Sunday, December 12, 2010

NGUYỄN THỊ KIM THU * CA DAO LỤC TỈNH






THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO

Mỹ Tho

Chàng vốn dòng ăn học, hào hoa, sống chốn thị thành Sài Gòn Gia Định, với dòng máu phiêu bạt giang hồ:
Chim buồn tình, chim bay về núi
Cá buồn tình, cá lủi xuống sông
Anh buồn tình, anh dạo chốn non bồng
Dạo miền sơn nước, xuống chốn ruộng đồng mới gặp em.

Đó là típ người được các cô gái Miệt Vườn Lục Tỉnh ngưỡng mộ và thầm mong được kết duyên:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu (chữ nhu = chữ nho)
Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ

Đất Sài Gòn nam thanh, nữ tú
Cột cờ Thủ Ngữ cao rất là cao
Vì thương anh, em vàng võ má đào
Em đã tìm khắp chốn, nhưng nào thấy anh?

Chàng thuộc loại đa tình, đầu môi chót lưỡi:
ông Cửu Long chín cửa, hai dòng,
Người thương anh vô số, nhưng chỉ một lòng với em

Và chàng tán tỉnh nàng:

Nội trong lục tỉnh Nam Kỳ (1)
Thấy em ăn nói nhu mì anh thương
Có mặt tui mình nói mình thương
Tui về chốn cũ mình vấn vương nơi nào?
Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường
Lòng anh sở mộ con gái vườn mà thôi

Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương!
Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát,
Xuồng câu tôm đậu sát mé nga,
Thấy em cha yếu mẹ già
Muốn vô phụng dưỡng biết là đặng không?

Rồi chàng thề thốt:
Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn
Núi lở non mòn, ngỡi bạn không quên
Dầu nói vậy, đã từ lâu chàng chưa về thăm người tình:
Cần Thơ là tỉnh
Cao Lảnh là quê
Anh đi lục tỉnh bốn bề,
Mải lo buôn bán không về thăm em
Vì vậy chàng chỉ hỏi thăm nàng qua thư từ:
Cách một khúc sông kêu rằng cách thủy
Sàigon xa, chợ Mỹ không xa
Gởi thơ thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em

Và nhắn nhủ với nàng:
Cúc mọc bờ sông kêu là cúc thủy,
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.
Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng
Tuy vậy, chàng hứa hẹn đẩy đưa, sẽ có một ngày về Lục Tỉnh thăm nàng:
Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp em
Còn nàng thì ngày ngày ra bến sông, ngóng đợi người tình:
Ghe ai đỏ mủi xanh lường
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?
Trước những lời thôi thúc của nàng, cuối cùng chàng quyết định về Lục Tỉnh thăm nàng. Ngày xưa, đường bộ đi Lục Tỉnh rất khó khăn, không có cầu bắt qua sông rạch, lại lắm truông nguy hiểm:
Ai về Giồng Dứa qua truông (Giồng Dứa thuộc Tiền Giang)
Gió đưa bông sậy, dạ buồn nhớ ai
Kễ từ tháng 5 năm 1886, có thể đi Lục Tỉnh bằng xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho tại nhà ga xe lửa ở trước chợ Bến Thành:
Mười giờ xe lửa nhỏ bỏ chợ Bến Thành,
Xúp lê kia dạo thổi, bộ hành xôn xao.
Tuy nhiên, phương tiện thông thường và lý thú nhất vẫn là ghe thuyền trên hệ thống sông rạch Đồng Nai nối liền với Sông Tiền, sông Hậu. Chàng bắt đầu khởi hành bằng ghe ở Sông Sài Gòn:
Sông Sài Gòn chạy dài Chợ Củ
Nước mênh mông nước lũ phù sa
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về
Thất Sơn ai đắp mà cao
Sông Tiền, sông Hậu ai đào mà sâu
Suốt cuộc hành trinh, đâu đâu cũng:
Sông Tiền sông Hậu cùng nguồn
Thuyền bè tấp nập bán buôn dập dìu.
Không có gì lý thú bằng đi ghe thuyền trên sóng nước:
Gió lên rồi căng buồm cho sướng
Gác chèo lên ta nướng khô khoai
Nhậu cho tiêu hết mấy chai
Bỏ ghe nghiêng ngửa không ai chống chèo.
và:
Đường rừng có bốn cái vui
Lúc chống, lúc lạo, lúc bơi, lúc chèo
Ngoài ra, trên dòng sông thơ mộng, chàng còn có thể tán tỉnh bao cô gái miệt vườn:
Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm.
Cô gái miệt vườn cũng đẩy đưa:
Ghe anh mỏng ván, bóng láng nhẹ chèo
Xin anh bớt mái, nương lèo đợi em

Cơ hội tán tỉnh đã đến:
Gíó thổi lao xao khúc sông nào sóng nấy
Thuyền em đi giữa dòng anh thấy anh thương
Khúc sông chật hẹp khôn tuỳ
Lo cho thân bậu sá gì thân qua
Gặp nhiều cô gái miệt vườn xinh đẹp, chàng thoáng có ý nghĩ:
Sông Tiền cá lội huyên thiên
Lòng anh muốn bắt con cá lội riêng một mình
Cầm tay em như ăn bì nem gỏi cuốn
Dựa lưng em như uống chén rượu ngon
Thà rằng chẳng biết cho đừng
Biết ra dan díu nửa chừng lại thôi
Con sông bên lở bên bồi
Một con cá lội mấy người buông câu
Và chàng thả hồn mơ mộng đến cô gái Tiền Giang:
Gió lao xao thổi vào mái lá
Như ru tình cô gái Tiền Giang
Thời gian thơ mộng lửng lờ trôi như dòng nước chảy, ghe chàng đến vùng Bến Lức:
Thủ Thiêm, Thủ Đức, Bến Lức, Thủ Đoàn (1),
Anh phải lòng nàng tại Thủ Chiến Sai (2)
Nơi Bến Lức có sông Vàm Cỏ nước xanh trong vắt, chàng chạnh lòng:
Sông Vàm Cỏ nước trong thấy đáy
Dòng Cửu Long xuôi chảy dịu dàng
Ai về Mỹ Thuận Tiền Giang
Có thương nhớ gã đánh đàn năm xưa.
Mặc dầu đầy thơ mộng, sông Vàm Cỏ rất nguy hiểm cho ghe thuyền ở đoạn Vàm Bao Ngược
Thứ nhất Vàm Nao, thứ nhì Bao Ngược. (3)
Một là sang ngang Bao Ngược,
Hai là vượt sông Vàm Tuần(4)
Anh đi ghe lúa Gò Công,
Trở về Bao Ngược bị dông đứt buồm.
Đứt buồm nước chảy có cuồn,
Anh đi qua đó dựng buồm chạy luôn.
Sông Tra (5) thả ra Bao Ngược, sợ gặp sóng thần
Vịnh Xã Kiểng đến Vàm Tuần, sợ thần Hà Bá.
Bến Lức, Long An là quê hương của các giống lúa có gạo thơm ngon:
Đi đâu cũng nhớ quê mình
Nhớ cầu Bến Lức, nhớ chình gạo thơm
Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Ai về xin nhớ cho ai theo cùng
Cám ơn hạt lúa nàng co
Nợ nần trả hết, lại no tấm lòng
Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già
Bây giờ ghe chàng đã gần tới Mỹ Tho:
Rạch Gầm Xoài Mút tăm tăm
Xê xuống chút nữa tới vàm Mỹ tho
“Mỹ Tho Đại Phố” là thành phố cổ nhất của miền Lục Tỉnh, được thành lập năm 1623 do Dương Ngạn Địch, một tướng Tàu tị nạn chạy trốn Mản Thanh và được chúa Nguyễn cho định cư ở Peam Mesar thuộc Thủy Chân Lạp. Mysar phát âm theo người Miên là M’Tho, và người Việt nói trại thành Mỹ Tho. Mỹ Tho tuy không lớn đẹp bằng Sài Gòn “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu”, nhưng cũng không thua kém lắm:
Đèn nào cao bằng đèn Chợ Mỹ
Lộ nào kỹ bằng lộ Cần Thơ
Anh thương em lững đững lờ đờ
Tỷ như Tôn Các ngồi chờ Bạch Viên.
Đúng vậy, chàng đã bị thôi miên bởi cô gái Mỹ Tho vừa đẹp vừa gan dạ:
Gái Mỹ Tho mày tằm mắt phượng
Giặc đến nhà chẳng vụng quơ đao

Cô gái Mỹ Tho cũng lắm đa tình:
Khi nào anh thấy nhớ ai
Xin về chợ Mỹ, đường dài dễ đi
Vườn xoài vườn ổi xum xê
Mặc tình anh "hái” anh đòi… em cho
Mỹ Tho còn nổi tiếng với cam sành, vú sửa và nấm rơm:
Vú sữa Sầm Giang căng dáng mộng
Nấm rơm Long Định ủ ngàn sương
Cam sành vú sửa Trung Lương,
Dừa xanh, dừa nước, quít đường Ba Tri

Đến Mỹ Tho mà không đến Gò Công là một điều thiếu sót. Gò Công chỉ cách Mỹ Tho 30 km, có bờ biển đẹp, là quê hương của hoàng thái hậu Từ Dủ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) và Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại), cũng là quê hương của Võ Tánh và Trương Công Định:
Gò Công rạch Lá nhớ nhung
Quê xưa Võ Tánh, Trương công oai hùng
Lạc loài cách bến xa sông
Gió thu hiu hắt chạnh lòng cố hương.
Đến Gò Công, ai chẳng bùi ngùi nhớ lại trận bảo năm Thìn (ngày 16/3/1904), gây tổn thất nhiều cho Lục Tỉnh, từ vùng biển cho tới Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc. Riêng tại Gò Công hơn 5000 người chết:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Sông nào nông bằng sông Châu Đốc

Gò Công đẹp lắm, ai chẳng si tình:
Ước chi anh như đám dừa xanh cuối sông Vàm cỏ
Như rặng trâm bầu đón gió cửa Cửu Long
Để được sống bên em giữa muôn trùng sóng vỗ
Ơi người anh yêu, người con gái Gò Công
Gò Công là vùng biển giàu tôm cá, nên có nhiều món hải sản đặc thù, đặc biệt món “Mắm Tôm Chà Gò Công”:
Gò Công giáp biển, nổi tiếng mắm tôm chà
Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà
Saigon, chợ Mỹ ai mà không hay
Chợ Gò Công có bán đủ thứ:
Chợ nào vui bằng chợ Gò (Công)
Tôm khô, cá trung, thịt bò, thịt heo
Thật nhiều bánh ướt, bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên lu.
Gò Công cảnh đẹp người xinh, thế mà có kẻ nói xấu Gò Công:
Có bún nào ngon hơn bún Chợ Gạo
Có đứa nào xạo bằng thằng Út Gò Công
Bỏ xứ Gò Công thẳng xông chợ Mỹ
Đến chốn Sài Gòn làm đĩ nuôi thân
Lòng chàng phân vân, xao xuyến, ngao ngán tình đời. Chàng tiếc nuối một mối tình dang dở ở vùng đất biển:
Phượng hoàng đậu nhánh vông nem
Phải dè năm ngoái cưới em cho rồi
Ngã tư Chợ Gạo nước hồi
Tui chồng mình vợ còn chờ đợi ai
Chàng từ giả Gò Công, Mỹ Tho, và tiếp tục cuộc hành trình về miền Lục Tỉnh.
Anh Quốc, 5/2009
Nguyễn Thị Kim Thu
_____

Cước chú:
(1) Nam Kỳ Lục Tỉnh: Năm 1834, Nam Kỳ được vua Minh Mạng chia làm 6 tỉnh, gồm: Gia Định hay Phiên An (lỵ sở là Sài Gòn), Biên Hòa (lỵ sở Thành Biên Hòa), Định Tường (lỵ sở thành Mỹ Tho, từ Đồng Tháp đến Gò Công), Vĩnh Long (lỵ sở thành Vĩnh Long, gồm Vĩnh Long, Sa Đéc, Bến Tre, Trà Vinh), An Giang (lỵ sở là thành Châu Đốc, gồm Châu Đốc, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng) và Hà Tiên (lỵ sở là thành Hà Tiên, gồm Rạch Giá, Bạc Liêu, Cà Mau) (xem bản đồ).

Bản đồ Lục Tỉnh theo ranh giới năm 1836

(2): Giồng Dứa thuộc Tiền Giang
(3): Đồn canh ngày xưa trên sông Tiền
(4): Một nhánh sông ở Lý Nhơn, Cần Giờ, nối Vàm Cỏ với Sài Gòn
(5): Một nhánh sông nối Gò Công với Vàm Cỏ



Cần Thơ – Sóc-Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau
Nguyễn Thị Kim Thu

Theo dòng nước trên kinh Xà No, ghe chàng đi ven rừng U Minh, qua vùng Tắc Cậu nổi danh về khóm, rồi đến Vị Thanh Chương Thiện, Xà No, cuối cùng là Cái Răng của Cần Thơ.

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Anh có thương em, xin sắm một con đò
Để em qua lại mua cò gởi anh
Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh!

Xà No do tên Miên “Srok Snor” nghĩa là nơi có nhiều cây điên điển. Còn “Cái Răng” cũng từ tên Miên là “K’ran” là nơi ngày xưa có nhiều ghe người Miên chở lò bếp “cà ràng” của người Miên đến bán. Kinh Xà No đào năm 1901 đến 1903 thì xong, nhờ đó hàng 4-5 chục ngàn ha ruộng được khai khẩn từ suốt Rạch Giá, Vị Thanh đến Cần Thơ, nên Cần Thơ trở nên trù phú, nhà nhà đều dư thừa lúa gạo:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh có thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê.

Không biết tên “Cần Thơ” có tự thời điểm nào, chỉ biết qua sử sách với các tên Trấn Giang (1739), Vĩnh Định (1814), Phong Phú (1839), còn ngay trung tâm Cần Thơ là
xã “Tân An” có đình Tân An được vua Tự Đức sắc phong năm Bính Tý (1876), cũng
là năm chữ “Cần Thơ” lần đầu tiên được ghi chính thức trên sắc lệnh hành chánh
thành lập “Hạt Cần Thơ” do thống đốc Nam Kỳ Bonard ký ngày 23/2/1876. Về nguồn
gốc chữ “Cần Thơ”, chàng nhớ lại là có 2 thuyết. Thuyết thứ nhất kể rằng khi chúa
Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền ngài lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm
khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp
nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là
“Cầm Thi Giang”. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ. Một truyền thuyết khác nói
là khi xưa vùng Cần Thơ có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi
bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: “Ai mua rau cần thơm không”. Rau cần
thơm vì vậy đã vào ca dao, và cần thơm đọc trại thành Cần Thơ:

Rau cần rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn
Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều
2
Ngoài lúa gạo, Cần Thơ là miệt vườn phong phú:

Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ
Chiều chiều quạ nói với diều
Ô Môn Bình Thủy có nhiều cá tôm
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về...

Cần Thơ đẹp, có bến Ninh Kiều dập dìu tài tử giai nhân. Vào thời Pháp, mang tên "Le quai de Commerce", sau mang tên “Bến Lê Lợi” vì nằm trên đường Lê Lợi dọc bờ sông, hay còn gọi là “Bến Hàng Dương” vì nơi công viên trồng nhiều hàng dương cắt tỉa có hình dáng đẹp. Bến Ninh Kiều có ghế đá công viên với nhiều hoa kiểng được khánh thành ngày 4/8/1958, và Cần Thơ xinh đẹp, thơ mộng và trù phú được mệnh danh “Tây Đô” vào đầu thập niên 1960:

Phong Dinh có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp có nhiều giai nhân
Cuộc đời luống những phù vân
Trở về bến củ cố nhân xa vời
Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Mỗi chiều thứ bảy người nhiều như nêm
Đẹp xinh cảnh sắc về đêm
Nhìn sông thấy nước nhớ thêm tình người
Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có nhiều gái đẹp mỹ miều làm sao!

Đất Cần Thơ có lắm tài tử giai nhân:
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em

Cần Thơ đi dễ khó về
Trai đi có vợ gái về có con
Tới đây thì ở lại đây,
Chừng nào bén rễ xanh cây rồi về

Là xứ “Cầm Thi” nên không lạ gì Cần Thơ có nhà thơ Bùi Hửu Nghĩa (1807-1872),còn gọi Thủ Khoa Nghĩa vì ông đậu thủ khoa kỳ thi Hương ở Gia Định năm 1835. Ông quê ở xã Long Tuyền tức Bình Thủy. Long Tuyền là nơi chúa Nguyễn Ánh 4 lần đến trú ẩn trong thời bôn tẩu trốn Tây Sơn. Bùi Hửu Nghĩa là một trong 4 người tài hoa của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh:

Đồng Nai có bốn rồng vàng,
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.

Trong thời gian làm quan, vì là người thanh liêm, cương trực, một lòng vì nước vì dân, không nịnh bợ nên cấp trên không ưa, ông bị giáng chức hai lần. Trong lúc làm quan ở Trà Vinh (1848), vì công lý ông bênh vực người Miên trong vụ tranh chấp với người Hoa ỷ thế lực tiền tài toa rập với tham quan ô lại cứơp quyền khai thác tôm cá ở rạch Láng Thé. Cuộc xô xát làm 8 người Hoa thiệt mạng. Viên Tổng Đốc và Bố Chánh Trà Vinh, vốn ăn hối lộ của người Hoa, ra lệnh bắt hết người Miên chủ chốt, và bắt cả luôn ông dẩn về Gia Định, kết án tử hình, vì cho ông là người xúi dục người Miên làm loạn. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn khăn gói ra tận kinh đô Huế, theo lời khuyên của Phan Thanh Giản, bà đến Tam pháp ty gióng trống “kích cổ 3 đăng văn” (đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng. Nhờ vậy, vua Tự Đức tha tội chết cho ông, nhưng ông bị lột chức làm lính đày lên Châu Đốc.

Cần Thơ là xứ ruộng lúa, nên chim, chuột, rắn, cá rô, lươn nhiều vô kể, nên có nhiều
thức ăn đặc sản. Món chuột đồng nổi tiếng với câu vè:
“Mắm lòng Châu Đốc, nem nướng Thủ Đức, Giò chả Lai Vung, Cần Thơ chuột đồng”.

Thịt chuột nấu chua lá giang
Chẳng có gì bằng cái thú đồng quê
Rắn hổ nấu cháo đậu xanh
Ăn vô tính nết hiền lành khác xưa
Mần lươn nấu cháo bẹ môn
Bắp chuối trộn ghém chẳng mong về nhà
Cá rô tôm tích chiên xù
Dòn dòn béo béo đi tu không đành.

Sau khi thưởng ngoạn Cần Thơ, chàng cho ghe đến Cái Côn trên sông Hậu, rẽ vào kinh dẫn đến Ngã Bảy Phụng Hiệp. “Long” dành cho sông mẹ “Cửu Long”, “Phụng” dành cho các sông con đoàn tụ – “Phụng Hiệp” - nơi 7 con kinh hiệp lại, từ đây ghe thuyền có thể đến bất cứ nơi nào trong Lục Tỉnh, cho tới Cao Miên, hay ra Biển Đông, Biển Tây. Phụng Hiệp vì vậy có chợ nổi lớn nhất, nơi qui tụ của hàng đặc sản khắp vùng. Ghe thuyền rất đông đúc, nhất là lúc “nước đứng” mọi ghe thuyền tạm dừng ở đây để chờ con nước chảy theo thủy triều cho ghe thuyền thuận dòng, đỡ công chèo chống. Vì vậy nhiều mối tình thơ mộng được chớm nở ở đây:

Gặp em Ngã Bảy hò ơi!
Dòng sông bảy ngả tìm em ngả nào?
Sông ngả bảy chảy về bảy ngả
Thuyền đến đây về ngả nào đây
Buồm không theo kịp chim bay
Xa nhau biết hẹn ngày nào gặp nhau.

Từ Ngã Bảy Phụng Hiệp, chàng theo kinh Maspero đến Sóc Trăng. Đây là vùng “Ba
Thắc” hay “Bassac” là tên của vị thần Bàsàk của Miên mà người Việt gọi là “Ông Tà”
(thờ ở núi Tà Lơn, Châu Đốc). Sóc Trăng là tiếng đọc trại từ "Srok Tréang” của Miên,
có nghĩa là " Xứ nhiều lau sậy" vì nơi đây là đất giồng duyên hải có lắm lau sậy. Có
người cho từ "Srok Kh'leang" có nghĩa là “Xứ kho bạc” vì ở Bải Xàu ngày xưa có một
kho bạc. Dầu nguồn gốc nào, chữ Sóc Trăng do người Việt đặt từ lâu, nên vua Minh
Mạng đổi thành “Nguyệt Giang”, chữ “Sóc” thành “Giang” (Sông), “Trăng” thành “Nguyệt”. Đây là vùng người Miên, cũng như Trà Vinh, nhiều địa danh mang âm
hưởng tiếng Miên. Như “Bải Xàu” (do từ Srok Bai Chau), “Trà Nho” (Chụi Nhua),
“Bạc Liêu” (Po Léo), “Trà Cuôn” (Prek Tra Cuon), “Đại Tâm” (Sráiume hay
Swaichrume), “Bưng Cóc” (Beng Kok), “Kế Sách” (Ksach), v.v.
Là vùng ven biển, nên thiếu nước ngọt:
Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài (tức vàm Đại Ngãi với sông Hậu)
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi.
Tuy nước mặn đồng chua, Sóc Trăng rất phong phú:
Sóc Trăng nước mặn đồng bằng
Dân lành lúa tốt, của hằng trời cho
Kế Sách, Ba Rinh, Xa Mo
Lắm vườn nhiều ruộng, không lo thất mùa.

Bởi vì, Sóc Trăng vừa có ruộng ở đồng thấp nhờ nước sông, lại có ruộng đất giồng
gò cao nhờ nước mưa, nên kỹ thuật trồng lúa khác nhau:
4
Ra đi cha mẹ dặn dò
Ruộng thấp thì cấy, ruộng gò thì gieo
Gạo Ba Thắc nổi tiếng là ngon:
Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon
Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi.

Sóc Trăng có nhiều đặc sản:
Ai về thẳng tới Năm Căn
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau
Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên!

Cũng như dân mọi miền Lục Tỉnh khác, người sóc Trăng rất hiếu khách:
Ngó lên trời, mưa sa lác đác
Ngó xuống đất, hạt cát nằm nghiêng
Rượu Ba Xuyên rót đãi người hiền
Trước là đãi bạn, sau giải phiền cho anh.

Rời Sóc Trăng, ghe chàng theo kinh Sóc Trăng đến Bạc Liêu, Cà Mau. Đây là vùng
“Miệt Thứ” nước mặn đồng chua, muỗi, đĩa, cá sấu, cọp là mối lo sợ ngày xưa. Bạc
Liêu phát âm từ “Po Léo”, còn Cà Mau từ “Tuk-Khmâu” nghĩa là “Nước đen”.
Cà Mau là xứ quê mùa,
Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu. (Tùa, tiếng Triều Châu là lớn)
Em yêu anh nên đành xa xứ,
Xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Từ ngày xa đất Tiền Giang
Em theo anh về xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu mà như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.
U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua.
Tới đây sứ sở lạ lùng
Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê
Muỗi kêu như sáo thổi
Đỉa lội như bánh canh
Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy
Rừng thiêng nước độc thú bầy
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh
Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây.
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um
Rừng U Minh có tiếng muổi nhiều
Sông Bến Hải tiêu điều nước non
Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ thì Bạc Liêu, Cà Mau là vùng ruộng lúa “cò bay
thẳng cánh”, là vựa lúa gạo của vùng Lục Tỉnh.
5
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ Bạc thong dong cuộc đời (Bạc = Bạc Liêu)
Bạc Liêu Cà Mau thuộc Trấn Hà Tiên của Mạc Cửu, nên người Triều Châu (Tiều)
đến định cư ở đây từ mấy trăm năm, nay thật đông đúc:
Bạc Liêu nước chảy lờ đờ
Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu.

Người Hoa nắm kinh tế của cả vùng Lục Tỉnh. Từ Cái Răng, Sóc Trăng, Bạc Liêu
đến Cà Mau có nhiều chành lúa gạo, tiệm tạp hóa, đều do người Hoa làm chủ. Họ
đều là những nhà giàu nứt vách, có nhiều vợ Việt. Nhiều chàng Việt ganh tị:
Tóc mây rủ đất bậu chê
Nâng niu thằng Chệt tứ bề sọ không
Trên đầu nó vận đuôi nhông
Cái răng trắng nhẻ, miệng không nhai trầu
Gẫm trông thằng Chệt mà rầu…
Ngoài lúa gạo, Bạc Liêu Cà Mau là nơi giàu tôm đủ loại:
Đầu lớn chôm bôm, là con tôm tít
Bắt người ăn thịt, là con tôm hùm
Ở bụi ở lùm là con tôm cỏ
Bắt bỏ vào giỏ là con tôm lương
Gánh đất lấp đường là con tôm đất
Vô chùa lạy Phật là con tôm tu
Sóng đánh chổng khu là con tôm cồn
Nấu cơm sồn sồn là con tôm gạo
Lấy nước thơm thảo là con tôm trầm
Bịt chén bịt mâm là con tôm bạc
Phải quấy mình gạt là con tôm càng
Rèn đục rèn chàng là con tôm sắt
Hay cắn hay ngắt là con tôm chồng
Nghe bậu lấy chồng là con tôm lóng
Lấy chồng cho chóng là con tôm lang
Da thịt nó vàng là con tôm nghệ
Việc làm bê trễ là con tôm te.
Rừng U Minh là rừng tiền biển bạc với nhiều tài nguyên thiên nhiên:
Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng,
Tràm xanh củi lục anh hùng thiếu chi
Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu
Chiếu này anh chẳng bán đâu
Tìm em không gặp, anh gối đầu mỗi đêm.

Sống ở miệt thứ thì không sợ đói:

Lựa là chợ búa kinh kỳ
Ở đồng ở ruộng ăn gì cũng ngon
Sáng thì rau ngổ xào lươn
Trưa thì mắm ruốc cà um ngoài vườn
Cơm chiều kho cá lòng tong
Chấm đọt nhãn lồng bổ óc bổ gan
Thương em vì cá trích ve
Vì rau muống luộc, vì mè trộn măng
6
Kèo nèo mà đem làm chua
Ăn với cá rán chẳng thua món nào
Lửa than mà nướng cá trèn
Cái mỡ nó chảy láng giềng phải kêu
Theo anh về xứ Bạc Liêu
Ăn cá thay bánh, bàu nghêu thay quà
Rau đắng nấu với cá trê
Ai về Đất Mũi thì “mê” không về!
Ở Cà Mau có một món ăn độc đáo là “chả trứng mực”
Câu mực tuy cực mà vui
Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài.

Bạc Liêu Cà Mau là xứ nước lợ nên là xứ của cá kèo. Vào những con nước rong
ngày rằm và mồng một của những tháng giáp Tết, tại các đầu kênh, mặt đập... cá
kèo từ biền, trảng, ruộng... lũ lượt đổ xuống và nổi dày mặt kênh, nhìn xuống nước
chỉ thấy toàn đầu cá kèo lố nhố - người miệt thứ thường nói “Cá kèo nổi như mù u
rụng”.

Cá kèo nhiều vô số kể, sống trong hang ở nơi sình lầy, thích vũng trâu nằm, nơi cầm nuôi vịt đàn, đi bộ ngang cá kèo thấy động nhảy vào hang nghe rào rào như ai vãi nắm sạn vào nước. Không ai thấy cá kèo có trứng, người dân cho rằng bùn sinh ra cá kèo. Qua sách vở, chàng biết là cá kèo trưởng thành sống trong hang nơi đồng ruộng trong suốt mùa mưa.

Vào đầu mùa nắng, cá kèo theo sông rạch ra biển, sống một thời gian rồi đẻ trứng ngoài biển, nở thành ấu trùng li ti, nước thủy triều mang bọt nước có ấu trùng chảy ngược dòng vào sông rạch rồi ruộng đồng có nước lợ, ấu trùng ăn các phiêu sinh sống quanh rể các loại cây của rừng ngập mặn như vẹt, đước, sú, lớn dần trong các tháng có mưa, đến tháng 9, 10 thì trưởng thành, vàbắt đầu ra sông để ra biển cho một chu kỳ sinh sản khác. Thời gian này là lúc cá mập ngon nhất và dễ xúc bắt.
Bồn bồn, bông súng làm chua
Cá kèo kho quẹt thì mua thêm nồi
Cá kèo mà gặp mắm tươi
Như nơi đất khách gặp người cố tri
Cà Mau còn có món đặc sản “mắm ba khía”
Ba khía Cà Mau
Đuông nướng Dầm Dơi.

Chàng quyết theo đoàn bắt ba khía vào “ngày hội ba khía” để quan sát nghề bắt ba
khía rất cực nhọc. Mắm ba khía Rạch Gốc ở Đất Mũi nổi tiếng là ngon nhất vì ba
khía ăn toàn trái mắm. Rạch Gốc nằm trong vùng rừng ngập mặn ở Đất Mũi Cà Mau.
Bắt đầu mùa mưa, cây mắm ra trái, trái bắt đầu chín vào tháng 7, rụng vào tháng 8,
tháng 9. Đến tháng 10 (âm lịch, tức tháng 11 dương lịch) thì ba khía mập đầy thịt có
gạch đầy mai, là mùa ba khía bắt đầu giao phối để sinh sản, cũng là lúc nông dân
bắt đầu đi bắt ba khía. Vào nhửng đêm 30, mồng một tháng 10 âm lịch, nước thủy
triều dâng cao, như đã hẹn nhau từ thuở nào, triệu triệu ba khía bò ra khỏi hang, leo
lên thân cây rừng ngập mặn, bắt cặp, chen chúc nhau, dân gọi là “ngày hội ba khía”
chỉ kéo dài vài ba đêm.
Tháng bảy nước chảy Cà Mau
Tháng mười ba khía, hội kéo nhau đi làm
U Minh, Rạch Gốc, rừng tràm
Muỗi kêu kệ muỗi tao ham ba khía rồi
Đừng lo cưới vợ miệt đồng
Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm
7
Muốn ăn ba khía, ốc len
Thì xuống Rạch Gốc khéo quên đường về.

Bây giờ thì chàng đang đứng ở vùng Đất Mũi Cà Mau, nơi cực nam của Tổ quốc.
Nhớ lại bài học địa lý giảng dạy ở đầu thế kỷ 20, thì sau khi chiếm hết Nam Kỳ người
Pháp chia thành 21 tỉnh:
Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà,
Sa, Bến, Long, Tân, Sóc,
Tây, Biên, Chợ, Mỹ, Bà,
Gò, Vĩnh, Thủ, Cần, Phước, Bạc.

Ðó là chữ đầu của 21 tỉnh của Nam Kỳ:
1-Gia Ðịnh, 2- Châu Ðốc, 3-Hà Tiên, 4-Rạch Gíá, 5-Trà Vinh, 6-Sa Ðéc, 7-Bến Tre,
8-Long Xuyên, 9-Tân An, 10-Sóc Trăng, 11-Tây Ninh, 12-Biên Hòa, 13-Chợ Lớn,
14-Mỹ Tho, 15-Bà Rịa, 16-Gò Công, 17-Vĩnh Long, 18-Thủ Dầu Một, 19-Cần Thơ;
20-Phước Tỉnh, và 21-BạcLiêu.

Như vậy chàng đã đi qua 17 tỉnh kể cả quê quán của chàng. Ngồi nghĩ chân tại vùng
Đất Mũi, chàng hồi tưởng lại, trong suốt hành trình qua mỗi địa phương, chàng đều
đến viếng đền thờ các bậc tiền bối nổi tiếng của Lục Tỉnh, và chàng ngạc nhiên thấy
là cuối đời các vị này đều mang nhiều oan ức, phải mất nhiều chục năm sau mới
được giải oan: Tả quân Lê Văn Duyệt gốc Cai Lậy, Phan Thanh Giản gốc Bến Tre,
Thoại Ngọc Hầu gốc Vĩnh Long, Bùi Hữu Nghĩa gốc Cần Thơ, cả một đời vì nước vì
dân mà cuối đời đều bị bạc đải. Suy nghĩ cho cùng, đó là do bản chất thanh liêm
chánh trực, không xua nịnh kẻ trên, biết thương yêu đùm bọc kẻ dưới, thừa hưởng
tinh thần bất khuất của tổ tiên trong thời nam tiến và tây tiến:
Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm
Bủa xua ông Tham biện, chớ bạc tiền ông để ở đâu?

Và lúc nào cũng đấu tranh cho công lý, nên Lục Tỉnh có những “Ông Già Ba Tri”, bà
già “Nguyễn Thị Tồn” khăn gói ra tận kinh đô để “khiếu kiện”, “minh oan”.
Trong lúc suy tư, mắt chàng nhìn vào dòng nước biển đục ngầu. Chàng cám tạ dòng
sông Cửu Long hiền hòa đã mang nhiều phù sa, chàng cảm ơn cây mắm cây đước của rừng ngập mặn đã chặn giữ phù sa bồi đắp trong suốt hơn 9 ngàn năm qua, để mỗi năm Tổ quốc lấn thêm ra biển hàng trăm mét, bù đắp lại một phần lảnh thổ bị mất trong suốt dòng lịch sử. Nhưng giờ đây rừng ngập mặn bị chính con người tàn phá, và dòng sông Cửu Long cũng đang cạn dần vì những đập nước ở thượng nguồn. Chàng thở dài, ngao ngán. Trong lúc suy nghĩ vẫn vơ, lòng nặng trĩu nỗi ưu tư, giữa cảnh trời nước mênh mông hiu quạnh chàng cất tiếng ngâm:
Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
(Thơ Lý Thường Kiệt)
Cảm tạ: Tôi chân thành cám ơn chồng tôi, Tiến Sỉ Trần-Đăng Hồng, đã góp ý, bổ túc
tài liệu cho nội dung được phong phú và đa dạng hơn.
Anh quốc, 6/2009
Nguyễn Thị Kim Thu



====


THĂM LỤC TỈNH QUA CA DAO
Phần 5: An Giang - Châu Đôc - Hà Tiên - Rạch Giá
Nguyễn Thị Kim Thu

Ảnh: Hòn Phu Tử Hà Tiên
Từ Trà Ôn ghe chàng ngược dòng sông Hậu qua vùng Cần Thơ và trực chỉ Long Xuyên, Châu Đốc. Chàng dự trù trên chuyến về mới ghé Cần Thơ.
Cần Thơ và Long xuyên nổi tiếng về
trai thanh gái lịch:
Trai Nhân Ái gái Long Xuyên (Nhân ái thuộc Cần Thơ)
Cũng như vùng Đồng Tháp, Long
Xuyên Châu Đốc có đủ các thức ăn độc đáo của Miền Tây.
Rau đắng nấu với cá trê
Ai đến lục tỉnh thì mê không về.
Ngoài ra còn nổi tiếng về mắm cá lóc.
Mắm Châu Đốc
Dốc Nam Vang
và nhiều đặc sản khác:
Bánh Tráng Mỹ Lồng
Bánh phồng Châu Đốc
Nhà thơ Tản Đà, vốn sành điệu rượu và thức ăn ngon của ba miền Bắc Trung Nam,
khi đến Long Xuyên Châu Đốc trong thập niên 1930s đã thốt:
Hà tươi cửa biển Tu Ran, (Tourane tức Đà Nẳng)
Long Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà.
(Thơ Tản Đà)

Trong suốt cuộc hành trình vừa qua, chàng chỉ thấy những cánh đồng bao la, cò bay
thẳng cánh, xanh mướt một màu, thấp thoáng những mái nhà ẩn sau những hàng
cây cao vút. Nhưng khi qua khỏi Long Xuyên, trên cánh đồng lúa xanh bao la tận
chân trời là ngọn Thất Sơn sừng sửng ngạo nghể trong mây mờ:
Thất Sơn ai đắp mà cao
Sông Tiền, sông Hậu ai đào mà sâu
Năm non ở tại núi Đà (tức Đà Nẳng)
Bảy núi Châu Đốc gọi là Thất Sơn
Hồi niên thiếu, chàng đã từng nghe nhiều câu chuyện huyền bí của Thất Sơn, nơi có
nhiều Ông Đạo tu hành:
Anh đi lên Bảy Núi,
Anh chạy thẳng núi Tà Lơn,
2
Căn nợ keo sơn, thấu đến ông Trời
Ngó lên trời thấy trời cao,
Ngó xuống đất thấy đất thấp,
Anh đến tam cấp
Lập Cửu Trùng Đài
Thời hư trời khiến; anh lập hoài cũng phải nên.
So với miền Trung và miền Bắc, Thất Sơn không cao lắm, nhưng cũng đủ cao và
đầy hiểm nguy cho người dân vùng đồng bằng:
Thương em Bảy núi cũng trèo
Ghét em núi Két vượt đèo cũng không (Núi Két thuộc Thất Sơn)

Ghe chàng đến vùng Chợ Mới, tức cù lao Ông Chưởng, nơi Ông Lễ Thành Hầu
Nguyễn Hửu Cảnh có xây đồn Cây Sao. Sau khi chinh phạt Cao Miên về lại Cù Lao
này (năm 1700) ông bắt đầu nhuốm bệnh và mất khi thuyền ông đến Rạch Gầm (Mỹ
Tho). Vì vậy, nơi đây có đền thờ ông. Tại cù lao Ông Chưỡng có Rạch Ông Chưởng,
người Miên gọi “Péam prêk chaufay”, nối Sông Tiền với sông Hậu, là nơi rất trù phú.
Chiều chiều quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Rồi ghe chàng đến Vàm Nao. Vàm là do chữ “Pãm” của Miên, chỉ chổ sông con chảy
vào sông cái. Tiếng “Vàm Nao” cũng phát xuất từ tiếng Miên “pãm pênk Nàv”. Sông
Vàm Nao chuyển nước sông Tiền vào sông Hậu nên dòng sông chảy xiết, rất hiểm
nguy cho tàu bè. Sử sách viết sông Vàm Nao là “Hồi Oa” (nước chảy xoáy tròn) vì
dòng sông chảy xiết có nhiều nước xoáy. Trong sách “Nam kỳ phong tục diễn ca”,
ông Nguyễn Liêng Phong có bài thơ về Vàm Nao:
Vàm Nao chữ đặt Hồi Oa
Chỗ nhằm mũi nước chảy qua quanh dòng
Sông Sau sông Trước hai dòng
Phân ra hai ngả ngoài trong vận đào
Các ngả gần chảy nhập vào
Tạc kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng
(Thơ – Nguyễn Liêng Phong)

Ngày xưa, đó là đưòng mòn do voi đi mà thành một lạch nước nhỏ, nối sông Tiền và
sông Hậu, về sau nước chảy xiết, đất lở mà lớn dần, ngày nay rộng tới 700 m. Vào
thời Thoại Ngọc Hầu đào kinh Vĩnh Tế, sông Vàm Nao còn nhỏ, hai bên bờ tre mọc
giáp tàng. Vì việc đào kinh quá cực khổ, nên một số dân chạy bộ trốn, khi đến Vàm
Nao thì leo lên ngọn tre đánh đu chụp ngọn tre bên kia sông. Không ai dám lội qua
sông vì nước chảy xiết, có nhiều xoáy nước, đồng thời nhiều cá sấu.
Thuyền xuôi Châu Đốc, thả xuống Vàm Nao,
Thẳng tới Ba Sao, coi chừng con nước đẩy.
Dòng sông Vàm Nao là một nguồn tình cảm của dân miền Lục Tỉnh:
Ngó lên Châu Đốc,
Thấy gốc bần trôi.
Ngó xuống Vàm Nao,
Thấy sóng bủa lao xao.
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại, chút nào hay không?
Ngó lên Châu Ðốc Vàm Nao
Thấy buồm anh (em) chạy như dao cắt lòng
Vàm Nao, Giao Lửa các cồn,
Tục dân cư xử lưu tồn cổ phong.
3
Bắp non mà nướng cửa lò,
Đố ai ve được con đò Vàm Nao.
Tôi với anh đi giữa dòng kênh Cái Hố,
Lấy miểng vùa tát cạn bến Vàm Nao.
Ở trên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao
Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới,
Anh ngồi chắc lưỡi,
Không biết chừng nào mới cưới đặng em.
Rồi ghe chàng đến Châu Đốc:
Chàng đi Châu Đốc, Nam Vang,
Nỗi sầu em chịu, đa mang một mình.
Anh đi Châu Đốc Nam Vang,
Viết thơ nhắn lại em khoan lấy chồng.
Đậu phọng béo đậu nành cũng béo
Bước lên xe kéo miệng réo xe hơi
Đường đi Châu Đốc xa vời
Gửi thư thì khó, gửi lời thì không.

Châu Đốc, nơi địa đầu biên giới ở mặt Tây Nam, có sông Tiền sông Hậu làm phương tiện giao thông tới Cao Miên và Lào, trên sông rộng mênh mông, lại lắm cồn, người Pháp có đặt đèn hiệu trên cột cao, tương tự như hải đăng trên biển cả để hướng dẫn ghe tàu:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,
Đất nào dốc cho bằng đất Nam Vang?
Một tiếng anh than,
Hai hàng lụy nhỏ,
Có cha mẹ già biết bỏ cho ai?
hay:
Có chút mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Dốc nào cao bằng dốc Nam Vang
Đói no em chịu cùng chàng
Xuống sông ra biển lên ngàn cũng theo.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Xứ nào dốc bằng xứ Nam Vang
Một tiếng anh than ba bốn đôi vàng em không tiếc
Anh lấy đặng em rồi anh trốn biệt lánh thân
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Dốc nào cao bằng dốc Cần Thơ
Anh thương em lững đững lờ đờ
Giả như Tôn Các mà chờ Bạch Viên.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Nổi một trận giông lạc vợ mất chồng
Đêm nằm nghĩ lại phật phồng lá gan.
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng,
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.
4
Đèn nào cao bằng đèn Sở Thượng,
Nhân nghĩa nào trượng bằng nhân nghĩa phu thê?
Dầu anh có lạc Sở qua Tề,
Năm ba bữa anh cũng trở về thăm em.
Chàng đi viếng Tri Tôn, người Miên gọi là Xà Tón, và Nhà Bàn thuộc vùng Thất Sơn
Tri Tôn Châu Đốc rất gần
Thương anh em nhớ, em lần xuống thăm.
Đường Nhà Bàn nó trơn như mỡ,
Đường ngoài chợ lạnh tợ thâm sương.
Giăng tay se sợi chỉ hường,
Kết duyên chồng vợ kiếm đường ra vô.
Hang Tra là xứ quê mùa,
Đi thăm cháu ngoại cho vừa Cà na.
Đến Châu Đốc thì phải đến Tân Châu, nơi nổi tiếng về nuôi tầm, ươm tơ, dệt lụa.
Lụa Tân Châu nổi tiếng với lảnh Mỹ A:
Có ai thích đến xứ thơ
Ghé qua xứ lụa bên bờ Tiền Giang.
Dòng sông thẳng tắp hàng ngàn,
Tàu ghe xuôi nước đò sang bên này.
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đưa đò sang chợ, tưởng xa hóa gần.
Từ ngàn xưa, cảnh chàng ngồi đọc sách bên cạnh nàng quay tơ là hình ảnh đẹp,
hạnh phúc và đầm ấm của gia đình
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Quay tơ phải giữ mối tơ
Dẫu năm bảy mối cũng chờ mối anh...
Là xứ tơ tầm dệt lụa, gái Tân Châu rất đảm đang, khéo léo và chung tình. Bằng mọi
giá để cưới được cô gái Tân Châu:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng ngại sang giàu
Mứt hồng đôi lượng, trà Tàu đôi cân.
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Tân Châu
Anh thương em chẳng ngại sang giàu
Thương vì cái nết trước sau chung tình.
Tuy nhiên cũng có nhiều bà mẹ chồng xứ lạ không biết giá trị của gái Tân Châu, đã
đối xử tệ bạc với nàng dâu. Cô dâu nhẹ nhàng nhắc nhở bà mẹ chồng:
Con mèo trèo lên cây táo
Mẹ chồng nương náu, chưởi mắng nàng dâu
Bà ơi không sợ bà đâu
Bà đừng chửi mắng mà mang tiếng đời
Bà cưới tôi có rượu có trầu
Có đưa có rước, nàng dâu mới về
Tôi về bà nhún bà trề
Để con bà ở lại tôi về xứ tôi
5
Xứ tôi là xứ Tân Châu
Cũng có ngựa ô, ngựa bạch ngựa hồng của tôi.
Còn chàng trai Châu Đốc thì một lòng một dạ:
Chiều chiều bơi xuồng ra con sông Cái,
Thôi thôi tôi lấy cái lưỡi hái tôi tự ái cho rồi,
Sống làm chi mà biệt ly quân tử,
Thác xuống diêm đài cho trọn chữ hiếu trung
Cuối cùng, chàng lên núi Sam để viếng đền Bà Chúa Xứ và đền thờ Thoại Ngọc
Hầu, nguời đã có công lao đào kinh Vĩnh Tế và kinh Thoại Hà, cùng việc mở mang
Châu Đốc:
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an
Tuy công lao như vậy, vì nghe lời xàm tấu vu oan, vua Minh Mạng giáng chức ông,
tịch biên điền sản, lột ấn hàm con ông, làm con ông trốn đi biệt xứ không biết ở đâu,
con cháu nào còn ở lại thì trở nên nghèo nàn, vì vậy ai ai cũng đau lòng:
Đi ngang qua cảnh núi Sam,
Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi.
Ông ngồi vì nước vì đời,
Hy sinh tài sản không rời nước non.

Từ giả Châu Đốc, chàng đi Hà Tiên theo kinh Vĩnh Tế.
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên,
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu.
Mang Khảm là đất Hà Tiên ngày xưa. Người Hoa gọi vùng Mang Khảm là “Phương
Thành”, do biến âm từ “Phnom Tà Pang” của người Miên gọi vùng này. Riêng người
Việt thì gọi “Hà Tiên”, do nói trại từ tiếng Miên “Tà Ten”, nghĩa là sông Ten, tức sông
Giang Thành phát xuất từ Cao Miên chảy vào vũng Đông Hồ của Hà Tiên. Để thi vị
hóa thị trấn nên thơ này, người Việt còn cho rằng ngày xưa tiên nữ thường xuống
tắm ở sông Giang Thành nên đặt thành Hà Tiên.
Rồng chầu biển Bắc, phụng múa Hà Tiên
Anh thương sao mà gặp mặt thương liền
Tỷ như Lữ Bố, Điêu Thuyền thuở xưa.
Do việc chạy trốn nhà Thanh, thương gia Mạc Cửu (1655-1735) cùng hơn 300 tùy
tùng gốc Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu đến tị nạn ở vùng đất này, vốn thuộc
lảnh thổ Cao Miên, và biến thành thị trấn Hà Tiên phồn thịnh.
Thằng Hóa Quảng về Quảng Hóa
Bạn hiền ta ở lại Hà Tiên
Làm sao rõ đặng căn nguyên
Dầu sông dầu biển đi liền tới nơi
Dưới thời Mạc Cửu, Hà Tiên mang tên Căn Khẩu, và vùng Hà Tiên là Căn Khẩu
Quốc. Sau khi đuổi quân Xiêm, chúa Nguyễn đổi thành Hà Tiên Trấn. Mạc Thiên Tứ
cai trị trấn Hà Tiên rất thịnh vượng, mở văn đàn làm thơ, phổ nhạc, vịnh phú, lập
Chiêu Anh Các để chiêu nạp nhân tài. Hà Tiên có nhiều phong cảnh đẹp, Mạc Thiên
Tích mô tả 10 cảnh đẹp của Hà Tiên qua bài thơ:
Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẫm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn dòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
6
Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sững muôn năm cũng để dành.
(Thơ Mạc Thiên Tích)

Hà tiên là xứ nuôi đồi mồi, nên sản xuất hàng thủ công từ đồi mồi. Núi Tô Châu,
sông Giang Thành và Đông hồ được dân gian ca tụng:
Chiều trông về núi Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm.
Trâm đồi mồi tóc em em giắt
Mắt anh nhìn thương thiệt là thương.
Dãi dầu một nắng hai sương
Tóc em vẫn mượt mùi hương vẫn còn.
Tóc quăn chải lược đồi mồi
Chải đứng chải ngồi quăn vẫn còn quăn.
Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn
Con sông Giang Thành chỗ cạn chỗ sâu.
Thăm em anh phải bắc cầu
Lội sông sợ ướt cái đầu hết duyên.
Ngoài đặc sản đồi mồi và cá của vùng biển, Hà Tiên còn có nhiều nông sản của
vùng đất phèn như thơm khóm, hay vùng đất cao của núi rừng như mít, như khoai.
Đưa anh ra tới bờ hồ (Đông Hồ)
Em mua trái mít, em vồ trái thơm
Anh về nuôi cá thờn bơn
Trồng khoai, trồng sắn, thay cơm có ngày
Là vùng địa đầu của đất nước, thường bị Xiêm La và Cao Miên quấy phá:
Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như cánh chim bay
Cánh chim bay người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
. . .
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn
Bậu lỡ thời ai muốn bạn đâu.

Ngày xưa, Hà Tiên là lị sở của Hà Tiên Trấn, gồm Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng,
Bạc Liêu và Cà Mau dưới thời chúa Nguyễn, nên rất phồn thịnh. Về sau, mất dần vị
trí hành chánh, Hà Tiên trở thành tỉnh, rồi nay thành quận/huyện. Công việc làm ăn
trở nên khó khăn, nên dân chúng phải đi nơi khác sinh sống.
Ở Hà Tiên mần ăn không khá
Anh về Rạch Giá anh bán cá mòi
Thương nhau không được ngỏ lời
Nước trôi thăm thẳm biết đời nào nên.
Tháng hai tháng ba anh đi chở cá
Không khá anh qua Rạch Giá chở khoai lang
Tìm người bạn ngọc thở than đôi lời
Biết làm sao lên đặng ông trời
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?
7
Ai về Tân Phước Rạch Già
Gởi con cá lóc hái cà nấu canh
Ghe chàng xuôi theo kinh Hà Tiên - Rạch Giá. Ngày xưa, Rạch Giá rất hoang vu,
toàn rừng ngập mặn, nhiều nhất là cây Giá (Excoecaria agallocha L.) mọc dọc mé
sông ven biển. Rạch Giá dưới thời Mạc Cửu mang tên “Linh Quỳnh”.
Anh đi Rạch Giá qua truông
Gió rung ngọn sậy ngồi buồn nhớ em
U Minh Rạch Giá Thị Quá Sơn Trường
Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em
Nhưng bây giờ thì Rạch Giá trở nên thị tứ
Chợ Sài Gòn cẩn đá
Chợ Rạch Giá cẩn xi mon
Giã em ở lại vuông tròn
Anh về xứ sở không còn vô ra
Từ Rạch Giá, chàng dong thuyền qua biển đến đảo Phú Quốc, cặp bến Dương
Đông. Dương Đông rất trù phú, nổi tiếng về mắm và hải sản.
Gặp cơm Ba Thắc thơm ngon
Chan nước mắm Hòn ăn chẳng muốn thôi
Phú quốc cũng có đồi sim hoa tím. Nhà thơ Kiên Giang, gốc người Rạch Giá, từng
thưởng thức trái sim ở Phú Quốc, cảm hứng làm nên hai câu thơ *, nay trở thành ca
dao:
Ðói lòng ăn nửa trái sim*
Uống lưng bát nước đi tìm người thương*
Người thương, ơi hỡi, người thương,
Đi đâu mà để buồng hương lạnh lùng.
Khách giang hồ đến đây nhìn phong cảnh mà chạnh lòng, nhất là những chàng si
tình:
Dương Ðông gió lạnh không tình sưởi
Rượu đã say mèm vẫn nhớ thương
Ðèn cầu tàu ngọn lu ngọn tỏ
Anh trông không rõ, anh ngỡ đèn màu
Rút gươm đâm họng máu trào
Ðể em ở lại, em kiếm thằng nào hơn anh
Bởi vì cha mẹ không ai muốn gả con cho người nơi hải đảo xa xôi:
Cha mẹ đòi ăn cá thu
Gả con xuống biển mù mù tăm tăm.
Chàng từ giả Phú Quốc, trở lại Rạch Giá, rồi xuôi ghe theo kinh Xà No về miệt Cần Thơ.
Tàu số 1 chạy lên Vàm Tấn (là nơi sông Đại Ngải Sóc Trăng chảy ra sông Hậu)
Tàu số 2 chạy xuống Cần Thơ
Tuổi ba mươi em cũng ở vậy mà chờ
Lỡ duyên chịu lỡ, cũng chờ cho được anh.

Anh Quốc, 6/2009
Nguyễn Thị Kim Thu

No comments: