Monday, November 22, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * MIỀN TRUNG ĐAU THƯƠNG






HOÀNG NGỌC ANH & DAY DỨT

NGUYỄN THIÊN THỤ

Hoàng Ngọc Anh là tên thật, sinh ngày 15-5-1929, tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An, hiện nay ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tót nghiệp đại học hàm thụ, đảng viên cộng sản, hội viên hội nhà văn Việt Nam từ 1968. Ông tham gia Việt Minh năm 1945 tại Vinh, rồi hoạt dộng Thanh Niên và công tác tại địa phương từ 1949, sang làm báo tỉnh Nghệ Tĩnh, trưởng phòng văn học, và sau làm Trưởng ban biên tập Văn Nghệ đài Tiếng Nói Việt Nam.
Tác phẩm tiểu thuyết 5 tác phẩm:
- Xóm Thợ Trường Thi (1975)
-Nỗi Đau (1991)
-Người Chồng Tội Lỗi (1994)
Kịch bản sân khấu
-Dòng Sông Xanh Cuộn Sóng (1990)
Ngoài ra ông có hơn 20 tập truyện ngắn, và một số bài ký đăng báo và viết cho chương trình Đài Tiếng Nói Việt Nam.

Trong các tác phẩm của Hoàng Ngọc Anh, tiểu thuyết Day Dứt của ông đáng chú ý nhất. Tác phẩm này do Thông Tin xuất bản năm 1990.
Day Dứt là câu truyện của Thành Vinh là sinh viên đại học Bách Khoa Hà Nội, kỹ sư tại một nhà máy cơ khí, và Lê Thanh, nữ sinh viên đại học Mỹ Thuật, công tác trong một ngành văn hóa, đã gặp nhau trong một buổi liên hoan văn nghệ. Ba Lê Thanh là Lê Kiên, bí thư tỉnh ủy, còn ba của Thành Vinh là phó ty công nghiệp tỉnh. Hai bên có sự tranh chấp, đó là mâu thuẫn giữa chuyên môn và không chuyên môn.


Đây là một trong số ít tác phẩm hướng về cuộc sống nông thôn. Tác giả là người Nghệ An, đã sống với cuộc sống xã hội chủ nghĩa tại Nghệ Tĩnh. Day Dứt đã phản ánh thực tại cuộc sống của nhân dân vùng Nghệ Tĩnh, là quê hương của Hồ Chí Minh và cái nôi của Sô Viết Nghệ Tĩnh.

1. Đời sống nông dân nghèo khổ

Marx ba hoa rằng chủ nghĩa cộng sản giàu mạnh hơn chế độ tư bản, và Hồ Chí Minh khoác lác rằng: Thắng giặc Mỹ sẽ xây dựng hơn mười lần xưa. Bọn cộng sản đàn anh ngồi ở trên hết bày ra kế hoạch này đến kế hoạch khác, rốt cuộc kế hoạch nào cũng thất bại, đưa dân chúng đến nghèo khổ. Triều đại nào cũng có nịnh thần, chúng làm láo, báo cáo hay cho nên bọn lãnh đạo ở trên tưởng là dân chúng đã lên đến thiên đàng! Thêm vào đó, bọn lãnh đạo cũng một tấc đến giời, tưởng rằng mình là đại trí tuệ, đã thành công đại thành công, để lập thành tích mà thăng quan tiến chức. Hoàng Ngọc Anh, Nguyễn Khắc Trường cũng như Dương Thu Hương đã nói thật những nỗi đau khổ của dân chúng nông thôn.

Một nông dân nói về tình trạng nhà cửa mục nát và việc nuôi heo của gia đình ông:
Ngôi nhà của ông cha để lại thế này mà đổ đến nơi. Rơm rạ đâu mà lợp! Thóc hợp tác xã thu, lợn cửa hàng về bắt và trả cho mỗi lần vài mảnh giấy. Tôi nợ ông dăm đồng không trả, ông có xé xác tôi ra không? Còn các quan trên nợ dân, năm này qua năm khác có trả đâu! Nói quịt thì quịt đi cho rồi. Mua một tạ lợn, đến khi trả tiền, chỉ đủ đong dăm cân gạo. Ăn cướp của dân thì nói đi cho xong (14).

Một thiếu niên đã nói về hoàn cảnh nghèo khổ của nông dân nói chung và nhà em nói riêng:
Mang tiếng là xã viên mà mới xong mùa, nhà không còn hạt thóc, củ khoai. Đói quá. Bố cháu là thương binh chống Mỹ mà phải lên rừng hái củi về mua gạo, mua khoai nuôi bà cháu lúc này. Mẹ cháu đang đi chợ bán củi. Các cháu thì đi chơi, có lẽ ông vừa gặp ngoài ngõ (10).

2. Đảng và cán bộ cộng sản

Nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đều nhận định rằng cộng sản là một bọn cường hào, tham quan ô lại, do đó đảng cộng sản chỉ là cái đảng của bọn cường hào mới này (15).
Tác giả đã cho biết sự cách biệt giữa nông dân và cán bộ. Trong khi nông dân sống cực khổ, nghèo nàn như thuở trước, bọn cán bộ xây nhà cửa đẹp đẽ, sang trọng:
Trụ sở ủy ban xã khang trang, những ngôi nhà ngói mọc lên lác đác, hỏi ra đây là nhà cán bộ chủ chốt của địa phương. Còn vào đến nhà dân, đường sá lầy lội, cửa nhà lụp xụp, trẻ con trần truồng, bụng ỏng, đít teo, chơi lê la dưới rặng tre xơ xác (13).

Cộng sản lớn tiếng chỉ trích tư bản và phong kiến, nhưng sự thực cộng sản hống hách gấp mười phong kiến. Chính ông Hồ từ thời đầu kháng Pháp cũng đã lên tiếng về tệ nạn quan liêu trong đảng cộng sản. Một thiếu niên trong Day Dứt đã phát biểu về các cán bộ cộng sản với một nhà báo:
Tôi chẳng biết ông là ai nhưng ông đã hỏi thì tôi nói. Hồi kháng chiến chống Pháp, nước ta đã hết quan, sao bây giờ lắm quan thế, quan trung ương, quan tỉnh, quan huyện, lại cả quan xã (15).

Cộng sản tự xưng là ' đầy tớ nhân dân' nhưng từ ngữ này là một sự mai mỉa và dối trá:
Đầy tớ à? Đầy tớ đi ô tô, có lái xe, ăn mặc sang trọng thế này à? Còn chủ nhà chúng tôi thì áo chùm, áo đụp. Ông chủ tịch xã tôi cũng mặc áo vá đó. Ông đầy tớ, ông mở mắt ra mà nhìn! (82)

3. Chính sách cộng sản

Chủ điểm của Day Dứt là nói về chính sách đưa dân lên đồi. Sau 1954, sau khi đấu tố địa chủ, chia đất cho nông dân một thời gian ngắn, cộng sản bắt dân vào hợp tác. Trong thập niên 60, để tăng diện tích sản xuất, Nghệ Tĩnh khởi xướng việc bắt dân bỏ làng lên đồi, bắt dân đói đi công nhà, di dân bỏ đất ( 81).

Việc này được coi là một sáng kiến hay, và Nghệ Tĩnh trở thành một điển hình, khiến các nơi gửi cán bộ đến tham quan, hy vọng toàn quốc sẽ áp dụng chính sách này. Nhân dân Nghệ Tĩnh phản đối vì chính sách này đem lại nhiều bất lợi cho cuộc sống nông dân. Nhân dân đã chống lại đảng cộng sản. Họ nói thẳng vào mặt bọn chúng: Đảng nào dạy mày dỡ nhà dân? Đảng nào dạy mày phá làng lên đồi? (81)

Hoàng Ngọc Anh đã nói lên những tai hại của chính sách này:
Cả xóm không một bóng cây, trống trắng hoang dại. Con gà không chỗ kiếm ăn, nháo nhác đào bới, nhưng đất đồi rắn như sỏi, kiếm đâu ra được đụn mối. . .Chúng mệt mỏi nằm ủ rủ bên xó hiên. Ngoài trời đâu có bóng mát cho chúng trú ngụ? Nước ăn uống, nước tắm giặt là điều nan giải nhất. Nuớc ăn thì còn đỡ, xuống xóm nhà ông Quýnh gánh lên nhưng thiếu cái chứa. Dân xóm đông, trước đây nhà nào cũng có giếng nước nên chẳng ai sắm thùng, sắm chum đựng nước, bây giờ lên đây dễ đâu kiếm được cái gì tử tế để chứa nước ăn. Cả nhà đem chum đựng thóc, đem nồi luộc khoai ra đựng, có nhà chẳng có gì phải chùi vại muối cà ra mà chứa tạm. Khổ nhất là tắm giặt. Cả vùng đồi không có khe suối, tất cả phải ra cái đầm thả cá ở mãi tận đầu làng để tắm rửa. Đàn ông, con trẻ thì còn đỡ, lội ào xuống là xong, chỉ thương mấy chị, mấy cô, mà phụ nữ thì cần nước rửa ráy hơn đàn ông, đành phải đợi đến đêm hôm, ra chỗ vắng nhất mà tắm gội (91-92).


Dân chúng đau khổ, uất ức không biết kêu đâu về những chính sách ngu dốt và tàn ác của cộng sản:
Tất cả chỉ có kêu trời, nhưng trời ở cao quá, kêu sao thấu đưọc! (93)
Sự việc này xảy ra là do những tên cộng sản cơ hội chủ nghĩa như Trần Hội, Trần Cơ luôn tìm cách hại dân hại nuớc để lấy thành tích mà thăng tiến địa vị, quyền hành.
Trước đây, cộng sản chỉ trích Ngô Đình Diệm dồn dân bỏ làng lập ấp chiến lược. Nay cộng sản cũng vậy, Nghệ Tĩnh đang dồn dân, lập ấp chiến lược (226).

Hoàng Ngọc Anh trong Day Dứt đã chứng tỏ một con người trung thực, đã trình bày những thực trạng ở quê hương ông. Với nghệ thuật hiện thực, không dua nịnh, ông tỏ ra là một chân nghệ sĩ . Ông cũng như Nguyễn Khắc Trường đã viết rất thực về nông thôn Việt Nam, là một trời tội ác của cộng sản, và cũng là một nơi nguy hiểm rất ít nhà văn đề cập đến vì tử huyệt của đảng cộng sản đều nằm ở đây. Đó là can đảm và cũng là sĩ khí của người cầm bút . Cũng nhờ một lúc hứng chí, Nguyễn Văn Linh đã mở miệng cho các văn nghệ sĩ, dù chỉ là một thời gian ngắn, cũng đã cho phép tác phẩm của Hoàng Ngọc Anh và Nguyễn Khắc Trường đến với người đọc.

(Trích Nguyễn Thiên Thụ, Văn Học Hiện Đại)


TRÍCH LỤC TÁC PHẨM CỦA HOÀNG NGỌC ANH

Ông trưởng phòng của tôi

Ở cơ quan tôi, nhiều người vẫn gọi ông ấy là Cơ. Thực ra, đó là biệt danh, chứ ông có họ tên khai sinh hẳn hoi và nghe đâu rất mỹ tự. Nhưng thôi ! Kệ người ta, bàn cãi làm gì tên cúng cơm của ông. Thiên hạ, người ưa, kẻ ghét cũng là lẽ thường. Dáng vẻ ông hơi khác người. Ông đã đứng tuổi, khổ người cao, xương xương, khuôn mặt chữ điền nhiều góc cạnh. Cằm ông hơi bạnh, đôi mắt to, trắng dã, đôi khi lơ láo, nhưng lắm lúc rất dịu dàng.

Độc đáo nhất là cái mồn, lúc nào cũng tươi cười, kiểu cười hơi hé miệng, để lộ hai hàm răng luông luốc ám khói thuốc lá, từ dạo chưa có bà Cơ. Hồi tôi mới về nhận công tác, may mắn sao lại được làm cùng phòng với ông. Trong lúc tôi còn lạ nước lạ cái, dè dặt nhìn mọi người, ông đã vồn vã: - Nghe cậu Chi trưởng phòng nói, cậu nhiều khả năng. Rất mừng được cộng tác với cậu. - Đâu có - Tôi đáp khiêm tốn - Tôi mới ra làm việc chưa được bao lâu, kinh nghiệm chả có gì. Phải nhờ các bác giúp đỡ nhiều. - Thôi đi. Đừng có nhún mình.

Tớ đã nghe cậu Chi nói hết về cậu. Tôi càng e dè. Nhìn tuổi tác, giọng nói, nhất là cách gọi trưởng phòng là cậu, tôi nghĩ đây hẳn là một nhân vật quan trọng trong cơ quan. Không cẩn thận, sơ hở điều gì thì vạ miệng. Tôi chưa kịp lên tiếng, ông đã tiếp: - Văn hoá thế nào ? Trông có vẻ trí thức đấy nhỉ. Tôi ngạc nhiên. Vừa nẫy ông nói đã biết hết về tôi, sao bây giờ lại hỏi vậy. Dù sao, đối với người mới gặp cũng nên thật thà. Tôi nói toạc ra cái vốn văn hoá chưa hết cấp ba của mình. Tôi sợ ông cười. Nhưng không, ông lại vỗ vai, làm tôi càng sủng sốt: - Ồ! Thế thì sướng rồi. Chỉ dưới chế độ ta, thanh niên mới được học hành như vậy.

Bọn mình ngày xưa ấy à, chỉ đi học mót thiên hạ ! Ông kể lại một tràng dài về lý lịch của đời mình. Khác với ý nghĩ của tôi, ông có một cuộc đời riêng thật tội nghiệp. Thất học từ nhỏ, ông phải lang thang trèo me, trèo sấu, tự học lấy chữ, tự học lấy nghề. Nhờ cách mạng, ông mới được đổi đòi, chứ như xưa kia thì ông cũng chỉ còn đời lê đôi chân thất nghiệp, lang thang kiếm việc làm. Cái vốn tiếng Pháp và tiếng Anh của ông bây giờ chính là do vật lộn với cuộc sống dạo ấy mà biết võ vẽ ít nhiều. Tôi ngơ ngác và khâm phục. Tôi không ngờ lại may mắn được làm quen với con người cởi mở như thế khi mới chân ướt chân ráo về cơ quan, chưa biết đầu Ngô mình Sở ra sao.


Tôi nhìn ông. Đôi mắt tròn to của ông như cười với tôi, còn cái miệng chỉ khẽ nhếch lên như tỏ nỗi đồng cảm với người bạn mới. Sau buổi tiếp xúc ấy, tôi lấy ông làm chỗ dựa lúc chưa biết tính nết một ai xung quanh. Khi đi mít tinh, hội họp, tôi đều ngồi cạnh ông. Gặp việc gì khó, tôi đều hỏi ông. Ông tỏ ra độ lượng, chỉ dẫn cho tôi điều này điều nọ rất nhiệt tình. Thế rồi, tôi được cử đi chuyến công tác đầu tiên tìm hiểu tình hình một xã trọng điểm.


Lại dịp may, tôi được đi cùng ông. Hai chúng tôi hai cái xe đạp còn mới, bon bon trên đường quốc lội dưới ánh nắng ngày xuân. Tôi vốn sinh ra từ khoai lúa, bây giờ được tới nông thôn, chả khác gì chim lại được bay về rừng. Tôi thả hồn theo ngọn gió mát, ngắm nhìn đồng rộng xanh rờn, những hàng cây tươi mát, say sưa với những mái nón trắng tinh của mấy cô xã viên trẻ đang bón phân làm cỏ. Nơi chúng tôi về công tác là một xã do ông chỉ đạo.

Vì thế, ông ra vào như sục lòng bàn tay. Chủ tịch, bí thư, chủ nhiệm, xã viên, gặp ai ông cũng quen và đều có nụ cười như với tôi hôm gặp lần đầu. Tôi chưa biết nếp tẻ gì, cứ lặng lẽ theo sau học hỏi. Tôi càng mê như điều đổ khi thấy ông gặp bí thư hơn tiếng đồng hồ mà tỏ ra hiểu khá cặn kẽ mọi chuyện, sau đó chỉ là la cà, tán gẫu. Tôi nghĩ, có lẽ quá quen thuộc, nên ông nắm vấn đề rất nhanh, chứ vào tay tôi, chắc phải ngốn mất tuần lễ. Ông dẫn tôi vào nhà ông chủ tịch. Ông xách cái túi du lịch to tướng vào nhà trong. Là khách lạ, tôi không dám theo, chỉ ngồi ở gian nhà khách. Một lát sau ông đi ra, mặt vui như tết. Ông cùng ông chủ tịch nhấm nháp chén trà nóng rẫy và nói những chuyện đâu đâu, chẳng dính gì vào công việc. Tôi đi ra phía sau, vô tình liếc vào căn nhà trong thấy một chồng vải to tướng trên giường. Tôi không hiểu nhà ông chủ tịch có việc gì mà dùng nhiều loại vải đẹp như vậy.
Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Thanh Niên, 2004

No comments: