Saturday, April 16, 2011

RFI * TRUNG CỘNG & MỸ


Đô đốc Robert Willard (trái) trên chiến hạm USS Blue Ridge (U.S. Navy photo)
Đô đốc Robert Willard (trái) trên chiến hạm USS Blue Ridge (U.S. Navy photo)
Trọng Nghĩa


Trung Quốc bớt hung hăng tại Biển Đông vì phản ứng cứng rắn của Mỹ

Theo Đô đốc Robert Willard, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương, trong những tháng gần đây, hải quân Trung Quốc đã giảm bớt các hành động hung hăng tại vùng Thái Bình Dương so với năm 2010. Giải thích về điều này, người chỉ huy lực lượng Mỹ nêu lên hai nguyên nhân, trong đó có phản ứng cứng rắn của Hoa Kỳ trước các hành động quá trớn của Bắc Kinh.

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ vào hôm qua, 12/04/2011, đô đốc Willard đã nhận xét như sau : "Hiện hải quân Trung Quốc đã có lùi bước đôi chút. Do vậy, mặc dù một số tàu của chúng ta (hải quân Mỹ) tiếp tục bị họ bám theo khi hoạt động tại một số vùng biển, chúng ta không còn chứng kiến một mức độ quyết đoán như vào năm 2010".

Theo ông Willard, Trung Quốc đã tỏ thái độ hòa hoãn hơn sau những "tuyên bố rất mạnh mẽ" của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates về hành động của Bắc Kinh trong khu vực. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã cho rằng Hải quân Mỹ và các nước khác có quyền hoạt động trong vùng Biển Đông căn cứ theo luật pháp quốc tế, bất chấp lời khẳng định của Bắc Kinh về "vùng đặc quyền kinh tế" thuộc quyền của Trung Quốc.

Vào năm ngoái (2010), phản ứng cứng rắn của Hoa Kỳ đối với các hành động quyết đoán của Trung Quốc tại vùng Biển Đông đã được nhiều nước châu Á tán đồng và khiến Bắc Kinh hết sức bực tức. Biểu hiện cụ thể nhất của phản ứng mạnh mẽ này là tuyên bố của bà Clinton ngay tại Diễn đàn An Ninh Khu vực ASEAN ARF vào tháng 7/2010, được hơn 10 nước trong đó có Việt Nam ủng hộ, và đã khiến cho ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì mất bình tĩnh.

Ngoài nguyên nhân kể trên, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương còn nêu lên một lý do khác có thể là đã khiến Trung Quốc hòa hoãn hơn. Đó là sự kiện Washington và Bắc Kinh đã nối lại được quan hệ quân sự sau một thời gian gián đoạn do việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Đô đốc Willard đã tỏ ý hy vọng là quan hệ Mỹ - Trung có thể tiến bước trong lãnh vực đó.

Tuy vậy, ông Willard cũng không quá lạc quan về Trung Quốc. Ông không một chút nghi ngờ là mục tiêu của Trung Quốc "tăng cường thế lực trên vùng biển, đặc biệt là trong các khu vực mà họ tranh chấp với nước khác trong cả hai vùng biển phía nam và phía đông Trung Quốc."

Trung Quốc từng tuyên bố quyền khai thác khoáng sản chung quanh quần đảo Trường Sa tại Biển Đông, đồng thời cho rằng lực lượng hải quân nước ngoài không có quyền đi qua khu vực nêu không được phép của Bắc Kinh. Vào tháng 9 năm ngoái, Nhật Bản và Trung Quốc còn đọ sức với nhau vì tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110413-trung-quoc-bot-hung-hang-tai-bien-dong-vi-phan-ung-cung-ran-cua-hoa-ky

Tàu sân bay Trung Quốc có giá trị tuyên truyền hơn là quân sự


Hàng không mẫu hạm Varyag được tân trang tại Đại Liên (Reuters)
Hàng không mẫu hạm Varyag được tân trang tại Đại Liên (Reuters)


Một tuần lễ sau khi chính quyền Bắc Kinh phô trương hình ảnh chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ được cho là sắp được hạ thủy, giới phân tích đều nhất trí trên một điểm : chiếc hàng không mẫu hạm này có giá trị như là một vũ khí chiến tranh tâm lý hơn là một phương tiện quân sự thực sự hữu hiệu.

Phát biểu vào hôm qua (12/04/2011 trước các nhà lập pháp pháp Mỹ, đô đốc Robert Willard, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đã xác nhận rằng việc Trung Quốc cho hạ thủy chiếc tàu sân bay tân trang từ chiếc Varyag mua lại của Ukraina sẽ thay đổi đáng kể cách ‘’cảm nhận’’ về cán cân quân sự trong vùng. Theo ông Willard, ông đã rút ra kết luận trên sau khi ghi nhận được các phản ứng đầu tiên từ phía các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, người lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã cho rằng ảnh hưởng của sự kiện đó chủ yếu thể hiện trên mặt tâm lý, mang tính chất tượng trưng mà thôi. Còn trong thực tế, thì phải cần đến một thời gian dài nữa để huấn luyện thủy thủ, trang bị thêm, thử nghiệm trên hiện trường, thì chiếc tàu mới có thể hoạt động hữu hiệu được.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg vào hôm qua, ông Willard khẳng định là ông không lo ngại gì về sự kiện đó vì từ lúc được hạ thủy cho đến lúc tác chiến được, còn phải qua một đoạn đường rất dài.

Dư luận Đài Loan trong những ngày qua đã tỏ ý rất lo ngại là sự kiện Trung Quốc có tàu sân bay sẽ làm cho đảo quốc này bị lâm vào thế gọng kềm của Trung Quốc trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa hai bên.

Tuy nhiên, một bài viết trên tờ báo trên mạng AsiaTimes vào hôm nay đã trích lời ông John Pike, chủ trì trang web chuyên về an ninh GlobalSecurity.org, một chuyên gia quốc tế thường xuyên được Quốc hội Mỹ mời ra điều trần, thì một hàng không mẫu hạm duy nhất sẽ không có tác động gì nhiều đến Đài Loan.

Theo chuyên gia này thì hiện giờ, Trung Quốc không thiếu phương tiện đủ sức từ lục địa tấn công Đài Loan, do đó có hay không có hàng không mẫu hạm không thành vấn đề, nhất là khi chiến tranh Đài Loan Trung Quốc ít có khả năng xẩy ra hơn là xung đột tại vùng Biển Đông.

Và ở vùng Biển Đông cũng thế, theo chuyên gia này, các loại tàu đổ bộ của Trung Quốc còn nguy hiểm hơn tàu sân bay rất nhiều, trong lúc hầu như toàn bộ Biển Đông đều nằm trong tầm hoạt động của phi cơ Trung Quốc đặt căn cứ trên bờ.

Đối với ông Pike, một hàng không mẫu hạm duy nhất, không thể làm thay đổi cục diện vì "nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như Thái Lan hay Brazil, cũng có một chiếc tàu sân bay, và dường như sự kiện này không mang lại sự khác biệt nào đáng kể."

Còn ông Oliver Brauner, chuyên gia chương trình Trung Quốc và An ninh Toàn cầu tại viện Nghiên Cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cũng tán đồng quan điểm trên khi cho rằng việc tàu sân bay của Trung Quốc hạ thủy sẽ không làm thay đổi tương quan lực lượng ở eo biển Đài Loan hay trong vùng Biển Đông. Đối với chuyên gia này, bản thân đảo Hải Nam của Trung Quốc đã là một loại "hàng không mẫu hạm không thể bắn chìm rồi", do đó giá trị chiến lược của một hàng không mẫu hạm thực thụ chắng là bao so với đảo này.

Như vậy giá trị chiếc hàng không mẫu hạm sắp được Bắc Kinh cho hạ thủy là gì ? Theo ông Brauner, con tàu đó chủ yếu có giá trị như là một biểu tượng của sức mạnh quân sự của Trung Quốc và là một công cụ quyền lực mềm. Chuyên gia này giải thích :

‘’Đối với Hoa Kỳ và các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc, con tàu có thể được coi là một mối đe dọa. Ngoài ra, nó có thể mang lại cho Bắc Kinh sự tôn trọng từ các nước thường phê phán, thậm chí chống lại Mỹ và phương Tây."

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110413-tau-san-bay-trung-quoc-co-gia-tri-tuyen-truyen-hon-la-quan-su

No comments: