Tuesday, August 28, 2012

DƯ THỊ DIỄM BUỒN * BA TÔI

BA TÔI
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
   Thời gian như cơn gió lốc! Chúng tôi vượt biên rời quê hương tính đến nay tròm trèm cũng gần 30 năm. Ba mươi năm, đã nửa đời người rồi chớ có ít ỏi chi đâu? Hết sức gian lao hiểm trở gia đình tôi mới được vào làm thân chùm gởi ở xứ người. Biết thân phận mình ăn nhờ ở đậu trong cái xứ bon chen lắm bạc tiền, thừa vật chất và thiếu thốn tình nghĩa nầy. Cho nên chúng tôi đi cày chăm lắm! Chồng 2 việc, vợ 2 việc, nuôi 5 miệng ăn (2 vợ chồng và 3 đứa con). Ở đây, ai mà không biết về cái ăn, cái mặc không phải lo âu nhiều. Chỉ lo sợ thiếu thời gian cho gia đình và sự gần gũi cảm thông giữa cha mẹ với con cái mà thôi.
Khi làm tạm đủ số tiền để dằn chân mua cái nhà cũ ngân hàng tịch thu của chủ nhà cũ (30 năm già) vì không có tiền trả tiền nhà theo định kỳ. Vợ chồng tôi nghỉ bớt việc làm phụ, chỉ mỗi người một việc bình thường. Đó cũng là nhờ con gái tôi nhắc nhở. Năm ấy cháu vào lớp 9 trường trung học:
- Má ba làm việc nhiều quá! Có thể làm bớt bớt giờ và đổi việc nào thích hợp để cuối tuần được nghỉ ở nhà với chúng con không? Ba má cuối tuần nào cũng đi làm. Chúng con lớn dần... và cũng dần xa ba má khi vào đại học, đi làm xa, rồi lập gia đình...
Nghe con nói có lý, thế là tôi xin việc làm khác ở một hãng chế đồ điện tử bằng nhựa của Nhật. Tuy lương không cao bằng việc làm ở chỗ cũ, nhưng tôi có những ngày cuối tuần và lễ được nghỉ với các con, thay vì đi làm ở bịnh viện lâu lắm mới được nghỉ một cuối tuần.
Mấy đứa con tôi cũng lớn dần theo năm tháng. Ba đứa vào đại học, 3 năm liền nhau. Thế là hai cái thân già nầy đi cày mệt nghỉ. Bởi vì nào phải chi tiền cho 3 đứa nhỏ đang đi học... Tiền gởi về cho người thân: ốm đau, mất mùa, nước ngập, bão tố... còn đang bị khốn khổ đọa đày ở quê nhà!
Ai ra được xứ người sung sướng? Chớ riêng chúng tôi thiệt là vất và trăm chiều chớ có thong thả chi đâu? Nhưng ở đây thật sự được hưởng tự do, và tương lai của các con tôi được bảo đảm, nếu chúng chịu khó học hành và không làm việc phạm pháp.
Vì tương lai các con, vì nỗi khó khăn gian khổ của những người thân còn kẹt bên kia bức màn tre. Nên dù làm việc nhọc nhằn, vất vả mấy chúng tôi vẫn cảm thấy thỏa mãn trong lòng... Nhứt là ngày các con ra trường, mãn khóa...
Hơn cả ngàn người, từ dân bản xứ cho đến những kẻ tạm dung đủ loại da màu sống trên xứ nầy.  Hôm nay họ đến đông nứt hội trường, để dự lễ mãn khóa của con cháu mình. Chúng tôi đến dự, bởi thằng con út cũng bảng hổ đề tên trong những tân khoa. Sau lễ nghi, diễn văn của buổi ra trường...
Đến phần xướng danh những tân khoa: “...Người chiếm Thủ khoa niên khóa vừa qua của trường là cô Tạ Nguyễn Thị Thiên Hương...”. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội đó đã đưa tôi về thời thanh xuân. Và bỗng dưng tôi nhớ đến người bạn cùng khóa đậu thủ khoa năm xưa có họ và tên lót na ná giống cô Thủ khoa hôm nay. Thế là tôi theo dõi cô Thủ khoa Thiên Hương nầy. Không khó khăn lắm, và đúng y như rằng Thiên Hương là con cô bạn Thiên Nga của tôi 40 năm về trước.
Gặp lại nhau, chúng tôi mừng vui khôn kể. Hai đứa cứ quấn quít trong suốt buổi ra trường của con mình. Chúng tôi hỏi thăm gia đình nhau trong hiện tại...và những chuyện vụn vặt, bạn bè kẻ còn người mất, kẻ kẹt bên nhà, người ra hải ngoại khắp năm Châu... Năm đó, Thiên Nga ở cùng tiểu bang Illinois với chúng tôi, nhưng cô ta ở miền Bắc, còn tôi ở mãi miền Nam.

   Và sau lần gặp lại đó, tuần nào cũng đôi ba lần chúng tôi luôn liên lạc thăm hỏi, kể lể chuyện ngày xưa, bàn chuyện hôm nay... Trong những lần hai đứa tâm tình khi thì mủi lòng khóc thút thít với nhau, khi thì hai đứa cười muốn vỡ mái nhà như hai mụ điên. Có lần Thiên Nga bảo tôi:
- Thu Minh à, lúc biết mầy đi rồi, tao rất mừng cho mầy và buồn cho số phận của chồng con tao. Đến khi ổng được thả về thì chúng tao tìm đường bôn đào. Ba tao cũng đi với bọn tao. Nếu ba tao ở lại chắc là tao không đi đâu. Bởi tao là con một, ông ở lại tao đi sao đành? Thật sự ông không muốn đi, nhưng thương mấy cháu ổng mới xót xa rời quê cha đất tổ đó chớ.
Tôi cũng buồn buồn, nói với bạn:
- Con người chớ phải gỗ đá chi đâu, mà không đau buồn khi lìa xa nơi chôn nhau cắt rún? Tao hết nước mắt khi ra đi, chớ có vui sướng gì mầy ơi. Mầy may phước ông già chịu đi theo. Còn ba tao ở lại, vì ý ông muốn khi chết được chôn gần mộ má tao... Lúc sinh thời, ông sống với gia đình bà chị tao bên đó. Nên ra đi tao cũng tạm yên lòng. Còn ba mầy nếu ở lại thì sống với ai? Họ hàng làm sao bằng con ruột của mình! Ờ, hôm gặp lại bác trong ngày mãn khóa của cháu ngoại. Ông năm nay cũng hơn 70 rồi hả mậy? Tóc ông bạc trắng, nhưng da dẻ có phần hồng hào, nên trông khỏe mạnh quá. Mặt ông tươi tắn, luôn nói cười vui vẻ ... Ba mầy thật đẹp lão. Mầy có phước mới được còn ba đó nghen Thiên Nga.
Thiên Nga cười hô hố bên kia đầu dây điện thoại. Nàng ta bảo:
- Nghe mầy nhắc, tao chợt nhớ đến chuyện ở cái thời năm ngoái kỳ xưa. Sau khi má tao qua đời. Năm đó hình như bọn mình đang học chuyên môn năm thứ hai phải không? Tao với mầy thường ngồi dưới gốc cây phượng già tâm sự trong giờ ăn trưa. Tao nhớ có lần mầy đã khuyên tao bằng một chuyện kể. Mầy nói rằng chị Tiểu Thu bạn của chị Hai mầy đã tâm sự:
“...Ba má tao khỏe mạnh đó là điều hạnh phúc cho anh chị em tao. Nếu má tao qua đời trước, thì sau đó tao sẽ tìm một người đàn bà hiền thục đàng hoàng, tương đương tuổi má tao, và phải là đàn bà góa, hoặc lỡ thời... để chắp nối với ba tao, nếu ông bằng lòng. Hay là ông tìm được người nào khác hợp ý về lên tiếng, thì tao sẽ không phản đối, mà còn rước bà ta về sống với ông già. Bọn em tao nghe nói nhao nhao lên phản đối. Trách tao làm như vậy là bất hiếu, là phản bội... má tao.
Rồi mặt chị u buồn, nhẹ giọng bày giải với các em mình:
- Các em phải hiểu, ba là người đàn ông khỏe mạnh. Ông sống hơn 2/3 cuộc đời cho gia đình, cho má và chị em mình rồi. Bây giờ má bỏ ba mà đi. Đó là điều bất hạnh cho ba và của chúng ta... Rồi đây bọn mình mỗi đứa sẽ lập gia đình riêng người lấy chồng, kẻ cưới vợ, sẽ bỏ ba mà đi xây dựng tương lai cho chính mình. Mấy em hãy nghĩ xem sau đó ba sẽ ở với ai? Với con trai hay con gái? Ba mình muốn sống với đứa nào cũng được, vì niềm yêu kính ba của chúng ta đều giống nhau... Nhưng khi ba đau ốm ai săn sóc ba chu đáo hơn người bạn gối chăn? Nếu, chị nói là nếu nghen! Rủi ba bị bịnh đau nơi chỗ kín của người đàn ông, thì con gái, hoặc con dâu săn sóc kỹ lưỡng được sao? Còn những nỗi niềm riêng tư mà chỉ có vợ chồng mới san sẻ với nhau được thôi, chớ không có người thứ ba nào có thể! Nên chị em mình làm con, dù không muốn cũng phải thực tế và chấp nhận chuyện đó...”
Bên kia đầu dây, Thiên Nga chép miệng:
- Thu Minh à, thú thật lúc đó khi nghe mầy khuyên, tao ghét và cảm thấy mầy là một đứa vô duyên tận mạng. Mầy còn nhớ tao hỏi ngược lại không? “Nếu ba của chị Tiểu Thu qua đời trước, thì chị ấy có xúi má mình lấy chồng khác không?...”. Và mầy đã trả lời với tao rằng:
- Ồ, tâm tình mầy thiệt giống y như tao vậy Thiên Nga. Tao đã hỏi câu đó với chị ta. Và chỉ đã trả lời như sau:
“...Chị không bao giờ để má chị tái giá! Chị sẽ săn sóc chu đáo cho bà. Người đàn bà ở vá thờ chồng suốt đời không có gì khó khăn cả. Điển hình là bà ngoại chị, mới 23 tuổi chồng chết... Bà ở vậy nuôi má chị và hai đứa con trai nên người... Đến khi bà ngoại chị trăm tuổi già vẫn không tái giá.
Thiên Nga ngừng nói, cười khúc khích, ỡm ờ tiếp:
- Mầy có biết không? Càng nghe mầy kể, lúc đó tao lại càng cảm thấy mầy là đứa hồ đồ và càng ghét cay, ghét đắng mầy nhiều hơn. Bởi tao nghĩ như vậy là hết sức bất công với phụ thân, hoặc với phụ mẫu mình. Nhưng rồi thời gian qua mau. Có phải thời gian là liều thuốc bổ chữa mọi bịnh tật, như người ta thường nói không? Tao không trả lời được! Nhưng có điều tao báo cho Thu Minh mầy biết là đến bây giờ, ba tao vẫn chưa tục huyền.
Tôi cười, nói liền:
- Mầy khỏi nói tao cũng biết chuyện đó. Bởi mầy là đứa ích kỷ, độc tài... Nên chỉ muốn ông già tròn đời phải thủ tiết với má mầy, và phải thương yêu một mình mầy thôi, vì mầy là đứa con duy nhứt của ông mà. Cho dù ổng có muốn tục huyền, năn nỉ ỉ ôi cách mấy đi nữa thì mầy cũng sẽ làm kỳ đà cản mũi. Tao nghĩ, nếu mà ba mầy lỡ dan díu với bà nào có con rơi bên ngoài, thì mầy sẽ ra lịnh tiền trãm hậu tấu đứa con rơi và má của nó liền. Và tru di tam tộc gia đình bà ta chớ không phải chơi đâu?
Thiên Nga không nhịn được, cười ha hả và la quải quải:
- Đó, đó thấy chưa mầy quả đoán rồi. Mầy còn nhớ không Thu Minh? Ngày xưa trong lớp mình, mọi đứa tôn mầy là Gia Cát Lượng tái thế. Bởi mầy đoán việc đúng, hay như thần! Nay qua bao nhiêu cuộc dâu bể thăng trầm... đã hết linh rồi! Nên chưa chi mầy đã nói sai bét!
Tôi cười ngất, rống họng hỏi:
- Vậy sao? Hãy mau nói đi, tao đoán sai chỗ nào? Việc gì?
Thiên Nga cười giòn giã như tiếng bể của thủy tinh. Tôi ghẹo:
- Bộ vui lắm sao mà cười tủng tủng vậy mậy?
Bên kia đầu điện thoại, Thiên Nga càng cười già hơn. Tiếng nói hụt hẫng trong tiếng cười:
- Mấy mươi năm ở Mỹ, đã ăn uống biết bao nhiêu bơ sữa vậy mà mầy vẫn không gì thay đổi. “Thập niên sơn thủy luân lưu chuyển”, tao nghĩ câu nầy không thể áp dụng với mầy được rồi đa.
Tôi cười vuốt đuôi:
- Ờ hén! “Thiên địa đổi thay, bản tánh khó dời”. May mà tao không có độc tài, cố chấp như mầy. Mầy cũng có thay đổi chi đâu? Thôi thì mầy hãy kể những gì tao đã đoán sai đi.
Có tiếng tằng hắng, và cô nàng sửa giọng âm u như bóng chiều rơi:
- Thì có gì đâu, mấy năm gần đây người Việt mình về thăm lại quê hương rần rần, càng ngày càng đông. Có người về thăm cha mẹ, mồ mả ông bà, anh chị em, có người về sửa sắc đẹp, có người về làm ăn buôn bán, có người về khoe sang để lấy le, có người về cưới vợ, có người về cưới chồng, có người về kiếm bồ ngày, vợ tháng... Tao thật sự không biết dùng những danh từ đó có ổn không? Nhưng thực tế là như vậy mầy à. Vì từ ngày rời quê hương đến giờ, cũng như mầy, bọn tao chưa trở lại thăm lần nào cả. Chỉ có ba tao về thôi. Bởi bên đó tao còn gia đình bà dì ở dưới quê và ông chú ở Sài Gòn. Ba tao lần đầu về sẽ ở lại chơi một tháng. Chắc là ở bển vui quá vì gặp lại họ hàng... nên ông gọi điện thoại qua cho biết sẽ gia hạn ở thêm một tháng nữa. Đúng hai tháng ba tao trở qua. Vóc dáng ông không gì thay đổi, nhưng sắc diện có vẻ mệt mỏi, uể oải, bơ phờ hơn lúc đi. Và tao thường bắt gặp ông có vẻ trầm ngâm, hay thở dài trong nửa đêm thức giấc... Cho đến một hôm, phu quân tao đưa mấy đứa nhỏ trở vào trường ở xa. Tao bèn thỏ thẻ hỏi. Lúc đầu ông giấu không chịu nói.
Bên đầu dây nầy tôi đang chăm chú nghe, con nhỏ cà chớn đó bỗng dưng ngừng lại, ho hen mấy tiếng rồi hỏi:
- Mầy còn đó không Thu Minh?
Tôi trả lời vội:
- Tao đây, đang nói tới điểm chánh sao mầy ngưng vậy?
- Ờ, thì để tao kể tiếp. Ba tao nói: “Lúc về quê ngoại thăm dì Tư con, ba có gặp cô Lan trong bữa ăn dì dượng Tư mừng đãi ba về. Con còn nhớ cô Lan bạn làm chung ở Ty Điền Địa với dì Út Hằng không? Cô Lan năm nay cũng ngoài 50 tuổi rồi mà từ nhỏ đến giờ vẫn chưa có chồng. Bất ngờ gặp lại cô, ba không nhớ vì cũng đã mấy mươi năm qua rồi... Được dì dượng Tư con giới thiệu. Ba và cô ấy nói chuyện với nhau coi bộ hợp rơ. Nên ba và cô Lan sống chung trong suốt tháng trước khi trở về Mỹ. Sau khi cúng má con mâm cơm tạ lỗi với bả... Ba không cho con biết lúc còn bên nhà vì sợ con buồn... Chắc con không trách ba chớ?” Nghe ông già kể xong, tao như trên trời mới rớt xuống! Và giận ổng quá chừng mậy! Phu quân tao đưa mấy đứa nhỏ xuống trường trở về, sau buổi cơm chiều nhạt nhẽo. Ổng liền hỏi nhỏ tao, trong lúc ông già đi bộ ngoài đường. Tao bèn kể hết sự tình cho ông xã tao nghe. Nghe xong ổng cười cười mỉm chi cọp, nói: “Thiên cổ chi mê mà... Ba đã sống thời gian dài không có đàn bà khác sau khi má qua đời. Như vậy là quá tốt rồi... Em phải cởi mở tấm lòng để cho ba vui vẻ lúc tuổi già chớ...”. Tao nổi nóng, lấy gối chọi ổng... Ổng cười ha hả bảo là tao ghen vì sợ ổng giống ba tao ở điểm đó.
Tôi phì cười, hỏi nó:
- Rồi mầy chiến tranh lạnh với ba mầy bao lâu? Bây giờ thì thế nào?
Thiên Nga vui vẻ:
- Mầy biết tánh tao mà, có cái gì để trong bụng lâu được đâu? Và bỗng dưng tao nhớ câu chuyện mầy kể về chị Tiểu Thu tâm sự với chị Hai mầy. Nghiệm lại tao nghĩ cũng có phần đúng. Nên làm hòa với Ba tao. Ổng vui mừng quá đổi biết là tao thông cảm cho ổng. Rồi mấy năm nay, đều đều mỗi năm ổng về bển ở lại khi 3 tháng, khi 4 tháng... Tiền hưu trí của ba tao dư sức qua cầu để hai người tiêu pha. Phu quân tao còn lén tao nhét thêm cho ổng chút ít trước khi đi nữa. Có lần tao hỏi ba tao có nghĩ đến bảo lãnh bả qua không? Ba tao lắc đầu nói là : “Phiền phức lắm! Ba với bà Lan chỉ là đôi bạn già thôi. Trong đời ba, má con là người đàn bà ba thương yêu nhứt, không ai có thể thay thế bả được...”. Câu nói chân tình nầy của ổng, nếu ở suối vàng má tao biết được chắc bà sẽ hết sức ấm lòng!
Nói đến đây, Thiên Nga ngừng lại rồi cười ngất nga ngất nghẻo như mụ điên. Tôi còn đang thắc mắc không biết chuyện gì nữa? Chưa kịp hỏi, thì nó nói hụt hẫng trong tiếng cười:
- Mầy thấy chưa, tao đâu có ngoan cố, độc tài và tệ như mầy nghĩ. Nên mầy đã đoán sai rồi! Mà nầy Thu Minh à, tức cười lắm. Mầy có biết không Thu Minh? Ba tao mỗi lần trước lúc về quê nhà thì khỏe mạnh. Khi trở qua đây ổng đi cà khụm, cà khụm, ba xí, ba tú muốn sụm bánh chè vậy!
Tôi cũng mắc cười, nhưng nạt vội nó, rồi lên giọng thầy đời:
- Mầy thiệt là con mắc toi ! Đến chết cái nết không chừa, đầu óc luôn chứa đầy dơ dáy không hà! Nhưng mầy để cho ông già về bên ấy như vậy, tao thấy tốt lắm. Làm con, chúng ta phải thấu hiểu và cảm thông với cha mẹ trong lúc nhiều biến đổi nhứt của tuổi người già... Đừng ích kỷ, chỉ biết lợi cho mình mà không chịu hiểu cái cảm nghĩ của song đường... Mà quên đi phận làm con rồi sau nầy có hối hận cũng không kịp...  Trên cõi đời nầy, cái gì mất rồi, chúng ta cũng có thể tìm kiếm lại được. Nhưng cha mẹ mất rồi, vĩnh viễn chia xa!
Sacramento, cuối Hạ năm 2006
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An
DƯ THỊ DIỄM BUỒN

No comments: