Tuesday, August 28, 2012

SƠN TRUNG* CẬU SÁU BA TRI




CẬU SÁU BA TRI

Cậu Sáu là con quan huyện hàm (1) ở Ba Tri. Cha mẹ mất sớm, điền sản chẳng còn bao nhiêu, mà cậu thì lại học hành kém cỏi, ngay cả cái khảo hạch ở huyện cũng không qua khỏi. Tuy vậy, cậu là người chơn chất, hay lên chùa lễ Phật và làm việc thiện. Ông sư trong chùa Đại Bi thấy cậu là người thiện tâm, muốn thu nhận cậu làm đệ tử. Cậu cám ơn lòng tốt của sư mà trả lời:
-Phật tại tâm, đâu cần phải vào chùa và đầu tròn áo vuông. Thiếu gì kẻ ở trong chùa mà chính là tướng cướp Lỗ Trí Thâm!

Năm mười bốn tuổi, cha mẹ đã cưới vợ cho cậu, đã được một trai, một gái. Một hôm, chàng đi ăn giỗ bên ngoại ở Biên Hòa, lúc qua rừng, thấy một thợ săn quảy một giỏ lớn, bên trong có mấy con gà rừng, thỏ, chim trĩ, ba ba, rùa. Thấy hai mẹ con thỏ bạch xinh xắn,và một con cáo nhỏ tội nghiệp, cậu xin mua giá cao rồi phóng sinh.

Sau đó vài năm, cậu cũng đi Biên Hòa ăn giỗ bên ngoại, lúc trở về trời tối, lạc đường, đi loanh quanh mãi trong núi mà vẫn không tìm được lối ra. Chặp lâu, thấy xa xa có ánh lửa le lói, cậu bèn giục ngựa đi tới. Lại gần mới thấy đấy là một xóm nhỏ, có vài ba nhà tranh ẩn hiện trong rừng. Chàng xuống ngựa, gõ cửa một nhà. Lúc lâu, thấy một tiểu đồng ra mở của, đưa chàng vào nhà. Vào trong, cậu thấy nhà nhỏ nhưng bày biện trang nhã, hương thơm bay thoang thoảng mùi hồng, mùi lan.
Một lúc sau, một thiếu phụ trung niên bước ra. Bà ngạc nhiên nhìn cậu, bà nói:-Trời Phật dun dủi mới đưa cậu đến đây. Thú thật, tôi là hồ ly ở trong núi, bị thợ săn bắt được, may nhờ có cậu cứu giúp. Nay cậu tới đây, xin cậu ở lại chơi vài bữa rồi hãy về. Bà bèn lớn tiếng gọi vào trong:
-Minh Nguyệt! Minh Nguyệt ra đây mà chào ân nhân.
Cậu nghe một tiếng dạ rất thanh tao, và sau rèm bước ra một thiếu nữ tuổi độ trăng tròn, áo xanh, váy hồng, thắt lụa điều, mặt hoa da phấn, dáng thục nữ yểu điệu bước đến chào cậu. Cậu vui vẻ đáp lễ.

Đêm đó cậu ở lại trong núi. Thiếu phụ trung niên nói:-Tôi đây chỉ có một gái. Nếu cậu vừa ý thì xin dâng cho cậu nạp thiếp. Cậu nói rằng trong nhà đã có vợ, bản thân lại nghèo hèn , bất tài, không dám đèo bòng.
Thiếu phụ nói:"Thiện tâm ấy là khó báu trời cho, lo gì không rạng rỡ tổ tông".
Cậu vẫn một mực từ chối.
Thiếu phụ nói:
-Con gái của tôi xấu số nên không lấy được chồng hiền. Nếu cậu than nghèo, ta khuyên cậu ra hành y thì sẽ giàu có. Ta xem tướng cậu là tướng lương y tâm Phật, nên chuyên chú về y học thì không lo gì y thực.

Cậu Sáu nói :"Tôi chữ nghĩa kém cỏi, văn lý chưa thông, lại không được danh sư truyền thụ nghề y, làm sao dám làm thuốc?"
Thiếu phụ cười nói- “Cậu ngây thơ quá, nào phải các bậc danh y đều biết chữ đâu? Đa số sống trong cảnh bất đắc dĩ. Gái không lấy được chồng thì đi tu, trai thi hỏng thì làm đạo sĩ. Bây giờ toàn là thế! Trong triều đình bây giờ toàn là một lũ thất học, đè đầu, cưỡi cổ nhân dân bao nhiêu chục năm mà vẫn có hàng triệu người hoan hô. Ngươi đem thiện tâm và cố gắng đọc sách y dược thì sẽ khá gấp ngàn lần bọn tiến sĩ, thạc sĩ i -tờ! Chỉ cần cố gắng thì trời Phật sẽ phù hộ ngươi."

Trước khi cậu ra về, trung niên thiếu phụ đưa chàng một quyển sách bằng da đã cũ. Bà nói:" Đây là sách gia truyền của tổ tiên ta xin trao tặng ngươi. Ngươi nên hành y lập đức."

Cậu Sáu về nhà, còn chần chừ chưa dám hành y nhưng vợ đói con rách, lâm cảnh cùng bần liền nhớ lời trung niên thiếu phụ trong núi, bèn theo sách và theo kinh nghiệm dân gian hái các bài thuốc lá linh tinh đem ra chợ bày bán, và tại nhà làm một quầy thuốc nhỏ kiếm sống lần hồi, người ta cũng chưa thấy có gì hay. Gặp lúc quan tỉnh Bến Tre mắc bệnh ho, gởi công văn sai tìm thầy thuốc. Huyện Ba Tri vốn quê mùa nhỏ hẹp, ít có thầy thuốc, nhưng quan huyện không dám tắc trách, sai các làng tìm thầy thuốc, người ta đều đề cử cậu Sáu. Quan huyện lập tức gọi Cậu tới. Cậu vừa bị bệnh ho có đờm không tự chữa được, nghe lệnh sợ quá từ chối, quan huyện không nghe, sai đem ngựa trạm đưa lên tỉnh.

Đường đi ngang qua núi sâu, Cậu khát nước ho càng dữ, bèn vào thôn xin nước uống. Nhưng thôn trong núi nước quý như vàng, xin khắp vẫn không ai cho. Chợt thấy một người đàn bà rửa rau cải và rau cần, rau nhiều nước ít, nước trong chậu đục như bùn. Cậu khát quá chịu không nổi, xin nước ấy uống bừa. Trong khoảnh khắc thấy hết khát, cũng hết cả ho, thầm nghĩ đây là phương thuốc hay. Tới tỉnh thì thầy thuốc các huyện đã xúm vào chữa nhưng quan tỉnh vẫn không đỡ. Cậu vào, sai người vào dân tìm đủ thứ rau cỏ, đem rửa rồi lấy nước bùn đất dâng lên. Quan tỉnh chỉ uống một lần là hết bệnh. Quan mừng rỡ, thưởng cho rất hậu, ban cho biển ngạch chữ vàng "Thần y diệu thủ"để biểu dương.

Từ đó cậu Sáu rất nổi tiếng, người tới chữa bệnh đông như họp chợ trước cửa, mà cứ theo tay bốc thuốc là khỏi. Có người bị thương hàn kể bệnh xin thuốc, gặp lúc cậu đang say đưa lầm cho thuốc sốt rét, tỉnh rượu mới nhớ ra nhưng không dám nói cho ai biết. Ba ngày sau lại có người đem lễ rất hậu tới cảm tạ, hỏi ra thì người bị thương hàn uống thuốc sốt rét nôn mửa một trận rồi hết bệnh, những chuyện như thế rất nhiều.


Ở Bình Đại là huyện bên, có ông tú Siêu là bậc danh y. Lúc chưa nổi tiếng, bán lá thuốc dạo khắp nơi, gặp hôm trời tối không có nơi trọ, xin vào ngủ nhờ nhà nọ. Con trai nhà ấy bị thương hàn gần chết, chủ nhà xin ông tú chữa cho. Ông tú nghĩ nếu không chữa thì khó mà ngủ nhờ, nhưng chữa thì không biết cho thuốc thế nào. Đi tới đi lui nghĩ ngợi, lấy cơm trong gói viên thành viên trộn mật cho người bệnh uống nghĩ là phương thuốc cũng vô hại, sáng ra mà không bớt thì đêm nay mình cũng được ăn no ngủ yên. Nửa đêm, chủ nhà đập cửa phòng rất gấp, nghĩ người bệnh đã chết, cho là sẽ bị đánh đập chửi mắng, lòng lo sợ vô cùng, muốn bỏ trốn. Không ngờ chủ nhân vào báo tin con ông đã lành bệnh, mới được biết rằng người bệnh đã ra mồ hôi khỏi hẳn rồi. Chủ nhà mời tiệc rất long trọng, lúc ông tú ra đi lại tặng cho rất hậu.


___

(1). Ngày xưa, các triều vua thiếu tiền nên cho dân bỏ tiền hay thóc để mua những quan tước. Những chức quan này chỉ là danh hiệu, không nắm quyền cai trị. Tại Nam Kỳ trong khoảng thực dân cai trị, có những chức Thiên Hộ (Thiên hộ Dương), huyện hàm, phủ hàm cũng chỉ là danh xưng mà không nắm quyền thực thụ.

No comments: