Tuesday, August 28, 2012

ĐẶNG TRẦN HUÂN * DANH TỪ VN

Câu Chuyện Từ Ðiển Việt Nam

Ðặng Trần Huân

Bất cứ nước nào đã tự hào là có một nền văn hóa là phải có một cuốn tự điển để chuẩn xác cho ngôn ngữ của quốc gia mình hầu tránh sự dùng chữ bừa bãi, lố lăng hay lai căng, vay mượn. Chữ quốc ngữ sau khi thành hình không lâu đã có ngay một cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên của Paulus Huỳnh Tịnh Của, cuốn Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản cuối thế kỷ 19.

Dựa theo cuốn tự điển đầu tiên này nhiều tự điển và từ điển Việt Nam khác được các tác giả sau này biên soạn. Trước 1975, hai cuốn thông dụng trong Nam là Việt Nam Từ Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức và Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức. Phía nhà cầm quyền cộng sản sau 1946 không biên soạn tự điển tiếng Việt nào. Cho tới khi cộng sản chiếm hoàn toàn miền Nam Việt Nam năm 1975 cuốn từ điển thông dụng của họ chỉ có Từ Ðiển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên. Bộ Bách Khoa Tự Ðiển Việt Nam mà Hà Nội quảng cáo từ lâu cho tới nay hình như vẫn còn trong dạng dự thảo mấy vần đầu A, B, C mà thôi.

Có nhiều tác giả thường khen Hà Nội có những công trình khảo cứu văn học công phu hơn Việt Nam Cộng Hòa vì nhà cầm quyền cộng sản chịu bỏ ra những ngân quỹ lớn cho việc biên khảo và huy động nhiều nhân lực. Ðiều này có thể đúng với một số tác phẩm nhưng không đúng với tất cả vì các nhà biên khảo Hà Nội vô tình hay cố ý còn nặng về tuyên truyền, và phải hướng mọi nghiên cứu của họ theo đường lối chỉ thị của đảng cộng sản nên trở thành thiếu vô tư.

Ví dụ đơn giản là cuốn biên khảo Người Anh Hùng Làng Dóng của Cao Huy Ðỉnh nói về huyền thoại thánh Gióng (Phù Ðổng Thiên Vương) cả hàng nghìn năm trước mà cũng xen kẽ vào những đoạn tuyên truyền chống Mỹ cứu nước khiến ta có cảm tưởng như ăn cà rem mà lại thêm gia vị... mắm tôm.

*

Trong cuốn Từ Và Vốn Từ Tiếng Việt do nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội phát hành năm 1986, tác giả Nguyễn Văn Tu viết rằng từ trước tới nay Việt Nam chỉ mới có sáu cuốn từ điển tiếng Việt mà ông gọi là từ điển một ngôn ngữ. Tác giả liệt kê những từ điển có trước 1945 như cuốn từ điển của Huỳnh Tịnh Của, Việt Nam Tự Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức tới Từ Ðiển Học Sinh của nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội và kể thêm một cuốn thời Việt Nam Cộng Hòa của Ðào Văn Tập xuất bản tại Sài Gòn.

Sau đó, cũng tác giả Nguyễn Văn Tu cho nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghịệp, Hà Nội in cuốn Các Nhóm Từ Ðồng Nghĩa Trong Tiếng Việt, khi liệt kê các từ điển Việt Nam có ghi thêm Từ Ðiển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học nhưng cả hai cuốn sách của ông Tu đã dẫn đều không hề nói tới cuốn từ điển của Lê Văn Ðức.

Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức được biên soạn trong mười năm với sự hiệu đính của nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ, in trong ba năm và tới năm 1970, nhà xuất bản Khai Trí mới cho ra mắt tại Sài Gòn. Bộ từ điển gồm hai cuốn khổ lớn, chữ nhỏ dày tổng cộng 2515 trang có đầy đủ phần định nghĩa thông thường và các phần nhân danh, địa danh, tục ngữ, thành ngữ, điển tích...

Chẳng lẽ Nguyễn Văn Tu là một giáo sư nhiều năm, đã từng viết sách về ngôn ngữ mà không biết tới bộ từ điển đồ sộ Lê Văn Ðức. Thực ra thì ông Tu biết nhưng hoặc là theo chỉ thị hoặc là tự ý ông muốn dìm những tác phẩm của miền Nam chăng vì cho rằng cái gì xuất hiện ở miền Nam đều vô giá trị.

Ðiều nhận xét này không võ đoán mà chỉ là nhận xét về đường lối của Việt cộng xưa nay vẫn cố tình lờ đi những công trình của miền Nam.

Ví dụ về truyền hình, Việt cộng phổ biến và giảng dạy rằng truyền hình Việt Nam chỉ có từ năm 1970 là năm Hà Nội bắt đầu có đài, một tuần phát hình hai ba lần, mỗi lần vài chục phút. Trong khi tại Việt Nam Cộng Hòa đã có truyền hình từ năm 1966 khi đài phát đặt trên một phi cơ lượn trên không phận Sài Gòn trong thời gian chờ đài dưới đất đang xây cất dở đang.

Nói tới lịch sử điện ảnh thì cộng sản chỉ kể từ những phim đèn chiếu (phim tranh vẽ chỉ có hình, không cử động) sau 1946 khi họ chạy vào rừng, rồi tới phim phóng sự vài chục phút Nước Về Bắc Hưng Hải mà không nói gì tới những phim Việt Nam vùng quốc gia như Cánh Ðồng Ma, Trận Phong Ba hay Kiếp Hoa.

Sách viết về lịch sử mỹ thuật hay âm nhạc chẳng hạn, họ sẵn sàng bôi tên những họa sĩ, những nhạc sĩ có tên tuổi từ trước 1945 nếu những nghệ sĩ tài danh đó đã ở lại hoặc trở về vùng quốc gia không theo họ, cùng ở với họ trên rừng già Việt Bắc.

*

Trở lại chuyện tự điển, sau hiệp định Geneva 1954, cộng sản chính thức trở về tiếp thu Hà Nội cũng chưa có thì giờ lo chuyện này. Tới sau ngày 30.4.75 chiếm được Sài Gòn cán bộ văn hóa Hà Nội vào Sài Gòn còn ào ào vơ vét các loại từ điển song ngữ Anh - Việt, Pháp - Việt, Hán - Việt mà Hà Nội không có.

Về tiếng Việt mãi tới năm 1963, Hà Nội mới soạn xong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên, rồi tới năm 1967 mới phát hành. Cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt này do Văn Tân chủ biên với thành phần biên soạn gồm 13 người trong đó có những nhà trí thức, học giả quen tên từ lâu như Nguyễn Tấn Gi Trọng, Ngụy Như Kontum, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng...

Dưới chế độ Cộng sản, ngôn ngữ Việt tại miền Bắc đã có nhiều tiếng mới rất xa lạ với tiếng Việt bình thường. Lấy ví dụ ngay trong cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt của Văn Tân ta đã bắt gập những chữ lạ tai có nghĩa khác hẳn nghĩa thông thường mà người Việt đã dùng trước khi cộng sản Việt ra công khai năm 1945.

Xin đan cử vài ví dụ :

- lô gích: hợp với luận lý.
- quá độ: thời gian chuyển tiếp giữa hai thời kỳ.
- hồ hởi: cởi mở, vui vẻ, phấn khởi.
- đường kính: thứ đường ăn đã tinh chế thành tinh thể màu trắng.
- lái xe: người điều khiển tay lái cho xe ô tô chạy (dùng động từ làm danh từ).
- sự cố :nguyên nhân sinh ra việc biến.
- công nghiệp: phương thức dùng máy móc biến hóa nguyên liệu thành vật dụng hoặc thành công cụ.
Trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) nhiều tiếng Việt gốc Hán đã Việt hóa cho ngôn ngữ thêm phong phú thì các tác giả tự điển lại cho là lộn xộn và chủ trương loại bỏ nhiều từ thông dụng. Về điểm này các tác giả viết trong Lời Nói Ðầu: "Cái hiện tượng thiếu ngăn nắp trong tiếng Việt kể ra thì còn nhiều." Cũng trong bài này, khi giải thích cách xếp đặt từ theo thứ tự nào, họ viết: "Về trật tự ABC chúng tôi theo đúng trật tự của vần chữ quốc ngữ Việt."

Ngôn ngữ của một dân tộc có phải là một cái tủ áo đâu mà gọi là một ngôn ngữ thiếu ngăn nắp. Và khi sắp xếp chữ theo vần A, B, C sao không gọi là theo thứ tự mà lại dùng hai chữ trật tự như khi xếp ngôi vị các đảng viên trong Bộ Chính trị, hay hô hào trật tự trong một đám biểu tình tiền chế để hoan hô lãnh tụ. Họ hô hào làm cho tiếng Việt trong sáng nhưng chính những người làm tự điển lại làm mù mờ và nghèo nàn thêm tiếng Việt.

*

Cho tới trước năm 1967, ở trong Nam và có thể cả ngoài Bắc khi cần kê cứu tiếng Việt vẫn phải dùng tạm cuốn Việt Nam Tự Ðiển do Hội Khai Trí Tiến Ðức (Ban Văn Học) Hà Nội biên soạn và nhà in Trung Bắc Tân Văn in năm 1931. Cuốn này dày khoảng 700 trang, được tái bản nhiều lần và được dùng rộng rãi vì cuốn từ điển Huỳnh Tịnh Của thì quá cổ cả về định nghĩa và cách viết nên chỉ còn dùng để nghiên cứu mà thôi.

Việt Nam Tự Ðiển của Hội Khai Trí Tiến Ðức còn thiếu sót nhiều (Ví dụ chữ sen chỉ có định nghĩa là một loài cây dưới nước mà thiếu định nghĩa thông thường nữa là cô giúp việc trong gia đình) nên miền Bắc năm 1967 có Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) và miền Nam năm 1970 có Việt Nam Từ Ðiển của Lê Văn Ðức thay thế.

Viện Ngôn Ngữ Học của Hà Nội xúc tiến việc soạn thảo một cuốn tự điển Việt Nam mới, và tới năm 1988 nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội in xong tại thành phố Hồ chí Minh với tên là Từ Ðiển Tiếng Việt. Sách dày 1206 trang do Hoàng Phê chủ biên. Theo lời giới thiệu ở đầu sách, Từ Ðiển Tiếng Việt là một cuốn từ điển đầu tiên của Việt Nam do một tập thể cán bộ ngôn ngữ biên soạn. Tập thể này gồm 17 người so với cuốn Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) thì tập thể của Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) đông hơn tới bốn người nhưng không có những học giả quen tên lâu đời như trường hợp từ điển Văn Tân mà toàn là những tên lạ.

Trong lá thư đề ngày 7.3.1987 in trên đầu sách, thủ tướng Phạm Văn Ðồng khen ngợi bộ biên tập, tán dương cuốn sách này là chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt.

Cho tới nay từ điển Hoàng Phê đã được tái bản nhiều lần và cuốn mới nhất chúng tôi được thấy là ấn bản 1996. Khi biên sọan Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê), các tác giả đã tham chiếu các từ điển trong Nam, ngoài Bắc nên có một số ưu điểm và mới mẻ hơn nếu so với Từ Ðiển Tiếng Việt (Văn Tân) hoặc Việt Nam Từ Ðiển (Lê Văn Ðức).

So với cuốn Văn Tân, từ điển Hoàng Phê có nhiều từ hơn. Chẳng hạn hai từ thanh nhạc và lâm sàng là hai từ mà báo chí cộng sản thường dùng, từ điển Hoàng Phê có giải nghĩa nhưng từ điển Văn Tân không có và từ điển Lê Văn Ðức cố nhiên không có vì hình như trong Nam không ai dùng hai từ này. Về thành ngữ có từ đầu" đứng trước Văn Tân có 14 thành ngữ như đầu cua tainhe nheo, đầu trâu mặt ngựa... nhưng thiếu đầu Ngô mình Sở. Hoàng Phê có đầy đủ hơn nhưng nếu so với Lê Văn Ðức thì không thấm vào đâu vì trong Việt Nam Từ Ðiển (lê Văn Ðức) có tới 44 thành ngữ với từ "đầu" đứng trước.

Về cách định nghĩa, tự điển Hoàng Phê biên soạn gọn gàng và chính xác. Tuy nhiên cũng còn nhiều trường hợp cần bàn bạc. Chẳng hạn từ trước tới nay khi định nghĩa chữ "cây" các tác giả thường thường theo cách định nghĩa chữ tree hay arbre trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Và ghi cây là thực vật có lá, thân mộc, thẳng. Ðịnh nghĩa như thế thì hồng, cúc, bầu, bí không được gọi là cây nữa vì chúng làm gì có thân mộc và không thẳng. Trong từ điển Hoàng Phê và Văn Tân cây được định nghĩa là thực vật có thân lá rõ rệt. Vậy nếu tra chữ "tơ hồng" trong từ điển Hoàng Phê thì giống thực vật không có lá rõ rệt này vẫn được gọi là cây. Theo Lê Văn Ðức thì cây là tất cả loài thực vật biết ăn phân, chịu sương nắng, sống, lớn và sinh sản. Ðịnh nghĩa như thế thì lại quá dài dòng.

Từ "ly" trong Nam thay từ "cốc" ngoài Bắc, từ điển Văn Tân định nghĩa ly là cốc pha lê nhỏ. Từ điển Hoàng Phê định nghĩa là cốc nhỏ để uống rượu. Thực ra cốc và ly chỉ là hai tiếng của hai miền Nam và Bắc chỉ chung một đồ dùng, chứ cốc và ly không hề khác nhau như mèo và hổ. Trong trường hợp này ở từ ly có thể ghi "xem từ: cốc" và khi ở từ cốc sẽ mô tả rõ ràng và chính xác hơn, tránh rườm rà làm sai nghĩa.

Văn Tân giảng là cốc pha lê nhỏ, Hoàng Phê thêm cốc dùng để uống rượu. Vậy thì những cái cốc làm bằng nhôm, bằng chất dẻo, bằng thủy tinh và mang ra uống nước cam, nước trà mà không uống rượu thì không được gọi là "ly" hay sao?

Về chính tả, từ điển Hoàng Phê viết li với chữ i ngắn và có giải thích là sở dĩ họ dùng i ngắn là tuân hành quyết định ngày 5.4.1984 của Bộ Giáo Dục. Cái kiểu ra sắc lệnh bắt phải viết thế này thế nọ là một lề thói quen dùng của các chế độ cộng sản. Tuy nhiên có lẽ thấy cách dùng i ngắn nó ngô nghê quá và quyết định của Bộ Giáo Dục cũng phi lý nên nhiều tác giả chẳng nghe theo. Trong cuốn Từ Ðiển Chính Tả Thông Dụng của Nguyễn Kim Thản do nhà xuất bản Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội in năm 1985 (sau quyết định của Bộ Giáo Dục) tác giả vẫn viết và khuyên nên viết ly , cụng ly với chữ y dài như dân ta vẫn dùng từ xưa tới nay, và cũng là mặc nhiên không coi quyết định của Bộ ra sao cả.

Một điểm nữa là từ điển Hoàng Phê còn rất nhiều từ nguyên văn Anh , Pháp. Từ volt trong từ điển Hoàng Phê được giữ nguyên tiếng Anh với định nghĩa đơn vị đo hiệu thế, điện thế. Ta cũng thấy nhan nhản những từ nguyên văn ngoại quốc khác rồi giảng nghĩa bằng tiếng Việt như logarithm, clinker, logic v.v... xếp thẳng hàng với những chữ Việt trong một cuốn từ điển mang danh là Từ Ðiển Tiếng Việt. Chúng tôi nghĩ việc định nghĩa những tiếng Anh, Pháp như trên là công việc của từ điển song ngữ Anh - Việt chứ không phải là công việc của nhóm Hoàng Phê. Trừ những tiếng Anh, Pháp đã Việt hóa và viết theo lối Việt như ô tô, sà bông, xe tăng chẳng hạn, chúng tôi thấy cách làm của từ điển Văn Tân khi ghi theo lối Việt như ga men, lô ga rít, vôn, vôn kế, lô gích, ác mô ni ca... rồi giảng nghĩa những từ này bằng tiếng Việt hợp lý hơn. Còn nếu làm như Hoàng Phê là ghi cả clinker, logic... sao chẳng ghi luôn school, book, maison, amour... cho từ điển Việt Nam phong phú, nhiều từ nhất thế giới.

Một điểm khác cần bàn cãi là địa vị tiếng Việt miền Nam mà Hoàng Phê có ý muốn loại bỏ. Trong Từ Ðiển Tiếng Việt (Hoàng Phê) có rất ít từ miền Nam. Khi giảng giải những từ vô (vào), mền (chăn), mùng (màn)... các nhà soạn từ điển thuộc Viện Ngôn Ngữ Học đã ghi chú là phương ngữ tức là thổ ngữ địa phương. Thiết nghĩ một từ nếu chỉ thông dụng ở một địa bàn thật nhỏ hẹp như cấp tỉnh chẳng hạn thì gọi là thổ ngữ được, nhưng trường hợp những chữ như vô, mùng, mền được đồng bào trên cả một lãnh thổ bát ngát từ Quảng Trị tới Cà Mau đều nói và hiểu mà chỉ coi là thổ ngữ thì người ta có thể ngờ rằng tập thể soạn giả từ điển Hoàng Phê có tinh thần tự tôn, địa phương hay kỳ thị. (Trong từ điển Văn Tân có các từ màn, mùng, mền... mà không hề ghi là phương ngữ.)

Ngoài Bắc ai ai cũng hiểu những từ vừng, lạc, bít tất, hoa đại Xiêm... mà d?ng bào trong Nam ch? hi?u du?c khi g?i là mè, d?u ph?ng, v?, bơng s? Thái Lan. Tuy v?y trong Việt Nam Từ Ðiển của một người, Lê Văn Ðức, vẫn có những chữ vừng, lạc, tất... ghi như là tiếng nói chung của quốc gia. Nếu ông Lê Văn Ðức, người Nam, mà lại ghi vừng, lạc, tất... là thổ ngữ thì độc giả miền Bắc sẽ nghĩ sao?

Có thể vì quan niệm phương ngữ của nhóm Hoàng Phê quá khắt khe nên rất nhiều từ thông dụng trong Nam bị coi như không có trong ngôn ngữ Việt. Có thể dẫn chứng là trong Từ Ðiển Tiếng Việt ấn bản đầu tiên từ la ve mà đồng bào trong Nam thường đọc là la de, dùng thay cho từ bia của miền Bắc đã bị loại bỏ không được nhắc nhở. Sau khi từ điển phát hành, trên báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh số 528 - 15.4.1988 đã có người nêu lên sự bất công này nên ở ấn bản 1994, 1996 của từ điển Hoàng Phê mà chúng tôi được thấy đã bổ túc sự thiếu sót đó. Tuy nhiên từ la ve và tất cả từ miền Nam thông dụng khác nếu có trong các ấn bản mới của từ điển Hoàng Phê vẫn được các soạn giả giữ vững lập trường coi là chúng là những thổ ngữ chẳng đáng lưu tâm.

Vì người ngoài Bắc không lưu tâm tới hai thổ ngữ la ve nên khá nhiều nhà văn có tiếng miền Bắc đã phạm lỗi chính tả sơ đẳng khi viết là la de hai từ quá thông dụng này của miền Nam. Vũ Thị Thường trong Câu Chuyện Bắt Ðầu Từ Những Ðứa Trẻ do nhà xuất bản Tác Phẩm Mới , Hà Nôi in năm 1977 , Dương Thu Hương trong Những Bông Bần Ly cũng do Tác Phẩm Mới xuất bản năm 1981 và bao nhiêu nhà văn miền Bắc khác cho tới bây giờ vẫn viết la de với chữ D như những văn hào lói ngọng.

Nếu từ la ve và những từ miền Nam khác được ghi trong từ điển, trong các sách văn phạm chắc nhiều tác phẩm hay đã tránh được những viên sạn, cắn phải ê răng.

*

Soạn một cuốn từ điển cho có giá trị không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi công sức của nhiều người, thời gian của nhiều năm.

Nhưng vẫn phải làm vì tương lai của một ngôn ngữ luôn luôn phải chuẩn hóa, phải gìn giữ cho trong sáng, chọn lọc thêm từ ngữ cho chính xác và phong phú. Người Pháp, người Mỹ hãnh diện với những Petit Larousse, Petit Littré hay Webster, American Heritage không cồng kềnh như các bộ từ điển bách khoa, chỉ khoảng hai ngàn trang mà đầy đủ và chính xác, lẽ nào Việt Nam không có một cuốn từ điển cho đầy đủ dùng được cho toàn quốc, cả hai miền Nam, Bắc.

Việc đó chúng tôi nghĩ Hà Nội có thể làm được nếu các soạn giả chịu lắng nghe những ý kiến xây dựng và gạt bỏ sự tự tôn, gạt bỏ tư tưởng địa phương hay kỳ thị.
6.1998

No comments: