Ed coi việc mỗi sáng sớm xách cây chổi, đeo khẩu trang và găng tay đi nhặt rác là một nghĩa vụ


Mỗi sáng sớm ở chân cầu vượt Ngã Tư Ga (quận 12, Saigon, người ta lại thấy một ông Tây thảnh thơi đi lại với chiếc xe cút kít, đôi găng tay thô và... một cây chổi.
Edward William Lippett bắt đầu ngày mới của mình bằng bài tập thể dục đi vòng quanh khu phố nơi nhà ông sống và lượm rác.
Mấy người bán cơm trên con đường nhỏ ấy mỉm cười chỉ vào ông: “Ổng làm cũng lâu rồi, sáng sáng cứ ra đường đi lượm rác như vậy”. Mấy bà cười rồi bàn tán về ông tí chút, rồi xắn tay gom mấy tờ giấy ăn màu trắng mà khách ăn cơm vừa quẳng lại ngay vỉa hè cho vào sọt rác. Hình như mấy bà cũng hơi ngượng, không còn tiện tay ném rác ra đường như trước, khi có một người nước ngoài làm chuyện “dư hơi” dọn rác không công cho đường phố của mình!
Duyên nợ đất lành
Ed - tên mọi người gọi vắn tắt về Edward, năm nay 65 tuổi, từng làm thư ký bàn giấy cho không quân Mỹ. Năm 1964, ông lần đầu tiên sang Việt Nam, làm việc ở sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất. Ed nhớ lại: “Sài Gòn có vẻ lạ lẫm. Trong cuộc chiến, mọi thứ đều hỗn loạn và bạn chẳng thể nào gắn mình vào cuộc sống ở đây được cả”.
Hai năm rưỡi sống và làm việc ở Sài Gòn không hề phai đi trong 65 năm của cuộc đời ông lính già ấy. Ed luôn tò mò, luôn nghĩ về một lúc nào đó ông có thể quay lại Việt Nam, xem cái đất nước từng bị chia cắt vì bom đạn ấy giờ ra sao. “Cuộc sống của tôi không ổn định, tài chính của tôi cũng không ổn định. Luôn có cái gì đó cản trở tôi thăm lại nơi này” - Ed trầm ngâm. Mãi đến năm 2006 khi ông nghỉ hưu và có một cuộc sống đầy đủ, Ed quyết định đi du lịch một chuyến ở Việt Nam.
Khi quét rác trước khu đất xây nhà mẫu Minh Lan thuộc khu phố 3B, P.Thạnh Lộc, Q.12, ông Edward đã đặt câu hỏi với người bảo vệ ở đây: “Tại sao các bạn để một bãi rác lớn ngay trước một công trình đẹp thế này?”



Edward William Lippett là một người Mỹ da màu, quê ở phía bắc Las Vegas. Năm 1964 ông sang Việt Nam. Tháng 6-1966 Ed về nước và tiếp tục công tác cho tới khi nghỉ hưu.


Năm 2006 ông sang Việt Nam và sống ở Việt Nam với người vợ tên Đỗ Thị Kim Bông tại Q.12, gần cầu vượt Ngã Tư Ga. Hằng năm, Ed và vợ đi Mỹ vài tháng vào dịp lễ Tạ ơn hoặc Giáng sinh để thăm người chị của ông đang chống chọi với bệnh ung thư ở Las Vegas.
Lúc ấy, cô gái nhỏ Đỗ Thị Kim Bông còn là sinh viên trong một ngôi trường chuyên đào tạo hướng dẫn viên du lịch. Bông được giới thiệu làm phiên dịch và hướng dẫn Ed những ngày ở Việt Nam.
Ed cười thật tươi nhớ lại: “Tôi nói với cô ấy tôi biết đường Sài Gòn rành lắm đấy. Cô ấy tỏ vẻ bực ngay và có vẻ không tin tôi. Nhưng sau đó tôi đã cùng cô ấy đi khắp nơi trong Sài Gòn. Tôi chỉ cho cô ấy xem những gì đã xảy ra tại một vài nơi tôi từng chứng kiến. Lúc đó Bông mới tin” - Kim Bông lúc đó mới 22 tuổi, giỏi tiếng Anh và vẫn thường kiếm sống phụ gia đình ngoài giờ học bằng việc đi phiên dịch này.
Ed phải lòng cô gái trẻ Việt Nam lúc nào không hay. Cả hai người đến với nhau tự nhiên như một cái duyên đã gắn kết tự thuở nào. “Mẹ và chị của Bông ban đầu không đồng ý mối quan hệ của chúng tôi. Tôi phải thuyết phục họ rằng tôi nghiêm túc với tình cảm dành cho Bông”.

Cũng trong thời gian họ đến với nhau, cha Kim Bông mất vì ung thư phổi, chị của Ed ở Mỹ cũng bắt đầu phải chịu đựng những cơn đau ung thư giai đoạn hai. Ed nói: “Chúng tôi biết mình không có nhiều thời gian cho cuộc sống này. Chúng tôi cố gắng làm mọi thứ mình muốn làm vì không biết rồi mọi thứ sẽ ra sao nữa”. Họ cưới nhau tại Việt Nam. Chị gái của Ed, đại diện gia đình bên chồng, đã đem tất cả lòng chân thành đến với gia đình Việt Nam khi họ chấp nhận tình yêu của Edward - em trai bà.


Quét rác để yêu mái ấm nhiều hơn nữa
Ed nói: “Có một nhân vật nổi tiếng người Mỹ từng sang Việt Nam và nói trên truyền hình “Tôi có thể đi dạo ở đấy!”. Đó là điều tuyệt vời, không cần bảo vệ đi kèm, không sợ nổ súng, rất an toàn. Ở đây mọi người vẫn đi dạo, đi tập thể dục từ tận sáng sớm cho đến cả đêm khuya. Đường phố an toàn và mọi người có thể đi bộ một cách bình thường nhất”.


Một người dân ở khu phố 3B, P.Thạnh Lộc, Q.12 ra dấu tán dương việc làm của ông Edward.


Chỉ có điều đường phố nhiều rác quá! Trong những buổi sớm đi dạo, Ed phát hiện ống chích có cả kim tiêm nằm lăn lóc trên vỉa cỏ xung quanh nhà mình. “Tôi thấy hai cái kim trước mặt, tôi nhặt lên và bỏ vào túi rác. Nhưng sau đó những cây kim xuất hiện nhiều hơn và tôi biết có người đã đến đây sử dụng chúng vào buổi tối. Tôi đã phải nhặt rất nhiều kim tiêm xung quanh đây” - Ed nói.


Từ nỗi sợ những cây kim tiêm có thể đâm vào mấy đứa trẻ đi chơi, những người già đi tập thể dục, Ed bắt đầu coi việc mỗi sáng sớm xách cây chổi, đeo khẩu trang và găng tay đi nhặt rác là một nghĩa vụ và cũng là buổi thể dục sáng. Mấy ngày đầu ông đem về hơn chục túi nilông đầy rác từ những con đường quanh nhà. Ông kể: “Mấy túi rác mang về tôi đốt đi, nhưng hàng xóm lại nổi giận vì họ bảo tôi mang khói bụi về”.


Những ngày đầu nhiều người ác ý xung quanh còn cố ý ném rác ra đường cho Ed dọn. Kim Bông nghe và biết hết. Chị hơi giận dữ với chồng vì ông lo việc bao đồng: dưng không lại đi mang rác ngoài đường về nhà, rồi phải cho thêm tiền anh đổ rác để mang đi đổ. Nhưng chị Bông không biết chính những bản tin trên báo, trên tivi mà chị dịch cho ông nghe với những bức xúc của một hướng dẫn viên du lịch đã làm ông hành động.
Ed kể: “Có hôm vợ tôi đọc bản tin cho tôi bảo 70% khách du lịch đến và không trở lại VN vì nhếch nhác. Và thành phố đang có nỗ lực làm sạch đường phố, môi trường xung quanh. Một nhân vật quan trọng nào đó lên tivi kêu gọi mọi người hãy làm sạch nơi mình sống. Chúng tôi sẽ cùng làm thôi”.


Ed rất yêu thích lối sống “bán bà con xa mua láng giềng gần” của người Việt Nam. Ed nói: “Đó là cái chúng ta gọi là cộng đồng, nơi mọi người sống và quan tâm lẫn nhau. Tôi cũng phải phụ một tay vào việc xây dựng cộng đồng đó. Ai cũng làm thế cả thôi”.
Ed chăm chỉ đẩy xe đi mỗi 6g sáng, trở về nhà lúc 7g30, phụ Kim Bông chạy bàn cho quán phở nhỏ mà hai vợ chồng vừa mở. Chị Bông khoe: “Mấy đứa trẻ con trong xóm cũng được Ed chỉ cho phải bỏ rác ở đâu”. Người phụ nữ trẻ cười thật tươi, bận rộn với chiếc tạp dề và những tô phở nóng nghi ngút khói. Bông tự hào với cái quán của gia đình.


Từ mái ấm gia đình đó, có một ông Tây vẫn ngày ngày xắn tay quét rác không công khắp cùng ngõ phố cho ngôi nhà nhỏ của ông được đẹp hơn trong không khí sạch sẽ của cả cộng đồng.
Thay đổi
Hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày Ed bắt đầu đi quét rác. Những buổi sáng bước đi với chiếc xe cút kít giờ có thêm tiếng chào với những ngón tay cái đưa lên tỏ ý “Good, good” của bà con xung quanh. Vài cậu bé biết nói tiếng Anh cố bắt chuyện với ông. Những ngôi nhà xung quanh vệ đường tự động sáng sớm ra quét sạch phần sân trước cửa nhà họ, dọn sạch cỏ và rác.
Ông Ed to khỏe với chiếc xe rác giờ ít phải vất vả như những ngày đầu đơn độc trên con đường mỗi buổi sớm.