Friday, August 24, 2012

LÂM LỄ TRINH * lE lIVRE NOIR

NGHĨ GÌ VỀ CUỘC TRANH LUẬN SÔI NỔI
XUNG QUANH QUYỂN SÁCH TỐ CỘNG
“LE LIVRE NOIR DU COMMUNISME” ?
Lâm Lễ Trinh

Tác phẩm "Le Livre Noir du Communisme, Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản", do nhà sách Robert Laffont, Paris, xuất bản cuối năm 1997, dày 846 trang, với sự cộng tác của 11 thức giả, đã đưa công tác nghiên cứu sử liệu Mạc xít vào hàng best sellers trên thế giới vì chỉ trong vòng hai năm, sách bán hết 200.000 cuốn. Sự thành công ngoài tưởng tượng này tại Pháp khuyến khích việc phổ biến toàn cầu, đặc biệt ở các xứ Đông Âu. Sách được dịch ra mười sáu thứ tiếng và một ngày gần đây, thêm lối 15 ngoại ngữ khác. Cao điểm là Moscou lẫn Đại học Harvard (Hoa kỳ) có hai ấn bản riêng. Theo báo Le Monde, tính cho đến tháng chín năm nay, tổng số 700.000 cuốn Hắc thư được phát hành. Thành quả này làm cho nhóm tác giả chủ trương, kết tụ xung quanh người cầm đầu Stéphane Courtois, ngẩn ngơ thích thú.
Tuy nhiên, cũng theo tờ báo nói trên đề ngày 20.9.2000, gần đây dư luận tỏ ra dè dặt đối với Hắc thư, đồng thời xét lại tổng quát chế độ cộng sản. Các sử gia nghiên cứu chủ thuyết này nêu nhiều câu hỏi: Làm thế nào một ý thức hệ từng hứa hẹn “tương lai sáng lạn” và chủ trường đào tạo “một mẫu người mới cho nhân loại” lại có thể sinh sản một chính thể sùng bái cá nhân và khát máu, dưới sự chỉ huy đế quốc của giới cầm quyền Sô- viết? Vì sao “xã hội chủ nghĩa thực tiễn” lại tàn rụi vì già nua và không còn được tin tưởng sau khi áp đảo khá lâu gần một phần ba địa cầu, dưới những hình thức địa phương khác nhau?
Trọng tâm nghiên cứu của các chuyên gia về Cộng sản gồm những câu hỏi đại loại như trên. Vấn đề là các sự phân tích của họ có thể chuyển từ chính trị qua lịch sử và từ lý thuyết sang khoa học hay không?
Về thế giới CS, sử liệu thật không thiếu. Từ 1917, rất nhiều du khách, ký giả và nhà văn viếng thăm Liên Sô. Họ ghi lại nhận xét trong những quyển ký sự loại “le retour d’ URSS.” Những sách này đếm không hết, bênh vực hay bài xích xã hội chủ nghĩa. Sau đó, xuất hiện tác phẩm của những chuyên gia chống cộng như Victor Serge hay Boris Souvarine, tác giả của quyển “Staline” xuất bản năm 1935 và được dân chúng xem như một tài liệu tiên tri. Kể từ thập niên 60, khối Anglo Saxon bắt đầu nghiên cứu hiện tượng CS dưới khía cạnh khoa học. Công tác này tiến hành mạnh sau khi bức tường Bá linh và khối quốc gia Đông Âu sụp đổ, với quyết định mở văn khố Moscou cho công chúng sưu tầm. Như thế có phải kỷ nguyên các ức thuyết nhường chỗ cho thời đại xác tín hay không? Quả là không! Tại Pháp cũng như Hoa kỳ, các trường phái sử gia đối đầu với nhau, tranh luận sôi nổi về quan niệm “xã hội chủ nghĩa, hoài bão hay nỗi thất vọng của thiên niên kỷ? ”
Sau khi ra mắt đọc giả, Hắc thư bị dị nghị từ ba phía: Trước hết, một số đồng tác giả của quyển sách này tuyên bố rút khỏi bộ biên tập vì cho rằng Stéphane Coutois tỏ ra “quá khích” khi đề nghị trong trang giới thiệu sách truy tố các “tội ác CS” trước một Tòa án quốc tế loại Nuremberg do các nước Đồng Minh lập ra năm 1945 để xử các tội ác của Đức quốc xã. Tưởng cần nhắc lại rằng điều 60, khoản a, b, và c của quy chế Tòa này định nghĩa và phân tách ba loại tội phạm: chống hòa bình, tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân lọai.
Mặt khác, tạp chí Communisme tại Pháp trong hai số liên tiếp, 59 và 60, xuất bản cuối năm 1999, đăng bài đả kích Courtois. Chính Stéphane Courtois trước đây đã đứng tên chung với Annie Kriegel thành lập năm 1982 tạp chí Communisme. Annie Kriegel là người tiên phong hô hào viết ra lịch sử khoa học của chủ thuyết CS. Denis Pechanski, một trong cộng tác viên đầu tiên, viết: “Tạp chí kết hợp xung quanh Annie Kriegel những nhà nghiên cứu trẻ nhắm chung mục tiêu coi chủ nghĩa CS như một đối tượng khoa học để phân tích theo những phương thức bổ túc hay dị biệt. Đây là một đề án trí tuệ điển hình xoay quanh ý niệm rằng hiện tượng cộng sản có hai kích thước: chủ đích (téléologique) và xã hội (sociétale). Nhóm khởi sự tan hàng rã ngũ khi xảy ra vụ khui lại lịch sử cảnh sát của Đảng CS Pháp và có dư luận tố giác Jean Moulin- là gián điệp của Nga. Việc giải mật văn khố Mạc Tư Khoa năm 1991 xác nhận thêm khuynh hướng này.”
Sau hết, một nhóm tác giả khác, gốc Anh- Pháp, cho xuất bản “Le Siècle des Communismes - Thời đại các thể chế cộng sản”. Claude Pennetier, một trong đồng tác giả, viết: “Chủ trương của chúng tôi là chống lại “cái lối nhìn cảnh sát” của lịch sử. Le Livre Noir không giúp hiểu hết hoạt động của thể chế Stalinien. Tư tưởng chủ yếu của chúng tôi là cộng sản chủ nghĩa có một bản chất phức tạp, nó không chỉ là nguồn gốc của tội ác.” Những người cha đẻ của “Le Siècle des Communismes” xếp quyển sách này vào loại nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản đa dạng dưới khía cạnh khoa học. Họ đặt lại hiện tượng cộng sản vào trung tâm các vụ đấu tranh giải phóng của thế kỷ 20 và không chú trọng đến vai trò của lý thuyết mạc xít trong những tội ác cộng sản .
Tại Hoa kỳ, giới Đại học cũng chia thành hai trường phái. Nhóm đầu mang tên “totalitariste, chuyên chế ” vì đề cao vai trò Đảng - Nhà nước ở Liên bang Sô viết. Nhóm sau, mệnh danh “révisionniste, xét lại”, cho rằng không thể xem thường sức nặng của xã hội. Nhóm này đông hơn và phủ nhận số nạn nhân trong trại giam goulag. Tại Mỹ, cuộc tranh luận chính trị giữa hai cánh tả và hữu thu hẹp trong giới đại học. Ở Pháp, Đảng CS có đại diện trong chính phủ. Tại đây, hiện vẫn có những con đường mang tên Lénine và một nhà ga métro Stalingrad. Bởi thế cuộc tranh luận gay gắt hơn và vượt ra khỏi ranh Đại học để lan ra đến bên ngoài xã hội.
Sau khi in xong “Le Siècle des Communismes”, ấn quán L’Atelier cho phát hành tiếp năm 1971 “Tự điển lý lịch của Phong trào thợ thuyền” gồm có 46 quyển. Bộ sách này, dưới tên Maitron, sẽ được bổ túc năm 2001 bởi việc xuất bản Tự điển khối Komintern ghi lại lý lịch của 400 đoàn viên thuộc Tổ chức CS Quốc tế tại Pháp, Thụy sĩ, Bỉ và Luxemburg.
o0o

Nói tóm tắt, trong nội vụ, có hai quan điểm đối chọi: Nên phân tích Cộng sản chủ nghĩa theo đường lối thuần túy khoa học (analyse scientifique) hay dưới khía cạnh tội ác (vision policière)?
Nghĩ sao về cuộc tranh luận trên đây?
Hiểu theo cho đúng nghĩa, viết sử là một công tác khoa học đòi hỏi một căn bản huấn luyện vững chắc, nhiều kiến thức sâu rộng và đặc biệt, một trí xét đoán sắc bén và sự chính trực trí tuệ. Không thể đem tâm tình riêng tư hay dựa vào kỷ niệm vớ vẫn để viết sử. Không thể lợi dụng viết sử để bôi nhọ hay xuyên tạc. Một bộ sử xứng đáng với danh xưng không bắt buộc, tuy nhiên, phải là một tác phẩm thuần túy khảo cứu chuyên môn mà còn có thể, đồng lúc, là một công trình tư tưởng bất hủ và một áng văn chương tuyệt tác lưu danh hậu thế. Chỉ xin kể vài sử gia điển hình: Tacite, người viết Les Annales thời La Mã, Thucydide là người trước tác quyển “Lịch sử cuộc chiến Péloponnèse” thời Hy lạp và Arnold Toynbee, tác giả bộ sách Study of History. Đa số sử gia, khi bắt tay vào việc, đều nhắm một hay nhiều chủ đích. Điều này không có gì bất chính miễn chủ đích tôn trọng sự thật, có tính cách xây dựng và không làm lệch lạc việc sưu tra và trình bày sử liệu.
Trong trường hợp “Le Livre Noir du Communisme”, ít nửa 6 trong 11 tác giả trụ cốt là những chuyên viên sử học. Chủ trương của nhóm, được in minh thị trên bìa sách, là trình bày “Tội ác, Khủng bố, Đàn áp. Crimes, Terreur, Répression” của Cộng sản. Lần đầu tiên, hậu quả tai hại của xã hội chủ nghĩa được trình bày khá rộng và chi tiết, tuy chưa nói hết. Phần lớn các tài liệu trong sách do văn khố giải mật của Liên Sô và các chư hầu cung cấp, mặt khác rút từ kinh nghiệm bản thân của các tác giả, nguyên là nạn nhân hay cựu đảng viên CS. Những con số liệt kê trong Hắc Thư làm cho đọc giả kinh hoàng nhưng không phải giả tưởng: Liên Sô có 20 triệu người chết, Trung Hoa 65 triệu, Việt Nam 1 triệu, Bắc Hàn 2 triệu, Căm Bốt 2 triệu, Đông Âu 1 triệu, Châu Mỹ La tinh 150.000 người, Afghanistan 1,5 triệu... Tổng cộng một trăm triệu, trong khi Đức Quốc Xã sát hại 25 triệu.
Dư luận thế giới đến nay vẫn không quên sự chấn động toàn vũ khí Nikita Krouchtchev, Tổng bí thơ Cộng Đảng Số Viết, lớn tiếng tố cáo, ngày 22.2.1956 tại Đại hội thứ 20 của đảng, chính sách khai trừ và tàn sát vô nhân của trùm Staline từ 1917, trong ba chục năm cầm quyền. Chính các đảng viên CS có mặt trong phiên nhóm thu hẹp cũng phải sửng sốt khi nghe “phúc trình mật” của Krouchtchev. Lý do thúc “Mr K” phá vỡ một trong cấm kỵ lớn của chế độ là đẩy các tội ác qua cho chúa tể (quá cố) Staline để cứu chính thể. Đồng thời, cũng để triệt hạ cánh đối lập Stalinien. Một nguyên nhân thầm kín khác là Krouchtchev lợi dụng cơ hội để khỏa lấp những hành vi tàn bạo của chính y khi nắm quyền tại Ukraine. Trong hồi ký “Souvenirs”, trang 329, Krouchtchev viết như sau: “Lúc đó là giai đoạn áp đảo và chuyên quyền trong Đảng và chúng ta cần báo cho Đại hội những gì chúng ta biết. Trong cuộc sống của bất cứ ai phạm tội ác, thú nhận thì đáng được khoan dung , nếu không được toàn xá “ (!!)
Trong vụ tranh luận về “Le Livre Noir”, điều gây ngạc nhiên là một số tác giả đợi sách này phát hành xong mới tuyên bố rút lui vì cho rằng lập trường của người cầm đầu Stéphane Courtois có tính cách “quá đáng.” Tại sao không phản đối ngay khi S. Courtois ghi đề nghị này trong trang giới thiệu sách? Sự “phản thùng” của họ liên hệ ra sao với áp lực hay ảnh hưởng của cánh tự xưng cấp tiến hay thiên tả trong giới Đại học và Truyền thông Âu châu và Hoa kỳ?
Dân chúng không lạ gì hành động xu thời của số người mang lốt thức giả. Gió thổi hướng nào, xoay theo chiều ấy. Trên 80 năm, CS thống trị bằng sắt máu một phần địa cầu chỉ vì Thế giới Tự do ngây thơ và khiếp nhược. Không thể nhân danh Khoa học và Chính trị để nhắm mắt bỏ qua những vi phạm bỉ ổi Nhân Quyền do các lãnh tụ CS đương quyền hay bị bãi nhiệm chủ trương.
Ngày 28 tháng 8 vừa qua, bốn nhà ly khai lưu vong Trung quốc, từng tham gia biểu tình đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, khởi tố trước Tòa hình Nữu ước nguyên Thủ tướng - đương kim Chủ tịch Quốc hội Trung Hoa Lý Bằng về vụ ra lệnh dùng súng đạn đàn áp quần chúng. Tòa án đã xuất trát đòi bị can trình diện. Bắc kinh cho việc này là một trò hề chính trị. Nhưng các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền thì xem đây là một sự cảnh cáo cần có đối với bất cứ ai, cộng sản hay không cộng sản, học đòi đường lối độc tài chuyên chế.
Lịch sử luôn luôn dành cho hậu thế những khuyến cáo và bài học quý giá. Sự tồn tại của thế giới tùy thuộc khả năng cảnh giác để tránh tái phạm lỗi lầm quá khứ. Ngoài Công lý của loài người, còn luật “nhãn tiền quả báo” của Trời Đất. Pol Pot tại Cam bốt và Milosevic tại Nam Tư là hai trong nhiều bằng chứng điển hình.
Lương tri con người nguyền rủa cộng sản bất nhân từ lâu. Thời gian không thể xóa sạch trên thân xác các nạn nhân và – càng khó hơn - trong tâm khảm dân tộc tàn tích của vô số tội ác do CS gây ra. Đặc biệt, tội diệt chủng và hành vi chống văn minh, phản nhân loại. Các kẻ phạm pháp, vì thế phải đền tội trước Tòa án Quốc tế để làm gương cho những ai lạm dụng quyền lực để sát sinh và chà đạp nhân phẩm. Nhà văn Tzvetan Todorov đã nhận định chí lý: “Sự sống đã chịu thua cái chết. Nhưng trí nhớ tất thắng khi đấu tranh chống hư vô.”
i Ðọc “Le Communisme, entre analyse scientifique et vision policière de l’ histoire” trong Le Monde ngày 20.9.2000
ii MOULIN (Jean), anh hùng kháng chiến Pháp trong Đệ nhị thế chiến. Tẩu thoát qua Luân đôn, ông được bầu năm 1943 Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Quốc gia Kháng chiến. Trở về Pháp, ông bị bội phản và cơ quan tình báo Đức Gestapo, tháng 6.1943 bắt, đem ra xử bắn. Năm 1964, Chính phủ Pháp đưa tro của ông vào Viện Panthéon.
LÂM LỄ TRINH


No comments: