Wednesday, August 29, 2012

TCHYA *THẦY CỬ

THẦY CỬ


Tchya


          Ngày hôm ấy, thầy Cử Sinh chán nản việc đời. Mài thoi mực đen, cắn đầu bút thỏ, thầy viết. Thầy viết cổ thi, kim phú, ngón tài hoa bay nhẩy lối Lan đình. Viết xong, thầy đọc, đọc rồi thầy xé, xé rồi thầy đốt.
          Thú làm thơ khôn tiêu tán nỗi lòng tức bực, thầy Cử xách nón đi chơi; không khí chiều thu êm dịu, thầy ngắm cảnh trời xanh trăng bạc, dường như nhè nhẹ cơn sầu. Bóng cây chiếu thẳng giữa đường, trông tựa mấy giọt mực đen, rải rắc trên tờ giấy trắng.
          Say cảnh tiêu điều, tịch mịch, thầy Sinh nghĩ ngợi bâng khuâng; bụi tre cằn lẩn mầu chiếc áo lương thâm, khiến hình ảnh thầy trộn lộn với hình ảnh chung của Tạo vật. Bồi hồi, thất vọng, thầy Cử nhớ lại cuộc đời dĩ vãng, một nỗi buồn vô hạn tự nhiên chan chứa trong lòng.

          Khoa Mão hồi trước, cũng như mọi nhà hàn sĩ, thầy Sinh lều tráp đi thi. May nhờ phúc ấm tổ tiên, thầy được dự tên chót bảng. Không đến nỗi thẹn với hai mươi năm đèn sách, thầy Sinh lấy thế làm mừng. Trên bước vu quy, thầy những mong chen lọt vào lầu hoa, gác thắm, thanh vân nhẹ bước công hầu. Có ngờ đâu thời thế lại đảo điên, mà mệnh đồ nhiều nỗi khó! Nghĩ đến cảnh Lý Quảng nan phong, Phùng Đường dị lão, thầy đâm ra chán hẳn cuộc đời. Thôi thì: "Quân tử an bần", thầy cũng chả thèm bôn tẩu, nhất tâm nằm dạt xó nhà, ngâm thơ uống rượu; dẫu bị cảnh bần hàn thanh bạch, thầy không màng kiếm miếng đỉnh chung!
          Vì thế, quan huyện Thanh Hồ, nghe nói thầy người chí khí, thân hành đến đón tận nhà. Võng lọng linh đình, thầy Cử về nha dạy học; có nhẽ số phong lưu nhàn hạ, ngày nay đã theo thời vận, cứu thầy khỏi bước nghèo nàn. Một quãng thời khắc cỏn con, thầy Sinh đã nghiễm nhiên ra mặt con nhà mô phạm! Rồi, thơ chặt túi, rượu lưng bầu, mặc sức nhà nho lỡ vận rung đùi mà ta thán nhân tình thế thái, hoặc ngậm ngùi cảm khái, ngâm nga những khúc tiêu tao!
          Trông bóng trăng thu, đã nhiều phen, thầy Cử lên giọng đắng cay chua chát, nghe ai oán như tiếng trùng than dưới cỏ, lâm ly như hạt móc đập cành tiêu, khiến tàn canh sực tỉnh giấc cô miên, bà lớn huyện những xúc cảm, sụt sùi bên gối phượng...

          Bà lớn, từ xưa, vẫn có tiếng là người hay chữ; không những làm ăn khéo léo, đi đứng nhu mì, đến nghề thi phú văn chương, bà lớn thực là tài nữ. Yêu thú làm thơ, bà lớn thường đặt ra những khúc não nùng, tiêu sái, lẳng lơ như hoa lả gió, buồn bã như cảnh thu tàn, sành xem văn đến như cụ Bảng Châu Giang, cũng phải phục bà lớn là một thi nhân lãng mạn.
         Thầy Cử, từ ngày về huyện, trà sớm, đèn khuya, chăm nom hai thằng cháu bé. Hai cháu học mỗi ngày một khá, quan lớn rất đỗi vui lòng, bà lớn cũng thường đẹp dạ. Vì thế, cơm tám, rượu sen, chả thơm, canh ngọt, ông thầy thong thả thời cơm; yêu con nên trọng đến thầy, bà lớn là người khéo xử. Vui cảnh xuân tàn, quan lớn thì câu thơ chén rượu; khách thâm nho may lại gặp tay đồng chí, tài nào không ý hiệp, tâm đầu! Trong hoàn cảnh tương kính, tương thân, thầy Cử không đến nỗi thẹn với những kẻ, tình thế giống thầy, mà chịu cúi luồn theo khuôn phép những nhà quyền quý. Kể ra, thầy cũng thực là sung sướng: được chỗ an nhàn ngồi giảng sách, còn gì hơn trong lúc khốn cùng này?
          Tuy nhiên, gặp những buổi gió vàng gieo lá rụng, không tài nào thầy tránh khỏi mối bi thu. Đối cảnh thu sơ, thầy trông cúc nở, sen tàn, bất giác thương thân mình chịu mai mòn theo tuế nguyệt. Giọt móc rụng nhịp nhàng trên khóm trúc, lại khiến thầy đau đớn phận tha hương. Sẵn mối hoài cảm chứa chan, thầy không đủ sức đè nén nổi con tâm thổn thức. Gióng bóng trước ngọn đèn le lói, thầy buồn rầu ngâm nga những khúc "Ly tao". Giọng thầy não nuột, du dương, lúc canh khuya phẳng lặng êm đềm, thường réo rắt vang suốt trong ngoài huyện lỵ. Dư âm man mác như bay lượn nhẹ nhàng trong bóng tối, như giục lòng ai ngây ngất suốt đêm trường...
           Trên gối phượng, đôi phen, bà lớn giật mình tỉnh giấc. Cám cảnh trăng tà gió lạnh, bà lớn xót phận mình, ngao ngán, những hờn duyên. Lại vẳng nghe giọng ai oán, thiết tha, hồn thi sĩ nào tránh khỏi lúc bâng khuâng, tê tái? Dưới chăn loan, bà lớn bất giác ngậm ngùi tuôn lệ ngọc; mà, nằm co ro trong thư viện, thầy Cử vẫn nghêu ngao vẳng ra những khúc não nùng...
          Than ôi! Cái nghiệp văn chương! Nó thường bắt người phải cảm hoài, ảo não, tủi cảnh mình nghĩ thương ai chung hội, mà bẽ bàng trông bóng suốt năm canh!...

*

          - Thì ông cố đẻ lấy một thằng con nữa chứ!

           Bà lớn huyện vốn là con gái yêu cụ Tuần Hà thuở trước, lấy chồng vừa được chín mười năm. Trong mười năm trời, cảnh gia đình bà lớn tuy có nhiều phen bực tức, song ngắm lại hai thằng con nhỏ dại, bà lớn cũng hả lòng vàng. Thoạt bước chân về nhà chồng, tình ân ái nồng nàn, khiến bà lớn vội vã đẻ dồn hai cháu bé: thằng Cả, thằng Hai, một thằng lên chín, một thằng lên tám. Chỉ giận nỗi Hóa công, sau những lúc say vui thường đem lại nỗi buồn dằng dặc của một tương lai lạnh lẽo, nên bà lớn huyện, từ ngày hai em bé nhớn lên đi học, bỗng càng ngày càng yếu càng buồn; mà, sự đâu rõ khéo bẽ bàng: bà lớn tựa hồ quên, không đẻ nữa!
          Tuy nói là bà lớn yếu: đó chỉ là một cách nói cho trại ý mà thôi; thực ra, bà lớn chỉ thường hay sổ mũi, nhức đầu, đau gân, mỏi cốt. Ngoài sự đó, bà lớn vẫn tốt tươi, óng ả: nhan sắc khuynh thành, kiều diễm, đọ với thời gian vẫn không chịu kém màu xuân. Con người mặn mà, bà lớn càng ngày càng đẹp, trong khi, chăn bông, nệm gấm, quan lớn một tuổi một già.
          Quan lớn huyện đỗ Cử nhân từ độ ngoài ba mươi tuổi; về làm rể cụ Tuần Hà, bấy giờ ngài đã bốn mươi. Ngài đến nhậm huyện Thanh Hồ, đến nay, đã hai năm có lẻ. Dân yên, lúa tốt, trong xóm, ngoài làng, ai ai cũng đều công nhận quan lớn là người phúc đức. Mà không những chỉ có thế; về phương diện thanh liêm, cương trực, danh thơm ngài còn lừng lẫy khắp nơi nơi.
          Duy có một nỗi đáng phiền: là mới năm chục tuổi đầu, mà râu tóc quan đã lâm râm đốm bạc, chả bì với bà lớn nhà còn trẻ non, trẻ nõn, đỉnh đầu chưa đội hết hăm chín cái xuân thu. Hai mươi chín cái xuân thu! Bà lớn còn ôm chặt một mối lo mong, nửa bầu nhiệt huyết; con Tạo hóa rõ khéo trêu ngươi quá tệ, cớ làm sao mới được có hai mụn con còn bé dại, mà khiến chốn loan phòng đã lạnh lẽo, hững hờ duyên!
          Không phải rằng quan lớn không chiều, không quý; không phải rằng quan lớn không mến, không yêu; chỉ tại cái yêu ngài là cái yêu suông, mà cuộc đời chửa ngoại ba mươi chưa có thể là cuộc đời suông được! Năm mươi tuổi, nào tuổi ấy già đâu! Thế sao quan đã đầu trắng, mắt mờ, con Tạo sao mà tệ thế? Chỉ những đau lưng, mỏi gối, quan lớn chưa đến tuần ăn thượng thọ đã suy tàn! Vui cảnh xuân già, quan chỉ câu thơ chén rượu; lúc hội tổ tôm cùng thầy Lại, lúc cuộc cờ nhạt với ông Đồ, ngày tháng thanh nhàn, quan chỉ dùng để sống trong những thú suông thậm là suông; có lúc cảm hứng muốn vui, thì lại thết bữa tiệc nhỏ ở mai viên, cùng thầy Cử hùng biện, cao đàm, hăm hở bàn đến chuyện thánh hiền kim cổ...

          Cảnh chồng già, chị em ôi! Rõ là một cảnh éo le! Dẫu có hưởng êm ả những thú đệm ấp, chăn lồng, tính tình lãnh đạm của đức lang quân, lắm phen, càng xui giục bể lòng dào dạt, càng làm cho tấm thân ngà ngọc bồi hồi mơ ước nỗi yêu đương! Một người có tình cảm chứa chan, có thân thể chất đầy sinh khí, nhất là người ấy lại là đàn bà, một người đàn bà còn trẻ nõn, thì, càng sống trong bầu không khí an nhàn lặng lẽ, càng hưởng mùi đỉnh chung êm ái phong lưu, người ấy càng khó lòng tránh khỏi những thời khắc mà tâm hồn mê mỏi, mà các tia gân, các luồng máu, các thớ thịt trong người rung động, bồi hồi gọi thú ái tình. Cho nên bà lớn huyện Thanh Hồ, một đóa hoa quý xuân còn cười với gió chiều chớt nhả, một vừng trăng mười tám còn đủ ánh sáng đục vừng mây ám tạt qua, bà lớn thường thấy mình như khao khát ái ân, như bị một mãnh lực gì bí hiểm của con tâm ngày đêm làm bải hoải cả tấm thân tròn đẹp.
          Muốn khuây mối xuân tình phơi phới, bà lớn chỉ còn cách làm văn, đọc sách, đỡ buồn. Thiếu sách sang mượn thầy Đồ, bà lớn đã nhiều phen sai hai đứa con thơ chạy đến thư viện bắt thầy Cử lục hết ngăn trên, tủ dưới.

          - Thầy cho mợ mượn pho "Tình sử"!
          - Thầy cho mợ mượn bộ "Chiến quốc" có phê bình.

          "Thầy cho mợ mượn quyển nọ, quyển kia..." đến nỗi sau cùng, phát giận, thầy Cử Sinh phải nói dối không có pho truyện nào mới nữa. Có sách mà không cho mượn, nào phải đâu thầy xấu bụng, hẹp hòi; chỉ tại thầy tránh chuyện vô duyên, không muốn dấn thân làm một sự khó coi, nhơ nhuốc. Có ai ngờ bà lớn lại đa tình đến thế: không quyển sách nào trả không kèm theo một bức thơ, mây gió lăng nhăng, khiến thầy Cử đọc thư xong những khắc khoải bồn chồn, nghĩ đến thân phận, chức vụ mình, ruột rối như tơ vò lại.
          Càng nghĩ, thầy càng khó xử, chả biết đến sau này, tấm thân thầy có được ở yên không? Biết bao cuộc thất bại trong đời, mãi ngày nay thầy mới được một chỗ thảnh thơi, nhàn hạ, nào ai biết vận xấu cố theo riết mãi con người lận đận, làm cho thầy mới tạm an đã thấy khó khăn rồi! Ô hay! Ông Trời độc địa làm sao! Ai xui khiến cặp mắt tinh anh sắc sảo của giai nhân lại cứ chiếu thẳng vào một anh đồ xơ xác! Khó xử.
          Đối với quan ông, một ngày cũng là nghĩa, đối với hai cháu bé, một khắc cũng là tình, thầy nỡ nào không nghĩ đến hai chữ "thủy chung", mà nỡ bỏ mấy đứa trẻ kia, để mang tiếng tệ bạc với bố chúng nó là người, đối với mình, đã có chút ơn tri ngộ? Nhưng mà, nếu thực quả thầy bị sao "Hồng Loan" trực chiếu sang cung Thiên di và sao "Đào hoa" sang cung mệnh, nếu cùng bà lớn thầy không may có chút nghiệt duyên tiền kiếp thì, không đang tâm dứt áo ra đi, cũng còn mặt mũi nào ngồi dạy học ở huyện nha mãi được?
          Nghĩ đi mãi rồi nghĩ lại, thầy Cử Sinh càng đâm ra tức bực, chán chường. Ngán ngẩm sự đời, thầy bải hoải biếng ăn biếng ngủ, rượu ngon nhấp chẳng thấy mùi gì thú; mà làm thơ cũng không cảm hứng chút nào! Thầy chỉ lo, lo lại sợ, sợ nhỡ cầm lòng khôn được, thì có phen bị ai kia lôi cuốn vào gầm tội lỗi, rồi suốt đời, hận bên lòng đeo mãi biết bao nguôi!

           Cắn đầu bút lông, thầy những muốn viết thư từ giã, từ quan, từ huyện, từ cả hai đứa học trò ngoan ngoãn thơ ngây, để mặc bà lớn cùng cuộc đời gió lả mây vờn, cùng những ý tưởng trăng hoa không chính đính... Cắn bút, nhưng nào thầy Cử đã tìm ra chữ; thầy phải suy đi tính lại, hạ một câu có khi ngẫm nghĩ đến hàng giờ. Mãi sau cùng, thầy cũng thảo xong thư vĩnh biệt; đọc lại thư, thầy cảm thấy một nỗi buồn vô hạn đè ngang cuống họng nghẹn ngào. Những chứng cớ thầy viện để từ giã bạn, chả qua chỉ toàn điều giả dối mà thôi; song le, sự thế bắt buộc thầy phải thế, xưa nay thầy có từng là người gian trá bao giờ?

          Sửa soạn hành lý xong xuôi, thầy Cử Sinh đem thư ra kiểm duyệt một lần chót nữa. Thấy lời lẽ vẫn chưa được gọn, thầy kiên tâm ngồi sao một bức thứ hai. Bức thứ hai cũng chả vừa lòng, thầy lại nán ở ít ngày, định gọt rũa lời lẽ thế nào cho quan huyện không thể trách được thầy bội bạc. Nhưng, viết làm sao vẫn thấy còn hớ hênh, dại dột, thầy Sinh hết nằm lại ngồi, hết đi lại đứng, vò tai bứt tóc, lưỡng lự bâng khuâng. Viết rồi, thầy vò xé đi; xé xong, còn sợ có người thóc mách, nên đem ra châm lửa đốt. Cứ những sao đi chép lại, chung quy mất ngót một tháng trời. Thầy Cử bứt rứt nôn nao, tự buông một câu hỏi trong tâm thần rối loạn: "Về hay ở? Nên ở hay nên về?".
          Vấn đề giải quyết mãi không xong, thầy đâm ra chán nản. Không khí gian phòng học, vì cớ đó, cũng thành ra khó thở, nặng nề. Thầy Cử cảm thấy lục phủ ngũ tạng nóng bừng lên, cần phải ra sân đổi gió. Thầy đi ra dạo mát ngoài vườn. Tìm một chỗ tối vắng, thầy ngồi phịch xuống cỏ, thả tâm hồn lâng lâng bay theo ngọn gió, nhất định bỏ mặc sau lưng những nỗi ưu tư khổ cực của mọi ngày...

          Bóng thầy chìm lẫn trong bóng cây, bởi chỗ thầy ngồi kề ngay bên một khóm tre dầy, ánh sáng giăng lờ mờ khôn phân biệt rõ hình ảnh thầy với hình ảnh chung của Tạo hóa.
          Thầy ngồi thẫn thờ như thế, chẳng biết được mấy giờ, mấy phút; lòng thầy tự nhiên thư thái, thầy lim dim đôi mắt, thiu thiu dường muốn ngủ gà. Bỗng đâu, những tiếng sột soạt tỉ tê làm lay động quãng đêm trường hiu quạnh. Thầy Cử mở bừng mắt dậy: một bức tranh hoạt động giúp thầy khỏi bị nghĩ đến nát gan nát ruột, mới tìm ra câu trả lời cương quyết cho vấn đề khó xử "ở hay về"...

*

          - Mình! Mình ơi! Chàng có đoán được em yêu chàng đến thế nào không hở? Mình có hiểu, vì mình, em đã hi sinh cả phẩm giá lẫn danh dự của em rồi?
          Tiếng người đàn bà vừa nói đượm một vẻ nũng nịu say sưa; người đàn ông nghe xong không trả lời, chỉ vít cổ bạn tình xuống để đặt lên môi ai một cái hôn chắc hẳn là đậm đà ngây ngất, vì nó lâu đến hai ba phút mới xong. Dưới ánh trăng mờ, hai bóng người thấp thoáng khi ẩn khi hiện, trông xa xa không phân biệt được là ai. Đêm lúc ấy đã gần khuya, những chòm lá cây cùng mấy bụi tre già, găng rậm, từ buổi tàn hoàng hôn, đã đổi màu xanh thẫm ra mầu xám ngắt; không gian nhuộm một vẻ ảm đạm tiêu sơ, biểu hiện của những quãng đêm thu quạnh quẽ.
Thầy Cử ngồi ở góc vườn, cách cặp tình nhân đến non ba chục thước, không nhìn rõ hết mọi cử chỉ của họ, chỉ nhờ sức tưởng tượng mà đoán rằng họ đương cùng nhau đọc một bài kinh ân ái rất nồng nàn. Những cái hôn cứ năm bảy phút lại trao đi đổi lại, diễn tấn trò đắm đuối của ái tình. Rồi, ngoài mấy bận má kề môi giáp, cặp uyên ương bá vai nhau khăng khít như đương cùng thắt mối đồng tâm; họ chỉ thả nhau ra để lặng yên ngắm vuốt mặt nhau; xong lại kéo nhau ngồi bệt xuống cỏ xanh, vỗ về âu yếm và ri rỉ tự tình, nói những câu nhỏ quá, nhỏ quá, khách ngoại cuộc chẳng ai nghe rõ cả.
          Thoạt mới ngắm nhìn, thầy Cử cho là cậu lính dắt một cô sen ra chốn vườn khuya giở những chuyện trong dâu trên bộc; thầy cũng không thèm chú ý lắm. Nhưng, nếu thực quả đôi nhân ngãi kia là kẻ hạ lưu bần tiện, thì cớ sao họ hành vi phong lưu nhàn nhã thế này? Chú lính cô sen nào đâu đã biết trò bá vai, quàng cổ, vuốt má hôn môi? Họ làm gì thừa thãi thì giờ để ngồi chuyện vãn dài dòng như vậy? Giá chú lệ được vài giờ thong thả, hẹn hò chị vú ra vườn, lẽ tất nhiên chúng lo ngại nhìn ngang trông ngửa, thì thào dăm ba câu thân mật, rồi mau chóng thi hành những dục vọng dâm ô. Có đâu hào hoa lịch sự như đôi lứa thiếu niên này, chỉ thấy những thái độ đắm đuối say mê, mà không có chút tư cách nào phàm phu thô bỉ?
          Thế thì chắc không phải hàng người ở trong vòng nô bộc, ắt hẳn là duyên cớ chi đây! Quái! Quan huyện chả có cháu giai cháu gái nào lớn tuổi, cũng chả có họ hàng thân thích theo ngài, cớ sao xảy ra chuyện lạ lùng này nhỉ?
          Con ma tò mò thường rung động tâm người thóc mách; thầy Cử ngắm đôi trai gái, bỗng thấy trong lòng sôi nổi những ý nghĩ muốn đi rình. Thầy bèn rón rén bò đến mé hai chiếc bóng. Nhưng, vốn xưa nay thầy không sành nghề đi lắng trộm, nên không đủ tài nghệ làm cho xuôi công việc táo bạo của thầy. Bị một sợi rễ cây thò lên mặt đất vướng đế giầy, thầy vô ý trượt chân, ngã sóng soài trên bãi cỏ, kêu lên một tiếng.
          Liền lúc ấy, mặt trăng đương bị mây vẩn, cũng tự nhiên thành tỏ rạng; cặp uyên ương nghe tiếng hét, hốt hoảng vùng căng bỏ chạy; người đàn ông can đảm đi lại mé thầy Cử xem kẻ nào hỗn xược dám phá tan giấc mộng ân ái của mình; còn chị đàn bà thì kinh khủng chạy tuột thẳng vào trong tư thất.

          Lồm cồm trở dậy, thầy Sinh chỉ còn được thoáng thấy trước khi biến hẳn vào bóng tối, một tà áo lụa màu sữa, phất phơ bay theo chiều gió heo may. Thầy, hốt nhiên, cảm thấy tâm can tê tái ngậm ngùi, cứ đứng ngẩn người ra như pho tượng. Giữa lúc ấy, một bóng đen sừng sững hiện ra trước mặt thầy, rồi một giọng nói đột ngột làm cho thầy nhận được người đối diện với mình đang ngạc nhiên lo ngại đến cực điểm.

          - Ơ! Thầy Cử!
          - Kìa, ông Thừa, ông làm gì ở đây mà khuya khoắt thế?

*

          - Nhân chi sơ, tính bản thiện, ya, ya...
          - Nhân chi sơ, tính bản thiện, ya, ya...

          Hai đứa bé tinh sương đã dậy, nghêu ngao ngồi học trong thư phòng. Trên tấm phản gụ giữa nhà, chăn màn chưa dọn, trên mặt án thư, từng pho sách chồng chất lên nhau, ngổn ngang bên cạnh ngọn đèn huê kỳ không ai tắt, bên cạnh điếu thuốc lào, ấm tích nước, và bộ khay chén Giang Tây hoen vẩn dấu trà còn sót.
          Thầy đồ, chả biết dậy từ bao giờ, mà bỏ vắng nhà học; những ngày thường, giờ này thầy đương rửa mặt, vấn khăn. Theo lệ mọi hôm, một thằng hề đồng đun nước sôi lên để thầy điểm tâm dăm chén trà ướp hoa, trước khi đốt hương ngồi giảng sách.

          - Ô hay! Thầy đi đâu lâu nhỉ?
          - Có lẽ thầy ra vườn.
          - Không mà, em vừa ra, không thấy thầy.
          - Hay là thầy ra ao sen?
          - Em cũng không thấy!

         Một khắc, hai khắc, nửa giờ, hai đứa bé cứ nghêu ngao, chờ thầy về cho kỳ được.

          - Nhân chi sơ, tính bản thiện, nhân chi sơ, tính bản thiện... Quái! Thầy không về thực, mày ạ! Chả biết thầy đi đâu?
          - Kìa, anh xem thử cái gì trên kia, có phải một lá thư thầy để lại đó không? Chúng ta cầm lên cho ba đọc.
          - Phải rồi, phải rồi! Một bức thư! Ta đem trình ba xem ba bảo thế nào...

          Quan lớn huyện buổi mai đương ngồi vuốt râu hãm ấm chè Ninh Thái, bình tĩnh ngâm mấy vần thơ của Đỗ Thiếu Lăng. Hai cậu ấm ton ton chạy đến.

         - Ba ạ. Thầy đồ đi đâu mất rồi, chả thấy về. Chỉ để lại trên án có bức thư này thôi, chúng con cầm lên ba đọc!

          Quan huyện vuốt xuôi bộ râu lác đác, thưởng nốt chén trà sen, rồi mới thong thả xé bức hoa tiên, đeo mục kỉnh vào, ngồi xem chăm chú lắm.

Thư rằng:

"Kính bẩm quan lớn,

Nổi nênh chân bèo khách địa, lỗi sinh nên phải bước giang hồ; ngậm ngùi gốc tử cố hương, vụng hóa khôn đền ơn tri ngộ.

Lão đệ nay:

Nhớ gốc tử phần, chạnh niềm cố thổ.
Những tưởng một ngày là nghĩa, dạy hai em cho trọn đạo thủy chung; ai ngờ nửa khắc chia tình, mới bẩy tháng đã đến kỳ thượng lộ.
Kết bạn để mong tương ích, ý quan huynh cũng trọng đệ có văn tài; thụ ơn vẫn tính gắng công, lòng lão đệ đối với quan hằng ái mộ.
Kẻ sĩ gặp người tri thức, niềm gắn bó sao không?
Phận hèn nên kẻ gia sư, số tôn vinh hẳn có.
Rắp tâm rèn luyện, cho trẻ em nên bậc tài danh,
Xót nỗi cù lao, để quan lớn ngán duyên thế cố!

Nghĩ như đệ:

Học chỉ biết chi hồ giả giã, đã hợm mình hạ bút quỷ thần kinh; trí không màng Nam Bắc Đông Tây, vẫn múa mép ra tay thành quách đổ.

đây:
Nhất mực phong lưu, đủ nghề thi thố.
Rượu Gia Bì lúc tỉnh khi say; chè Liên Thái sớm phong chiều mở.
Của ngon vật lạ, quan bà gửi đến xiết bao;
áo vóc giầy da, quan ông ban ra vô số.
No lòng, ấm cật, nghĩ thân thực đã vẻ vang,
Nay đến, mai đi, cám cảnh lại càng tủi hổ.

Chỉ bởi vì:

Dâu ngả bóng, cảm tình phụ mẫu, tuyết một vừng xót kẻ bơ vơ; mai chia cành, chạnh nghĩa phu thê, nguyệt ngàn dặm thương ai vò võ;
Láng giềng ít kẻ tới nhà; thân thích chẳng ai nhìn họ.
Vừa nhận được lá thơ tiện nội, báo rằng nhà đương gặp buổi nguy nan; nên kíp đi chẳng biệt quan huynh, sợ nỗi trẻ khó qua cơn khốn khó.
Khi đến dù che võng đỡ, ơn quan khắc tận thâm tâm;
Lúc đi áo xách giầy ôm, tội đệ đáng nên chém cổ.
Hỡi ôi! Giã trò, giã bạn, từ đây buồng văn gió lạnh, cỏ cây sùi sụt sương tuôn;
Thương thay! Cám cảnh cám tình, rồi nữa dặm liễu trăng mờ, thân thế ngậm ngùi lệ rỏ!
Buổi trò chuyện ngàn năm vẫn nhớ, cung cầm tiếng trống, buồn nghĩ càng buồn; tiệc vui vầy bao thuở cho quên, chén rượu câu thơ, nhớ thôi lại nhớ!..
Li đệ chất bằng sông núi, biết đến khi nào gột rửa, xin hiếu sinh mở rộng lượng thứ tha; lượng quan ví tựa bể trời, rồi đây có buổi trùng phùng, thề chí tử cũng cam lòng báo bổ.
Chúc quan lớn quan bà trăm năm giai ngẫu, đệ trước sau chẳng đổi lòng khuyển mã, khấn thầm Thần thánh chở che; mong em Cả em Hai mau chóng thành tài, thầy xa xôi không đến nỗi thẹn thùng, cầu nguyện Phật Trời phù hộ.
Mảy chút chưa đền đức cả, thân mà tàn nát, bên mình quan hồn sẽ khấu đầu; muôn vàn vẫn đội ơn sâu, tình khó phôi pha, trước quy án đệ xin đốn thủ.

Lão đệ: Nguyễn Văn Sinh bái

Ngày mười chín tháng tám năm Kỷ Dậu".

          Quan lớn huyện xem xong, cau mày chép miệng thở dài, không hiểu tại sao thầy đồ có cử chỉ lạ lùng đến thế! Thực là người chẳng biết điều hay dở, để cho quan nghĩ những giận mà buồn! Bỏ huyện nha, bỏ thư viện, bỏ hai đứa trẻ còn thơ, thầy đồ gàn rồi xoay trở nghề gì, cho gia quyến được no thân lành áo? Có phải chăng đó chỉ là hành tung vô nghĩa lý của một anh đồ nho cuồng chữ muốn ngông nghênh? Sao không thân lên bẩm rõ việc quan nghe, rồi vay ít chục quan tiền gửi bà vợ mang về quê cho ổn thỏa? Lạ, lạ thực!

          Thầy đồ là người bội bạc, phản trắc; đến thì võng điều đem đón, đi lại không chính đính giã từ! Mà đi, thì biết đi đâu, những lẽ viện trong thơ này xem chẳng phải những lời thành thực! à mà quên! Lão ta còn đâu có mẹ, vợ cũng không có nữa mà, cớ sao lại nói về quê vì thương xót mẹ già, vợ dại? Lão đồ này có lẽ hóa điên rồi!

          Thầy Cử ngày nay đi mất, một đi, đi chẳng trở về! Bèo nổi mây trôi, rồi thầy sẽ phiêu bạt tấm thân yếu ớt, điêu linh mảnh hồn trụy lạc, biết ngày nào mới tìm được chỗ ấm no? Quan huyện chợt nghĩ tới đây, bất giác ngậm ngùi thương hại kẻ cùng nho, bỏ mục kỉnh xuống lau hai khóe mắt...

          Cho hay cái nghiệp văn chương! Nó thường bắt kẻ yêu văn phải hoàn toàn vong kỷ, giữ tiết giá chẳng làm điều nhục nhã, vì tha nhân mà âm thầm chịu khổ, để bẽ bàng trông bóng suốt năm canh...


Tchya

(Phổ Thông bán nguyệt san - số 39 - 16.7.1939)

No comments: