Tuesday, June 12, 2012

NGUYỄN THIÊN THỤ * QUÊ HƯƠNG VỤN VỠ

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI


 Trong tháng 5 năm 2012, Viện Việt học California đã xuất bản hai tác phẩm của GS Nguyễn Văn Sâm.


NGƯỜI HÙNG BÌNH ĐỊNH 

nguoihungbinhdinh-ft

Khổ sách: 5.5"x8.5", bìa thường,
492 trangGiá ủng hộ: $25
  Liên lạc: Viện Việt Học (www.viethoc.org)

QUÊ HƯƠNG VỤN VỠ 

 
 khổ thường, 270 trang  
Giá ủng hộ:  $25
  Liên lạc: Viện Việt Học 714-775-2050

  

ĐỌC QUÊ HƯƠNG VỤN VỠ 
CỦA NGUYỄN VĂN SÂM
 NGUYỄN THIÊN-THỤ 

Tháng 5 năm 2012,   Viện Viêt Học California đã phát hành tập truyện " Quê Hương Vụn Vỡ" của Nguyễn Văn Sâm  . Tuy tập truyện xuất bản năm  2012, một số truyện ngắn của ông đã đăng tải trên các tạp chỉ online hải ngoại.  Tập truyện này gồm 20 truyện ngắn , dày 270 trang. Đây là cái nhìn của tác giả về quê hương Việt Nam hiện tại  với nỗi bi thương:

 " Quê hương vụn vỡ lòng man mác 
Đất nước tan hoang dạ ngậm ngùi".

I. QUÊ HƯƠNG
Nguyễn Văn Sâm đưa ta về Việt Nam, một Việt Nam trước 1975 và một Việt Nam sau 1975.  Trước 1975, miền Nam là một xã hội thanh bình. Địa danh của truyện là Saigòn, Ông Tạ, Cầu Ông Lãnh, Mỹ Tho, Tây Ninh, Bến Tre với các nhân vật bình dân như bà Hương giáo Hải,  ông Hương giáo,  bà ngoại, thằng Quang, con Nhàn, con Bông,  với các đĩa hátAsia, các tiểu thuyết Gia Long Tẩu Quốc, Giọt Máu Chung Tình (156-176) và Câu hò Vân Tiên ( 188-207). Khoảng 1960, đa số thanh niên đều phải vào lính như Trịnh trong  "Truyện ngắn đời dài". Trong trận chiến, một số binh sĩ VNCH phải hy sinh một phần thân thể. Sau 1975, những thương binh này phải lăn mình ra đời kiếm sống như Tư Cụt hành nghề vá xe (Những tấm vé số).


 Sau 1975, một số người dân miền Nam bỏ nước ra đi, trong đó có những quân nhân, những giáo chức bị chế độ mới cho ra ngoài biên chế, và dòm ngó nặng nề . Hơn nữa họ đau khổ vì phải chứng kiến những cảnh bất công hàng ngày xung quanh (141). Dân nơi thành thị và thôn quê đều bị bọn cường hào mới cướp nhà đất, bị bắt giam vì tội làm dân oan khiếu kiện  rồi chết vì tàn sức (Chuyện ngắn đời dài, 149)

Miền Nam phải chịu nhiều cảnh tang thương. Gia đình nào cũng có một vài kẻ chết trận, chết trong tù và chết giữa biển cả như chị bán quán trong " Tàn cuộc chơi", ba đứa con : thằng Hai Biệt động quân, thằng Ba du kích,thằng Út vượt biên  đi đường khác nhau, chết khác nhau ( 57) nhưng đều ngồi với nhau trên một bàn thờ. Trong thế kỷ XXI, gia đình Út Chột chết  vì " bị tàu lạ đâm chìm" khi đánh cá ờ biển Đông. (56)
Tác giả cho biết vài nét về đời sống của ngư dân Việt Nam: " Thoát chết lần này thì có nhưng sau này chắc chết đói cả nhà quá. Ghe tàu bể hết, sửa lại tiền đâu? Ai vô đó mà bồi thường cho mình. Xã nói tàu lạ biết nước nào mà thưa gửi. Hai bác coi mặt mũi tôi nè. Tụi nó đánh thấy ông bà ông vải!  Tụi nó nói với nhau xí xô xí xáo  như trong phim truyện Hongkong  mà  Xã cứ nhất định bắt mình khai tàu lạ họ mới chịu làm việc.(60) 
 
Hàng hóa thị trường tràn ngập hóa chất độc hại của Trung Quốc (149). Ngoài ra, trong kinh doanh, người Việt Nam mất vệ sinh, chuyên dùng hàng độc hại để lừa bịp nhân dân. . . Hàng lạp xường, đồ lòng thì đầy ruồi nhặng và mùi thịt thúi.  Người ta dùng màu sơn đỏ của tiệm hòm để ướp thịt (48)
Xã hội lừa đảo, gian phi này đã làm cho bao con người đi vào tội ác với tâm bình thản. Người đổi chó đã dựng được một triết lý cho mình:  
 Phải sống trước đã, thiên hạ cả nước mấy chục năm nay ai cũng xạo, ai cũng trơ mặt bóng tội gì mày làm người mã thượng ngu, sĩ diện hão để chịu thiệt thòi. Ai bù lỗ cho mày đây?"   (Người đổi chó, 49)
Một bà vợ nạn nhân dân oan, chồng chết vì tù tội, đã tâm sự:
Phải bươn chải để sống, tôi nhập bọn với những người phân phối hàng Trung Quốc, bất kể thứ gì tới tay, bột màu để làm nước tương, làm nước cam, làm Vitamin C...chất tẩy trắng để tẩy trắng bún, hủ tiếu, bánh phở... Ban đầu tôi còn nghi ngại người ta ăn bị ngộ độc sau đó chẳng thấy ai nói gì tới mình nếu đóng thuế đủ và biết điều với khu vực...(149)

Quê hương Việt Nam sau gần nửa thế kỷ xây dựng xã hội chủ nghĩa và đổi mới, một số tư sản đỏ giàu lên trông thấy rõ, còn đại đa số nhân dân thì nghèo nàn.
Mở đầu tập truyện là truyện" Người quét mộ cụ Phan". Đọc mấy câu đầu, tôi bỗng nhớ lời ca của một bài hát năm xưa "Quê hương em nghèo lắm ai ơi"!
Đó là hình ảnh những đưá trẻ nghèo trên quê hương Việt Nam sau gần nửa thế kỷ thụt xuống Xã hội chủ nghĩa: 
Năm sáu đứa học trò coi bộ thiếu ăn, ốm nhom, chừng 12, 13 tuổi nhảy chưn sáo chung quanh đoàn du khách, nhìn ngó lom lom từng người như muốn khám phá điều gì đó.(26)

Đất nước nghèo nàn không có tương lai, đàn bà con gái đua nhau đi lấy chồng Hàn, chồng Đài. Nết, có gái lấy chồng Đài sau một thời gian trở về đã nhân định: 
Đời sống ở quê nhà cũng như  bao năm trước, trầm lặng tiếp nối... Thay đổi tuy có nhưng chậm như rùa nên không lạ lẫm bao nhiêu.Ông lão ngày nay đi bừa là con ông lão ngày xưa đi cày...(104)
Nền y tế nơi thôn quê vẫn là thuốc nam. 


Giai cấp tận cùng là những thương binh VNCH. Họ tàn tật nhưng phải lăn lộn vào đời kiếm sống. Tư Cụt là con người lương thiện. Anh than thở với đời:
" Ở đây oải quá, tiền bạc khó kiếm mà thức ăn thì mắc dàn trời. Giá cả hễ có dịp  là thăng thiên rồi không chịu tuột xuống, bệnh hoạn gì thì chầu chực cả ngày cũng chưa khám được..." (96)
Kinh khủng nhất là bọn Công an.  Bọn này bây giờ lộng hành, họ muốn đánh ai là đánh chết, người dân đành im miệng không biết kêu ca vào đâu. Em của Nết cãi với công an bị nhốt rồi chết, người ta bảo thằng Na tự tử!
Nghe tin em trai chết, Niết vô cùng xúc động .Niết bám vô cái bàn nuớc giữa nhà định thần. Chợt Nết như  nghẹn cứng họng, nổi quạu:
"Thắt cổ gì? ra đâu mà có sẵn trong tủ? Con nít nghe cũng biết có gì đó không ổn.Cái quân ác đức quá! (107)
Cái xã hội Miền Nam bây giờ lây nhiễm bệnh tham nhũng của cộng sản miền Bắc nhập cảng. Một cựu cán bộ thôn quê tâm sự với bạn già: Nhậu nhẹt  là một hình thức hối lộ,
Anh Sáu à, Nói thiệt nghe nè! mấy tháng nay tui mới được khoan khoái khi ngồi nhậu.... Lúc trước hả, nói thiệt, nhậu cầm chừng cho có vì biết tỏng tòng tong là sau này mình há họng mắc quai.. (54)
Tham nhũng phổ biến từ trung ương cho tới xã thôn. Tám Chinh , chủ tịch xã là kẻ ăn cắp (31), Năm Đơ, cựu bí thư tiêu biểu cho hạng tham nhũng cấp thấp ở xã thôn trong hệ thống đảng . Bên hệ thống nhậu thường xuyên, còn có hệ thống giáo dục  đại học "thi dùm", " học thuê" của Đảng (56). Đấy là đường lối giáo dục, đào tạo những thạc sĩ, tiến sĩ của bầy người "trí tuệ" nhất hành tinh!


Sơn Đông mãi võ là một truyện có ý tưởng thâm trầm về xã hội Việt Nam hiện nay." Đảng ta" chính là một đoàn Sơn Đông mãi võ, làm thuốc giả mà cứ hô hào cứu nhân độ thế. Họ đánh trống, khua thanh la ầm ỉ  và thiên hạ đổ tới xem ầm ầm. Tác giả viết:
" Tiếng phèng la của đoàn Sơn Đông mãi võ với những khẩu hiệu trời ơi đất hỡi có khác gì đâu nà. Kỷ niệm của tuổi trẻ bây giờ hả? Ác mộng ( 230).

II.NHÂN VẬT 

Các nhân vật trong Quê Hương Vụn Vỡ là những nhân vật bình dân giản dị của Nam Kỳ Lục Tỉnh, hay nói đúng hơn là những hạng người ở dưới đáy xã hội mới.  Truyện của Nguyễn Văn Sâm có  hai xã hội, và hai loại người. Đó là người trong nước và Việt kiều. Hai hạng người này cũng có thể tạm chia thành hai loại đơn giản: tốt và xấu.

 Xã hội Việt Nam đầy màu sắc u ám nhưng trong bóng đêm vẫn sáng ngời những tâm hồn cao thượng,  và chính nghĩa  dân tộc. Bọn trẻ nhỏ nhiệt tình với ông Sáu Hấu, và ông  Sáu nhiệt tình với quan đại thần Phan Thanh Giản. Ông tự nguyện làm người quét mộ cụ Phan, săn sóc nấm mộ cụ Phan. Không ai bắt buộc, không ai trả lương, ông tình nguyện để tỏ lòng tôn kính một người ái quốc chân chính. Thế mà Tám Chinh, chủ tịch xã đuổi ông, ngăn cấm ông. Ngăn cấm thì ngăn cấm, ông Sáu Hẩu vẫn ngày ngày quét mộ cụ Phan tại  huyện Ba Tri, Bến Tre.. .
Tác giả cho biết mộ cụ Phan gần mộ Nguyễn Đình Chiểu nhưng phong cảnh khác xa:


Điều đầu tiên làm tôi thất vọng khi so sánh mộ Cụ Phan khiêm nhường ở trong một rẻo đất, chung quanh đầy nhà cửa dân chúng, cây cối mọc lan tràn lấn chiếm, trong khi đó lăng Nguyễn Đình Chiểu cách không xa bao nhiêu nằm ở một vị thế trang trọng, có đền thờ, có quá nhiều bậc thềm lên lăng, có mấy cô thuyết minh duyên dáng lịch thiệp, có nhiều người săn sóc, quét tước, tỉa cây và nhang đèn cung cấp cho khách viếng với giá tự nguyện.
Ông Sáu Hấu cười như mếu:
‘Điều vui cho Cụ Phan là Cụ có bạn láng giếng’, ông vừa nói vừa hất hàm chỉ về ngôi mộ của Võ Trường Toản ở gần đó. ‘Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu chỉ có người sống đến làm lễ nầy lễ kia, còn đại thần Phan Phan Thanh Giản có bạn cõi âm cận kề tâm sự luôn luôn. Chưa biết điều nào làm thỏa lòng người đã khuất hơn!’  (27)

Có lẽ nhiều người cũng như tác giả đã ngạc nhiên về sự đối xử phân biệt này:
‘Sao mộ Cụ Phan không được chánh quyền địa phương săn sóc trong khi ông là đại thần dính dáng đến lịch sử và đất địa nầy, ông đã sống tiết tháo và chết oai hùng với nhiệm vụ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu chỉ là nhà văn lên tiếng chống ngoại xâm thôi, không có dịp chứng tỏ sự anh dũng bằng hành động dầu rằng văn ông bốc lửa khi nước nhà ngữa nghiêng?’ (28)

Có gì lạ đâu! Người ta tự xưng là anh hùng và kết tội vua quan nhà Nguyễn bán nước, đầu hàng giặc Pháp! Vua Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, cho đến  Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương đều bị cộng sản kết tội phong kiến phản quốc cho nên lớp sau tuân theo lớp trước, không dám trái lời! Còn Nguyễn Đình Chiểu làm thơ chống Pháp nên được cộng sản lợi dụng, nếu ông còn sống ở Bắc thì CCRĐ 1954 ông cũng như Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát đã bị đấu tố rồi! Nếu bây giờ Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị còn sống, viết báo bày tỏ lòng yêu nước, hoặc  xuống đường chống xâm lược thì sẽ bị công an đánh bể đầu. Họ lợi dụng Nguyễn Đình Chiểu, mạt sát Phan Thanh Giản nhưng thực tế họ cũng phải nhượng đất và đầu hàng nào có gì hơn  mà khoe mẽ và kết tội người ta?
Đó là cái nhìn thông suốt của Sáu Hẩu từ quá khứ đến hiện tại. Khi tự nguyện quét mộ cụ Phan, ông Sáu đã có một quan điểm chính trị và tầm nhìn  chiến lược sáng suốt.  Ông Sáu Hẩu nói:


‘Chuyện đời, ở bên ngoài biết hết bí ẩn bên trong được đâu ! Giao thành để cứu dân ba tỉnh hay nướng hết dân đen ba tỉnh cho súng lớn súng nhỏ cái nào hay? Nói nhón một câu, khó biết lắm ông Việt Kiều ơi? Bàng nhơn thiên hạ phê bình thì dễ, tới chừng đụng chuyện mới biết khó dàng trời mây, bứt hết tóc cũng tính không ra kế.’ (29)

Hành động của Sáu Hẩu là muốn chống bất công, chống tầm nhìn thiển cận của đám tự xưng là anh hùng bách chiến bách thắng. Tác giả thật ra đã hiểu tâm tư ông Sáu, biết ông Sáu muốn viết lại trang sử của Phan Thanh Giản bằng ngọn chổi với tấm lòng chân thành, không quá khích, không a dua theo thời thế:
 
Và ông cho rằng biết thời thế để xử trí như Cụ Phan là anh hùng. Quét lau mộ Cụ, ông chứng tỏ rằng mình theo bảng giá trị khác với người đời phải không? Nói thiệt đi ông bạn!’ Tôi dùng chữ ông bạn với giọng thân mật, cầu hòa.
Ông Sáu Hấu ngó xuống cườm tay mình, đen mốc, khét nắng, sần sùi thẹo, rải rác mấy chỗ da chai, không trả lời thẳng, chỉ nhẹ nhàng:
‘Ừ thì làm nhón vậy mà. Cực khổ gì đâu chú em. Ngồi ngó mong ra ngoài sân cũng hết ngày, hết đời. Bóng thiều quang có chờ đợi ai bao giờ đâu. Quét tướt quơ quào ba cái lá khô, mấy đống chó ị cho mát dạ tiền nhơn vậy mà! Tôi nói bậy bạ vậy mà chú em thấy phải không chớ. (30)
Bọn trẻ, ông Sáu Hẩu chính là những người gìn giữ ngọn lửa  chính khí của Miền Nam, của dân tộc Việt


 Thời Việt Nam Cộng Hòa, dân ta có những người tốt mà cũng không thiếu kẻ lưu manh. Chú Ba Chịu là người tốt, hết lòng cứu bạn, nhưng Tư Chơi đã cướp cái cặp tiền của Ba Chịu . Ba Chịu than thở : "Đã thua trận, đã bị mất nước còn bị gạt, bị giựt, buồn không chịu được" (41).
 Tư Cụt, thương binh VNCH là người tốt. Anh sửa xe nhưng anh không mánh mung như đa số thợ sửa xe ngày nay. Anh nói với cô gái đến sửa xe:
 Xe rồi nè cô. cái ruột này còn tốt. Đừng nghe tụi nó vẽ thay cái khác uổng tiền nha. Còn chạy được cả năm là ít ( Những tấm giấy số, 96)
Nguyễn Văn Sâm cũng cho ta biết vài nét về những Việt hải ngoại và quốc nội. Một số lưu lạc tha phương, mang dòng máu Âu, Á, Phi nhưng lòng vẫn hướng về Việt Nam. Cô gái Bali đã về Việt Nam thăm quê nội Vĩnh Long  để " ghi thật sâu vào tâm trí  quê hương của ông tổ chính khí của mình" nhưng đã thất vọng vì sự phũ phàng của văn hóa Việt Nam ngày nay:
Và tôi thất vọng, tôi bị giựt bóp, bị giựt máy ảnh, mất giấy thông hành, té trầy mặt, lổ đầu. Không ai giúp tôi. Người ta chỉ đứng ngó, có người còn cười....(Viên ngọc Bali,72)
Còn người Việt Nam  quốc nội cũng thất vọng về một số Việt kiều vì họ  "quậy phá, ăn cắp ăn gian tiền nọ tiền kia của đất nước rộng mở bao dung" (32)


Đa số Viêt kiều sống khốn khổ là lúc mới chập chững bước vào xã hội Âu Mỹ, và ngày nay thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái. Khổ nhất là nạn thất nghiệp mặc dầu có an sinh xã hội...Thằng Khoái và ông già Tân đã nói lên  sự thật của người Mỹ:"Tui không sợ chết, tui chỉ sợ hết hạn lãnh tiền thất nghiệp mà vẫn chưa kiếm được việc thì mất công lắm lắm. Gia hạn sáu tháng rồi".
-Tao cũng vậy, tao đâu sợ, tao đâu sợ cái chết, chỉ sợ khi chết mà không có đồng bạc dính túi, làm nặng gánh cho xã hội, gây hệ lụy cho người xung quanh" (Thanh thản về quê, 89)
Ông già Tân là người tốt. Chết rồi mà vẫn nghĩ đến những gia đình neo đơn...(90)
Có những Việt xấu như anh em nhà nọ cãi cọ nhau về món tiền bảo hiểm trong khi người cha đang nằm trên giường cấp cứu  (Vô đề, 81).


Nguyễn Văn Sâm đã nối tiếp được dòng văn học Nam Kỳ Lục Tỉnh.Truyện của ông cũng  đã nối kết quá khứ với hiện tại, với quốc nội và quốc ngoại.Tất cả là sự thật. Sự thật của lịch sử bi thương của Việt Nam chúng ta!
Canada ngày 5tháng 6 năm 2012
Nguyễn Thiên Thụ

No comments: