Tuesday, March 29, 2011

NGUYỄN ĐÌNH LUÂN * TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CẠNH TRANH QUYỀN LỰC
TRONG HAI THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ 21
Nguyễn Đình Luân*


Sự phát triển mạnh mẽ của châu Á trong những năm gần đây và sự suy yếu tương đối của Mỹ đang làm thay đổi cơ cấu quyền lực quốc tế theo hướng đa cực hóa. Tuy nhiên, khi nào trật tự đa cực trở thành hiện thực thì vẫn còn khó đoán định. Hơn nữa, trật tự đa cực trong tương lai liệu có mang lại nền hòa bình bền vững và lâu dài cho thế giới hay không thì cũng vẫn là ẩn số. Lịch sử cận hiện đại cho thấy trật tự đa cực là thời kỳ mất ổn định, cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc và đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh thế giới lớn thảm khốc trong nửa đầu thế kỷ 20.

Còn trong thời kỳ trật tự hai cực Xô - Mỹ kéo dài gần suốt nửa sau của thế kỷ 20, mặc dù vẫn có những cuộc chiến tranh cục bộ kéo dài như cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhưng thế giới lại tránh được chiến tranh qui mô lớn. Quá trình cạnh tranh quyền lực trong quan hệ quốc tế ở hai thập niên đầu thế kỷ 21 diễn ra rất đa dạng, bài viết này tập trung vào ba đặc điểm sau:

Châu Á mạnh dần lên nhưng vẫn chưa thể lấn át được Âu - Mỹ

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, dư luận quốc tế đã bàn nhiều về sự nổi lên của châu Á - Thái Bình Dương, rằng tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 sẽ thuộc về châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó không phải là không có cơ sở trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ trong thời gian gần đây hay sự phục hồi kinh tế của Nga và sự năng động của khu vực Đông Á...

Trong thập niên đầu từ năm 2000 đến năm 2009, trong khi kinh tế Mỹ suy thoái tương đối, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng vừa rồi, thì GDP của Trung Quốc vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng rất khả quan từ 8 - 13%. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ấn Độ cũng đã từng bước điều chỉnh cả chính sách đối ngoại và chính sách kinh tế nhằm tạo động lực mới cho phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng thông tin và kinh tế tri thức.

Năm 1999, Goldman Sachs đã dự báo rằng GDP của Ấn Độ theo giá thực tế sẽ vượt qua Pháp và Italia vào năm 2020, vượt Đức, Anh vào năm 2025, và vượt qua Nhật Bản vào năm 2035. Những năm qua, GDP của Ấn Độ tăng khoảng 7- 9%.1

Tuy nhiên, dường như sự vươn lên này của châu Á nói chung vẫn chưa đủ để thay thế vai trò thống trị lâu nay của khu vực Âu - Mỹ ít nhất là trong 10 năm tới.2 Không gian địa lý của châu Á - Thái Bình Dương đương nhiên gồm cả Mỹ nhưng Mỹ cũng thuộc về Liên minh châu Âu - Đại Tây Dương. Khác với quan hệ châu Á - Mỹ, quan hệ của Mỹ với EU được thể chế hóa dựa trên sự chia sẻ về lợi ích chiến lược lâu bền cả về hệ giá trị và mô thức phát


____

* TS., Học viện Ngoại giao.
1 http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_tế_Ấn_Độ#D.E1.BB.B1_b.C3.A1o_c.E1.BB.A7a_ Goldman_Sachs
2 Phan Nguyễn: “Châu Âu - Đại Tây Dương trong không gian chiến lược đầu thế kỷ 21”, Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 12.05.2008.

1


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

triển. Riêng về kinh tế, Mỹ và EU chiếm khoảng 60% GDP của thế giới, còn thương mại song phương chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu.3
Về khoa học - công nghệ, các nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu - Đại Tây Dương cộng lại đang giữ ưu thế vượt trội so với châu Á cả về số lượng phát minh sáng chế, giải thưởng Nobel, ngân sách cho nghiên cứu và phát triển...

Họ đang đi tiên phong về nghiên cứu và ứng dụng năm loại công nghệ then chốt là công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ, công nghệ đại dương, công nghệ sinh học và công nghệ chế tạo vật liệu mới. Hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu của họ nổi tiếng thế giới không chỉ vì qui mô, tính hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học, sức hấp dẫn, mà còn ở sự gắn kết giữa giảng dạy với nghiên cứu và ứng dụng, giữa nghiên cứu quốc phòng với ứng dụng dân sự... Năm 2008, Mỹ có 92.000 bằng phát minh sáng chế được công nhận ở Mỹ, gấp đôi con số của Hàn Quốc và Nhật Bản cộng lại. Còn con số của cả Trung Quốc và Ấn Độ nhỏ hơn rất nhiều.


Về kinh tế - xã hội, GDP của EU và Mỹ chiếm khoảng gần một nửa GDP thế giới. Các nước hàng đầu của EU và Mỹ đang phát triển theo mô thức “ba mở”: tư duy mở, xã hội mở và nền kinh tế mở. Trong phát triển kinh tế mở, họ chú ý đẩy mạnh cạnh tranh theo ba tiêu chí: bình đẳng, hiệu quả và sáng tạo. Về phát triển xã hội, họ đang thúc đẩy cải cách theo “ ba tốt”: cơ sở hạ tầng tốt (bao gồm cả hạ tầng thông tin), nền giáo dục tốt và quản lý tốt (bao gồm hoạch định chính sách vĩ mô và cải cách hành chính...).

Đó cũng chính là nền tảng của phát triển kinh tế tri thức và tiến bộ xã hội trong thế kỷ 21. Theo ba phương diện”tốt” này, thì châu Á cho dù có duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vẫn cần một thời gian khá dài nữa mới có thể đuổi kịp được trình độ phát triển kinh tế - xã hội phổ quát của Âu - Mỹ cho dù trong các xã hội của các nước phát triển Âu - Mỹ còn không ít các vấn đề nan giải.

Hiện nay châu Á chiếm tới 30% GDP thế giới, nhưng do dân số đông, nên GDP tính theo đầu người mới chỉ đạt 4.800 USD, trong khi đó GDP tính theo đầu người của Mỹ là 48.000 USD. Châu Á đang tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng chỉ tính riêng năm 2008, chi phí quân sự của châu Á mới chỉ bằng 1/3 chi phí quân sự của Mỹ. Với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế khả quan thì để đuổi kịp GDP tính theo đầu người của Mỹ, Trung Quốc cần 47 năm, Ấn Độ cần 123 năm, còn tính trung bình thì mỗi người châu Á cần 77 năm.4 Sự phát triển hiện nay của châu Á tuy “đồng đại” với Âu - Mỹ nhưng dù sao thì cũng vẫn thuộc về dạng thức “đi sau”, “đuổi kịp” và thiên về “lượng” hơn là “chất”.

Peter Drucker, một nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ, cho rằng: dự báo về tương lai rất khó, chỉ có một điều có thể biết chắc chắn về tương lai là tương lai sẽ khác. Thật đơn giản khi cho rằng sự thống trị của phương Tây đang đến hồi kết và thế kỷ của châu Á đang tới, nhưng khi nào và cụ thể thế nào thì cũng khó đoán định. Sau khi Anh thất sủng, đồng tiền Sterling của Anh vẫn còn tiếp tục có ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới trong gần năm mươi năm nữa. Hiện nay đồng USD Mỹ vẫn đang chiếm 65% thị phần giao dịch dự trữ ngoại hối, đồng Euro là 26%, đồng Pound - 4%, đồng Yên - 3%, còn đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng 1%.5 Hơn nữa dù có nhiều dự báo lạc quan thì tương lai thật sự của kinh tế Trung Quốc cũng vẫn là một dấu

____

3 http://74.125.153.132/search?q=cache:wbAibmL-V9IJ:ec.europa.eu/external_relations/us/ index_en.htm+www.Economic
4 “Think Again:Asia'sRise”, http://www.foreignpolicy.com/articles/2009/06/22/ think_ again_asias_rise.
5 “The dollar’s role as the world’s main reserve currency is being challenged”, The Economist, July 9th 2009.

2


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

hỏi. Vào những thập niên cuối của thế kỷ trước, thế giới đã từng giật mình trước tuyên truyền về sự thăng hoa của nền kinh tế Nhật Bản: “Nhật Bản mua cả thế giới”, thế nhưng tình hình kinh tế Nhật Bản từ sau chiến tranh Lạnh tới nay thật khác xa những dự báo.

Nhờ lợi thế “đi sau” và thực hiện phương thức “công nghiệp hóa rút ngắn” đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, một số nước đang phát triển của châu Á có thể giảm bớt được thời gian xây dựng cơ sở hạ tầng và nhanh chóng hiện đại hóa một số ngành công nghiệp, dịch vụ, nhưng khó có thể tạo dựng được một xã hội tiên tiến phổ quát với hệ thống giáo dục - đào tạo hiện đại và hệ thống quản lý xã hội có hiệu quả chỉ trong một vài thập niên.

Vì những vấn đề này liên quan trực tiếp tới quá trình nâng cấp tư duy và văn hóa cho cả một đa số cư dân hàng tỉ người lên một trình độ mới về chất, trong đó có cả ý thức pháp quyền, văn hóa chính trị và văn hóa kinh doanh. Quá trình đô thị hóa ào ạt có thể tạo ra nhiều cơ hội cho bùng nổ xây dựng, phát triển dịch vụ và mở rộng tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng gây ra không ít vấn nạn xã hội khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

Hơn nữa, những hệ quả trái chiều của việc tăng trưởng kinh tế “bằng mọi giá” ở châu Á trong thế giới toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu cũng thật khó lường. Nếu không chủ động dự kiến và kiểm soát được các quá trình kinh tế - xã hội thì một số mâu thuẫn xoay quanh bất bình đẳng xã hội có thể dẫn tới những xung đột lớn gây mất ổn định xã hội kéo dài. Vấn đề nông dân trong lịch sử công nghiệp hóa thế giới vẫn giữ nguyên ý nghĩa thời sự. Bi kịch “cừu đuổi nông dân ra khỏi ruộng đồng” ở Anh trước đây đang tái diễn dưới hình thức khác, chẳng hạn như “dự án khu công nghiệp thu hẹp không gian sinh tồn của nông dân” tại một số nước đang phát triển ở châu Á. Đó là chưa nói tới sự lãng phí tài nguyên đất đai nông nghiệp cùng những ảnh hưởng khôn lường tới an ninh lương thực và an ninh nòi giống.

Về chính trị - quân sự, hiện nay trong năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu - Đại Tây Dương có ba thành viên là Mỹ, Anh và Pháp, châu Á mới chỉ có một thành viên là Trung Quốc. Còn so sánh sức mạnh quân sự, khối NATO do Mỹ lãnh đạo ra đời từ năm 1949, sau chiến tranh Lạnh vẫn hiện tồn và đang tiếp tục quá trình Đông tiến.

Không loại trừ khả năng biên giới của NATO còn có thể vượt ra khỏi biên giới của châu Âu trong tương lai. NATO đang giữ vị thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh địa - chính trị khác trên thế giới cả trong không gian tam đại lục liên kết Á - Âu - Phi và tam đại dương liên thông Đại Tây Dương - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Riêng ngân sách quốc phòng của Mỹ là khoảng hơn 600 tỉ USD/năm (636 tỉ USD năm 2010), bằng tổng chi phí quốc phòng của 20 nước đứng sau Mỹ, nhưng chỉ chiếm khoảng 3,5% GDP. Chi phí dành cho nghiên cứu quân sự của Mỹ hàng năm cũng chiếm ½ tổng chi phí cho nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự của toàn thế giới. Hiện nay Mỹ là nước duy nhất có khả năng triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu.6

Trong lịch sử, vai trò thống trị thế giới của Anh bắt đầu bị đặt thành vấn đề khi lực lượng hải quân Anh không còn giữ được vị trí chủ đạo ở Đại Tây Dương do bị Mỹ cạnh tranh. Khi nào ưu thế hải quân của Mỹ ở các đại dương và đặc biệt là ở Thái Bình Dương bị suy yếu hẳn thì cục diện chiến lược sẽ có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, trong tầm trung hạn, vị
6 Stephen F. Szabo, “The Washington Bubble: Why US Foreign Policy Is Oversized”, Current History, November 2009, pp.368.


3


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

thế quân sự của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương khó có thể bị cạnh tranh áp đảo. Ngoài hai đồng minh quốc đảo như hai tuần dương hạm nổi trấn giữ trên hai đại dương lớn là Anh và Nhật Bản, Mỹ còn có các căn cứ quân sự quan trọng ở đại lục Âu - Á. Sau sự kiện 11/9, Mỹ đã nhanh chóng “biến nguy cơ thành thời cơ”, xác lập và gia tăng sự có mặt quân sự ở cả Trung Á và Trung Đông, hai địa bàn chiến lược quan trọng mà suốt trong thời kỳ chiến tranh Lạnh Mỹ chưa có cơ hội để “lập bàn” trong cạn tranh địa - chiến lược với Liên Xô. Kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi I-rắc không có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ địa bàn chiến lược quan trọng này cả về phương diện an ninh giao thông và an ninh năng lượng.

Như vậy, trong sự so sánh sức mạnh tổng hợp và vị thế chiến lược trong không gian địa - chiến lược đầu thế kỷ 21 ở tầm trung hạn, châu Âu - Đại Tây Dương sẽ vẫn giữ ưu thế vượt trội so với châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Năm không gian và năm địa bàn then chốt

Chủ đề địa - kinh tế đã từng được đặt vào vị trí nổi trội trong nhiều hồ sơ tranh luận về quan hệ quốc tế kể từ sau khi Liên Xô tan rã (1991). Nhưng thực tế chính trị thế giới gần hai thập niên qua cho thấy địa - chiến lược vẫn là tiêu điểm của các mối quan hệ chính trị rường cột trên thế giới.7 NATO vẫn tiếp tục quá trình Đông tiến. Các nước lớn vẫn không ngừng tăng cường tiềm lực quân sự. Cạnh tranh quyền lực ở các đại dương và không gian vũ trụ vẫn gia tăng.

Các cuộc chiến tranh cục bộ ở Kosovo (1999), ở Áp-ga-ni-xtan (2001) và ở I-rắc (2003) không đơn thuần chỉ là vấn đề nhân đạo, nhân quyền hay chống khủng bố. Chạy đua vũ trang trên thế giới, đặc biệt là giữa các nước lớn vẫn tiếp diễn. Tổng thống Mỹ B.Obama đã đề nghị ngân sách quốc phòng lớn nhất trong lịch sử, lên tới 708 tỉ USD, để có thể giành thắng lợi trong hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, đồng thời nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh bất định trong môi trường dễ chuyển giao công nghệ cao có khả năng hủy diệt lớn do các “tác nhân phi quốc gia” gây ra.


Quá trình kế tiếp nhau của các loại hình trật tự thế giới cũng chính là quá trình tranh ngôi vương bá toàn cầu của các cường quốc. Luật chơi có thể thay đổi, nhưng mục tiêu địa - chiến lược không đổi. Từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, G.H.Bush đã tuyên bố về một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo.

Ý tưởng chiến lược đó đã được G.W. Bush kế thừa và tiếp tục theo đuổi. Cuộc chiến của Mỹ tại I-rắc năm 2003 là nhằm khống chế toàn bộ khu vực Trung Đông, ngã ba chiến lược của ba đại lục Á - Âu - Phi. Dầu lửa là quan trọng, nhưng để tranh ngôi vương bá thì trước hết và trên hết là sự thống trị về địa - chiến lược. Thực chất của thuyết bảo thủ mới cũng chỉ là sự biện luận cho tính hợp lý của trật tự đơn cực Mỹ. Những điều chỉnh đối ngoại của chính quyền Obama về cơ bản cũng chỉ nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Mỹ và ngăn chặn các trung tâm quyền lực khác “soán ngôi” của mình.


Toàn cầu hóa là một thuật ngữ mới chỉ quá trình phổ biến hóa cái đặc thù kinh tế thị trường dựa trên công nghệ thông tin trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa đang làm “phẳng” thế giới về nhiều phương diện, nhưng không thể làm “phẳng” thế giới về phương diện địa - chiến lược. Tuy nhiên, cũng như công nghiệp hóa trong lịch sử đã đưa nước Anh nhanh chóng chiếm ngôi bá chủ thế giới, toàn cầu hóa có thể được sử dụng như một phương tiện

7 Phan Nguyễn, “Địa - chiến lược trong thế giới toàn cầu hóa”, Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 28/04/2008.


4


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI
hữu hiệu để tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia và giành ưu thế mạnh hơn trên ván bài chiến lược toàn cầu. Năm 2003, Trung Quốc đã đưa “Thần Châu 5” có người lái lên vũ trụ thành công, sớm hơn dự kiến mấy năm. Sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, Ấn Độ và ảnh hưởng của nhóm BRIC8 đang thay đổi dần cơ cấu trật tự thế giới. Không gian cạnh tranh địa - chiến lược đang được mở rộng thành tam đại lục liên kết là Á - Âu - Phi với năm vị trí chiến lược đáng chú ý là Trung Đông, Trung Á, bán đảo Balkan, bán đảo Triều Tiên và bán đảo Đông Nam Á - nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới đi qua, đặc biệt là quần đảo Trường Sa và eo biển Malacca. Đây là một eo biển có tầm quan trọng đặc biệt, 1/3 thương mại toàn cầu và 66% lượng dầu lửa cùng khí đốt hóa lỏng được vận chuyển qua eo biển này.

Năng lượng được vận chuyển qua eo biển Malacca lớn gấp ba lần qua kênh Suez và lớn gấp 15 lần qua kênh Panama.9 “Sự cố” va chạm tàu hải quân của Mỹ với Trung Quốc vừa qua và đề xuất của Trung Quốc” về việc “chia đôi” Thái Bình Dương báo hiệu về một khả năng không loại trừ là có thể sẽ có “bão lớn”. “Sự quay trở lại” Đông Nam Á của Mỹ dưới thời Obama là một động thái có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Xác lập và duy trì quyền lực biển là một tiêu chí của siêu cường. Việc Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây chính thức thông báo cho Quốc hội Mỹ về kế hoạch cung cấp thiết bị quân sự hiện đại nhất cho Đài Loan với giá trị 6,4 tỉ USD, bao gồm trực thăng chiến đấu, tên lửa phòng không, thiết bị thông tin... đã gây phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc. Dù đảng nào nắm quyền ở Mỹ, Cộng hòa hay Dân chủ, cạnh tranh chiến lược, kiềm chế Trung Quốc vẫn là một nội dung cơ bản trong chính sách Trung Quốc của Mỹ.


Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, cạnh tranh địa - chiến lược đang diễn ra đồng thời trong năm không gian chiến lược là: tam lục địa liên kết Á - Âu - Phi; tam đại dương liên hoàn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Đại Tây Dương; không gian trái đất; không gian vũ trụ và không gian thông tin. Hạm đội hải quân là thành quả của thế kỷ 19 và vũ khí hạt nhân là sản phẩm của thế kỷ 20 vẫn tiếp tục được sử dụng như công cụ chủ yếu để bành trướng ảnh hưởng và răn đe trong cạnh tranh địa - chiến lược ở thế kỷ 21.

Ngoài ra, chiến tranh thông tin, chiến tranh vũ trụ v.v... cũng đang được triển khai. Các cuộc khám phá chinh phục vũ trụ, mặt trăng, sao hỏa không chỉ mang ý nghĩa khoa học thuần túy. Vũ khí chủ yếu để tiến hành “chiến tranh thông tin” là các phương tiện thông tin đại chúng quốc gia và xuyên quốc gia, mạng thông tin toàn cầu, trong đó đáng chú ý là truyền hình và điện ảnh. Đây là những phương tiện thông tin rất hữu hiệu để tác động đến tâm lý, thế giới quan, quan điểm chính trị, ý thức pháp luật, lý tưởng và các quan niệm giá trị của cá nhân, các nhóm xã hội cũng như toàn xã hội nói chung. Trong thời gian tới, cạnh tranh chiến lược trong không gian “tam đại dương”, nơi có khu vực biển Đông, sẽ sôi động và phức tạp hơn.


Toàn cầu hóa đang thu nhỏ thế giới thành “làng toàn cầu” chủ yếu là về phương diện địa - kinh tế và địa - văn hóa. Còn địa - chiến lược vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Chủ thể địa - chiến lược vẫn là những quốc gia và trước hết là những cường quốc có sức mạnh chính trị và quân sự đủ lớn. Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, nhưng vẫn bị “lép vế” trong cạnh tranh địa - chiến lược. Chính quyền mới của Thủ tướng Yukio Hatoyama ở Nhật đang có tín hiệu muốn “đi giữa” Mỹ và Trung Quốc, nhưng không biết rồi kết cục sẽ
____

8 Gồm các nước Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
9 “America’s Role in ASIA”, ASIAN and AMERICAN VIEWS, The Asia Foudation, 2008, pp.39-40.


5


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

ra sao, chỉ có một điều khá chắc chắn là Nhật Bản vẫn chưa thể thay đổi được Hiệp ước đồng minh thân thiện Nhật - Mỹ vừa tròn nửa thế kỷ vào ngày 19/1/2010 và cần phải “làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ” để ứng phó có hiệu quả với những thách thức mới trong môi trường chiến lược đang có những thay đổi lớn, đặc biệt là sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc.
EU có thể mở rộng tới trên con số 27 nước thành viên như hiện nay nhưng chưa biết tới bao giờ EU mới trở thành một chủ thể cạnh tranh địa - chiến lược thực sự, cho dù Hiệp ước Lisbon đã có hiệu lực sau nhiều năm sóng gió và Liên minh này đã có Chủ tịch và Ngoại trưởng mới là ông Herman Van Rompuy và bà Catherine Ashton.

EU có thể là một thực thể kinh tế, nhưng chưa phải là một quyền lực chính trị thống nhất. Việc thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU vẫn đang gặp khá nhiều trở ngại, đặc biệt là tác động của sự cạnh tranh giữa Pháp với Đức. Mỹ đã có kế hoạch đặt thêm một số căn cứ phòng thủ tên lửa ở lãnh thổ của thành viên EU và Nga cũng đã phản đối quyết liệt. Chính quyền Obama có những điều chỉnh nhất định trong quan hệ với Nga nhưng về thực chất vẫn tiếp tục giành ưu thế vượt trội về vũ khí chiến lược tấn công so với Nga, điều mà Nga không dễ chấp nhận. Chính vì vậy mà Nga và Mỹ vẫn bất đồng về một hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới trong khi Tổng thống Obama đã có một tuyên bố rất ấn tượng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Chính trị là sự phản ánh tập trung của kinh tế, nên cạnh tranh địa - chiến lược luôn có nội hàm kinh tế xác định như vấn đề năng lượng và tiền tệ chẳng hạn. Cuộc hành binh của Mỹ vào I-rắc năm 2003 còn để giành thế chủ động về dầu lửa và tấn công đồng Euro. Sự mở

rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi có nội hàm chiến lược toàn diện và sâu sắc, bao hàm cả chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa. Toàn cầu hóa đang cung cấp sự biện luận mới xem ra khá hợp lý về phương diện liên kết để phát triển kinh tế, nhưng cũng cần phải cảnh giác với những ý đồ địa - chiến lược. Toàn cầu hóa đang đưa lại những cơ hội mới cho sự phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, đối với các nước vừa và nhỏ, một trong những thách thức cần phải đề phòng là nguy cơ bị biến thành “tù nhân” của cạnh tranh địa - chiến lược giữa các nước lớn trong thế giới toàn cầu hóa.

Trên thế giới đã từng có đại suy thoái 1929 - 1933, khủng hoảng dầu lửa đầu những năm 1970. Khủng hoảng kinh tế là một hiện tượng cố hữu, khó tránh khỏi, gắn liền với sự vận động và phát triển của kinh tế thị trường. Toàn cầu hóa không phải là thủ phạm, mà chỉ làm tăng tốc độ ảnh hưởng, nhưng cũng đòi hỏi các chính phủ phải tăng cường hợp tác và phản ứng nhanh hơn. Toàn cầu hóa sẽ tiếp tục phát triển, tuy nhiên tốc độ có thể chậm hơn. G.8, G.14 ở Italia năm ngoái đều nhất trí hoàn tất vòng đàm phán Đôha. Đó là về phương diện thương mại, còn về phương diện tài chính, các nước đều nhận thấy sự cần thiết phải thiết kế lại kiến trúc tài chính toàn cầu.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm nay ở Davos (Thụy Sĩ), chủ đề về “đạo đức của chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường” cũng được bàn thảo sôi nổi. Một động lực rất quan trọng của toàn cầu hóa là cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng này vẫn đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp khủng hoảng. Lịch sử kinh tế thế giới cho thấy sau khủng hoảng thường có sự phát triển đột biến của khoa học - công nghệ. Sự phát triển này, đến lượt nó, lại tạo thêm


6


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

thúc đẩy cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Vì vậy vấn đề đặt ra cho các nước là không phải chỉ là các giải pháp tình thế đối phó với khủng hoảng mà còn cần phải có giải pháp hệ thống để thích ứng với những biến đổi mới sắp diễn ra cả về phương diện công nghệ và thể chế tài chính toàn cầu.

Thế chân kiềng chưa cân xứng

Hiện nay trên thế giới có 6 trung tâm quyền lực chủ yếu của thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. Tương quan sức mạnh tổng hợp
giữa chúng đang có những thay đổi quan trọng theo chiều hướng chấm dứt “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ và hướng tới đa cực. Trong số này có ba chủ thể có ảnh hưởng hơn cả là Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất. Trong thập niên cuối của thế kỷ 20 (dưới thời Bill Clinton), kinh tế Mỹ phát triển khá ngoạn mục, nhưng tình thế đã xoay chuyển theo chiều hướng trái chiều khi G.W.Bush lên cầm quyền. Vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ bị suy giảm nhiều mặt và quyền lực của Mỹ bị thách thức cả về chính trị và kinh tế. Trong “khoảnh khắc đơn cực” sau chiến tranh Lạnh, Mỹ có thể đơn phương phát động chiến tranh cục bộ bất chấp sự phản đối của ngay cả đồng minh. Bằng sức mạnh quân sự áp đảo Mỹ có thể “thay đổi chế độ”, nhưng cho dù có sức mạnh tổng hợp vượt trội của một siêu cường duy nhất, cho tới nay Mỹ vẫn không thể giải quyết được vấn đề an ninh và phát triển ở cả Áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Chủ thuyết “Tân bảo thủ” cùng giấc mơ về “dân chủ hóa Trung Đông” đang bị “cuốn theo chiều gió” cùng khói thuốc của các chất gây nổ chết người kéo dài qua nhiều năm tháng.

Di sản không mấy dễ chịu mà Tổng thống B.Obama buộc phải thừa kế từ người tiền nhiệm là hai cuộc chiến tranh chưa có hồi kết và khủng hoảng tài chính - kinh tế gây hậu quả nặng nề. Trong năm cầm quyền đầu tiên, ông đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại theo hướng đa phương và hợp tác hơn nhằm khôi phục dần uy tín của nước Mỹ và tìm kiếm giải pháp khả dĩ hơn cho các “điểm nóng” trên thế giới. Kế hoạch rút quân ở I-rắc và tăng quân để rút quân ở Áp-ga-ni-xtan vẫn còn phải chờ thời gian kiểm chứng. Quy luật cạnh tranh quyền lực và sự ràng buộc về lợi ích chiến lược giữa các cường quốc đang giới hạn tham vọng và hành động của Mỹ. Hồ sơ về vấn đề hạt nhân của I-ran và Bắc Triều Tiên vẫn đang được viết thêm trang và chưa biết khi nào thì có giải pháp cuối cùng.

Cả Trung Quốc và Nga không dễ dàng để cho Mỹ độc quyền quyết định vấn đề. Suy thoái toàn cầu kéo dài do khủng hoảng tài chính vừa rồi cho thấy sự thiếu vắng lãnh đạo trong trật tự quốc tế. Vai trò của Mỹ là có giới hạn. G.20 ở Pittsburgh (Mỹ) từ ngày 24-25/9/2009 đánh dấu một bước ngoặt trong hợp tác kinh tế, quản lý khủng hoảng toàn cầu. Từ nay, thay cho G.7, G.20 đóng vai trò như “Ban quản lý hợp tác kinh tế toàn cầu”, thế giới đang chờ hệ thống quy định kiểm soát kinh tế và hệ thống ngân hàng sẽ được G.20 thông qua trong ba năm tới.


Sau hơn 30 năm “Cải cách và Mở cửa” (từ năm 1978), thực hiện thuyết “mèo trắng, mèo đen”, “không chiến mà thắng”, “kết hợp giữa công nghệ phương Tây với mưu lược phương Đông (eastern stratagems)”, Trung Quốc đang dần từng bước vươn lên trở thành cường quốc thế giới. Về khoa học - công nghệ, Trung Quốc cũng có những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực chinh phục không gian vũ trụ. Lực lượng hải quân “biển xanh”


7

NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

cũng được ưu tiên phát triển ngày càng mạnh mẽ theo hướng xác lập vị thế cường quốc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Về kinh tế, năm 2009 trong khi cả thế giới lao đao vì khủng hoảng tài chính, Trung Quốc vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 8% với dự trữ ngoại hối ước tính khoảng 2.300 tỷ USD. Trung Quốc đã vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu. Rất có thể cuối năm nay, Trung Quốc cũng sẽ vượt Nhật Bản giành ngôi “á quân” của kinh tế thế giới. Do thế mạnh về tài chính, tháng 12/2008, Trung Quốc đã cho phép hoán đổi ngoại tệ với Hàn Quốc.

Cuối tháng 3/2009, Trung Quốc đã hoán đổi ngoại tệ với năm quốc gia, từ In-đô-nê-xi-a tới Ác-hen-ti-na, với tổng giá trị 95 tỷ USD. Trung Quốc cũng cam kết cung cấp tín dụng 45 tỷ USD để đổi lấy nguồn cung cấp dầu thô dài hạn, cho các nước Nga, Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la và Ăng-gô-la. Đặc biệt, Trung Quốc cam kết đầu tư 50 tỷ USD vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, góp 38,4 tỷ USD cho một quỹ dự trữ Đông Á (ASEAN + 3) và bỏ ra khoảng 800 tỉ USD để mua trái phiếu của Chính phủ Mỹ.10 Sức mạnh của Trung Quốc cũng còn được thể hiện tại cuộc họp cấp cao giữa bốn nền kinh tế mới nổi mạnh nhất thế giới hiện nay, gồm Trung Quốc, Bra-xin, Ấn Độ và Nga (nhóm BRIC). Trung Quốc đang đầu tư lớn vào giáo dục, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc kiến tạo một xã hội đổi mới và sáng tạo như Mỹ đã đạt được vào nửa cuối thế kỷ 20.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng còn không ít những vấn đề nội bộ rất phức tạp như phân hóa giàu - nghèo hay bạo loạn ở Tân Cương vừa rồi. Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề dân số già đi vào giữa thế kỷ này, do hậu quả của chính sách một con trước đây. Để hiện đại hóa một xã hội đa sắc tộc với hơn 1,3 tỉ người trong đó có gần 900 triệu nông dân, Trung Quốc sẽ phải cần thêm nhiều thời gian nữa và phải vượt qua nhiều thách thức phức tạp cả bên trong lẫn bên ngoài.


Qua gần 20 năm kiên trì phấn đấu, Nga đã trở lại với vai trò cường quốc có thể mặc cả với Mỹ về một số vấn đề chiến lược. Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga với Grudia năm 2008 và việc công nhận Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-dơ là một sự kiện đáng chú ý. Theo Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì đó là “khu vực của những lợi ích ưu tiên” đối với Nga.11 Lực lượng quân sự, đặc biệt là lực lượng hạt nhân chiến lược và hệ thống tình báo của Nga vẫn có sức cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ B. Obama đã có một số điều chỉnh “mềm mại” hơn trong quan hệ với Nga. Để tăng cường sức cạnh tranh địa - chiến lược, Nga đang ưu tiên cải cách quân đội.


Phát biểu tại Bộ Quốc phòng đầu năm 2009, Tổng thống D. Medvedev khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay, nước Nga đang được coi là một trong những nước có nền quân sự mạnh nhất, nhưng do sự phát triển của tình hình thế giới thì vấn đề hiện đại hóa quân sự đang là điều cấp bách. Chủ trương hiện đại hóa quân đội Nga được xuất phát từ những mối đe dọa tiềm tàng vây quanh Nga và chiến lược an ninh quốc gia đến năm 2020”.12

Mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Nga bao gồm một tổ hợp các nhiệm vụ cơ bản trong đó có việc nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu của các binh chủng, quân chủng mà trước hết là lực lượng hạt nhân chiến lược. Lực lượng này cần được đổi mới và hoàn thiện hơn nữa nhằm thực hiện tối ưu tất cả những nhiệm vụ đã đặt ra để đảm bảo an ninh quân sự của Nga trong bối cảnh mới. Một nhiệm vụ quan trọng khác là chuyển tất cả các đơn vị chiến đấu sang sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Đây
____
10 Xem: http://www.tinmoi.vn/Chinh-phu-Trung-Quoc-mua-trai-phieu-cua-WB-036926.html
11 “Russia Reborn”, http://172.20.11/WebControls/1024/dContentDPrint.aspx? itemid =3B9C8006
12 “Nga ưu tiên cải cách quân đội”, Báo Thế giới và Việt Nam, 31/01/2010.

8

NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI
là một điểm mới rất quan trọng trong chương trình cải cách lực lượng vũ trang của Nga hiện nay. Ngày 5/2/2010, Tổng thống Nga D. Medvedev đã phê chuẩn “Học thuyết quân sự mới của Nga”. Đây là một học thuyết được điều chỉnh những nội dung cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế thời đại đến năm 2020. Một trong những điều chỉnh quan trọng nhất là việc khẳng định Nga có quyền sử dụng quân đội để đáp trả những hành động xâm lược chống Nga và các đồng minh, giữ gìn hòa bình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các tổ chức an ninh tập thể khác.

Về kinh tế, Nga đã có những bước phát triển quan trọng, nhưng do giá dầu giảm và tác động của khủng hoảng lần này, Nga cũng đang gặp nhiều khó khăn. Về lâu dài, để giải quyết được những bất hợp lý rất lớn về cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh bền vững và xây dựng được hệ thống hạ tầng cho nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nga còn cần phải có thêm nhiều thời gian và cần sự hợp tác lâu dài với phương Tây.

Đánh giá chung về sức mạnh tổng hợp quốc gia trong bối cảnh cách mạng thông tin, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, trong thập niên tới, Mỹ vẫn có ưu thế vượt trội so với các trung tâm quyền lực còn lại. GDP năm 2008 của Mỹ là 14.204 tỉ USD, Nhật Bản 4.909 tỉ USD, Trung Quốc 3.860 tỉ USD, Đức 3.652 tỉ USD, Pháp 2.853 tỉ USD, Nga 1.607 tỉ USD. Tầm ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ có thể bị suy giảm, nhưng sức mạnh kinh tế cũng như sức mạnh tổng thể quốc gia vẫn vượt xa các quốc gia khác ít nhất là trong 10 hoặc 20 năm nữa.

Thực tiễn cạnh tranh quyền lực trên thế giới sau chiến tranh Lạnh và đặc biệt là trong thập niên đầu thế kỷ 21 cho thấy vai trò nổi trội của Mỹ, Trung Quốc và Nga trên bàn cờ chiến lược toàn cầu. EU, Nhật Bản, Ấn Độ và các thể chế đa phương như Liên hợp quốc, G.20, v.v… cũng có ảnh hưởng với mức độ khác nhau tùy vào từng vấn đề và từng thời điểm cụ thể. Trong cạnh tranh chiến lược, sức mạnh kinh tế là quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Nhật Bản và Đức đã từng là hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới (sau Mỹ), nhưng ảnh hưởng chiến lược của hai nước này cũng có giới hạn.

Trên bình diện an ninh chiến lược toàn cầu, Mỹ và đồng minh vẫn có ảnh hưởng lớn hơn cả (chẳng hạn như vấn đề Áp-ga-ni-xtan và Trung Đông). Ở phạm vi khu vực, tùy theo từng vấn đề và từng thời điểm, sáu trung tâm quyền lực đã nêu trên có những tác động khác nhau. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục là quan hệ nổi trội, có tầm chiến lược quan trọng nhất ở châu Á, ít nhất là trong thập niên tới, còn ở châu Âu thì đó là quan hệ Mỹ - Nga.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, từ năm 1972, với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, tam giác chiến lược Mỹ - Xô - Trung hình thành. Sau khi Liên Xô tan rã, trong thập niên cuối của thế kỷ 20, nước Nga cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Trong thập niên đầu của thế kỷ 21, nước Nga dần phục hưng và giành lại vị thế cường quốc.

Với cuộc chiến ngắn ngủi ở Grudia vào tháng 8/2008, Nga đã tự khẳng định vị thế riêng trong cơ cấu chiến lược “chân kiềng” Mỹ - Trung - Nga đầu thế kỷ 21. Trong cấu trúc này, như đã phân tích ở trên, Mỹ vẫn có sức mạnh toàn diện, vượt trội hơn cả. Trung Quốc và Nga chỉ có thế mạnh từng phần cho dù là cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, do chính trị vận hành theo quy luật của đại số học, nên hai nước này vẫn có thể gây ảnh hưởng chiến lược lớn hơn cả so với các trung tâm quyền lực còn lại như Ấn Độ, Nhật Bản hay EU.


9


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

Hình thái “chân kiềng” chưa cân xứng Mỹ - Trung - Nga, về một phương diện, mới chỉ phản ánh tương quan lực lượng và “cấu hình” của các mối quan hệ giữa ba trung tâm quyền lực này, chứ chưa thể hiện được nội dung và giới hạn của sự cạnh tranh chiến lược giữa họ với nhau. Vì vậy, cần phải đặt “cấu hình” đó vào môi trường chiến lược quốc tế với các nhân tố cơ cấu và “xu thế cục diện” xác định để nhận thức “trò chơi” giữa các chủ thể. Trong số đó, có ba nhân tố cơ cấu tác động đáng chú ý vừa ràng buộc vừa xác định giới hạn cạnh tranh chiến lược đầu thế kỷ 21.

Thứ nhất, nhân tố an ninh phi truyền thống trong môi trường rủi ro bất định do khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai và dịch bệnh hiểm nghèo. Trong môi trường này đã xuất hiện hội chứng “bất lực của kẻ mạnh” và “bất lực của số đông” trước những thách thức an ninh phi truyền thống. Siêu cường duy nhất, mạnh nhất như nước Mỹ vẫn đang lúng túng trong đối phó với các thế lực khủng bố phi quốc gia.

Còn tại Cô-pen-ha-gen vào cuối năm ngoái, cộng đồng quốc tế vẫn bế tắc trong việc tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu cho dù hậu quả đã nhãn tiền. Những thách thức an ninh phi truyền thống, một mặt, làm xói mòn “vị thế quyền lực” của các diễn viên, và mặt khác, thúc đẩy “xu thế cục diện” hợp tác mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi hợp tác trên thực tế còn phụ thuộc vào mẫu số chung về ý chí chính trị của các chủ thể trong từng trường hợp và từng thời điểm nhất định.

Thứ hai, nhân tố phát triển bền vững trong môi trường toàn cầu hóa và khủng hoảng. Bước vào thế kỷ 21, bên cạnh những thách đố của toàn cầu hóa, nhân loại còn phải đối mặt
với nhiều kiểu khủng hoảng trầm trọng như khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng nguồn nước
sạch, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, v.v... vốn đã có căn nguyên từ thế kỷ trước. Khác với khủng hoảng tài chính - kinh tế - thời gian khủng hoảng là có giới hạn, các cuộc khủng hoảng loại này có thể kéo dài khó đoán định và hơn nữa, như khủng hoảng sinh thái do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu chẳng hạn, còn đặt các dân tộc trước định đề “tồn tại hay không tồn tại”.

So với khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng tài chính - kinh tế, cũng có thể gọi các kiểu khủng hoảng này thuộc loại “khủng hoảng phi truyền thống”. Khủng hoảng phi truyền thống, một mặt đẩy mạnh “xu thế cục diện” hợp tác, và mặt khác, mở rộng không gian cạnh tranh chiến lược. Các cường quốc đang tăng cường sự hiện diện ở “lục địa đen” và đua nhau chinh phục mặt trăng, nơi có một loại nguyên tố quí hiếm có thể tạo ra nguồn năng lượng lớn. Vị trí chiến lược và lợi ích dầu lửa ở Trung Đông trong “xu thế cục diện” cạnh tranh và kiềm chế chiến lược giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga lại tạo cho I-ran thêm “thặng dư lợi thế” trong trò chơi “chuột vờn mèo” với Mỹ.

Các nước tầm trung có thể tận dụng xu thế cạnh tranh và kiềm chế chiến lược giữa các nước lớn để giành “thặng dư lợi ích”. Năm ngoái Kiếc-gi-xtan đã xử lý rất thành công vụ “Manas”, vừa nhận được của Nga khoản hỗ trợ tài chính bao gồm cả khoản vay ưu đãi hơn 2 tỷ USD, vừa tăng giá thuê căn cứ không quân Manas lên gấp 3 lần. Trước đó Mỹ thuê 17,4 triệu USD/năm, giờ tăng lên 60 triệu USD. Có thể Nga không hài lòng với việc Mỹ tiếp tục được thuê căn cứ không quân này, nhưng sự có mặt của Mỹ ở đây, về một phương diện, có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đối với Nga từ việc “lấn sân” sang Trung Á của Trung Quốc.
Thứ ba, nhân tố phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau trong trò chơi “cùng thắng” (win-win game) hoặc “cùng thua” (lose-lose game). Khác với trò chơi “tổng số bằng không” (zero sum


10


NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ số 1(80), 03/2010 NGHIÊN CỨU- TRAO ĐỔI

game) thời kỳ chiến tranh Lạnh, sự phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau về cả an ninh và phát triển sau khi cuộc chiến tranh này kết thúc và đặc biệt là trong thập niên vừa qua, một mặt, xác định khuôn khổ giới hạn cho cạnh tranh và kiềm chế chiến lược giữa các cường quốc trong môi trường toàn cầu hóa nhưng cũng đầy rủi ro do các thách thức an ninh và khủng hoảng phi truyền thống và mặt khác, cũng tạo ra những trò chơi mới trên sân khấu chính trị quốc tế. Các kiểu chơi “cùng thắng” hoặc “cùng thua” buộc các cường quốc phải tỉnh táo hơn, thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã bỏ ra một số tiền quá lớn như vậy để mua các “khoản nợ” của Mỹ trong thời buổi khủng hoảng “gạo trâu, củi quế” và hơn nữa, khi đồng USD không còn ở vị trí hoàng kim như trước. Sự tương tác đa chiều giữa kinh tế với chính trị trong môi trường chiến lược đầu thế kỷ 21 làm cho cách tư duy “hoặc là…hoặc là…” trở thành bất cập. Các “tay chơi” lớn có thể đồng thời “vừa là đối tác, vừa là đối thủ” của nhau.

Sự căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc với Mỹ vì “thương vụ Đài Loan” rồi cũng sẽ qua đi nhường cho “ván bài” mới vì hai bên cũng đã đạt tới hình thái “không thể quay lưng lại với nhau” được nữa. Trong “trò chơi thế giới” hiện nay, các nước vừa và nhỏ cần phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa “tay chơi” (player) và “vật chơi” (playing) để hết sức tránh kịch bản bị biến thành “vật chơi” trong các cuộc đua tranh quyền lực giữa các cường quốc. “Trò chơi” còn là một chiến lược lâu dài…


Như vậy, khuôn khổ chung trong quan hệ song phương của cơ cấu “chân kiềng” Mỹ - Trung - Nga vẫn là vừa hợp tác, vừa đấu tranh để kiềm chế lẫn nhau nhưng tránh đối đầu quân sự trực tiếp mà có thể dẫn tới chiến tranh lớn. Sau chiến tranh Lạnh, các hình thức tập hợp lực lượng trên thế giới diễn ra đa dạng hơn, không giống với những mô thức đã có từ trước như “hòa tấu quyền lực” ở châu Âu vào thế kỷ 19, hay “cân bằng quyền lực” trong trật tự hai cực Xô - Mỹ ở thế kỷ 20. Hợp tác Nga - Trung cả dưới hai bình diện song phương và đa phương như trong “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” đều để tạo thế “cộng sinh” mạnh hơn để “mặc cả” với Mỹ chứ không đơn thuần nhằm chống lại Mỹ vì cả hai đều dành ưu tiên cho quan hệ với Mỹ. Cũng chính vì vậy mà hàm ý “đối tác chiến lược” trong mối quan hệ song phương này cũng có giới hạn. Giữa Trung Quốc với Nga không chỉ có hợp tác mà còn cả cạnh tranh chiến lược đặc biệt là ở khu vực Trung Á.


Sau Đại suy thoái 1929 - 1933 đã xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai 1939 - 1945. Sau khủng hoảng dầu lửa đầu những năm 1970 đã xảy ra chiến tranh I-ran – I-rắc (1980 - 1988), I-rắc - Cô-oét (1990) và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (đầu năm 1991). Cả ba cuộc chiến tranh cục bộ này đều có nguyên nhân dầu lửa ở Trung Đông. Sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu lần này liệu có thể có chiến tranh nữa không. Trong môi trường chiến lược mới với những đặc điểm và “trò chơi” mới, khả năng chiến tranh thế giới đang bị đẩy lùi./.

11

No comments: