Tuesday, August 28, 2012

HUỲNH HỮU ỦY * VIÊN LINH

Thơ Viên Linh của thời lưu vong thất tán 




Viên Linh





Trong một bài viết trước, chúng ta đã có dịp đọc lại một số thơ của Viên Linh thời trước 1975, từ những bước chân mạnh mẽ, táo bạo nhưng trầm tĩnh của thời trai trẻ, với thơ tự do, rồi đến dòng chảy của nhịp đập êm đềm lục bát. Trước khi chuyển qua khảo sát giai đoạn mới của thời thơ Viên Linh khi lưu lạc ra nước ngoài sau năm 1975, có lẽ chúng ta cũng cần nắm vững lại một vài điểm.

Thái độ và cách sống với thơ

Trước tiên, hãy nói qua đôi dòng về Viên Linh, thái độ và cách sống với thơ, nghĩa là cung cách sáng tác và làm việc của anh. Viên Linh là một thi sĩ cần mẫn, sống hết đời mình cho thơ (anh cũng có viết truyện, viết kịch, làm báo, nhưng cái thiết cốt của đời chữ nghĩa vẫn chỉ là thơ mà thôi), gần như Lục Du vào thế kỷ XII bên Trung Hoa, không thấy thơ ba ngày đã thấy buồn thiu (vô thi tam nhật khước kham ưu). [1] Thơ viết ra là để trang trải cho đời, nhưng cũng là để cất giấu trong lòng. Một người sống với thơ như vậy, xem thơ như tôn giáo của mình, thì tất nhiên anh nghiêm cẩn, chu đáo, tươm tất với thơ, chăm chút trên những dòng thơ anh viết ra, đâu có cách nào khác. Mỗi chữ anh lựa chọn chính là một đồ vật cụ thể, phù hợp với toàn bộ công trình thiết kế là bài thơ của anh. Nhiều lúc, anh phải đục đẽo cái dư thừa, cái không ăn khớp, thay thế cái không vừa ý bằng cái vừa ý hơn, thường xuyên tìm cách sửa đổi cái không cân xứng hay không hợp nhãn. Có lúc, anh còn đập phá hết cái cũ, để dựng lên một cái khác mới mẻ hoàn toàn. Như anh từng nói, những thứ anh viết ra có lúc là đá quý nhưng có lúc cũng chỉ là gạch ngói mà thôi. Tôi rất đồng ý với anh, gạch ngói tất là cần thiết cho đời sống, nhưng nếu phải lập một sưu tập trân châu mã não thì không thể xếp gạch ngói vào đó được.

Có người, như Lê Huy Oanh, Thanh Nam, Võ Phiến than phiền là Viên Linh sửa thơ kỹ quá, cái cầu kỳ nhiều lúc thay thế cái tân kỳ, làm bài thơ mất đi cảm giác tươi mát ban đầu, có lúc lại còn làm biến mất cả một bài thơ hay đã từng được nghe. [2] Riêng tôi, tôi thích thú và trân trọng cung cách đó của Viên Linh. Tôi nhớ đến Giả Đảo khi nghe thấy những lời phàn nàn trên. Giả Đảo để đời với giai thoại "thôi xao", cũng đã từng viết: Nhị cú tam niên đắc / Nhất ngâm song lệ lưu / Tri âm như bất thức / Qui ngọa cố sơn thu. Hẳn là Viên Linh phải khoái trá với mấy ý tưởng này: Ba năm mới làm được chỉ hai câu thơ, khi ngâm ngợi lên thì hai hàng lệ nhỏ xuống, mà nếu kẻ tri âm không hiểu thấu, thì người viết hai câu thơ này chỉ còn cách, giữa mùa thu, đi về nằm một góc trong núi cũ mà thôi.

Tôi đã từng được xem bản thảo một bài thơ của Viên Linh, sửa chữa chằng chịt, chữ này trên chữ khác, dòng này trên dòng kia. Tôi quý trọng cung cách ấy. Ý thơ đến đúng là một tia chớp, người nào làm thơ tất cũng đã trải qua kinh nghiệm này, nhưng sau đó thì phải là cả một quá trình tạo dựng, phải nói là lao động với bài thơ. Người đời thường bị ám ảnh chuyện Vương Bột hay Lý Bạch uống rượu, trùm mền ngủ say, rồi tỉnh dậy, viết một hơi là xong, không sửa một chữ nào, nhưng đó chỉ là giai thoại lưu truyền làm cho đẹp cái cõi văn chương mà thôi. Sự nghiệp chữ nghĩa được kiến tạo trên thiên tài trời đất ban tặng chỉ là một phần, mà chủ yếu là phải đặt nền trên học vấn và kinh nghiệm rút tỉa từ cuộc đời. Đọc nhiều, đi nhiều, rồi sau cùng là sự làm việc trì chí, bền bỉ, lâu dài. Đi một vạn dặm đường, đọc một ngàn pho sách, để chỉ viết được một bài thơ ngắn mấy câu, chính là có nghĩa như thế. Vậy nên, việc làm thơ, rồi sửa chữa cẩn thận, sửa đi sửa lại, sửa cho đến bao giờ đạt tới cái hay mới dừng lại là một chuyện đáng tán dương.

Một nhà nghiên cứu thơ Đường đời Minh là Hồ Chấn Hanh, tổng kết kinh nghiệm sáng tác của những nhà thơ đời Đường, đã cho rằng thơ không sửa thì không thể nào hay được (thi bất cải bất công). Hồ Chấn Hanh nhắc lại một lời nói của Đỗ Phủ: "Bởi vì tính con người ta chỉ thích những câu thơ hay, cho nên lời thơ của ta mà chưa làm cho người ngạc nhiên thì tới chết ta vẫn chưa thôi sửa chữa." (Vị nhân tính tịch đam giai cú, ngữ bất kinh nhân tử bất hưu). Nói đến kinh nghiệm viết của Bạch Cư Dị, Viên Mai trong Tuỳ viên thi thoại cũng có ý kiến tương tự cho thấy công việc sáng tác của Bạch Cư Dị thực gian nan khổ ải và kiên tâm biết bao: "Thơ của ông Hương Sơn họ Bạch dường như bình dị, nhưng khi xem tới những di cảo còn lưu lại, mới thấy những chỗ sửa chữ rất nhiều, thậm chí có bài sửa lại hoàn toàn không còn một chữ." [3]

Tôi viện dẫn đến các cây bút đại gia ngày xưa để nói về một thi sĩ thời nay của chúng ta, tất sẽ có nhiều người phàn nàn tôi lắm lời, nhưng lòng tôi thành thực nghĩ như thế, nên cũng nói ra như thế mà thôi.

Đã nói qua đôi chút về cung cách của Viên Linh đối với thơ, giờ thì hãy tiếp tục cuộc hành trình khám phá lại thế giới thơ của Viên Linh trước 75, vì nơi bài viết "Viên Linh trên những chặng đường thơ" [4] , chúng tôi cũng chưa kịp trình bầy cho đủ ý. Tất nhiên, thơ Viên Linh, cũng như bất kỳ thứ thơ nào khác và bất kỳ xuất xứ từ đâu, cũng đều phải xây dựng trên nền tảng của một sự hài hoà của âm thanh, cảm giác và hình tượng, là sự hài hoà của một thứ ngôn ngữ vượt ra ngoài ngôn ngữ. Để có thể dễ dàng bước vào thế giới thơ riêng biệt ấy, chúng ta cần chiếc chìa khoá mở cửa, nghĩa là cần nhớ đến một số hình ảnh, ý tưởng cốt lõi đã trở thành nỗi ám ảnh của nhà thơ. Lần mò theo những mối ám ảnh ấy, tức là chúng ta đang dựng lại chiều sâu hay cấu trúc lại khung sườn của thế giới thơ Viên Linh. Như vậy, dưới ánh sáng của cách nhìn Weber, tức nghiên cứu đề tài bị ám ảnh và phê bình chủ đề, chúng ta đã có thể thấy ở Viên Linh ba chủ điểm dưới đây.

Ba chủ điểm hay các nỗi ám ảnh

Thứ nhất, là nỗi ám ảnh của một tâm hồn cô độc, tâm hồn ấy chỉ hoà hợp giữa nhịp điệu của một đời sống cô liêu, vắng lặng, như chúng ta đã gặp thấy hình ảnh con chim ưng kiêu mạn sống trên núi cao, bên bờ một vực sâu. Hay đá tảng muôn nghìn năm không lời, bên cây cối cũng trầm buồn chỉ cất lời với gió.

Trên núi cao cây cối thì buồn
Đá ở không hàng muôn nghìn năm
("Hoá thân", trang 74-75)

Đó là tiếng chim đập cánh, muộn màng ngang trời giữa tiếng gió hú.

Như trớt chim về lỡ
Tung cánh lật ngang trời
Ngàn khô nghe tiếng mãi
Gió hú bên kia đồi
("Hóa thân", trang 60)

Không khí chung toả ra khắp nơi luôn luôn là một nỗi vắng lặng bất tận, quanh ta bỗng lẩn sương mù nghìn năm, như thế, trong cái cô tịch thiên thu của chính hồn mình, người thơ đã phải mãi hoài đối đầu với cái bóng của chính mình. Từ kinh nghiệm và ám ảnh siêu hình riêng, Viên Linh dựng nên thế giới thơ của mình bằng một sự nối kết chặt chẽ giữa ký hiệu trừu tượng và đời sống cụ thể, đôi lúc qua môi giới của những ẩn dụ. Để dẫn đến một không gian cô liêu, cô tịch, có chút gì rờn rợn. Ví dụ, cảnh chiều tà hiện đến là những cánh dơi đang lưới cả hoàng hôn đẫm máu và lệ, để tất cả đều rũ xuống dưới một sức nặng tan rã, mệt mỏi, và u buồn, đủ độ cho một tâm hồn đang sống với nỗi cô độc của riêng mình.

Đời ôi thể phách hao dần
Hoang mang tín mộ, linh thần vụt bay
Ta rơi nằng nặng từ đây
Trong không bụi cũng trôi đầy mộng mê

Ngoài kia dơi lưới chiều về
Vây muôn vũng lệ trời tê máu hồng
Lưới mau đáy nặng hoàng hôn
Chân tay mỏi rủ tâm hồn mỏi theo
("Bản thân, Hoá thân", trang 19)

Thứ nhì, là nỗi ám ảnh về những cơn mưa như có lần Võ Phiến gợi ý [5] . Những cơn mưa tầm tã trên thơ Viên Linh. Viên Linh thích những cơn mưa. Mưa là một ám ảnh, cũng có thể là ham muốn, đam mê. Những cơn mưa sầm sập và ào ạt ngoài công trường, đại lộ. Những cơn mưa rào rạt âm thầm nơi một con hẻm nhỏ. Mưa xa cách, mưa nối kết, mưa của thuở thiếu thời, mưa trên những mối tình, mưa nơi cõi âm ty, mưa trong cuộc đời, mưa ngoài cuộc đời. Như cơn mưa chúng ta đã từng gặp ở bên trên [6] .

Nhớ em rồi Cúc Hoa xưa
Đêm nay dưới ngói trời mưa tầm tầm.

Hay là, khi đứng trước cơn mưa tầm tã nơi phương trời lưu lạc, cơn mưa ào ạt của Sàigòn ngày nào được liên tưởng, được nhớ lại, mà chúng ta sẽ gặp trong một hơi thơ lạ, rất âm trầm, cổ kính, và tao nhã.

Cơn mưa chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.

Thứ ba, là nỗi ám ảnh về một cõi âm hồn, địa phủ. Viên Linh tin có trời, có quỷ, và có địa ngục [7] . Chúng ta không biết niềm tin có tính tôn giáo ấy bắt nguồn từ đâu, nhưng đó là sự thật chi phối cả cuộc đời Viên Linh, và ý tưởng chủ yếu đó bao trùm chân trời thơ Viên Linh. Thơ thường chỉ nên đọc và khám phá trong chính văn bản, nhưng trong kinh nghiệm riêng của tôi, tôi thích nối liền thơ với cuộc đời nhà thơ, cũng ít nhiều có phần gần với công việc của một người viết sử văn học. Khi biết về cuộc đời nhà thơ, chúng ta sẽ hiểu và cảm thơ của thi sĩ nhiều hơn. Huống hồ là với một người làm thơ như Viên Linh, luôn luôn đào sâu vào cõi thơ từ sinh động cuộc đời, chứ không phải như một cuốn tiểu thuyết, chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Thơ Viên Linh, đặc biệt với những bài thơ về cõi âm ty, địa phủ qua hình bóng Cúc Hoa, khi lại gần Viên Linh, tôi có cảm giác đó hoàn toàn là cuộc đời thực của anh. Như ngày xưa Nguyễn Du viết Long Thành Cầm Giả Ca, đó là sự kiện và cảnh đời nhà thi hào đã sống và từng trải. Cúc Hoa là thực và mộng, chẳng còn biên giới giữa cõi này và cõi kia, như bướm và Trang. Nên khi Viên Linh nhìn vào tấm gương soi, và anh thấy đằng chân trời xa tắp là hồn ma của Cúc Hoa thì anh cũng muốn, như bậc quân vương ngày nào, đập cổ kính ra tìm lấy bóng, để tìm lại nàng vương phi yêu kiều, nhưng Viên Linh đập vỡ kiếng theo kỹ thuật của những nhà thơ tượng trưng và siêu thực ngày nay, của André Breton, Jean Cocteau..., chẻ mặt nước thành lối để đi về địa phủ. Những hồn ma, bóng quế, những nấm mồ, thây chết, địa phủ, âm hồn, là một cái gì quen thuộc, thân thiết với cõi thơ Viên Linh. Nhưng rất khác với Đinh Hùng trước đây, bởi vì Đinh Hùng dựng nên Mê hồn ca chỉ bằng tưởng tượng và hư cấu. Viên Linh thì hoàn toàn ngược lại, địa ngục và hồn ma là thế giới siêu hình ảo hoá anh sống trong tâm tưởng hàng ngày. Đó là cái cõi ủ rũ ưu sầu, mù mịt tối tăm, và chỉ lấp lánh những đốm lửa ma; đó là một vị trí hữu hảo để nối liền con đường đi về địa phủ mà tìm lại bóng hình xưa. Trong ba chủ điểm thơ của Viên Linh, chủ điểm hay chủ đề thứ ba này có lẽ là cốt yếu. Hãy đọc lại vài đoạn thơ trong chủ điểm này.

Hồn còn giữa cuộc trầm luân
Que diêm đốm lửa bàn chân kẻ về
("Hoá thân", trang 45)

Gương này bóng ấy mình ta
Kẻ thân biền biệt hồn ma cuối trời
("Hoá thân", trang 86)

Ngồi lên khẽ thấy bàng hoàng
Nghe trong viễn mộ đôi hàng ngựa ra
. . .
. . .
Ý tôi giăng chết hồn chiều
Tình tôi tự đó tiêu điều những thây

Ngồi lên sửa dáng hao gầy
Từ đây đất rộng, thân này biệt ly
("Hoá thân", trang 128)

Đến với thế giới thơ Viên Linh, có lẽ chúng ta cần nắm chắc mấy chủ điểm vừa được đề cập bên trên: Mối ám ảnh tự thân của một tâm hồn cô độc, ám ảnh về những cơn mưa, và ám ảnh về một cõi âm hồn, địa phủ. Đó là những điểm hoặc ẩn tàng, hàm súc, hoặc nổi bật lên, chúng ta có thể xem là ba cột mốc chính yếu trên dặm trường thơ Viên Linh.

Thêm một sự kiện này nữa tôi cũng muốn nhắc lại dưới đây, bởi vì nó sẽ là cửa ngõ hay là một gợi ý để người đọc thơ Viên Linh có thể hiểu anh hơn, nhờ vậy mà cảm được thơ anh nhiều hơn. Khi được hỏi bài thơ nào được anh ưa thích nhất, Viên Linh cho biết đó là bài "Sông Lấp" của Tú Xương, anh thích vì đây là tiếng than thở ngậm ngùi hiếm thấy ở một thi sĩ thường cười đùa, phúng thích, châm biếm. [8]

Sông kia giờ đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Khi thích một điều gì ở ngoài mình thì điều ấy cũng chính đã là mình. Đó chính là trường hợp Viên Linh với "Sông Lấp". Giữa cảnh biển dâu của hiện thực, tiếng vang trong tâm hồn vẫn luôn là một tiếng gọi đò chấp chới, cùng một nỗi ngậm ngùi vô hạn. Viên Linh nói điều ấy với Nguyễn Xuân Hoàng cách đây 32 năm, nhưng tôi vẫn tưởng rằng đó là tiếng gọi đò kỳ lạ của đời Viên Linh từ tiền kiếp nào. Cùng với nó là nỗi buồn sâu thẳm về những mất mát không thể nào tìm lại được. Tiếng gọi đò ấy thực lãng mạn làm sao, mông lung ngân vang trong cõi vô cùng. Với tất cả những điểm vừa phân tích bên trên, cùng với tiếng than thở ngậm ngùi và tiếng gọi đò ngân vang ấy, là hành trang để Viên Linh tiếp tục cuộc viễn du của mình. Năm 1975, Viên Linh vượt qua chiếc cầu lửa đỏ rực chưa từng thấy của lịch sử, giữa cơn bão lốc hung tợn đang thổi tốc trên toàn cõi miền Nam đất nước. Tâm hồn cô tịch, vắng lặng, nỗi buồn thiên thu, những cơn mưa tầm tã liên miên, những mùa địa ngục rực rỡ, và tiếng gọi đò vang vọng, với tất cả những thứ ấy, Viên Linh tiếp tục đời thơ của mình nơi đất khách gần 30 năm qua, và tiếp tục trong những ngày hôm nay, càng lúc càng rực rỡ hơn.

Bước đầu của thời thơ lưu vong

Ở buổi giao thời đầu thế kỷ XX, có một tiếng gọi đò chấp chới vọng vào không gian mênh mông, còn vang vọng mãi cho đến ngày nay, thì cuối thế kỷ XX, kỳ lạ thay, sau những tan rã khốc liệt của nửa phần đất nước, sau những giao tranh xung đột dữ dội của một cuộc chiến ý thức hệ kéo dài 30 năm, cũng có một tiếng âm vang, nhưng không phải là tiếng gọi đò, mà là một tiếng chuông vang vọng, dội lên thật trầm hùng và cuồng nộ. Lịch sử đổi thay quá tàn khốc tất phải sinh ra một tiếng nói khác hơn, dữ dội hơn, và khốc liệt hơn. Tiếng nói ấy, đúng hơn là tiếng chuông ấy, khuấy động cả một không gian mênh mông của thế kỷ. Đó là tiếng chuông vang ra từ lầu chuông ở một thiền viện chỉ còn trong trí tưởng, nơi mà em trai nhà thơ trước đây đã tá túc dưới chiếc áo thiền sư một thời gian dài. Thực hết sức thơ mộng, nhưng phải thấy ra đó chính là một biểu tượng của thời đại, thì mới nghe được tiếng chuông kỳ lạ và khốc liệt ấy âm u dội vang như thế nào qua bầu trời thế kỷ. Viên Linh lưu lạc ra nước ngoài sau cơn bão dữ, anh lắng nghe tiếng chuông ấy, và anh đã để lại một buổi chiều đầy âm thanh trầm hùng u uất cho nền văn học của chúng ta.

Mưa đưa tôi lại Sài Gòn
Trán căng nhiệt đới hồn còn Đông Dương
Gặp em trở lại lầu chuông
Dang tay nện xuống hư không một chày.

Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen em tưởng chiều đầy âm thanh.

Vì "Lầu chuông" là một áng văn quý và điển hình của 30 năm văn học lưu vong (chưa đến 30 nhưng cũng xin nói như vậy cho thuận lời), chúng ta hãy thử đọc lại toàn bộ cả bài thơ này.

Lầu chuông

Nhận tin em một năm rồi
Thành xưa đã đổi con người đã thay
Cơn mưa chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.

Mưa lầy con phố bôi tên
Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời
Nhớ em biển sách làm khơi
Thả thân trôi giạt với lời muôn phương.

Nhớ em đêm tựa lầu chuông
Rung con tim nhỏ nghìn đường âm thanh
Em yêu lá ở trên cành
Yêu chim trong gió yêu thành vắng quân.

Em yêu miếu mộ linh thần
Yêu đầu không mũ yêu chân lột giày
Yêu người không thiết đi dây
Yêu nhà văn hoá đi Tây lại về.

Em yêu lòng trúc ý tre
Yêu kinh vô tự như bè yêu sông
Em yêu Camus lạnh lùng
Đạt Ma qua biển Ngộ Không giữa trời.

Yêu anh phóng đãng lầm nơi
Văn chương sai lúc thân dơi lộn chiều
Em yêu cuộc sống em yêu
Lầu chuông gác sách mộng điều tuổi xanh.

Hôm nay túi vải bên mình
Em tôi bán dạo trong thành phố quen
Ầm vang trong trí cơn điên
Ném thân anh giạt tới miền hư sinh.

Hơn ba mươi mộng tan tành
Tay xương quét lệ quanh trong mắt mờ
Thấy em lầm lũi hơn xưa
Loanh quanh ngõ dưới dật dờ lối trên.

Em tôi không sách không đèn
Một đầu tư tưởng bôi lem nghĩa đời
Đêm nay tầm tã mưa rơi
Tỉnh ra tôi thấy mặt trời trắng tinh.

Thấy trăng mọc lúc bình minh
Thấy người lưu xứ lênh đênh quê nhà
Thấy tôi đập kính soi hoa
Trên cây nhân thế la đà trái đen.

Thấy tôi nguyền rủa Thánh Hiền
Cầm dao giết Phật giả điên đốt chùa
Nhớ mưa xưa nhớ mưa xưa
Tháng tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.

Mưa đưa tôi lại Sài Gòn
Trán căng nhiệt đới hồn còn Đông Dương
Gặp em trở lại lầu chuông
Dang tay nện xuống hư không một chày.

Chuông không tiếng đã bao ngày
Nghe quen em tưởng chiều đầy âm thanh. [9]




http://www.banvannghe.com/images/upload/BVan_10.jpg
Gặp gỡ bạn văn: Từ trái, Đào Trung Đạo, Phạm Phú Minh, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Yên Hòa, Viên Linh, Nguyễn Tà Cúc (12.5.12, tại Nam Cali))


Võ Phiến khá tinh tế khi đọc bài thơ này: "...cái âm hưởng gây nên do một chày nện xuống hư không ở lầu chuông nọ ngân nga mãi, thấm thía mãi thật lâu bền. Tôi có cảm tưởng đó là nhờ ở cái tử công phu, cái quá kỹ của nhà thơ, có cảm tưởng rằng tứ thơ độc đáo đã được hàm dưỡng, ấp ủ nhiều ngày đến chín muồi trong tâm tưởng và được diễn đạt trong từng chữ cân nhắc thận trọng, chứ không thể là kết quả của một phóng bút nhanh nhẹn,"tự nhiên."" [10]

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét ấy, nhưng đồng ý theo cái nghĩa đã đề cập ngay ở phần mở đầu của bài viết này khi nói đến kinh nghiệm của Bạch Cư Dị. Có nghĩa là: làm thơ phải bằng hết cả tấm lòng, phải vận động tất cả sức mạnh của trí tuệ, rồi còn phải kiên trì qua thời gian; phải tử công phu, phải hàm dưỡng, và phải cân nhắc thận trọng. Nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng, phải dựa trên cái tự nhiên, nên người xưa, như Lý Chất đời Minh đã cho rằng tự nhiên là đẹp (Dĩ tự nhiên chi vi mỹ). [11] Nhưng tự nhiên không có nghĩa là không hàm dưỡng, không công phu, không đắn đo chọn lựa, nên Tây sương ký là văn chương bắt được của trời mà Tỳ bà hành cũng đưa ta đến cảnh giới kỳ lạ, tuyệt đẹp của văn chương.

Chính trong cách xử sự như vậy với thơ, rồi với biết bao xúc động dồn dập của những ngày đầu lưu lạc thất tán, mất hết tất cả, chỉ còn lại một tấm lòng với sự hồi tưởng, nhà thơ chọn một số hình ảnh thân thiết của hiện thực và biến chúng thành ẩn dụ của thi ca. Hẳn rằng đây là một trong vài bài thơ hiếm hoi điển hình nhất của giòng văn học lưu vong kể từ 30 tháng 4,1975. Riêng tôi, nếu có người hỏi tôi thích nhất bài thơ nào của giòng văn học này thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời chính là “Lầu chuông”.



Chính trong cái giòng mạch của tiếng ngân nga vang vọng ấy, là một thứ tình hoài hương hay vọng tưởng quê nhà, Viên Linh có một cái nhìn về đất nước, về những ngày hôm qua, về ngày mai phải tới trong một cách nhìn đã trầm tĩnh, lắng đọng sâu sắc để tạo nên chiều dày sâu thẳm trong những dấu hỏi u buồn, anh thấy mình như một người cư tang, hỏi han chuyện cũ với sách xưa, để trách cứ chính anh và những sai lầm ngày trước, hay là anh đang trách cứ cả một thời kỳ lịch sử, Đêm nay sầu bút mực / Nắm lưng sách hỏi han / Sách biết gì tủi nhục / Chuyện cũ kể đầy trang. Và như thế, trước mặt, trên bàn viết, là trang giấy trắng mở ra sẵn sàng cho anh, đợi những giòng chữ người thơ sẽ viết xuống. Xưa một kẻ u cư / Bốn mươi đầu bạc trắng / Ta thân xác phần thư / Viết gì trong cuộc nạn? /.../ Viết rằng trang giấy trắng / Đang đợi người cư tang. Bài thơ theo thể cổ phong ngũ ngôn Chuyện vãn cùng sách cũ, mặc dù không được toàn bích nhưng có những đoạn rất đẹp. Một thứ tâm tình u uất lạ kỳ, phải gửi gắm vào trong văn chương, trong thi ca, thì mới đủ ngôn ngữ để nói. Chúng ta nên đọc lại vài đoạn của bài thơ này; tôi trích lại nửa phần đầu của bài thơ, tôi rất tiếc là nếu tác giả chỉ dừng lại ở nửa phần đầu này thì bài thơ đã như một viên ngọc quý.

1.

Xưa một kẻ u cư
Bốn mươi đầu bạc trắng
Ta thân xác phần thư
Đời tro than nguội lạnh.

Chữ nghĩa đã hàm oan
Tâm kiệt cùng mực cạn
Ẩn mật chút men trong
Cất lòng sầu vô hạn.

Hầm tối tháng ngày qua
Nghe hạc vàng nhớ bạn
Lưu lạc nơi xứ người
Sách cùng ta chuyện vãn.

2.

Chuyện ta mùa hạ đỏ
Mưa máu đẩy thuyền ma
Về đâu trời đất tận
Tìm không một mái nhà.

Mấy năm rồi ngóng đợi
Bằng hữu biệt muôn phương
Có chiều ta xén cỏ
Lệ rơi trong góc vườn.

Có chiều thương bút mực
Bàn viết như mồ hoang
Yên nằm hồn lệ quỉ
Chờ ý xuống hộ tang.

3.

Quỉ ơi đời giấy trắng
Chờ ngươi đã nhiều năm
Có nghe nghìn xác sóng
Tìm nhau ngoài hư không.

Xa nhau bờ Nam Hải
Gặp nhau lòng Biển Đông
Sinh ly thà thủy biệt
Quê hương thà lưu vong.

Chuyện ta hờn chí nhỏ
Tâm ta ừ tâm tang.

[1]Dẫn lại trong Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc của Khâu Chấn Thanh, Mai Xuân Hải dịch, Nxb Văn Học, Hà-Nội, trang 64.
[2]Võ Phiến, Văn học miền Nam, Thơ, Văn Nghệ, California, 1999, trang 3157-3158.
[3]Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Sđd, trang 341-345.
[4]"Viên Linh trên những chặng đường thơ", Văn, California, Số tháng..... 2004.
[5]Võ Phiến, Văn học miền Nam, Thơ, Sđd, cùng trang đã dẫn.
[6]Xin xem lại "Viên Linh trên những chặng đường thơ", Tạp chí Văn, đã dẫn ở trên.
[7]Viên Linh trả lời phỏng vấn Nguyễn Nam Anh, Văn, Sàigòn, số 198, đặc biệt về thơ, ngày 15.3.72, trang 90.
[8]Viên Linh trả lời phỏng vấn Nguyễn Nam Anh, đã dẫn ở trên, trang 87.
[9]In trong phần "Ngoại Vực”, Thuỷ Mộ Quan, Thời Tập, California, 1992, trang 78-82.
[10]Võ Phiến, Văn học miền Nam, Thơ, Sđd, trang 3157.
[11]Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Sđd, trang 121.

Thơ của một thời điêu tàn chưa từng thấy: Thuỷ Mộ Quan 




Lưu lạc đất khách và phải nhập vào cuộc sống mới để tồn tại, nhưng trái tim người lưu vong vẫn đập nhịp thổn thức với quê nhà. Nên khi những đợt người ngày càng nhiều, tiếp tục ra đi trên những chiếc thuyền mong manh, thách thức với mọi nỗi gian truân, thách thức với định mệnh, giữa cái sống cái chết chỉ còn là một sợi tơ mong manh, biển cả thực là bất nhân và con người cũng thực là bất nhân, thì lúc bấy giờ người lưu vong ấy, người thơ ấy, càng là người nhạy cảm nhất để sống với nỗi đau thương vô cùng tận đó. Anh gõ cửa trái tim mà hỏi lại nhiều điều. Không còn là riêng tư nữa, mà đã là nỗi đau chung, là cộng nghiệp, là tan nát và đau thương. Biển Đông trở thành nấm mồ vĩ đại của đồng bào anh, những cảnh tượng bạc ác xẩy ra hàng ngày ngoài biển chấn động cả trời đất, đụng vào nỗi thương cảm sâu xa nhất nơi lương tâm con người. Đó là thời kỳ anh phải dồn hết tất cả sức lực để cô đúc chữ nghĩa, nhà thơ làm nhân chứng của một thời đại tàn khốc.

Khổ đau chồng chất như núi, những kiếp người trầm luân giữa cảnh tử sinh. Khổ đau đúc kết thành nghệ thuật, trái đau khổ chín đỏ trên cây nghệ thuật xanh tươi. Dù để nói về sự đau khổ đã lên đến tận mấy tầng trời, người thơ cũng phải vận dụng kỹ thuật và những qui luật của thơ. Vậy nên, viết về cái đau thương thì cũng phải viết thành lời đẹp đẽ, trau chuốt, có như thế mới làm thành văn chương, mới cảm được lòng người. Đó là thời Viên Linh viết những vần thơ trác tuyệt nhị thập bát tú, tên gọi của Vũ Hoàng Chương để chỉ thể thơ 7 chữ, viết trong 4 dòng. Thể thơ này đòi hỏi sự tinh luyện, cô đọng và hàm chứa. Từ thể thất ngôn, Vũ Hoàng Chương chỉ dừng lại ở bốn câu mà dựng nên bầu trời thơ với những cụm 28 vì sao lấp lánh. Tiếp tay Vũ Hoàng Chương là Viên Linh, đặc biệt với Thuỷ Mộ Quan, để gửi thêm vào bầu trời của thi bá họ Vũ những chùm sao kỳ lạ lấp lánh. Có lẽ cũng nên nhân đây, nhắc thêm một người khác nữa là Mai Thảo, với Ta thấy hình ta những miếu đền [1] . Mai Thảo tiếp bước theo Vũ Hoàng Chương và Viên Linh để mở rộng chân trời nhị thập bát tú đến một cõi định hình, thành giòng nhị thập bát tú cuối thế kỷ XX.

Trong bối cảnh như vậy, để hoàn tất Thuỷ Mộ Quan với 171 bài thất ngôn tứ tuyệt và một bài kết thúc sau cùng là "Gọi hồn" theo thể tự do, Viên Linh đã phải đi ngược lại lịch sử, tìm về lại nơi những trang sách xưa, đặc biệt là huyền sử và thời sơ sử để phần nào, tự trong vô thức, như một giải thích về cái nghiệp hiện nay, về những cảnh tượng đang xẩy ra, cùng lúc nhà thơ ghi nhận về những điều đang là thảm kịch. Như nhà nghiên cứu và nhận định văn học Trần Văn Nam đã tóm lược trong một cái nhìn tổng thể: "Thuỷ Mộ Quan của Viên Linh là những cảm hứng về biển Đông huyền ảo có giải đất rất huyền sử, rất đẹp dù suốt tập thơ là bóng tối của đáy vực Thái Bình Dương, là một Thuỷ Mộ bao la của người Việt ra đi bằng vượt biển." [2]

Viên Linh đọc lại và suy gẫm những Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh Tập, Tang Thương Ngẫu Lục, Vân Đài Loại Ngữ, Vũ Trung Tuỳ Bút, rất đặc biệt là bộ sử quý An Nam Chí Lược và vô số tài liệu khác. Quá khứ xa xăm và hiện tại trước mắt nhập lại thành một, điều này sẽ đưa tới một kết quả như Lê Huy Oanh từng nhận xét: "Thuỷ Mộ Quan gồm hai sắc diện của Biển Đông, một sắc diện phiếu diễu mơ màng thắm tươi rực rỡ, nơi phát sinh và diễn tiến nhiều ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt-Nam, đối tượng của một lịch sử vừa êm đẹp vừa oai hùng; sắc diện khác của nó, sắc diện mới, là một cảnh ghê sợ của các thuyền nhân, ... ..., trên đường vượt biên đi tìm tự do." [3]

Ngay ở bài thơ đầu tiên của Thuỷ Mộ Quan, người đọc đã được dẫn vào một cõi trời nước mênh mông, trầm lặng, tĩnh mịch, mới trông thì có vẻ mộng ảo, nhưng nhìn xoáy vào thì sẽ thấy chứa đầy những nỗi hiểm nguy khôn lường. Giữa lòng đêm tối, quê nhà chỉ còn là một điểm đen mờ xa, và con đường đi tới sẽ là oan khiên, trầm luân, sẽ chồng chất mãi để chỉ còn những tiếng ma vang vọng dội lên. Kinh nghiệm và nỗi ám ảnh sâu thẳm nhất ở Viên Linh là bóng dáng Cúc Hoa, một hình ảnh ma, thì ngày nay trước nấm mồ bao la dưới đáy biển, sẽ càng như là một vùng màu mỡ vô hạn cho Viên Linh thuận tiện gieo trồng, đi tìm lại, hay khám phá cái cõi yêu ma địa phủ ấy, anh muốn đi qua mấy tầng địa ngục như Dante của thế kỷ XIII-XIV trước đây. Mặc dù cũng từng đã có Đinh Hùng với "Bài thơ chiêu niệm", với Mê hồn ca, xa hơn nữa với "Văn tế tướng sĩ" rằm tháng bảy hay "Văn tế thập loại chúng sinh", chúng ta cũng dễ nhận ra rằng Viên Linh đã dựng nên một thế giới ma rất lạ của riêng anh. Tuy thế, ở đấy, vẫn có một cái gì luôn nối vào cuộc sống thực, như một hình ảnh thân yêu cũ, một quê nhà đã mất. Thuỷ Mộ Quan được đánh số từ 1 đến 171, chúng ta thử đọc lại vài bài, số 1, 3, 125, 129, 139, và 160.

1.

Một biển trôi xa nghìn đảo lặn
Trời mây vần vũ thủy mang mang
Xung quanh màu bạc, trong lòng tối
Điểm cuối quê nhà, một góc đen.

3.

Nằm mộng đêm nay vào Hoả Ngục
Kiếm người oan thác đã trầm xanh
Dưới hiên mưa vắng hồn khua nước
Thả chiếc thuyền con ngược bến không.

125.

Ngần ngại tìm em lúc cuối năm
Xuân sang le lói ý đèn nhang
Nửa đêm trừ tịch sầu ma quỉ
Năm cũ còn chong đuốc trước thềm.

129.

Đến cầu ao cũ ngắt rau xanh
Nhìn ngược hình dung đến hoảng kinh
Vẫn tưởng Quê Nhà tìm lại được
Quê Nhà đã mất lúc u minh.

139.

Từ đáy sâu trầm giạt tiếng chuông
Gọi người dương thế giúp âm công
Gọi ma bốn biển về chung sức
Gom góp san hô dựng giáo đường.

160.

Quê ta trầm thống nỗi đau dài
Xum họp chiều hôm biệt sớm mai
Đáy nước chia lìa sơn cốc tận
Miếu đường chuông đổ mộ hồn ai.

Chỉ với mấy bài thơ trên, chúng ta cũng đã thống kê được một số chữ đặc biệt về ma quỉ và địa ngục, để thấy cánh cửa mở vào và con đường dẫn qua Thuỷ Mộ Quan sẽ như thế nào: Hoả ngục, oan thác, trầm xanh, hồn khua nước, ý đèn nhang, sầu ma quỉ, u minh, âm công, ma bốn biển, mộ hồn ai. Có thể nói đó là ánh sáng huyền ảo toát ra từ thi phẩm Thuỷ Mộ Quan, một kết tinh đặc biệt của tâm hồn nhà thơ và thời đại bất thường với tiếng kêu than u uất của ma quỉ ngập đầy ngoài biển Đông. Tôi bỗng nhớ đến Vương Ngư Dương, cũng với bài thơ chỉ có hai mươi tám từ đề từ cho bộ sách vĩ đại của Bồ Tùng Linh, mà hai câu sau: Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ / Ái thính thu phần quỉ xướng thi đã được Lê Đạt chuyển dịch sang Việt ngữ cực kỳ thần tình:

Ngôn ngữ nhân gian chừng đã chán
Thèm nghe mộ vắng quỉ bình thơ

Nói chuyện ma của Vương Ngư Dương có cái gì mạnh mẽ, quỉ quái, và ngang ngược. Ở Viên Linh thì khác, thơ mộng và thần bí. Đúng là mỗi cảnh đời một khác, mỗi hồn người là một chỗ riêng tư.

Thuỷ Mộ Quan xây dựng tập trung trên bối cảnh Biển Đông nhưng đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều góc cạnh, từ huyền sử, lịch sử, đến xã hội, văn hoá, tâm lý, văn học... Chúng ta hãy nói đến một trong những khía cạnh đó. Vì thể thơ nhị thập bát tú, cũng như thơ hài cú của Nhật Bản, hết sức là cô đọng nên đòi hỏi người viết phải vận dụng bút lực, rất khổ công, bài thơ ít chữ mà nói nhiều, tế nhị và hàm súc, có thể đạt đến những điều mênh mông đến không cùng. Nhị thập bát tú có nhiều lúc gần với kệ của các bậc đại tăng, như một công án thiền, hay ngay cả với sấm ký, cũng có lúc gần như một bài minh, bài trâm, hay bài tán. [4] Thuỷ Mộ Quan cũng vậy, có một số bài gần với không khí ấy, đáng kể là thành công. Hãy đọc thử lại vài bài.

55.

Xuân nào lụt lội khắp trung châu
Nước rút đầm hoang Phật xuất đầu
Phật nổi từ xưa là Phật gỗ
Hèn chi Phật có đắm chìm đâu.

111.

Tầm sư học đạo bốn mươi năm
Thân thế gian nan chữ nghĩa cùng
Mạt lộ lần lưng tìm bí kíp
Một tờ giấy nhảm viết lung tung.

156.

Không biết bao giờ. Biết có chăng.
Biết đâu ngày tháng. Biết đâu năm.
Hoàng hôn nào biết. Đêm sao biết.
Thời khắc lưu cầm. Phút hỗn mang.

171.

Cái chết nhiều khi thấy thật xa
Chết từ trong lửa chết trong hoa
Chết trong trầm ải trong trăng tịch
Và có đâu ngờ trong chính ta.

Khởi từ một kinh nghiệm cá nhân, Thuỷ Mộ Quan đi tới thảm kịch lớn của dân tộc trong một thời điểm rất đặc biệt của đất nước. Giấc mộng, kỷ niệm, và niềm đau riêng của nhà thơ được nhập vào giấc mơ và bi kịch chung của đất nước. Một số thơ chung quanh chủ đề lịch sử và hiện thực ngoài biển Đông được nhiều người khen ngợi, như Lê Huy Oanh cho rằng Viên Linh đã góp vào kho tàng thi ca Việt Nam một loại thơ với những hình ảnh mới lạ chưa hề có trước 1975. [5] Tôi không trích dẫn lại những bài thơ ấy ở đây vì thấy có phần không toàn hảo: Vì Viên Linh nuôi một ý tưởng quá lớn khi dựng lại bầu khí Thuỷ Mộ Quan nên ở đôi chỗ anh phải hy sinh chất thơ để đạt cho được ý đồ kết cấu. Nó chỉ còn là một thứ quốc sử diễn ca chứ không phải là thơ nữa. Về chủ điểm lịch sử, có đôi chỗ Viên Linh rớt vào bệnh dân tộc chủ nghĩa, là căn bệnh dường như không còn được thích hợp trong ánh sáng nhân bản của thời đại mới, như căn bệnh Eurocentrism, lấy phương Tây làm trung tâm và thước đo của văn minh nhân loại, ngày nay hầu như đã bị loại bỏ hoàn toàn.

Bỏ qua những nhược điểm, bỏ qua những bài thơ không hay vì làm được thơ hay thì đâu phải dễ, cứ lật truyện Kiều ra cũng đủ thấy, biết bao nhiêu là thơ dở trong đó, huống hồ Thuỷ Mộ Quan đánh số đến 171 thì có vài chục bài hay, hoặc chừng mười bài hay, thậm chí chỉ vài bài hay thì cũng đã là thành tựu lớn rồi.

Chúng ta hãy đọc thêm vài bài khác nữa.

7.

Lúc nhỏ anh em thường đánh lộn
Bây giờ sông núi nhớ thương nhau
Ngó xem vết sẹo bàn tay trái
Bên phải đầu tôi bỗng nhói đau.

110.

Tuổi trẻ nghe mưa mộng hải hồ
Mộng đi bốn biển sống phiêu du
Hôm nay mưa tuyết quê người lạnh
Ta mộng quay về ngõ hẻm xưa.

137.

Em có hai chân đẹp tựa men
Hai tay như ngọc tiếng như chim
Em yêu như mãn gào trên ngói
Tuy vậy em cần một trái tim.

117.

Thăm thẳm trời cao thăm thẳm sâu
Mênh mông sông nước mênh mông sầu
Nhỏ nhoi một chiếc thuyền không lái
Không biết về đâu không biết đâu.

108.

Cửa ngục A Tỳ ở biển Đông
Xưa kia Phật doạ rộng vô chừng
Nào hay Phật chỉ mơ hồ biết
Ngục ấy nay to gấp vạn lần.

78.

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.





Tất cả kỷ niệm, huyền sử, lịch sử, tất cả đau thương và địa ngục kia, nói cho cùng, cũng đều là vốn liếng và tài sản của đất nước, bởi vì tất cả những điều ấy đã cùng tập hợp thành chiều sâu và sức mạnh tâm linh của dân tộc, là kinh nghiệm và quá trình của hôm nay để chuẩn bị cho ngày mai phải tới. Bầy chim bỏ xứ bay đi khắp trời đất, rồi cũng đến lúc phải trở về chốn cũ, quên đi những ngày mưa tuyết quê người, trăm con sẽ cùng giòn giã trong một tiếng cười giọng nói chung, và tiếng khóc chung. Lời “Gọi hồn” của Thuỷ Mộ Quan phần nào có gần gũi với “Văn tế thập loại chúng sinh”, nhắc đến tập tục cầu siêu thoát cho mười loại cô hồn uổng tử, nhưng khác hẳn với bản văn tế ấy, vì nó không phải chỉ là lời cầu khi lập đàn cho các hồn ma bóng quế vật vờ, mà “Gọi hồn” là một lời kêu cầu sum họp trong truyền thống đại gia đình Việt tộc. Tôn giáo chính yếu của người Việt là thờ cúng tổ tiên, nên ở những cuộc họp mặt thiêng liêng, như trong mấy ngày lễ tết, thì mọi người trong gia tộc bao giờ cũng ngưỡng vọng lên bàn thờ ông bà, như người khuất bóng đang có mặt và đang linh thiêng chứng giám đời sống của đàn con cháu.

“Gọi hồn” viết theo thể thơ tự do, dù nhạc điệu cũng là yếu tố được chú tâm, nhưng không quá thê thiết và trầm buồn như bài ngâm khúc “Văn tế thập loại chúng sinh”. Tôi được nghe Phạm Duy hát bài ca “Gọi hồn” do chính ông phổ nhạc; tiết tấu nghe chừng như dồn dập và hân hoan, niềm vui nỗi buồn pha trộn, dưới sự tiết chế và bao trùm bởi một thứ ánh sáng rất trí tuệ, để nói về cuộc đoàn viên đẹp đẽ của đại gia đình dân tộc. Tôi tưởng như đó là lời bổ túc cho Tổ khúc Bầy chim bỏ xứ trước đây, mới chỉ nói về sự trở về của mấy triệu người sinh cơ lập nghiệp phương xa, kéo nhau đi về quê cũ, mà quên nói về những người vắng mặt đang chìm đắm nơi một cõi âm u nào.

Thấp thoáng trần gian
Mịt mù bóng đảo
Trôi về Tây về Bắc về Đông
Trôi về đâu bốn bề thuỷ thảo
Về đâu kiếp đắm với thân trầm.

Hồn ơi dương thế xa dần
Hồn đi thôi nhé thuỷ âm là nhà.
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
. . . . .
. . . . .
Hồn vẫn ở la đà Nam Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời xương tan.
. . .
. . .
. . .
. . .
Về đâu đêm tối
Hương lửa lung linh
Những ai còn bóng
Những ai mất hình
. . .
. . .
. . .
Ta vào lục địa ta hồi cố hương
Cùng nhau ta dựng lại nguồn
Chẻ tre đẵn gỗ vạch mương xây đình.
. . .
. . .
. . .
. . .
. . .
Năm nghìn năm lại bắt đầu
Chim nào tha đá người đâu vá trời.
Chúng ta rời bỏ xứ người
Loài chim trốn tuyết qui hồi cố hương.

Sau thời Thuỷ Mộ Quan cho đến bây giờ

Thơ Viên Linh như chúng ta đã khảo sát ở bên trên, từ thời tuổi trẻ với những bước chân hăng hái tiến vào cõi văn chương, nồng nhiệt, hăm hở, muốn đi tìm một cái gì thực mới, thực khác, đập phá càng tốt, cần phải chống lại những giá trị cũ, chống lại truyền thống, nghĩa là phải hiện ra trong một cung cách nổi loạn, chống đối, khác người. Nhưng Viên Linh đã rất mau chóng tìm lại được con đường của mình, tìm được sự ổn định trong tư tưởng. Anh vượt qua nhanh chóng những cơn sóng gió, bão táp phù phiếm của chữ nghĩa, để dựng nên thi giới của mình. Anh mỉm cười và dường như chẳng cần biết đến, chẳng lưu tâm chút gì những thứ gọi là hiện đại, hay đằng sau, sau nữa của cái hiện đại ấy.

Hình như từ sau thời 25 tuổi cho mãi đến ngày nay, anh đã bước đi rất vững chắc trên con đường văn chương. Anh đến gần với các hiền giả phương Đông, anh mê Trang Tử, Lão Tử, và càng ngày càng nghiệm ra được nhiều điều kỳ lạ vô cùng ở kinh Phật. Anh đọc lại, ngẫm nghĩ kỹ lưỡng và gậm nhấm từng hình ảnh, ý nghĩa, thi tứ, tiếng vang trầm và sâu của chữ nơi các bậc tiền hiền từ bao nhiêu đời trước, những Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến...

Nếu người xưa cho rằng giản dị là cảnh giới tận cùng của văn chương, thì mỗi ngày bước tới là mỗi ngày Viên Linh càng ham muốn tiến đến và sống với sự thật ấy. Muốn đạt được điều ấy thì không phải dễ, nhưng hãy cứ sống, cứ rèn luyện và tiến bước.

Thời của Thuỷ Mộ Quan cũng đã giản dị rồi, nhưng bởi vì chồng chất bao nhiêu tầng đau khổ ở đấy, nên tự nó đã toả ra một cái gì đó còn u ám, tối tăm. Chuyển qua thời tiếp theo, Viên Linh đi hẳn vào một không khí rất giản dị của cái đẹp, khai thác tất cả sở trường của mình, phát huy được sức mạnh nội tâm, tình yêu đất nước, nền văn hoá thâm sâu của dân tộc. Một thế giới thi ca đầm ấm, trang nhã được xây dựng từ nền tảng đó, hy vọng sẽ góp được một nhành lộc mới cho đất nước đến muôn thu. Sống ở nước ngoài đã mấy mươi năm, anh vẫn thấy mình là một kẻ lạc đường. Đi trên chuyến tàu từ Paris qua Frankfurt, cũng kể là một chuyến đi thơ mộng cho những người ưa thích giang hồ, chỉ với chiếc túi da đã cũ đã sờn, leo lên toa tàu là đi, nhưng cái thời mê giang hồ đã không còn, con đường ngày nay phải là hành trình qui cố hương, nên khi tàu đến và tiến vào sân ga, anh tự nhận ra mình chỉ là một kẻ xa lạ, chỉ là thứ hành lý gửi lầm đến một nơi không đúng chỗ. Đấy là chưa nói đến những khía cạnh khác về mặt xã hội, nhu cầu hội nhập, đời sống của một người cầm bút lưu vong, con đường của một nền văn học lưu vong v.v... và v.v... Đã đành rằng thế giới ngày nay đã thu hẹp lại, nhất là khi ngà ngà trong hơi men và chất rượu cay, thì đâu cũng là nhà. Nhưng tự thâm sâu, khi người ta đánh mất nguồn cội của mình, đánh mất tình yêu của mình, mà với anh tình yêu cũng chính là tổ quốc, và hình bóng tình yêu chỉ còn là ảo vọng, thì chuyến tàu ấy sẽ không còn nơi để dừng lại và anh sẽ lạc lõng hoài giữa những sân ga.

Trên tàu hoả Paris-Frankfurt

1.

Thiếu em, thơ thiếu một dòng,
Lời ca thiếu nhịp, trong lòng thiếu vui
Tàu đi, tiếng sắt bùi ngùi
Đáy toa gió giật bóng người lùi nhanh.

Thiếu em, lan thiếu một nhành
Tay dư mười ngón, bóng hình dư gương
Bánh lăn, trục cuốn chiếu giường
Một nghìn cửa sổ thiếu đường tìm em.

Tầu êm, rượu rủ vào đêm
Ly men rót mãi cũng mềm lòng ga
Rượu say, đâu cũng là nhà
Hai thanh đường sắt thế mà gặp nhau.

2.

Chim bay từ Bắc sang Nam
Mặt trời đang lặn, nỗi hàn đang xa.
Em ơi từ lúc phôi pha
Mặt trăng càng tỏ sân ga càng gần.

Con tàu lặng lẽ vào sân
Anh là hành lý gửi lầm đến đây.

Cảm hứng chính của Viên Linh càng về sau càng cho chúng ta thấy rõ, nền tảng là cội rễ dân tộc, và mặt khác, là ngọn lửa tình yêu riêng tư từ trong bản thân, ngọn lửa ấy cũng có thể chính là mùa hoa địa ngục rực rỡ qua hình bóng Cúc Hoa. Hai nguồn cảm hứng ấy ngày càng làm phong phú đến vô hạn thi giới Viên Linh. Viết đến đây, tôi không thể kiềm chế mình để không trích dẫn thêm một bài khác nữa Viên Linh viết về Cúc Hoa trong những năm sau này.

Đêm khuya nghe tiếng gió lùa
Lắng trông ngoài cửa mơ hồ bước ma
Phải chăng em? Hỡi Cúc Hoa
Nửa đời tan tác một nhà nhớ mong

Em đi, đã chục năm ròng
Bánh xe lăn vội, chuyện lòng chìm mau
Tình ta, kìa đáy giếng sâu
Mạn thuyền sông Hậu, nhịp cầu Tiền Giang [6]

Em đi, trời đất bàng hoàng
Cơn mưa tầm tã, cũ càng gối chăn.
Đã nửa đời. Đã bao năm?
Mái xưa anh vẫn tìm thăm bóng người.

Tấm hình em, thuở chia đôi
Bước chân em,
có phải người ngoài hiên?
Đêm nay, tiếng động ngoài thềm
Phải chăng em đã tới miền hoá sinh?

Thơ Viên Linh càng về sau càng giản dị mà rực rỡ và đẹp lạ lùng. Cái giản dị đó cho chúng ta biết là nhà thơ đã dồn cả đời mình vào mà tập luyện, đẽo gọt, điêu khắc với chữ, cho đến lúc chữ đến như ma quỉ chỉ đường, như tiếng sét đánh ngang trời, và chữ tuôn tràn ra thành từ khúc, vần điệu. Cách đây mấy hôm, Viên Linh sao chụp lại từ mấy trang bản thảo của anh để tặng tôi bốn câu thơ ngắn nói về điều ấy, một loại định nghĩa về cảm hứng và sáng tạo, như Hồ Dzếnh với “Phút linh cầu” hay Hàn Mạc Tử "Tôi làm thơ? - Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng."

Không biết câu thơ tới lúc nào
Chỉ nghe trong gió chút âm hao
Lung linh giọt lệ đêm khuya dậy
Khóc lặng mà không hiểu tại sao.

Cảm hứng đến như một tia chớp, một tiếng sét, có lúc chỉ như cơn gió nhẹ thoảng qua, hay giọt lệ lung linh giữa đêm khuya chỉ trong một sát na, để truyền đi tất cả sức mạnh vô bờ của sự sáng tạo. Ở Viên Linh, cái sát na đó là trái chín của sự tích lũy, tu dưỡng của bao nhiêu năm tháng, rồi đến một lúc nào đó bất thần hiện ra, và nhà thơ sẽ còn phải "thôi xao" cho đến lúc nó hiện ra trong cái toàn vẹn của chính nó mới thôi. Ở Viên Linh, làm công việc ấy có nghĩa là phải đạt cho được cái đẹp của sự giản dị, tất nhiên để đạt đến cái giản dị đó thì phải cực kỳ công phu và hàm dưỡng.

Tôi chưa thấy một người làm thơ nào nuôi một tứ thơ đến 20 năm, và đến mấy ngày gần đây mới viết ra được với những cảm xúc đặc biệt vẫn chôn giữ trong lòng suốt hai thập niên qua. Làm thơ nói riêng, hoạt động nghệ thuật nói chung, là phải rèn tập, nuôi dưỡng, chứ chẳng thể nào ăn xổi ở thì. Tựa như Trịnh Bản Kiều, một hoạ sĩ đời Thanh, chuyên vẽ lan và trúc suốt hơn 50 năm, rèn luyện chuyên tâm cho nên lúc cầm bút vẽ thì tự nhiên đã thành tre trúc. Nhìn trúc của Trịnh Bản Kiều, chúng ta biết ngay là trúc mùa hè, mùa thu, hay mùa đông. Làm thơ cũng thế, lấy tỉ dụ với lục bát của Viên Linh. Mới trông thì tưởng dễ bởi vì thể lục bát đã có sẵn âm thanh, vần điệu, chỉ cần ráp hình ảnh mới lạ vào là được, nhưng đâu có phải như vậy. Hãy chậm rãi đọc lại và thưởng thức hai bài lục bát “Chữ nghĩa” và “Tạp Thi I” của Viên Linh, để thấy rằng lục bát của Viên Linh, một khía cạnh của thơ Viên Linh, đã đi tới cái đẹp giản dị mà vô cùng thanh tú và tao nhã, và như vậy, viết cho thành một bài lục bát hay cũng đâu phải là chuyện dễ, cũng như nét tre trúc của Trịnh Bản Kiều vậy, đã là ma quỉ hiện hình với tất cả cái thần tướng linh diệu của nó.

Chữ nghĩa

Đêm qua thơ hỏi ta rằng
Người ơi vần điệu vô hằng còn không?
Trái tim người có còn hồng
Nhánh cây đau khổ có trồng vườn ai?

Trái tim ta đã ở ngoài
Vườn ta thảo mộc u hoài từng cây.
Sáng nay chữ hỏi câu này
Người ơi Ý Tứ còn đầy hay vơi?

Chân phương Ý ở trong đời
Hoài nghi Tứ đã ra lời này kia.
Chữ ta từ Nghĩa ra đi
Tâm ta chỉ hiểu phân ly là nhà.

Chập chờn trong sách là ma
Tấm chân diện mục là hoa trái mùa.

Đêm qua tầm tã cây mưa
Văn chương vô mệnh hoang sơ lắm rồi.
Hỏi ta đừng hỏi bằng lời
Một cây rụng lá vườn trời không bay. [7]

Tạp thi I

1.

Sừng sững như núi như rừng
Mênh mông trang sách cánh đồng cổ xưa
Thiên thu một mối mơ hồ
Bao nhiêu mùa gặt chưa vừa bụng ta.

2.

Nửa đêm nghe động ngoài thềm
Thắp đèn mở cửa ngó mình trân trân
Xóm người, ma quỉ nào thăm
Trở vào đã thấy bóng trăng giữa nhà.

3.

Văn là đẹp vẽ là văn
Sử truyền ta vẽ từ năm xuống thuyền
Vẽ con cá sấu lên mình
Đôi khi nghệ thuật mạo hình quỉ ma. [8]

Sống với thơ như Viên Linh có lẽ cũng là chuyện hiếm trên đời, đó cũng là trường hợp của những Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Trần Tuấn Kiệt, Tô Thùy Yên, Phan Nhiên Hạo, Đỗ Kh., Nguyễn Đăng Thường... Viên Linh đánh đổi cuộc đời mình cho thơ, anh mãi hoài đi tới với thơ, mơ mộng với thơ, kiên gan với thơ, và chẳng bao giờ chịu đứng lại.

Tôi đợi nhiều năm chẳng thấy người
Nói làm chi nữa. Nói sao nguôi
Cái bay lồng lộng ngoài muôn dặm
Cái đứng chôn vùi bia mộ thôi.
("Cái đứng", bản thảo chưa xuất bản)

Viên Linh sống với thơ, nghĩa là anh đào sâu mãi vào những bí mật của sự sống và của chính bản thân mình, sống trong sự cô đơn vô cùng tận, để sẵn sàng chộp bắt ánh lửa của sự sáng tạo. Đó là phong cách của Viên Linh từ thuở đầu đến với thơ cho mãi đến ngày nay. "Sống ở đời, đầy sự nghiệp, nhưng sống như một thi sĩ", ý thơ của Holderlin mà Heidegger sử dụng để chú giải về hữu thể, chúng ta cũng có thể dựa vào nền tảng đó để khám phá lại Viên Linh; một dòng thơ mênh mông đại hải chảy qua gần nửa thế kỷ cùng với chiều dài đất nước. Dòng sông thi ca ấy vẫn còn tiếp tục chảy ngang đời sống chúng ta.

Và hôm nay, nó uốn khúc tới cảnh giới tận cùng của văn chương: ngày càng giản dị, sáng sủa, đơn thuần mà tiềm ẩn một vẻ rực rỡ mênh mông vô hạn.

Thành phố Vườn
HHU

Vài nét về Huỳnh Hữu Ủy, theo báo Khởi Hành 


Huỳnh Hữu Ủy


Huỳnh Hữu Ủy sinh năm 1946 ở Huế, quê quán Hiền Lương, Phong Điền, Thừa Thiên.

Trước 1975, đi lính, tòng sự tại Khối Quân Sử/PS/Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn, từng tham gia biên soạn một số sách Chiến sử và Lịch sử quâ n lực Việt Nam Cộng hoà.

Sở thích đặc biệt nhất là viết về mỹ thuật, khởi đầu với tiểu luận "Đường bay của nghệ thuật" in trên Tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao, số 93, Đặc biệt về hội hoạ, 1967, Sài Gòn. Từ đó liên tục viết về Mỹ Thuật, có nhiều bài viết công phu về Nghệ thuật Việt Nam đương đại. Sách đã xuất bản: Nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam, Hồng Lĩnh, Calif., 1993. Mấy nẻo đường của nghệ thuật và chữ nghĩa, Văn nghệ, Calif., 1999.

[1]Mai Thảo, Ta thấy hình ta những miếu đền, Văn Khoa, California, 1989.
[2]Trần Văn Nam "Văn Học Hải Ngoại như một món quà cho quê hương," trong Đóng góp với văn chương, bản in hạn chế từ computer riêng của tác giả, Walnut, California, 2004, trang 89.
[3]Lê Huy Oanh, “Đọc thơ Viên Linh”, tức bài “Phê bình Thuỷ Mộ Quan” đăng ở báo Đồng Nai số ra ngày 25.8.1983, California, in lại trên Khởi Hành, Số 74, tháng 12.2002, California, trang 23.
[4]Có thể xem lại định nghĩa Minh, Trâm, Tán trong Văn phạm Việt Nam của Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm, Nxb Tân Việt, bản in lần thứ tám, không ghi năm xb, trang 184-185.
[5]Lê Huy Oanh, Khởi Hành, số 74, đã dẫn ở trên, trang 24.
[6]Câu này tác giả đã sửa lại, -nhưng rồi lại thôi- song tôi vẫn in như lần bài thơ xuất hiện đầu tiên trên Khởi Hành số 93. Câu sửa là: Mạn thuyền Địa phủ, nhịp cầu Dương gian.
[7]"Lục Bát Viên Linh", Khởi Hành, Xuân Quí Mùi, số 75-76, 2003, trang 21.
[8]"Lục Bát Viên Linh," Khởi Hành, Xuân Quí Mùi, số 75-76, 2003, trang 21.



BVN-TH

No comments: