Tuesday, May 22, 2012

LÊ HOÀI NGUYÊN * TRƯƠNG TỬU


TRƯƠNG TỬU 
TRONG NHỮNG NĂM 1955 - 1958 
LÊ HOÀI NGUYÊN 
Cuối 1954, hòa bình được lập lại sau chín năm chiến tranh. Trương Tửu cùng các đồng nghiệp trở về Hà Nội tiếp quản Đại học Hà Nội. Trước thời điểm này, năm 1953 ông đã được bổ nhiệm làm Giáo sư ở Trường Dự bị đại học tại Thanh Hóa. Năm 1956, Ông được phong hàm Giáo sư cấp II giảng dạy về Lý luận văn học và Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại ở Đại học Văn Khoa và sau là Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhà phê bình Trương Tửu và hình bìa Giai phẩm mùa thu tập II (30/09/1956) có bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ".(Ảnh : DR) 
Nhà phê bình Trương Tửu và hình bìa Giai phẩm mùa thu tập II (30/09/1956) có bài "Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ".
Bối cảnh lịch sử Việt Nam 1954-1955 hết sức phức tạp. Hai chế độ cùng tồn tại trên hai miền lãnh thổ nhưng còn đan xen vào nhau. Về hình thức thì hòa hoãn, hợp tác việc thi hành Hiệp định Giơ ne vơ, chuyển giao quản lý lãnh thổ, tập kết người từ Nam ra Bắc, di cư người từ Bắc vào Nam theo điều khoản tự nguyện cư trú của hiệp định dưới sự giám sát của Ủy ban quốc tế. Tại miền Bắc, chế độ xã hội mới được thiết lập nhưng tại Hà Nội và các đô thị buổi đầu cuộc sống vẫn giữ hình thái sinh hoạt theo Hiến pháp nước VNDCCH 1946, tự do tư tưởng ít nhiều được bảo đảm đối với trí thức và các hoạt động truyền thông, xuất bản, văn nghệ... Tuy nhiên sự áp dụng mô hình quản lý của chế độ mới như đăng ký hộ khẩu, cải tạo tư sản, mậu dịch và sự thiếu thốn hàng hóa, lương thực, thực phẩm đã gây ra tâm lý căng thẳng trong dân chúng, cả cán bộ, bộ đội... Trong cán bộ, bộ đội mà sau này một bộ phận đáng kể bị tác động bởi luồng gió cải cách dân chủ từ Liên Xô, Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi bế tắc tư tưởng do áp lực của chủ nghĩa Mao đang tăng dần lên từ giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến. Hết chỉnh huấn thì cuộc Cải cách ruộng đất đợt 5 lại được triển khai làm cho tâm lý người dân và xã hội càng căng thẳng. Trong những chuyển biến xã hội đáng chú ý nhất là bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ nhạy cảm đang hy vọng có sự đổi mới cho việc xây dựng một hình thái xã hội (dân chủ cộng hòa trong thời bình) cởi mở thoải mái hơn về tư tưởng, về sáng tạo văn nghệ... 

Cái cửa mở sáng này không phải tự số trí thức văn nghệ sĩ nghĩ ra. Nó là ý muốn lành mạnh của của Đảng, của nhân dân muốn khắc phục các di hại do những sai lầm ấu trĩ về lãnh đạo của giai đoạn trước gây ra, đưa miền Bắc vào một thời kỳ xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, dân chủ cho nhân dân. Đó là nội dung các Báo cáo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9, thứ 10 họp trong tháng 4 và tháng 8 năm 1956 có nhiều ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Liên xô lần thứ XX với các chủ đề chống chủ nghĩa sùng bái cá nhân, mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ và tăng cường chế độ pháp trị dân chủ(1)…
Nhưng niềm hy vọng đã nhanh chóng trở thành thất vọng do sự bảo thủ, trì trệ của bộ máy và trở thành phản ứng dây chuyền hình thành trào lưu tư tưởng dân chủ rộng khắp mà điểm tập trung là Nhân văn - Giai phẩm.
Vốn là một trí thức có cá tính mạnh luôn luôn chú ý đến các vấn đề phương pháp luận tư tưởng và phương pháp luận phê bình, nghiên cứu văn học và lại đang hoạt động trong tâm điểm của bộ phận nhạy cảm đó, dĩ nhiên Trương Tửu nổi lên như là một điểm sáng. Do thực sự là một tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa Mác xit, Trương Tửu nôn nóng muốn khắc phục các khuyết điểm trong phương pháp thực hiện của nó, những lệch lạc trong kháng chiến, đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhằm mang lại một không gian rộng rãi hơn cho cuộc sống của trí thức, văn nghệ sĩ cũng như toàn bộ người dân...
Chúng ta hãy xem ông đã thể hiện tư tưởng và hành động như thế nào.
Ông đã cho xuất bản các cuốn sách và bài viết như sau:
- Chỉnh huấn là gì?. Nxb Minh Đức, H., 1955. 
- Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ. Nxb Minh Đức, H., 1955.
- Thế nào là văn hóa nô dịch. Nxb Minh Đức, H., 1955.
- Thế nào là văn hóa tiến bộ. Nxb Minh Đức, H., 1955.
Cả 4 cuốn này là loại sách tìm hiểu chính trị phổ thông cho nhân dân tự học.
- Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du. Nxb Xây dựng, H., 1956.
- Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ đê của Vũ Trọng Phụng trong sách Vũ Trọng Phụng với chúng ta. Nxb Minh Đức, H., 1956.
- Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ. Giai phẩm mùa thu, Tập II, tháng 9-1956.
- Văn nghệ và chính trị. Giai phẩm mùa thu, Tập III, tháng 11-1956; Giai phẩm mùa Đông, Tập I, tháng 12-1956.
- Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Nxb Xây dựng, H., 1958.


Về mặt giảng dạy tại hai trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm, Ông tiếp tục giảng dạy hai giáo trình cơ bản là Văn học Việt Nam từ 1858 đến 1955 và Khoa học phê bình văn học.
Trong sổ tay ghi chép còn lại thấy ông đang triển khai đề cương các bài viết về Văn nghệ và hiện thực (1957), Văn học phản ánh hiện thực (1957), Những đặc điểm của văn học giai đoạn 1930-1945(1957), Năm 1919 mở đầu thời hiện đại lịch sử văn học Việt Nam (1957), Nguyễn Trãi và vấn đề Gia huấn ca (1957)...


Vào tháng 5-1956, Ông cùng đoàn giáo sư Đại học Sư phạm, Văn khoa tham quan các trường đại học lớn của Trung Quốc như Đại học Tổng hợp, Đại học sư phạm Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu nhằm nghiên cứu cách tổ chức và giảng dạy đại học. Ngày 23-5-1956, Ông phát biểu trên Đài phát thanh Bắc Kinh nhận xét về công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Trung Quốc. Lúc đó văn nghệ sĩ và trí thức trung Quốc còn đang được hít thở bầu không khí Trăm hoa đua nở - Trăm nhà đua tiếng và chính sách đổi mới đối với trí thức qua bài phát biểu của Chu Ân Lai nên ông phát biểu trên Đài phát thanh Bắc Kinh: “Các nhà lãnh đạo văn hóa ở Trung quốc đã nắm được quy luật phát triển của khoa học: Đó là sự tự do tìm tòi. Tự do tư tưởng, tự do tranh luận trên cơ sở kết hợp lý thuyết với thực tế cách mạng. Về văn nghệ, Đảng Cộng sản đã nêu cao khẩu hiệu: Trăm hoa đua nở (“Bách hoa tề phóng”). Về khoa học Đảng lại đề ra khẩu hiệu: Bách gia tranh minh (Trăm nhà đua tiếng). Mọi tài năng, ý kiến ấy nhằm mục đích phục vụ nhân dân, kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Mọi tài năng đều được phát biểu. Trên con đường đi tìm chân lý để phục vụ nhân dân, không có một uy quyền độc tôn nào có thể đàn áp sự tự do tư tưởng của nhà nước”(2)…


Trương Tửu còn để lại bản thảo Bản kiểm điểm do tổ chức yêu cầu viết về việc tham gia phong trào(3) Nhân văn - Giai phẩm trước khi nghỉ dạy học. Bản này không được công bố trên báo chí.
Qua các hoạt động trí thức, bài viết, tác phẩm có thể thấy khuynh hướng tư tưởng cơ bản của Trương Tửu là:
- Về mặt tư tưởng khoa học, trên cơ sở áp dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin về văn hóa văn nghệ và đường lối văn nghệ của Đảng LĐVN tiếp tục hoàn thiện nội dung và phương pháp luận các vấn đề quan trọng của Lý luận văn học và nghiên cứu văn học sử Việt Nam, văn học Việt Nam hiện đại, Truyện Kiều và Nguyễn Du. Có lẽ cho đến lúc đó ở nước ta chưa có ai làm được như Ông, tức là đã gần như phác họa được toàn bộ nền móng của những vấn đề cơ bản đó. Cho đến thời điểm đó phải thấy rằng trong nền giáo dục đại học miền Bắc mới có ông là người sớm nhất đặt nền móng cho việc nghiên cứu phương pháp phê bình văn học và nghiên cứu văn học sử Việt Nam.
- Về mặt tư tưởng chính trị, Trương Tửu đã nhậy bén nhận ra xu hướng biến đổi của thời đại, tức là xu hướng cải cách dân chủ lần thứ nhất của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa cũng là vấn đề hết sức cần thiết đối với miền Bắc và Đảng Lao động Việt Nam. Với thái độ của một trí thức cương trực, trung thực, Ông đã sớm nhập cuộc vào khuynh hướng đó. Chúng ta thấy có hai mặt trong hành xử của Ông. Một mặt Ông tích cực tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác Lê nin, cố gắng diễn giải các nguyên lý của nó để cho nhân dân hiểu biết, vận dụng nó trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, trong đời sống văn hóa văn nghệ để đi đến một mục tiêu như là lý tưởng mà nhiều trí thức chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Tây phương như ông thường mong muốn. 

Chẳng hạn ông ca ngợi sự tốt đẹp của cái gọi là biện pháp chỉnh huấn:
1-    Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục khoa học nhằm mục đích cải tạo tư tưởng cho con người...
2-    Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục dựa trên một tinh thần nhân văn chân chính...
3-    Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục đề cao đạo đức...
4-    Chỉnh huấn là một phương pháp giáo dục đem lại sự tự do cho con người(4)…


Trong cuốn Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ, Trương Tửu hết lời mạt sát tất cả những thành tựu khoa học, văn hóa, nghệ thuật của Mỹ và các nước phương Tây là phản văn minh, phản nhân đạo, chỉ nhằm mục đích nô dịch con người và phục vụ âm mưu gây chiến tranh tiêu diệt loài người. Ông khẳng định với niềm tin không kém phần mãnh liệt: “Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ tất yếu sẽ bị xua đuổi ra khỏi đất nước chúng ta, cũng như dân tộc ta tất yếu sẽ hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ. Đó là quy luật lịch sử. Nhưng nó cũng là vấn đề đấu tranh sáng suốt bền bỉ và cương quyết”(5)…
Đây cũng là sự cả tin vào sự tuyên truyền của Liên xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Mặt khác, về khoa học Ông tự điều chỉnh những luận điểm cực đoan của giai đoạn trước và nhiệt thành chỉ ra các sai lầm trong vận dụng thực tiễn và tác hại của các sai lầm ấy, đặc biệt là trong văn hóa văn nghệ. 

Trong thời gian trước cách mạng Trương Tửu đã viết Triết lý Truyện Kiều (1931), Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Văn chương Truyện Kiều (1944). Năm 1956 Trương Tửu cho in Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du nhằm bàn lại về vấn đề Truyện Kiều. Ông viết :
“Trong hai tập tiểu luận văn học này (Nguyễn Du và Truyện Kiều, Văn chương Truyện Kiều – TKT thêm), tôi đã cố gắng phân tích và phê phán Truyện Kiều theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Nhưng vì hồi ấy trình độ lý luận còn ấu trĩ, lập trường chính trị còn lệch lạc, tôi đã áp dụng phương pháp phê bình văn học mác xít một cách phiến diện, gò ép, máy móc, nên đã có những nhận định sai lầm căn bản khi tìm hiểu và phê phán tác phẩm của Nguyễn Du…
... Trong giáo trình văn học sử Việt Nam giảng ở Dự bị đại học và Đại học Sư phạm (những năm 1952-1955), tôi đã có dịp chỉnh lý lại những điều ấy”...
Ông cũng thành thực nói rằng cái hướng tìm hiểu Truyện Kiều đúng nhất, căn bản nhất mà ông nhận thức được là từ một câu nhận xét của ông Trường Chinh: “Điều đáng chú ý khi nghiên cứu Truyện Kiều là: từ bao đời nay nông dân Việt Nam vẫn rất thích Truyện Kiều. Vậy Truyện Kiều có cái gì mà khiến được nông dân thích như thế ?”…
Tháng 10-1956, Trương Tửu viết lời Giới thiệu tiểu thuyết Vỡ đê do Nhà xuất bản Minh Đức Thời Đại tái bản. Ông đã đánh giá đúng thái độ chính trị yêu nước và giá trị những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đối với thời đại trong khi nhà văn còn đang bị bài xích.

Tháng 10-1957, Trương Tửu hoàn thành bản thảo công trình Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, xuất bản tháng 12-1957. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với Trương Tửu vì nó vừa mở ra thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ, hoàn thiện thế giới quan và tư duy khoa học của một tài năng hứa hẹn có thể sáng tạo những công trình có tầm vóc lớn hơn lại vừa ngay lập tức khép lại phần đời hoạt động văn hóa của Ông. Trong lời giới thiệu TRƯƠNG TỬU - Tuyển tập nghiên cứu phê bình (NXB Lao Động, H., 2007), TS. Trịnh Bá Đĩnh và PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn đánh giá: “Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam (1958) lại là một nỗ lực quan trọng của Trương Tửu trong việc tự ý thức về tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Tính cho đến tận hôm nay, đây vẫn là công trình chuyên sâu duy nhất bàn về quan niệm và phương pháp văn học sử, những thành phần cấu tạo và việc phân kỳ các giai đoạn văn học sử Vệt Nam”(6)…

Như vậy phải chăng quá trình tham gia vào công tác văn hóa văn nghệ 9 năm kháng chiến và đặc biệt là thắng lợi vang dội của nó đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của Trương Tửu về các vấn đề phương pháp luận mác xít cho việc xây dựng một nền móng của khoa học nghiên cứu lịch sử văn học nước nhà và khoa phê bình văn học với tư cách là một khoa học.
Về thái độ đối với các vấn đề cấp bách của thực tiễn văn nghệ, Trương Tửu đặc biệt quan tâm đến sự vận dụng học thuyết Mác Lê nin vào công tác lãnh đạo văn nghệ của Đảng Lao động Việt Nam, các khuyết điểm của nó do chủ nghĩa cực đoan gây ra và ông suy nghĩ về các biện pháp làm cho nó mang tính dân chủ hơn.
Chúng ta phải trở lại và nhìn kỹ lại bối cảnh xã hội miền Bắc cũng như thế giới những năm đầu hòa bình mới lập lại để hiểu đúng động cơ, thái độ, chỗ đứng của Trương Tửu trước những vấn đề phức tạp đó.
Trước hết hãy đọc lại thái độ của tập thể lãnh đạo Đảng nói chung và thái độ của những người lãnh đạo văn nghệ đối với việc cải cách dân chủ lúc đó.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 19 đến 24-4-1956 về việc quán triệt nguyên tắc lãnh đạo tập thể, đề cao vai trò của Đảng đã đề cập rất nghiêm túc việc chống sùng bái cá nhân trong đảng, đã nói rõ sự tôn kính lãnh tụ đã đi vào sự lệch lạc của sùng bái cá nhân, trong đó có trách nhiệm của Bộ Chính trị và cá nhân Hồ Chủ tịch, thừa nhận sự lãnh đạo của Trung ương có nhiều sai lầm nghiêm trọng về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Hội nghị lần thứ 10 họp từ ngày 25-8 đến 5-10-1956 về mở rộng dân chủ, đảm bảo quyền tự do dân chủ và tăng cường chế độ pháp trị dân chủ 
Cũng tại Hội nghị Trung ương 10, Báo cáo công tác tư tưởng đánh giá khuyết điểm về công tác tư tưởng như sau: “Song song với sự phát triển nhanh chóng của tình hình và yêu cầu của cuộc đấu tranh phức tạp về mọi mặt thì công tác tư tưởng của Đảng ta lại quá lạc hậu. Tình hình những nhận thức tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân ta nói ở trên chứng tỏ công tác tư tưởng của ta còn rất non kém, bộc lộ nhiều khuyết điểm nghiêm trọng”(7)…
Tất nhiên trong đó có phần khuyết điểm về lãnh đạo văn hóa, văn nghệ.

Trong cuộc họp 18 ngày nghiên cứu lý luận trong tháng 8-1956, đông đảo văn nghệ sĩ đã phát biểu thẳng thắn, phê bình những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo văn nghệ của Đảng như đường lối hẹp hòi, gò bó, chưa có một chính sách cụ thể về văn nghệ, bộ phận lãnh đạo văn nghệ không hợp lý, không trong sạch, có tính bè phái, độc đoán...

Trong lời tổng kết, Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi đã thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng đã được hội nghị nêu ra và hứa hẹn sửa chữa. Riêng Nguyễn Đình Thi có nêu rõ tác hại của bệnh sùng bái cá nhân trong đời sống văn nghệ của ta(8).
 Ngay sau Hội nghị 18 ngày, Hoài Thanh đã cho in bài Tôi đã sai lầm như thế nào trong việc phê bình bài Nhất định thắng của anh Trần Dần trên báo Văn nghệ số 139 (20-9-1956) thừa nhận đã “lầm lẫn bạn thù trong việc phê bình và những sai lầm... trong cuộc phê bình bài Nhất định thắng... là một bài học lớn”...
Ngay sau đó, ngày 2-10-1956, tập thể Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam ra Thông báo Nhận rõ một số sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, trong đó có việc tổ chức phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần và tổ chức xét giải thưởng văn học 1954-1955(9)…

Còn cá nhân Trương Tửu, Ông đã nhìn nhận các vấn đề ở trên như thế nào?
Về tình trạng sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ, Ông viết: “Bệnh sùng bái cá nhân là một bệnh phổ biến trong giới lãnh đạo văn nghệ... Tôi không nói đó là bệnh của văn nghệ sĩ, vì rằng hôm qua cũng như hôm nay, người văn nghệ sĩ tự trọng không bao giờ thừa nhận sự sùng bái cá nhân. Nghệ thuật là sáng tạo, là tự do. Sùng bái cá nhân là phục tùng mù quáng, là nô lệ. Hai thứ đó như nước với lửa, có cái này thì không có cái kia được”...

Trương Tửu nêu lên tấm gương không chịu sùng bái cá nhân của Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc đối với Trường Chinh. Ông quy trách nhiệm cho số lãnh đạo văn nghệ: “Giống như bọn thầy bùa phong kiến, các nhà lãnh đạo văn nghệ của chúng ta muốn yểm tất cả tâm hồn cứng rắn và tự do cho đến trở thành những hòn đất thó tròn méo mặc dầu tay kẻ nặn. Những lá bùa của họ chế tạo ra kể cũng đã khá nhiều: mất lập trường, phạm chính sách,phá đoàn kết, phá tổ chức, vô kỷ luật, chống Đảng, địch lợi dụng, có vấn đề,  bất mãn cá nhân, óc địa vị, v.v... Còn gì nữa?”…

Theo ông, chính lãnh đạo đã tạo ra một tình trạng u ám trong văn nghệ: “Một số văn nghệ sĩ non gan... biến thành những tên thư lại văn nghệ xu nịnh trục lợi. Một số khác trốn vào thái độ tiêu cực, chán nản công tác, tâm tư trĩu nặng hờn oán và uất ức. Một số khác nữa cất kín cá tính và nghệ thuật xuống đáy ba lô, yên lặng làm bổn phận một người công dân kháng chiến bằng bút, bằng màu sắc, bằng dây đàn, bằng sân khấu - đánh giặc đã! Còn một số không khuất phục, kịch liệt phê phán tác phong và đường lối lãnh đạo của thường vụ Hội thì bị chụp mũ, bị chèn ép, bị trù, bị hành hạ, bị gạt sang một bên”...
Trương Tửu đề nghị:
Đã đến lúc phải sa thải những nhà lãnh đạo thiếu tư cách mà quần chúng tuyệt đối không tin tưởng nữa để quần chúng văn nghệ tự tay mình điều khiển công việc chuyên môn của mình một cách thực sự dân chủ.
Đã đến lúc phải thanh toán lối đàn  áp tự do tư tưởng, khinh miệt quần chúng, mệnh lệnh, độc đoán, bè phái chủ  nghĩa do bệnh sùng bái cá nhân đẻ ra, để mở đường cho trăm hoa đua nở, trăm nhà đua nói”.

 Trương Tửu yêu cầu phải tạo ra môi trường dân chủ cho văn nghệ sĩ:
“Muốn sáng tạo ra một thế giới độc đáo, văn nghệ sĩ phải có một cái nhìn độc đáo, một nhận thức độc đáo về thực tại, một trí tưởng tượng độc đáo, một lối nói độc đáo. Phải duy trì bảo vệ tính độc đáo ấy không để một sức mạnh bên ngoài nào xâm phậm đến hay làm cho mất đi. Phải tự do nhìn sự thực, tự do xúc cảm, tự do suy nghĩ, tự do tưởng tượng, tự do vận dụng ngôn ngữ nghệ thuậ - để có thể phản ánh hiện thực một cách trung thành. Tự do ở đây có nghĩa là: chống lại mọi áp bức tư tưởng, mọi mệnh lệnh, mọi công thức, mọi quyền uy bắt mình nói điều mình không muốn nói, nghĩ điều mình không muốn nghĩ, nhận là đúng điều mình cho là sai, không yêu những cái mà mình ghét, không ca tụng những cái mà mình phản đối. Không có tự do ấy, sự sáng tác của văn nghệ sĩ sẽ giả tạo”...


Trong hai tiểu luận Văn nghệ và chính trị, Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích, Trương Tửu  phân tích những nguyên lý về quan hệ giữa văn nghệ với chính trị của chủ nghĩa Mác Lê nin, muốn rằng những người Cộng sản phải hiểu và vận dụng cho đúng các nguyên lý ấy trong lãnh đạo văn nghệ. Trong Văn nghệ và chính trị, Ông khẳng định rằng:

Ở thời đại lịch sử này, văn nghệ sĩ muốn phục vụ sự tiến bộ của xã hội một cách có hiệu quả tối đa thể tất phải tiến đến triết học và chính trị đúng đắn của giai cấp công nhân”(10)…
Những văn nghệ sĩ của Đảng tất nhiên phải tuân theo kỷ luật nội bộ của Đảng, phải chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phải thực hành những nhiệm vụ và công tác Đảng giao phó cho”(11)…


Nhưng mặt khác, Ông đòi hỏi phải thực hiện triệt để chủ trương của Lê nin “tuyệt đối bảo đảm tự do thật rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho sở hướng cá nhân, bảo đảm tự do thật rộng rãi cho tư tưởng và sức tưởng tượng phóng khoáng, cho nội dung và hình thức”(12)… 
Ông cũng khẳng định ý kiến của Lê nin về sự tự do tư tưởng đó vô cùng quan trọng do nó ảnh hưởng đến sự bền vững của cách mạng, bởi nó mang đến cho giai cấp công nhân sự thực khách quan: “Giai cấp vô sản xa rời sự thực ngày nào là bước vào con đường thất bại ngày ấy. Cho nên nó đặc biệt tôn trọng sự thực, tôn trọng chân lý khách quan, tôn trọng những người phát hiện sự thực, tôn trọng những người tìm tòi chân lý - tôn trọng những nhà khoa học và nghệ thật”(13)…
Đặc điểm của cách phát ngôn của Trương Tửu là ông luôn giữ tính nhiệt thành và cực đoan cho nên luôn để cho những người chống ông vu ông là trốt kít. 


Về giai đoạn trước 1945, mới đây GS.TSKH. Phương Lựu trong bài Góp bàn về tư tưởng học thuật của Trương Tửu đã cho rằng tư tưởng văn học của Trương Tửu trước cách mạng về cơ bản không theo chủ nghĩa Trốtsky, cũng không theo chủ nghĩa Lê nin mà là macxit phân tâm, một dạng của chủ nghĩa Mác phương Tây(14)… 

Còn giai đoạn sau hòa bình cho tới 1958, tư tưởng văn học của Trương Tửu về cơ bản vẫn không theo chủ nghĩa Trốtsky, vẫn là chủ nghĩa Mác phương Tây nhưng ông đã chú ý tiếp thu Tổ chức Đảng và văn học Đảng của Lê nin để xem xét công tác lãnh đạo văn nghệ của những người Cộng sản Việt Nam. Có điều là ông đã rất nhấn mạnh đến khía cạnh dân chủ cởi mở của Lê nin đối với hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ và việc quản lý một cách uyển chuyển các thành phần, các nhóm văn nghệ sĩ khác nhau về chính kiến đi với cách mạng vô sản.

Như vậy trong thời gian này mặc dù tình hình phức tạp, căng thẳng,  Ông vẫn làm việc rất nỗ lực với nhiều dự định lớn cho một thời kỳ  mới, hy vọng cho nhiều sáng tạo mới. Tác phẩm của Trương Tửu ngoài ý nghĩa khoa học còn tác động trực tiếp đến đời sống chính trị xã hội, ở thái độ trung thực, ở hành xử dũng cảm của một trí thức có nhân cách, ở tính dự báo sâu sắc về thời cuộc...

Đánh giá một cách khách quan, nhiệt tình và niềm tin của Trương Tửu có phần ảo tưởng nhưng đó là hệ quả của cá tính trung thực cực đoan của Ông. Trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm không phải chỉ có một mình Trương Tửu mắc phải khuyết điểm này. Nhiều trí thức Tây học chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Pháp cũng đã hành động như ông. 
Và kết cục tàn nhẫn đã đến. Ông đã bị những người kiên định với lập trường tả khuynh phê phán rất dữ dội. Thống kê chưa đầy đủ, số lượng những người viết bài như sau (Xếp theo trật tự thời gian):

- Nguyễn Đình Thi: Những sai lầm tư tưởng trong tập sách Giai phẩm (3 kỳ). Văn nghệ, số 117, 118 và 119 tháng 4 và 5- 1956.
- Lê Trung Thực: Trương Tửu viết về sùng bái cá nhân. Văn nghệ, số 144, ra ngày 25-10-1956.
- Trần Thanh Mại: Quan điểm và lập trường tư tưởng của một người tự xưng là Mac-xít Lê-nin-nít. Một bài báo nguy hại đăng trong “Giai phẩm mùa đông” (3 kỳ). Nhân dân, số ra ngày 12, 13 và 14-1-1957.
- Hiền Minh: Vài ý kiến phê bình quyển Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du của Trương Tửu. Nghiên cứu Văn – Sử - Địa, số 32, tháng 9-1957, tr.83-89.
- Hồng Chương: Phải tước vũ khí của tên phản động ấy. Tạp chí Học tập, số 3-1958.
- Trường Chinh: Báo cáo đọc tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp từ ngày 10 đến ngày 21-3-1958. Cuốn Về văn hóa Văn nghệ (NXB Văn hóa, H., 1976) trích lại với tựa đề Lên án bọn Nhân văn – Giai phẩm.
- Bàng Sỹ Nguyên: (…).  Tiền Phong, số 282, ra ngày 23-4-1958.
- Hoài Thanh: Thực chất tư tưởng Trương Tửu. Văn nghệ, số 11, tháng 4-1958.
- Hồng Vân: Lê-nin-nít hay Tơ-rốt-skit? Văn nghệ, số 11, tháng 4-1958.
- Bùi Huy Phồn: Trương Tửu một tên phản cách mạng đội lốt mác-xít. Văn nghệ, số 12, tháng 5-1958.
- Tố Hữu: Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn – Giai phẩm tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 4-6-1958. Các ấn phẩm khi in lại đặt là Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn – Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ.
- Vũ Đức Phúc: Phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu: Lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ. Văn học, số 13, ra ngày 25-9-1958.
- Nguyễn Kiến Giang: Phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu: Tuyên truyền thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ, cách mạng trong lý luận và sáng tác văn học. Văn học (2 kỳ), số 14 và 15, tháng 10-1958.
- Hồng Quảng: Phê phán mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu: Quan điểm chính trị và học thuật của Trương Tửu về văn học cận đại và hiện đại Việt Nam. Văn học, số 16, tháng 10-1958.
- Hồng Quảng:  Nội dung tư tưởng của văn học cận đại Việt Nam có phải căn bản là tư tưởng tư sản không? Văn học, số 17, tháng 11-1958.
- Hồng Quảng: Từ 1930 đến 1945 có xu hướng văn học của giai cấp công nhân không? Văn học, số 18, tháng 11-1958.
- Văn Tân: Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu hay là một lối xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê nin. Nghiên cứu Văn - Sử - Địa, số 44-1958.
- Văn Tân: Bộ mặt phản động của Trương Tửu trong quyển Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam. Nghiên cứu Văn - Sử - Địa, số 45-1958.
- Phạm Mai: Trương Tửu đầu cơ văn học khi phê phán Truyện Kiều. Nghiên cứu Văn - Sử - Địa, số 45-1958.
- Lê Văn Hải: Đọc bài Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ (Giai phẩm mùa Thu, Tập II). Văn nghệ, số 142 (ra ngày …).
- Phan Cự Đệ: Thái độ và phương pháp giảng dạy của Trương Tửu. Độc lập, số 354, (ra ngày … 1958).
- Ngô Thế Thinh: Những luận điệu của chủ nghĩa xét lại trong con người Trương Tửu. Độc lập, số 354, (ra ngày … 1958).
Ngoài những bài trên còn nhiều chục bài khác cùng với sự đấu tố chung hoặc riêng với những người khác, trong đó ít nhiều có sự đấu tố Trương Tửu như của Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Lưu Trùng Dương, Như Phong, Lưu Quý Kỳ, Quang Đạm, Hồng Cương, Trương Chính, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý...
Tại sao lại có sự ưu ái đặc biệt như vậy đối với Trương Tửu? Có lẽ do vị trí công việc giảng dạy trên diễn đàn đại học của Ông và tầm quan trọng những tư tưởng, cách nhìn của Ông về những căn bệnh trầm kha của nền văn nghệ lúc đó đã khiến Ông bị đặt thành một mục tiêu nguy hiểm.
Đặc điểm những lời phê phán Trương Tửu đều mang tính võ đoán, quy chụp, phủ định sạch trơn. Những người phê phán Ông đều cho rằng Ông là phần tử trôt kit nguy hiểm, là phản động, phản cách mạng, đội lốt mac xit để chống phá cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chủ nghĩa Mac - Lê nin. 

Nhìn lại việc phê phán Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, PGS. TS. Trịnh Bá Đĩnh viết:
... “Ở Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, tác giả của nó rõ ràng là đã chịu sự chi phối của các nhà mĩ học và lí luận văn học phương Tây như G. Lukacz (Hunggari), J. Lefbvre (Đức), Plekhanov, Kammarin (Nga), F. Challaye, J. Fréville (Pháp)... qua các tài liệu bằng tiếng Pháp được đăng tải trên các tạp chí La pensée, La nouvelle critique, La litterature sovietique... Tài liệu được tác giả Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam lấy làm cơ sở là cuốn Về văn học và nghệ thuật của Marx và  Engels do Jean Fréville biên soạn.

 ... Tác giả của nó bị lên án là “lợi dụng văn học để chống lại cách mạng, chống lại chế độ”, “tuyên truyền cho thế giới quan duy tâm và phủ nhận thế giới quan tiến bộ”…, bị những người phê phán xếp vào hàng ngũ xét lại như Vizma ở Nam Tư, Hồ Phong ở Trung Quốc. Họ công kích Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam ở những nội dung nào? Có hai điểm chính: 1/ Tính độc lập tương đối và sự kế thừa của văn học; 2/ Tính loại biệt của văn học.

... Những vấn đề lí thuyết trong Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam không chỉ có như vậy, trong đó cũng không chỉ có những vấn đề lí thuyết mà cả những đề xuất về phương pháp viết lịch sử văn học Việt Nam. Có những đề xuất rất thời sự so với thời điểm đó của khoa văn học như: bộ phận văn học chữ Hán có phải là văn học dân tộc không, phân kì lịch sử văn học Việt Nam như thế nào, văn học hiện đại bắt đầu từ thời điểm nào? Có những điều mà hôm nay chúng ta vẫn phải suy nghĩ tiếp. Chẳng hạn Trương Tửu cho rằng văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX là cùng kiểu loại với văn học Phục hưng phương Tây (ông gọi là “văn học cổ điển”). Điều này khá gần gũi với quan điểm của các nhà phương Đông học Nga về một giai đoạn văn học Phục hưng có tính toàn thế giới, trong đó có “thời Phục hưng phương Đông
” (15)…

Tại hai trường đại học, cuộc phê phán Ông cùng các bạn đồng nghiệp như Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo cũng diễn ra rất quyết liệt, kéo dài nhiều buổi. Có lẽ một trong những điều làm cho các Ông đau đớn là một số sinh viên cơ hội đã phản bội lại thầy giáo của mình. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết lại những cuộc đấu tố ở hai trường đại học Tổng hợp và Sư phạm trong cuốn tự truyện Kẻ bị mất phép thông công – Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức (Nguyên văn tiếng Pháp: Un Excommunié – Hanoi: 1954-1991: Procès d’un intellectuel. XNB Quê mẹ, Paris, 1992). 

Đến đây bạn đọc có thể muốn biết trong những năm tháng này Trương Tửu đã sống như thế nào? Đáng tiếc là Ông không để lại một chút tài liệu nào phản ánh thái độ, tâm tư của ông đối với sự kiện Nhân văn - Giai phẩm cũng như việc Ông bị đấu tố. Chỉ biết rằng trong Bản kiểm điểm, Ông tin rằng những việc làm như việc đấu tranh chống bệnh sùng bái cá nhân của những người lãnh đạo văn nghệ sẽ làm cho bộ máy lãnh đạo văn nghệ tốt hơn, dân chủ, bình đẳng với văn nghệ sĩ, việc tán thành báo Nhân Văn, Đất mới, viết bài cho Giai phẩm, với hy vọng đời sống xã hội được tự do tư tưởng, đường lối dân chủ hóa của Đảng được thực hiện nhanh hơn, việc góp ý đấu tranh với các cán bộ quản lý quan liêu, độc đoán ở trường đại học như bỏ Hội đồng giáo sư, sắp xếp cấp bậc, đề bạt giáo sư, bổ dụng sinh viên tốt nghiệp, chọn nghiên cứu sinh, kỷ luật số người viết bài, biên tập Đất mới... là để làm cho trường đại học xứng với vai trò của nó.

Giáo sư Phan Ngọc, một người trợ giảng của ông nhớ lại: “Tôi còn nhớ rõ hôm GS. Trương Tửu bị phê bình và cách chức. Tôi thấy anh đi ra thản nhiên. Lòng tự hỏi:  Anh làm cách nào để sống đây!”. Tôi có nghề phiên dịch sẽ sống bằng nghề này, một nghề có thể nói không động chạm tới chính trị. Còn anh thì làm thế nào để sống?” (16).
Tuy cá tính Trương Tửu cực đoan nhưng Ông luôn quan tâm và yêu quý, giúp đỡ học trò. Nhiều sinh viên của hai khóa học 1953-1956, 1954-1957 như Nguyễn Đình Chú, Văn Tâm, Ninh Viết Giao, Nguyễn Văn Hoàn, Đoàn Minh Tân... vẫn còn giữ trong ký ức những kỷ niệm tốt đẹp về thầy Trương Tửu(17)…

*****

 Sau các đợt đấu tố, Trương Tửu bị kỷ luật cách chức vào giữa năm 1958. Ông xin nghỉ hẳn công tác, không làm việc tiếp cũng không nhận lương hưu hoặc trợ cấp, tự kiếm sống bằng một thứ nghề mới không ai nghĩ đến, đó là nghề chữa bệnh Đông y. Lúc bấy giờ ông chưa đầy 45 tuổi, một cái tuổi còn tràn trề sinh lực và sức sáng tạo. Ông cũng đoạn tuyệt với hoạt động văn hóa, văn nghệ...

Cũng xin nói thêm từ 1958 cho tới lúc Tương Tửu mất là 41 năm, một quãng đời không phải là ngắn. Không thể không nói những chấn thương tâm lý dữ dội đã làm cho ông thờ ơ với những vấn đề văn hóa văn nghệ đã một thời lôi cuốn ông vào tâm cơn bão thời đại. Ông cũng không viết hồi ký và không cho phép ai viết tự truyện về mình. Giữa các ý tưởng viết sách Phép dưỡng sinh, Tử vi đẩu số, Một số vần đề về châm cứu học, Ông chỉ còn vương vấn với mỗi nàng Kiều với dự định viết Nợ Kiều phải trả cho xong. Tiếc rằng sức khỏe đã không cho phép ông hoàn thành đề cương này ngoài một vài đoạn ghi chép như Suy nghĩ về Tam tài luận, Cái nghiệp trong thuyết nhân quả, Các mẫu người, Nhà khoa học là hiện thân của đạo đức, đề cương Nợ Kiều phải trả cho xong...

Trong vài ba bài thơ hiếm hoi còn lại cho thấy ông vẫn giữ được  niềm tin tự tại: 
- Băng giá tan rồi xuân lại đến
(Nâng chén)(18)
- Cây còn thân gốc vẫn còn hoa
(Họa lại thơ tặng của Lê Văn Siêu)(19)
  
      Ngày 31-5-2010, trước thềm Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ra Quyết định công  nhận nhà văn Trương Tửu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam(20).
Sau hơn nửa thế kỷ, chắc rằng dù ở cõi nào Trương Tửu cũng thấy được những ngọn gió xuân đang thổi về, đang làm xanh lại những trang sách của đời Ông.


Chú thích
1- Văn kiện Đảng tập 17- 1956…
2- Tiến quân vào thành trì khoa học! Bài nói của Giáo sư Trương Tửu ở Đài phát thanh Bắc Kinh ngày 23-5-1956. Tập san ĐHSP 1956.
3- Gọi Nhân văn - Giai phẩm là một phong trào bởi tư tưởng đòi hỏi cải cách dân chủ không chỉ có ở nhóm báo chí Nhân văn và Giai phẩm mà bao gồm cả nhiều lĩnh vực rộng lớn của xã hội miền Bắc lúc đó.
4- Chỉnh huấn là gì ? NXB Minh Đức Thời Đại, H., 1955, tr.82-83.
5- Văn hóa nô dịch của đế quốc Mỹ và phe lũ. NXB Minh Đức Thời Đại, H., 1955, tr.91.
6- Trịnh Bá Đĩnh – Nguyễn Hữu Sơn: Phê bình văn học – Trường hợp Trương Tửu, trong sách Trương Tửu - Tuyển tập nghiên cứu, phê bình. NXB Lao Động, H., 2007, tr.15-16.
7- Văn kiện Đảng tập 17- 1956.
8- Nguyễn Đình Thi: Một vài khuyết điểm trong sự lãnh đạo văn nghệ… Văn nghệ, số 140, ra ngày 27-9-1956.
9- Ban Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam: Nhận rõ một số sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác. Văn nghệ, số 141, ra ngày 4-10-1956.
10- Trương Tửu: Văn nghệ và chính trị (2 kỳ). Giai phẩm mùa Thu, Tập III, ra ngày 30-10-1956 và Giai phẩm mùa Đông, Tập I, ra ngày 28-11-1956.
11- Trương Tửu : Văn nghệ và chính trị (2 kỳ).Giai phẩm mùa Thu, Tập III ra ngày 30-10-1956 và Giai phẩm mùa Đông, Tập I ra ngày 28-11-1956.
12- 13- Trương Tửu Trích lời Lê nin trong Tổ chức Đảng và văn học Đảng. Xem Trương Tửu: Văn nghệ và chính trị- Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích.
14- Phương Lựu: Góp bàn về tư tưởng học thuật của Trương Tửu. Nghiên cứu Văn học,số 10-2008, tr.63-75. Bài đăng lại trên website của Viện Văn học, tháng 3-2012.
15- Trịnh Bá Đĩnh: Phương diện lý thuyết của Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam của Trương Tửu. Hồ sơ Trương Tửu. Theo Web Viet-Studies Trần Hữu Dũng.
16- Phan Ngọc: Một vài điều ít được nhắc lại về nhà phê bình Trương Tửu. Hồ sơ Trương Tửu. Theo Web Viet-Studies Trần Hữu Dũng.
17- Xin xem Ninh Viết Giao: Xứ Nghệ và tôi (Hồi ký). NXB Nghệ An, 2006.
18- Trương Tửu: Nâng chén. Tết Đinh Sửu 1977. Tư liệu của gia đình Trương Tửu.
19- Trương Tửu: Họa lại thơ tặng của Lê Văn Siêu (ngày 28-6-1985). Tư liệu của gia đình Trương Tửu.
20- Nhà văn Việt Nam hiện đại.Hội Nhà văn Việt Nam. NXB HNV 2010. Trang 1287.



      
     Tác giả cám ơn gia đình GS Trương Tửu, các nhà văn Hồng Diệu, Lại Nguyên Ân, Hữu Nhuận... đã giúp cho một số tư liệu quý để hoàn chỉnh bài viết.                                               




                                                         Tháng 4-2012         
 

No comments: