Thursday, August 25, 2011

VIỆT NAM & THẾ GIỚI






Tướng Võ Nguyên Giáp mừng sinh nhật 100 tuổi

Trong nhiều năm qua, dù ít xuất hiện trước công chúng, nhưng nhiều nhà lãnh đạo thế giới đều tìm gặp Tướng Giáp mỗi khi tới thăm Việt Nam

Trong nhiều năm qua, dù ít xuất hiện trước công chúng, nhưng nhiều nhà lãnh đạo thế giới đều tìm gặp Tướng Giáp mỗi khi tới thăm Việt Nam

Bản tin của AP đánh dấu sự kiện này nói rằng Đại tướng Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp, hôm nay đã mừng thêm một chiến thắng khác, nhiều thập niên sau khi đánh bại Pháp và Hoa Kỳ.

Thông tín viên Mike Ives của AP nói rằng bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tướng Giáp là nhân vật được nhiều người tôn sùng, nhờ tài lãnh đạo đã dẫn đầu một đội du kích không được trang bị đầy đủ đến chỗ giành được độc lập cho Việt Nam, đưa đến sự cáo chung của chế độ cai trị thực dân của Pháp tại Đông Dương, và 2 thập niên sau, buộc Hoa Kỳ rời Nam Việt Nam.

AP dẫn lời ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói rằng “Có thể nói hầu hết những sự kiện quan trọng và hiển hách nhất của đất nước đều được liên kết với tên tuổi và sự nghiệp của Tướng Giáp.”

Tướng 4 sao Võ Nguyên Giáp đã nhập viện trong khoảng 2 năm nay.

Nhưng ông Giáp vẫn ký tên vào những tấm thiệp cảm ơn các chiến hữu về những lời chúc thọ, và hàng ngày vẫn được báo cáo về các vấn đề thời sự quốc tế và quốc nội.

Năm 2009, Tướng Võ Nguyên Giáp mạnh mẽ lên tiếng chống đối kế hoạch khai thác bôxít trên vùng Tây nguyên, ông kêu gọi Hà Nội hãy tái xét dự án khai thác bô-xít do Trung Quốc điều hành, viện dẫn những nguy cơ về môi trường và an ninh.

Ông Giáp cũng phản đối việc phá hủy Hội trường Ba Đình lịch sử. Bất chấp sự chống đối của vị danh tướng về hưu, cả hai dự án đó đều được xúc tiến.

Báo The Diplomat của Hoa Kỳ số ra hôm nay, nhắc lại rằng nhân vật từng được coi là cánh tay phải của Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã bị trục xuất khỏi Bộ Chính Trị vào năm 1982, một hành động gây chấn động cho công chúng lúc đó.

Lý do theo tờ The Diplomat là vì giới lãnh đạo Đảng CSVN có khuynh hướng cực đoan ghen tuông với trí tuệ và uy tín của Tướng Giáp trên trường quốc tế.

Sau này, Tướng Giáp được bổ nhiệm vào nhiều chức Phó Thủ Tướng, tuy nhiên, phạm vi trách nhiệm của vị tướng một thời hiển hách, chỉ giới hạn trong các lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình, khoa học và công nghệ.

Trong nhiều năm qua, dù ít xuất hiện trước công chúng, nhưng nhiều nhà lãnh đạo thế giới đều tìm gặp Tướng Giáp mỗi khi tới thăm Việt Nam.

Tin liên hệ

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-vo-nguyen-giap-08-24-2011-128319798.html


Vi phạm nhân quyền tại Việt Nam
làm trở ngại bang giao Việt-Mỹ'
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung thuộc Tòa Tổng giám mục Huế (ảnh chụp ngày 15/3/2010)
Hình: REUTERS
Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung thuộc Tòa Tổng giám mục Huế (ảnh chụp ngày 15/3/2010)

Một nhóm thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đưa ra khuyến cáo này trong bức thư kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phải hành động hơn nữa để thúc giục chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý.

16 thượng nghị sĩ Mỹ đồng ký tên trong lá thư đề ngày 24/8 bày tỏ quan ngại rằng tính mạng của linh mục Lý bị đe dọa sau khi nhà cầm quyền Việt Nam bắt ông trở lại trại giam hôm 25/7 vừa qua sau hơn 1 năm cho hoãn thi hành án vì lý do sức khỏe.

Bức thư nêu rõ hành động của Hà Nội tiếp tục tống giam vị linh mục đang bị một khối u trong não có thể gây phương hại cho mối quan hệ đang phát triển với Washington.

Các thượng nghị sĩ Mỹ ký tên trong thư khẳng định linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý không làm gì sai, ông chỉ cổ võ các quyền cơ bản và quyền tự do cho nhân dân Việt Nam một cách ôn hòa.

Lá thư kêu gọi phải cho chính quyền Việt Nam thấy rằng hành động tiếp tục cấm đoán các hoạt động ôn hòa nhằm cổ xúy nhân quyền căn bản cản trở tiến triển của mối quan hệ Việt-Mỹ.

Bức thư do thượng nghị sĩ Barbara Boxer thuộc bang California, thành viên trong đảng Dân chủ cùng với Ngoại trưởng Clinton, đề xướng. Trong số 16 thượng nghị sĩ ký tên có thượng nghị sĩ Jon Kyl thuộc bang Arizona, nhân vật thứ nhì của đảng Cộng hòa trong thượng viện Hoa Kỳ.

Linh mục Lý bị tuyên án 8 năm tù hồi năm 2007 về tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ vì các hoạt động kêu gọi dân chủ và giúp thành lập khối dân chủ 8406 tại Việt Nam.

Nguồn: AFP, US Senator Barbara Boxer PR

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/us-senators-vietnam-08-25-2011-128379768.html

Mỹ có thể bán công nghệ quân sự
cho Việt Nam
Tàu sân bay USS George Washington ghé thăm ngoài khơi Sài Gòn hôm 13/8/2011. Nhiều quan chức và nhà báo Việt Nam đã được mời thăm tàu.
Tàu sân bay USS George Washington ghé thăm ngoài khơi Sài Gòn hôm 13/8/2011. Nhiều quan chức và nhà báo Việt Nam đã được mời thăm tàu.
REUTERS/U.S. Department of State

Trọng Nghĩa

Đến Việt Nam từ ngày 20/08/2011, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đã kết thúc chuyến đi thăm vào hôm nay, 24/08. Trong cuộc họp báo tại Hà Nội chiều nay, vị chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương của Thượng viện Hoa Kỳ đã tiết lộ rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét khả năng bãi bỏ lệnh cấm bán công nghệ quân sự vẫn áp dụng đối với Việt Nam.

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Jim Webb đã xác nhận là Lầu năm góc và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có các cuộc thảo luận "thận trọng nhưng tích cực" về vấn đề này. Hoa Kỳ hiện vẫn còn áp dụng quyết định cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trong khuôn khổ một lệnh cấm vận vũ khí được ban hành từ năm 1984.

Theo hãng Bloomberg, nếu phía Mỹ bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho Việt Nam, động thái đó sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự giữa Mỹ - Việt, trong bối cảnh quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày càng căng thẳng trên hồ sơ Biển Đông.

Mới đây, Việt Nam đã cho biết là đang cân nhắc khả năng cho Hải quân Mỹ thiết lập tại Việt Nam một trung tâm y tế. Đấy là thêm một dấu hiệu phản ánh quan hệ đang ấm lên giữa hai kẻ cựu thù.

Vào tháng trước, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự nhưng không chiến đấu tại Đà Nẵng, nối tiếp theo một loạt các cuộc giao lưu quân sự được xúc tiến kể từ năm 2003, khi một tàu chiến đầu tiên của Mỹ ghé cảng Việt Nam kể từ khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975.

Trong thời gian qua, sau khi phải gánh chịu hàng loạt hành động càng lúc càng lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam đã đẩy mạnh kế hoạch tăng cường võ trang, mà chủ yếu là đặt mua thiết bị từ Nga, và một vài nước khác. Riêng cánh cửa Hoa Kỳ vẫn còn bị đóng do lệnh cấm bán vũ khí vẫn có hiệu lực.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110824-my-co-the-ban-cong-nghe-quan-su-cho-viet-nam


Libya : phe nổi dậy tấn công vào dinh thự của đại tá Kadhafi tại Tripoli

Phe nổi dậy vui mừng chiến thắng tại Tripoli. Ảnh chụp ngày 22/08/2011
Phe nổi dậy vui mừng chiến thắng tại Tripoli. Ảnh chụp ngày 22/08/2011
REUTERS/Bob Strong
RFI

NATO : ngày tàn của chế độ Kadhafi đang gần kề. Từ chiều ngày 21/08/11, phe nổi dậy đã tiến vào thủ đô Tripoli. Xung đột giữa phe nổi dậy và thân Kadhafi vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại dinh thự của đại tá Moummar Kadhafi. Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Lybia thông báo đã bắt giữ Saïf Al-Islam, con trai lãnh đạo Libya.

Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố chế độ Kadhafi sắp cáo chung. Tại Tripoli, từ trưa hôm qua 21/08/2011, phe nổi dậy tung các tiểu đoàn tinh nhuệ vào thủ đô, đánh chiếm kho vũ khí khổng lồ. Sáng nay, chiến trận được xem là rất ác liệt đang diễn ra chung quanh dinh thự kiên cố của đại tá Kadhafi.

Tình hình tại Libya diễ tiến nhanh chóng. Sau những lời cam kết sẽ đánh « dứt điểm » chế độ Kadhafi trước khi kết thúc mùa chay Hồi giáo Ramadan, phe nổi dậy đã mở chiến dịch quân sự đặt tên là « Nhân ngư ».

Với sự yểm trợ của không lực NATO và đặc biệt là máy bay oanh kích không người lái của Hoa Kỳ, phe nổi dậy đánh chiếm hàng loạt các thành phố chốt chận bảo vệ Tripoli và đến tối chủ nhật 21/08/11 tràn đến quảng trường Xanh , biểu tượng của chế độ.

« Dân chúng vui mừng »

Các đài truyền hình Tây phương và Ả Rập cho thấy hàng chục ngàn dân đổ ra đường với lá cờ ba màu đỏ, đen, xanh chào mừng chiến binh đối lập võ trang chiếm được nhiều xe tăng, súng lớn, súng nhỏ từ kho vũ khí của quân đội ở Tripoli.

Từ khi phe đối lập tung các tiểu đoàn thiện chiến vào chiến trường, tình hình biến chuyển nhanh chóng khác với thời gian dậm chân tại chỗ trước đây.

Theo báo Mỹ New York Times, Hoa Kỳ đã cho máy bay oanh kích không người lái tham chiến trong những ngày gần đây. Trên bộ, hai đồng minh Anh Pháp « dường như » đã gởi biệt kích tiếp sức và huấn luyện thêm cho lực lượng nổi dậy có tiếng là « chiến sĩ tay mơ ».

Theo ngoại trưởng Ý Franco Frattini, phe trung thành với đại tá Kadhafi chỉ kiểm soát chừng 10% diện tích Tripoli.

Không rõ lãnh đạo Libya đang ở đâu nhưng vài giờ trước, trong thông điệp thu thanh, ông kêu gọi lực lượng trung thành « quét dọn » thủ đô.

Sáng nay cũng còn nhiều ổ kháng cự tại Tripoli, nhất là chung quanh dinh thự kiên cố của đại tá Kadhafi ở Bab al-Aziziya.

Theo lời ông Abdessalem Jalloud, nguyên là nhân vật số hai của chế độ trong thập niên 90 vừa đào thoát sang Ý , thì lãnh đạo Libya không có phương tiện rút lui. Cũng rất có thể ông Mouammar Kadhafi và thành phần trung thành đang cố thủ tại Bab al-Aziziya.

Đại diện ngoại giao tối cao của Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton kêu gọi lãnh đạo Libya từ chức tức khắc để tránh gây thêm xương máu. Cùng lúc, bà kêu gọi chính quyền lâm thời « giữ thái độ chừng mực ».

Trong khi đó Anh Quốc nhận định là chế độ Kadhafi thua toàn diện. Thủ tướng David Cameron kêu gọi đại tá Kadhafi « đầu hàng vô điều kiện ».

Không chờ đợi chế độ Tripoli sụp đổ hẳn, Tây phương chuẩn bị thời kỳ hậu Kadhafi. Trong cuộc họp báo sáng nay, ngoại trưởng Pháp Alain Juppé đề nghị « triệu tập hội nghị Nhóm tiếp xúc » tại Paris vào tuần tới để tái thiết .

Trong số các phản ứng quốc tế khác, chính phủ Trung Quốc tuyên bố « tôn trọng quyết định của nhân dân Libya ».

Tại Washington, đêm qua, khoảng 100 người tỵ nạn vui mừng tập hợp trước Nhà Trắng với cờ của phe đối lập. Theo AFP, cùng lúc với đồng bào của họ tại Tripoli và Benghazi, người Libya định cư tại Washington cầm cờ và biểu ngữ, chạy khắp trung tâm thành phố và hô to lời « cám ơn Hoa Kỳ và Pháp giúp Libya sớm được tự do".

Theo tin riêng của RFI, đông đảo thường dân thủ đô tích cực ủng hộ và tham gia cuộc nổi dậy, do đó mà phe đối lập đã nhanh chóng kiểm soát phần lớn thủ đô Libya.

Con trai Kadhafi bị bắt

Theo báo chí Tây Ban Nha, con trai lớn của đại tá Kadhafi, Muatasim chỉ huy quân đội ra đầu hàng. Chính quyền lâm thời thông báo bắt được người con thứ Saif al-Islam.

Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye xác nhận tin này và cho biết đang thương lượng với phe đối lập về số phận của Saif, người được thừa kế của đại tá Kadhafi và đang bị truy nã về tội ác chống nhân loại.

Saïf Al-Islam 39 tuổi là một trong số 8 người con của đại tá Kadhafi. Tuy không chính thức tham gia vào guồng máy điều hành đất nước nhưng Saïf được xem là có nhiều khả năng lên kế vị cha. Trong những năm gần đây, Saïf Al-Islam luôn được cộng đồng quốc tế nhắc tới như là một trong những sứ giả hàng đầu và đáng tin cậy nhất của chính quyền Tripoli.

Nhân vật này liên tục vận động để cải thiện và bình thường hóa quan hệ giữa Libya với các nước phương Tây. Năm 2007 Saïf Al-Islam là nhân vật chủ chốt trong vụ trả tự do cho các y tá người Bulgari bị Tripoli tố cáo đã truyền siêu vi HIV cho một số trẻ em Lybia.

Trước đó ông cũng đã can thiệp vào hồ sơ bồi thường gia đình nạn nhân các vụ khủng bố hồi năm 1988 và 1989. Tripoli bị coi là thủ phạm cả hai vụ tấn công nói trên.

Saïf Al-Islam là con trai truởng của người vợ hai đại tá Kadhafi và là người con thứ nhì của lãnh đạo Libya. Tốt nghiệp ngành kiến trúc đại học Tripoli năm 1995. Năm năm sau, ông du học tại Vienna, Áo và Luân Đôn.

Saïf Al-Islam có bằng tiến sĩ kinh tế tại đại học danh tiếng của Anh Quốc : London School of Economics. Sử dụng thông thạo tiếng Anh, Đức, Saïf Al-Islam chủ trương Libya cần mở rộng cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là các tập đoàn dầu khí phương Tây như ExxonMobil của Mỹ, BP của Anh và ENI của Ý đã quay trở lại Libya.

Ngày 26/06/2011, Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh truy nã đại tá Mouammar Kadhafi, Saïf Al-Islam và lãnh đạo cơ quan tình báo Libya là Abdullah al Sanousi với lý do ba nhân vật này phải chịu trách nhiệm về các vụ « sát hại, tra tấn », và là tác giả của hàng loạt các « tội ác chống nhân loại » nhắm vào thường dân Libya từ đầu cuộc nổi dậy.

Tòa án Hình sự Quốc tế vào sáng nay xác nhận tin Saïf Al-Islam đã bị bắt và cho biết là đang thương lượng với phe nổi dậy Libya về khả năng cho dẫn độ con trai đại tá Kadhafi về La Haye, Hà Lan để xét xử.

Một số nguồn tin báo chí tiết lộ là Muatasim Kadhafi, một người con trai khác của lãnh đạo Libya và là người anh lớn của Saïf Al-Islam cũng đã bị bắt nhưng tin trên chưa được xác nhận.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110822-libya-che-do-kadhafi-tren-da-sup-do


Người Việt nghĩ gì về sự kiện Tripoli?
2011-08-22

Ngày hôm qua, 22/8, cả thế giới cùng vui mừng cùng với chiến thắng của phe nổi dậy tại thủ đô Tripoli của Lybia, báo hiệu một kết thúc thắng lợi cho công cuộc đấu tranh dân chủ, lật đổ độc tài kéo dài nửa năm trời của người dân xứ này.

AFP

Quân nổi dậy Libya với dấu hiệu chiến thắng khi họ tuần tra trên đường phố thủ đô Tripoli ngày 22 tháng 8 năm 2011.

Thế còn tại Việt Nam, những người quan tâm đến thời cuộc, đến vấn đề đấu tranh cho một Việt Nam thực sự tự do, dân chủ nghĩ gì sau sự kiện quan trọng trên? Liệu sự kiện Tripoli có tác động gì trên công cuộc đấu tranh dân chủ tại Việt Nam hay không?

Độc tài không thể tồn tại

Tối ngày 22/8, ngay khi truyền hình, báo chí và các trang mạng đang liên tục cập nhật những hình ảnh mới nhất về chiến thắng của phe nổi dậy tại thủ đô Tripoli của Lybia, thì tại Việt Nam, nhiều nhóm bạn trẻ, giới blogger và các cư dân mạng cũng đang tự nâng ly chúc mừng cho chiến thắng của những người dân đã khốn khổ dưới ách cai trị của độc tài suốt hơn 40 năm qua.

Bảo, một bạn trẻ đang họp mặt ăn mừng cùng với nhóm bạn tại Sài Gòn, cho biết cảm nghĩ của mình:

"Mọi người đang ăn mừng vụ đó nè. Nó chứng minh một điều là độc tài thì không tồn tại được. Khi mà nhu cầu người dân lên cao và động lực thúc đẩy tới dân chủ mạnh mẽ lên thì những thế lực độc tài phải gác sang một bên."

Bảo cho biết ngoài việc chia sẻ niềm vui với người dân Lybia, nhóm bạn của anh cũng mượn dịp này để tạm quên đi những nỗi buồn của đất nước, nhất là sau khi nhìn thấy những hình ảnh công an bắt bớ, đàn áp người yêu nước tại thủ đô Hà Nội vào chủ nhật vừa qua:

"Trong này anh em cũng nói là nhìn mọi người thấy rất phấn khởi. Mình chưa sống trong cảm giác đó nhưng mà mình nhìn thấy cảm giác người ta được tự do quyết định số phận một đất nước mà mình sống thì nó rất hào hứng. Mọi người đang ước là “không biết khi nào thì đến Việt Nam?”.

Dẹp qua những hình ảnh buồn của Chủ nhật vừa rồi, mọi người cũng tiếp (nối) sự hào hứng của Tripoli."

Khi mà nhu cầu người dân lên cao và động lực thúc đẩy tới dân chủ mạnh mẽ lên thì những thế lực độc tài phải gác sang một bên.

Bạn Bảo ở Saigon

Bảo và nhóm bạn trẻ tại Sài Gòn chỉ là một trong số những người dân Việt Nam “trông người lại nghĩ đến ta” từ sự kiện của Tripoli.

Hà Thanh, một sinh viên tại TPHCM, cho biết chiến thắng của người dân Lybia đem đến cho anh niềm tin rằng dân chủ cuối cùng sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, khi liên hệ đến tình hình Việt Nam, Hà Thanh cho biết không hy vọng nhiều vào tác động của sự kiện ở Lybia đến tình hình đấu tranh dân chủ ở Việt Nam:

"Tất nhiên trong hoàn cảnh này, việc so sánh giữa tình hình Việt Nam với Lybia thì nó khác xa nhiều lắm, tại vì thứ nhất là ở Việt Nam, chủ nghĩa “mặc kệ nó” còn quá nặng nề, thành ra người ta đa số không quan tâm nhiều đến chính trị, mà người ta quan tâm đến đời sống hàng ngày của người ta hơn. Thứ hai, cũng là một hệ thống kiềm kẹp bởi công an khá nặng nề nên ai cũng có tâm lý lo sợ, cho nên viễn cảnh giống như Lybia thì mình nghĩ là hiện giờ không mấy sáng sủa."

Hy vọng vào ngày mai

Trong khi đó, nhà văn Võ Thị Hảo từ Hà Nội đưa ra lời bình luận sau chiến thắng của phe nổi dậy ở Tripoli:

000_Nic602831-250.jpg
Quân nổi dậy Libya trong thành phố Tripoli hôm 21/8/2011. AFP


"Ở Tripoli họ đã thành công trong việc đấu tranh dân chủ. Sự thành công của họ chứng tỏ một điều là nền dân chủ và tự do có thể được xác lập vào một lúc nào đó, bởi một ai đó, một nhóm người nào đó nhưng những con người ở trong đất nước ấy phải tỏ ra xứng đáng để biết được quyền làm người thì có những quyền gì và để làm người thực sự thì phải như thế nào, phải xứng đáng, có những phẩm chất cũng như sự hồn nhiên, dũng cảm để có thể bảo vệ được quyền đó cho mình và cho tất cả mọi người dân ở đất nước của mình.

Bởi vì những quyền tự do và dân chủ luôn luôn bị đe dọa cướp đoạt bởi một nhóm người mạnh hơn. Khi họ muốn quá nhiều tham vọng thì họ muốn tước đoạt quyền của người khác, đó là một xu hướng đương nhiên, bởi vậy anh phải giữ nó."

Cùng cảm nhận về quyền tự do, dân chủ đang tại Việt Nam bị đe dọa cướp đoạt bởi một nhóm người, có cư dân mạng đã viết rằng “Ai là Gã-Đa-Phi của Việt Nam cũng nên run dần đi là vừa. À quên, không phải 1 người là Gã-Đa-Phi của Việt Nam, mà Việt Nam có cả một chùm Gã-Đa-Phi, đâu như 15 – 17 người cơ đấy”, hay như một bạn trẻ khác cảnh báo: “Những người trong Bộ chính trị CSVN hãy nhìn tấm gương Gaddafi nhé”.

Tuy nhận thức rõ ràng về những hoàn cảnh, điều kiện hoàn toàn khác biệt giữa Việt Nam và Lybia, thế nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không ngừng hy vọng và mơ đến một ngày chiến thắng cho sự tự do, dân chủ tại Việt Nam giống như Libya. Bảo chia sẻ:

"Thực sự, nhìn Lybia thì mình rất hy vọng. Mình nghĩ cái ngày Việt Nam tới đó cũng không còn xa đâu vì bây giờ việc lui tới, bắt bớ trở nên quá bình thường đối với những anh em ở đây rồi. Ngày trước thì mọi người vẫn sợ hãi, nhưng bây giờ người ta bắt quá nhiều đi, coi như là trong giai đoạn người ta lúng túng, không còn hành động nào khác ngoài việc trấn áp, thì mọi người cảm thấy rất bình thường.

Khi mọi người đều vượt qua nỗi sợ hãi, không còn gì để sợ nữa rồi thì chỉ cần một ngọn lửa hoặc một tác động gì mới thôi, rất hy vọng vì môi trường chính trị ở Việt Nam cũng đang có nhiều biến cố và sự góp mặt hay nhất là vấn đề Trung Quốc, thì mình nghĩ nó có rất nhiều sự hội tụ lại thì mình cũng hy vọng nó sẽ không xa."

Thực sự, nhìn Lybia thì mình rất hy vọng. Mình nghĩ cái ngày Việt Nam tới đó cũng không còn xa đâu vì bây giờ việc lui tới, bắt bớ trở nên quá bình thường đối với những anh em ở đây rồi.

Bạn Bảo ở Saigon

Niềm tin và hy vọng của Bảo được nhiều thanh niên khác chia sẻ, trong đó có Hà Thanh. Mặc dù không lạc quan về một ngày “không còn xa” giống như Bảo, nhưng Hà Thanh tin vào đích đến là một kết quả đẹp như kiểu Lybia cho Việt Nam trong tương lai khi nhìn lại tiến trình đấu tranh dân chủ tại Việt Nam:

"Tất nhiên, phong trào dân chủ ở Việt Nam thì nó cũng có bước tiến so với cách đây khá nhiều năm, bắt đầu có những tiếng nói đối lập ngày càng mạnh dạn hơn và cũng cần nhắc tới là những tiếng nói ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Mình nghĩ là với sự đấu tranh từ từ như thế này thì chắc là Việt Nam sẽ không có một cái kết cục lập tực giống như Lybia, nhưng mình tin tưởng là công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do, dân chủ ở Việt Nam cuối cùng cũng sẽ đi tới kết quả giống như Lybia."

Niềm tin có cơ sở

000_Nic603074-250.jpg
Phe nổi dậy ở thủ đô Tripoli của Libya hôm 22 tháng 8 năm 2011. AFP

Theo nhà văn Võ Thị Hảo, niềm tin vào một sự tự do, dân chủ cho Việt Nam là có cơ sở, bởi Việt Nam vốn đã có những cơ sở quan trọng xác nhận quyền của một con người, thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ việc thực thi quyền này trong thực tế như thế nào. Bà nói:

"Ở Việt Nam, trong một số thời kỳ thì mọi người đã bắt đầu hiểu được manh nha tự do và dân chủ là như thế nào. Chẳng hạn thời kỳ gần đây nhất là năm 1946 có một hiến pháp, trong hiến pháp đó có xác tín xác nhận quyền tự do và dân chủ của người dân và điều đó đã tập hợp được nhiều lực lượng, để sau đó nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tập hợp được để họ có thể thắng.

Thế nhưng sau đó nó bị sửa đổi và mất đi dần dần. Hiện nay trong hiến pháp của Việt Nam, trong một số bộ luật, vẫn còn sót lại một số điều xác nhận quyền tự do và dân chủ của nhân dân, nhưng thực hiện nó hay không lại là chuyện khác. Bởi vậy, ở Việt Nam đã có những cơ sở và cơ sở quan trọng nhất, tôi nghĩ là nước nào cũng có những cơ sở để xác nhận, để mọi người hiểu quyền làm một con người ở trên cuộc đời này là như thế nào, quyền đó là quyền được tạo hóa ban cho và không ai có quyền tước đoạt quyền đó.

Đấy là cơ sở quan trọng nhất để mọi người hướng đến và giữ, đấu tranh cho quyền làm người, quyền tự do và dân chủ của mình. Ở Việt Nam đương nhiên việc đó cũng có nhưng như tôi đã nói, nếu chúng ta không tỏ ra xứng đáng, không cố gắng gìn giữ và hiểu về quyền làm người của mình thì quyền đó luôn luôn bị tước đoạt."

Nói như một số người, “ngày tàn của bạo chúa” đã đến với Lybia và sự kiện này một cách nào đó đã mang đến nhiều cảm xúc cho người dân Việt Nam, nhất là những người luôn trăn trở với vận mệnh của đất nước. Thành trì kiên cố của một chế độ độc tài cai trị đất nước Lybia hơn 40 năm cuối cùng cũng đã sụp đổ trước sức mạnh của lòng dân. Điều này không chỉ là một dấu hiệu cảnh báo cho những chế độ độc tài khác trên thế giới, mà còn là một tín hiệu tốt lành cho người dân ở các nước thiếu tự do, dân chủ tin vào một xu hướng tất yếu của sự phát triển.
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/tri-victory-affects-vn-demo-ka-08222011180320.html

Hàng trăm cô gái Việt Nam lấy chồng Trung Quốc bị mất tích

DR
Anh Vũ

Công an Trung Quốc đã cho mở cuộc điều tra về việc hàng trăm cô gái Việt Nam bị bán làm vợ đàn ông nước này bỗng nhiên bị bắt cóc. Rất có thể những cô gái nói trên lại tiếp tục bị đem bán cho những người đàn ông khác ở Trung Quốc.

AFP hôm 21/08/2011 dẫn nguồn tin từ báo chí chính thứcTrung Quốc cho biết, công an nước này đã cho mở cuộc điều tra về việc hàng trăm cô gái Việt Nam bị bán làm vợ đàn ông Trung Quốc nay bỗng nhiên bị bắt cóc.

Rất có thể những cô gái nói trên lại tiếp tục bị đem bán cho những người đàn ông khác ở Trung Quốc.
Theo bản tin Tân Hoa xã hôm 20/08, công an tỉnh Hồ Nam, (miền trung Trung Quốc) thông báo họ đang tiến hành điều tra vụ rất đông các cô gái Việt Nam trong một khu làng thuộc huyện miền núi Song Phong trong tỉnh Hồ Nam bị mất tích. Những người phụ nữ bị mất tích chính là những người đã bị gả bán làm vợ cho đàn ông Trung Quốc trong vùng. Theo Tân Hoa xã, những ông chồng người Trung Quốc có vợ bị mất tích đã nhận được những cú điện thọai yêu cầu họ phải nộp một khoản tiền chuộc, nếu không vợ họ sẽ bị đem bán.

Một người đàn ông họ Hồ, tại địa phương kể lại với AFP, năm 2008 đã phải bỏ ra hơn 36 nghìn nhân dân tệ (tương ương với 4000 euro) mới có được cô vợ người Việt Nam. Vợ ông bỗng dưng bị mất tích, hai tháng sau bà gọi điện thoại về khóc nức nở nói rằng bà bị bắt cóc và bán sang làm vợ ở một nơi khác, nay họ đòi 20 nghìn nhân dân tệ để chuộc.

Theo AFP thì con số những cô vợ người Việt bị mất tích tại tỉnh Hồ Nam chắc chắn còn cao hơn nhiều, bởi vì có rất đông những ông chồng có vợ bị mất tích không dám khai báo. Họ sợ sẽ bị liên lụy vì đã tham gia mua bán phụ nữ.

Trung Quốc hiện nay đang rơi vào tình trạng mất cân đối về dân số nghiêm trọng. Theo một thống kê mới đây tại Trung Quốc thì đến năm 2020, sẽ có hơn 24 triệu người đàn ông nước này không thể tìm được vợ. Không thể lấy vợ ở trong nước, đàn ông Trung Quốc, chủ yếu ở các vùng nông thôn, đã phải bỏ tiền ra mua các cô vợ được đưa qua từ bên ngoài biên giới mà chủ yếu là từ Việt Nam sang.

Gần đây báo chí tại Việt Nam cũng đã nhiều lần đưa tin về những vụ lừa đảo phụ nữ bán sang Trung Quốc làm gái mãi dâm hoặc làm vợ.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110822-hang-tram-co-gai-viet-nam-lay-chong-trung-quoc-bi-mat-tich

No comments: