Tuesday, February 1, 2011

NGUYỄN THIÊN THỤ * DƯƠNG KHUÊ




Dương Khuê
(1839-1902)


TÂM TRẠNG DƯƠNG KHUÊ

Năm 1995, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội ấn hành quyển Tâm Trạng Dương Khuê, Dương Lâm, của giáo sư Dương Thiệu Tống, sách dày 240 trang. Tôi may mắn được giáo sư tặng cho một bản. Nội dung tác phẩm này là viết về thân thế, sự nghiệp của hai cụ Dương Khuê, Dương Lâm, là những vị tổ của gia đình họ Dương, và cũng là những thi gia trong văn học Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn nữa, giáo sư đã lên tiếng thanh minh về bài "Hồng Hồng Tuyết Tuyết" của Dương Khuê là một ý kiến rất độc đáo vì xưa nay chưa ai nói về khía cạnh này.
Trước tiên, tôi xin ghi lại toàn bài hát nói này:

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết

Mưỡu I.
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì,
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.

Mưỡu II.
Nước, nước biếc, non, non xanh,
Sớm, tình tình sớm, trưa, tình tình trưa.
Nhớ ai tháng đợi năm chờ,
Nhớ người độ ấy, bây giờ là đây.

Nói:
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì,
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành ông.
Cười cười, nói nói, sượng sùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú thanh sơn đi lại,
Khéo ngây ngây, dại dại với tình
Đàn ai? một tiếng dương tranh...




GS. Dương Thiệu Tống

GS. Dương Thiệu Tống đã viết tám trang ( trang 46- 53) về việc này. Tôi xin ghi lại sơ lược ý kiến của GS. Dương Thiệu Tống trong quyển sách trên.
Dương Khuê (1839-1902) đỗ tiến sĩ khoa mậu thìn (1868). Lúc này quan Pháp xâm chiếm Việt Nam, vua Tự Đức ra đề thi Hòa hay Chiến . Dương Khuê chủ chiến .



Thủ bút của GS. Dương Thiệu Tống

Cụ được vua bổ nhiệm Tri phủ Bình Giang, rồi thăng Bố Chánh. Tình hình chính trị, quân sự gay cấn, Pháp liên tiếp tấn công mà triều đình lại đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Dương Khuê dâng sớ xin vua quyết chiến. Vua phê vào sớ của ông bốn chữ" bất thức thời vụ" rồi giáng làm "chánh sứ sơn phòng" là một chức khai khẩn ruộng hoang ở nơi rừng núi hoang vu. Sau thăng án sát rồi lại bị tội trảm giam hậu, phải ra biên phòng khai khẩn ruộng hoang. Sau thăng Đốc học Nam Định, Tổng đốc Nam Định - Ninh Bình. Năm 1897 xin về hưu trí.


Ấn bản 1995

Nhiều người cho rằng bài Hồng Hồng TuyếtTuyết là một bài thơ trữ tình nhưng GS. Dương Thiệu Tống cho rằng đây là một bài thơ ngụ ý trần tình tâm trạng của cụ Dương Khuê. Vua Tự Đức phê " bất thức thời vụ" cũng giống như ông quan chê cô gái bé bỏng và " không biết gì"!
Ngày xưa , thuở còn trong trắng, tôi cũng muốn ra giúp ông ( vua Tự Đức) nhưng ông chê tôi " bất thức thời vụ ( không biết gì về thời cuộc. Bây giờ tôi đã khôn ngoan, hiểu biết rồi, ông muốn dùng tôi thì tôi lại chê ông quá già nua, nhu nhược! (48)

GS. Dương Thiệu Tống cho rằng Hồng Tuyết chỉ là nhân vật tượng trưng, không có đào nương nào tên Tuyết hay Hồng cả.. . Nếu xưa kia, tác giả có gặp cô đào nào tên Tuyết hay Hồng thì vào lúc ấy cô gái it nhất cũng 13 tuổi ( nữ thập tam) thì mới " muốn lấy ông" được, và 15 năm sau thì có gái ấy cũng đã 28 tuổi rồi, không thể nói là " tới kỳ tơ liễu" được nữa! (49)


Tâm Trạng Dương Khuê Dương Lâm

Ấn bản mới của KHXH, 2005

Sau đây là ý kiến của người trình bày. Khi nhận được quyển sách của GS. Dương, tôi đã nhận thấy ý kiến của GS. rất sâu sắc. Tuy nhiên vấn đề trên vẫn nổi cộm trong lòng. Mười lăm năm qua, nay tôi mới ghi lại cảm tưởng và ý kiến của tôi về việc trên.

Bài của GS. Dương Thiệu Tống quả là độc đáo vì xưa nay chưa ai đưa ra ý kiến như vậy. Văn chương và triết học rất bao la, có thể hiểu nhiều cách khác nhau. Chỉ có Marx mới kiêu căng cho rằng thiên hạ chỉ có ông là tiến bộ nhất, đúng nhất, khoa học nhất. Trong văn chương ta, lối ẩn dụ thường được dùng. Như bài Mẹ Mốc của Nguyễn Khuyến, bài " Vịnh bức đư đồ rách" của Tản Đà, " "Vịnh Vườn bách thú" của vô danh. .. Và đề tài đào nương, kỹ nữ cũng là đề tài thông thường như thơ của Bạch Cư Dị (Tỳ bà hành),Nguyễn Du ( Long thành cầm giả ca), Nguyễn Công Trứ ( Hát nói) , Cao Bá Quát ( Hát nói), Xuân Diệu (Lời kỹ nữ). .


Mỗi bài có một màu sắc khác nhau. Có bài nói về tình người, nỗi tang thương của con người và cuộc đời, nỗi cô đơn, và cũng có thể là tình yêu. Hơn nữa, đề tài trở về quê xưa gặp người cũ ( nhà cửa, ruộng vườn khác xưa, bạn bè lớp trước chết hết, cô gái ngày xưa đi lấy chồng, con bé khóc nhè thuở nào giờ mơn mởn đào tơ.. .) cũng là một đề tài quen thuộc trong tiểu thuyết và thơ Việt Nam.
GS. Dương Thiệu Tống dù đưa ra ý kiến cải chính , vẫn cho rằng bài hát nói trên có thể hiểu hai cách: " Tóm lại , bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê có thể hiểu theo hai nghĩa mà nghĩa nào cũng có thể gây thích thú cho người đọc"( 52).

Hát ả đào là một thú phong lưu. Cao Bá Quát đã ca tụng:
Cao sơn, lưu thủy, thi thiên trục
Minh nguyệt, thanh phong tửu nhất thuyền
Dang tay người tài tử khách thuyền quyên
Chén rượu thánh, câu thơ tiên thích chí .
(Đời người thấm thoắt)

Nguyễn Công Trứ tự hào về nghệ thuật sống của ông:
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng.
Không Phật, không tiên, không vướng tục
(Bài ca ngất ngưỡng)

Hát ả đào

Hát ả đào là một thú phong lưu chỉ có những người cộng sản nhân danh vô sản mới mắng bà Quách Thị Hồ là tội phục vụ quan lại phong kiến (1). Hát ả đào là một nét văn hóa đặc thù của Việt Nam. Phạm Quỳnh trong bài VĂN CHƯƠNG TRONG LỐI HÁT Ả ĐÀO (2) đã ca tụng thú hát ả đào:

Phong lưu là gồm những cái thú êm đềm mát mẻ, khiến cho trong lòng được thư thái, trong trí được thảnh thơi, như đứng bóng mát trên bờ sông mà ngắm cảnh nhàn vân trôi trên giòng nước biếc vậy.Trong các thú phong lưu thì còn gì “phong lưu” bằng ngồi ngắm người đàn bà đẹp mà nghe giọng hát hay. Cái sắc đẹp, cái tiếng hay, trong thế gian còn có gì quý báu bằng? (172)

Đàn ông thường yêu gái đẹp, phụ nữ cũng yêu đàn ông đẹp. Trong chốn văn nghệ bây giờ, nhạc sĩ yêu ca sĩ, ca sĩ yêu ca sĩ, quần chúng yêu ca sĩ cũng là chuyện thường. Ngày xưa cũng vậy. Quan viên mê cô đào, cô đào yêu quan viên cũng là chuyện thường giữa tài tử giai nhân trong chế độ đa thê, người đàn ông mặc tình bay bướm. Cao Bá Quát đã dan díu với đào nương và ông diễn tả bằng những lời văn hoa:

Giai nhân nan tái đắc,
Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Mái Tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu rĩ bấy xuân về, oanh nhớ.. .
( Nhớ người)

Trần Tế Xương ca tụng thú hát ả đảo và niềm say mê ca kỹ của ông với tính cách châm biếm cố hữu của ông:
Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay,
Cùng nhau dan díu my đêm ngày.
Năm canh to nh tình dơi chut,
Sáu khc mơ màng chuyn nước mây.
Êm ái cung đàn chen tiếng hát
La đà k tnh dt người say.
Thú vui chơi mãi mà không chán,
Vô tn kho tri hết li vay.
(Thú cô đầu)

Phạm Quỳnh đã viết:

Hát ả đào không thể không nói chuyện tình; quan viên với cô đào không thể không có khi dan díu nhau.. . .
Nợ tình tình rầy lắm chị em ơi,
Đã dan díu trót vay thì phải trả
Khi đón gió khi chờ trăng khi xem hoa khi bẻ lá
Điệu đồng tâm nấn ná biết là bao

Tình tưởng là một sự chơi ai ngờ thành cái nợ cũng rầy thật. Lúc đầu mình tưởng dan díu chơi cho vui, ai ngờ mình dan díu, người ta cũng dan díu lại, đã trót vay thời phải trả , vay trả trả vay hai bên đắp đổi mà thành ra nán ná quá ngày… ấy sự tình là thế nhưng nợ tình là nợ phong lưu làm tài trai không thể tránh được. (185)

Nói tóm lại, hát nói là văn chương mà cũng là một nghệ thuật rất đẹp của văn hóa cổ truyền Việt Nam. Và chuyện tình giữa tài tử và giai nhân cũng là mối quan hệ đặc biệt.


Tôi rất thích hát quan họ và hát nói. Và đa số ai cũng thích bài Hồng Hồng Hồng Tuyết của Dương Khuê vì âm thanh, nhạc điệu và lời rất đẹp. Không ai chỉ trích một ông già có cảm tình với một đào nương trẻ đẹp. Tục lệ ta ngày xưa thê thiếp là chuyện thường., và ông già 60 nạp thiếp 15-18 cũng là bình thường. Và quan viên cưới cô đào về làm vợ cũng là chuyện thường.

Chúng ta thử đi sâu vào nội dung bài hát nói. Thường thì chỉ có một mưỡu, bài này có hai mưỡu là chuyện lạ. Dương tiên sinh cho rằng theo dư luận mấy câu mưỡu ( mưỡu thứ nhất) do người sau thêm vào (47). Theo thiển kiến, ý kiến này có lẽ đúng vì cô gái còn trẻ, con nhà quê mùa, thấp hèn, không dám trèo cao lấy quan sang. Quan trọng nhất là trong xã hội ta cũng như ở nhiều xã hội khác, trai đi hỏi vợ chớ con gái không chủ động trong tình yêu và hôn nhân. Lại nữa, trong phần Nói, quan nghè không đề cập việc đến việc nàng muốn lấy ông vì lúc đó nàng còn quá nhỏ, và nàng có nói thế đâu mà bảo Tuyết muốn lấy ông!

Cuối cùng, đoạn dưới, Dương Khuê đã nói là biết nàng từ thuở nhỏ, sau đó quan và nàng xa cách 15 năm, bây giờ mới gặp lại thì làm sao để nói trước đấy nàng mơ ước tơ duyên với một người mà nàng không gặp?
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,

Kim quân hứa giá, ngã thành ông.

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì,
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.

Thành thử ý tưởng Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông là không đúng như Dương giáo sư đã nêu lên ở đoạn trên.



Nhạc cụ trong ca trù

Quan nghè xa quê 15 năm, lúc trở về cô gái đã thành thiếu nữ đào tơ, nghĩa là khoảng 18 -20 tuổi. Có thể quan biết cô lúc 4, 5 tuổi, quan trở về nhiều lần nhưng không chú ý hoặc không gặp cô. Lần gặp sau 15 năm cô đã thành một thiếu nữ, thành một cô đào xinh đẹp. Gặp cô, quan cảm động. Câu chuyện chỉ có thế thôi. Đó là một bài thơ trữ tình. Việc nghe đào nương ca hát, việc một người làm thơ cảm xúc về cái đẹp của phụ nữ, về bi hài trong cuộc đời chẳng có gì để cho luân lý và xã hội chê trách!

Ngày xưa việc nghe hát ả đào cũng như nay ta đi xem ca nhạc kịch là thuần túy văn nghệ. Đến thời Pháp thuộc, một số đào nương vì nợ áo cơm mà phải chiều khách, và một góc phố nào đó của Khâm Thiên trở thành khu trụy lạc.Phật giáo và Nho giáo khuyên người ta sống lương thiện, tránh dâm ô, trụy lạc .Người ta cũng khinh ghét những người dùng thế lực để cưỡng ép phụ nữ:
Em là cô gái đồng trinh,
Em đi bán rượu qua dinh ông nghè
Ông nghè sai lính ra đe,
Trăm lạy ông nghè tôi đã có con.

Bộ Công, bộ Hộ, bộ Hình,
Ba bộ đồng tình ức hiếp con tôi!

Và người ta cũng chế nhạo những " ông già chơi trống bỏi".
Quan nghè không phạm những điều trên. Quan nghè chỉ làm thơ ghi lại cảm xúc của mình. Quan tủi hổ vì mình đã già nua trong khi cô gái ngày xưa rực rỡ, tươi đẹp! Trong tư tưởng, quan không hề có ý chiếm hữu nàng, và trong thực tế quan cũng không thu nàng làm hầu non, dù quan làm thế, xã hội và luật pháp đều cho phép!




Bài hát nói này rất lạ. Không phải là một bài thơ sáng tác tại chỗ và trao cho cô đào hát ngay lúc ấy như các cụ ta ngày xưa thường làm. Có lẽ đây là một hồi ký. Quan nghè về sau nhớ lại giây phút gặp gỡ cô gái ngày xưa mà sáng tác thành khúc " Hồng Hồng Tuyết Tuyết":
Nước, nước biếc, non, non xanh,
Sớm, tình tình sớm, trưa, tình tình trưa.
Nhớ ai tháng đợi năm chờ,
Nhớ người độ ấy, bây giờ là đây.

Từ ngày gặp gỡ đó, thời gian trôi đi khá xa ( tháng đợi năm chờ), và cô gái đó cũng đã đi xa, có lẽ đi lấy chồng vì lúc đó nàng đã hứa hôn rồi ( hứa giá) cho nên bây giờ quan hồi tưởng đến người độ ấy chính là Hồng Hồng Tuyết Tuyết ...Tám câu Nói chính là hồi tưởng, hồi ký ( Hồng Hồng Tuyết Tuyết... ái ngại).

Câu chuyện đã qua. Bây giờ quan thường lấy thú du sơn du thủy làm vui (Nước, nước biếc, non, non xanh/Sớm, tình tình sớm, trưa, tình tình trưa). Không hiểu tại sao Dương Quảng Hàm cho rằng thanh sơn là làng " cô đầu" (28)? Ngay trong Mưỡu, quan nghè đã nói "Nước, nước biếc, non, non xanh" , và trong văn chương, các cụ vẫn dùng thanh sơn để nói về việc du sơn, du thủy, và cũng dùng " thanh sơn"( núi xanh) để liên kết hoặc để đối với " bạch phát" ( đầu bạc).

Nguyễn Khuyến viết: Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc ( Hỏi phỗng đá); Dương Lâm viết:" Thanh sơn hựu hoán bạch đầu lai" (Trùng du Hương sơn tự)
; " Kìa núi biếc vẫn quen đầu bạc" (Vịnh chùa Hương Tích)...
Nguyễn Du khi lên chùa trong núi cũng đã cảm thán trong bài Vọng Thiên Thai tự:
Khả liên bạch phát cung khu dịch
Bất dữ thanh sơn tương thủy chung
(Đầu bạc mà còn long đong/ Cho nên không thể vui cùng non xanh).
Nguyễn Trãi trong bài "Thu nhật ngẫu thành" cũng nói đến nước non và đầu bạc:
Hồ sơn thanh hứng nhập thu cao/Kính trung bạch phát nhân giai lão.
Các nhà thơ Trung Quốc cũng dùng các chữ bạch phát, thanh sơn như Tư Không Thự:
他 乡 生 白 髮 旧 国 见 青 山
Tha hương sinh bạch phát,
Cựu quốc kiến thanh sơn.

(Tặc bình hậu tống nhân bắc quy)

Không có sách nào ghi điển tích Thanh sơn là cô đào, hoặc làng có nhiều cô đào. Đơn giản thanh sơn là non xanh, núi biếc, là thú du sơn du thủy chứ không phải làng cô đầu cho dù tại một nơi nào đó có làng Thanh Sơn nổi tiếng về ca trù. Quan nghè bây giờ vui thú sơn thủy, thỉnh thoảng nghe đàn, đó là lòng say mê, tình nghệ sĩ của quan:
Riêng một thú thanh sơn đi lại,

Khéo ngây ngây, dại dại với tình
Đàn ai? một tiếng dương tranh...
Nói tóm lại, theo thiển kiến, đó là một hồi ức về một người con gái đã có chồng và đã đi xa, và quan cũng chỉ gặp nàng một lần rồi chia tay ...
Cháu chắt các đời trước mộ tổ Dương Lâm


Đa số người đọc thơ và thưởng thức hát nói đều ca tụng Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Tại sao GS. Dương Thiệu Tống lại bận lòng?
Bởi vì Dương Tiên sinh buồn vì hai hạng người đã hiểu không đúng thơ và tâm trạng của Dương Khuê.
(1). Những bậc giáo sư uyên thâm như GS. Dương Quảng Hàm trong Văn Học Việt Nam về bài Gặp cô đầu cũ ( Hồng Hồng Tuyết Tuyết) và giải thích câu :Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu/Kim quân hứa giá, ngã thành ông thành "lúc ta chơi bời phóng túng thì người còn nhỏ, bây giờ ngươi đến tuổi lấy chồng thì ta đã thành ông" (28)
Chữ "Du" là chơi, là đi tới chỗ có cảnh đẹp như du sơn, du thủy. Đi từ nơi này qua nơi khác cũng là du như du học, công du. Thầy Huyền Trang đi Tây phương thỉnh kinh cũng là du (Tây Du Ký). Vua Càn Long đi xem dân tình Giang Nam cũng là du ( Càn Long Du Giang Nam).

Lãng du cũng có nhiều nghĩa. Dương Quảng Hàm dịch Ngã lãng du thời ra lúc ta chơi bời phóng túng thì không đúng nghĩa, đi quá xa, quá rộng khiến cho người đọc hiểu lầm. Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa lãng du là đi chơi chỗ này chỗ khác. Thanh Nghị cũng định nghĩa lãng du là đi nơi này, nơi khác. Tự Điển Eugène Gouin chú là vagabonder. Khang Hy Tự điển, Từ Hải, Thiều Chửu không giải thích chữ này.

Nói tóm lại, lãng du có nghĩa đẹp là đi qua nhiều nơi.. Đi xem những danh lam thắng cảnh cũng là lãng du. Người Hà Nội vào Nam một thời gian như Tản Đà, Nguyễn Tuân cũng là lãng du. Ngay cả những chính trị gia lưu vong, du sinh , những dân tị nạn, những người lao động XHCN, cũng có thể coi mình là những kẻ lãng du.. .Vậy lãng du không phải là chơi bời lãng mạn, trác táng.

Ngay chữ chơi và chơi bời đã mang hai ý nghĩa khác nhau và rất tế nhị. Từ Điển Thanh Nghị định nghĩa:
Chơi là giải trí như chơi cờ, chơi đá banh, chơi đàn.
Chơi là đi lại, giao thiệp :chọn bạn mà chơi.
Còn chơi bời thì khác, mang nghĩa xấu:
Chơi bời: theo đuổi những trò tốn tiền, hại sức khoẻ, mất thì giờ : tay chơi bời.

Chữ tình cũng phải hiểu rộng rãi. Tình không phải chỉ là tình yêu nam nữ mà tình cảm nói chung : tình cha con, tình nhà, tình anh em, tình nhân loại, tình yêu giang sơn, yêu cây cỏ, yêu nghề nghiệp. . Tản Đà dùng chữ tình nhân là nói chung những người có cảm tình với ông.

(2). Nhân thế cũng có kẻ chê bai, mai mỉa:" Đối với họ, bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết mô tả mối tình "trái khoáy" giữa một ông già và một cô đào trẻ đáng tuổi con cháu" (31).

Ở một bài báo nọ, tôi thấy Hải Nguyệt chỉ trích bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết:

Trong một buổi hát chơi trên hiên nhà, 4 nghệ nhân làng ca trù cổ Lỗ Khê - Đông Anh - Hà Nội (nơi có giáo đường truyền dạy ca trù và thành lập giáo phường hàng phủ vào khoảng thời gian năm 1426) nhất định lắc đầu không thèm hát "hồng hồng tuyết tuyết". 4 cụ nghệ nhân trên gồm nghệ nhân trống chầu cổ Hoàng Kỷ, nghệ nhân đàn Nguyễn Thế Hối và vợ chồng nghệ nhân chồng đàn vợ hát Nguyễn Văn Hân, Phạm Thị Điền đều thuộc những gia tộc có truyền thống nghề tổ gần 600 năm nay. Hỏi ra mới biết, chẳng riêng gì 4 cụ mà cả làng Lỗ Khê, từ các cụ nghệ nhân khác đến những người mới võ vẽ học ca trù xưa nay đều tẩy chay "hồng hồng tuyết tuyết".

Nghệ nhân Hoàng Kỷ giải thích: Bài hát nói Đào Hồng Tuyết của Dương Khuê ngoài ý nghĩa là chỉ tên một cô đào người ta muốn nói lên một đào nương từ lọt lòng mẹ như một bông hoa rất trong trắng, trẻ, đẹp. Đào nương được quý trọng từ thuở bé, 3 - 4 tuổi đã học đánh phách. Đứa bé còn thơ dại, chưa biết gì về con đường tình ái. Nhưng 15 năm sau đứa bé đã đến kỳ tơ liễu... Ngã lãng du thời quân thượng thiếu là lời tự sự của ông già là người chơi bời lãng du từ còn nhỏ kia, nay đã già nhưng còn chưa hết chơi bời lãng mạn. Bạch phát tức là tóc trắng, chỉ ra một người đã quá già. Tuy nay gặp lại, nàng đã lớn nhưng ta đã già, vẫn còn quá chênh lệch nên gặp nhau vẫn cười nói sượng sùng.
http://vietbao.vn/Giai-tri/Vi-sao-lang-ca-tru-Lo-Khe-tay-chay-hong-hong-tuyet-tuyet/45236017/50/

Người này giải thích sai lầm. Người lãng du không phải là người chơi bời lãng mạn nay đã già nhưng còn chưa hết chơi bời lãng mạn. Du có nghĩa là chơi, nhưng chữ " chơi" ngày xưa có khác và ý nghĩa rộng rãi.
Chơi như thế nào? Có nhiều cách chơi. Chơi xấu, chơi đẹp, chơi ác, chơi lịch sự.
Nguyễn Công Trứ nói:
"Chơi cho lịch mới là chơi!"
Và chơi cái gì? Nguyễn Công Trứ đã nói:
Cầm kỳ thi tửu,
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay...
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Thú xuất trần, tiên vẫn là ta
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng đáng!...

Tản Đà tự xưng mình là tay ăn chơi :
Trăm năm hai chữ Tản Đà,
Còn sông còn núi còn là ăn chơi.
nhưng cách chơi của Tản Đà là rượu thơ:

Trời đất sinh ta rượu với thơ
Không thơ không rượu sống như thừa
.

Và cái say của Tản Đà cũng như của Lý Bạch là cái say của thi nhân, khác cái say của bọn phàm phu tục tử, của bọn nát rượu:
Trăm năm thơ túi, rượu vò/Ngàn năm thi sĩ tửu đồ là ai?” (Thơ Rượu).


Và chữ " lãng mạn" không có nghĩa xấu. Lãng mạn là một trào lưu văn học nghệ thuật ở Tây phương, thoát khỏi văn học cổ điển nặng nề, để tiến đến một nền văn học mới, chú trọng tình cảm cá nhân, tự do, sáng tạo. Duy thực và lãng mạn khác nhau vì một bên tả thực, một bên tưởng tượng. Chủ nghĩa cộng sản trong văn học, nghệ thuật và trường phái lãng mạn khác nhau:

Lãng mạn

Cộng sản

Tôn trọng cá nhân

Cá nhân hy sinh cho tập thể

Tự do

Nô lệ đảng

Sáng tạo

Phải theo lệnh đảng khi sáng tác

Mơ mông

Phải thực tế, đấu tranh, chém giết, tố cáo

Tình yêu

Phải đề cao lãnh tụ, đảng

Cộng sản xuyên tạc và mạt sát lãng mạn, coi lãng mạn đồng nghĩa với trụy lạc. Sau này cộng sản chủ trương hiện thực nhưng mà là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Charles Dickens, Victor Hugo, Ngô Tất Tố, Nam Cao là trường phái hiện thực khác với hiện thực xã hội chủ nghĩa của cộng sản mà Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải .. .là những văn nô thực hiện là đường lối tuyên truyền láo khoét, không nói đúng sự thật về xã hội cộng sản.


Ngày xưa, các cụ ăn chơi thanh lịch, sau khi thi đỗ, làm quan , về hưu mới cầm, kỳ thi tửu. Còn lúc trẻ, các cụ học hành ác liệt lắm mới đỗ cử nhân ,tú tài, làm sao có thời giờ ăn chơi? Ngoài ra các cụ cũng có đạo đức chứ không bê tha như một số người thời Pháp thuộc và thời cộng sản mở cửa. Có lẽ Hải Nguyệt đã không biết rõ thân thế và sự nghiệp của Dương Khuê .

Hơn nữa, Hải Nguyệt dường như hiểu sai chữ sượng sùng: vẫn cười nói sượng sùng.
Nghĩa là hai bên bề ngoài cố giữ vẻ tự nhiên nhưng trong lòng cả hai bên ngượng ngùng! Sượng sùng là mất tự nhiên, xấu hổ, hổ thẹn, ngượng ngùng. Chữ sượng sùng tác giả dùng rất hay và đúng tâm trạng. Cô gái lớn và đẹp thường ngại ngùng ,xấu hổ khi đứng trước khách lạ hay quan lớn; còn ông già lụm khụm cảm thấy mất tự nhiên trước sắc đẹp giai nhân. Sượng sùng chứ không phải là sỗ sàng đâu!

Hải Nguyệt lại lầm lẫn nghề hát ả đào ngày xưa và thời Pháp thuộc. Hơn nữa, không thể coi tất cả đào nương là gái giang hồ và tất cả quan viên nghe hát ả đào là khách làng chơi! Cũng như ngày nay, trong giới người mẫu, ca sĩ, hoa hậu vẫn có người làm hai ba nghề khác nhau mà ta bảo tất cả đều là gái làng chơi, gái gọi, gái bao!

Giả sử như quan nghè có say mê đào nương ,yêu đào nương hay cưới đào nương làm hầu thiếp thì cũng chẳng sao cả vì Pháp luật và xã hội ngày xưa công nhận việc này nếu quan nghè không dùng tiền bạc, quyền lực ép buộc người ta. Đó là tục đa thê.
"Trai năm thê bảy thiếp/Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng"
Và mục đích sống đời xưa là đạt tam đa ( đa tử, đa tôn, đa phú quý) , ngũ phúc ( phúc, lộc, thọ, khang, ninh).

Xã hội thay đổi. Luân lý và pháp luật thay đổi. Tuy nhiên căn bản làm người cũng không khác mấy vì căn bản làm người vẫn là theo đạo đức và pháp luật. Về pháp luật và luân lý xưa nay thì nhiều nơi cấm mua dâm bán dâm. Pháp luật nhiều nước cấm xâm phạm trẻ vị thành niên và cưỡng bách, sách nhiễu tình dục. Tránh luân lý và pháp luật, con người có tự do luyến ái.

Thiên hạ thường lắm mồm, lắm chuyện, ưa chê người khác"cao chê ngõng, thấp chê lùn".
Nam cần nữ, nữ cần nam, tình yêu không phân biệt tuổi tác. Một ông già 80 kết hôn với một bà già 70 hay yêu một cô gái trẻ hoặc một bà già 70 ,80 kết hôn với chàng trai không phải là tội lỗi cho dù có kẻ nhạo báng:
Mẹ già đã tám mươi tư/Ngồi trong cửa sổ viết thư lấy chồng!
Mẹ ơi con muốn lấy chồng/ Con ơi mẹ cũng một lòng như con.
Tư tưởng tự do, tình yêu không phân biệt tuổi tác này đã có tự ngày xưa. Những ai cười cợt " già chơi trống bỏi " hay " chồng già vợ trẻ" là những kẻ kỳ thị, thiên kiến. Ngày xưa Nguyễn Công Trứ (1778–1858) ngoại 70 mà còn cưới nàng hầu:
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ,
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam.
Tình đã chung lứa cũng phải vam,
Suốt kim cổ lấy làm phận sự,
(Già Cưới Nàng Hầu )

Người già vẫn có thể và có quyền yêu đương, còn người phụ nữ có quyền đáp lại hay từ chối. Người phụ nữ trẻ có thể yêu người già vì tiền, vì quyền lực hoặc vì tình yêu chân thật. Bà Nguyễn Thị Nga một phụ nữ trẻ sau 1975 yêu nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1916- 1995) gần 70 và sinh một con trai thì đó là tình yêu dâng hiến. Đó là những mối tình lãng mạn và chung thủy rất đẹp.

Bùi Giáng (1926-1998) lớn tuổi yêu Kim Cương trẻ đẹp cũng không có gì đáng trách nếu Bùi Giáng không quấy nhiễu Kim Cương. Thương yêu có lẽ như là/ Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Dù Bùi Giáng có gây ồn ào thì cũng nên thông cảm vì Bùi Giáng là con người bất bình thường. Cái đáng chê trách là mình cũng xấu như người hay xấu hơn người ta mà lên giọng đạo đức, giả bộ thần thánh.

Mình thì những lấm mê mê,
Tay cầm bó đuốc mà rê vào người!

Phải chăng Ưng Bình Thúc Giạ Thị viết bài này:
Đêm khuya một chiếc thuyền nan,
Một cô gái Huế một quan đại thần.
Ban ngày quan lớn như thần,
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Ban ngày quan lớn là cha,
Ban đêm quan lớn ngầy ngà như con…

Ai có thể lên tiếng kết tội người khác là đồi trụy, lãng mạn? Ngày xưa, chúa Jésus thấy một số đông vây quanh và ném đá vào một phụ nữ phạm tội dâm dục, ngài bèn nói: " Các ngươi thử xét mình có tội không, nếu mình trong sạch thì hãy ném đá vào phụ nữ này! Mọi người nghe nói bèn xấu hổ mà bỏ đi.

Làm sao có thể kết tội người khác về đồi trụy và lãng mạn nếu có nguồn gốc tự nguyện hay tình yêu trong sạch mà pháp luật không ngăn cấm? Làm sao có thể kết tội một bài thơ trữ tình và tác giả của nó dù quý vị là một nhà tu hành chân chính? Cái đáng kết tội là ăn cắp, ăn trộm tài sản quốc gia và tài sản nhân dân, và tội bán nước, hại dân. Ai có tội thì có pháp luật xét xử, còn phạm vi văn nghệ, xin người đừng kết án khắc nghiệt nó!

Ông Hồ cũng có vợ có con, tại sao lại bảo là ông lo việc nước mà không có thì giờ lo cho hạnh phúc riêng tư? Mới đầu nghe thì cũng hơi phục, nhưng cái kim trong bọc lâu cũng thòi lòi ra. Té ra ông có vợ và có con khắp nơi mà làm bộ thánh tăng tu hành đắc đạo! Tại sao ông Hồ không sống bình thường như mọi người? Marx, Lenin, Stalin, Mao đều có vợ, có con không lẽ ông muốn chứng minh ông cao hơn họ, thánh thiện hơn bậc thầy của ông sao? Ông có vợ con sao lại che giấu để làm thần thánh giả dối? Vì giả đối mà ông phạm tội giết người. Có bao nhiêu phụ nữ đã bị giết để che giấu hành vi xấu xa, gian trá của ông hay chỉ có chị em Nông Thị Xuân?

Các ông công sản điêu toa. Chủ nghĩa Marx giết hằng trăm triệu người có gì hay mà tự hào, mà dám kết án toàn thể xã hội người ta là lạc hậu, phong kiến, phản động, lãng mạn, đồi trụy?

Lại nữa, các ông cộng sản đều giả dối. Tại sao các ông cộng sản từ Hồ Chí Minh đến Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Trà , Trần Văn Trà có nhiều thê thiếp , cưỡng bách người, biến cái bọn trung ương đảng, trung ương cục thành ra những tay ma cô mà vẫn lớn tiếng về đạo đức cách mạng, kết tội các văn thi sĩ, binh lính, cán bộ, sinh viên, học sinh về tội hủ hóa, và lãng mạn? Ngày nay, gần như các công ty, cơ quan nào cũng nhậu nhẹt rồi đi bia ôm, karaoké ôm , thế mà gọi là sống và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh sao? Thế thì tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh ở chỗ nào?

Cộng sản luôn giả dối. Cộng sản dâm ô mà lúc nào cũng kết tội người khác là dâm ô, đồi trụy và lãng mạn. Họ kết án bọn tiểu tư sản lãng mạn làm như vô sản, cộng sản là thần thánh, không hề biết cái váy đàn bà ! Cộng sản miệng hô hào chống bóc lột, tham nhũng nhưng chính họ tham nhũng hơn quân chủ và tư bản. Cộng sản hứa hẹn bênh vực vô sản nhưng người nghèo phải đói khổ, không nhà cửa, không trường học, không thuốc men.. . Cộng sản toàn là giả dối trong khi người xưa rất chân thật và tài nghệ, không ai trừng phạt người khác vì mơ mộng, yêu đương, không ai lên giọng đạo đức ,nhân nghĩa và cách mạng. Xin mọi người mở rộng cửa để đón ánh bình minh, nghe chim ca hót cùng nhìn hoa nở ngoài vườn.

____
(1).Năm 1988, bà Quách thị Hồ được nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, là nghệ nhân ca trù duy nhất nhận danh hiệu này.
Năm 1930, bà đi ra Hà Nội hát, sau đó làm chủ nhà hát Vạn Thái ở phố Bạch Mai. Bà trở thành đào nương nổi tiếng cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Sau Cách mạng tháng 8, rồi kháng chiến chống Pháp, bà đi hát ở Vĩnh Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên.Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, bà làm cộng tác viên cho chuyên mục ngâm thơ của Đài tiếng nói Việt Nam cùng với bà Nguyễn Thị Phúc. Do hoàn cảnh lúc này nghệ thuật ca trù bị coi là tàn dư của chế độ phong kiến cũ nên những đào kép đều từ bỏ nghề Tổ .http://music.maivoo.com/singer_Quach-Thi-Ho

Bà Quách thị Hồ kể rằng: Hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi rằng: "Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở". Lúc đó tôi cười: "Rồi xem, hoa có nở không?".(Báo Lao Động cuối tuần, số 40). Nguyễn Xuân Diện. NSND Quách Thị Hồ chết mà không có đất chôn. http://nguyenxuandien.blogspot.com/2009/10/nsnd-quach-thi-ho-chet-ma-khong-co-at.html
(2). Nam Phong tạp chí, số 69, năm 1923.

Sau đây, tôi xin giới thiệu vài nghệ sĩ trình bày bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Xin bấm vào đây để nghe giọng ca của nghệ sĩ Quách Thị Hồ





Giọng ca của nghệ sĩ Kim Luyến



Giọng ca Trang Nhung



No comments: