Friday, December 24, 2010

BÙI TÍN * NGUYỄN VĂN AN

Đại Hội của những nghịch lý: Kiên định những giáo điều cần từ bỏ

Chia sẻ

Ðường dẫn liên hệ

Cuộc họp ban chấp hành trung ương kỳ thứ 14 khóa X đang diễn ra từ ngày 13 đến 21-12. Theo lời khai mạc của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, cuộc họp rất quan trọng, trước hết là bàn và tiếp thu những góp ý của đại hội đảng các cấp, của toàn đảng và toàn dân để sưả đổi, bổ sung các văn kiện dự thảo, ‘để các văn kiện đưa ra Đại Hội XI thật sự là kết tinh trí tuệ của toàn đảng và toàn dân’. Nhiệm vụ thứ hai là hoàn chỉnh phương án nhân sự, nói nôm na là chia chác xong các ghế ngồi, trong 181 ủy viên trung ương ai sẽ ở lại, ai sẽ về nghỉ, trong 15 ghế ủy viên bộ chính trị cũng thế, ai đi ai ở, và chia cho xong 4 ghế đỏ chót : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Nói thì hay vậy đó. Nhưng sự thật thì ra sao? Có đảng viên hay người ngoài đảng nào tin rằng kỳ họp trung ương 14 này sẽ tiếp thu những ý kiến xây dựng xác đáng nhất của các đảng viên kỳ cựu, của các trí thức hàng đầu và sẽ chọn ra thật sự những nhân tài của đất nước vào các cương vị lãnh đạo? Thật đáng nghi ngờ.

Cuộc họp còn vài ngày nữa mới kết thúc, nhưng những điều tiết lộ, rò rỉ ra ngoài phòng họp mấy ngày nay cho thấy những người quan tâm đến vận nước không thể không kéo còi báo động, và kịp báo động ngang tầm với những nguy cơ và hiểm họa của đất nước.

Trước hết về tiếp thu góp ý của toàn dân, đã có những dấu hiệu rõ rệt là Bộ chính trị đã bỏ ngoài tai tất cả những ý kiến tâm huyết, chân thành, xây dựng. Biên bản của 22 trí thức đảng viên cấp cao không được phổ biến trên báo Nhân dân, các báo Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân…Các góp ý của tướng Đồng Sỹ Nguyên, Nguyễn Trọng Vĩnh, của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An theo hướng dân chủ thật sự, từ bỏ chủ nghĩa Mác Lenin, từ bỏ Chủ nghĩa xã hội, từ bỏ đảng trị - Bộ chính trị như ông Vua tập thể 15 đầu, từ bỏ kinh tế quốc doanh là chủ đạo…cả 4 cột trụ bị cưa gãy tanh bành ấy, vẫn sẽ được dựng lại, khẳng định mạnh mẽ, kiên định gấp bội phần tại Đại hội XI. Nguy cơ lớn nhất là ở đây.

Nếu như hàng ngàn ý kiến yêu cầu phải viết hẳn lại Cương lĩnh và Chiến lược mới, với những quan điểm mới, vừa bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, vừa mang đậm giá trị thời đại, thì cả 3 văn kiện cơ bản vẫn sẽ là 3 dự thảo cũ, giáo điều, cổ hủ, chỉ sửa lại chút ít cho ngắn gọn, không có một sự tiếp thu góp ý nào đáng kể cả.

Một thái độ độc thoại, nghiêm cấm phản biện của những người tự cho mình đã nắm trọn độc quyền chân lý. Họ vẫn coi thường lẽ phải, khinh thường nhân dân, khiêu khích toàn xã hội.

Đây là điểm then chốt cần báo động gấp, ngay trước khi Đại hội XI khai mạc. Để mọi tấm lòng yêu nước thật lòng, thương dân thật lòng có ngay thái độ cần thiết.

Về nhân sự, cũng là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Theo tiết lộ trong 15 ủy viên bộ chính trị, có 5 người về nghỉ hưu, vì đã trên 65 tuổi. Đó là các ông Nông Đức Mạnh, 71 tuổi, Nguyễn Minh Triết 69, Trương Vĩnh Trọng 68, Phạm Gia Khiêm 67 và Nguyễn Văn Chi 66 (tính đến 2011).

Việc chọn Tổng bí thư, thật gay, bầu thăm dò không ai đạt quá bán, ông Trọng bị loại do quá tuổi (sinh tháng 4-1944, sắp 67 tuổi, sau lại được ‘vớt’ vì ‘thiếu người’, vì ông Nguyễn Tấn Dũng ‘không được thiên triều gật’, sau đó Trương Tấn Sang và ông Hồ Đức Việt đều đạt thấp, đành phải để ông Trọng làm một khóa 5 năm, đến khi 72 tuổi vậy, nghĩa là còn già hơn ông Mạnh lúc này. Ông Việt nhận chức an ủi: thường trực bộ chính trị.

Có ai vui, phấn chấn, hân hoan về ông Tổng bí thư mới sắp xuất hiện? Vì nếu như cả bộ chính trị là nhóm người ‘lùn’ so với các khóa bộ chính trị cũ, thì ông Trọng được coi là người ‘lùn’ hơn cả. Chính ông là người bảo vệ mạnh nhất, liều lĩnh nhất cả ‘4 cột trụ lý luận Kiên định‘ nói trên. Người ta gọi ông là ông Bốn Kiên Định! Chính ông là người bảo vệ cho việc khai thác bôxít trên mái nhà Tây Nguyên. Ông cũng đã gạt đi yêu cầu của quốc hội nghe báo cáo về Biển Đông, vì ‘tình hình năm nay ở đó không có gì mới’(!).

Nhưng đây mới là vấn đề. Ông tổng mới dù tuổi cao, tư duy yếu, nhưng chỗ mạnh của ông là lọt mắt thiên triều. Ông nhiều lần cam kết với Bắc Kinh là ra sức học tập đàn anh về mọi mặt, về mối quan hệ 16 chữ vàng, về quan hệ Bốn Tốt - Tứ Hảo.

Tuy cái thế mạnh tạm thời nói trên có làm cho ông yếu thế hẳn đi trước con mắt nhân dân, nhưng không ai lại có thể bắt cá hai tay! Được điều này, mất điều kia là tất nhiên.

Còn chuyện ông Trương Tấn Sang được ghế Chủ tịch nước, nặng về lễ lạc hiếu hỷ, ông Nguyễn Tấn Dũng giữ được ghế Thủ tướng nhiều quyền lực nhất, và ông Phạm Quang Nghị lọt vào ghế Chủ tịch Quốc hội…vốn là chuyện của Nhà nước mà cứ như trò đùa.

Người dân, các công dân, cử tri nước ta hay hỏi cắc cớ: sao kỳ vậy, quốc hội sang năm mới bầu, rồi Quốc hội XIII mới sẽ họp bầu ra Chủ tịch và các phó chủ tịch Quốc hội, sau đó mới cử Chủ tịch nước, cử raThủ tướng…Vậy mà Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương đảng có quyền gì, do ai trao, mà phân chia trước các chức vụ cao nhất của đất nước.

Thế là sinh con rồi mới sinh cha. Thế có trái khoáy không!

Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương là của riêng của đảng chứ có dính gì đến toàn dân, có quyền gì mà cử Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội? Hiến pháp ở đâu, pháp luật ở đâu mà lộn xộn, vô nguyên tắc thế? Biết bao ý kiến yêu cầu phải thay đổi tận gốc hệ thống chính trị của đất nước, nhưng lãnh đạo đã quyết bỏ ngoài tai.

Lại 5 năm dân ta buộc phải chịu đựng những điều nghịch lý cần từ bỏ gấp. Và chịu sự lãnh đạo của nhóm người cả tâm và tầm đều thấp kém rõ. Kiên nhẫn của người dân là có hạn.

Bóng ma Bắc thuộc cứ ám ảnh hoài nền chính trị nước ta suốt 20 năm ròng, há chưa đủ chăng. Đây là tiếng còi báo động khẩn cấp trước giờ khai mạc của Đại Hội XI đang đến gần.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa kỳ.
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/dai-hoi-cua-nhung-nghich-ly-12-17-10-112089519.html


No comments: