Saturday, August 25, 2012

BĂNG TÂM * PHẢN KHÁNG

Thơ Văn Phản Kháng Việt Nam Sau Năm 1975
Băng Tâm
Dưới chế độ cộng sản có hạng thi công, văn công làm công tác văn nghệ theo chỉ thị của Đảng Cộng Sản. Danh từ nhà thơ, nhà văn chỉ xứng đáng để gọi những người viết văn, làm thơ diễn đạt tư tưởng riêng của mình một cách tự do, phóng khoáng mà không bị ràng buộc vào đường lối, chủ trương của Đảng Cộng Sản, dù họ sống dưới chế độ cộng sản.
Vào năm 1956, sau thời gian Đảng Cộng Sản thực hiện chính sách Cải Cách Ruộng Đất, một số nhà văn, nhà thơ đã dấy lên phong trào chống Đảng bằng văn nghệ. Đó là hoạt động của các nhóm Nhân Văn, Giai Phẩm, khá sôi nổi trong một thời gian rồi bị Đảng Cộng Sản trấn áp bằng cách bắt bớ, tù đày các văn nghệ sĩ, hoặc tước bỏ chức vụ, hay truất quyền sáng tác, khai trừ khỏi Hội Nhà Văn ... Chúng ta còn nhớ đó là trường hợp các nhà văn, nhà báo Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An Hoàng Dân, các nhà thơ Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy ... luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhà xuất bản Trần Thiếu Bảo ...
Tuy vậy, dòng máu quật khởi vẫn luôn luôn chảy mạnh trong những con người có lương tri và cảm giác nhạy bén nhất là những người làm văn nghệ. Họ vẫn tiếp tục chống Đảng bằng ngòi bút, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Từ năm 1960 về sau, đã có những người muốn vượt khỏi sự kềm kẹp tư tưởng của Đảng Cộng Sản. Nhưng thực sự đến năm 1986, họ mới trở thành những kẻ phản kháng chế độ cộng sản.
Với các tác phẩm "thời xa vắng" (1986), "bên kia bờ ảo vọng" (1987), hai tác giả Lê Lựu và Dương Thu Hương được xem như là đã có những sáng tác đầu tiên đánh dấu cho quá trình đổi mới trong nền văn học xã hội chủ nghĩa. Rồi tiếp theo đó, có những suy tư bất mãn trong giới cầm bút, thể hiện bằng những bài báo, văn phẩm đã làm cho Đảng Cộng Sản thay đổi thái độ, rồi công bố Nghị Quyết số 05 (tháng 12 - 1987), với đề tài "Đổi Mới Và Nâng Cao Trình Độ Lãnh Đạo, Quản Lý Văn Học, Nghệ Thuật Và Văn Hóa, Phát Huy Khả Năng Sáng Tạo, Đưa Văn Học, Nghệ Thuật Và Văn Hóa Phát Triển Lên Một Bước Mới".
Tuy có chủ trương như vậy, nhưng Đảng Cộng Sản không thực tâm thực hiện, nên chỉ vài năm sau (1989) đã lại đàn áp những nhà thơ, nhà văn có tư tưởng đổi mới, hay nói cách khác, có tư tưởng phản kháng chế độ. Những người này gồm có, các nhà văn: Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Lê Lựu, Xuân Cang, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Phùng Gia Lộc. Các nhà thơ: Nguyễn Duy, Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Trần Vàng Sao, Trần Mạnh Hảo. Và nhiều văn nghệ sĩ khác.
Tác phẩm của họ có tính chất phản kháng như thế nào ? Ở tác phẩm "mảnh đất tình yêu" của Nguyễn Minh Châu (1987) có đoạn mô tả tư cách của cán bộ cách mạng (CS) đối với người dân: "cái bọn vừa dốt nát, tham lam, vừa lắm quỷ kế, lắm thủ đoạn, có quyền nhân danh cách mạng", "vu khống, dọa dẫm khiến người ta phải són đái ra, từ đó mà khuất phục, mua chuộc ..." Còn người dân thì " lúc nào cũng mắt trước mắt sau, nhớn nhác, hốt hoảng, chực chạy ..." như loài dã tràng.
Trong tác phẩm "ngày thứ bảy u ám" tác giả Trần văn Tuấn đã viết về những người cách mạng làm đến chức thứ trưởng mà bản chất rất hung bạo, xấu xa. Cũng như những văn nhân, tài tử chỉ là những "kẻ dối trá, ti tiện" trong truyện "Bên kia bờ ảo vọng " của Dương Thu Hương.
Một tác giả khác, Nguyễn Huy Thiệp, với tác phẩm gồm 3 truyện ngắn, đã mô tả những nhân vật lịch sử và văn học danh tiếng là Quang Trung, Gia Long và Nguyển Du. Người cộng sản thường vẫn đề cao Quang Trung, Nguyễn Du và miệt thị Gia Long. Nguyễn Huy Thiệp không làm như vậy. Với truyện "phẩm tiết", ông viết về Quang Trung như sau: "nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quí cầm tay ..."
- "Thằng Khải kia ... Tao cho mày ăn cứt, xem mày có chê lợm không".
Nói rồi nhà vua cầm phất trần quất ngang miệng Khải, quát tả hữu nọc ra đánh, nhét cứt vào mồm, lột truồng đuổi Khải về nhà ".
Quang Trung trong đoạn văn này là một kẻ hiếu sắc, tàn bạo.
Truyện " vàng lửa " , viết về Nguyễn Du: " mặt nhàu nát vì đau khổ ... Ông hơn người khác ở nhân cách, nhưng nhân cách ấy có giá trị gì khi cuộc đời thực ông xúi xó, túng kiết ", " lòng tốt của ông là thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai ".
Nguyễn Du theo truyện này, không có khả năng cứu nhân độ thế.
Cũng trong truyện " Vàng Lửa ", viết về Gia Long là: " khối nguyên liệu vô giá ", " ông làm cho lịch sử sinh động hẳn lên. Đấy là lòng tốt lớn của nhà chính trị. Lòng tốt lớn của nhà chính trị không chỉ là làm việc thiện với một bộ phận đơn lẻ mà còn là sức đẩy của ông ta đối với cộng đồng ... Không có một sức đẩy mạnh, cả cộng đồng sẽ mọc rêu, mủn nát ".
Gia long ở đây là một nhân vật lịch sử, một nhà chính trị tốt chứ không xấu như người cộng sản đã nghĩ và phê phán.
Khi viết về ba danh nhân trên, Nguyễn Huy Thiệp đã có chủ ý gì ? Hẳn nhiên là ông muốn mô tả thần tượng này để lật đổ thần tượng khác. Mà thần tượng đó là ai, ta dễ hiểu ra, không người nào khác Hồ Chí Minh. Mặt khác, trong khi cộng sản đề cao nhân vật này, mạt sát nhân vật kia thì Nguyễn Huy Thiệp đã làm ngược lại.
Từ năm 1987, các văn nghệ sĩ đã thật sự ào ạt xông vào trận tuyến phản kháng. Các nhân vật trong văn thơ họ là những người nghèo đói. Ông thầy giáo ngồi bán thuốc lá trên đường (của Đỗ Trung Quân), người ăn xin (của Lê Đình Cảnh), đứa bé đói ăn trộm cơm cúng trong nghĩa trang (của Trần Vàng Sao). Với những bài phóng sự, họ mô tả cuộc sống của người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa như ở địa ngục, bị đói khổ, hành hạ, vùi dập. Đó là các bài phóng sự của Trần Huy Quang (lời khai của bị can), Phùng Gia Lộc (cái đêm hôm ấy đêm gì), Hoành Hữu Các (tiếng đất), Hà Văn Thùy (sự nghiệt ngã của nghề nghiệp), Mai Ngữ (chuyện như đùa).
Một vài tác giả khác viết lại phong trào cải cách ruộng đất ở miền Bắc, với những cuộc đấu tố giết người tàn bạo, vào thập niên 50, trong tác phẩm " những thiên đường mù " (Dương Thu Hương - 1989), " ác mộng " (Ngô Ngọc Bội - 1990), " ôi cam sao mà đắng " (Ninh Đức Nịnh - 1989).
Tinh thần phản kháng của các người làm văn nghệ còn biểu hiện ở tính cách "nói thẳng nói thật". Họ bảo nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa từ sau năm 1975 là rất nghèo nàn.
Năm 1988, nhà văn Lê Ngọc Trà viết trên báo Văn Nghệ: " Thế là rốt cuộc sau nhiều do dự, thì thầm, lần đầu tiên chúng ta đã có can đảm nói to lên, nói công khai một sự thật: Văn học cách mạng của chúng ta còn nghèo nàn". Nghèo nàn vì nền văn học đó đã lệ thuộc vào sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản, ở tất cả mọi lãnh vực. Lưu Quang Vũ đã viết về sự độc tài của Đảng: " Chỉ cần một người suy nghĩ cho mọi người, một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu ", tình trạng độc đoán như vậy tất bóp chết mọi sáng tạo, làm khô kiệt văn học nghệ thuật ".
Văn học đã như vậy, còn văn nghệ sĩ thì sao ?
Nhà phê bình Nguyễn Văn Mạnh đã bộc lộ: " Lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ (Tạp chí Văn Nghệ - 1987). Nhà văn Mai Văn Tạo cũng có ý kiến như vậy: " Chưa bao giờ văn nghệ sĩ bị rẻ rúng như bây giờ" (Văn Nghệ - 1988).
Bị lãnh đạo Đảng trói buộc, người làm văn nghệ có lúc tự so sánh họ sáng tác còn thua các nhà văn thời Pháp thuộc. Nguyễn Minh Châu viết: " ... Nam Cao chẳng hạn, có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ vít hết lối của ngòi bút ông ấy, viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có kẻ đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy, tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng, số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết, vừa được nói ". (Văn Nghệ - 1987).
Về văn nghệ sĩ thì bạc đãi, nhưng dưới chế độ cộng sản, những anh hùng, lãnh tụ được thần tượng hóa, mà nhà thơ Nguyễn Duy gọi là những thần tượng giả:
Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
lên thum thủm cả tim gan
Thần tượng thì là thần tượng giả, xứ sở thì nghèo nàn mà khoe là xứ sở phì nhiêu:
Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc
Xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ( Nguyễn Duy )
Dù không đến nỗi làm kẻ ăn mày, người dân cũng không khỏi lâm cảnh túng quẫn:
đứa không có được một cái áo lành
đứa đi kinh tế mới ba bảy tám năm trở về xách một
cái bị lát mặt cắt không có một hột máu
đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn chờ khách
ở bến xe
đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
Có đứa râu tóc dài che kín mặt
Có đứa tàng không nhớ mình tên chi
Có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
ăn đường ngủ chợ
mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười
hút một điếu thuốc lá lắc đầu
hết chuyện nói ...
( Trần Vàng Sao )
Không phải là hết chuyện nói, mà là chuyện nói không hết, và cái gì cũng là không thật trong xã hội cộng sản:
Đổi mới thật chăng hay giả vờ đổi mới
Máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng ?
( Nguyễn Duy )
Không thật đến cả cái " hiện thực xã hội chủ nghĩa ", nền tảng của văn học nghệ thuật cộng sản.
Bài " Hiện thực xã hội chủ nghĩa có phải là của giả không ", đăng trên báo nhân dân ( tháng 5/1989), tác giả Đỗ Văn Khang đã viết: "Khái niệm hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là sự bày đặt của một số nghệ sĩ, một số nhà lý luận ". Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến có cùng nhận định: " Hiện thực xã hội chủ nghĩa là một khái niệm giả đã gây đau khổ kéo dài cho cả nghệ sĩ, cả nhà nghiên cứu, lãnh đạo ...".
Một vấn đề mà các văn nghệ sĩ phản kháng đòi hỏi cấp thiết nhất là văn nghệ phải độc lập, tự do đối với chính trị và văn nghệ sĩ không thể là cán bộ, viên chức nhà nước ăn lương để làm văn nghệ. Họ quan niệm văn nghệ không thể là dụng cụ để tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Dảng và Nhà Nước.
Vào năm 1994, ở Việt Nam, Bộ Văn Hóa Thông Tin đã có quyết định số 2681/QĐ - VHTT ra ngày 4-10-1994, ngưng phát hành cuốn " 40 truyện rất ngắn " của Trương Quốc Dũng. Cũng thời gian đó, Ban Trị Sự Thành Hội Phật Giáo Việt Nam Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra văn thư số 480 VT/THPG ngày 6-10-1994 đề nghị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thu hồi tập " 40 truyện rất ngắn " của Trương Quốc Dũng.
Sở dĩ có sự kiện trên là tập " 40 truyện rất ngắn " có truyện " Đường Tăng " mà bộ Văn Hóa Thông Tin cho là có nội dungvi phạm chính sách tôn giáo và đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà Nước. Thành Hội Phật Giáo cũng yêu cầu loại bỏ vĩnh viễn truyện " Đường Tăng " và cấm phổ biến dưới bất cứ hình thức nào.
Nội dung truyện " Đường Tăng " có thể thuật lại như sau: " Đường Tăng cùng với 3 đồ đệ Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng sau bao nhiêu ngày gian khổ trên đường thỉnh kinh đã đến đất Phật. Đêm cuối cuộc trường chinh, trước ngày mai vào yết kiến Như Lai Phật Tổ để lên kiếp Phật, Đường Tăng trằn trọc không ngủ được. Ông băn khoăn về hậu kiếp không biết sẽ như thế nào, không còn là người, ông sẽ thành Phật hay thành Ma ? Bởi vì trên chặng đường dài qua Tây Phương, chỉ với mục đích muốn mau thành chánh quả, ông đã quên tình cha mẹ, đã nhiều lần lạy lục cầu khẩn thần thánh cứu nạn, giẫm đạp lên xác máu yêu ma. Trái tim ông trở nên chai sạn, lòng thương người của ông chỉ là sự tính toán để xây thêm bậc thang tới Phật đài. Trong đêm cuối cùng này, ông nhận biết ra, trên đường thỉnh kinh về cứu rỗi người đời ông đã xa lạ với con người. Ông thấy nhói trong tim và khẽ rên lên. Các đồ đệ đến bên giường thăm hỏi. Ông đáp: "Ta đau đớn cho mười mấy năm viễn du. Ngộ Không ơi! Một đời con mong được thành người thì bị bắt ép theo ta để thành Phật! Bát Giới tự dối mình giác ngộ thật ra chỉ là đi tìm một chốn hoan lạc mới. Sa Tăng rời cõi u mê này sang cõi hoang tưởng khác mà lại hy vọng khai sáng. Còn ta ? không còn là người thì làm sao đồng cảm mà đòi khai sáng, cứu vớt con người?"
Tìm hiểu ý nghĩa truyện " Đường Tăng ", ta có thể biết vì sao Bộ Văn Hóa Thông Tin Cộng Sản đã cấm phát hành tập truyện của Trương Tiến Dũng và Thành Hội Phật Giáo yêu cầu loại bỏ thiên truyện này.
Thực ra, nội dung truyện " Đường Tăng " không có gì là vi phạm chính sách tôn giáo và đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà Nước. Đây chỉ là cái cớ để chính quyền cộng sản dễ bề ngăn cấm phổ biến tác phẩm của Trương Tiến Dũng. Hiển nhiên, dụng ý của nhà văn viết về Đường Tăng là muốn ám chỉ về lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí đàn em của ông ta. Giác ngộ cách mạng để thành loại người không còn nhân tính (quên tình cha mẹ, tàn hại đồng bào) thì làm cách mạng chẳng mang lại hạnh phúc cho con người.
Tất cả các tác phẩm của các văn nghệ sĩ phản kháng ở Việt Nam, từ sau năm 1975, đều có tính chất sâu sắc ở nhiều mặt, vì họ đã sống và rút kinh nghiệm ở nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng với cộng sản, khởi từ phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm. Và cũng do tình hình chính trị thế giới, sự sụp đổ của Liên Xô, người ta đều thấy rõ, như lời nhà văn Nguyên Ngọc đã phát biểu trong buổi nói chuyện tại Huế vào tháng 4-1989: "Cái chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như ở Liên Xô, đã không chứng minh được tính ưu việt đối với chế độ nó đã thay thế ". o
Băng Tâm



No comments: