Wednesday, March 21, 2012

SƠN TRUNG * HÁT RU & HÁT DẶM NGHỆ TĨNH BÌNH



HÁT RU & HÁT DẶM NGHỆ TĨNH BÌNH
Sơn Trung
sưu tập

Nước ta có nhiều ca dao, đó là cội nguồn văn hóa của ta.Ca dao được dùng vào trong sinh hoạt của nhân dân:
-Dùng để nói năng
-Dùng để ru trẻ
-Dùng để trao duyên.
-Dùng để ca hát trong khi lao động


Đó là bốn công dụng lớn của ca dao. Nếu chia theo thể loại thơ thì có thể chia thành mấy loại sau:
-Lục bát hay lục bát biến thức.
-Song thất lục bát.
-Ngũ ngôn hay ngũ ngôn biến thức ( chen những câu bốn hay 6, 7 chữ)
-Nói lối: câu bốn chữ

Ca dao được dùng để ca hát trong nhân dân cho nên cũng gọi là dân ca.Sau này tân nhạc nổi lên, áp dụng nhạc Tây phương vào trong ca dao cho nên loại tân nhạc này cũng được gọi là dân ca.
Trong dân ca của dân tộc, có nhiều thể loại tùy theo động tác sinh hoạt hay lời lẽ của bài ca mà gọi tên.


Về sinh hoạt thì có những loại như hát đò đưa, hò giã gạo, hò huê tình, hát ví phường vải...
Về lời ca thì có mái nhì, hò mái đẩy, hò khoan, hò hụi vì trong bài, khởi đầu hay sau một đoạn thì cả nhóm cùng hát lên hò khoan, hò hụi, là hố...Các loại hò này dù tên khác nhau nhưng đều là ca hát trên sông nước.

Người ta gọi hát cò lả vì khởi đầu có câu Con cò bay lả bay la...

Loại hát trong lao động phần lớn cũng là hát huê tình. Hát ví phường vải, phường nón, hò mái nhì, hò huê tình thường có ba bước. Bước thứ nhất là chào hỏi, bước thứ hai là tỏ tình, bước thứ ba là kết thúc để ra về. Trong phần thứ hai nội dung là tỏ tình mà cũng có thể là hát đối đáp, mà phần lớn là đối đáp. Đây là trò chơi trí tuệ, cũng nằm trong loại câu đố của văn chương truyền khẩu nước ta. Loại đối đáp này đều phổ thông trong các dân ca ba miền.

Các loại hát này có thể chia làm hai loại: đơn ca hay hợp ca. Có thể vừa đơn ca vừa hợp ca. Ngày nay, trong nhiều clip là hợp ca nhưng thực tế e không phải thế. Vì khi đối đáp, có những cá nhân đặt ra câu mới thì bên phe khác cũng phải tìm câu mới mà trả lời, cho nên không có hợp ca trong trường hợp này. Như trong hát trao duyên, quan họ, trống quân, hò mái nhì, lúc mới vào và lúc ra về, có thể theo khuôn mẫu cũ mà hợp ca.

Hát quan họ là sinh hoạt đối đáp giữa nam và nữ có các quan viên các nơi tới tham dự. Quan là những người có chức quyền,làm việc trong triều đình hoặc các bộ viện hay xã thôn. Nhưng quan viên cũng là nói chung một cách tôn trọng những quý khách.
Họ là họ hàng.Trong đám cưới, có hai họ nam nữ cho nên người ta gọi là quan viên hai họ. Trong cuộc ca hát ở Bắc Ninh có nhiều khách các nơi đến cho nên người ta gọi khách là quan họ ( quan viên các họ).

Họ cũng có nghĩa là một nhóm đông, một tập thể như họ đạo. Họ có thể do chữ Hội mà ra là hội họp, tụ hội, một nhóm người họp lại , Hội thành ra hụi, hụi thành ra họ như ngồi hụi, ngồi họ. Như vậy có thể hiểu họ là hội, là đám đông và quan họ , hát quan họ là các quan viên, các quý khách hội họp để ca hát.
Còn trống quân là nam nữ ca hát có cái trống ở giữa, vừa hát vừa đánh trống thì thùng, đệm cho câu hát.


Về nghệ thuật kết cấu câu ca thì như người ta gọi là hát dặm hay dậm là bài hát dài, thường theo lối thơ ngũ ngôn, theo cước vận, nhưng đôi khi cũng có câu 4 chữ hay 6, 7 chữ. Mở đầu thường có cặp lục bát sau mới đến bài ngũ ngôn, nhưng phần nhiều vào ngay ngũ ngôn. Có những câu lập lại cho nên lối hát này là lối hát dặm hay dậm.(Dặm hay Dậm là thêm vào, lập lại, đan vào, chêm vào). Cũng như điệp khúc của âm nhạc, là sự lập lại, nhưng hát dặm thỉnh thoảng trong bài, khoảng năm hay mười câu mới có một câu lập lại.
Lo tư gia nội trợ/Lo cửa nhà nội trợ…
Thầy tơ tưởng đêm ngày /Mẹ tơ tưởng đêm ngày..
.

Ai khun (khôn) bằng Từ Hải
Cũng mắc dại Thuý Kiều
Nghe lời nói mà xiêu
Về thu binh cuốn giáo
Hạ cột cờ cuốn giáo”.


Còn hát ví tức trong bài ca có đoạn ví von.Theo Tự Điển Khai Trí Tiến Đức, ví là so sánh, ví người nọ với người kia. Ví cũng là lối ca dao, lấy truyện này để ví hay khêu gợi truyện khác. Hát ví.
Ví von: nói chung về hát ví.

Kinh Thi có ba nghệ thuật chính là phú, tỉ hứng. Ca dao Việt Nam cũng vậy. Tỉ tức là so sánh, là ví.
Một trong nghệ thuật của ca dao là dùng thể ví. Trong câu ca dao, người ta đưa ra hai vật để so sánh với nhau, đôi khi rõ ràng, đôi khi so sánh kín đáo
'Rượu lạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn/ Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.'

Tuy nhiên, nhiều bài ca dao không có sự so sánh mà cũng gọi là ví, là vì họ quan niệm ví là hò hát , đối đáp giữa nam và nữ, là lối
hát huê tình cho nên có người mỉa mai hát ví::
Ví ví von von/ Anh cho một cái,/ cõng con về nhà.
Đó là sơ lược về cách phân loại dân ca.

Hát ru là hát ru con, chỉ có mẹ và con, bà và cháu hay chi và em. Hát ru không cần âm nhạc hòa hợp.Ở đâu cũng có hát ru. Các nước phần lớn có hát ru. Hát ru có thể dùng mọi lối. Khắp nước ta hát ru thường dùng thể thơ lục bát, và các thể thơ khác, Người ta cũng ru con bằng Kiều, Phan Trần, Lục Vân Tiên.

Hát quan họ, trống quân, hát ví, hát đò đưa, hát xẩm, hò huế, hò khoan, hò hụi, nói chung các thể dân ca thì cũng dùng các thể lục bát và các thể khác. Các loại này là ca hát, là văn nghệ trong quần chúng hay trong các lễ hội cho nên đôi khi có nhạc, và có nam nữ hai phe đối đáp.

Nói hát ru là nói về mục đích, còn nói về hát dặm là nói về kết cấu bài thơ, có những câu lập lại. Hai bên có chỗ khác và giống nhau. Hát ru có thể là hát dặm hay theo lục bát và các thể khác. Người Nghệ Tĩnh Bình cũng vậy nhưng đặc biệt hát ru ở ba tỉnh Nghê Tĩnh Bình có loại hát ru theo lối hát dặm.

Tuy phân chia như vậy, nhưng tìm hiểu sâu xa thì thấy khác nhau. Ở Bắc , tỉnh Hà Nam cũng có hát dặm nhưng hát dặm Hà Nam theo thể lục bát , nghệ thuật và nội dung giống quan họ, và có loại dùng để cúng tế thần linh như là loại hát chầu văn. Ngay ở Nghệ Tĩnh Bình có bài gọi là hát dặm mà là lục bát.

Hát ru thì cá thể và im lặng. Mẹ ru con, chị ru em. Hát dặm dùng cho mục đich ru con mà cũng dùng trong trai gái đối đáp trao tình. Hát ru là cá thể và im lặng.Còn hát dặm có thể hợp ca, thì có nhạc, trống, phách và có nhiều loại hát dặm như Dặm xẩm, dặm nối, dặm vè, dặm ru, dặm cửa quyền, dặm kể. Có các tiết tấu phách mạnh, phách nhẹ, những nhịp trong và ngoài. Hát dậm phổ thông tại Nghệ An. Cùng một bài ca dao, người ta có thể dùng để hát ru, hát trống quân, hát quan họ, hát xẫm thiên hóa vạn biến . Các bài hát ví dặm ở Nghệ Tĩnh Bình cũng có thể thấy ở những bài hò khoan, hò hụi, hò giã gạo ở Huế (như bài hát ví phường vải Nghệ An giống hò giã gạo ở Huế).


Nói chung, ca dao trong đó có hát dặm, hát ví, hò huê tình, hát quan họ.. . là một hình thức văn nghệ quần chúng. Nội dung là kể chuyện hay luận về một đề tài như trung hiếu, tình nghĩa vợ chồng. Nam nữ có văn tài mẫn tiệp, có thể sáng tác câu ca để đối đáp, nhưng những bài hát ru Nghệ Tĩnh Bình này dài, phải là do các nho sĩ sáng tác, sau truyền tụng trong dân chúng mà thành hát ru, hát dặm, hát ví, hát hò khoan...Vì là văn chương truyền khẩu nên có nhiều dị bản, và nhiều câu, nhiều đoan khác nhau, và đôi câu, đôi chữ vô nghĩa vì sai lạc.

Ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh Quảng Bình giọng nói cũng giống nhau, và hát ru kiểu cách và văn loại cũng giống nhau. Đời Trần Lê, nước ta chỉ đến Nghệ An, Nghệ An là trấn địa đầu, thường bị quân Chiêm Thành quấy phá. Đời Trần thu nhận hai châu Ô Lý đem sát nhập vào trấn Nghệ An, chưa có Thuận Hóa, Quảng Nam, cho nên Hà Tịnh, Quảng Bình chưa có danh xưng và thuộc trấn Nghệ An. Quân Tam phủ lộng hành ở Thăng Long không ai khác hơn là dân Thanh Nghệ, mà trong đó cũng có phần dân Quảng Bình vì lúc này Quảng Bình còn mang tên là châu Minh Linh, Bố chánh, thuộc trấn Nghệ An. (Châu là đơn vị hành chánh nhỏ của trấn. Dưới trấn có phủ, huyện, và châu. Châu là đơn vị nhỏ hơn huyện ,thuộc vùng rừng núi, triều đình đặt chức tri châu cai trị) Đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, phía Bắc sông Gianh thuộc họ Trịnh, phía Nam sông Giang thuộc chúa Nguyễn.

Thực ra thì quân hai bên đã nhiều lần vượt qua sông Gianh. Dù Trịnh hay Nguyễn quân hai bên cũng là người Thanh Nghệ cả. Vì chính trị và xã hội như vậy, cho nên ba tỉnh Nghệ Tĩnh Bình có ngôn ngữ và văn hòa giống nhau. Đời Trịnh Nguyễn phân tranh, cũng có lúc Quảng Bình thuộc trấn Thuận Hóa. Đến thời Gia Long thống nhất, Quảng Bình thành tỉnh riêng. Đến khi Việt Minh lên, chia Thanh Nghệ Tĩnh thành liên khu ba, còn Bình Trị Thiên thuộc liên khu bốn. Từ đó Quảng Bình tách khỏi Nghệ An và đi gần với Thừa Thiên, Huế..


Hát ví, đò đưa, quan họ, trống quân, hò khoan .. . phần lớn là trao duyên.
Ngày nay tại Nghệ Tĩnh Bình người ta còn hát ru, hát ví, hát dặm những bài hát xưa nữa không? Những bài hát ru như Phụ tử tình thâm, Chị Dòng, Chợ Đồn, Đá vàng.. . là những bái hát ru tôi đã nghe từ thuở nhỏ ở Quảng Bình. Ngày tháng phôi pha, sợ những công trình văn học nghệ thuật ngày xưa của tổ tiên bị lãng quên, tôi đã tìm hỏi các bậc già cả trong hương thôn và trong gia đình cùng các tài liệu mà ghi chép lại để lưu truyền. Việc sưu tầm đã hơn 30 năm, nay vô tình tìm lại mà thấy, và cũng tìm tòi thêm các tài liệu khác đem công bố trên tạp chí này để các độc giả có thể nghiên cứu. Tuy bài viết chú trọng về hát ru và hát dặm, cũng xin trình bày thêm các điệu hát khác để quý vị có thể so sánh.

Sơn Trung
tháng 3-2012



HÁT RU

PHỤ TỬ TÌNH THÂM

Phụ tử tình thâm,
Công thầy ngãi mẹ.
Đừng tiếng tăm nặng lời,
Đừng cả tiếng rộng hơi,
Mắng trả người sao nên,
Cãi mẹ thầy sao phải.
Nằm đêm nghĩ lại,
Nhớ hai cội thung huyên,
Trả công ơn mới nên,
Trả lượng vàng mới đáng.
Mười ngày chin tháng
Thầy dưỡng dục hoa thai,
Mẹ dưỡng dục hoa thai.
Con lên một lên hai,
Lo ấp yêu bồng ẵm.
Đứa lên ba, lên bốn,
Bú mớm mẹ chưa rời.
Đứa năm bảy nhởi chơi.
Đứa chin, muời khôn nậy.(lớn)
Đứa muời lăm, muời bảy,
Lo trang điểm dồi mài,
Sang hăm mốt, hăm hai,
Lo gia tư nội trợ,
Lo cửa nhà nội trợ.
Hoa tươi ngọc nở,
Ước sum họp vui vầy,
Thầy tơ tưởng đêm ngày,
Mẹ tư tưởng đêm ngày,
Ước dâu hiền rể thảo.
Sách thánh hiền là đạo,
Người hỉ, xã, từ, bi,
Con lỗi lầm điều chi,
Xin mẹ thầy xá quá.
Đừng coi thượng bằng hạ,
Mà ra đạo phi thường
Con đứa ghét đứa thương,
Tội tam tòng phụ tử.
Trong sách có chữ,
Xin ai nấy xem vào,
Thầy một tuổi một cao,
Mẹ một tuổi một cao,
Đừng bât kỳ nặng nhẹ.
Con ở gần thầy mẹ,
Năng xây đáp vun trồng.
Vợ dại đã có chồng,
Để vào ra thăm viếng.
Khi đồng hàng, miếng bánh,
Khi bún sốt, lòng tươi,
Ta nương dắt lấy người,
Kẽo mai già bách tuế.
Cây vàng, lá úa,
Lá úa, lá vàng.
Lá rụng cội đại ngàn.
Con tìm đâu được nữa,
Cháu đâu tìm được nữa.
Mai ra hương lửa,
Tay vái lạy, chân quỳ,
Thầy chẳng thấy ăn chi,
Mẹ chẳng thấy ăn chi,
Chỉ thấy ruồi với muỗi.
Đêm chiêm bao mộng muội,
Thầy chẳng thấy đoái hoài,
Mẹ chẳng thấy đoái hoài.
. Ai ở được như lời,
Đươc phụ từ, tử hiếu không sai.

PHỤ TỬ TÌNH THÂM
(Dị bản)

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Lo tròn chữ hiếu mới là đạo con


Phụ tử tình thâm
Công thầy nghĩa mẹ
Đừng tiếng tăm nặng lời
Đừng cả tiếng dài hơi
Nói mẹ cha sao nên
Mà cãi mẹ thầy sao phải

Đêm nằm nghĩ lại
Nhớ đến cội thung huyên
Công cù lao ai đền
Nghĩa sinh thành ngày trước
Khi ăn cơm bát nước
Ước phụ tử tình thâm
Thầy đói rách nợ nần
Mẹ đói rách nợ nần
Cũng vì con thơ ấu

Dù phụ trải trắc mẫu
Rồi trắc trải khó khăn
Con ở có thủy có chung
Được phụ từ tử hiếu
Mà được phụ từ tử hiếu
Dăm ba cành đào liễu
Sáu bày quả nam nhi
Thầy chưa được nhờ chi
Mẹ chưa được nhờ chi
Đền công ơn cho đáng
Công mẹ thầy cho đáng

Rồi mười ngày chín tháng
Mẹ thúc dục nên thai
Con nên ( lên) một nên hai
Thầy ấp yêu bồng bế
Mẹ ấp yêu bồng bế
Con nên ( lên) ba nên bốn
Con tríu mẹ chưa rời
Đứa sáu bảy ăn chơi
Con chín mười khôn nậy ( lớn)
Đứa chín mười khôn nậy

Giờ thầy chưa được cậy
Mẹ cũng chưa được nhờ
Mẹ đang phải lo,
Đứa mánh khăn tấm áo
Đứa mánh quần tấm yếm
Con mười lăm mười bảy


Con ăn học dùi ( dồi) mài
Đứa mười chín đôi mươi
Lo chăm xa dựng họp
Lo cửa nhà dựng họp

Khi hoa cười ngọc nở
Chốn đào liễu sum vầy
Thầy mơ tưởng đêm ngày
Mẹ tơ tưởng đêm ngày
Ước dâu hiền rể thảo
Mong dâu hiền rể thảoThánh hiền là đạo
Rồi khuất bóng từ bi
Con có lỗi điều chi
xin mẹ thầy xá quá
Đừng cậy thượng át hạ
Ở ra dạ khinh thường
Con đừng đứa ghét thương
Cũng nhất giai chi tử
Cũng giai bằng chi tử

Trong sách có chữ
Con mới phải trông vào
Thầy một tuổi một cao
Mẹ một tuổi một cao
Con đừng bấc chì nặng nhẹ,
Chớ bấc chì nặng nhẹ.


Con ở gần thầy mẹ
Phải xây đắp vun trồng,
Khi vợ dại thì có chồng
Phải vào ra thăm viếng,
Phải đi về thăm viếng.
Khi đồng quà chữ bánh
Khi bún sốt lòng tươi
Ta nâng giấc cho người
Kẻo mai rồi tạ thế
Mai sau rồi tạ thế

Rồi một mai bách tuế
ra cây úa lá vàng
Lá rụng cội đại ngàn
Con tìm mô (đâu) được nữa
Con muốn tìm mô )đâu) được nữa
Khi cúng hương cúng lửa
Khi vào bái ra quỳ
Thầy chẳng thấy ăn chi
Mẹ chẳng thấy ăn chi
Chỉ thấy ruồi với kiến

Chiêm bao tưởng đến
Dù than vắn thở dài
Thầy không đoái không hoài
Mẹ cũng nỏ ( chẳng) đoái hoài
Thật là phụ từ tử hiếu
Ai ơi làm con trọn đạo
Nhắc ai ghi lòng… à á à ơi…


ĐÁ VÀNG

Đá vàng bia tạc chữ đồng
Tào khang là ngãi đạo vợ chồng bách niên.
Bà nguyệt lão xe duyên,
Ông tơ hồng chắp mối,
Khi xưa ai phô, ai nói,
Ai đã biết ai đâu!
Bởi vì chén rượu cơi (khay) trầu,
Bốn thầy mẹ ngồi lâu,
Đôi con rày mới biết.
Đường bách niên thanh khiết,
Có lục lễ phân minh.
Thầy tạo dựng cửa nhà,
Mẹ tạo dựng cửa nhà,
Con thành thất, thành gia,
Thầy dặt gánh để gồng
Mẹ đặt gánh để gồng,
Cho lâu dài bách tuế.
Đuờng nhân tâm tùy thế,
Phải cậy nhờ thầy mẹ,
Khi lửa nhem, củi bẻ,
Khi nhóm nước, bắc nồi,
Như đũa có đôi,
Bữa ăn thường sớm tối.
Có thầy mẹ bù chì ( bù đáp, phù trì)
, Mình thầy mẹ không chi .
Phải hôm mai cần kiệm.
Ăn ít ngon nhiều,
Giả như câu thập điều,
Hai ta làm nên tổ,
Vợ nghe chồng dạy dỗ,
Chồng nghe vợ khuyên can,
Đừng cờ bạc phá tan,
Coi ra loài đãng tử.
Gẫm con nhà gia sự
Thuận vợ, thuận chồng,
Tát bể đông cũng cạn.
Xây nên thành, nên núi,
Tạo đoan một mối,
Phu phụ nhất tình,
Ăn ở phải phân minh,
Chớ bất bình quen thói!
Sách Minh Tâm có nói,
Ba chữ nhịn là hơn,
Đừng kẻ giận người hờn,
Cơn lo buồn dạ hảo.
Ăn ở cho phải đạo,
Cho người thế xem vào,
Mai làm đuợc quan cao,
Khó hèn cùng chữ nghĩa.
Đạo vợ chồng dương thế,
Chồng cầm sách xem bài,
Vợ đã có hoa thai,
Chồng nữa mừng, nửa sợ,
Đường hoa khai, châu nở,
Sóng bể dậy từng hòn,
Phận đàn bà nuôi con,
Công cù lao biết mấy,
Dạ nặng nề biết mấy.
Hôm thức khuya sớm dậy,
Chữ vàng ngọc nâng niu,
Thầy nâng nhắc , ấp yêu
Mẹ ẵm, bồng mem, mớm.
Con đầu, cháu sớm,
Như vàng ngọc trời cho,
Đứa lớn chưa đầy no ( đầy năm),
Trời đã cho đứa khác.
Đi xuôi, về ngược,
Đắng như rễ bồ hòn,
Vợ mắc bồng lấy con,
Chồng xách tiền đi chợ.
Vợ mắc bề nội trợ,
Con tay dắt, tay bồng,
Chồng lo việc ngoài đồng,
Phải vai cày, vai cuốc.
Lòng mua, dạ chuộc,
Biết lấy chi thuê mần ( làm),
Chồng cày thì vợ gánh phân,
Vãi ra rồi đập đất.
Nắng mùa hè nóng cật,
Rét mùa lạnh cóng tay,
Việc nông vụ cấy cày,
Việc làm ăn không quản.
Mùa màng không hạn,
Ăn cơm ré, cá rô,
Bây giờ đồng bạc, nước khô,
Ăn khoai lang phải chịu,
Muối cà trường phải chịu.
Khi đầy, có khi thiếu,
Khi thiếu, có khi đầy.
Của người chớ có vay,
Của mình cùng không bán.
Dần dần con khôn lớn,
Như con chim đầu bầy,
Đứa hay đi hay chạy,
Lại ru đứa hay bò,
Vợ chồng mình khỏi lo,
Nhờ ông bà có đức.
Cội quế hòe đương nức,
Cây tùng bách non xanh,
Rặng tơ liễu buông mành.
Đứa lo bề giá thú,
Đứa lo bề nông vụ,
Đứa lo việc học hành,
Một ngày một trưởng thành,
Vườn xuân thêm phơi phới.
Sự thái lai đã tới,
Con có của, con nên,
Đầy vựa lúa, rương tiền,
Mua trâu rồi tạo ruộng,
Chồng kẻ yêu, ngưòi chuộng,
Vợ kẻ nể, người vì,
Vườn muôn đóa trà mi,
Bõ phong trần ngày trước.

CHỊ DÒNG

Chị dòng [1]chếch gối nghiêng chăn,
Đêm đông trường gió lạnh
Biết than cùng với ai,
Về giở sách Luận Tài,[2]
Gái hồng nhan bạc phận,
Số chị dòng bạc phận.
Đêm qua truông mấy bận
Bậu qua đò mấy lần
Duyên chưa sang khỏi tuần
Bậu đang còn trắc trở.
Cầu Ô ai bắc mà lỡ
Ván bắc chẳng nhằm chiều
Lỡ nhịp cầu xiêu
Mắc đinh rồi khó tháo
Vợ chồng ta là đạo
Tưởng đầu gối tay kê
Chàng vui thú tình mê
Thiếp phòng khuê lạnh lẽo
Thương hai cây đào liễu
Măng mới mọc, mới lên,
Đào mới biết đi men,
Liễu vừa chừng đứng dậy
Đào thơ đào nậy (lớn)
Liễu yếu lâu liễu khôn
Búp hoa quế trên cây
Đừng đợi chờ sương cửi[3]
Thà đứt đi thì nối
Vô sự tiểu thần tiên
Liền chưa xong phận liền
Đứt chưa đành phận đứt
. Cây trên rừng ai bứt
Quả đào liễu ai vò
Duyên em trước chưa vô
Mà em vô sao được.
Khô như bèo cạn nước
Xót như cá nằm khô
Em đợi chờ nơi mô
Để ông trời vân vũ.
Cây tàn lá úa
Mặt mũi âu sầu
Em đi lấy chồng
Như cưởi bám ngành dâu
Khoai l âu n ăm to củ
Đậu ba lá dễ vùn
Gà mất mẹ lâu khôn
Gái không chồng khốn khổ!

____

[1] Ch ị dòng: người đàn bà góa chồng
[2] Luận Tài: t ên sách bói toán.
[3] Sương cửi: sương xuống như mắc cử
i.

Dị bản
CHỊ DÒNG

Gái hồng nhan bạc phận
Đứt dây thì sợ động
Nói ra thì sợ mất lòng
Coi tơ cũng như dòng
Ai đứt đi thì tội nấy.
Lời thần hôn nói vậy
Lòng chưa có gian tà
Dạ chưa có nguyệt hoa
Ra đường này nói nọ,
Than ra cho rõ
Thì cực trăm đường
Ở cho trọn đạo tào khang
Công cù lao ai đền
Nghĩa sinh thành ai trả.
Tìm nơi sây (sai, nhiều) ngành râm lá
Để có bông trái với người
Năm ba quả tốt tươi
Em ở rứa đừng nên,
Em lấy chồng cũng phải.
Không ai chê em dại
, Nỏ (chẳng) ai nói em hèn,
Người tri lý cũng khen
Chi dòng tiết phụ
Biết mà không nhủ (khuyên, bảo)
Sau lời nói không hay
Cho nên anh phải trình bày
Hết cơn do mọi sự
Khi tư văn, gia lễ
Khi thượng thú thọ mai
Sinh một đứa con trai
Cũng bằng mười phận gái
Em đi khắp tam sơn tứ hải
Đi hết cả trong ngoài
Sao em không kiếm một người
Đói no chi cũng nên
Tơ, dòng (1 ) chi cũng được.Khi tối trời cạn nước,
Khi đá đổ mồ hôi
Chị em ai nấty đầy nồi.
Nỏ (chẳng) ai viếng thăm một chốc
Tình thâm cốt nhục
Báo hiếu vô cùng
Chi thương tâm thì sợ chồng
Em thương anh thì nghe vợ
Biết lấy ai nương dựa
Bát cháo lưng canh
Anh thì mắc việc
Anh thì con thơ vợ dại
Chị em thì ở ngái (xa)
Biết lấy ai tin tức đi về
Chàng vội sớm về quê
Thiếp phòng hương vò võ.
Khi mưa khi gió
Khi nắng khi im (nhâm, không nắng)
Khi nổi khi chìm
Ai nắm tay túi ( tối ) ngày
Ai giữ đời được mãi
Khi khôn khi dại
Khi tỉnh có khi mê
Quá chốc ngủ nghê
Trăm điều gì quên cả
Anh bà con người xa
Anh phải nói cho tỏ tường
Chị dòng lẻ chiếc mà thương.


___

(1).Tơ: chưa vợ chưa chồng; dòng: trai chết vợ, gái chết chồng

CHỢ ĐỒN

Chợ Đồn (1) bán đắt cau khô
Một đoàn vợ lính trẩy vô thăm chồng
Gặp trộ mưa dông
Đường xa gánh nặng
Mặt trời đã lặn
Đèo Ngang chưa trèo
Hòn đá cheo leo
Chân trèo chân trợt
Hỏi o bán nước
Hỏi chú chăn trâu
Ba Đồn lính đóng nơi đâu?


Dị bản
Chợ Đồn bán đắt cau khô
Một đàn con gái trẩy vô thăm chồng
Vừa gặp trộ (trận) mưa dông
Đường trơn gánh nặng.
Mặt trời đã lặn
Chiếc đò ngang chưa chèo
Hòn đá cheo leo
Vừa gặp hòn đá cheo leo
Em leo sao được,
Nhủ bạn leo sao được!
Hỏi thăm cô gánh nước
Hỏi thăm chú chăn trâu
Đồn ông Quản đóng đâu?


___

(1). Chợ Đồn: Chợ Ba Đồn, trên sông Gianh, ở làng Phan Long, là phủ lị của phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.Ngày xưa thời Trịnh Nguyễn phân tranh, lập Ba Đồn lính vùng này.


CÔNG ƠN CHA MẸ
(Bài này phổ biến nhiều nơi)
“Công cha ba năm tình thâm lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà chín tháng cưu mang,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Biết lấy chi đền đáp khó khăn,
Hai đứa mình lên non lấy đá xây lăng phụng thờ.”
CÔNG ƠN CHA MẸ

Mang nặng đẻ đau cưu mang chín tháng
Nghĩa mẹ tày trời sông cạn nuôi con
Đói cơm rách áo, ruột mẹ héo hon
Khi con no ấm, lòng mẹ vẫn chưa tròn thảnh thơi
Ngậm đắng nuốt cay thương thay lòng mẹ
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn
Con ăn con ngủ thì mẹ đỡ băn khoăn
Khi con trở trời hơi gió, mẹ chẳng an tâm chút nào

Non nào cao bằng non Sơn Thái
Nghĩa nào nặng bằng nghĩa cha con
Ví dù cách trở nước non
Ví dù cách mặt, lòng mẹ vẫn còn thương mà nhớ thương
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
Làm nên phải nhớ tổ tông ông bà
Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính, phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm

Cây khô chưa dễ mọc chồi
Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta
Non sông bao tuổi mà già
Bởi vì sương tuyết, bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.

Công cha, đức mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải, con phải biết thờ hai thân.

Ăn chi ngon bằng cơm với cá
Ai thương bằng tình mạ (mẹ) thương con
Bao giờ cá lý hoá long
Đền ơn cha mạ, ẵm bồng ngày xưa

HÁT DẶM,HÁT VÍ

THỬ LÒNG CHUNG THỦY

Vừa ra vừa gặp người xinh
Cũng bằng Kim Trọng tiết thanh minh gặp Kiều
Vừa ra vừa gặp người giòn
Cũng bằng hoa nở hội bóng tròn tốt tươi

Mang chuông đi đánh đất người,
Ôm gà đi chọi những nơi anh hùng.
Anh đang tìm vợ qua sông,
Em đang tìm chồng thì gặp được anh đây.
Trước nhờ nguyệt lão xe dây
Sắt cầm tình hảo hợp đó đây một nhà...

Nghe tin anh đau đầu chưa khá,
Em băng rừng bẻ lá về xông,
Ước mần răng cho đây vợ đó chồng,
Đổ mồ hôi ra em quạt , gặp hội nắng nồng mà em che ....


Ngẫm lời ra thật dễ nghe,
Anh đây còn ngại ai kia hững hờ
Sợ rồi anh đến giàn hoa
Hoa kia đã nở,
Anh đến bến đò thì đò đã sang sông,
Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng,
Em yêu anh như rứa thì hỏi có mặn nồng lấy chi...

Anh đến giàn hoa,
hoa đến thì thì hoa phải nở,
Anh đến bến đò đò đầy thì đò phải sang sông,
Đến duyên em thì em phải lấy chồng,
Em yêu anh được rứa chứ mặn nồng thì tuỳ anh...

Thà trước em nói không thương anh thì thôi,
Sao em đã nói thương anh rồi,
Anh về làm một cái nhà to,
Một cái nhà nhỏ.
Cái nhà to mùng che sáo bỏ,
Mà cái nhà nhỏ thì gian trong phòng ngoài,
Bây giờ em đã nghe ai
Để mùng hư, sáo gãy, mèn hắn sai đằng mèn...

Khi em chưa có chồng thì anh nỏ (chẳng) dốc lòng gắn bó,
Em có chồng rồi thì anh đón ngõ trao thư
Ngãi nhân nhân ngãi chi chừ (giờ),
Gái có chồng rồi như thể có bùa trừ mà trao ơ tay...

Trước thì bạn nói bạn thương
Cau tôi giành để trên buồng,
Trầu tôi giành để ngoài nương,
Tiền thì buộc chạc trong rương,
Lợn tui ụt ịt i trong chuồng,
Chõng thì đục sẵn trong buồng...

Chừ (bây giờ) thì bạn nói bạn không thương,
Cau chanh hạt trên buồng,
Trầu thì rụng cuống ngoài nương,
Tiền thì đứt chạc (giây) trong rương,
Lợn thì bỏ cám trong chuồng,
Chõng thì bỏ mốc trong buồng,
Bạc tình chi rứa bạn, bạc tình rứa (vậy) bạn...

Thương anh lắm anh ơi,
Nhớ anh lắm anh ơi,
Thương đáo để khúc nhôi,
Nhớ ngao ngán trần đời,
Thương thuốc gói , trầu cơi,
Nhớ thuốc mở trầu mời,
Mới vắng mặt một hồi,
mà trán tui hắn đổ mồ hôi,
Trong ruột đã nóng sôi,
Bưng cơm ăn nỏ ( chẳng) được,
Bưng nước uống không trôi,
Cầm lấy đũa thì đũa rớt,
Lấy đọi (bát) thì đọi rơi,
Ra tui ngong đất ngó trời,
Ra tui nhìn ngược ngó ơ xuôi,
Cha tui mí ( mới) hỏi:
Tại mần răng rứa ( sao thế) con ơi?
Mẹ tui cũng hỏi:
Tại mần răng rứa con ơi?
Tui (tôi) mí ( mới) lặng lặng tui trả lời:
Vì tui thương anh vô kể,
Thiếp nhớ chàng ơ vô kể...

Người ơi...
Hôm qua anh đi trước cửa nhà nàng,
Thấy cha mẹ nàng đập nàng
Nàng khóc nàng than,
Nhà nàng cửa sổ song loan,
Anh muốn vô ghé lưng chịu trận đòn oan cho nàng...

Cơm em ăn hai bát
Bát ăn bát để,
Đụa em so hai đôi thì đôi đứng đôi nằm.
Ví dù thầy mẹ có đánh đập em chín chục một trăm,
Đập rồi em đứng dậy , em vẫn nhất tâm thương chàng...

Người ơi... trăm năm đá nát vàng phai,
Đốt chùa không tội bằng sai lời nguyền.
Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình...!
TRAO DUYÊN

Trai:
Tiết thanh nhàn thong thả,
Muốn thăm hỏi vài câu.
Cuốc ( chim quốc) thành thót kêu sầu,
Gió phảng phất mùa thâu.
Nhớ trong sách đã lâu:
Chuyện " tư mã phượng cầu"
Thường thì mũi tìm trâu
Trâu đâu tìm chạc (sợi giây) mũi?

Gái:

Trời mở rộng phong quang,
Giã ơn trời mở rộng phong quang.
Em đánh tiếng thưa sang,
Đêm tàn canh vò võ
Tay em cầm con bấc đỏ,
Mong bỏ đĩa dầu đầy,
Mời bạn ỏ lại đây.
Đôi ta đã giở lời rày,
Tình đó với nghĩa đây.
Giống như đọi nác ( nước lã) đầy,
Bưng nhẩn nhẩn trên tay.
Không khuy sơ một hột,
Gió nỏ ( chẳng) triêng một hột.
Công đồi ta thề thốt,
Kể đã mấy niên rồi.
Lòng đã quyết lứa đôi,
Ngãi đã quyết thề bồi,
Nhất ngôn nói hẳn lời,
Đừng bốn chốn, ba nơi,
Đừng trăng gió chào mời.
Trăng nhiều trăng rạng rỡ
Trăng nhiều đèn rạng rỡ

Gái:
Em đã có chồng rồi
Em đã có lứa rồi,
Vung đã úp vừa nồi,
Đũa đã ghép thành đôi.
Bạn đừng có ỡm ờ với tôi!
Tôi lấy chân khỏa lại,
Tôi lấy bàn khỏa lại.

Trai:
Têm một quả trầu không,
Bỏ vô hộp con rồng.
Đi băng nội băng đồn,
Qua chín mười đỗi đồng,
Nghe tin em đã có chồng,
Anh quăng lắc vô bụi.
Bạn gạt tùa vô bụi

Anh thương em một tháng hai kỳ
Dồn đi tính lại, cũng như mười ngày.
Năm rộn mà chầy,
Có hai mươi bốn tiết
Hè sang thì xuân hết
thu đã muộn, đông rồi.
Nhớ bạn cũ chưa nguôi,
Sáng lập xuân, vũ thuỷ.
Đêm em nằm em nghĩ:
Nghĩ kinh trập; xuân phân,
Lòng tưởng sự ái ân,
Sang thanh minh, cốc vũ.
Đêm đêm nằm nỏ ngủ,
Nhở bạn mãi thường thường,
Tiết lập hạ nhớ thương,
Bước sang tuần tiểu mãn.
Trông ra ngoài chán chán.
Tiết mang hiện lại gần.
Người đâp đất gánh phân.
Để mùa màng gặt hái.
Anh thương em mãi mãi,
Sang hạ chí tiết hè,
Em nghe tiếng sầu ve,
Em buồn trong gia sự,
Bạn buồn trong gia sự.

Tiểu tiết thử, đại thử,
Trời nắng sốt lắm thay!
Ra ngồi tựa cột cây,
Anh với em than thở...
Bạn với mình than thở.

Tiết lập thu, xử thu,
Ai diều sáo mặc ai
Vàng lác đác giếng tây,
Ta thương người bạn cộ (cũ).
Nhớ mãi người bạn cộ (cũ).

Vừa đến tiết bạch lộ
Bầy chim trắng bay sang.
Cây héo hắt lá vàng
Sang thu phân hàn lộ.

Đêm em nằm em chộ (thấy)
Tiết sương giáng lại kề.
Trông bạn cũ lại về,
Sang lập đông giá rét
Tiết tiểu tuyết, đại tuyết,
Trời giá rét lắm thay!
Sang đông chí cấy cày,
Dạ bồi hồi nhớ bạn.
Tiết tiết hàn chưa dạn,
Đã bước sang đại hàn.
Dạ tưởng nhớ người ngoan,
Vừa năm cùng tháng tận,
Vừa cuối mùa cuối tận.

Phận lại ngồi trách phận,
Phận nỏ ( chẳng) dám trách phận!
Anh thương em từ tháng giêng đến tháng chạp
Hát dặm đò xưa

Nam hát:
Em ơi em! Nác (nước) ngược nặng sào,
Em ngồi cầm lái, em bẻ vào cho lanh (nhanh).
Hai ta lên thác xuống ghềnh,
Khó nghèo nọ (chẳng) kể, ta cũng đành có nhau.
Em ơi em! Đừng có ham giàu,
Cơm no, áo ấm cũng ở con sào đó em.

Nữ hát:
Anh ơi anh! Chống nốc (thuyền) cho êm,
Việc chi chi cũng có em đây rồi.
May cho em một tấm mấn (1) sồi (2)
Mồng năm, ngày Tết khỏi kẻ cười người chê.
Anh ơi anh! Đừng có lo chi,
Ngày ni (nay) ta khó, cũng có khi ta giàu.

Nam nữ cùng hát:
Kéo buồm theo gió chạy mau,
Ta đây mình đó, ớ!
Đi đâu cũng là.
Một mai áo lụa, mấn là,
Chín tru (trâu) mười đụn cũng ta với mình.
Hay là áo mảnh, quần manh,
Cơm cà áp mói (muối) cũng mình với ta…

__
(1) .Mấn: váy
(2)sồi: lụa, tơ gốc dày, mặt sù sì
VÍ DẶM
Anh ơi ... chứ khoan vội , khoan vội mà bực mình.
Em xin... kể lại cho anh tỏ tường.
Anh cứ nhủ rằng em không thương
Em đo lường thì rất cặn kẻ,
Chính thương anh nên em bàn với mẹ,
phải ngăn anh không đi chuyến ngược đường.

Giận thì giận mà thương thì thương,
Giận thì giận mà thương thì thương,
Anh sai đường em không chịu nổi,
Anh ơi anh xin đừng có giận vội ,
Trước tiên anh phải tự trách mình.

Anh cứ nhủ rằng em không thương
Em đo lường thì rất cặn kẻ,
Chính thương anh nên em bàn với mẹ,
Phải ngăn anh không đi chuyến ngược đường.
Giận thì giận mà thương thì thương,
Giận thì giận mà thương thì thương,
Anh sai đường em không chịu nổi,
Anh ơi anh xin đừng có giận vội ,
Trước tiên anh phải tự trách mình...

HÁT VÍ PHƯỜNG VẢI XỨ NGHỆ

Gió mô (đâu) gió thổi sau lưng/
Dạ mô dạ nhớ người dưng thế này?
/ Bóng trăng em tưởng bóng đèn/
Bóng cơn (cây) em tưởng bóng thuyền anh xuôi/
Nước lê lấp xỉ cầu dày/
Anh thương em chưa trọn một ngày,
ghe lui hay nước chảy cho bè anh trôi/
Ai bắt bè anh lại kết nên đôi vợ chồng…



Đố:

Sách Hán vương chường (chàng) học lâu nay,
Hỏi ai câu sông Vị, ai cày Lạch (Lịch) sơn?
- Sách Hán vương anh xin nói nường (nàng) hay,
Ông Lữ câu sông Vị, vua Thuấn cày Lạch (Lịch) sơn.

Đối:
- Nhớ anh “nhất nhật” đã suốt “một ngày”
“Đêm” còn tơ tưởng “dạ”, lòng rày nhớ trông.
- Chờ em “nửa tháng” ni rồi,
Ôm đờn “bán nguyệt” dựa ngồi cung “trăng” ...


Anh về chẻ lạt bó tro
Rán sành ra mỡ, em cho làm chồng.
Em về đục núi lòn qua,
Vắt cổ chày ra nước, thì ta làm chồng

Trai thanh xuân ngồi hàng thuốc bắc,
Gái đông sàng cảm bệnh lầu tây
Hai ta tình nặng nghĩa dày,
Đối ra đáp được, lúc này tính sao?

-
Đến đây hỏi khác tương phùng
Chim chi một cánh bay cùng nước non?
-Tương phùng nhắn với tương tri,
Lá buồm một cánh bay đi khắp trời

- Lá gì không nhánh, không ngành?
Lá gì chỉ có tay mình trao tay?
- Lá thư không nhánh, không ngành,
Lá thư chỉ có tay mình trao tay.


- Người Kim Mã cưỡi co ngựa vàng
Đất Phù Long rồng nổi, thì chàng đối chi?
- Người Thanh Thuỷ gặp khách nước trong
Hoành sơn ngang núi, đã thoả lòng em chưa?

Nghe anh bôn tẩu bấy lâu
Nghệ An có mấy chiếc cầu hỡi anh?
- Nghệ An có ba mươi sáu chiếc cầu
Phồn hoa đi lại bốn cầu mà thôi
Cầu danh, cầu lợi, cầu tài
Cầu cho đây đó làm hai giao hoà

Nhớ em nhất nhật một ngày
Đêm tơ tưởng dạ, làng rày nhớ trông
- Chờ em nửa tháng ni rồi
Ôm đờn bán nguyệt, dựa ngồi cung trăng

- Nghe tin anh giỏi, anh tài
Đào tiên một cõi Thiên Thai ai trồng?
- Thiên thai là của nàng Kiều
Riêng chàng Kim Trọng sớm chiều vào ra
“Lá gì không nhánh, không ngành?
Lá gì chỉ có tay mình trao tay?
Lá thư không nhánh, không ngành,
Lá thư chỉ có tay mình trao tay”.




HÒ GIÃ GẠO
(Huế)

Nữ hò:
Khoan ơi khoan mời bạn khoan là hò lơ ơ ơ ......
hờ hờ ơ ơ... hết Hạ, Thu sang mùa màng rộn rã, chừ ở đây tui mở lời chào tất cả con lại bà con hò ơ .......
Muốn thân nhau mượn câu hò tiếng hát, tâm sự đổi trao
Chừ xin mời thanh niên nữ với nam, hò ơ ơ ơ ....
Thanh niên nam nữ ta mạnh dạn bước vào chơi là hò chơi hò ơ ơ ơ.....

Này hỡi anh ơi, chừ em hỏi anh nì
Trong trăm loại dầu có dầu chi là dầu không thắp
Trong trăm thứ bắp có bắp chi là bắp không rang
Trong ngàn thứ than có than chi là than không quạt
Trong hàng thứ bạc có bạc chi là loại bạc không đổi tiêu mà không tiêu ?

Trai nam nhi bên chàng đối đặng
Dải lụa điều (đào) trao là em trao.
hò ơ ....

Nam hò:

Trong trăm loại dầu có nắng dãi mưa dầu là loại dầu không thắp
Trong trăm thứ bắp có lắp bắp mồm lắp bắp miệng là bắp không rang
Trong ngàn thứ than có than thở thở than là than không quạt
Trong hàng loại bạc có bạc tình bạc nghĩa là bạc không đổi tiêu mà không tiêu

Trai nam nhi anh đã đối đặng
thì dải lụa điều đâu có đâu lại có đâu
hò ơ.....

Nữ hò:

Chứ em hỏi anh nì
Chữ chi là chữ chôn xuống đất
Chữ chi là chữ cất lên cao
Chữ chi nặng mà không ai mang nỗi
Chữ chi mà gió thổi bay là không bay?

Trai nam nhi bên chàng đối đặng
Miếng trầu cay hò ơ ơ ơ..... là cho chàng

Nam hò:

Hai chữ tiền tài anh bỏ xuống đất
Hai chữ nhân nghĩa anh cất trên cao
Hai chữ nhớ thương muốn tha không nỗi
Chữ tình chữ nghĩa gió thổi bay cũng không bay

Trai nam nhi anh đà đối đặng
Gái xuân thời em tính răng?
hò lờ ơ ơ... là hò là khoan ....

Nữ:
Em đố anh , ở trên trần một trăm cái hố, cái hố chi là hố không nước
Một trăm cái thước, cái thước chi là thước không cây
Một trăm cái cây, có cây chi là cây mà không trái
Một trăm con gái, có gái chi là gái không chồng
Trai nam nhi anh mà giải đặng, gái má hồng em xin dâng.
Nam : - Em hởi em ơi, một trăm cái hố, cái hố khoan là hố không nước
Một trăm cái thước, cái thước thợ mã là thước không cây
Một trăm cái cây, có cây đờn là cây không trái
Một trăm con gái, gái tố nữ là gái không chồng
Trai nam nhi anh đây giải được,hỏi má hồng em ở đâu?

Nữ hò:

Đi mô cho thiếp theo cùng
đói no thiếp chịu lạnh lùng mà thiếp cũng cam
hò ơ ơ......

Nam hò:

Yêu nhau tam tứ núi anh cũng trèo
ngũ lục sông anh cũng lội
thập bát đèo anh cũng qua.
hò lơ ớ ơ là hò là khoan ..... là hò là khoan!

Sau đây là những điệu ca mà cũng là hát ru, hát dặm

Thập ân phụ mẫu - Dặm xẩmn

Bạn tình ơi - Ví đò đưa Sông Lam

Đi tìm người thương - Ví đò đưa

Thử lòng thủy chung -

HÁT RU CON

Nhớ khi hát dặm Hà Nam

Hát đèo ( Đồng tiền vạn lịch ) Hát dặm Hà Nam














No comments: