Monday, June 21, 2010

TRANH LUẬN VỀ “TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU”

Thứ ba, ngày 15 tháng sáu năm 2010

TRANH LUẬN VỀ “TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU”

1. Giỏi, đáo để ....... Nguyễn Đạt Thinh
Fr: Tran Trang
2. Tâm tư TT Thiệu ,mây mù lich sử ...Sơn Tùng
Fr: amsfv





1.Giỏi, đáo để
Nguyễn Ðạt Thịnh
Tôi phải khen ông Nguyễn Tiến Hưng quả là tay vừa giỏi, vừa đáo để, sau khi đọc xong lá thư dài 2343 chữ của ông trả lời lá thư ông Châu Kim Nhân chỉ trích ông, “làm tổn thương danh dự cá nhân tôi, coi thường một vị tướng đồng minh và miệt thị Tướng lãnh Quân lực VNCH;” ông Nhân còn viết, “Tôi cực lực phản đối sự thiếu ngay thẳng và sự bịa đặt của ông Nguyễn Tiến Hưng khi viết về tất cả sự việc sau đây trong trang 48 của quyển ‘Tâm Thư Tổng Thống Thiệu’.”
Xin trích lại nguyên văn đoạn ông Hưng viết trên trang 48, quyển TTTTT, “Khi Huế và Ðà Nẵng bị tràn ngập với người dân di tản, có ông Châu Kim Nhân tới thăm ông Sarong (Francis Phillip Serong, chi tiết viết thêm vào của người viết bài báo này) và cho biết đang có cuộc thay đổi nội các, có thể ông Nhân sẽ giữ bộ Quốc Phòng. Ông Nhân hỏi rằng: Nếu như vậy, ông Sarong có thể giúp ông ta được không. ‘Ðược,’ Sarong trả lời, ‘nhưng với một điều kiện, đó là lệnh đầu tiên của ông là cấm chỉ không được dùng trực thăng làm trung tâm hành quân (command posts), các tướng lãnh phải đi trên bộ để cùng chết với binh sĩ. (Yes, but there is one condition. That is that your first order is to ban all use of helicopters as Command Posts. Put the damn generals on the ground to die with the troops).
Tất cả tranh cãi là trong câu văn 149 chữ này. Ông Nhân viết trong thư gửi ông Hưng, “Tôi muốn nhấn mạnh rằng ông Nguyễn Tiến Hưng đã hoàn toàn bịa đặt sự việc kể trên, là vì những điểm trên đều sai sự thật, tôi xin nêu ra đây:
1. Ông đã bịa đặt và mạ lỵ cá nhân của tôi. Tôi khẳng định là tôi không hề gặp gỡ Chuẩn Tướng Francis Phillip Serong trong thời gian từ tháng 10/1974 đến 30/04/1975;
Tôi khẳng định là tôi không hề xin Chuẩn Tướng Francis Phillip Serong giúp tôi nếu giữ chức Tổng Trưởng Quốc phòng. Năm 1975, tôi đang giữ chức Phụ Tá Thủ Tướng (cho TT Trần Thiện Khiêm) tôi không cần phải hạ mình đi xin xỏ một ông Tướng ngoại quốc, nhất là trong một giai đoạn khẩn cấp mà nước nhà đang lâm nguy, thì một người Tổng Trưởng hoặc là một vị Tướng lãnh nào có thể làm được việc vô liêm sỉ đó?”
Ông Hưng trả lời đoạn này, “ Bịa đặt?
Sự cáo buộc của ông Châu Kim Nhân là hoàn toàn vô căn cứ và hết sức bất công đối với tác giả, là vì:
1) Tôi không viết sự việc trong trang 48 mà đó là trích dịch nguyên ý (phần tiếng Việt) và
trích nguyên văn (phần tiếng Anh) từ quyển sách "There To The bitter End -…." của tác giả Anne Blair viết theo nhật ký của Tướng Ted Serong cùng với những phỏng vấn với Tướng Serong kéo dài 18 tháng. Tôi cho rằng ông Châu Kim Nhân chưa đọc cuốn "Tâm Tư Tổng Thống Thiệu," vì nếu đã đọc kỹ thì ông sẽ phải thấy rằng phần trích dịch của tôi
từ cuốn "There To The bitter End " bắt đầu từ trang 43 đến trang 48 của cuốn sách, với
ghi chú rõ ràng về những trích dẫn. Tôi hoàn toàn ngay thẳng và trung thực, không bịa
đặt bất cứ điều gì. Là một giáo sư giảng dạy ở các đại học Mỹ trong 43 năm trời, tôi bắt
buộc phải tuân thủ quy luật dẫn chứng bằng footnotes cặn kẽ, nói phải có sách và mách
phải có chứng.
Đọc kỹ lại những điều tôi viết về cuốn sách này, tôi chỉ thấy có một chữ viết sai chính tả:
'Serong' chứ không phải 'Sarong'. Tôi sẽ chỉnh sửa chữ này khi tái bản.”
Ông Hưng có đánh số (2) và ghi chú là trích từ quyển “There to The Bitter End” của Anne Blair, nhưng số 2 của ông đánh ở trang 47, trong lúc đoạn văn trích ở trên đăng trên trang 48.
Cách chú thích “xa xôi” này khiến độc giả hiểu lầm là chính ông Hưng viết lên những việc mà ông Nhân không làm. Hơn nữa với tư cách một người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam, ông Hưng vẫn có thể viết thêm những chữ như “bà Blair kể lại lời tướng Serong …” hoặc “sự việc do ông tướng ngoại quốc nhớ lại có thể không chính xác.” Dù sao ông Hưng cũng là bạn đồng liêu của ông Nhân, người bị sách ngoại quốc viết sai, việc rất thông thường.
Một thí dụ khác về việc “đáng lẽ” ông Hưng phải làm, là nếu ông trích sách của Trần Văn Trà, đoạn, “quân cách mạng còn đang quần thảo với lính ngụy thuộc F 18 trên mặt trận Long Khánh, thì tổng tư lệnh Nguyễn Văn Thiệu đã đưa vợ con lên máy bay chạy ra ngoại quốc”, ông Hưng phải viết thêm, “Trà lộng ngôn nói, ‘quân cách mạng …’.
Nhưng ông Hưng không minh bạch khi người bị chỉ trích không phải là tổng thống Thiệu.
Bước qua trách cứ thứ nhì của ông Nhân vì câu ông Hưng “trích”,
“2. Coi thường một vị Tướng đồng minh và miệt thị Tướng lãnh Quân lực VNCH
Qua sự liên lạc giữa tôi và Chuẩn Tướng Francis Phillip Serong, ông không bao giờ dùng chữ “Damn Generals” để miệt thị những Tướng lãnh của VNCH. và nếu có, tác giả cần chứng minh tài liệu để độc giả không nghĩ rằng chính tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã dùng chữ “Damn Generals” để miệt thị những Tướng lãnh của quân lực VNCH. Trong lúc các chiến sĩ Quân lực VNCH đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ nhân dân ta trong mấy mươi năm chiến tranh ròng rã, thì ông Nguyễn Tiến Hưng đang sống ở Hoa kỳ.
Ông có biết rằng hai tuần lễ sau khi ông đã rời Việt nam và đang ở Hoa kỳ, thì có năm Tướng lãnh VNCH đã tử tiết thay vì đầu hàng địch và một số Tướng lãnh khác như Tướng Lý Tòng Bá, Trần Quang Khôi, Lê Minh Đảo, đã chiến đấu với binh sĩ cho đến giờ phút cuối cùng cho đến khi được lệnh buông súng.
Sao ông nỡ lòng nào miệt thị Quân lực VNCH khi viết ra những câu bịa đặt, sai sự thật như trong trang 48 của quyển sách của ông?”
Ông Hưng trả lời, “Coi thường một Vị Tướng Đồng Minh?
Câu trích dẫn về mấy chữ "put the damn generals on the ground to die with the troops" là 100% từ lời của Tướng Serong theo như Anne Blair viết trong cuốn sách như đã viện dẫn trên đây;
Về vị Tướng Đồng Minh Ted Serong, tôi đã viết với tất cả sự kính trọng, mặc dù tôi đã không đồng ý với hai chữ khiếm nhã 'damn generals' vậy tại sao ông Nhân có thể cáo buộc tôi là “coi thường một vị tướng đồng minh và miệt thị tướng lãnh Quân Lực VNCH"?
• Miệt thị Tướng Lãnh Quân Lực VNCH?
Xin lưu ý ông Nhân là tôi đã rất trân trọng các tướng lãnh nên đã không dịch chữ "damn" mà chỉ viết "các tướng lãnh phải đi trên bộ để cùng chết với binh sĩ."
Quý vị tướng lãnh đã tuẫn tiết chết theo cái chết của đất nước không còn cảm ơn ông Hưng được nữa, nhưng thiết nghĩ quý vị còn sống, nên gửi thư về cảm ơn ông đã tránh cho quý vị chữ “damn”.
Cuối cùng, ông Hưng trách ông Nhân là vô ơn trách móc ông trong lúc ông đang “tận tụy thi hành sứ mạng được tổng thống trao phó cho mình vào phút chót.”
Ông Hưng viết, “Ngoài những điểm trên, ông Nhân còn nêu thêm một câu hỏi: "Ông (Hưng) có biết rằng hai tuần lễ sau khi ông đã rời việt Nam và đang ở Hoa Kỳ, thì có 5 tướng lãnh VNCH đã tử tiết thay vì đầu hàng địch; và một số tướng lãnh khác như Tướng Lý Tòng Bá, Trần Quang Khôi, Lê Minh Đảo, đã chiến đấu cùng binh sĩ cho đến giớ phút cuối cùng; cho đến khi được lệnh buông súng."
Việc nêu câu hỏi mỉa mai là liệu tôi có biết rằng trong khi tôi đang ở Hoa Kỳ thì có 5 vị tướng lãnh tử tiết hay không, theo tôi nhận xét, chỉ có ngụ ý là trong khi tôi đang yên ổn nhởn nhơ ở Mỹ thì đã có bao nhiêu người khác phải hy sinh. Câu hỏi mỉa mai đầy ác ý như vậy mới là một điều mạ lị đối với một người đang tận tụy thi hành sứ mạng được tổng thống trao phó cho mình vào giờ phút chót.
Thật tội nghiệp cho ông Hưng!
Nguyễn Ðạt Thịnh
----

2. “TÂM TƯ TỔNG THỐNG THIỆU”,MÂY MÙ LỊCH SỬ
Sơn Tùng
Sau khi ra mắt, nghe nói, rất thành công tại California, cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã nhận được nhiều chỉ trích, phần lớn nhắm vào những sự kiện được cho là không chính xác trong cuốn sách.
Trong những người lên tiếng sớm nhất, trường hợp của Ông Châu Kim Nhân đã tạo nhiều tiếng vang vì sự kiện bị chỉ trích liên hệ trực tiếp đến ông, và vì ông là một cựu nhân viên chính phủ thời Đệ Nhị Cộng Hoà tại miền Nam Việt Nam. Sự lên tiếng của Ông Châu Kim Nhân được nhiều người chú ý và bàn cãi trên các diễn đàn điện tử, và vài ngày sau, Ông Nguyễn Tiến Hưng đã viết bài trả lời.
Sự kiện được tranh cãi là một đoạn nơi trang 48 cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”, nguyên văn như sau:
“Khi Huế và Đà Nẵng bị tràn ngập với người dân di tản, có ông Châu Kim Nhân tới thăm ông Sarong và cho biết đang có cuộc thay đổi nội các, có thể ông Nhân sẽ giữ bộ Quốc Phòng. Ông Nhân hỏi rằng: nếu như vậy, ông Sarong có thể giúp ông ta được không. “Được”, Sarong trả lời, “nhưng với một điều kiện, đó là lệnh đầu tiên của ông là cấm chỉ không được dùng trực thăng làm trung tâm hành quân (command posts), các tướng lãnh phải đi trên bộ để cùng chết với binh sĩ (Yes, but there is one condition. That is that your first order is to ban all use of helicopters as Command Posts. Put the damn generals on the ground to die with the troops.)
Trong “Lời Yêu cầu Đính Chính” đề ngày 8.6.2010, Ông Châu Kim Nhân viết:
“… Tôi muốn nhấn mạnh rằng ông Nguyễn Tiến Hưng đã hoàn toàn bịa đặt sự việc kể trên, là vì những điểm trên đều sai sự thật, tôi xin nêu ra dưới đây:
1. Ông đã bịa đặt và mạ lỵ cá nhân của tôi.
- Tôi khẳng định là tôi không hề gặp gỡ Chuẩn Tướng Francis Phillip Serong trong thời gian từ 10/1974 – 30/04/1975;
- Tôi khẳng định là tôi không hề xin Chuẩn Tướng Francis Phillip Serong giúp tôi nếu tôi giữ chức Tổng trưởng Quốc phòng. Năm 1975, tôi đang giữ chức Phụ Tá Thủ Tướng (cho TT Trần Thiện Khiêm) tôi không cần phải hạ mình đi xin xỏ một ông Tướng ngoại quốc, nhất là trong một giai đoạn khẩn cấp mà nước nhà đang lâm nguy, thì một người Tổng Trưởng hoặc là một vị Tướng lãnh nào có thể làm được việc vô liêm sỉ đó?
2. Coi thường một vị Tướng đồng minh và miệt thị Tướng lãnh Quân lực VNCH. Qua sự liên lạc giữa tôi và Chuẩn Tướng Francis Phillip Serong, ông không bao giờ dùng chữ ‘damn generals’ để miệt thị những tướng lãnh của VNCH. Trong lúc các chiến sĩ Quân lực VNCH đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ nhân dân ta trong mấy mươi năm chiến tranh ròng rã thì ông Nguyễn Tiến Hưng đang sống ở Hoa Kỳ. Ông có biết rằng hai tuần lễ sau khi ông đã rời Việt Nam và đang ở Hoa Kỳ thì có năm Tướng lãnh VNCH đã tử tiết thay vì đầu hàng địch và một số Tướng lãnh khác như Tướng Lý Tòng Bá, Trần Quang Khôi, Lê Minh Đảo, đã chiến đấu với binh sĩ cho đến giờ phút cuối cùng khi được lệnh buông súng.
Sao ông nỡ lòng nào miệt thị Quân lực VNCH khi viết ra những câu bịa đặt, sai sự thật như trong trang 48 của quyển sách của ông.”
Ông Nguyễn Tiến Hưng đã lên tiếng trả lời Ông Châu Kim Nhân trong một bài dài chứng minh rằng ông không bịa đặt, những điều ông viết nơi trang 48 cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” đã được trích từ cuốn “There to the Bitter End” của Anne Blair viết về Tướng Ted Serong, một chuyên viên chống dấy loạn người Úc. Ông Hưng xác định: “Đây chỉ là hoàn toàn trích thuật theo cuốn sách nêu trên, chứ không phải tôi bịa đặt.”
Vì vậy, Ông Hưng không nghĩ rằng đã “mạ lị cá nhân” Ông Châu Kim Nhân. Ông Nguyễn Tiến Hưng viết:
“Nếu như ông Nhân (lúc ấy là Phụ Tá Thủ Tướng) được cứu xét để giữ chức Tổng Trưởng Quốc Phòng thì tôi thấy đó là một vinh dự cho cá nhân ông chứ tại sao lại cáo buộc tôi mạ lị? Lại nữa, nếu ông Nhân có hỏi Tướng Serong, một nhà quân sự nổi tiếng, lão thành, đã làm cố vấn cho cả CIA, Bộ Quốc Phòng Mỹ, TT Kennedy) để xem ông ấy có cố vấn cho mình về địa hạt quân sự được không thì cũng là chuyện bình thường, đâu có phải là ‘hạ mình xin xỏ một tướng ngoại quốc’ hay là một chuyện ‘vô liêm sỉ’.”
Ông Nguyễn Tiến Hưng cũng bác bỏ lời buộc tội của Ông Châu Kim Nhân cho rằng ông “miệt thị tướng lãnh Quân lực VNCH”. Ông nghĩ rằng Ông Nhân chưa đọc những gì Ông Hưng đã viết trong 24 năm qua về Quân lực VNCH. Qua những cuốn “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập”, “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, và nay “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”, ông đã cố gắng đưa ra những dữ kiện biết được và những tài liệu mới được giải mật để cho thấy sự cương quyết, ý chí và lòng can đảm của người lính VNCH đã chiến đấu mặc dù cán cân lực lượng đã thiên hẳn về phiá địch, do sự phản bội của đồng minh.
Ông Nguyễn Tiến Hưng kết luận bài trả lời Ông Châu Kim Nhân:
“Tóm lại, trong một cuốn sách tập trung vào chủ đề tâm tư của người lãnh đạo Miền Nam với 711 trang, chỉ có một câu vắn gọn (ở trang 48) trích từ một cuốn sách của một nghiên cứu gia người Úc là bà Anne Blair tại ‘National Center For Australian Studies’ của Đại học Monash, nước Úc, nói đến một chi tiết nhỏ, mà tôi không ngờ lại có thể đưa tới những lời cáo buộc hấp tấp, nặng nề như vậy của ông Nhân! Đây có thể là vì ông chưa có thì giờ đọc sách và đọc cho kỹ lưỡng những ghi chú của tôi, và cũng chưa có dịp tham khảo cuốn sách của bà Anne Blair viết theo cuốn nhật ký của Tướng Serong cùng với rất nhiều cuộc phỏng vấn kéo dài 18 tháng giữa bà và vị tướng này.”
Ngày 10.6 vừa qua, trong dịp gặp Ông Châu Kim Nhân tại Maryland, cùng với một bạn thân của ông, cựu Trung tá Không quân Lại Đắc Ngọc, ông đã khẳng định với tôi những điều Ông Nguyễn Tiến Hưng viết trong trang 48 cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” là không đúng sự thật.
Ông Châu Kim Nhân được biết như một người rất trọng danh tiết và cương trực. Trong những năm ông tham chính thời Đệ Nhị Cộng Hoà với chức vụ Tổng trưởng Tài Chánh rồi Phụ tá Thủ tướng, Ông Châu Kim Nhân được tiếng là một viên chức chính phủ thanh liêm, yêu nước nhiệt thành và tận tụy với nhiệm vụ. Thời ấy ông có danh hiệu là “thầy tu” trong nội các vì ông đã sống độc thân mà người ta nói rằng ông sợ có vợ sẽ khó giữ được liêm chính. Ông đã chỉ lập gia đình sau khi sang Mỹ tị nạn. Hơn 30 năm qua, Ông Châu Kim Nhân sống lặng lẽ, ít nghe nói đến, trừ một lần khi ông cầm bản thảo tập thơ “Hoa Địa Ngục” từ London về Mỹ đưa cho Ông Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong, theo lời yêu cầu của Ông Đỗ Văn ở Đài BBC.
Sau khi đọc bài trả lời của Ông Nguyễn Tiến Hưng, Ông Châu Kim Nhân vẫn nghĩ rằng ông là nạn nhân của một sự bịa đặt và mạ lị. Qua điện đàm với tôi ngày 13.6, Ông Châu Kim Nhân một lần nữa xác định ông không hề gặp Tướng Serong trong khoảng thời gian từ tháng 10.1974 tới cuối tháng 4/1975. Tuy Tướng Serong và ông có mối giao tình khá thân, nhưng chỉ tới nhà Tướng Serong tại Sài-Gòn khi được mời dự tiếp tân hay chơi ping-pong với ông Tướng Úc. Sau khi TT Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ kế hoạch của Tướng Serong vào tháng 10.1974, Ông Châu Kim Nhân không có dịp gặp Tướng Serong. Về việc Ông Nguyễn Tiến Hưng nói rằng đoạn văn nơi trang 48 cuốn “Tâm Tư TT Thiệu” chỉ là trích dịch từ cuốn sách của Anne Blair và có ghi “footnotes”, Ông Châu Kim Nhân nói rằng ông không thấy “footnotes” nào cả ở cuối trang 48 nên người đọc có quyền nghĩ rằng đó là lời của tác giả Nguyễn Tiến Hưng. Vả lại, khi viết về sự kiện này liên quan đến Ông Châu Kim Nhân, hiện đang ở vùng ngoại ô Washington cùng với Ông Hưng, một tác giả cẩn trọng và có lương tâm nên cầm điện thoại phối kiểm với người liên hệ.
Vậy thì đâu là sự thật?
Tôi không có cuốn “There to the Bitter End” nên không thể kiểm chứng xem Bà Anne Blair viết gì về chuyện liên quan đến Ông Châu Kim Nhân, nhưng cho dù cuốn sách ấy có viết đúng như lời Ông Nguyễn Tiến Hưng trích dịch thì cũng chưa chắc chuyện đó có thật. Sau 30.4.1975, có rất nhiều sách ngoại quốc viết về Việt Nam mà nếu được kiểm chứng cẩn thận sẽ phát hiện nhiều điều không đúng sự thật do tác giả đã viết ra vì thành kiến, hay chỉ vì vô tình và muốn làm cho cuốn sách của mình có nhiều tình tiết ly kỳ. Riêng tôi đã có vài kinh nghiệm về việc này.
Vào dịp 30.4.1995, tôi có viết một bài về những cuộc chiến đấu cuối cùng của người lính VNCH, trong đó có trích dịch một đoạn về Tướng Nguyễn Khoa Nam từ cuốn “55 DAYS, The Falls of South Vietnam” của Alan Dawson trong đó nói rằng Tướng Nam đã bắn một viên tỉnh trưởng tại Sa Đéc vì người này trái lệnh của ông đòi bỏ theo cuộc di tản của người Mỹ (He shot a province chief at Sa Dec, just west of Can Tho, because the man insisted he was going to leave in the American evacuation) . Dawson cũng viết rằng khi viên đại tá tỉnh trưởng Kiên Giang bất tuân lệnh cố thủ của cấp trên và dùng tàu rời Rạch Giá đi về phiá nam, Tướng Nam đã cho ba chiếc phi cơ trực thăng đuổi theo chiếc tàu và bắn chìm với hoả tiễn và đạn súng máy (And when the colonel who was chief of Kien Giang province on the Gulf of Siam disobeyed the stand-and-hold orders from his commander and left Rach Gia city by boat to the south, Nam had three helicopters pursue the boat and sink it with rocket and machine gun fire).
Sau khi bài được đăng trên báo, tôi nhận được một bức thư của Chuẩn tướng Mạch Văn Trường cho biết những việc kể trên là sai sự thật vì Tướng Nam không bắn tỉnh truởng nào ở Sa Đéc và tỉnh trưởng Kiên Giang lúc ấy là Đại tá Vương Văn Trổ, hiện đã sang Mỹ theo chương trình HO sau 13 năm “cải tạo”.
Trong khi viết bài này, tôi đã tìm cách liên lạc với Đại tá Trổ và được ông xác nhận qua điện thoại ông đã ở lại Kiên Giang chứ không đi đâu cả, dù lúc ấy ông có đủ phương tiện để ra đi, kể cả phi cơ trực thăng. Ông cũng bày tỏ lòng tôn kính Tướng Nguyễn Khoa Nam và quả quyết ông Nam là một vị tướng đức độ, không bao giờ có hành động hung bạo như câu chuyện bịa đặt trong cuốn sách của Dawson mà không biết xuất xứ từ đâu và với mục đích gì.
Một trường hợp sai lầm khác, tuy không quan trọng, nhưng khá ngộ nghĩnh khi một tác giả Mỹ muốn chứng tỏ mình “thông thạo tiếng Việt”. Cách đây vài năm, tôi nhận được cuốn “Beyond Nam Dong” do tác giả Roger H. C. Donlon gửi tặng. Cuốn sách, với lời tựa của Tướng Westmoreland, được viết về những kinh nghiệm của tác giả, một đại tá hồi hưu, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến Việt Nam. Nam Đông là một chiến khu của Việt Minh trước Hiệp định Genève 1954 nằm về phiá bắc tỉnh Thừa Thiên, giáp biên giới Lào. Khi Hà-nội phát động cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam, Nam Đông lại được sử dụng như một đầu cầu xâm nhập từ “đường mòn HCM”, và quân đội Mỹ đã thiết lập tại đây một căn cứ (Camp Nam Dong), đơn vị của Ông Donlon năm 1964. Trong cuốn “Beyond Nam Dong”, tác giả đã dịch Nam Đông ra Anh ngữ là “five cents”!
Và chắc nhiều người còn nhớ câu chuyện của Peter Arnett viết rằng trong vụ Tết Mậu Thân máy bay (Mỹ) đã dội bom phá huỷ thành phố Bến Tre với 300,000 dân cư chỉ vì 7 du kích VC ở dưới đất bắn vu vơ vài phát lên một chiếc máy bay.
Trở lại với câu chuyện về Ông Châu Kim Nhân trong cuốn “Tâm Tư TT Thiệu”, nếu như “footnotes” của Ông Nguyễn Tiến Hưng là chính xác, không có gì bảo đảm những điều Anne Blair viết trong cuốn “There to the Bitter End” là đúng sự thật. Nhiều người có thói quen coi những gì viết trong sách báo ngoại quốc là “chân lý” mà không một chút dè dặt. Đây là một thái độ cần xét lại.
Người ta có thể hiểu phản ứng mau lẹ và mang nhiều cảm xúc của Ông Châu Kim Nhân đã phát xuất từ một tâm tư trĩu nặng những nỗi đau buồn của một người từng mang trọng trách trong tấn bi kịch lớn của đất nước mà ông lại là người giàu tinh thần dân tộc và tự trọng.
Dĩ nhiên tâm tư của Ông Châu Kim Nhân không giống tâm tư Ông Nguyễn Văn Thiệu, người gánh trách nhiệm số 1 trong bi kịch 30.4.1975, vì vai trò khác nhau, cá tính khác nhau. Nhưng, có thể hai người cùng mang chung một nỗi cay đắng của thuỷ thủ đoàn trên một con tàu đã hết dầu giữa cơn dông bão ngoài khơi mà khó thể đổ lỗi cho ai.
Nỗi cay đắng này của Ông Nguyễn Văn Thiệu được Ông Nguyễn Tiến Hưng diễn tả như sau trong cuốn “Tâm Tư TổngThống Thiệu”: “Cái oái oăm là đang khi phải ôm lâý người đồng minh cho thật chặt thì ông lại trăn trở trong lòng về những hành động của người ấy, nay thế này mai thế khác, chẳng biết đâu mà lần. Rồi cuối cùng thì cũng phải chuốc lấy một niềm cay đắng, một sự tủi nhục khôn nguôi.”
Tôi đã đọc cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” và tự hỏi tác giả có phải cần tới 711 trang sách để viết về “tâm tư” ông Nguyễn Văn Thiệu có thể thu gọn trong vài dòng như trên? Hay nói cách khác: sao Ts. Nguyễn Tiến Hưng không chọn một nhan đề khác chính xác hơn và phù hợp hơn với nội dung cuốn sách, cũng từa tựa như hai cuốn trước – “Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập” và “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, những đám mây mù trong lịch sử?

Sơn Tùng
15.6.2010
*

No comments: