Tuesday, August 9, 2011

VIỆT NAM & THẾ GIỚI







Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt vi phạm chủ quyền trên Biển Đông
Tàu thăm dò khảo sát địa chất Tan Bao Hao của Trung Quốc (DR) Tàu thăm dò khảo sát địa chất Tan Bao Hao của Trung Quốc (DR) Anh Vũ

Việt Nam lại một lần nữa lên án việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất đến vùng biển quanh hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. Đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để bày tỏ thái độ về hành động của Bắc Kinh.

Đây là phản ứng chính thức của Việt Nam trước việc hôm 2/8/2011 Tân Hoa Xã đưa tin, trong khoảng thời gian từ ngày 13/6 đến 30/7, Cục thăm dò địa chất Trung Quốc đã đưa một tàu thăm dò có tên gọi “ Tan Bao Hao” đến vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa (Trung quốc gọi là “Tây Sa”) đến phía Bắc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là “Nam Sa”) để tiến hành đo lường khảo sát khoa học.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay đăng tải lời tuyên bố của bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngọai giao : "Hà Nội phản đối các hoạt động của phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động tương tự”. Bà Nguyễn Phương Nga cũng cho biết thêm là đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để bày tỏ thái độ về hành động nói trên của Bắc Kinh.

Trên Biển Đông, những tháng gần đây xuất hiện tình trạng căng thẳng do một loạt vụ việc xâm phạm chủ quyền do tàu của Trung Quốc tiến hành. Đặc biệt trong hai tháng 5 và sáu vừa qua, Trung Quốc đã hai lần cho tầu xâm phạm lãnh hải Việt Nam, phá hoại trang thiết bị của các tàu thăm dò địa chất của tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam. Sau đó Hà Nội đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh muốn biến khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp.

Hồi cuối tháng 6 vừa qua, hai bên đã thỏa thuận với nhau sẽ giải quyết những bất đồng về Biển Đông bằng đàm phán hòa bình nhưng thỉnh thoảng Bắc Kinh vẫn có những động thái khẳng định đòi hỏi chủ quyền của mình trong khu vực có tranh chấp, chẳng hạn như việc bắt giữ các tàu cá Việt Nam, đưa tầu hải giám đến khu vực có tranh chấp…

Những hành động được cho là gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây ra làn sóng bất bình trong không ít người dân. Trong hai tháng vừa qua tại Hà Nội, đã có 9 cuộc biểu tình tự phát của người dân diễn ra vào các sáng chủ nhật để phản đối tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110809-ha-noi-yeu-cau-bac-kinh-cham-dut-vi-pham-chu-quyen-viet-nam-tren-bien-dong




VN muốn quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông
2011-08-09

Việt Nam đang nỗ lực lôi kéo sự tham gia của các cường quốc trong khu vực nhằm làm đối trọng với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

AFP PHOTO / Sebastian D'Souza

Một máy bay thuộc hải quân Ấn Độ cất cánh từ tàu sân bay INS Viraat, tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ, ngoài khơi bờ biển Bombay.

Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam

Với những căng thẳng trên biển Đông thời gian gần đây và thái độ rất cứng rắn từ Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên biển với các nước láng giềng, Việt Nam đang nỗ lực lôi kéo sự tham gia của các cường quốc trong khu vực nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Ấn Độ có thể là một trong các cường quốc mà Việt Nam hướng tới với việc chính phủ Việt Nam mới đây đã ngỏ lời mời tàu của hải quân Ấn Độ đậu tại cảng Nha Trang lâu dài. Lời mời này được đưa ra trong chuyến viếng thăm của Phó Đô Đốc Nguyễn Văn Hiển tới Ấn Độ vào hồi cuối tháng 6. Việt Hà phỏng vấn Cựu Đề Đốc Uday Bhaskar, chuyên gia về chiến lược thuộc Quỹ hàng hải quốc gia Ấn Độ về vấn đề này.

Việt Hà: Thưa ông, xin ông cho biết chính phủ Ấn Độ nhìn nhận những tranh chấp trển biển Đông thời gian gần đây ra sao?

Ấn Độ đang cố gắng tìm hiểu Trung Quốc, nhất là khi họ nói muốn giải quyết các tranh chấp theo con đường ngoại giao hòa bình, sự khác biệt giữa lời họ nói và thực tế.

Cdre. Bhakas

Cdre. Bhaskar: Tôi nhìn nhận về những gì đang diễn ra trên biển Đông sẽ có mối liên quan đến việc nhìn nhận về Trung Quốc tại Đông Á và Đông Nam Á, và nó cũng có liên quan trong cách đánh giá của Ấn Độ về sự nổi lên của Trung Quốc trong một bối cảnh châu Á rộng lớn hơn. Những gì đang diễn ra tại biển Đông theo tôi có ảnh hưởng đối với toàn bộ châu Á, đặc biệt là đối với hồ sơ hàng hải của Trung Quốc. Ấn Độ không phải là một bên liên quan trong vấn đề tranh chấp tại biển Đông, cho nên theo tôi thì Ấn Độ chỉ nên theo dõi những gì đang diễn ra trên biển Đông một cách chặt chẽ mà không tham gia trực tiếp.

Việt Hà: Ấn Độ cũng có quan ngại đến sự bành trướng của Trung Quốc trên Ấn Độ dương, vậy việc theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra tại biển Đông có thể giúp gì cho Ấn Độ liên quan đến Ấn Độ Dương?

Cdre. Bhaskar: Ấn Độ sẽ theo dõi vấn đề biển Đông chặt chẽ, một mặt là về vấn đề lịch sử, Ấn Độ và Trung Quốc đã có tranh chấp biên giới trong quá khứ. Hai nước đã có chiến tranh biên giới năm 1962. Bây giờ Ấn Độ đang cố gắng tìm hiểu Trung Quốc, nhất là khi họ nói muốn giải quyết các tranh chấp theo con đường ngoại giao hòa bình, sự khác biệt giữa lời họ nói và thực tế họ làm ra sao.

MG_0010-250.jpg
Vịnh Nha Trang, ảnh chụp tháng 7 năm 2011. RFA PHOTO.
Những gì đang diễn ra trên biển Đông đã tạo ra những lo ngại. Việt Nam và Philippines đã có một quá trình phải đối mặt với Trung Quốc, và Ấn Độ muốn tìm hiểu xem Trung Quốc sẽ có hành động giải quyết vấn đề như thế nào, sẽ sử dụng sức mạnh, khả năng kinh tế và quốc phòng trong mối liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ra sao. Điều này cho phép Ấn Độ hiểu được cách mà Trung Quốc sẽ áp dụng đối với Ấn Độ Dương. Dù không có liên hệ trực tiếp nhưng những tìm hiểu này cho phép Ấn Độ có được những thông tin đánh giá có giá trị liên quan đến việc Trung Quốc sẽ sử dụng khả năng quốc phòng mới của mình ra sao trong các tranh chấp.

Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam và liệu Việt Nam và Ấn Độ có nhìn mối quan hệ hai nước này như một đối trọng với Trung Quốc?

Cdre. Bhakas: Theo tôi Việt nam và Ấn Độ có mối quan hệ bền chặt lâu năm kể từ thời kỳ chiến tranh lạnh. Ấn Độ luôn duy trì mối quan hệ với Việt Nam. Bây giờ Việt Nam là một nước rất đặc biệt trong khu vực bởi có vị trí chiến lược mà không có nước nào khác có được. Nếu mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ thêm khăng khít thì tôi tin là nó cũng có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, không phải bởi Ấn Độ và Việt Nam sẽ trở thành đồng minh về quân sự chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên thực tế của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước sẽ có ảnh hưởng đối với mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ bởi tính chất ngoại giao chính trị mà mối quan hệ Việt Nam Ấn Độ sẽ mang lại cho toàn khu vực Đông Nam Á.

Đối trọng với Trung Quốc

Việt Hà: Mới đây một tàu của hải quân Ấn Độ đã cập cảng Nha Trang, Việt Nam cũng đã ngỏ lời mời tàu của Ấn Độ cập cảng này lâu dài. Ông nghĩ thế nào về những diễn tiến này trong bối cảnh quan hệ hai nước và tình hình khu vực?

Tôi hy vọng là hai bên sẽ có những diễn tập chung, vì Ấn Độ cũng đã có nhiều những trao đổi diễn tập với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Cdre. Bhakas

Cdre. Bhakas: Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Việt Nam mà thể hiện gần đây nhất là chuyến thăm của tàu Ấn Độ đến Việt Nam là một phần trong mối quan hệ rộng hơn giữa Ấn Độ và ASEAN. Ấn Độ có những cuộc tập trận thường niên với các nước khác ở châu Á. Tàu hải quân Ấn Độ viếng thăm thường xuyên các nước trong khu vực như Nhật Bản, Nam Hàn và các nước Đông Nam Á. Theo tôi điều này cho thấy là Ấn Độ đang gia tăng sự có mặt của mình cũng như hợp tác với các nước ở đông Á. Chúng ta phải nói đến ở đây là chính sách hướng đến phương Đông của Ấn Độ, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Nhật bản, Nam Hàn, hay các nước ASEAN là một nhân tố quan trọng trong chính sách này. Chúng ta phải tìm được sự cân bằng giữa chính trị, kinh tế, thương mại trong mối quan hệ với quân sự. Với mỗi nước chúng tôi có một quan hệ ở mức khác nhau. Ví dụ với Philippines chúng tôi có mối quan hệ rất chặt chẽ, chúng tôi cũng có quan hệ rất đặc biệt với Singapore và tương tự tôi tin rằng Ấn Độ và Việt Nam cũng sẽ có mối quan hệ đặc biệt như vậy.

Việt Hà: Theo ông thì liệu chính phủ Ấn Độ sẽ chấp nhận lời mời này của Việt Nam hay không và điều này có ý nghĩa thế nào với cả Ấn Độ và Việt Nam?

Cdre. Bhakas: Tôi nghĩ là Ấn Độ sẽ chấp nhận lời mời của Việt Nam cho tàu vào đậu tại cảng của Việt Nam. Ấn Độ sẽ chấp nhận lời mời này vì nó tạo điều kiện để có thể tiếp cận cơ sở sửa chữa khi ở xa nước, và đây điều cần thiết trong hải quân mà chúng tôi gọi là R & R (repair and recreation). Các tàu của hải quân cần một căn cứ để vào trong vài ngày rồi lại quay ra. Cho nên việc được sử dụng cảng của Việt Nam là một điều tốt cho Ấn Độ.

Ấn Độ bằng cách này cũng duy trì được sự có mặt của mình ở biển Đông. Với việc tàu của Ấn Độ được quyền đến đây theo tôi sẽ tạo ra một đối trọng lên mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Theo tôi thì Trung Quốc cũng sẽ biết được là phản ứng như thế nào sẽ đến từ các nước láng giềng. Tôi có nói với các đồng nghiệp của tôi ở Bắc Kinh hay Thượng Hải rằng các anh cứ nói về sự lớn mạnh hòa bình nhưng các nước láng giềng không tin vào anh, liệu láng giềng có lo lắng về anh hay không khi việc anh làm đi ngược lại điều anh nói về sự lớn mạnh hòa bình. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã tạo lo ngại cho khu vực.

Việt Hà: Ông có nghĩ là hải quân Ấn Độ và Việt Nam sẽ có những cuộc tập trận trong tương lai?

Cdre. Bhakas: Tôi hy vọng là hai bên sẽ có những diễn tập chung, vì Ấn Độ cũng đã có nhiều những trao đổi diễn tập với các nước khác trong khu vực ASEAN.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-want-india-sol-scns-conflict-vh-08092011144837.html

No comments: