Monday, August 27, 2012

HỒ HỮU TƯỜNG * VỀ QUẶP RÂU

Những chuyện tiếu lâm về “quặp râu”



CHUYỆN ANH NHÀ QUÊ QUẶP RÂU

Ngày xưa, có hai anh nọ, Giáp và Ất, là bạn chỉ thân. Hôm nọ, Giáp đến nhà Ất chơi, thấy Ất mặt mày sưng vù, dấu cào xé còn rõ trên má. Thấy bạn như vầy, Giáp động lòng, hỏi:

“Tại sao anh ra như thế?”

“Tại trời…”

“Làm gì mà tại trời? Trời đánh thì chết ngay, trúng xém, thì anh cũng nám da nám mặt, đâu có những dấu cào xé như thế này?”

“… Tại trời mưa.”

“Trời mưa, thì ướt mình, có mưa đá đi nữa, thì một hai dấu ném trên đầu, chớ làm sao có những dấu nọ?”

“Anh nóng quá, để tôi kể đầu đuôi cho mà nghe. Số là, sớm mai nầy, khi đi chợ, mẹ nó có phơi cái váy nơi sào. Tôi ở nhà mê đọc tiểu thuyết, nên trời mưa mà tôi quên lấy vào. Khi mẹ nó về, thấy váy của nó ướt, nên đánh tôi ra thân thể như vầy.”

“Hứ! Anh là thứ đàn ông hư phải gặp tôi, mà xem…”

Vừa nói đến đây, thì Giáp nghe sau lưng mình, có tiếng thứ ba chen vào:

“… Phỏng gặp tôi, thì đã xem cái gì?”

Giáp lật đật quay lại nhìn, thì là bà Giáp đứng ngay sau lưng, và vừa hỏi câu nọ. Lanh trí, Giáp quặp râu lại và trả lời:

“Phải gặp tôi, thì trời vừa kéo mây, tôi đã cẩn thận lấy vô rồi.”


CHUYỆN NHÀ TRÍ THỨC QUẶP RÂU

Ngày xưa, có một vị vua nọ đến đỗi là anh hùng, đánh đâu thắng đó, oai danh đồn khắp các nước ngoài, trẻ con nghe nói đến tên chẳng dám khóc, quân vừa kéo đến biên giới một nước nào, thì nước ấy đầu hàng ngay. Thấy ai nấy cũng sợ mình thì nhà vua càng khổ tâm hơn nữa.

Một hôm, người cho vời tất cả bá quan văn võ, các bực hiền đức, các nhà trí thức đến đủ mặt tại sân chầu, rồi trang nghiêm, người đứng phán rằng:

“Ta được tiếng là anh hùng nhưng không ai biết mình cho rõ hơn chính mình, ta xét ta không đủ tư cách mà lãnh cái danh lớn ấy. Bởi ta cảm thấy ta còn biết sợ. Vì vậy, mà ta xét thấy mình không xứng đáng mà ngồi nơi ngai nầy. Nay ta muốn noi gương các vua hiền đời xưa, nhường ngôi cho ai nhiều đức hạnh hơn. Nên ta cho gọi tất cả bậc hiền lương trong xứ, và hôm nay, ta mở một cuộc thi chung để tìm ra người nào là xứng đáng thay ta mà lên ngôi báu. Vậy ta ra lệnh cho tất cả tham gia vào cuộc thi nầy. Và đây là bài thi thứ nhất. Nơi sân, ta đã vạch trước một đường thẳng. Vậy cả thảy đều bước sang tay tả đi.”

Lịnh vừa truyền tất cả đều sang bên tả, Vua nói tiếp:

“Những ai sợ vợ, thì bước sang hữu, ai không sợ thì đứng lại!”

Cả thảy ríu ríu bước sang qua bên hữu, chỉ chừa một lão già quặp râu lại mà đứng nguyên chỗ cũ. Vua mừng quá, bước xuống ngai, vịn vai lão già mà nói rằng:

“Thật là hồng phúc của nước ta, mới được có người xứng đáng như thế này. Ta vốn có tiếng là anh hùng, nhưng trong cung, hãy còn sợ hoàng hậu. Nay có người, ngoài không sợ ai, trong không sợ vợ thì xứng làm vua nước nầy biết chừng nào!”

Lão già run bẩy bẩy tâu rằng:

“Tâu bệ hạ, thần không dám nhận.”

“Cớ sao khi nãy, ta truyền lịnh xong người chẳng bước sang bên hữu?”

“Bởi vì thần sợ vợ quá. Vừa nghe nói đến, thì là hồn phi phách tán, chết đứng rồi, còn đi đâu nổi mà bước sang bên kia? Bệ hạ cứ xem lại râu của thần, nó quặp sát vào cổ thì biết.”


CHUYỆN DIÊM VƯƠNG QUẶP RÂU

Ngày xưa, có một chàng thi sĩ nọ dùng thơ ca mình mà rung động không biết bao nhiêu trái tim non, mà chẳng để cho cô nào được diễm phúc yêu chàng. Rồi thất vọng, các cô ấy thảy liều mình tự tử. Trên trần tục, chẳng có luật pháp nào trị tội giết người bằng lối đó. Nên bè bạn của chàng thi sĩ khuyên dứt chàng:

“Anh làm vừa vừa chớ! Đã đành luật đời chưa có khoản nào buộc tội anh được. Nhưng luật trời khó thoát. Khi chết rồi, anh không sợ bị luật của Diêm đình sao?”

“Diêm đình ấy à? Tôi nào có sợ thứ toà án vô hiệu lực ấy?”

Không dè lời thống mạ toà án nọ đã có kẻ ghi chép, tâu ngay với Diêm Vương. Sổ biên đã quá dài rồi, nên khi tới số, hồn chàng bị bắt xuống Diêm đình. Thì hôm ấy chín cung kia đều nghỉ việc và tất cả mười vua ở Diêm thế, tất cả quỷ dạ xoa đều hội lại thành hội đồng đề hình đặc biệt. Mục đích của hội đồng đề hình là: 1) xét coi cái tội giết người bằng tình yêu của chàng thi sĩ, trên trần chẳng có luật nào buộc tội, dưới âm phủ, cũng chưa lập thành điều rõ ràng, nay phải phạt bằng cách nào; 2) xử tội chàng thi sĩ nầy dám buông lời mắng toà án là vô hiệu.

Hôm ấy, Diêm chúa làm chủ toạ, các vua khác, ngồi ghế hội đồng. Bao nhiêu quỷ dạ xoa hầm hầm, chờ hô một tiếng là xốc vào, mần…

Phán quan đọc án vừa xong, thì Diêm chúa hỏi chàng có lời gì để bào chữa lấy. Chàng bước tới, bộ nghinh ngang, dáng khinh khỉnh, ai thấy cũng no giận cành hông, nhưng chờ chàng nói gì. Chàng mở miệng:

“Thưa dượng…”

Nghe gọi mình bằng dượng, Diêm chúa sợ hãi, liền quặp râu, té xỉu. Các vua xốc lại đỡ vào hậu đường, và tạm bế mạc phiên toà. Vào trong, quạt hồi lâu, Diêm chúa mới tỉnh, thì thấy bóng bà đi ngang qua. Vội vã, người gọi lại hỏi nhỏ nhỏ:

“Bà có nhớ, hồi trên trần, bà có con cháu gì gọi bà bằng cô hay bằng dì chăng?”

“Ông khéo hỏi mà thôi? Bộ ông bà tôi làm ác, làm tội đến thế nào, mà tuyệt tự, cho đến đỗi tôi không còn con, còn cháu?”

Nói rồi, bà nguýt ông một cái, mà bước vào sau. Diêm chúa mừng không xiết. Cũng may mà người chết xỉu kịp, bằng không, rủi kết án nhằm con cháu của bà, (mà đích thị là con cháu của bà rồi, lại là gọi bà bằng cô hay bằng dì, nên mới kêu mình bằng dượng), nếu rủi kết án con cháu bà, thì chỉ có đường bỏ quách chức Diêm Vương nầy cho rồi mà trốn đi, chớ ở nán lại đây, thì làm sao mà chịu bà cho nổi?

Có phải là sợ vợ, sợ tên tiếng vợ chưa phải là quá. Diêm chúa sợ lấy đến cả cháu vợ nữa chăng?

(Truyền Tin, Xuân Ất Mùi)

No comments: