Wednesday, March 28, 2012

HIỆN TÌNH TRUNG QUỐC



Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo tham nhũng có thể làm sụp chế độ

Thủ tướng Ôn Gia Bảo sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/2012.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/2012.
REUTERS/Jason Lee

Tú Anh

Nạn tham nhũng có thể làm lung lay nền tảng và thay đổi bản chất chính trị của chế độ Trung Quốc. Trên đây là lời cảnh báo của thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Quốc vụ viện vào lúc hai nhân vật cao cấp nhất của chế độ sắp kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo.

Nạn tham nhũng có thể làm lung lay nền tảng và thay đổi bản chất chính trị của chế độ Trung Quốc. Trên đây là lời cảnh báo của thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Quốc vụ viện vào lúc hai nhân vật cao cấp nhất của chế độ sắp kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo.

Bản tin trên mạng của chính phủ Trung Quốc cho biết là hôm qua, 26/03/2012, trong cuộc họp gồm nhiều nhân vật quan trọng trong chế độ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cảnh báo « tệ nạn tham nhũng là hiểm họa số một đe dọa nền tảng chế độ. Nếu vấn nạn này không được giải quyết thì bản chất chính trị của chế độ sẽ bị thay đổi. Đây là thách thức lớn lao đang chờ đảng Cộng sản Trung Quốc.»

Ông Ôn Gia Bảo khẳng định là « nạn thâm ô tăng đều đặn trong lãnh vực quốc doanh » và « nơi nào mà bộ máy hành chánh tập trung nhiều, nơi nào có tài nguyên nhiều, có vốn nhiều, nơi đó tham ô hoành hành dễ dàng ». Thủ tướng Trung Quốc yêu cầu phải ngăn cấm số tệ nạn như « sử dụng công quỹ, tiền thuế của dân để mua thuốc lá, rượu ngoại, quà cáp, tổ chức liên hoan, hội thảo ». Ông kêu gọi cán bộ cao cấp làm gương công khai hóa tài sản của bản thân và của vợ con.

Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo nạn tham ô đe dọa chế độ. Ngay từ lúc mới lên cầm quyền cách nay 9 năm, hai ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nhiều lần cảnh báo điều đó. Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân lúc đương quyền cũng tuyên bố « tham ô là than hồng thiêu cháy chế độ ».

Công luận càng ngày càng công khai tố cáo và đả kích cán bộ tham ô qua internet. Điển hình là hàng loạt cán bộ tham ô thích khoe khoang đồng hồ đắt tiền đã bị một blogger tố giác trên mạng internet, với hình ảnh và giá tiền cụ thể.

Người dân Trung Quốc cũng không còn thụ động chấp nhận bất công áp bức. Tháng 12 năm ngoái , dân oan làng Ô Khảm, tiếp theo đó là ít nhất hai làng khác ở Quảng Đông đã nổi dậy chống tình trạng cướp đất.

Theo nhận định của giới ly khai, cặp lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thất bại trong việc cải cách tạo cơ sở lành mạnh cho Trung Quốc phát triển bền vững.

tags: Châu Á - Tham nhũng - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120327-thu-tuong-trung-quoc-canh-bao-nan-tham-o-co-the-lam-sup-do-che-do

Trung Quốc bị các tin đồn chính trị khuấy động

Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại phiên bế mạc khóa họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/ 2012.
Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tại phiên bế mạc khóa họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/ 2012.
REUTERS/Jason Lee

Minh Anh

Nhân vật số một tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc bị thất sủng Bạc Hy Lai vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của báo Le Figaro số ra hôm nay. Trong bài viết đề tựa « Trung Quốc bị khuấy động bởi các tin đồn chính trị », Arnaud de la Grange, thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc, cho biết tại Bắc Kinh hiện nay đang xầm xì nhiều tin đồn về các vụ đấu đá và những thủ đoạn chính trị giữa hai phe chính trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc

Arnaud de la Grange nhận xét « cơn bão chính trị Trung Quốc mạnh nhất kể từ hai thập niên nay, với sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai, vẫn chưa chấm dứt». Các tin đồn cho biết đang diễn ra cuộc chiến giành quyền kế vị, thậm chí là tin đồn đảo chính, đang làm khuấy động cư dân mạng, bất chấp biện pháp kiểm duyệt để xoa dịu tình hình.


Tác giả cho biết, vài thông tin hay nhiều câu chuyện ngồi lê đôi mách lan truyền chủ yếu qua báo chí Hồng Kông hay các trang mạng Trung Quốc tại nước ngoài. Theo nhận định của một vị giáo sư đại học, « có nhiều câu chuyện chắc chắn là phóng đại, nhưng mọi sự xáo động bất thường này cũng cho thấy có chuyện gì đang xảy ra. »

Theo các tin đồn, từ đầu tuần này dường như đã xảy ra một « cú đảo chính » do ông Chu Vĩnh Khang cầm đầu. Ông này là người thân cận của Bạc Hy Lai, vốn được ông Giang Trạch Dân, cựu chủ tịch nước bảo hộ. Chu Vĩnh Khang đã dựa vào lực lượng công an vũ trang nhân dân (PAP), một lực lượng bán quân sự. Chu Vĩnh Khang cũng chính là người phụ trách bộ máy an ninh của Ban thường vụ Bộ Chính trị, gồm 9 thành viên chủ chốt. Thậm chí, tin đồn còn cho biết đọ súng đã diễn ra ngay tại Trung Nam Hải, một Tử cấm thành mới của Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của Đảng cộng sản Trung Quốc và của chính quyền Bắc Kinh.

Nhận định về tin đồn này, tác giả cho rằng « cũng có thể ». Nhưng tác giả cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không phải Bamako, khó có thể thấy kiểu đảo chính như vậy diễn ra tại Trung Quốc. Nhưng Arnaud de la Grange nghĩ rằng « các cuộc đọ kiếm giữa hai phe chính trị chính thì rất có thể là thật ». Một cuộc đọ sức giữa phe chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và những người được cựu chủ tịch nước Giang Trạch Dân bảo hộ.

Nhiều nguồn tin chưa được xác nhận một lần nữa khẳng định rằng một cuộc chạm trán dữ dội có lẽ đã diễn ra giữa ông Chu Vĩnh Khang và thủ tướng Ôn Gia Bảo xung quanh việc xử lý số phận ông Bạc Hy Lai. Tin đồn còn nói rằng người ta có lẽ đã đề nghị ông « Sa hoàng an ninh » (từ trong nguyên văn) nên thận trọng, thậm chí là mọi hành vi và cử chỉ của ông ta có lẽ bị « giám sát chặt chẽ ». Ông Ôn Gia Bảo có lẽ cũng đối đầu với các thành viên trong Ban Thường vụ khi đề nghị xét lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Theo tác giả, nhiều người tại Trung Quốc vẫn tò mò muốn tìm hiểu các « bí ẩn Trùng Khánh ». Nhiều sự kiện vẫn chưa được chứng minh cho thấy rằng Bạc Hy Lai và nhiều người thân cận có lẽ đã là đối tượng điều tra trước khi sự kiện chính xảy ra. Dường như chính ông Bạc Hy Lai đã can thiệp vào một vụ điều tra có dính dáng đến một người thân trong gia đình ông. Chính ông Vương Lệ Quân là người đã cung cấp thông tin này đến Bạc Hy Lai.

Và cũng chính vị « siêu công an » (từ trong nguyên văn) đã khuyên Bạc Hy Lai đừng nên dính vào. Có lẽ vì giận dữ nên ông Bạc Hy Lai đã rút Vương Lệ Quân ra khỏi vị trí phụ trách an ninh, giao cho nhiệm vụ quản lý giáo dục. Có lẽ chính vì vậy mà Vương Lệ Quân cảm thấy bị đe dọa, nên mới dẫn đến chuyện ông ta chạy đến xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Theo tác giả, nhiều tin đồn còn đi xa hơn cho rằng vợ của Bạc Hy Lai cũng nằm trong tầm ngắm của cuộc điều tra, rằng bà ấy đã bị nhiều an ninh dẫn đi, cả hai vợ chồng Bạc Hy Lai đang bị quản thúc tại gia và nhiều người thân cận của ông ta trong quân đội đang bị giám sát chặt chẽ.

Các tin đồn giải thích rằng chính các thủ đoạn và cách hành động của Bạc Hy Lai, bị cho là cắt đứt với lề thói của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đã khiến ông bị thất sủng. Người ta nghi ngờ rằng chính ông và Chu Vĩnh Khang đã bơi móc những « hạt sạn » về con trai của thủ tướng Ôn Gia Bảo và những liên hệ của anh ta với nhiều vụ việc. Có lẽ cũng chính hai người này đã tìm cách « thọc gậy bánh xe » cản trở ông Tập Cận Bình, khi tỏ vẻ ngờ vực khả năng lãnh đạo của ông này.

Một nhà quan sát nhận định « trong chiều hướng này, việc gạt bỏ Bạc Hy Lai, nhân vật khó có thể kiểm soát được, có thể sẽ làm nhẹ gánh cho rất nhiều người, ở cả hai phía ».

Từ Lâm Bưu đến Bạc Hy Lai

Cũng liên quan đến chủ đề này, nhà bình luận Alexandre Adler của Le Figaro có bài nhận định khá lý thú khi so sánh sự thất sủng của Bạc Hy Lai với một nhân vật tiếng tăm của Trung Quốc thời Cách Mạng Văn hóa,Lâm Bưu.

Theo tác giả, điểm khác biệt chính giữa hai người này, đó là ông Lâm Bưu là một vị tướng lãnh xuất chúng đã chính thức giữ vị trí số hai của đất nước và quyền lực của ông ta đã giang rộng đến cả quân đội, đến mức mà ông Bạc Hy Lai vẫn chưa thể nào bằng được. Bởi lẽ, cho đến giờ Bạc Hy Lai vẫn chưa là một trong chín thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị.

Thế nhưng, tác giả cho rằng giữa hai nhân vật này có một điểm chung. Lâm Bưu và Bạc Hy Lai là hai nhân cách mạnh mẽ, có nhiều quan niệm độc đáo và mất kiên nhẫn về cơ chế. Ông Lâm Bưu trong giai đoạn 1970-1971, đã tin chắc vào sự hão huyền hoàn toàn của cuộc Cách mạng văn hóa và tìm cách thoát ra khỏi bằng sự xảo quyệt và sự mưu phản. Thậm chí, ông ta đã bí mật nối lại liên lạc với các tướng lãnh thời Xô-viết, những người luôn đánh giá cao ông ta và với người bạn cũ Tưởng Giới Thạch, nhằm thuyết phục ông này rằng Trung Quốc sẽ mở cửa với Đài Loan.

Tuy nhiên, những mưu toan của Lâm Bưu đã bị công an của Mao Trạch Đông phát hiện, ông này phải chọn cách duy nhất là đào thoát, để rồi cuối cùng mất mạng trên bầu trời Mông Cổ. Thế nhưng, chính sự thất bại của Lâm Bưu lại là cơ hội để cho ông Chu Ân Lai có điều kiện thực hiện giải pháp triệt để hơn, đó là việc hòa giải với Hoa Kỳ.

Thế thì, trong trường hợp mới đây, sự ra đi của Bạc Hy Lai dường như sẽ có lợi cho những người luôn đòi dân chủ hóa và mở cửa. Tác giả bài viết cho rằng trong vụ này, người chiến thắng có lẽ là ông Uông Dương, bí thư tỉnh Quảng Đông, người đã nhượng bộ nông dân nổi dậy chống tham nhũng, cũng như ngầm ủng hộ công nhân đình công.

Ông Uông Dương cũng từng là Bí thư tỉnh Trùng Khánh, trước khi ông Bạc Hy Lai đến. Nhiều lời bóng gió cho rằng một số bản án dành cho "những kẻ mafia" trong chiến dịch truy lùng tội phạm do ông Bạc Hy Lai thực hiện còn là nhằm bôi nhọ thanh danh ông Uông Dương, vốn được xem là người bảo hộ thực thụ của ông Tập Cận Bình.

Trong chiến dịch vận động để thăng chức, Bạc Hy Lai đã khôi phục các bài ca cách mạng. Nhưng theo tác giả bài viết, thủ thuật này đã không che khuất kế hoạch cải cách thật sự của ông ta. Ông Bạc Hy Lai vốn chủ trương tự do hóa nền kinh tế theo hướng mở cửa vào thị trường thế giới. Và điểm độc đáo nhất chính là thực hiện chiến lược ưu tiên cho quan hệ với Nhật Bản, một quan niệm khiến cho phái chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa Mao phải hoảng sợ. Đấy chính là điểm giống một cách kỳ lạ với Lâm Bưu, người đã từng, dưới vỏ bọc của một quân nhân, thực hiện chính sách mở cửa theo cách của ông.

Cuối cùng tác giả kết luận, duy chỉ có một điểm khác biệt cơ bản nhất: dù bị quản thúc tại gia và bị đe dọa một phiên xử chính trị, Bạc Hy Lai thực sự vẫn còn sống. Và ở đây, số phận của ông ta cũng khiến người ta nhớ đến giai đoạn vắng bóng ngắn ngủi và có tính chất quyết định của Đặng Tiểu Bình vào những năm 1975-1976.

Dạy trẻ em Nhật thắt lưng buộc bụng

Trong lãnh vực xã hội, báo Le Monde có bài nhận định đang chú ý về tình hình giáo dục ở Nhật Bản trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Trong mục lá thư Châu Á, Philippe Pons cho biết « Trẻ em Nhật Bản học cách thắt lưng buộc bụng từ ghế nhà trường ».

Xuất phát từ một ghi nhận rất đơn giản, đó là nền kinh tế sẽ tiếp tục ảm đạm, các bậc cha mẹ Nhật Bản nghĩ rằng nên dạy con cái học cách sống tiết kiệm hơn. Tác giả cho biết, chỉ trong vòng có hai thập niên, Nhật Bản trải qua hai giai đoạn cực kỳ khó khăn : thứ nhất là bong bóng địa ốc bị vỡ năm 1990 và kế đến là tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ.

Theo tác giả bài viết, hệ quả của hai cuộc khủng hoảng là sự bấp bênh ngày càng tăng (1/3 số người phải làm các công việc tạm bợ), tỷ lệ thất nghiệp cao, hai triệu người phải sống nhờ trợ cấp xã hội … Nhìn chung, tầng lớp trung lưu Nhật Bản ngày càng nghèo và một tương lai đen tối đang chờ đón nhiều thế hệ sắp lớn.

Từ những tranh luận về cái được và không của mô hình tư bản, các trường học Nhật Bản đề cập đến vấn đề « thắt lưng buộc bụng ». Họ dạy cho trẻ hiểu như những gì mà các bậc cha mẹ trên thế gian này vẫn thường nói : « Tiền không phải từ trên trời rơi xuống ». Tác giả cho biết, một kết quả điều tra do báo Asahi thực hiện ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước đã nêu bật mối bận tâm mới của các bậc phụ huynh.

Theo điều tra của nhật báo, những đứa trẻ trong xã hội phồn vinh có một khái niệm rất mơ hồ về « đồng tiền ». Với việc sử dụng điện thoại di động như là một ví tiền điện tử, trẻ không có một chút gì khái niệm về giá trị số tiền mà trẻ tiêu dùng. Ví dụ, khi được hỏi « Tiền ở đâu mà có ? », câu trả lời sẽ là « Ở ngân hàng ». Hay khi được hỏi « Con sẽ làm gì khi con hết tiền ? » Trả lời « Con sẽ đến ngân hàng ».

Tác giả cho biết, từ lâu Bộ giáo dục và các hiệp hội phụ huynh học sinh vẫn ngại đưa khái niệm « đồng tiền » thành một môn học, do họ e ngại sẽ gợi cho trẻ ý tưởng « tôn thờ đồng tiền ». Tuy nhiên, với khủng hoảng tài chính, nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng có lẽ tốt hơn hết nên dạy cho trẻ một chút kiến thức cơ bản về « đồng tiền », để sau này khi lớn trẻ có thể tránh được những vụ lừa đảo mà nhiều người ký gởi tiền tiết kiệm vẫn luôn là nạn nhân. Chính vì điều này, một bộ sách giáo khoa về hệ thống tài chính và tư bản sẽ được phổ biến vào tháng tư năm nay tại các trường cấp II Nhật Bản.

tags: Châu Á - Chính trị - Trung Quốc - Điểm báo

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120324-trung-quoc-bi-khuay-dong-boi-cac-tin-don-chinh-tri

Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc

Ông Uông Dương, bí thư Quảng Đông (trái) và ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh.
Ông Uông Dương, bí thư Quảng Đông (trái) và ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh.
REUTERS

Đức Tâm

Trung Quốc đang trong quá trình chuẩn bị thế hệ lãnh đạo thứ 5. Vậy, việc ông Bạc Hy Lai bị cách chức ngày 15/03/2012 đánh dấu sự thắng thế của « mô hình Ô Khảm » đối với « mô hình Trùng Khánh » ? Phe Đoàn Thanh niên cộng sản lấn lướt được phe « Hoàng tử đỏ » ? RFI dịch và giới thiệu bài « Đại biến động trong trung tâm quyền lực Trung Quốc » của Arnaud de la Grange, thông tín viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh. Bài đăng ngày 16/03/2012.

Tất cả đã bắt đầu từ buổi tối mùa đông giá lạnh, trong một bầu không khí có hương vị chiến tranh lạnh. Thế nhưng, nếu kịch bản câu chuyện giống như một bộ phim Hollywood, thì các diễn viên lại hoàn toàn có thật, và đó là các nhân vật chính yếu của một nước Trung Quốc, cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Ngày 06 tháng Hai vừa qua (2012), ông Vương Lập Quân đến, hay đúng hơn là đến tỵ nạn, tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Ông Vương là phó thị trưởng Trùng Khánh, siêu đô thị với 30 triệu dân, cách Thành Đô khoảng ba giờ đường bộ. Ông chịu trách nhiệm về an ninh và chính viên « siêu cảnh sát » này, với phương cách hành xử « cơ bắp », đã tiến hành cuộc chiến chống lại các « hắc đảng », những thế lực mafia ở địa phương. Với vị trí này, ông là thuộc hạ thân tín của lãnh đạo Đảng ở Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, một gương mặt quan trọng trong bộ máy lãnh đạo chính trị Trung Quốc, một trong những nhân vật đang khao khát có chân trong Thường vụ Bộ Chính trị trong dịp thay đổi thành phần vào mùa thu tới. Nhưng bước đường hướng tới tầm cỡ lãnh đạo quốc gia của ông Bạc Hy Lai chắc chắn đã dừng lại hôm thứ Năm vừa qua (15/03) với việc ông bị cách chức.

Tại Thành Đô, vào tối tháng Hai đó, các sự kiện nhanh chóng mang dáng dấp thảm kịch. Trên Vi Bác, mạng xã hội Twitter Trung Quốc, các cư dân mạng nói là có hàng chục xe của lực lượng cảnh sát và bán vũ trang được triển khai xung quanh cơ quan đại diện Mỹ. Ông Vương Lập Quân đã ở trong lãnh sứ quán khoảng 24 giờ. Điều gì đã xẩy ra trong suốt những giờ phút dài đằng đẵng đó. Vẫn hoàn toàn bí ẩn. Ngưòi ta nói rằng quan chức cao cấp này dường như xin tỵ nạn chính trị tại Mỹ. Vô ích. Các nhà ngoại giao Mỹ đã khẳng định, đúng là ông Vương đã tới Thành Đô, nhưng ông đã « tự nguyện » rời khỏi lãnh sự quán và họ không tiết lộ gì thêm nữa.

Người ta tưởng tượng đến bầu không khí sôi sục giữa hai cường quốc lớn, những cú điện thoại của các quan chức Trung Quốc cảnh báo những mối nguy hiểm về một cuộc phiêu lưu như vậy… Trong một cuộc nói chuyện với đài truyền hình Phượng Hoàng Hồng Kông, vào tuần trước, thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm (Huang Qifan) đã nhả ra một vài thông tin. Ông thổ lộ là đã bỏ ra 2-3 tiếng đồng hồ để dỗ dành, thuyết phục ông Vương Lập Quân ra khỏi lãnh sự quán Mỹ. Do vậy, ông cho là đã tránh được một cuộc « khủng hoảng ngoại giao » nghiêm trọng. Trên thực tế, tối 07/02, ông Vương ra khỏi nơi tỵ nạn tạm thời. Các nhân viên an ninh quốc gia đón ông. Ngay hôm sau, 08/02, ông Vương được đưa lên Bắc Kinh bằng máy bay, từ đó, ông bị thẩm vấn trong những điều kiện được giữ bí mật. Cũng trong ngày hôm đó, một thông cáo cho biết ông Vương nghỉ phép vì « làm việc quá sức »… Câu chuyện « Thanh tra Eliot Ness Trùng Khánh » có cảm hứng từ bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng (*). Ông Vương giờ đây đã khoác bộ trang phục mầu ghi xám của « kẻ phản bội », bị nghi ngờ tham nhũng và có những phương cách làm việc phạm luật.

Khi chấp nhận rủi ro « được ăn cả, ngã về không » này, phải chăng tính mạng ông Vương bị đe dọa ? Ông đã mang theo những hồ sơ gì khi vào lãnh sự quán Mỹ ? Báo chí Hồng Kông nói rằng ông có một số thông tin bất lợi cho ông Bạc Hy Lai, rằng nhiều ngày trước khi xẩy ra sự cố, ông Vương đã viết một bức thư gửi cơ quan đáng gờm là Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương Đảng, cấp báo về một số việc bất hợp lệ của thủ trưởng ông ta. Cũng không quan trọng lắm. Điều cơ bản là vụ việc đã làm dấy lên một cơn bão chính trị dữ dội nhất mà Trung Quốc chưa hề thấy từ rất lâu nay và làm lộ rõ những biến động trong việc chuyển giao quyền lực chính trị năm 2012, một sự kiện mà mỗi thập niên chỉ xẩy ra một lần tại đây. Ở Trung Quốc cũng vậy, « chiến dịch vận động tranh cử » - theo kiểu chủ nghĩa xã hội thị trưòng – đã thực sự được khởi động. Và dao nhọn đã được rút ra trong cuộc đấu đá giữa các phe phái khác nhau, giữa các đường lối khác nhau.

Trong những trận chiến trong bóng tối này, chỉ thỉnh thoảng người ta mới trông thấy ánh phản quang của dao. Theo thông lệ, đấu đá chỉ diễn ra trong bóng tối. Giống như thời cổ xưa của Liên Xô và của kiểu nghiên cứu « Kremlin học », người ta chỉ có thể phỏng đoán, tìm kiếm những điểm khác biệt tinh tế trong những lời phát biểu lạnh lùng, bài bản theo kiểu « lưỡi gỗ », dò xem kỹ lưỡng những bức ảnh chính thức để đếm kẻ vắng mặt, người hiện diện, đánh giá về thứ hạng của các nhân vật trong bộ máy quyền lực tùy theo vị trí của họ…Đúng vậy, trong những ngày vừa qua, kỳ họp thường niên của Quốc hội là dịp để quan sát, phỏng đoán. Hôm thứ Năm, các nhà quan sát bình luận nhiều về sự vắng mặt của ông Bạc Hy Lai trong một cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị. Ông đã cho biết là bị « cúm nhẹ ». Hôm sau, ông tham gia vào một cuộc gặp với báo chí của đoàn đại biểu Trùng Khánh. Vào dịp đó, ông thừa nhận « khuyết điểm không giám sát ».

« Chín Hoàng đế »

Có hai dữ kiện xác định khuôn khổ các cuộc đối đầu đang diễn ra. Dữ kiện đầu tiên là tính lãnh đạo tập thể tại Trung Quốc mà trung tâm quyền lực là Ban Thường vụ Bộ Chính trị, với chín thành viên, được gọi là « Chín Hoàng đế ». Chính từ đây mà những thoả hiệp được hình thành, những đồng thuận chung được đưa ra. Cần phải biết là tầng lớp cao cấp trong giới lãnh đạo cộng sản không hề là một khối thống nhất. Có những thiên hướng bảo thủ hơn, có những thiên hướng cải cách hơn và nhất là tầng lớp này lại chia thành vài phe phái lớn với những liên minh đôi khi đan chéo nhau. Dữ kiện lớn thứ hai, đó là sự cần thiết đối với vị chủ tịch mãn nhiệm giữ được các phương tiện chi phối quyền lực, vì nên biết rằng thế hệ thứ 5 các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cầm cương điều khiển đất nước trong 10 năm trời, tới tận năm 2022. Như ông Giang Trạch Dân đã làm cách nay 10 năm, chủ tịch Hồ Cẩm Đào phải xếp đặt càng nhiều người của ông càng tốt vào trong bộ máy quyền lực cao nhất, để giữ được khả năng tác động, chi phối.

Do đó, vụ ông Bạc Hy Lai, có thể được diễn giải nhiều cách khác nhau. « Tất cả các diễn giải này vừa đúng vừa sai », như lời một nhà ngoại giao. Đó là cuộc chiến giữa hai phái, phái Đoàn Thanh niên Cộng sản và phái « con các hoàng tử » hoặc đó là cuộc chiến giữa « mô hình Trùng Khánh », bảo thủ hơn và « mô hình Ô Khảm », cải cách hơn. Trong trường hợp thứ nhất, có lẽ trước hết là cuộc đấu đá giữa các nhân vật vì quyền lực. Trong trường hợp thứ hai, đó là một sự đối chọi giữa hai tầm nhìn về một nước Trung Hoa trong tương lai.

Cuộc chiến giữa hai phái gần như là một sự đối đầu của « giới quan chức chống lại các hoàng tử ». Thực vậy, một bên là Đoàn Thanh niên mà thủ lĩnh là chủ tịch Trung Quốc hiện nay, ông Hồ Cẩm Đào. Trong nhiều trường hợp, đó là những người xuất thân từ giới bình dân và nhờ công trạng mà lên cao trong bộ máy chính quyền. Như vậy, họ không có « máu xanh – có dòng dõi quý tộc ». Bên kia chiến hào là phe « con các hoàng tử » trong đó có ông Tập Cận Bình, mà ai cũng cho rằng ông sẽ là chủ tịch tương lai của Trung Quốc. Họ là thành viên của tầng lớp quý tộc đỏ, hậu duệ của những anh hùng lập ra nền Cộng hòa Nhân dân. Đối với ông Lâm Hoà Lập (William Lam), người am hiểu những điều bí mật trong bộ máy quyền lực Trung Quốc, giờ đây, người ta đang chứng kiến việc xem xét lại một thỏa hiệp đã đạt được hồi năm ngoái, dựa trên việc chia ba số ghế trong cơ cấu quyền lực « Chín Hoàng đế » : Ba ghế cho phái Đoàn Thanh niên, ba ghế cho phe các hoàng tử, trong đó có ông Tập Cận Bình và ba ghế cho các phe phái khác. Trong một bài viết của Jamestown Foundation, ông Lâm Hòa Lập cho rằng ông Hồ Cẩm Đào và các thuộc hạ của ông đã chỉ đạo « sự bất trắc » Trùng Khánh, thúc đẩy nhanh sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai. Chỉ còn cần đồng thuận với nhau về người thay thế ông Bạc Hy Lai…

« Sự phá sản của mô hình Trùng Khánh »

Về thực chất, dường như cũng có sự đối đầu giữa hai mô hình. Mô hình Trùng Khánh mà ông Bạc Hy Lai muốn thấy toàn Trung Quốc áp dụng. Đó là một dạng thỏa hiệp kết hợp giữa việc quay trở lại tư tưởng bình đẳng kiểu Mao và một sự mở cửa về kinh tế dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước. Mô hình kia, mà một số người, từ nay coi đó là « mô hình Ô Khảm », ý muốn nói tới khu làng nổi dậy ở miền nam Trung Quốc vừa mới thực hiện cuộc bỏ phiếu cấp địa phương tự do đầu tiên. Ngưòi đã giải quyết cuộc khủng hoảng này là vị đứng đầu tỉnh Quảng Đông, ông Uông Dương (Wang Yang). Đây là người được chủ tịch Hồ Cẩm Đào che chở, cũng có thể sẽ tham gia vào nhóm Chín Hoàng đế và là đối thủ chính của ông Bạc Hy Lai. Được coi là người rất ủng hộ tự do kinh tế, ông chủ trương phải mạnh dạn hơn nữa trong cải cách, qua việc giảm vai trò của Đảng, nới lỏng hơn sự kiềm chế đối với xã hội dân sự. Một nhân vật chủ chốt trong phe tân tả theo tư tưởng Mao, ông Dương Phàm (Yang Fan), tác giả một cuốn sách ca ngợi ông Bạc Hy Lai, tựa đề « Mô hình Trùng Khánh », vừa thừa nhận là cần có thêm một cái nhìn khác về trường hợp Ô Khảm…

Đối với ông Trương Minh (Zhang Ming), giáo sư ở đại học Nhân dân, việc cách chức ông Bạc Hy Lai báo hiệu sự « phá sản của mô hình Trùng Khánh và bật tín hiệu cho đường lối cải cách hiện đại hơn, nhưng không quá thiên tả ». Nhà nghiên cứu Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), thuộc Viện Đông Nam Á, đại học Quốc gia Singapore, nhận định, « cho đến nay, có một sự đối địch, tranh đua liên tục giữa hai đưòng lối này. Giờ đây, đường lối Trùng Khánh bị gạt bỏ, các lãnh đạo mới của Trung Quốc có thể tự do hơn nhằm tìm được đồng thuận chung và thúc đẩy cải cách. Điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào họ ».

Do đó, một số người tự hỏi phải chăng có một sự trùng hợp giữa vụ nổ chính trị và việc đăng trên các phương tiện truyền thông chính thống những bài viết có giọng điệu « cải cách » hơn là bình thường, kể cả về mặt xã hội và chính trị. Người ta tấn công các « nhóm lợi ích », nhất là những người đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước, dường như đã ngăn chặn cải cách. Từ đó mà suy luận rằng thời của những đại cải cách đã đến, là viển vông, vì vẫn còn một khoảng cách rộng bằng nước Trung Hoa. Vả lại, việc trấn áp những tiếng nói bất đồng không hề giảm. Và các giai đoạn quá độ vẫn chỉ đưa đến nguyên trạng. Chuyên gia Lâm Hòa Lập cũng lưu ý là các nhà lãnh đạo cộng sản có « truyền thống lâu đời sử dụng những nhân vật cải cách triệt để và những ngưòi có tư tưởng tự do về kinh tế như những con tốt trong các thủ đoạn chính trị, để rồi sau đó gạt bỏ chúng đi khi trận chiến giành quyền lực kết thúc ».

(*) : Eliot Ness (1903 – 1957) là thanh tra cảnh sát nổi tiếng chống băng đảng tội phạm trong thời kỳ nước Mỹ cấm buôn bán rượu 1920 – 1930 (Probibition). Đây là đề tài của bộ phim truyền hình nhiều tập « The Untouchables », chiếu trên đài ABC từ 1959 đến 1963 tại Mỹ.

tags: Châu Á - Chuyên mục trên mạng - Trung Quốc

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120322-dai-bien-dong-trong-trung-tam-quyen-luc-trung-quoc


Yêu cầu TQ điều tra vụ doanh nhân đột tử
Cập nhật: 09:24 GMT - thứ hai, 26 tháng 3, 2012

Phó Thủ tướng Trương Đức Giang (trái) được Đảng cử nắm chức Bí thư Trùng Khánh thay ông Bạc Hy Lai (phải)

Anh Quốc chính thức yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc điều tra vụ một doanh nhân Anh chết tại Trùng Khánh trong thời kỳ ông Bạc Hy Lai làm Bí thư.

Tin tức từ các báo Anh và Mỹ đang tập trung vào vụ ông Nick Heywood, một doanh nhân qua đời tháng 11 năm ngoái ở Trùng Khánh và xác được hỏa thiêu ngay.

Theo báo Mỹ Wall Street Journal thì giám đốc công an Trùng Khánh khi đó, ông Vương Lập Quân, đã "mất lòng cấp trên là Bạc Hy Lai" sau khi thảo luận với ông Bạc về khả năng ông Heywood bị "đánh thuốc độc chết".

Ông Vương cũng nói rằng vợ của ông Bạc, bà Cổ Khai Lai, đã "dính líu vào một vụ tranh chấp làm ăn với ông Heywood", theo báo Mỹ trích lời một số người biết chuyện.

Các báo Anh đầu tuần đều mô tả chuyện "những đồn đại ở Trung Quốc về mối liên hệ giữa cái chết của Nick Heywood và nhân vật bị cách chức, Bạc Hy Lai".

Họ cũng tập trung vào chuyện con trai ông bà Bạc là Bạc Qua Qua từng du học ở Oxford, Anh Quốc, trước khi sang Harvard, Hoa Kỳ.

Gia đình họ bác bỏ cáo buộc chuyện thanh niên này du học nhờ quan hệ của cha mẹ và nói Bạc Qua Qua nhận được học bổng nước ngoài.

Nhưng tờ Daily Mail tại Anh nay cho rằng chính phong cách lãng tử và 'ăn chơi tàn bạo' của Bạc Qua Qua, 24 tuổi, có thể góp phần "đưa đến chỗ sụp đổ sự nghiệp chính trị" của cha anh ta.

Phóng viên BBC Michael Bristow từ Bắc Kinh viết rằng có tin đồn đoán ông Nick Heywood từng làm người hầu cho Bạc Qua Qua khi ở Anh.

'Có nghi vấn'

Còn theo Reuters hôm thứ Hai 26/3, Anh Quốc chính thức yêu cầu Trung Quốc điều tra về chi tiết liên quan đến vụ đột tử của ông Heywood ở Trùng Khánh.

Nhiều lời đồn đoán về nguyên nhân ông Nick Heywood (có báo viết là Neil Heywood) chết được nêu ra trong các trang mạng xã hội (microblog) ở Trung Quốc.

Nguyên nhân cái chết của ông Heywood khi đó được công an Trung Quốc nêu ra là "vì lý do uống rượu quá mức" nhưng phía Anh xác nhận ông không phải là người uống rượu bia.

"Có bối cảnh liên quan đến cái chết [của ông Nick Heywood] gây nghi vấn.""

Bộ Ngoại giao Anh

Reuters trích lời một quan chức Bộ Ngoại giao Anh ở London hôm Chủ Nhật 25/3 nói:

"Chúng tôi gần đây đã yêu cầu phía Trung Quốc điều tra thêm sau khi có những gợi ý rằng bối cảnh liên quan đến cái chết [của ông Heywood] gây nghi vấn."

Bộ Ngoại giao Anh nói họ biết có lời đồn đại về vụ việc nhưng không đồng ý chấp nhận các ý kiến đó là xác thực.

Hãng Reuters cũng cho hay chính quyền Trùng Khánh và văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận từ báo chí về vụ này.

Bạc Qua Qua, con trai ông Bạc Hy Lai, nổi tiếng 'ăn chơi tàn bạo' khi du học ở nước ngoài

Gia đình ông Nick Heywood cũng từ chối không bình luận, theo Reuters.

Ông Bạc Hy Lai bị mất chức bí thứ Đảng ở đại đô thị Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, trong một cuộc đấu đá nội bộ mà giới quan sát cho là chưa từng có từ 1989.

Chính thức mà nói, ông bị lãnh đạo Đảng ở Bắc Kinh cách chức sau khi người cấp dưới của ông, Giám đốc Công an Vương Lập Quân chạy vào Tòa Lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành Đô trú ẩn một đêm.

Sau đó ông Vương bị bắt và ông Bạc về Bắc Kinh dự họp Quốc hội để rồi bị cách chức.

Hiện nay, Trùng Khánh đã có tân bí thư và giám đốc công an nhưng ông Bạc về mặt giấy tờ vẫn là ủy viên Bộ Chính trị.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Phó Thủ tướng Trương Đức Giang kiêm nhiệm chức tân Bí thư Trùng Khánh, một chỉ dấu cho thấy đây có thể chỉ là vai trò tạm thời cho ông Trương.

Từ sau khi họp Quốc hội chấm dứt giữa tháng 3, ông Bạc không xuất hiện công khai, gây ra tin đồn ông bị giam tại gia.

Dù chuyện gì hiện đang xảy ra với ông, các nhà quan sát tin rằng tương lai chính trị c̉ua ông Bấm Bạc Hy Lai không còn nữa nhưng dư âm của vụ việc tại Trùng Khánh có vẻ chưa lắng đi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120326_uk_boxilai_heywood_death.shtml


Cuộc đua khép kín
Cập nhật: 02:41 GMT - thứ sáu, 16 tháng 3, 2012
Những nhân vật được dự kiến làm nên thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc

Cuộc canh trạnh trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc rất quyết liệt

BBC giới thiệu bài viết của Michael Bristow, phóng viên BBC tại Bắc Kinh, về cuộc đua quyền lực tại Trung Quốc. Bài viết lên mạng lần đầu ngày 13/3, khi chưa có việc cách chức ông Bạc Hy Lai, một diễn biến chứng tỏ chính trị Trung Quốc vẫn khó đoán trước.

Không có trưng cầu dân ý, không có ứng viên chính thức, thậm chí không có cả cuộc đua được công bố – nhưng chiến dịch chính trị đã bắt đầu ở Trung Quốc.

Các chính trị gia cao cấp của Trung Quốc đang cạnh tranh nhau để được đề bạt khi Đảng cộng sản sắp sửa thay thế bộ máy lãnh đạo của mình vào cuối năm nay.

Một số người đang sử dụng phiên họp thường niên của Quốc hội, hay còn gọi là Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, vừa kết thúc hôm 14/3 tại Bắc Kinh để thúc đẩy những lợi ích đối lập nhau.

Bất cứ ai trở thành người những người đứng đầu Đảng cộng sản sẽ được các Đảng viên cấp cao lựa chọn trong một quy trình ít người biết thông qua các cuộc họp kín.

Người dân Trung Quốc không hề được tham gia.

Nhưng vẫn có những người tin rằng 1,3 tỷ dân của quốc gia này phải có tiếng nói lớn hơn trong việc lựa chọn lãnh đạo đất nước.

Trung Quốc sẽ bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực cho một đội ngũ lãnh đạo mới vào cuối năm nay khi Đảng Cộng sản cầm quyền tiến hành đại hội lần thứ 18.

Bảy trong số chín thành viên Thường vụ Bộ chính trị – cơ quan đầu não quan trọng nhất trong hệ thống chính trị Trung Quốc – sẽ rút lui.

Chỉ còn hai ủy viên là phó Chủ tịch Tập Cận Bình và phó Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn giữ ghế của mình trong Thường vụ Bộ chính trị.

Bảy ghế trống còn lại sẽ mở cho các ứng viên.

Diễn đàn vận động

Mặc dù người dân Trung Quốc không thể bầu các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị thông qua một cuộc bầu cử, những ứng viên tiềm năng đều phải thể hiện sức hút của mình đối với công chúng.

"Các cuộc cải cách của chúng ta sẽ tiến một bước quan trọng về phía trước nếu chúng ta đại diện cho lợi ích của đa số nhân dân chứ không chỉ là lợi ích của các nhóm thiểu số."

Uông Dương, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông

Chính vì thế mà các chính trị gia tham dự kỳ họp Quốc hội lần này đã tìm cách thể hiện điểm mạnh của mình.

Một người đang đặt nhiều mong đợi vào Đại hội Đảng lần này là Uông Dương, bí thư tỉnh ủy đương nhiệm của Quảng Đông, trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc.

Ông Uông nổi tiếng là một nhà cải cách – chủ đề mà ông nhấn mạnh trong cuộc họp riêng của đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Đông.

“Các cuộc cải cách của chúng ta sẽ tiến một bước quan trọng về phía trước nếu chúng ta đại diện cho lợi ích của đa số nhân dân chứ không chỉ là lợi ích của các nhóm thiểu số,” ông phát biểu trong tiếng vỗ tay vang dội.

Cũng như các chính trị gia tài giỏi khác, ông Uông biết cách nói chuyện với đám đông, nói đùa và tranh thủ tình cảm của quần chúng.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo chào từ biệt báo chí sau phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ rút khỏi Thường vụ Bộ chính trị

Trong một phiên hỏi đáp với các nhà báo, ông nói rằng các cuộc bầu cử trưởng làng không nên chỉ là ‘hình thức’.

Vị bí thư tỉnh ủy 56 tuổi này trông khác một chút so với các ứng cử viên khác. Ông để tóc bạc tự nhiên ở hai bên chứ không cố giữ tóc đen nhánh nhưng hầu hết các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, là một nhân vật khác được dự kiến đề bạt cho các vị trí lãnh đạo đất nước mặc dù trong kỳ họp Quốc hội lần này ông tỏ ra lặng lẽ hơn bình thường vì một vụ tai tiếng liên quan đến cựu giám đốc công an Trùng Khánh.

Nhưng ngay cả ông Bạc cũng có thể chuyển tải tầm nhìn chính trị của mình đến cử tọa.

“Nếu chỉ có một số ít người giàu thì chúng ta là tư bản và khi đó chúng ta thất bại,” ông phát biểu trong một cuộc họp của đoàn đại biểu Trùng Khánh.

Cuộc đua gay gắt

Truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa rất ít về cuộc chạy đua chính trị này vốn được quyết định bởi vài trăm lãnh đạo cao cấp của Đảng nằm trong Ban chấp hành trung ương.

Tuy nhiên Willy Lam ở trường Đại học Hong Kong của Trung Quốc nhận định cuộc cạnh tranh vào các ghế trong Thường vụ Bộ chính trị rất gay gắt.

“Họ sẽ gặp nhau ở hậu trường để bàn bạc mua bán phiếu và triệt hạ đối thủ để tranh giành quyền lực,” ông nói.

Lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc

Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ có một cuộc chuyển giao quan trọng sau một thập niên

Bất cứ ai giành chiến thắng vào cuối năm nay thì một điều vẫn chắc chắn: dân thường nước này chỉ có một vai trò tối thiểu trong cuộc lựa chọn chính trị này.

Điều này làm phiền lòng bà Dạ Cảnh Thuần, một cư dân Bắc Kinh.

Người phụ nữ 55 tuổi này là một trong số ngày càng nhiều những người dân Trung Quốc muốn tham gia vào hệ thống chính trị để có tiếng nói trong việc điều hành đất nước.

Nhưng cũng giống như những người trước đó, bây giờ bà đã biết rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề nhẫn nại với những người có thể chống đối chế độ.

‘Không muốn dân chủ’

Bà Dạ là một trong số hàng chục các ứng viên độc lập tham gia tranh cử tại các cuộc bầu cử vào hội đồng nhân dân cấp quận vừa diễn ra ở Bắc Kinh.

Bà muốn ra tranh cử ở Quận Tây Thành của Bắc Kinh.

Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã đưa tin rầm rộ về cuộc bầu cử ở quận này bởi vì có sự tham gia của một cử tri rất nổi tiếng là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Truyền thông chính thức của nhà nước chiếu hình ảnh ông Hồ đẩy lá phiếu vào thùng phiếu. “Tôi vui sướng được thực hiện quyền cử tri của mình,” ông phát biểu với truyền thông.

Tuy nhiên bà Dạ thì không được vui sướng như thế.

Bà nói khi bà tìm cách đăng ký tranh cử, bà đã bị cảnh sát quấy rối, tấn công và cuối cùng là bị ngăn không cho đưa tên mình vào danh sách ứng cử viên.

“Lúc đầu tôi nghĩ là họ sẽ để cho tôi ra tranh cử, nhưng dần dần mọi thứ trở nên quá khó khăn. Sự đàn áp là quá đáng,” bà than phiền.

"Chính phủ Trung Quốc không bao giờ muốn dân chủ thật sự."

Dạ Cảnh Thuần, người dân Bắc Kinh

Không thối chí, bà vẫn vận động tranh cử. Bà đứng ở các khu căn hộ phát tờ rơi và nói với người dân về các ý định của bà.

Khi ngày bầu cử đến, bà viết tên mình vào phiếu bầu – một việc làm được pháp luật cho phép ở Trung Quốc – và yêu cầu những người ủng hộ bà làm tương tự.

Tuy nhiên bà Dạ không biết bà nhận được bao nhiêu phiếu bầu vào ngày hôm đó vì số lượng phiếu mà mỗi ứng cử viên đạt được không bao giờ được công bố.

“Chính phủ Trung Quốc không bao giờ muốn dân chủ thật sự,” bà bình luận sau đó.

Chắc chắn đây là điều đang xảy ra hiện giờ.

Các lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc đang ở trong một cuộc chiến để xác định ai trong số họ sẽ định hình đất nước trong thập kỷ kế tiếp mặc dù cuộc chiến này hoàn toàn bỏ qua người dân.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120315_china_secret_race.shtml

No comments: