Monday, December 13, 2010

LM.NGUYỄN HỮU LỄ * TÔI PHẢI SỐNG




TIỂU SỬ


Linh mục Nguyễn Hữu Lễ sinh ngày 9 tháng 11 năm 1943 tại làng Hiếu Phụng , quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long là con út trong một gia đình nông dân theo đạo Công Giáo có 5 anh chị em. Sau khi học xong ban Tú Tài lúc 20 tuổi tại Vĩnh Long, cậu thanh niên Nguyễn Hữu Lễ chọn con đường làm Linh mục với lý tưởng phục vụ tha nhân, nhất là những người cùng khổ, những kẻ thấp cổ bé miệng một cách trọn vẹn hơn. Cậu được huấn luyện trong 7 năm tại Đại Chủng Viện Sài Gòn và thụ phong Linh mục ngày 29 tháng 4 năm 1970.

Sau những năm làm phó xứ tại các họ đạo Sa- Đéc, Long Toàn, nhà thờ Chánh Tòa Vĩnh Long và chánh xứ họ đạo La Mã, Bến Tre, đầu năm 1976 Linh mục Nguyễn Hữu Lễ bị cộng sản bắt vì tội chống chế độ và bị đi tù suốt 13 năm trong đó 11 năm tại các trại tù miền Bắc. Trong đó có trại trừng giới Quyết Tiến nằm sát biên giới Trung Quốc, thường được gọi là trại Cổng Trời!

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ được phóng thích cuối năm 1988 và mấy tháng sau vượt biên qua trại tị nạn Thái Lan và được Giám mục Denis Browne, Giám mục Giáo Phận Auckland mời sang Tân Tây Lan ( New Zealand) vào 1990 để phụ trách Công Đồng Công Giáo Việt Nam tại giáo phận Auckland. Từ năm 1994 ngài được cử làm Linh mục chính xứ coi sóc giáo dân người Tân Tây Lan.

Ngoài nhiệm vụ tôn giáo tại New Zealand, trong hơn 15 năm qua Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã đi rất nhiều nơi trên thế giới để gặp gỡ đồng hương và vận động với các Quốc Hội, các chính khách và các cơ quan Nhân Quyền quốc tế trong chiều hướng tranh đấu hỗ trợ cho tiếng nói của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước , đòi hỏi Dân Chủ, Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam.

Người ta biết nhiều đến vị Linh mục nặng tình với quê hương và dân tộc này qua câu nói: “Trước khi làm Linh mục, tôi là một người Việt Nam.”

Ngày 2 tháng 9 năm 2003, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ xuất bản cuốn bút ký "Tôi Phải Sống" kể lại kinh nghiệm 13 năm trong lao tù CSVN và từ đó rút ra một bài học cho con đường dân tộc phải đi trong tương lai. Cuốn sách này đã được tái bản nhiều lần và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất ("best seller") của cộng đồng người Việt hải ngoại. Hiện tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp và sẽ được phát hành một ngày gần đây.

Ngày 2 tháng 9 năm 2005, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ công bố một loạt bài phân tích sự kiện Sài Gòn bị chế độ cộng sản cướp tên và đổi ra tên gọi "Thành phố Hồ Chí Minh". Ngài nêu ý kiến và kêu gọi đồng bào phải đòi lại tên Sài Gòn cho dân tộc. Lời kêu gọi nầy đã được sự đáp ứng tích cực của đồng bào mọi giới, trong cũng như ngoài nước và từ đó PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN được hình thành, với chủ trương “Tẩy Trừ tên Hồ Chí Minh - Phục Hồi tên Sài Gòn”.

Phong Trào chính thức ra mắt ngày 15 tháng 1 năm 2006 tại Little Saigon, Nam Cali, Hoa Kỳ. Hiện nay tiếng nói và ảnh hưởng của PHONG TRÀO QUỐC DÂN ĐÒI TRẢ TÊN SÀI GÒN, hay gọi tắt là PHONG TRÀO SÀI GÒN lan rộng khắp nơi, kể cả trong nước.

Ngày 2 tháng 9 năm 2007, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ công bố dự án thực hiện bộ phim tài liệu mang tên “SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH”. Đây là công tác chủ yếu trong chiến dịch “Tẩy Trừ Huyền Thoại Giả Trá Hồ Chí Minh” do Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn phát động trong Đại Hội Thế Giới lần thứ hai của Phong Trào tại Paris vào ngày 13 tháng 5 năm 2007.

Vì nhận thấy vai trò quan trọng của Ngài đối với cộng đồng Việt Nam trên khắp thế giới nên Giám mục giáo phận Auckland đã chấp thuận cho Linh mục Nguyễn Hữu Lễ từ năm 2007 không còn phải giử chức vụ Cha xứ như 12 năm qua, để ngài có nhiều thời giờ làm việc với Cộng Đồng Việt Nam hải ngoại.

Hiện nay Linh mục Nguyễn Hữu Lễ vẫn đang phục vụ tại Giáo Phận Auckland, New Zealand trong chức vụ Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, và là người đại diện của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn.

TÔI PHẢI SỐNG

::: Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ :::

toiphaisong

Chúng tôi xin giới thiệu một đoạn trong Hồi Ký này:

Chúng tôi, những tù nhân miền Nam bị đày ra Bắc trên chiếc tàu Sông Hương vào tháng 4 năm 1977. Nhóm chúng tôi thuộc đủ mọi thành phần và mọi lứa tuổi, nhưng đa số là những người trẻ. Số tù tập thể này được gọi tên chung là “tù phản động”, nghĩa là những người bị bắt sau năm 1975 vì các hoạt động liên quan tới việc chống chế độ Cộng Sản dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Trong đó cũng có những người bị bắt vì trốn trình diện.

Tàu Sông Hương, mà chúng tôi gọi là chuyến tàu vét, là chuyến tàu cuối cùng chở tù ra Bắc. Tàu khởi hành từ bến Tân Cảng gần cầu xa lộ Sài Gòn vào sáng sớm ngày 18 tháng 4 năm 1977, chở theo khoảng 1200 tù nhân chính trị được chọn ra từ nhiều trại ở miền Nam, trong đó nhóm chúng tôi 350 người từ trại Gia-Ray, tỉnh Xuân Lộc, còn gọi là Z30 D. Trại này trước kia là hậu cứ của Trung đoàn 54. Khu trại nằm trên đồi cao có tên rất thơ mộng là “đồi Phượng Vĩ”, vì nghe nói trên đồi này trước đây có trồng nhiều hoa phượng. Thực ra ai đã ở đó rồi thì mới biết đồi Phượng Vĩ chẳng thơ mộng tí nào!

Trước mặt trại là núi Chứa Chan, nằm sừng sững trong tư thế lười biếng và thách thức. Có mấy anh sầu đời vì tù lâu quá, bực mình nổi cáu gọi nó là núi Chán Chưa! Những anh tù trẻ còn hăng máu phản bác lại, gọi nó là núi Chưa Chán! Người có chút máu nghệ sĩ gọi là núi Chan Chứa…tình yêu! Tội nghiệp cho quả núi đất vô tri, nằm một đống ở đó làm gì để bọn người bất mãn vì thời cuộc này đem ra hành tội, cho thay danh đổi họ liên hồi như các cô ca sĩ thay áo khi trình diễn trên sân khấu.

Khi rời trại Z30 D, chúng tôi bị còng tay dính nhau từng đôi một, đi xe ca xuống bến Tân Cảng và leo lên tàu vào nửa đêm, khi xuống tới hầm tàu mới được mở còng ra. Lúc mới lên tàu, tưởng là chỉ có nhóm chúng tôi, nhưng khi gõ vào thành tàu làm hiệu, chúng tôi liền nhận được tín hiệu của “phe ta” ở các khoang khác đáp lại, nhưng lúc đó có bao nhiêu người trên tàu thì không rõ. Tàu Sông Hương chạy khá nhanh, chỉ sau 2 ngày 3 đêm đã tới bến Hải Phòng. Trong mấy ngày lênh đênh trên biển, có nhiều chuyện xảy ra trong hầm tàu chở nhóm chúng tôi.

Bến cảng Hải Phòng

Tàu Sông Hương thả chúng tôi lên bến cảng Hải Phòng vào một buổi chiều ảm đạm. Từ dưới hầm tàu nhìn tốp lên trước, tôi thấy có một vài người ở trại Phan Đăng Lưu với tôi trước kia, trong số đó có cha Phạm Hữu Nam, còn được gọi là Cha Bosco Thiện, một Linh Mục dòng Chúa Cứu Thế. Sau khi lên bờ, nhóm lên trước được phân phối đi đâu tôi không rõ. Khi nhóm trong khoang tàu chúng tôi lên bờ thì trời đã nhá nhem tối.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đặt chân lên bến cảng Hải Phòng là tưởng chừng mình đang ở một đất nước nào khác, với cảnh vật tiêu sơ, buồn thảm và đầy đe dọa. Cả những con người ở đây cũng không tạo cho tôi một chút ấn tượng nào cho biết là tôi đang đứng trên phần đất của quê hương, và họ là những đồng bào với tôi. Từ cảnh vật tới con người đều mang vẻ nặng nề ảm đạm và chết chóc. Tôi đảo mắt nhìn quanh khung cảnh của bến cảng Hải Phòng mà tôi đã được nghe nói tới rất nhiều, có cả một bản nhạc để ca tụng mang tên “Hải Phòng thành phố quê tôi”! Đó đây nhà cửa cũ kỹ đen đủi nằm rải rác một cách vô tổ chức; có nhà còn nguyên, có cái đã thủng lỗ hoặc sụp một góc. Những thùng chứa hàng, đường sắt cũ, xe hư nằm rải rác chỗ này một chiếc, chỗ kia một cái.

Người dân ở đây sao hơi khác với những hình ảnh quen thuộc mà tôi đã từng thấy nơi người miền Nam. Nhưng sự khác biệt đó là gì tôi không thể nói được. Hình như đồng bào của tôi ở đây hơi nhỏ con và nước da đen hơn. Tôi nghĩ có lẽ là do lối ăn mặc, vì đa số mang dép râu và đội nón cối. Có thể vì thế làm cho người ta trông luộm thuộm và lùn ra chăng? Ngoài màu áo vàng của một số khá đông công an có mang súng, đa số những người có mặt trên bến cảng lúc đó mặc đồ bộ-đội màu cứt ngựa, đầu đội nón cối, chân mang dép râu. Lúc mới nhìn qua, tôi tưởng họ là bộ-đội nhưng sau này tôi mới biết ai cũng có thể mặc đồ bộ-đội, đội nón cối và mang dép râu.

Lúc bấy giờ có một hình ảnh đập mạnh vào mắt tôi và không biết tại sao nó cứ ám ảnh tôi mãi, cho dù cố quên cũng không thể nào quên được. Đó là hình ảnh của một nữ công an mặc đồng phục màu vàng, đầu đội nón cối, chân đi dép gì tôi không để ý, có lẽ cũng là dép râu. Điểm đặc biệt là người nữ công an đó tóc thật dài và bện thành cái đuôi sam thả thõng xuống gần đụng gót chân. Hình ảnh này tôi mới thấy lần đầu tiên và cảm thấy rờn rợn khi nhìn cái đuôi sam đó. Khi nhìn cái đuôi sam, tôi liên tưởng tới những tấm hình trong cuốn sách nói về loạn Quyền Phỉ (Boxers) vào thời Mãn Thanh ở Trung Hoa, diễn tả thời kỳ hỗn loạn chém giết nhau như ngóe.

Tôi đọc quyển sách này không bao lâu trước khi bị bắt. Trong sách có các tấm hình những người đàn ông bị chặt đầu đều có đuôi sam! Có bức hình người ta cột hai ba cái đầu người lại với nhau bằng đuôi sam kiểu như nhà quê người ta cột dừa khô, dùng các cọng râu của trái dừa cột lại để có thể xách được nhiều quả cùng một lúc. Cái đuôi sam quá dài của cô cán bộ trên bến cảng Hải Phòng chiều hôm đó làm tôi nhớ lại các tấm hình gớm ghê này. Tôi nghĩ, giá mà cô ta không đội nón cối có lẽ tôi ít sợ hơn. Nếu có ai hỏi tại sao, tôi cũng không trả lời được, chỉ biết rằng một người phụ nữ đầu trần thắt đuôi sam thì tôi không sợ, nhưng thắt đuôi sam mà đội nón cối làm tôi sợ, nhất là cái đuôi sam đó lại quá dài.

Bến cảng Hải Phòng chiều hôm đó trở nên nhộn nhịp khác thường, vì tàu Sông Hương vừa cất lên bến rất nhiều “hàng hóa biết đi.” Một đám đông người lớn và trẻ con hiếu kỳ đứng hai bên đường nhìn ngó, chỉ trỏ và nói năng loạn xạ bằng một giọng nói hơi lạ tai đối với tôi lúc bấy giờ. Tôi cũng chẳng biết họ nói với nhau những gì, nhưng nhìn gương mặt và điệu bộ của họ, tôi nghĩ có lẽ tôi không nghe và không hiểu thì tốt hơn.

Mọi việc đã được chuẩn bị từ trước, nên khi chúng tôi vừa lên bờ, liền bị còng tay lại từng đôi một và leo lên những chiếc xe ca nằm chờ sẵn. Sau khi ổn định vị trí trên xe, mỗi người được phát một chiếc bánh mì nướng làm thức ăn đi đường. Cán bộ áp tải phổ biến nội quy đi đường xong thì đoàn xe chuyển bánh. Trời bắt đầu tối.

Thình lình, đá sỏi từ hai bên đường bay lên xe như mưa! Tôi vội vàng dùng tay tự do còn lại che mặt trước cơn “mưa đá” trái mùa này. Bằng mọi giá tôi phải bảo vệ đôi mắt vì nhỡ có hòn sỏi vô tình nào bay đúng vào kính đeo mắt tôi thì khốn nạn, có thể mù mắt như chơi. Anh em tù nhân trên xe cũng vội vàng lo chống đỡ theo phản ứng tự nhiên. Trong cơn hỗn loạn bất ngờ đó, tôi nghe loáng thoáng tiếng trẻ con la hét từ bên vệ đường: “ĐM chúng mày, lũ ngụy, lũ uống máu ăn gan người!” Tiếng chửi bới này càng lúc càng nhiều và to hơn. Một giọng nói khác, tiếng của cán bộ, vang lên trong xe:“Các anh thấy chưa? Nếu đảng không đưa các anh vào đây để bảo vệ các anh thì nhân dân đã giết chết các anh!” Lúc xe chạy ra khỏi vùng bão tố, tôi mới biết có vài anh tù trên xe bị thương nhẹ. Riêng tôi bị hòn đá ném đúng vào đầu u lên một cục khá to. Tôi cảm thấy đau, nhưng đau cho thân thể tôi thì ít mà đau cho số phận dân tộc tôi thì nhiều.

Đoàn xe chạy trong đêm trên đoạn đường khá dài từ Hải Phòng qua Hải Dương, Hà Nội, Phủ Lý… Sở dĩ tôi biết được các địa danh ấy nhờ trên xe có anh Đào Anh Tuấn, mà anh em gọi là Tuấn Phở, vì anh có tiệm phở ở Sài Gòn, nguyên quán ở Hải Dương ngoài Bắc, di cư vào Nam năm 1954. Khi xe qua nơi nào, anh giới thiệu nơi đó một cách rành mạch, như vai trò của các hướng dẫn viên du lịch!

Lúc ngồi trên xe, tôi cảm thấy mệt nhọc và ngao ngán, chẳng biết và cũng không thắc mắc họ sẽ đưa chúng tôi về đâu. Những cảm giác lúc ban đầu khi vừa đặt chân lên đất Bắc trong kiếp người tù biệt xứ đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên được. Tôi muốn dành cho người đọc tưởng tượng ra cảnh thân phận một tù nhân trên đường đi đày, vừa bước chân lên vùng đất xa lạ là gặp ngay những con người chất chứa đầy hận thù. Nói cho đúng hơn là được huấn luyện để bày tỏ sự hận thù, như đám trẻ con “chào đón” chúng tôi tại bến cảng Hải Phòng. Tôi nhớ mà thương cho số trẻ con đã chửi bới và ném đá vào chúng tôi đó. Người tù biệt xứ này cũng chẳng biết mình sẽ bị đưa về đâu, những gì chờ đợi trước mắt và còn có ngày trở về hay không? Nếu còn có hy vọng đó thì bao lâu nữa sẽ được về, vì đây là loại tù… “mù”, tức là đi tù nhưng không có kêu án, được gọi cái tên thật đẹp nhưng đầy gian trá là “Tập Trung Cải Tạo”.

Lúc đó tôi biết những gì xảy ra trên bến cảng Hải Phòng chỉ là màn mở đầu, màn đầu của sự hận thù đang trói buộc thân thể dân tộc tôi, và người ta đang tận tình khai thác lòng hận thù đó đối với những người bại trận miền Nam.

Quãng nửa đêm đoàn xe qua phà Phủ Lý, sau đó chạy vào con đường ngoằn ngoèo chật hẹp, hai bên là vách núi, như đang đi vào một hang động. Đến gần sáng, chúng tôi tiến vào một khu vực có hàng rào kẽm gai bao bọc chung quanh. Dưới ánh sáng của những bóng điện lờ mờ, tôi thấy có nhiều dãy nhà thấp nằm ngay hàng thẳng lối chấu đầu vào nhau. Đoàn xe dừng lại giữa cái sân khá rộng. Đó là trại Nam Hà, còn được gọi là trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Chúng tôi được lệnh xuống xe trong một đêm khuya lạnh buốt và có sương mù dày đặc.

Giai Đoạn Mới

Tôi chẳng ghi nhận được nhiều khung cảnh trại Nam Hà trong đêm vừa mới tới, nhưng cảm giác đầu tiên của tôi lúc bấy giờ là đang bước vào một trại tù lâu đời, gọn sạch và được tổ chức hẳn hoi; hoàn toàn khác với sự bề bộn của trại giam Gia Ray, tỉnh Long Khánh trong Nam mà chúng tôi vừa từ bỏ ra đi. Dưới ánh đèn điện lờ mờ trong đêm, tôi thấy những dãy nhà lợp ngói thấp lè tè, có tường gạch bao quanh và trên tường có hàng rào kẽm gai. Các dãy nhà này được xếp đều hai bên một sân trại khá rộng nằm ngay chính giữa, chia trại ra làm hai khu riêng biệt.

Khi vừa bước vào cổng trại, nhìn về phía tay phải, tôi thấy có một cái giếng cạn tròn thật to, có lẽ đường kính tới 10 thước, trên miệng giếng có bờ tường cao chừng 80 phân bao bọc chung quanh, bên cạnh có dãy nhà tắm thấp, tôi biết đây là khu vực tắm giặt của trại.

Vì tới muộn, nên chúng tôi được chia tạm thời ra từng nhóm và vào một số buồng nghỉ qua đêm. Khung cảnh trại mới này đối với tôi thật xa lạ và làm tôi ngỡ ngàng. Hình dạng trại cũng lạ, nhà cửa lạ, thời tiết lạ, giọng nói của các cán bộ cũng lạ tai. Đêm đó, mặc dù rất lạnh và không có chăn mền, nhưng vì đi đường quá mệt và đã muộn, nên tôi ngủ một giấc ngon nhưng nhiều mộng mị.

Sáng hôm sau, chúng tôi thức đậy trong một thời tiết lạnh cóng và có sương mù. Vì vừa ở miền Nam ra, chúng tôi chưa quen với cái lạnh giá buốt của miền Bắc nên nhiều người co ro trông rất thảm hại. Lúc trời đã sáng, ngồi trong buồng nhìn qua song sắt cửa sổ và đám sương mù, tôi vô cùng ngạc nhiên về khung cảnh trước mắt. Chung quanh trại Ba Sao là một vùng nước mênh mông bao bọc. Điểm đặc biệt là trên mặt nước có rất nhiều trái núi nhỏ và tròn, mọc nhô lên như những cây nấm khổng lồ, nằm rải rác trong cánh đồng.

Chúng tôi ngạc nhiên một cách thích thú trước hình ảnh này và tưởng chừng như các trái núi nhỏ, tròn và đồng dạng đó là những quân cờ trong một bàn cờ của người khổng lồ đã chơi và bỏ lại sau khi họ về trời! Cũng có thể so sánh hình dạng các núi nhỏ đó như những quả trứng của loài chim khổng lồ đã tuyệt chủng. Các quả trứng này chôn nửa phần dưới nước và nửa phần trên nhô lên trên không. Nhìn xa hơn nữa, tận chân trời là dãy núi thật dài, trùng trùng điệp điệp, bao bọc lấy khu trại nằm trên vùng núi đá vôi mà chúng tôi vừa dọn tới đêm qua.

Vào lúc nhập trại Nam Hà ngày 21 tháng Tư năm 1977, trong trại đã có hơn 600 tù nhân miền Nam. Những người này đã tới đây từ cuối năm 1975 hoặc đầu năm 1976 và ở các buồng phía trái từ cổng trại nhìn vào. Phía này được gọi là khu A để phân biệt với nhóm chúng tôi 350 người mới, ở phía tay phải và được gọi là khu B.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi thấy các người tù khu A là họ rất trầm lặng, có dáng vẻ xa xôi. Phần đông đã lớn tuổi hoặc trung niên. Nhiều người trắng trẻo, sạch sẽ và tươm tất trong bộ đồng phục màu xanh của nhà tù, áo cổ cao, giống kiểu áo của người Tàu. Họ tỏ ra an phận, tự giác, dễ bảo và chấp nhận hoàn cảnh, cho dù là chấp nhận một cách miễn cưỡng. Thật vậy, khi nhìn tướng mạo và nghe qua tên tuổi, kèm với chức vụ trước kia, tôi biết đây là những người đã có một thời vàng son và đầy uy quyền.

Sau này tôi biết, họ thuộc thành phần viên chức chính phủ, các chức vụ dân cử như nghị sĩ, dân biểu, sĩ quan cảnh sát, đảng phái quốc gia. Có người đã từng nắm giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền miền Nam mà tên tuổi nhiều người nghe biết như Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, cụ Vũ Hồng Khanh, Thượng nghị sĩ Huỳnh Văn Cao, Bộ trưởng Đàm Sỹ Hiến, Bộ trưởng Trần Ngọc Oành và nhiều người có tên tuổi khác.

Tôi không bao giờ quên được tâm trạng đau buồn mỗi lần nhìn thấy các đội khu A xếp hàng dài giữa sân trại trước giờ báo số lượng tù để xuất trại ra ngoài lao động, nhất là trong những buổi trưa nắng gắt của vùng núi đá vôi Nam Hà. Đa số tù nhân ăn mặc giống nhau, áo quần đồng phục màu xanh của tù, đầu đội nón lá, chân mang dép râu, vai mang một bị nhỏ may bằng vải bao cát, trong đó đựng cái lon Guigoz nước uống, trên miệng bị có treo lủng lẳng cái ống điếu thuốc lào.

Khi nhìn những con người đã một thời quyền uy trong xã hội miền Nam trước kia đang ngồi cúi đầu thành hàng dài trong sân trại, trong đó người giữ chức vụ cao cấp nhất một thời là cựu Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc, tôi xót xa nhớ tới thân phận con người,và luật tuần hoàn của vũ trụ. Những người này trình diện học tập cải tạo theo thông cáo của Ban Quân Quản sau khi Cộng Sản vừa chiếm được miền Nam. Lúc này họ có vẻ mệt nhọc, câm lặng, chán chường và cam tâm chịu đựng cuộc đổi đời. Có lẽ trong thâm tâm nhiều người muốn chứng tỏ mình cải tạo thật tốt, tránh vi phạm nội quy để sớm được hưởng sự khoan hồng của đảng và nhà nước, như lời cán bộ vẫn thường nói:“Cải tạo tốt, lao động tốt là con đường ngắn nhất để được về sum họp với gia đình!”

Trình diện học tập

Cũng cần nói thêm, sau khi chiếm được miền Nam, người Cộng Sản biết dân miền Nam và nhất là những sĩ quan, binh sĩ và viên chức của chế độ Cộng Hòa vừa sụp đổ đều bàng hoàng lo sợ, nhưng có thể phản ứng chống lại, mặc dù tình thế lúc đó không thể nào lật ngược thế cờ. Tuy nhiên, nếu có sự chống đối trong lúc người Cộng Sản chưa có đủ thì giờ củng cố guồng máy cai trị tại vùng đất màu mỡ vừa mới cướp được thì cũng là điều bất lợi cho họ. Bởi thế, điều quan trọng là phải làm sao bắt giam cho hết những sĩ quan, viên chức chính phủ nào còn ở lại trong nước, sau khi một số lớn những người đã từng nắm giữ chức vụ chóp bu tại miền Nam đã nhanh chân bỏ chạy từ trước như cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, đương kiêm Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, Đại tướng Cao Văn Viên v.v…

Người Cộng Sản đủ tinh khôn để hiểu rằng không thể nào lùng bắt hết những người họ muốn nhốt vào tù, chỉ có cách hay nhất là giăng lưới để tóm hàng loạt. Đây là điều tôi thực sự khen ngợi đầu óc giảo hoạt của người Cộng Sản. Kế hoạch của họ như sau. Vừa chiếm được miền Nam xong, Ban Quân Quản thông báo trên đài phát thanh ra lệnh cho tất cả hạ sĩ quan và binh sĩ “ngụy” (thắng làm vua thua làm ngụy!) trình diện tại địa điểm gần nhất để học tập đường lối chính sách của đảng và nhà nước cách mạng. Khi đi, nhớ mang theo thức ăn, đồ dùng đủ trong 3 ngày.

Mặc dù các anh em binh sĩ chế độ miền Nam rất lo sợ, nhưng lúc đó đã nằm trong tay họ rồi, nếu không tuân lệnh sẽ rất tai hại, hơn nữa thông cáo có nói đem đồ dùng trong 3 ngày, nên cũng còn chỗ để hy vọng. Đại đa số những người trong diện này đã trình diện học tập. Và sau ba ngày, họ được cấp giấy chứng nhận ra về. Điều này làm sự sợ hãi và nghi kỵ của dân miền Nam đối với chế độ mới đã bắt đầu giảm đi. Người ta bắt đầu tin vào các lời tuyên truyền về “chính sách khoan hồng của đảng và nhà nước”, hoặc “đánh kẻ chạy đi chớ không ai đánh kẻ chạy lại!” v.v…

Không bao lâu sau, một thông cáo khác của Ban Quân Quản được đọc trên đài phát thanh. Lần này tới phiên các sĩ quan và công nhân viên chức cao cấp trình diện tại các địa điểm được ấn định. Khi đi nhớ mang theo lương thực, tiền bạc, áo quần và đồ cá nhân đủ dùng trong trong một tháng. Dĩ nhiên thông cáo nào cũng kết thúc bằng câu đe dọa “ai bất tuân sẽ bị trừng trị theo luật pháp hiện hành.”

Nhớ lại vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi đoàn quân Cộng Sản ào ạt tiến vô Sài Gòn, dân chúng miền Nam thật hoang mang lo sợ, những người chức vụ cao và các sĩ quan của miền Nam càng khiếp đảm hơn.

Họ có lý do để sợ, vì hình ảnh Tết Mậu Thân năm 1968, với hàng chục ngàn người thường dân vô tội bị Việt cộng đập đầu, mổ bụng. Có nhiều người bị trói tay dính chùm bằng dây điện và chôn sống tại Huế chưa phai mờ trong ký ức của nhiều người. Bây giờ những kẻ chôn sống người đó đã chiến thắng, làm sao những sĩ quan và công nhân viên chức cao cấp của chế độ miền Nam vừa sụp đổ lại không lo sợ cho được. Vì thế, khi nghe được thông cáo “đủ dùng trong một tháng” họ mừng như nắng hạn gặp mưa rào. Trước đây, số hạ sĩ quan và binh sĩ mang đồ đủ dùng trong 3 ngày theo như thông cáo, và họ chẳng được ra về sau 3 ngày là gì?

Tâm trạng chung lúc bấy giờ là ai cũng mong học tập cho xong để trở về làm ăn sinh sống bình thường và hợp pháp trong chế độ mới. Thế là hàng hàng lớp lớp người đi trình diện học tập, người ta vội vã trình diện, người ta chen nhau đi trình diện, người ta vui vẻ giã từ vợ con để đi trình diện và hẹn tháng sau sẽ gặp lại. Có người sau khi vào trại còn hãnh diện khoe với mọi người, nhờ sự quen biết và khéo léo nên đã “chen” được vào trung tâm trình diện khi nơi này đã đầy người. Ai cũng mong đi học tập trong đợt đầu để sẽ được về sớm.

Lúc bấy giờ, những cái gọi là “Trại Cải Tạo” được mọc lên như nấm để nhốt những người tự nguyện đi học tập. Thành phần chánh trị và hành chánh do “công an Nhân dân” quản lý, thành phần quân đội do “Quân-đội Nhân dân” quản lý. Số người đi trình diện hí hửng nghĩ rằng một tháng sẽ được về, nhưng….

Ôi! Chữ “nhưng” sao quái ác!

Khi tôi vô tù một thời gian, được nghe các anh em trình diện kể lại câu chuyện đau lòng, câu chuyện cười ra máu mắt như sau: Số là khi nghe thông cáo của Ban Quân Quản, khi đi trình diện nhớ mang theo tiền bạc, thức ăn và đồ dùng đủ cho một tháng. Những người trình diện đi tù bắt đầu đếm từng ngày. Khi “học tập” tới đầu tuần lễ thứ tư, cả nhóm vui mừng hí hửng! Có người còn mơ màng về khung cảnh của ngày lễ mãn khóa thật linh đình vào cuối tuần tới, chắc là phải vui và cảm động lắm. Sẽ có đại diện các “cải tạo viên” đứng lên đọc diễn văn cám ơn công lao giáo dục của đảng. Rồi có các bà vợ, những người con và thân nhân sẽ có mặt trong lễ mãn khóa để đón người thân yêu đã được đảng cải tạo thành người công dân tốt trở về đoàn tụ với gia đình.

Trong đêm cuối cùng của tháng “học tập”, nhiều người không thể ngủ được, họ đi bắt tay từ giã anh em cùng khóa, buồn buồn, tủi tủi, nói lời chia tay tạm biệt với những anh em đã một thời chung vai sát cánh trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân miền Nam chống bọn Cộng Sản tham tàn. Nhưng giờ đây lịch sử đã qua trang, kẻ tham tàn đã chiến thắng và đang ngự trị! Đã qua rồi một cuộc chiến, anh em quân nhân viên chức chế độ miền Nam vừa sụp đổ chỉ mong từ nay được sống yên hàn với vợ con trong chuỗi ngày còn lại của cuộc đời.

Sáng hôm sau là đủ 1 tháng kể từ ngày đi trình diện, nhiều người thức dậy sớm đánh răng rửa mặt và chuẩn bị đồ đạc ngồi chờ “lễ mãn khóa.” Nhưng lễ mãn khóa chờ đâu chẳng thấy! Lúc tới giờ, tiếng kẻng tập họp đi lao động vang lên lanh lảnh ở cổng trại như mọi ngày. Nghe tiếng kẻng, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên nhìn nhau thắc mắc nhưng không ai nói gì, chỉ biết cúi đầu xếp hàng báo số đi lao động như thường lệ. Sự thắc mắc bao trùm suốt ngày hôm đó và mỗi người cố tìm một lý do có lợi để giải thích cho sự chậm trễ này. Anh em tụm năm, tụm ba bàn giải thắc mắc, và lý do được nhiều người coi là hợp lý nhất: tháng này có…31 ngày! Vậy lễ mãn khóa phải diễn ra ngày mai, ngày thứ 31! Mọi người yên tâm đi ngủ chờ tới ngày mai.

Ngày mai đã đến rồi lại đi, rồi ngày kia và những ngày kế tiếp cũng đến và đã đi qua nhưng chẳng thấy có gì khác lạ. Thái độ bất mãn hiện rõ trên mặt nhiều người. Anh em cứ lập đi lập lại câu hỏi “thế này là thế nào?”, nhưng không ai có thể tìm được lời giải đáp cho câu hỏi đơn sơ ngắn gọn đó. Cho đến một hôm không còn đủ kiên nhẫn, một anh đánh bạo chất vấn cán bộ trong một buổi sinh hoạt trên hội trường:

-Báo cáo anh, tôi có thắc mắc.

- Gì thế? Anh có thắc mắc gì nói xem nào?

- Báo cáo anh, theo thông cáo của Ban Quân Quản kêu gọi chúng tôi trình diện học tập một tháng. Nay đã quá ngày rồi tại sao chúng tôi chưa được về?

Anh cán bộ ngồi gật gù, nhếch mép cười, nụ cười đầy vẻ tinh quái, hất hàm hỏi:

- Ai bảo cho anh biết học tập một tháng được về?

Anh bạn đáng thương lúc này mất bình tĩnh, gằn giọng từng tiếng:

- Báo cáo anh, thì trong thông cáo của Ban Quân Quản, tôi còn nhớ từng lời, từng chữ là ‘khi đi nhớ mang theo tiền bạc thức ăn và đồ dùng, đủ trong vòng 1 tháng’, tôi nghĩ rằng tất cả mọi người ở đây ai cũng nghe như thế.

Anh bạn chưa dứt lời đã nghe tiếng cả hội trường lào xào rầm rì phu họa: “Đúng rồi, đúng rồi, trong vòng một tháng”. Chừng đó anh cán bộ buộc lòng phải nói, anh nói thậm chậm rãi và rõ ràng:

- Các anh ngu quá! Tôi thật không ngờ là các anh ngu quá! Thông cáo bảo các anh mang tiền bạc, đồ dùng, đủ trong vòng một tháng, còn thời gian tiếp theo là đảng sẽ lo cho các anh, hiểu chưa? Chỗ nào trong thông cáo nói học tập một tháng được về đâu, anh chỉ tôi xem? Đảng đâu có dối gạt các anh, tại các anh ngu không hiểu ra đấy thôi!

Mặc dù câu nói của cán bộ nhỏ nhẹ và ôn tồn, nhưng sau khi nghe, mọi người thấy lùng bùng trong lỗ tai như vừa nghe tiếng sấm gầm giữa lúc trời đang nắng chói chang.

Khu A và Khu B

Lối sống và thái độ “cải tạo” của 2 nhóm, khu A và khu B trong trại Nam Hà lúc bấy giờ hoàn toàn trái ngược nhau. Các bậc đàn anh khu A rất trầm lặng, mực thước trong việc tuân hành nội quy của trại và lễ phép với cán bộ. Trong khi đó nhóm khu B, nhất là các anh em trẻ, sống hiên ngang bộc trực và bày tỏ thái độ khinh mạn cán bộ một cách công khai thấy rõ. Họ cứ gọi lén cán bộ là “chèo”! Cán bộ cấp nhỏ thì gọi là “chèo nhí”. Tôi cũng không biết chữ “chèo” này bắt nguồn từ đâu. Một hôm xảy ra câu chuyện nhỏ, nhưng gây ấn tượng mạnh và làm tôi nhớ mãi.

Hôm đó trong giờ lao động khu vực chung quanh buồng 12 của tôi ở, cán bộ quản giáo gọi anh Đặng Hữu Nam, một anh bạn trẻ chừng ngoài 20 tuổi trong nhóm Phục Quốc, bảo nhắc cái ghế lại cho cán bộ. Anh Nam giả vờ đáp:

-Báo cáo cán bộ, tôi không ngồi ghế!

Anh cán bộ quen thói hách dịch quắc mắt hỏi:

- Anh bảo gì? Tôi bảo anh nhắc cái ghế lại đây cho tôi. Ai cho phép anh ngồi ghế ở đây? Anh này hay nhỉ?

Anh Nam bình thản trả lời:

- Báo cáo cán bộ, nếu cán bộ ngồi ghế thì nhắc lấy mà ngồi, sao lại sai tôi? Tôi vào đây để học tập cải tạo, đâu có vào đây để nhắc ghế cho cán bộ ngồi.

Cả nhóm chúng tôi lúc đó yên lặng theo dõi câu chuyện làm anh cán bộ xấu hổ buông ra một câu chửi thật vô duyên:

- Ăn nói bố láo!

Anh Nam đốp chát ngay:

-Cán bộ không được quyền nói tôi như vậy, tôi sẽ báo cáo việc này lên ban giám thị!

Anh Nam nói chưa hết câu thì cán bộ quản giáo đã bỏ đi, vừa đi vừa nhổ toẹt một bãi nước bọt.

Kể từ lúc chúng tôi nhập bọn, các bậc đàn anh đáng kính bên khu A mới bắt đầu nghe nói tới những tiếng cấm kỵ trong tù như, vượt ngục, chống đối lao động, biểu tình, tuyệt thực. Có lần các vị này phải nổi da gà, xanh máu mặt khi nghe các buồng khu B chúng tôi hô to trong giờ ăn trưa: “Đả đảo Cộng Sản!”, tất cả mọi người gân cổ lên la thật to: “Đả đảo! Đả đảo!” Dĩ nhiên, những điều này không bao giờ ban giám thị của trại bỏ qua, họ sẽ trả đòn bằng kiểu gì lúc ấy chưa ai biết được.

Những người chưa sống trong tù Cộng Sản cũng nên biết qua một chút về chiến thuật “mềm nắn rắn buông” của người Cộng Sản. Tôi nghe kể lại, hôm anh em trong buồng 9 khu B hô “đả đảo Cộng Sản” trước mặt cán bộ giáo dục tên Huy, mặc dù anh ta giận tím gan tím mật, nhưng vẫn vui cười nói nhỏ nhẹ như nói với người yêu: “Các anh à! Bây giờ đảng ta quản lý cả nước rồi, nếu không sống với đảng thì các anh sống với ai? Tôi biết các anh còn trẻ, dễ nóng giận, nếu có điều gì không vừa ý các anh cứ phản ảnh để ban giám thị giải quyết cho các anh.” Đúng là giọng của mẹ mìn, ngọt như mía lùi của những kẻ có bàn tay sắt bọc nhung.

Bọn Ăng-ten

Vào những tháng trước lễ Giáng Sinh năm đó đã có nhiều vụ tuyệt thực phản đối lao động, gõ thùng gõ thau nhà bếp, đập đánh mấy tên làm ăng-ten mà anh em gọi là bọn “chó săn”. Cuộc sống trong trại lúc bấy giờ, hay nói rõ hơn là bên khu B rất căng thẳng, giống như một quả bóng căng tròn nhưng người ta vẫn còn muốn bơm mãi, bơm mãi! Đa số tù nhân trong trại lúc bấy giờ là người Công Giáo và chỉ có một mình tôi là Linh Mục. Không cần phải nói, ai cũng biết là tôi đương nhiên trở thành mục tiêu cho sự theo dõi, dò xét và qui trách nhiệm các vụ chống đối xảy ra.

Người Cộng Sản dùng tù theo dõi tù, dùng tù báo cáo và hãm hại tù. Những tên tù làm tay sai này thường được gọi chung là bọn “ăng-ten”, kiểu như cây ăng-ten của cái Radio kéo lên để bắt được các làn sóng phát thanh. Đôi khi chúng còn được gọi bằng cái tên sát nghĩa hơn, nhưng nghe nặng tai là bọn “chó săn”, và tại sao bọn này có tên đó chắc ai cũng hiểu.

Kinh nghiệm đời tôi trong 13 năm tù dưới chế độ Cộng Sản cho tôi thấy bọn “chó săn” trại nào cũng có, thành phần nào cũng có, tuổi tác nào cũng có, cấp bậc địa vị nào ngoài xã hội trước kia cũng có. Tôi coi đây là điều sỉ nhục lớn nhất cho tập thể tù chính trị miền Nam. Tù hình sự thì tôi không nói làm gì, nhưng đối với tập thể những con người cùng chung số phận trong hàng ngũ bại trận, khi vô tù lại làm tay sai cho kẻ thù để hãm hại anh em mình là điều làm tôi nhục nhã và đau đớn. Nhất là từ khi biết con đường cải tạo còn dài thăm thẳm, và chỉ có những người lập công mới có hy vọng được về như lời cán bộ hứa, thì đội ngũ bọn ăng-ten càng đông đảo hơn. Dĩ nhiên làm “ăng-ten” cũng được coi là một nghiệp vụ, nên cũng được chiêu mộ và được huấn luyện.

Nhân đây tôi nhớ lại chính tôi cũng có lần được chiêu mộ làm việc này. Năm 1976 lúc tôi còn ở trại Phan Đăng Lưu, Gia Định. Thời gian này mới bị bắt không lâu, các tù nhân còn đang bị thẩm vấn khai thác (trong tù Cộng Sản gọi là làm việc), chưa phải đi lao động. Chúng tôi bị nhốt trong các buồng trống trơn như những lớp học, trong góc buồng có một bể nước có vòi chảy vào, nằm kế bên một cầu tiêu lộ thiên, mỗi buồng chừng 60 người. Vì không phải đi lao động nên cả ngày chúng tôi ngồi nói chuyện, chơi cờ, đọc báo Nhân Dân, chờ tới giờ được mở cửa cho ăn.

Một hôm tôi được cán bộ gọi lên cơ quan “làm việc”. Người cán bộ gặp tôi là một người miền Nam chất phác, có đôi gò má cao và chải đầu rẽ ngôi giữa đỉnh. Giọng anh nói rất ôn tồn nhẹ nhàng. Sau khi thuyết một hồi về việc mở đường cải tạo cho tôi, để tôi sớm được về với gia đình và làm lại cuộc đời. Lúc đó tôi biết anh ta đã muốn gì nơi tôi.

Tôi đoán không sai, sau khi thuyết một hồi, anh ta kết luận là nếu tôi muốn được khoan hồng về sớm thì nên lập công bằng cách phát hiện và báo cáo những hiện tượng tiêu cực trong buồng. Tôi ngồi nhìn anh ta mà thấy thương hại! Thương hại cho anh đã chọn lầm người để tâm sự và kéo về phe mình. Với dụng ý sẽ chơi khăm, tôi nhận lời! Anh ta vui vẻ ra mặt. Có lẽ anh ta không ngờ hôm đó anh quá may trong công tác của một công an cai ngục. Chắc là cấp trên anh ta sẽ rất hài lòng khi biết có một Linh Mục vui vẻ nhận làm “ăng-ten”.

Anh ta tiễn tôi ra về với nụ cười thật tươi, hai bờ mép kéo dài gần tới mang tai và hứa một lúc nào đó sẽ gọi tôi lên gặp lại anh. Một thời gian sau tôi lại được gọi lên cơ quan “làm việc”. Trong lúc đi đường tôi nghĩ thầm, chắc là anh cán bộ hôm nọ đang ngồi nhịp chân trên văn phòng và đang cười thầm với ý nghĩ:“Ngay bọn cha cố mà mình cũng chiêu mộ được!”

Tôi bước vào phòng và anh ta đón tôi rất niềm nở. Trà tàu và thuốc lá được mời một cách rộng lượng. Trà nước xong đâu đó, anh ta vào đề, một lối vào đề mà nãy giờ tôi biết anh ta rất nôn nóng:

- Anh Lễ, tôi vui mừng được biết anh có tiến bộ trong cải tạo. Vậy anh cho biết anh có phát hiện được hiện tượng gì xấu trong buồng anh không?

Tôi buồn cười với câu “anh có tiến bộ trong cải tạo”, nhưng vẫn cố trả lời một cách nghiêm trọng:

-Báo cáo anh, có, có nhiều lắm!

-Có gì nói hết đi anh Lễ, nói hết đi, tôi hứa giữ kín, anh không phải lo.

Tôi nghiêm trang nói:

- Báo cáo anh, trong buồng tôi nhiều người ăn nói bậy bạ quá!

Mắt anh ta sáng lên như gặp của quý, vội hỏi:

-Ăn nói như thế nào?

- Họ chửi thề nói tục không thể tưởng tượng được. Nhất là mấy anh trẻ, mở miệng ra là ‘ĐM’ với ‘đéo bà’!

Nụ cười vụt tắt trên môi, anh cán bộ tỏ vẻ thất vọng, cố hỏi thêm:

-Họ có nói gì phản động như chống chế độ, tuyên truyền nói xấu đảng không? Còn chửi thề thì không quan trọng.

- Báo cáo anh, tôi chỉ để ý nghe họ chửi ‘ĐM’ nhiều quá thôi, các thứ anh hỏi tôi không nghe!

Đó là lần “báo cáo” đầu tiên và cũng là cuối cùng, vì sau đó không bao giờ tôi bị gọi lên để giao công tác nữa. Cho tới nay có lẽ anh cán bộ nọ cũng không hề nghĩ là tôi có ý chơi khăm anh ta, nhưng cứ nghĩ là tôi quá dốt trong loại công tác này. Biết đâu anh ta cũng tiếc mấy điếu thuốc thơm và ấm trà ngon đã mời tôi.

Công tác nào cũng có người giỏi người dở, người đắc lực, người kém hiệu quả, và tùy theo kết quả công tác mà chúng được “chủ” thưởng công. Cũng có nhiều loại phần thưởng khác nhau, phần thưởng lớn nhất dĩ nhiên là một lời hứa hẹn được “đảng và nhà nước khoan hồng cho về sớm”. Nếu ai chưa biết, tôi xin nói lúc đó chúng tôi đi tù… mù, tức là bị nhốt vào tù mà không có kêu án nên không ai biết được lúc nào mình sẽ được tha và lúc nào cũng nuôi niềm hy vọng được thả về. Vì thế chiêu bài “sự khoan hồng của đảng và nhà nước” là miếng mồi thật thơm để nhử bọn “chó săn”, làm cho chúng rỏ nước dãi và săn lùng hăng hơn, phản bội anh em nhiều hơn, hại anh em nặng nề hơn. Có người còn nhẫn tâm giết chết anh em để lập công.

Phần thưởng nhỏ có nhiều loại, như khỏi phải đi lao động nắng gió và nặng nề, chỉ ở nhà để “rình” và báo cáo những anh em khác. Có khi phần thưởng là được thăm gặp vợ qua đêm “48 tiếng” tại phòng hạnh phúc nằm ngay trong nhà thăm nuôi! Loại phần thưởng này nói ra nghe hơi ngượng, nhưng thực sự nó là mục tiêu phấn đấu cho nhiều người. Những anh cải tạo không tốt thì cho dù có xa vợ hàng chục năm đi nữa, khi bà xã ra thăm cũng chỉ được ngồi đối diện trên chiếc bàn dài để nói vài câu chuyện trời trăng mây nước, và ngay ở đầu bàn có người công an áo vàng ngồi một đống sừng sững như để “chia xẻ niềm vui vợ chồng lâu ngày sum họp”! Anh tù thuộc dạng này cho dù có thương nhớ vợ đến chết người đi chăng nữa cũng không được sờ tay bà xã, đừng có mơ màng tới phần thưởng xa hoa “48 tiếng” trong căn phòng hạnh phúc.

Cũng cần biết thêm là những bà vợ được “48 tiếng” với chồng, khi ra về được trại cấp cho một giấy chứng nhận có “qua đêm” với chồng. Nếu về nhà có bầu thì đưa giấy tờ ra để tránh tiếng thị phi của làng nước và khỏi gặp rắc rối với dòng họ nhà chồng! Dĩ nhiên nếu không có bầu thì thôi, khoe giấy tờ loại đó ra mà làm gì, ngượng chết! Lối giải quyết bằng giấy chứng nhận như vậy cũng hay để khỏi rắc rối về sau, nhất là trong hồ sơ HO. Một loại phần thưởng khác có thể là được chỉ định làm đội trưởng hay tổ trưởng, hoặc được làm nhà bếp có nhiều cơ hội ăn no (giàu nhà kho no nhà bếp!).

Phần thưởng lớn hơn có thể được cất nhắc lên chức vụ cao cấp trong tù như Trật tự, Văn Hóa, Y tá. Đây là những “sĩ quan” thực sự trong tù, mặc dù không phải tất cả những sĩ quan này đều là ăng-ten.

Mỗi khi nhắc tới hạng người làm ăng-ten trong tù, ai cũng bày tỏ sự khinh bỉ và bực tức. Tuy nhiên có một trường hợp làm tôi phải phục con người làm công việc này. Lúc đó tôi đang bị giam trong một buồng tập thể tại trại Phan Đăng Lưu, tỉnh Gia Định. Một hôm cán bộ đưa vào buồng tôi một anh tù mới. Anh này tướng tá nhỏ con, gầy ốm và xanh xao, có đôi mắt to và lồi, tròng trắng nhiều hơn tròng đen, má hóp làm hai gò má nhô cao. Điểm đặc biệt, anh ta có mái tóc quăn bồng bềnh thật dầy làm cho hình dạng anh ta mất cân đối, phần đầu to hơn phần thân.

Vì trong buồng nóng nực nên anh cởi trần, mặc quần đùi để lộ thân hình con người chỉ có xương với gân, không có thịt. Mới nhìn qua, tôi thấy bộ dạng anh không giống với ai trong buồng. Khi anh buồng trưởng lo thu xếp chỗ nằm cho anh và anh thư ký buồng ghi tên tuổi, anh ta tỏ ra lầm lỳ, hỏi đâu nói đó, chẳng tỏ ra một chút cố gắng nào để hòa mình với những người khác trong buồng. Anh ta khai tên là Hòa, họ gì tôi không còn nhớ. Sau đó Hòa ngồi một góc, dựa lưng vào tường, ngó trước nhìn sau, cặp mắt ốc nhồi trắng dã của anh quét qua quét lại liên hồi.

Anh ngồi yên khá lâu, chẳng nói chuyện với ai và cũng chẳng ai nói chuyện với anh. Gần tới giờ lấy thức ăn trưa, trong khi trong buồng đang ồn ào như thường lệ, đột nhiên anh Hòa đứng lên và nói thật to làm cả buồng giật mình thinh lặng. Anh tự giới thiệu là một cán bộ cấp huyện, bị bắt vì nhận hối lộ. Anh cũng cho biết chính anh là người đã bấm hai quả mìn giết chết khá nhiều người trong vụ nổ nhà hàng Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng trước đây.

Sau khi tự giới thiệu, anh nói tiếp bằng một giọng rất trang nghiêm:“Mặc dù bị tù nhưng tôi vẫn là một cán bộ của đảng. Tôi yêu cầu tất cả mọi người trong buồng đừng có ai tuyên truyền phản động và nói xấu đảng. Tôi sẽ báo cáo tất cả!” Nói xong anh ta ngồi xuống và trở lại với thái độ lầm lỳ như trước. Dĩ nhiên là từ đó cả buồng chúng tôi sợ anh ta. Có người ghét anh, nhất là sau khi biết anh ta đã nổ mìn giết thường dân vô tội. Nhưng tôi phục anh ta trong cách thức bày tỏ lập trường của anh với đảng.

Phần tôi, tôi biết rõ về tôi hơn ai hết, khi đã sa chân lỡ bước vào con đường này, tôi đã chấp nhận tất cả, kể cả cái chết. Điều tôi luôn quyết tâm và cầu nguyện xin Chúa giúp cho tôi được sống xứng đáng vai trò của một Linh Mục làm chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa giữa những anh em tù nhân, và là chỗ dựa tinh thần cho anh em trong cơn thử thách. Tôi biết rất rõ người Cộng Sản coi các tôn giáo là kẻ thù, mà Công Giáo là kẻ thù số một. Là một Linh Mục, đến nay đã 34 tuổi đời và 6 năm trong chức vụ, tội danh tôi khá rõ: Linh Mục phản động, chống đối cải tạo, khuyến khích những cuộc nổi loạn trong trại. Một chuỗi “tội” như vậy làm sao tôi không đoán được số phận của mình.

Ngoài ra còn có những sự việc cụ thể sau đây càng cho tôi hiểu về số phận của mình hơn. Khi vừa nhập trại Nam Hà không bao lâu, tôi bị cán bộ gọi lên thẩm vấn nhiều lần về vụ tàu Sông Hương. Có những lần phải làm việc với sĩ quan an ninh của trại, gặp cán bộ cao cấp ở Bộ Nội Vụ xuống, và cũng có lần gặp chính Trung tá Hoàng Thanh là người có trách nhiệm vào Nam đón chúng tôi. Họ hạch hỏi tôi về dự mưu đánh cướp tàu. Khi thì bằng giọng nói ngọt ngào như đường phèn, khi thì đe dọa quát tháo sủi bọt mép. Lần nào tôi cũng trả lời một câu duy nhất: “Tôi không biết vụ này, và nếu ai báo cáo với cán bộ, cho tôi gặp người đó”.

Thường là buổi làm việc chấm dứt sau câu nói này của tôi. Làm sao họ có thể cho tôi giáp mặt với những người này. Mặc dù tôi không biết hết những tay ăng-ten đã bẩm báo rành mạch “vụ tàu Sông Hương”, nhưng tôi biết chắc chắn một vài người trong số này. Những tháng về sau này, tôi không còn bị gọi lên hỏi về vụ tàu Sông Hương nữa, nhưng không phải như thế mà vụ đó đã xong. Khi anh em khu B bắt đầu phong trào diệt ăng-ten cao độ, những tay “chó săn” bị anh em trùm chăn đánh đập què chân, sứt mõm thường được cán bộ đưa vào buồng tôi và được chỉ định nằm kế bên tôi. Tôi hiểu rất nhanh về việc này. Nhưng chính việc tôi sắp kể ra sau đây mới đóng dấu vào quyết định cho số phận tôi.


No comments: