Saturday, August 20, 2011

SƠN TRUNG * KTS NGÔ VIẾT THỤ



KIẾN TRÚC SƯ NGÔ VIẾT THỤ
(1926-2000)
KIẾN TRÚC DINH ĐỘC LẬP

Sơn Trung





I. TIỂU SỬ KIẾN TRÚC SƯ NGÔ VIẾT THỤ

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ sinh ngày 17 tháng 9 năm 1926 tại tại làng Lang Xá, tỉnh Thừa Thiên-Huế, mất vào tháng 3 năm 2000 tại tư gia số 22 Trương Định Quận 3 Saigon. Ông học trung học Thuận Hóa tại Huế. Thuở ấu thơ, ông sống rất nghèo, phải ở với ông nội để học chữ Nho hết 3 năm. Lúc lưu lạc lên tận Đà Lạt, cậu học trò nghèo Ngô Viết Thụ có một tài năng toán học bẩm sinh đã may mắn gặp một thương gia rước về dạy kèm đám con cháu.


Năm 1948, ông thi đỗ vào lớp dự bị Trường Cao đẳng kỹ thuật Đà Lạt. Ông lập gia đình với bà Võ Thị Cơ từ năm 1948, trong khi theo học dự bị kiến trúc Đà Lạt. Ông được gia đình vợ giúp đỡ sang du học ở Pháp. năm 1950, ông thi đậu vào Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris.

Đoạt giải khôi nguyên năm 1955, ông đỗ đầu giải kiến trúc La Mã, được Hội Kiến trúc sư Pháp tặng huy chương vàng. Muốn tham dự cuộc thi này, thí sinh phải có quốc tịch Pháp; tuổi dưới 25, độc thân và phải có đạo Thiên Chúa. Mặc dù ông Ngô Viết Thụ không có quốc tịch Pháp; tuổi đã 28, đã có vợ con và lại là Phật tử nhưng nhờ vào tài năng ông đã lần lượt vượt qua 4 vòng của cuộc thi và có mặt trong số 10 người ở vòng cuối. Trong kỳ thi cuối cùng (100 ngày) thí sinh không được bước chân ra ngoài.


Bài thi " Ngôi thánh đường trên đảo Địa Trung Hải" của ông khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi khi nhìn sơ đồ có ngôi thánh đường hình parabol trên mặt nước Địa Trung Hải như ẩn hiện dưới bầu trời. Kết quả khi bỏ phiếu của Ban giám khảo cuộc thi (28/29), ông đoạt giải nhất - giải La Mã (Premier Grand Prix de Rome); khi ấy ông 29 tuổi. Khi đoạt giải Khôi nguyên La Mã của Viện Hàn lâm Pháp, ông được cấp học bổng 3 năm nghiên cứu và sáng tác tại các khu biệt thự Medicis thuộc tài sản Pháp ở La Mã. Đồng thời, vinh dự rất lớn cho ông là khi có cuộc triển lãm trình bày các sơ đồ kiến trúc mang tên Ngô Viết Thụ đã được Tổng thống hai nước Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành. (1)



KTS Ngô Viết Thụ thời trai trẻ (ảnh chụp năm 1951)


Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đêm giao thừa 1981

Vào đầu năm 1960, ngành qui hoạch trên toàn thế giới vẫn còn đang ở giai đoạn đầu phát triển, và tại VN lúc đó chỉ có ba người có cả hai văn bằng kiến trúc sư và văn bằng phát triển quốc gia tại nước ngoài là: KTS Huỳnh Kim Mãng (giáo sư trường cao đẳng kiến trúc Sài Gòn), KTS Lê Văn Lắm (giám đốc tổng nha kiến thiết đô thị) và KTS Ngô Viết Thụ.

Từ năm 1960, KTS Ngô Viết Thụ về VN làm việc theo lời mời của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông đã tổ chức triển lãm các dự án nghiên cứu của ông ở châu Âu tại Tòa Đô Chính Sài Gòn. Chính quyền Ngô Đình Diệm rất quan tâm đến dự án nối kết Sài Gòn với Chợ Lớn của ông bằng một khu trung tâm hành chính mới. Rất tiếc là vì lý do thời cuộc, dự án này không thực hiện được.



KTS Ngô Viết Thụ và con trai Ngô Viết Nam Sơn


Năm 1962, ông là người châu Á đầu tiên trở thành Viện sĩ Danh dự của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ (H.F.A.I.A) cùng với một số kiến trúc sư danh tiếng cùng thời của các quốc gia khác như: J.H. Van den Broek, Arne Jakobsen, Steen Eiler Rasmussen, Hector Mestre, Amancio Williams, Herman Larrain-Errazuriz, Emilio Duhart H, Jerzy Hryniewiecki và John B. Parkin…

Ông đã thiết kế nhiều công trình xây dựng giá trị về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nổi bật nhất là Đại Chủng Viện Đà Lạt (tức Giáo Hoàng Học Viện Pio X (1957), Dinh Độc Lập (1961-1966), Viện Đại học Huế (1961-1963), Viện Nguyên Tử Đà Lạt (1962-1965), Làng Đại Học Thủ Đức (1962), chợ Đà Lạt (1962) Khách sạn Hương Giang 1 tại Huế (1962), Nhà Thờ Phủ Cam (1963), Trụ sở Việt Nam Hàng Không (1972), Trường Đại học Nông nghiệp Thủ Đức (1975), Bệnh Viện Sông Bé (1985), Khách sạn Century Huế (1990)…

Ngoài ra, ông còn chứng tỏ khả năng của mình trong lãnh vực hội họa với bức tranh Thần Tốc và bộ tranh Sơn Hà Cẩm Tú, gồm 7 bức, mỗi bức dài 2m, rộng 1m. Ông cũng có tài chơi các loại nhạc cụ như: đàn Tranh, đàn Kìm và Sáo. Ông để lại hàng trăm bài thơ và bài viết.
Sau 30.4.1975, ông bị bắt đi học tập cải tạo một năm. Ông chết tại Sài Gòn năm 2000.


Ngô Viết Nam Sơn, con trai của ông đã viết về người cha yêu quý của ông :

"Ngày Tết, gia đình chúng tôi thường được các nhân viên trong văn phòng hoặc các người thân và bạn bè biếu nhiều quà, nhưng chỉ những người nào hiểu cha tôi nhất thì mới biết là món quà mà ông trân quý nhất lại chỉ đơn giản là một cành hoa đào hoặc hoa mai thật tươi đẹp".(2)

Trong bài trên, ông cũng cho chúng ta thấy những họa phẩm của cha ông như những bức họa sau:


Tranh sơn dầu vẽ hoa ngày tết năm 1958 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ -

Tranh sơn dầu vẽ hoa ngày tết 1972
của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ -



KTS Ngô Viết Nam Sơn, con trai KTS Ngô Viết Thụ


It ai biết Kiến Trúc sư Ngô Viết Thụ là một nhà nghiên cứu phong thủy (5).Ông cũng là một nghệ sĩ điêu khắc (tác phẩm điêu khắc kim loại đặt trước toà đô chánh, nay không còn), và sành sỏi các loại nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn tranh, đàn kìm và sáo, và là một nhà thơ có tài, để lại hàng trăm bài thơ và bài viết.(1) .Người ta cũng đồn rằng ông là một thiền giả có hạng.


II. VÀI NÉT VỀ MỘT SỐ CÔNG TRÌNH CỦA KIẾN TRỨC SƯ NGÔ VIẾT THỤ


1.Viện nguyên tử Đà Lạt

Viện Nghiên cứu hạt Nhân (Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử) Đà Lạt là công trình hiện đại do Mỹ viện trợ, được chọn lựa xây dựng trên một ngọn đồi rộng 21ha, nằm ở phía đông bắc trung tâm Đà Lạt. Công trình này được dư luận báo chí đương thời quan tâm giới thiệu rộng rãi cả trong và ngoài nước. Đồ án Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt được xây dựng từ năm 1961, do KTS Ngô Viết Thụ đảm nhận cùng các KTS phụ tá: KTS Nguyễn Mỹ Lộc, KTS Phạm Quỳnh Lân, KTS Vũ Tòng. Người Mỹ cung cấp một đồ án kiểu mẫu, theo đó lò nguyên tử sẽ đặt trong một toà nhà vuông nối tiếp là những khối chữ nhật dành cho các phòng vật lý và hoá học.





Viện Nguyên tử Đà Lạt (nay thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam) (1962-1965)

2. Nhà thờ chánh tòa Phú Cam. Huế

Phủ Cam là một trong số ít họ đạo có lịch sử lâu đời nhất của Giáo phận Huế. Nơi đây, đã dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên vào năm 1682 do Linh mục Piere Langlois, thuộc hội thừa sai Pais (MEP) đến xây dựng. Ngôi nhà nguyện này được làm bằng tranh ở xóm Đá (thuộc khu vực V, phường Phước Vĩnh bây giờ), đến năm 1805, được dời lên đồi Phước Quả (vị trí ngày nay).

Theo tập truyền, đây nguyên là nơi dành cho các ông hoàng lập Phủ, và để trồng Cam (orangerie), rồi những người có đạo ở Thuận Hoá quy tụ về sinh sống, lập ấp, khai sinh ra làng nón Phủ Cam ngày nay, và tên gọi Phủ Cam cũng do đó mà có. Sau nhiều lần xây dựng lại nhà thờ, đến năm Mậu Tuất (1898), Linh mục Allys cho xây dựng ngôi nhà thờ bằng gạch ngói to lớn theo kiểu kiến trúc “Gothique”, do chính ngài vẽ kiểu và đích thân theo dõi thi công.

Ngôi nhà thờ nầy được khánh thành ngày 27. 8. 1902, nhưng cũng chỉ tồn tại 61 năm. Đến đầu năm 1963, dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Đức Cha Ngô Đình Thục đã cho triệt hạ ngôi nhà thờ này để xây dựng ngôi nhà thờ hiện nay, do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Tiến độ thi công ngôi nhà thờ nầy chậm và kéo dài (vì nhiều lý do), mãi đến ngày 01. 5. 1999, mới tiếp tục khởi công xây dựng hai tháp chuông. Và ngày 29. 6. 2000, sau gần 37 năm, nhà thờ chánh toà Phủ Cam mới được khánh thành, trở thành ngôi thánh đường rộng lớn vào bậc nhất tại thành phố Huế. Nhà thờ Phủ Cam toạ lạc trên một khu đất cao và thoáng, án ngữ cả một vùng với tổng diện tích khuôn viên là 10.804m2, thuộc phường Phước Vĩnh - thành phố Huế.

NTO - Nhà thờ chánh toà Phủ Cam - Thừa Thiên-Huế
Nhà thờ chánh toà Phủ Cam

NTO - Nhà thờ chánh toà Phủ Cam - Thừa Thiên-Huế
Mặt hông nhà thờ chánh toà Phủ Cam


3. Trường Đại Học Sư Phạm Huế và Trường trung học Kiểu mẫu Huế

Năm 1964, Đại học Sư phạm Huế có cơ ngơi mới rất khang trang: tòa nhà chữ Y ở hữu ngạn dòng Hương.

Bên cạnh, một tòa nhà chữ Y giống đúc là Trung học Kiểu mẫu Huế, cơ sở thực nghiệm lẫn thực hành của Đại học Sư phạm Huế.

Được thực hiện theo đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ (khôi nguyên La Mã năm 1955, từng thiết kế nhiều công trình kiến trúc giá trị mà nổi bật có Dinh Độc Lập tại Sài Gòn), cả hai tòa nhà ba tầng nọ tọa lạc trong khuôn viên rộng 39.000m2, trước là Tòa Khâm sứ của Pháp.

Ngày 4-8-1964, nghị định 1352/GD/PC/NĐ được ban hành nhằm "thiết lập Trường trung học Kiểu mẫu Huế trực thuộc Trường đại học Sư phạm Huế". Ngày 20-9-1964, Trung học Kiểu mẫu Huế khai giảng niên khóa đầu tiên gồm 8 lớp, 320 học sinh, 24 nhà giáo, 7 nhân viên, với hiệu trưởng Trần Kim Nở. Năm sau, 1965, Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức mới khai giảng khóa đầu. Năm sau nữa, 1966, Trung học Kiểu mẫu Cần Thơ được thành lập. Trung học Kiểu mẫu Huế trở thành "trưởng tràng" trong hệ thống các trường Kiểu mẫu tại Việt Nam.

Thời đó, hầu hết học sinh các trường phổ thông phải tuân theo qui định về đồng phục: nam mặc áo trắng, quần xanh sẫm; nữ mặc áo dài trắng. Riêng học sinh Kiểu mẫu hơi đặc biệt: nam mặc áo xanh da trời, quần xanh sẫm; nữ mặc áo dài hoặc váy xanh da trời. Ấy là hình thức. Còn nội dung và phương pháp học hành, thi cử của học sinh Kiểu mẫu có gì khác lạ?

Trước tiên, về qui chế, Trường trung học Kiểu mẫu không do Ty Giáo dục quản lý như tất cả trường công lập, bán công và tư thục trên địa bàn, mà trực thuộc Đại học Sư phạm. Tuy nhiên, Trường trung học Kiểu mẫu vẫn giữ quyền tự trị nhất định: có ban giám hiệu độc lập và đội ngũ nhà giáo riêng đạt trình độ chuyên môn xuất sắc. Đường lối giảng dạy mà Trung học Kiểu mẫu chủ trương và áp dụng là chú trọng việc hướng dẫn từng cá nhân. Do đó, sĩ số mỗi lớp thường không quá 45 học sinh.

Yêu cầu đặt ra: trang bị cho học sinh một số kiến thức tổng quát tối thiểu và phổ thông để sau đủ khả năng theo đuổi bậc đại học, đồng thời cung cấp một số kiến thức thực dụng giúp học sinh hiểu biết để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai hoặc bất đắc dĩ thì có thể mưu sinh, nếu chẳng may không tiếp tục được việc học ở trường lớp. Cần lưu ý rằng nội dung chương trình giảng dạy của trường Kiểu mẫu thường xuyên được sửa đổi trên tinh thần linh động, uyển chuyển nhằm thích ứng kịp thời với những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học giáo dục Việt Nam và thế giới.



Tập tin:Cồn Hến.jpg

Trường Đại Học Sư Phạm Huế



4. Huong Giang Hotels

Ngay giữa trung tâm thành phố Huế, khách sạn Hương Giang nằm ở bờ Nam sông Hương, sát Đập Đá, bên kia là Vĩ Dạ. Ngôi nhà số 51 đường Lê Lợi phường Phú Hội thành phố Huế là tác phẩm của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được xây dựng từ những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước. Công trình khách sạn Hương Giang là toà nhà 04 tầng nguy nga đồ sộ in bóng xuống dòng sông Hương thơ mộng.



5. Chợ Đà Lạt


Năm 1929, một ngôi chợ bằng gỗ, mái lợp tôle, có tên gọi là Chợ Cây được xây cất tại vị trí khu Hoà Bình hiện nay, thay cho khu họp chợ ở ấp Ánh Sáng. Chợ và khu vực chung quanh đã tạo nên một trung tâm rất sôi động của sinh hoạt thành phố lúc bấy giờ.



Năm 1937, một trận hoả hoạn lớn xảy ra, thiêu rụi chợ với hàng quán chung quanh. Sau đó, nhà cầm quyền đương thời cho xây dựng lại ngôi chợ mới bằng gạch khang trang, đáp ứng nhu cầu mua bán sinh hoạt cho hơn 6.500 người dân. Công tác này được nhà thầu SIDEC đảm nhận.


Tập tin:Chợ Đà Lạt (trước).jpg
Mặt tiền chợ Đà Lạt


Chợ Đà Lạt hoàn thành một thời được xem như là biểu tượng của thành phố cao nguyên. Ngay mặt tiền ngôi chợ, trên tường đầu hồi (fronton) có gắn nổi huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc, người nữ mang gùi, người nam tay cầm ngọn giáo nhắm vào một con cọp. Bên dưới có một câu cách ngôn bằng tiếng latin chiết tự khéo léo thành danh xưng Dalat: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem có nghĩa là cho người này niềm vui, cho người khác sự mát mẻ. Họa báo Châu Á mới (L’ Asie nouvelle illustrée), số 56, xuất bản năm 1937 đã có bài viết về ngôi chợ: “Ngôi chợ này tuy kiến trúc giản dị, nhưng rất độc đáo”.


Toàn cảnh chợ Đà Lạt

Ngôi chợ đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt, một hình ảnh quen thuộc trong ký ức của những người từng sống lâu năm ở đây. Sau năm 1954, Đà Lạt trở nên đông đúc với số dân hơn 53.000 người. Năm 1958, chính quyền Miền Nam đã cho chỉnh trang lại khu vực trung tâm thương mại. Vùng đất trống dưới thung lũng được tính toán xây dựng một ngôi chợ mới có 2 tầng và một sân thượng. Vào lúc đó, đây là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam.


Bên trong chợ Đà Lạt

Công trình do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu đảm nhận thi công. Khi KTS Ngô Viết Thụ từ Pháp về, ông được mời tham gia đồ án chỉnh trang tổng thể khu vực thung lũng từ cầu Ông Đạo trở vô. Ông thiết kế bổ sung một cầu thang lớn nối từ khu Hòa bình vào tầng lầu của chợ, các dãy phố buôn bán và hệ thống đường giao thông bao quanh. Riêng về ngôi chợ cũ, cùng thời gian đó, được thiết kế cải tạo thành rạp hát Hòa Bình với các cửa hàng thương mại dịch vụ chung quanh. Đồ án thiết kế do hai KTS Huỳnh Kim Mãng và Lâm Du Tốt thiết lập. Năm 1993, nhân kỷ niệm 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, chợ Đà Lạt được chỉnh trang nâng cấp mở rộng như hiện nay.

Nhìn chung, nhiều nhà phê bình đã nhận định rằng các công trình của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ nhìn chung là độc đáo, có tính sáng tạo.
Nguyễn Hữu Thái, một kiến trúc sư nhận định:
Những công trình đầu tiên kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và xây dựng trên quê hương ông ở Huế đã có tuổi thọ hơn 40 năm, song vẫn còn nguyên giá trị ban đầu, như công trình Viện Đại học Huế (1961- 1963); Khách sạn Hương Giang I (1962) - một điểm nhấn thị giác bên bờ sông Hương; Nhà thờ Phủ Cam (1963) - một công trình giàu tính biểu đạt, mặt đứng như một cuốn kinh thánh mở rộng, hình thức đường nét kiến trúc mới mẻ, hiện đại. (3)

Con trai ông, KTS Ngô Viết Nam Sơn viết về cha mình như sau:
Thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ thể hiện quan niệm kiến trúc Việt Nam hiện đại, không sao chép các chi tiết của kiến trúc cổ điển, nhưng vẫn hài hòa và mang bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn toàn đi theo hướng khác với các đóng góp thiết kế dinh của các KTS danh tiếng cùng thời, trong đó đa số hoặc theo xu hướng kiến trúc cổ điển Pháp hoặc mang nặng ảnh hưởng kiến trúc tôn giáo và cung đình. Ngoài ra, Dinh Thống Nhất đánh dấu sự khởi đầu cho phong cách kiến trúc mang dấu ấn riêng của KTS Ngô Viết Thụ sau này trong các công trình Đại học Nông nghiệp Thủ Đức, Trụ sở Hàng không Việt Nam, Tổ hợp Khách sạn Hương Giang I và II... Trong các tác phẩm của ông, các yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn mang tính đổi mới và sáng tạo, nhưng điều quan trọng hơn, mỗi tác phẩm đều ẩn tàng một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc. Trong công trình Dinh Thống Nhất, ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo (chữ Vương, và chữ Tam - tượng trưng cho Nhân, Minh, và Võ đức), giữ vững chủ quyền đất nước (chữ Chủ), đảm bảo tự do ngôn luận của người dân (chữ Khẩu), trung với quốc dân (chữ Trung), và làm sao cho đất nước ngày càng hưng thịnh (chữ Hưng)...(4)

III. SƠ LƯỢC VỀ KIẾN TRÚC VIỆT NAM

Wikipedia nhận định về Kiến trúc đời Lý :
-"Đẹp và công phu-Phong phú về loại hình (từ 3 hàng chân cột tới 6 hàng chân cột một vì)
-Quy mô rộng lớn (có kiến trúc dài 13 gian vẫn chưa kết thúc trong hố khai quật-Trang trí rất tinh xảo, kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ - đá - gạch - đất nung
-Quy hoạch thống nhất và cân xứng" (5).

Theo thiển kiến, Việt Nam it có những công trình vĩ đại như các nước thế giới. Ngay cả Kampuchia có Đế Thiên Đế Thích rất tráng lệ. Có lẽ nước ta nghèo, chiến tranh liên miên, các vua chúa không dám làm những công trình to lớn vì không dám bóc lột, cưỡng bách nhân dân đóng góp.


Lại nữa, bọn ngoại quốc đã phá hoại các công trình cũ, và cướp đoạt vàng bạc châu của triều đình và nhân dân ta. Đời Trần, Chế Bồng Nga đã nhiều lần vào đốt Thăng Long. Đời Trần mạt, quân Minh xâm chiếm nước ta đã phá chuông đồng tượng Phật, để đúc khí giới, đã phá tháp Báo Thiên để lấy gỗ, và gạch ngói. Đến đời Nguyễn, quân Pháp phá đồn Kỳ Hòa, thành Gia định và cung điện nhà Lê. Sau 1945, Việt Minh ra lệnh tiêu thổ kháng chiến, đốt nhà phá cầu và phá chùa chiền... .. Không thể nói là Việt Nam thiếu nhân tài vì Nguyễn An là người Việt đã xây thành Bắc Kinh.
Chúng ta có những công trình nhỏ nhưng cũng rất độc đáo như chùa Một Cột, chùa Thiên Mụ, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa.. .

Dẫu sao đi nữa, so sánh với ngoại quốc, nước ta it có những công trình vĩ đại và tân kỳ. Thời sau này cũng vậy. Ta tự hào về vương cung thánh đường, dinh Norodom, Tòa đô chính Sai gòn nhưng những cái đó sao bằng nhà thờ Đức Bà Pháp và các nhà thờ ở Montreal , và những lâu đài ở Ấn Độ, Mỹ, Anh, Pháp...
Ngô Viết Nam Sơn thuyết trình tại một hội nghị quốc tế với sự chủ tọa danh dự của Thủ tướng Singapore như sau:

* Nhiều nhà chuyên môn nhận xét kiến trúc Việt Nam hiện nay "mất trật tự và thiếu bản sắc". Anh nghĩ gì về nhận xét ấy và có lời khuyên nào với anh em KTS trẻ trước nền kiến trúc nước nhà? -

(1) Đằng sau mỗi cái "tôi" của những căn phố mới nhấp nhô vô trật tự và đủ thứ kiểu Tây, Tàu, Nhật, và Ta là những bằng chứng cho khát vọng sáng tạo và vươn lên của người dân Việt, nhưng chỉ đáng tiếc là họ chưa có tinh thần đoàn kết vì cái đẹp chung và được sự hướng dẫn đúng lúc đúng chỗ của nhà chuyên môn.
(2) Đằng sau những vụ "xé rào" và vi phạm luật lệ xây dựng là những bức xúc về nhu cầu phát triển và cải thiện đời sống của người dân trong một nền kinh tế năng động tăng trưởng không ngừng, trong đó chính quyền và cả những nhà quy hoạch kiến trúc chưa nhìn thấy trước được mọi tình huống xảy ra để có sẵn các phương án giải quyết cho người dân trước khi ban hành luật.

(3) Đằng sau nỗi buồn tụt hậu của một nước chậm phát triển là sự thừa hưởng kho tàng to lớn di sản văn hóa về quy hoạch và kiến trúc chưa kịp bị quá trình đô thị hóa xóa mất, như đã từng xảy ra ở Singapore, và đồng thời, là lợi điểm của "người đi sau" qua việc tiếp thu các bài học kinh nghiệm đắt giá trong phát triển đô thị của các nước láng giềng, nhất là từ Trung Quốc. (6)
(Nguyễn Anh Tài. Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)



KTS Ngô Viết Nam Sơn đã về Việt Nam và trả lời phỏn g vấn:
Cha ông ta đã từng có một nền kiến trúc đáng tự hào. Mỗi triều đại phong kiến đều có những dấu ấn riêng. Gần nhất với chúng ta là giai đoạn trước 1975. Hồi đó, Việt Nam đã có một số thành tựu về bản sắc chẳng hạn như Dinh Độc lập, Thư viện Quốc gia ở trong Nam và Hội trường Ba Đình ở ngoài Bắc. Hội trường Ba Đình là công trình kiến trúc có sự tìm tòi, sáng tạo, dù trong điều kiện hạn chế về tài chính, tiếc là đã bị đập bỏ. Còn chúng ta hiện nay, nói một cách sòng phẳng, chưa có một công trình kiến trúc tiêu biểu mang âm hưởng văn hóa thời đại.(7)

IV. LỊCH SỬ DINH ĐỘC LẬP


Nói đến dinh Độc Lập, chúng ta phải nói đến quá khứ và hiện tại.

1. DINH NORODOM

Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng ,năm 1867, Pháp chiếm xong lục tỉnh Nam kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) thì chúng đã nghĩ đến việc đặt nền thống trị lâu dài, cho nên chúng đã xây dựng các cơ quan hành chánh. Ngày 23 tháng 2 năm 1868, ông Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn thay cho dinh cũ được dựng bằng gỗ vào năm 1863. Dinh mới được xây dựng theo theo đồ án do kiến trúc sư Hermite phác thảo (người phác thảo đồ án Tòa thị sảnh Hongkong).

Viên đá lịch sử này là khối đá lấy ở Biên Hòa, hình vuông rộng mỗi góc 50 cm, có lỗ bên trong chứa những đồng tiền hiện hành thuở ấy bằng vàng, bạc, đồng có chạm hình Napoleon đệ tam. Công trình này được xây cất trên một diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80 m, bên trong có phòng khách chứa 800 người, và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ.(8)






















Phấn lớn vật tư xây dựng dinh được chở từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp-Phổ 1870 nên công trình này kéo dài đến 1873 mới xong. Sau khi xây dựng xong, dinh được đặt tên là dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là đại lộ Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom (1834-1904).

Từ 1871 đến 1887, dinh được dành cho Thống đốc Nam kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) nên gọi là dinh Thống đốc.Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur-général de l'Indochine Française) đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc nên dinh gọi là dinh Toàn quyền. Nơi ở và làm việc của các Thống đốc chuyển sang một dinh thự gần đó. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Dinh Norodom trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong Thế chiến II, Pháp trở lại chiếm Nam bộ, Dinh Norodom lại là cơ quan đầu não của Pháp tại Việt Nam.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Ngày 7 tháng 9 năm 1954 Dinh Norodom được bàn giao giữa đại diện Pháp, tướng 5 sao Paul Ely, và đại diện Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Thời kỳ này, Dinh Độc Lập còn được gọi là Dinh Tổng Thống. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai viên phi công thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc, lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh. Do không thể khôi phục lại, ông Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.


2. Dinh Độc Lập:

Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 m², diện tích sử dụng 20.000 m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của Dinh được trang trí theo phong cách khác nhau tùy theo mục đích sử dụng bao gồm các phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của Tổng Thống và của Phó Tổng Thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến, v.v... chưa kể các phần khác như hồ sen bán nguyệt hai bên thềm đi vào chánh điện, bao lơn, hành lang...



Dinh Độc Lập trong thập niên 70.jpg


Dinh cao 26m, tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha rợp bóng cây. Bên ngoài hàng rào phía trước và phía sau Dinh là 2 công viên cây xanh. Giữa những năm 1960, đây là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam và có chi phí xây dựng cao nhất (150.000 lượng vàng). Các hệ thống phụ trợ bên trong Dinh hiện đại: điều hòa không khí, phòng chống cháy, thông tin liên lạc, nhà kho. Tầng hầm chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Mặt tiền của Dinh được trang trí cách điệu các đốt mành trúc phỏng theo phong cách các bức mành tại các ngôi nhà Việt và họa tiết các ngôi chùa cổ tại Việt Nam. Các phòng của Dinh được trang trí nhiều tác phẩm non sông cẩm tú, tranh sơn mài, tranh sơn dầu.



Dinh Độc Lập


Bia kỷ niệm ngày khánh thành Dinh Độc Lập Dinh Độc Lập mới được khởi công xây dựng ngày 1 tháng 7 năm 1962. Trong thời gian xây dựng, gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì ông Ngô Đình Diệm bị giết ngày 2 tháng 11 năm 1963. Do vậy, ngày khánh thành dinh, 31 tháng 10 năm 1966, người chủ tọa buổi lễ là ông Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia.

Theo đồ án, tòa nhà có diện tích xây dựng 45.000 m2 (rộng 21 gian 85m, sâu 19 gian 80m). Diện tích mặt sàn sử dụng khoảng 20.000m2, gồm ba tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng (có sân bay trực thăng) và một tầng nền. Tổng số các phòng trong toàn dinh là 95 phòng, không kể các khu vực vệ sinh, hành lang và khách sảnh. Các phòng lớn bố trí cho các công việc đối nội, đối ngoại nằm ở các tầng trệt và lầu 1, lầu 2.

Đặc biệt ở phòng trình quốc thư có bức "Bình Ngô đại cáo" (của Nguyễn Trãi viết trong thời giúp Lê Lợi chống giặc Minh), một bức tranh sơn mài lớn gồm 40 bức tranh sơn mài nhỏ ghép lại, tả cảnh sinh hoạt của nhân dân Việt Nam dưới thời Lê của họa sĩ Nguyễn Văn Minh. Ngoài ra còn bức tranh "Giang Sơn Cẩm Tú" của KTS Ngô Viết Thụ; bức "Khuê Văn Các" (Vua Trần Nhân Tông) của họa sĩ Thái Văn Ngôn.

KTS. Ngô Viết Thụ cho biết: phí tổn xây dựng Dinh Độc Lập tốn khoảng 150.000 lượng vàng và mỗi quân nhân, nhân viên chính quyền thời ấy phải đóng góp mỗi người một ngày lương. Một vài số liệu về vật liệu đã sử dụng: bê-tông cốt sắt độ 12.000m3, gỗ quí 200m3, kính làm các cửa 2.000m2, đá rửa và đá mài 20.000m2....(9)

.Dinh Độc Lập(Ngày Xưa - 1960')

Ngày 30-4-75., cộng sản chiếm Dinh Độc Lập và đổi tên thành Hội trường Thống Nhất, và trở thành nơi du lịch, mở cửa cho khách tham quan, nhưng tình trạng xuống cấp và thiếu văn hóa xảy ra kể từ đó.Tình trạng này không riêng gì dinh Độc Lập. Trước 1975, một số cơ sở Pháp tại miền Nam giao cho Việt Nam chỉ trong năm bữa nửa tháng là đã sa sút, biến dạng thảm thương!


V.CẤU TRÚC DINH ĐỘC LẬP

Tập tin:HCMC Reunification Palace - Cabinet Meeting Room.JPG
Phòng họp nội các

Tập tin:HCMC Reunification Palace-Banquet Room.jpgPhòng đại yến

Tập tin:UnificationHall.JPG

Phòng tiếp khách ngoại quốc

Phòng trình quốc thư

Tập tin:Reunification Palace - Vice-Presidents reception room 1.JPG
Phòng tiếp khách của Phó Tổng thống


Phòng ngủ của Tổng Thống



.
Bàn đọc sách của Tổng thống

Dạo chơi Dinh Độc Lập
Dạo chơi Dinh Độc Lập

Sân vườn trên tầng 2, phía sau phòng trình quốc thư
và là khu sinh hoạt của gia đình Tổng thống
Dạo chơi Dinh Độc Lập
Bàn ăn món Tây.

Dạo chơi Dinh Độc Lập
Bàn ăn món Việt.

Dạo chơi Dinh Độc Lập

Phòng giải trí


Lầu thượng là Tứ phương vô sự


Rèm đá trắng mặt tiền


Nhiều báo Cộng sản ca tụng vẻ đẹp của dinh Độc Lập. Họ ca tụng vì sau khi giam Ngô Viết Thụ một thời gian, Võ Văn Kiệt muốn dùng Ngô Viết Thụ để tuyên truyền. Sau những người khác cũng muốn lợi dụng Ngô Viết Nam Sơn để áp dụng nghị quyết 36. Các nhà báo, nhà văn chế độ phải biết nhìn mặt chủ mà viết, biết khi nào cần ca, lúc nào cần chửi. Ôi lúc Cộng sản ca thì ngọt lắm, mà lúc họ chửi dữ dằn hơn hàng tôm, hàng cá! Cứ xem cuộc đấu lý của hai bên Nga Hoa khoảng 1960, hay những câu của già Hồ viết về Gia Long, hoặc lời ông chửì tên phản động Trường Chinh trong CCRD, hoặc xem các bài phản kích của đám cộng nô chửi Nhân Văn Giai Phẩm thì biết rõ đường lối và tính chất của văn chương XHCN! Lại nữa, bây giờ cần phải ca cho kỹ nghệ du lịch. Một lý do khác khá quan trọng là vì Liên Xô đã ca ngợi dinh Độc Lập. Trước kia, cộng sản chỉ trích Kiều, chửi Gia Long, Phan Thanh Giản, sau nghe tin Liên Xô ca tụng Kiều, Gia Long, Phan Thanh Giản, Việt Cộng liền theo đuôi.

Hoàng Thạch trong bài" Dinh Độc Lập Việt Nam Cộng Hòa" viết:

"Năm 1982, Hội Kiến trúc Liên-sô được KTS Ngô Viết Thụ mời sang quan sát đã ca ngợi công trình tuyệt mỹ Dinh Độc Lập, một kiến trúc phối hợp nghệ thuật Đông-Tây toàn hảo, một biểu tượng của ngành kiến chúc dân tộc Việt Nam. Ba tấm hiên bằng bê-tông cốt thép ở mặt chính Dinh được coi là biểu tượng đạo lý của TT. Ngô Đình Diệm với ba gạch ngang của Quốc kỳ hình quẻ Ly.( 11)

Trên báo Tuổi Trẻ, KTS Nguyễn Hữu Thái viết về Dinh Độc Lập như sau:
"Vào giữa những năm 1960, dinh Độc Lập là một công trình xây dựng có qui mô lớn nhất ở miền Nam, hiện đại vào bậc nhất châu Á và kinh phí xây dựng khá tốn kém (tương đương trên 150.000 lượng vàng) cũng như mang tính công nghệ cao. Trang thiết bị trong dinh có thể nói là hiện đại nhất lúc bấy giờ, đủ để phục vụ thường xuyên hàng trăm người làm việc cũng như tổ chức lễ lạc qui tụ cả nghìn người.

Các hệ thống điều hòa nhiệt độ, thang máy, thông tin liên lạc, nhà bếp và kho bãi có công suất phục vụ tương đương một khách sạn 5 sao loại lớn. Đặc biệt, tổng hành dinh ngầm dưới mặt đất là một khối hầm bằng bêtông dày, bọc thép chịu đựng được bom lớn và đạn pháo kích, đáp ứng mục tiêu phòng thủ quân sự hiện đại nhất. Ngày nay vào tham quan dinh, ta vẫn còn nhìn thấy hầu như nguyên vẹn nội thất tại nơi ở và làm việc của một nguyên thủ quốc gia. Vẫn còn đó 4.000 ngọn đèn các loại, hàng chục tác phẩm mỹ thuật quí, thảm, rèm, bàn ghế, vật dụng hạng nhất... Khách tham quan sẽ choáng ngợp trước những bức tranh sơn dầu, sơn mài kích cỡ thật lớn, nhiều khi chiếm trọn cả một mảng tường.

Đặc biệt là trong phòng trình quốc thư nằm ở vị trí trung tâm lầu nghi lễ tầng 2, các vật dụng từ bàn ghế đến tranh trang trí đều bằng chất liệu sơn mài truyền thống. Xen giữa các đường nét kiến trúc hiện đại bằng bêtông và sắt thép là những môtíp trang trí gợi nhớ các họa tiết cổ truyền trong nhà cửa, đền chùa, cung điện VN. Từ bức rèm hoa đá đồ sộ ngoài mặt tiền, gồm các tấm lam đứng mang hình lóng trúc nhắc nhớ cửa “bàn khoa” cung điện xứ Huế, cho đến những phù điêu, tượng đắp nổi, chạm trổ trên gỗ, thép uốn, tay nắm con triện, tay vịn cầu thang... nhất nhất đều mang dáng Việt." ( 12)

Phương Dung trong Tạp Chí Pháp Luật viết:
"Khi thiết kế, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ phương Đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống phương Đông. Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ "Cát", có nghĩa là tốt lành, may mắn.

Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh tầng hai. Đi vào bên trong Dinh, tất cả các đường nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng. Sân trước của Dinh là một thảm cỏ hình oval có đường kính 102m. Màu xanh của thảm cỏ tạo ra một cảm giác êm dịu, sảng khoái ngay khi bước qua cổng. Chạy dài theo suốt chiều ngang của đại sảnh là hồ nước hình bán nguyệt. Trong hồ thả hoa sen và hoa súng gợi nên hình ảnh những hồ nước yên ả ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của Việt Nam." (13)

Tạp Chí Vietgle viết:
"Tại đây ông là tác giả nhiều đồ án xây dựng, kiến trúc đồ sộ, trong đó có Dinh Độc lập, bây giờ là dinh Thống Nhất, Đại học sư phạm Huế, Trung tâm nguyên tử Đà Lạt... Các bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thể hiện quan niệm kiến trúc Việt Nam hiện đại, không sao chép các chi tiết của kiến trúc cổ điển, nhưng vẫn hài hòa và mang bản sắc văn hóa dân tộc, hoàn toàn đi theo hướng khác với các đóng góp thiết kế dinh của các kiến trúc sư danh tiếng cùng thời, trong đó đa số hoặc theo xu hướng kiến trúc cổ điển Pháp hoặc mang nặng ảnh hưởng kiến trúc tôn giáo và cung đình.

Trong các tác phẩm của ông, các yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật luôn mang tính đổi mới và sáng tạo, nhưng điều quan trọng hơn, mỗi tác phẩm đều ẩn tàng một bản sắc độc đáo và triết lý sâu sắc. Đặc biệt, trong công trình Dinh Thống Nhất, ông áp dụng khoa chiết tự vào thiết kế mặt đứng: chữ Vương (王) và chữ Tam (三) - tượng trưng cho Nhân, Minh, và Võ đức - để nhắc nhở những ai chủ trì tại đó phải có tài đức của một nhà lãnh đạo, chữ Chủ (主) - giữ vững chủ quyền đất nước, chữ Khẩu (口) - đảm bảo tự do ngôn luận của người dân, chữ Trung (中) - trung với quốc dân, và chữ Hưng (興) - làm sao cho đất nước ngày càng hưng thịnh, tổng thể khối kiến trúc Dinh thống nhất có hình chữ Cát (吉) có nghĩa là tốt lành.....Trong công trình Trung tâm Nguyên tử Đà Lạt, ông thay đổi thiết kế khối hình vuông thô kệch ban đầu của Mỹ bằng cơ cấu mang hình tượng Lò Bát quái để nhắc nhở việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình." ( 14 )

Nói chung, những lời viết hầu hết là khen ngợi KTS Ngô Viết Thụ. Quả vậy, nhìn qua những công trình của KTS Ngô Viết Thụ ta thấy một nét tao nhã, đầy sáng tạo. Nếu so sánh dinh Norodom và dinh Độc Lập thì dinh Norodom tối tăm, nặng nề còn dinh Độc lập thì sáng sủa, nhẹ nhàng. Chúng ta phải công nhận rằng KTS Ngô Viết Thụ là người chân tài. Tuy nhiên, nhân vô thập toàn, trong cái đẹp , cái tốt cũng có những điều mà một vài kẻ bình phẩm này nọ.

Cái tao nhã của Dinh Độc Lập cũng là cái yếu của dinh Độc Lập, và một số lớn kiến trúc Việt Nam mong manh như cô gái Việt Nam, nó không có vẻ bề thế, dày dặn, vĩ đại của kiến trúc Pháp. Nếu không tính diện tích to lớn của dinh Độc Lập mà xét về nét kiến trúc thì Dinh này thua Kiến trúc của tòa Thánh Cao Đài, của nhà chú Hỏa ở Saì gòn và nhà của công tử Bạch ở Bạc Liêu.

Một miếng đất rộng như thế, và là một cơ quan quyền lực cả nước mà khiêm tốn như thế quả là " hòn núi đẻ ra chuột nhắt"! Nhìn qua phòng tiếp tân, phòng làm việc của Tổng Thống thì thấy quá nhỏ như là những phòng trong cung thất vua chúa Đại Hàn qua phim ảnh. Dinh Độc Lập thật ra chỉ là khách sạn hay nhà hàng hạng trung ở Âu Mỹ! Có thể ngân sách eo hẹp, phải làm cấp tốc nên KTS NGô Viết Thụ đành " liệu cơm gắp mắm"? Hay là do truyền thống và đầu óc bé nhỏ của người Việt Nam?

Cái đình bát quái ở phía trái đàng sau dinh quả là một kiến trúc cô đơn , lạc lỏng và vô dụng vì tổng thống và quan khách không ai ra ngồi đó.

Điều vô cùng quan trọng là xưa nay người ta cho rằng dinh Norodom quá hung hiểm bởi vì đại lộ Norodom (Thống Nhất) đâm thẳng vào dinh. Đây là một điểm tối kị trong phong thủy. Bởi vậy mà Nhật thắng Pháp, và Pháp phải bỏ Việt Nam mà về! Rồi Ngô Đình Diệm bị thả bom, bị giết. Nhưng các kiến trúc Âu Mỹ đều có đại lộ đâm thẳng vào như thế mà người ta vẫn cường thịnh! Và người ta cũng nói rằng các thương gia Trung quốc ghét các đại lộ đâm vào nhà nhưng các cơ sở thương mại của họ lại chọn "cách cuộc" này!

Không phải chỉ dân ta mới tin phong thủy, tin dị đoan. Chính người Tây phương cũng mê tín, di đoan. Họ sợ con số 13, họ tin rằng ném một vài xu vào hồ nước thì mọi ước nguyện sẽ thành tựu. Khi vào nhà mới, người Âu Mỹ cũng có tục ném tiền vào khắp các nơi trong nhà để cầu tài. Tiền cổ chừng nào thì có giá trị phong thủy chừng ấy.

Xét Dinh Độc Lập, ta thấy đang trước có rừng cây là Sở Thú, đàng sau có rừng cây là vườn Tao Đàn. Số nhà của Dinh Norodom là 135, cộng là 9 nút.Người ta đặt viên đá đầu tiên, trong đó có nhét tiền cổ bằng vàng, bạc có hình Napoléon.

Kiến trúc cổ Việt Nam kiêng đường đâm thẳng vào nhà, người ta thường làm cái bình phong án ngữ. Pháp không làm bình phong nhưng làm thảm cỏ và vườn hoa khiến cho người ta phải đi rẽ qua hai bên cũng giống như Á Đông ta. Đàng trước mặt tiền, người Pháp cũng làm hồ phun nước để ngăn ác khí từ ngoài đâm vào. KTS NGô VIết Thụ cũng dùng bãi cỏ và bồn nước như thế.

KTS NGô Viết Thụ cũng áp dụng vài cách thức Đông lẫn Tây. Người ta khen KTS Ngô VIết Thụ thông thạo chữ Hán, biết áp dụng chiết tự vào trong kiến trúc. Điều này thì cũng đúng với văn hóa Đông phương trong đó có văn hóa Việt Nam. Người ta đặt tên cho con là Thông, Minh, Hùng Dũng, là mong con tài giỏi, dũng cảm nhưng con cái của họ có thông minh, dũng cảm hay không lại là vấn đề khác.

Người ta đặt tên tỉnh là Hòa Bình, Kiến An cũng là mong bình an nhưng tỉnh có an ninh hay không lại là chuyện khác. Ngày tết người ta bày mâm ngũ quả là mong được ngũ phúc, được kết quả trong đời nhưng không phải trong năm nhà nào cũng được hạnh phúc. Thành thử những chữ Hưng, Trung trong dinh Độc Lập cũng nằm trong chiều hướng đó.

Vì ham mê chiết tự, KTS Ngô Viết Thụ làm cho cái mặt tiền sinh ra rườm rà, không có tính thống nhất. Về chữ Trung, nếu là trung với vua , với nước thì phải có chữ Tâm 忠 , còn không có chữ tâm thì trung 中 là chính giữa, cũng có nghĩa là trúng ( trúng dao, trúng đạn, trúng kế...). Than ôi! nhìn xa, cái cột cờ chính là mũi giáo đâm vào miệng hay trái tim của dinh Độc Lập. Đây là điểm mà phong thủy hết sức cấm kị, tuyệt đối tránh những vật nhọn ở gần hay ở xa chĩa vào mình, đâm vào mình.
Chữ cát là tốt, nhưng đồng âm với chữ cát 割 là chia cắt, là tổn hại . Về phong thủy, người ta kiêng kiểu đất thót hậu, nghĩa là đàng sau thót lại kiểu đầu voi đuôi chuột. Cái nhà tốt, đất tốt là phải vuông vích ( hình vuông hay chữ nhật) , hay nở hậu, nghĩa là mong được lâu dài, về sau được tốt đẹp. Kiểu nhà xây theo chữ cát là thót hậu và thót ở giữa nghĩa là trung vận và hậu vận đều kém.
Cùng với tấm rèm đá trắng này ông còn dùng hai bên những trang trí tượng hình quẻ Ly 離 là phương Nam , là mặt trời . Trong 1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời, người ta tạo ra cờ quẻ Ly. Ly là phương Nam, là sáng láng, rực rỡ, văn minh.

Ý mong mỏi nước Nam ta rực rỡ, thịnh vượng nhưng các cụ quên mất Ly cũng có nghĩa là chia rẽ, nhất là cái vạch đứt đôi của quẻ ly ☲ ở chính giữa rỗng là điềm đại hung, đại kị. cho nên liền đó các cụ sửa vạch đứt đổi thành vạch liền hóa thành quẻ càn ☰ ( cờ quốc gia là cờ quẻ càn chứ không phải quẻ Ly nữa) nhưng càn hay ly thì cũng là những vạch riêng rẽ báo trước thảm họa chia ly, phân hóa : đất nước chia đôi, chia ba, kẻ theo Nga, người theo Tàu, người theo Pháp, kẻ theo Mỹ..
Chữ Ly và rèm đá trắng cùng ở mặt tiền làm cho mặt tiền mất vẻ thống nhất, không được cái đồng bộ như tòa Đại sứ Mỹ ở Saigon và trường đại học Y Khoa Saigon. .Hơn nữa nhìn kỹ thì không phải là quẻ ly hay quẻ Càn mà là quẻ Khôn. Sáu ô mỗi bên lầu hai là sáu vạch của quẻ Khôn ☷, ( càn tam liên, khôn lục đoạn). Một vạch đứt đã xấu mà ba vạch đứt hóa ra sáu khúc lại vô cùng hùng hiểm. Đó là nói về hình tượng. Còn ý nghĩa quẻ khôn cũng xấu. Quẻ Khôn là cực âm, cực suy tàn. thì cũng rất bất lợi. Nhất là quẻ Khôn nằm nghiêng nghĩa là đất sụp đổ thì lại vô cùng hung hiểm, là điềm báo trước cơ nguy sụp đổ.

Mặt tiền, KTS NGô Viết Thụ đã dùng bức rèm đá hình cây trúc theo điển " Tiết trực Tâm Hư" của nhà Nho ca tụng khí tiết cương trực của người quân tử. Đây chính là điều mà Ông Diệm ưa thích, quốc huy thời ông Diệm chính là cành trúc.

Tấm rèm đá này ở giữa cũng có mục đích che chắn hung khí từ đại lộ Thống Nhất xông vào.



Quốc huy VN Cộng Hòa


Tuy ý nghĩa trong tâm Tổng Thống Ngô Đình Diệm và KTS Ngô Viết Thụ là tốt đẹp như thế song lúc thể hiện lại biến thái. Nhìn thật kỹ với đầu óc độc lập, ta sẽ thấy những đốt trúc trắng này trông xa lại là hình xương ống chân, ống tay. Cái mà người ta gọi là rèm lại chính là một số xương ống tay, ống chân treo trên dinh Độc Lập. Nhân lực không thắng thiên định. Đây là một điềm báo trước cái chết của gia đình ông Diệm và nhân dân miền Nam trước cuộc xâm lăng cộng sản gây tang tóc và xương máu.



Tần Thủy Hoàng mong muốn trường thọ, muốn trường trị bách thế nhưng số trời đã định, không thể cải mệnh trời. Đức Phật nói vạn vật vô thường, không chế độ nào tồn tại mãi mãi. Đạt Ma sư tổ, Trương Tam Phong võ nghệ tuyệt luân rồi cũng chết cho nên phong thủy, y học hay kiến trúc cũng chỉ là tạm thời, là hạt bụi trong vũ trụ mênh mông. Mọi ước mong, tham vọng rồi cũng thành tro bụi trước cảnh tang điền thương hải của cuộc đời và số phận!

Sơn Trung
Ngày 19-8-2011
____
Tài liệu:

(1). Ngô Viết Thụ. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(2). Ngô Viết Nam Sơn. Mùa Xuân của cha tôi. Ngô Viết Thụ. Thứ Sáu, 04/02/2011
http://tuoitre.vn/Tet-Viet-2011/423458/Mua-xuan-cua-cha-toi---Ngo-Viet-Thu.html
(3).Nguyễn Hữu Thái. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - Người cả đời tận tụy với nghề Kiến trúc. http://kienviet.net/bai-viet/chi-tiet/kien-truc-su-ngo-viet-thu-nguoi-ca-doi-tan-tuy-voi-nghe-kien-truc
(4). Hà Giang.KTS Ngô Viết Thụ trong ký ức người con trai.
http://www.cand.com.vn/vi-VN/nguoinoitieng/2009/6/115448.cand
(5). Nghệ thuật Việt Nam thời Lý.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ngh%E1%BB%87_thu%E1%BA%ADt_Vi%E1%BB%87t_Nam_th%E1%BB%9Di_L%C3%BD.
(6).Nguyễn Anh Tài. Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)
http://www.diendankientruc.com/vbb/archive/index.php?t-4543.html
(7).Thượng Tùng.TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh. Hội quy hoạch phát triển đô thị.
http://mag.ashui.com/index.php/congdong/kientrucsu/42-kientrucsu/3071-ts-kts-ngo-viet-nam-son-tu-duy-dung-thi-xa-hoi-se-tien-rat-nhanh.html
(8). Dinh Norodom. Wikipedia.
(9). Đinh Thanh Hải. Ngô Viết Thu.
.http://my.opera.com/%C4%90inh%20Thanh%20H%E1%BA%A3i/blog/show.dml/3841467
(10). Di tích Văn Hóa. Dinh Độc Lập
http://www.dinhdoclap.gov.vn/default.aspx?tabid=240&Itemid=382
(11). Hoàng Thạch. Dinh Độc Lập của Việt Nam Cộng Hòa .
http://danchua.eu/2303.0.html?&tx_ttnews[tt_news]=4969&cHash=97f25aea71
(12). Nguyễn Hữu Thái. Dinh Độc Lập.
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/167220/40-nam-dinh-Doc-Lap.html
(13). Phương Dung. Dinh Độc Lập. Tạp Chí Pháp Luật .
http://phapluattp.vn/20100419113224302p0c1013/dinh-doc-lap-noi-luu-nhieu-dau-an-cua-lich-su.htm
(14). KTS Ngô Viết Thụ.
http://www.vietgle.vn/trithucviet/detail.aspx?key=Ng%C3%B4+Vi%E1%BA%BFt+Th%E1%BB%A5&type=A0


No comments: