Wednesday, August 29, 2012

GS.NGUYỄN VĂN PHÚ




TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNG KINH

Vào thế kỷ thứ nhất, Vua Minh Đế nhà Hậu Hán bên Trung quốc sai người đi sứ sang Thiên Trúc (tức Ấn-Độ ngày nay) để thỉnh kinh Phật. Trong số kinh mà phái đoàn đã thỉnh được, cuốn Tứ Thập Nhị Chương Kinh tức là Kinh Bốn Mươi Hai Chương, chép những lời dạy của đức Thế Tôn khi Ngài mới đắc đạo. Các bộ kinh do một con ngựa bạch chở về; vua Minh Đế sai xây chùa và đặt tên là Bạch Mã Tự để chứa Kinh.
Tứ Thập Nhị Chương Kinh là cuốn kinh đầu tiên truyền sang Trung quốc, và Bạch Mã Tự cũng là ngôi chùa chính thức đầu tiên tại Trung quốc.
Xin trích ra đây vài Chương để quý đạo hữu học tập:
CHƯƠNG THỨ 18. - Đức Phật dạy: “Pháp của ta là: Niệm mà không chấp nơi niệm, mới thật là niệm. Làm mà không chấp nơi làm, mới thật là làm. Nói mà không chấp nơi nói, mới thật là nói. Tu mà không chấp nơi tu, mới thật là tu. Tỉnh thì gần được, Mê thì cách xa. Ngôn ngữ dứt hết, không trói buộc vào sự vật. Nếu sai lệch một chút, sẽ mất ngay. ”
Tuy chỉ có mấy dòng thôi, nhưng nếu chú ý ta sẽ thấy cả cuốn Kinh Kim Cương luận về cái Lý Chân Không trên đây. Thí dụ: “Bồ-tát trang nghiêm Phật độ, mà không nghĩ rằng mình trang nghiêm Phật độ, mới thật là trang nghiêm Phật độ ”. Thí dụ khác: “Tu-Bồ-Đề, phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các pháp đều hư vọng, tức là thấy được Như Lai. ” Và: “Tu-Bồ-Đề. Thật không có một pháp nào gọi là phát tâm bồ-đề. ”
CHƯƠNG THỨ 37. – Đức Phật dạy: “ Đệ tử của ta tuy ở xa ta vài nghìn dặm mà luôn luôn nghĩ đến giới pháp của ta thì chắc chắn sẽ chứng được đạo quả. Ở gần bên ta, tuy thường gặp, mà không thực hành theo giới pháp của ta, cuối cùng cũng không chứng được đạo”.
CHƯƠNG THỨ 38. - Đức Phật hỏi một sa-môn: “Mạng người ta được bao lâu?”
Bạch rằng: “Chừng vài ngày. ”
Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết Đạo.”
Ngài lại hỏi một sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”
Bạch rằng: “Chừng một bữa cơm”.
Đức Phật nói: “Nhà ngươi chưa biết Đạo”.
Ngài lại hỏi một sa-môn khác: “Mạng người được bao lâu?”
Bạch rằng: “Chỉ trong một hơi thở ra vào. ”
Đức Phật nói: “Đúng vậy, nhà ngươi đã biết Đạo rồi đó. ”
CHƯƠNG THỨ 40. - Đức Phật dạy: “Hành đạo chớ có như con bò kéo cái cối xay. Tuy rằng thân có hành đạo, mà tâm có hành đạo đâu. Nếu như tâm thực hành được đạo thì chẳng cần đến nghi thức hành đạo”.
Cách đây 25 thế kỷ, đức Thế Tôn đã dạy như vậy rồi. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng nói:
“Bồ-đề tự lòng tìm thấy, Nhọc chi ngoài tánh cầu huyền
Nghe giảng tu hành theo đó, Thiên đường mắt thấy hiện tiền.”
CHƯƠNG THỨ 22. - Đức Phật dạy: “ Đối với tiền tài và sắc đẹp, người ta rất khó buông xả; tiền tài và sắc đẹp ấy giống như chút mật dính trên lưỡi dao, chẳng đủ cho một bữa ăn ngon, đứa bé liếm lấy ắt mắc cái họa đứt lưỡi”.
CHƯƠNG THỨ 24. - Đức Phật dạy: “ Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng nữ sắc. Lòng ham muốn sắc đẹp, to lớn không gì sánh bằng. May mà chỉ có một nó mà thôi, nếu có đến hai thứ như nó thì khắp thiên hạ, chẳng còn ai tu Đạo nổi nữa”.
CHƯƠNG THỨ 25. - Đức Phật dạy: “ Người ham mê ái dục ví như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất sẽ mắc phải nạn cháy tay”.
CHƯƠNG THỨ 26. - Thiên ma hiến ngọc nữ cho Phật, toan phá hoại ý chí của Ngài. Đức Phật nói: “ Những túi đồ da ô uế, các ngươi đến đây làm gì? Đi ngay! Ta chẳng dùng đâu”.
CHƯƠNG THỨ 9. - Đức Phật dạy: “Lấy sự nghe nhiều hiểu rộng mà yêu mến Đạo, thì khó mà hiểu thấu được Đạo. Nếu bền chí mà phụng sự Đạo, thì thấu hiểu Đạo rộng lớn.”
CHƯƠNG THỨ 12. - (Nêu ra sự khó để khuyên tu) Đức Phật dạy: “ Người ta có hai mươi sự khó:
1- Bần cùng mà bố thí là khó. 2- Hào quý mà học Đạo là khó.
3- Bỏ thân mạng quyết chết là khó. 4- Được thấy kinh Phật là khó.
5- Sanh mà gặp đời có Phật là khó. 6- Nhịn sắc, nhịn dục là khó.
7- Thấy tốt mà chẳng mong cầu là khó. 8- Bị sỉ nhục mà chẳng tức giận là khó.
9- Có thế lực mà không lạm dụng là khó. 10- Gặp việc mà vô tâm là khó.
11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó. 12- Dẹp trừ tính ngã mạn là khó.
13- Chẳng khinh người chưa học là khó. 14- Thực hành tâm bình đẳng là khó.
15- Chẳng nói thị phi là khó. 16- Gặp được thiện tri thức là khó.
17- Học Đạo, thấy được Tánh là khó. 18- Tùy duyên, hóa độ người là khó.
19- Thấy cảnh mà không động là khó. 20- Khéo biết phương tiện là khó.
GHI CHÚ. Khi cho lên mạng BuddhaSasana bản dịch của sư Viên Giác, ông Bình Anson đã ghi chú như sau: Kinh Tứ Thập Nhị Chương là bản kinh Phật giáo đầu tiên được dịch sang tiếng Hán. Bản dịch thông dụng nhất hiện nay được nhiều người cho rằng do ngài Ca-Diếp Ma-Đằng và Trúc Pháp Lan dịch trong thời vua Minh Đế thời nhà Hậu Hán. Đây không phải là một bản kinh thuần túy ghi lại một bài giảng của đức Phật mà chỉ là một tuyển tập, trích dịch ngắn gọn các lời dạy của đức Phật từ nhiều bản kinh Phạn ngữ khác nhau, không biết nguồn gốc. Trong Phật Giáo Việt Nam Sử Luận, quyển 1, chương 2, tác giả Nguyễn Lang viết rằng trải qua nhiều đời lưu truyền, nội dung và văn thể bản kinh này có nhiều thay đổi, các tư tưởng mới trong Thiền tông đại thừa Trung Hoa đã được pha trộn thêm vào bản kinh nguyên thủy (chẳng hạn như các quan niệm về vô niệm, kiến tánh học đạo, vô tu vô chứng ..)
BuddhaSasana cũng đưa lên mạng bản dịch của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ, Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới, Vạn Phật Thánh Thành, California, Hoa Kỳ và bản dịch ra Anh Ngữ lấy từ một mạng tiếng Anh, nhan đề The Sayings of the Buddha in Forty-Two Sections by Kasyapa Matanga and Gobharana. Lời mở đầu của bản tiếng Anh này cho biết: Kinh này được viết theo kiểu Kinh Thư của Khổng Tử để thích hợp với người Trung Hoa cho nên mỗi chương đều bắt đầu bằng “Đức Phật dạy”, giống như “Khổng Tử viết”...
 

 
PHẬT DI GIÁO KINH
Vua Đường Thái Tông nước Trung-Hoa sai người chép Phật Di Giáo Kinh (nghĩa là Kinh Di Giáo của đức Phật) để phát cho các quan từ ngũ-phẩm trở lên và thứ-sử các châu, mỗi người một cuốn. Nếu các quan đó thấy đức-hạnh của tăng ni không giống như lời đức Phật dạy trong Kinh, thì có thể lấy lẽ công và tư mà khuyến-cáo, khiến phải thi-hành.
Kinh này chép lại vắn tắt lời đức Phật dạy các đệ-tử khi Ngài sắp nhập Niết-bàn, cho nên gọi là Kinh Di Giáo. [Kinh nói về thời-kỳ đức Thế-tôn gần nhập diệt, là Kinh Đại Bát-niết-bàn, gọi tắt làKinh Niết-bàn].
Kinh này nguyên viết bằng chữ Phạn, được một nhà sư người Thiên Trúc (Ấn-Độ) ở Trung Hoa, tên là Đàm Vô Sấm, đời nhà Lương dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. Một nhà sư khác, người Trung-Hoa, tên là Thích Pháp Hiển cũng dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán, đời nhà Tấn. Bản dịch sau ngắn hơn bản dịch trước nhiều, vì chỉ có 19 phẩm thay vì 52 phẩm như bản trước.
Hòa thượng Thích Tâm Châu đã dịch bản Hán-văn của Sa-môn Thích Pháp Hiển ra Việt Văn vào năm 1958.
So với Kinh Đại Bát-Niết-bàn thì Kinh Di Giáongắn hơn nữa vì kinh sau chỉ ghi lời dạy của đức Phật vào lúc gần nhập Niết-bàn, chứ không ghi các lời thuyết giảng về Phật-tính và dạy các bồ-tát tu-hành bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh để đạt Đại Niết-bàn.
KINH DI GIÁO gồm các phần sau đây:
1. Lời Tựa 2. Trì-giới 3. Chế-ngự Tâm 4. Tiết-thực 5. Giới ngủ nhiều 6. Giới hờn- giận 7. Giới kiêu-mạn 8. Giới nịnh-bợ 9. Ít ham muốn 10. Tri-túc 11. Lìa xa 12. Tinh-tấn 13. Không quên niệm 14. Thiền-định 15. Trí-huệ 16. Không nói đùa 17. Tự cố gắng 18. Quyết-nghi 19. Chúng-sinh được độ 20. Pháp-thân Phật thường còn 21. Kết-luận.
Xem đầu-đề các phần ghi trên, chúng ta nhận thấy ngay tính-cách thực tế của lời dạy, ngắn gọn và dễ hiểu, cốt tóm lược cụ thể cách-thức tu hành. Lời dạy thiết thực, đơn giản làm chúng ta liên tưởng đến Kinh Pháp Cú.
Sau đây, xin trích đăng phần “TRÌ GIỚI” (lược dịch):
“Hỡi các Tỳ-khưu. Sau khi Ta tịch diệt, cần phải tôn trọng Giới luật. Giới luật là đại sư của các ngươi; nếu Ta còn ở đời thì Ta và Giới luật không khác nhau.
Kẻ biết giữ Tịnh giới, không ham buôn bán, sắm sửa nhà ruộng, nuôi nô tỳ, gia súc, tránh xa vật báu và cây cối trồng tỉa như xa tránh lửa, không chặt cây cày ruộng, không bốc thuốc, xem tướng, coi sao, đoán vận mạng, làm bùa chú, thuốc thánh, thuốc tiên. Cần phải giữ mình, ăn uống đúng bữa, dùng đồ thanh tịnh. Chẳng nên giao hảo với người sang, khinh chê người kém. Cần phải dùng tâm niệm đoan chính để mong giải thoát khỏi vòng sinh tử. Không được chứa giấu những kẻ xấu, không được phô tướng lạ để lừa gạt người. Đối với các thứ cúng dường, cần phải biết vừa đủ và chẳng nên tích lũy.
Đó là nói về các hình thức Trì giới. Giới là gốc của Giải thoát. Nhờ Giới mà sinh Thiền định và Trí huệ diệt khổ.
Vậy các tỳ-khưu phải trì Tịnh giới, đừng để thiếu xót, hủy hoại. Ai biết trì giới, thì người đó có pháp lành. Không trì giới thì không thể sinh công đức được. Vậy phải biết rằng Giới là nơi an trụ an ổn nhất của các công-đức”.
Tiếp theo là phần “CHẾ NGỰ TÂM”.
“Hỡi các tỳ-khưu, khi đã an-trụ nơi Giới rồi, thì phải chế ngự ngũ căn, ngăn ngũ căn phóng dật, nhập vào ngũ dục, giống như người chăn bò, không để cho bò chạy bừa bãi làm hại lúa người ta.
Nếu buông thả ngũ căn thì ngũ dục tăng lên vô hạn, không kiềm chế nổi, sẽ giống như ngựa dữ không cương, lôi người ta xuống hố. Ai bị cướp làm hại, thì chỉ khổ một đời thôi, còn ai bị ngũ căn làm hại thì bị tai ương nhiều đời. Ngũ ăn làm hại rất nặng, cho nên phải chế ngự ngũ căn như chế ngự giặc vậy.
Nếu buông thả ngũ căn thì sớm muộn sẽ thấy sự tiêu diệt. Ngũ căn lại do cái tâm làm chủ, vậy các tỳ-khưu phải chế ngự cái tâm, nó đáng sợ hơn rắn độc, thú dữ, giặc cướp, nó hại hơn cả lửa cháy tràn-lan. Giống như người kia tay cầm bát mật, chỉ nhìn bát mật mà không thấy cái hố dưới chân, giống như con voi điên không có xiềng sắt, giống như con vượn thả, leo cây, mặc sức nhảy truyền, khó mà kiềm-chế được. Phải khuất phục cái tâm, đừng để tâm phóng dật. Buông thả cái tâm thì việc lành tiêu ma, chế ngự cái tâm thì mọi việc xong xuôi. Vì thế các tỳ-khưu phải chuyên cần tinh tấn, khuất phục cái tâm của mình!”
Sau đây là phần “ÍT HAM MUỐN”.
“Hỡi các tỳ-khưu! Nên biết rằng người nhiều ham muốn, vì mong nhiều lợi nên nhiều khổ não. Người ít ham muốn, vì không cầu, không muốn, nên không bị cái khổ ấy. Ít ham muốn là một hạnh mà mình phải tu tập; hơn nữa hạnh này làm nẩy sinh ra các công đức nên lại càng phải tu tập. Người ít ham muốn chẳng cần phải nịnh bợ ai để lấy lòng người ta, và chẳng bị các căn lôi kéo. Người đó trong lòng thanh thản, không lo không sợ; đụng chạm đến việc gì cũng thấy dư giả, không thấy mình thiếu thốn. Người ít ham muốn ắt có cảnh Niết-bàn”.
“Hỡi các tỳ khưu! Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não thì nên quán tưởng lẽ tri túc. Phép tri túc là chỗ giàu có, vui vẻ, yên ổn. Người tri túc dù nằm trên đất cũng thấy yên vui. Kẻ không tri túc dù có ở thiên đường cũng chưa vừa ý”.

No comments: