàng nhẹ xô Kim ra, khóc mà bảo:
-Thiếp rất yêu chàng. Cha mẹ thiếp mất sớm, được bà nội đưa về nuôi. Nếu chàng muốn tính việc dài lâu thì phải thưa qua cùng bà nội.

Hôm sau, chàng ra suối để nàng đưa chàng về gặp bà nội. Cả hai đi quanh co, qua đồi, qua suối thì đến một chân núi, vách đá cao. Dưới chân núi có vài ngôi nhà sàn. Nhà của bà nội Thanh Thanh là một nhà sàn bằng ván, nhà không to nhưng gọn ghẽ, xinh xắn, xung quanh cây cối um tùm, hoa vàng, hoa đỏ nở tươi , lại có hàng rào tre bao bọc., phong cảnh rất u nhã. Thanh Thanh đưa chàng vào nhà thì bà nội của nàng thân mật bước ra chào hỏi:
-Hôm nay, cháu mới tới à? Già bao lâu chờ đợi đứa cháu rể quý.
Nhà của nàng không lớn nhưng sạch sẽ, đầy ánh sánh và tỏa hương thơm. Bàn ghế, bình hoa, các vật trang trí đều bình thường nhưng được cái nét tao nhã, thanh lịch.
Ngồi một lúc, Kim trình bày gia thế và ngõ ý muốn kết duyên cùng Thanh Thanh. Bà già vui vẻ chấp thuận, chưa cho Kim một viên ngọc làm lễ định hôn, và bảo chàng về thưa cùng mẹ và định ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn.

Chàng về thưa với mẹ và được mẹ đồng ý. Ngày lành tháng tốt đã chọn, Kim bèn thưa với bà nội Thanh Thanh. Bà bảo theo tục lệ ở đây, nhà trai cứ soạn cỗ bàn, trang trì nhà cửa, đặt phòng ốc thì nhà gái sẽ đưa dâu tới.
Ngày cưới đã đến, gia đình Kim giăng đèn, treo pháo, kết hoa và mời họ hàng vài chục người đến dự. Nhà gái hơn mười người, đi lừa, cưỡi ngựa đến. Cô dâu mang áo đỏ, cưỡi lừa, khăn hồng che mặt, hai bên có hai phụ dâu và vài a hoàn theo hầu. Sau khi đưa dâu đến ngõ nhà trai thì nhà gái bèn trở về, chứ không ở lại dự lễ và ăn uống như tục lệ người Kinh.

Trong đêm tân hôn, hai vợ chồng đều thấy mình đã đạt hạnh phúc trong đời. Hàng ngày, Kim vẫn theo lệ cũ vào rừng làm rẫy, hái măng, đào khoai sắn, còn nàng ở nhà nuôi heo gà và lo việc cơm nước phụ với mẹ chồng. Đến ngày giỗ chồng, nhân lúc có cô dâu mới, mẹ Kim muốn làm cỗ bàn linh đình để mời bà con, họ hàng tham dự đông đảo. Bà lo lắng không đủ gà vịt, mắm muối. Thanh Thanh bảo mẹ cứ yên chí. Nàng hỏi mẹ chồng muốn làm bao nhiêu mâm và gồm những món nào. Mẹ chồng nói muốn làm mười mâm, gồm xôi, thịt, nem, chả, lòng heo, thịt nướng, thịt quay, bóng, miến, măng, ninh, mọc.. .
Mẹ chồng hỏi nàng dâu cần bao nhiêu người phụ để mượn người. Nàng bảo chỉ cần một người phụ. Hôm giỗ, khoảng năm chục người đến dự. Một mình nàng trong bếp. Nàng liên tiếp băm vằm, tiếng dao thớt vang dội. Trong bếp một mình nàng làm việc, trước bếp có cửa sổ che màn, và đặt sẵn một cái bàn. Hỏi món nào thì trong giây lát là có ngay trên bàn. Người phụ ở ngoài chỉ việc bưng ra mới khách.

Có khách muốn có món vịt quay Thượng Hải, có người đòi tôm hùm sông Gianh, một chốc, tất cả đều được bưng ra đãi khách. Trong cuộc rựợu, có khách đòi rượu Kim Sơn, Văn Điển, có kẻ xin Ngũ Gia Bì Bắc Kinh. Có khách yêu cầu món rau muống tiến của Sơn Tây, cá gáy Tây Hồ, tất cả đều được đáp ứng đầy đủ. Đến lúc ăn tráng miệng, có người đòi nhãn tiến Hưng Yên, cam Xã Đoài, chốc lát đều có cả.

Cả xóm làng ai cũng kính phục nàng. Vài năm sau, cháu gái của nàng đến báo tin bà nội bị bệnh sắp mất, muốn hai vợ chồng nàng về gặp mặt lần cuối. Kim và vợ vội vàng lên ngựa mà vào núi. Khi đến nơi, bà bảo hai vợ chồng Kim ngồi bên cạnh giuờng bệnh, rồi nói với Kim:
-Ta là giống Hồ. Ta là con Hồ được người cứu thoát. Cảm tạ thâm ân của người nên ta gả cháu gái ta cho ngươi. Ta là giống Hồ nhưng giống Hồ hiền lành, chỉ biết tu hành, không hại ai. Nhưng tương lai vài năm nữa sẽ có một giống Hồ từ phương Bắc tới. Chúng xâm chiếm quê hương này, giết người, cướp của không gớm tay, mà Thái Nguyên là căn cứ đầu tiên của chúng nó.
Thánh tiên có sấm truyền:
" Ái quốc thị phản quốc,
Tây phương thị Cực Lạc thế giới".
(Ái quốc là phản quốc,
Tây phương là thế giới cực lạc)
Kim xin bà giải thích hai câu sấm này. Bà bảo thiên cơ bất khả lậu Gần trăm năm sau, thiên hạ sẽ rõ câu sấm này. Tuy nhiên, bà cũng khuyên cháu . Giặc Hồ sau này sẽ mưọn danh ái quốc, xưng là thần, là Phật để xô con người làm tội ác. Ai cũng phải yêu nước, làm việc thiện nhưng phải sáng suốt, đừng để người lừa dối và lợi dụng. Yêu nước, yêu dân là tự tâm mình. Thờ Phật, thờ Trời cũng do tâm mình. Đừng theo ai, tin ai mà mang họa vì họ không phải là chân tu hay thiện nhân, toàn là lũ chồn cáo xảo trá, mượn danh nhân nghĩa, công bằng để cướp của giết người. Ta nay có vật tặng ngươi.

Bà lấy dưới gối một chiếc khánh ngọc màu xanh, đàng sau có chạm hình chiếc thuyền. Bà nói nên gìn giữ. Đây là bổn mạng của các cháu và của người Việt Nam. Các cháu nên bỏ Thái Nguyên vào phía nam Hải Vân mà sinh sống. Nếu được vậy thỉ sẽ có nửa phần may mắn. Nếu có thể, các cháu bỏ cái xứ sở ma quỷ này, theo thuyền đi về phương Nam qua biển rộng mà tới Cực Lạc quốc thì mới được hạnh phúc vẹn toàn. Các cháu nhớ là đừng ở núi rừng, nên ở phố biển thịnh vượng, có nhiều tàu bè.
Bà ngâm hai câu thơ:
"Khi nao máu chảy thành sông,
Nhà tù như nấm, biển đông chật thuyền."
Đó là cơ hội cuối cùng cho người Việt! Nói xong bà tắt thở.

Hai vợ chồng Kim ở lại chôn cất bà nội rồi cưỡi ngựa về làng. Sinh kể câu chuyện với mẹ và anh. Mẹ nghe xong bảo:
-Ta đã già rồi , muốn chết bên cạnh mộ chồng và mộ tổ tiên.
Còn người anh thì cười mà bảo:
-Chú khéo tin chuyện huyền hoặc. Chú muốn đi thì đi. Ta ở đây có nhà cửa, ruộng nương, sao lại phải sống đời lưu lạc? Ta chỉ là nông dân, không phải là quyền quý, chức sắc, chỉ có nhà ngói nhỏ, với vài ba mẫu ruộng đâu có phải hạng đại phú gia mà sợ cướp bóc? Tin đồn nay mai đây, Đại vương Nhân Nghĩa sẽ về cứu nhân độ thế. Ấy là lúc nhà ta, nhân dân ta ấm no hạnh phúc, hà tất phải tha phương!

Kim nghe lời bà nội của vợ, bèn bán nhà cửa, ruộng nương mà theo thuyền vào Nam. Chàng thấy Hội An là nơi tốt nhất. Nơi đây là thành phố cổ, có nhiều khách ngoại quốc lui tới buôn bán, sầm uất một thời. Sinh bỏ vàng bạc mua nhà, mở hàng tơ lụa mà buôn bán. Sinh làm quen với người Nhật, người Nam Dương, người Ấn Độ, học ngôn ngữ, phong tục và cách buôn bán của họ. Sau kinh doanh được ít lâu thì có người đồng hương chạy vào xứ Đàng Trong, gặp chàng báo tin Đại vương Nhân Nghĩa thi hành chính sách Nhân nghĩa và công bằng xã hội, đã kết tội mẹ anh và em anh về tội:
"Làm giàu bất nhân,
Bóc lột nhân dân,
Nợ máu phải trả bằng máu!"

Trong thôn bản của Kim có năm trăm nóc nhà, có năm chục nhà đã bị kết tội "đại gian, đại ác"trong đó có mẹ và em trai của Kim. Các cháu bị đuổi ra khỏi nhà và để cho chết đói. Mẹ và em của anh bị trói vào cột, bắt quỳ hơn mười ngày, sau đó đem ra xử tội chết. Họ lấy cuốc đập vào đầu hoặc chôn sống, sau xô xuống hố mà lấp đất lại. Họ sung công nhà cửa, ruộng đất. và chia cho dân nghèo. Kim nghe tin mà than khóc vô cùng. Kim càng tin lời tiên tri của bà nội, bèn thuê thợ đóng tàu hàng hải, mua hàng hóa đi buôn ở các nước Tiểu Tây dương, tức là những nước ở phía Nam Việt Nam. Kim qua lại thử thách vài ba chuyến, thấy Phi Luật Tân sống được, Kim về bán nhà cửa, đất đai sang đây mua nhà cửa , mở cửa hàng rồi định cư ở đó, không trở về Việt Nam nữa.



NGUYỄN THIÊN THỤ * NHỮNG CON CÁO ĐỎ
(Đã sửa chữa và bổ sung)
*

No comments: