Friday, August 24, 2012

HOÀNG TRANH * TĂNG TUYẾT MINH

Tăng Tuyết Minh,
Người Vợ Trung Quốc Của
Nguyễn Ái Quốc
Hoàng Tranh

Lời toà soạn: Ðăng lại từ tờ Diễn Ðàn, toàn văn bài này Hồ Chí Minh với người vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh, đã đăng trên số tháng 11-2001 của tạp chí Ðông Nam Á tung hoành (Dọc ngang Ðông Nam Á), xuất bản tại Nam Ninh. Tác giả Hoàng Tranh (Huang Zheng) là nhà sử học, viện phó Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, tác giả cuốn Hồ Chí Minh với Trung Quốc (Nhà xuất bản Tân Tinh, Nam Ninh 1990). Bản dịch của Minh Thắng. Theo thông tin từ Hà Nội, một tạp chí sử học có ý đăng bài này, nhưng đã bị chặn lại. Ðoạn chữ thẳng cuối bài là tóm tắt của Diễn Ðàn. Ðiều này cho thấy chính sách báo của các nước Cộng Sản đã đưa ra những chứng cớ rành rành về sự lấy vợ của Hồ Chí Minh mà Nhà Nước CSVN vẫn một mực chối cãi.



" Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống độc thân suốt thời gian dài lâu nhưng hoàn toàn không phải Người suốt đời không lấy vợ. Thực ra, Hồ Chí Minh từng có một giai đoạn sống trong hôn nhân chính thức. Ðó là vào thời kì những năm 20 đầu thế kỉ XX khi người tiến hành công tác cách mạng tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nói cụ thể là vào tháng 10 năm 1926, Hồ Chí Minh từng lấy cô gái Quảng Châu Tăng Tuyết Minh làm vợ, đã cử hành hôn lễ, sau khi cưới đã chung sống với nhau hơn nửa năm. Vào tháng 5 năm 1927, sau khi rời Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã mất liên lạc với vợ và từ đó không thể gặp lại nữa. Từ đó, đôi tình nhân ấy, người không bao giờ đi bước nữa, người không một lần nào nữa cưới vợ, mỗi người một phương trời, đều sống độc thân cho đến khi từ biệt cõi đời này."
" Tăng Tuyết Minh, người vợ Trung Quốc của Hồ Chí Minh, quê ở huyện Mai tỉnh Quảng Ðông, sinh tháng 10 năm 1905 ở thành phố Quảng Châu. Thân phụ của Tuyết Minh là Tăng Khai Hoa, thời trẻ một mình đến Ðàn Hương Sơn (Hono-lulu) lúc đầu làm công, sau buôn bán ; khi tích luỹ được ít vốn liếng, trở về nước tiếp tục buôn bán, gia cảnh khấm khá, vui vẻ. Người vợ đầu của ông Tăng Khai Hoa họ Phan, sinh được hai trai một gái. Sau khi bà Phan bị bệnh mất, ông lấy bà vợ kế họ Lương là người huyện Thuận Ðức sinh được 7 cô con gái nữa. Tăng Tuyết Minh là con út, bởi vậy những người quen biết Tăng Tuyết Minh thường gọi cô là " cô Mười ". Khi cô 10 tuổi thì người cha qua đời, để lại một chút bất động sản. Bà Lương thị cùng Tuyết Minh sống qua ngày nhờ vào tiền thuê nhà, gia cảnh không được như trước. Năm 1918, mới 13 tuổi, Tuyết Minh đã bắt đầu theo chị là Tăng Tuyết Thanh, một y sĩ sản khoa, học việc hộ lí và đỡ đẻ. Ðầu năm 1923, người chị ấy đưa Tăng Tuyết Minh đến Phiên Ngu để học Cao đẳng tiểu học. Nửa năm sau, Tăng Tuyết Thanh chẳng may lìa đời, Tăng Tuyết Minh mất đi nguồn chu cấp, ngay tháng 7 năm ấy phải vào trường Hộ sinh Quảng Châu học tập. Tháng 6 năm 1925, Tăng Tuyết Minh tốt nghiệp trường trợ sản, được ông hiệu trưởng giới thiệu đến trạm y tế La Tú Vân làm nữ hộ sinh. Chính thời gian này Tăng Tuyết Minh làm quen với Hồ Chí Minh lúc ấy đang tiến hành công tác cách mạng ở Quảng Châu."
" (...) Tháng 11 năm 1924, Hồ Chí Minh từ Mạc Tư Khoa đến Quảng Châu, lấy tên là Lý Thuỵ, làm việc tại phòng phiên dịch của cố vấn Borodin, thuộc Hội Lao Liên của Tôn Trung Sơn, trú ngụ tại nhà hàng của ông Bào tại quảng trường Ðông Hiệu. Sau những giờ làm công tác phiên dịch, Hồ Chí Minh dành nhiều thì giờ và tâm sức vào công việc liên kết và tổ chức các chiến sĩ cách mạng Việt Nam, sáng lập tổ chức cách mạng Việt Nam, huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam trong công tác. Trong thời gian ấy, những thanh niên cách mạng Việt Nam đến Quảng Châu trước như Hồ Tùng Mậu, Lâm Ðức Thụ đều trở thành trợ thủ đắc lực cho Người. Lâm Ðức Thụ cùng người vợ Trung Quốc của ông là Lương Huệ Quần chính là ông mối bà mối cho cuộc hôn nhân của Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh."
" Lâm Ðức Thụ vốn tên là Nguyễn Công Viễn, người huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, sinh năm 1890 (cùng tuổi với Hồ Chí Minh). Hồ Chí Minh cùng với gia đình Lâm Ðức Thụ có thể nói là chỗ giao hảo nhiều đời. Hai người quen biết nhau từ thuở thiếu thời, lại cùng chí hướng. Năm 1911, Hồ Chí Minh đến châu Âu tìm chân lí cách mạng, gần như đồng thời, hưởng ứng lời hiệu triệu của nhà chí sĩ chống Pháp lão thành Phan Bội Châu, Lâm Ðức Thụ muốn Ðông du qua Nhật, nhưng khi nổ ra Cách mạng Tân Hợi, Phan Bội Châu tới Trung Quốc, sáng lập Việt Nam Quang phục hội ở Quảng Châu, Lâm Ðức Thụ theo Phan Bội Châu đến Quảng Châu và gia nhập hội đó. Ðầu năm 1922, một số thanh niên nhiệt huyết trong Việt Nam Quang phục hội cảm thấy thất vọng về cánh già bảo thủ nên đã li khai Quang phục hội để lập ra một đoàn thể cấp tiến hơn là Tâm tâm xã. Sau khi đến Quảng Châu, Hồ Chí Minh rất nhanh chóng liên hệ được với Tâm tâm xã và quyết định cải tạo tổ chức này thành một tổ chức cách mạng chân chính của giai cấp vô sản Việt Nam. Hồ Chí Minh vốn quen biết Lâm Ðức Thụ từ trước nên ở Quảng Châu Người coi Lâm là cốt cán có thể tin cậy.
" Lâm Ðức Thụ hoạt động ở Quảng Châu một thời gian khá lâu. Ở đây ông đã lấy cô gái Trung Quốc Lương Huệ Quần làm vợ. Mẹ của Lương Huệ Quần là một thầy thuốc đã mở tại thành phố Quảng Châu một dịch vụ y tế. Lương Huệ Quần có làm công tác y tá tại đó. Năm 1925, Tăng Tuyết Minh tốt nghiệp trường Bảo sinh trợ sản, qua sự giới thiệu của ông hiệu trưởng đã tới cơ sở dịch vụ y tế của mẹ Lương Huệ Quần làm cô đỡ nên đã nhanh chóng quen biết với Lương Huệ Quần và trở nên thân thiết. Lương Huệ Quần lớn hơn Tăng Tuyết Minh 3 tuổi nên cô thường gọi là " chị Quần ", hai cô đối xử với nhau như chị em ruột.
" Lâm Ðức Thụ sau năm 1927 đã từng bước phản bội, li khai hàng ngũ cách mạng Việt Nam làm không ít điều nguy hại cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhưng tại thời điểm mấy năm Hồ Chí Minh mới đến Quảng Châu thì ông ta cũng là một thanh niên cách mạng hăng hái có triển vọng. Hồ Chí Minh chẳng những được Lâm Ðức Thụ phối hợp và chi viện trong công tác mà còn được Lâm giúp đỡ cả về mặt kinh tế. Hồ Chí Minh thậm chí đã đem cả chuyện trăm năm của mình phó thác cho Lâm Ðức Thụ. Mùa hè năm 1926, Hồ Chí Minh đề xuất với Lâm Ðức Thụ rằng do việc công quá bận rộn, anh cũng muốn tìm một cô gái Trung Quốc để tiện trong cuộc sống nơi cư trú có người chăm sóc. Lâm Ðức Thụ cùng với vợ là Lương Huệ Quần bàn bạc thấy Tăng Tuyết Minh là đối tượng thich hợp bèn giới thiệu cho Tăng Tuyết Minh và Hồ Chí Minh làm quen với nhau. Hồ Chí Minh sau khi gặp mặt Tăng Tuyết Minh đã rất có cảm tình với cô gái Quảng Châu có gương mặt trái xoan, da trắng nõn điềm đạm, đoan trang, thông minh, sáng dạ, vì vậy sau giờ làm thường hẹn gặp và trò chuyện với cô. Nơi gặp gỡ thường là nhà Lương Huệ Quần. Cảm tình của đôi bên ngày càng sâu sắc, nhanh chóng đi đến trao đổi về hôn lễ. Thời gian này Hồ Chí Minh thường đưa Tăng Tuyết Minh đến nhà hàng của ông Bào để gặp phu nhân họ Bào và tranh thủ ý kiến của bà về việc hôn nhân của họ. Phu nhân họ Bào nhiệt liệt tán thành việc kết hôn của họ. Thế nhưng bà mẹ Tăng Tuyết Minh ngay từ đầu không đồng ý cuộc hôn nhân này vì thấy Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng phiêu lưu bạt xứ, ở không định nơi, con gái lấy người như vậy rồi sẽ khổ đau một đời. Ðúng vào lúc ấy người anh hai của Tăng Tuyết Minh là Tăng Cẩm Tương, sau một thời gian sang Mỹ học tập đã trở về Quảng Châu.Anh gặp Hồ Chí Minh, dùng tiếng Anh trò chuyện, thấy Hồ Chí Minh có học vấn rất tốt, lão luyện và cẩn trọng, lại tâm huyết với sự nghiệp, vì thế anh đã thuyết phục bà mẹ đồng ý với cuộc hôn nhân này."
" Hồ Chí Minh gặp Tăng Tuyết Minh luôn luôn. Một mặt, cố nhiên, anh thích tính giản dị, đoan trang, thông minh, chăm chỉ của cô gái ; mặt khác anh cũng cảm thấy cô còn non nớt, cần phải giác ngộ chân lí cách mạng hơn, hiểu đời hơn nữa và nâng cao năng lực hoạt động hơn. Vì vậy anh động viên Tuyết Minh thôi việc nữ hộ sinh ở cơ sở dịch vụ y tế và tham gia học tập ở một lớp huấn luyện vận động phụ nữ. Lúc ấy Ban phụ vận của Trung ương Quốc dân đảng Trung Quốc do Hà Hương Nghi chủ trì, đang dự định mở một cơ sở huấn luyện vận động phụ nữ tại Quảng Châu nhằm bồi dưỡng cán bộ phụ nữ trong nước. Hồ Chí Minh thông qua sự quen biết trực tiếp với các vị Chu Ân Lai, Ðặng Dĩnh Siêu, Lí Phú Xuân, Thái Sướng, xin được hai suất cho Tăng Tuyết Minh và Lương Huệ Quần cùng vào học lớp huấn luyện vận động phụ nữ. Kì ấy, lớp khai giảng ngày 16 tháng 9 năm 1926 và kết thúc vào ngày 16 tháng 3 năm 1927, thời gian học tập là nửa năm. Quảng Châu thời ấy là trung tâm của cách mạng Trung Quốc. Trong quá trình lớp huấn luyện phụ vận tiến hành, người ta chẳng những đã mời không ít các đồng chí có trách nhiệm của Ðảng cộng sản Trung Quốc đến giảng mà còn tổ chức cho học viên tham gia các hoạt động xã hội. Nhờ được học tập, quả nhiên Tăng Tuyết Minh tiến bộ rất nhanh, trong khoá học, được bạn đồng học là Trịnh Phúc Như giới thiệu, cô đã gia nhập Ðoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa."

                                                                                                                                                                                 

             Nguyễn Ái Quốc và Tăng Tuyết Minh
                                    thập niên 1920
                         (thời điểm kết hôn: 1926)

"Do Hồ Chí Minh lại thúc giục nên hôn lễ của hai người đã được cử hành vào tháng 10 năm 1926. Lúc ấy Hồ Chí Minh 36 tuổi, còn Tăng Tuyết Minh 21. Ðịa điểm tổ chức hôn lễ là nhà hàng Thái Bình trước Ty Tài chính ở trung tâm thành phố. Ðó cũng là địa điểm mà một năm trước đấy Chu Ân Lai và Ðặng Dĩnh Siêu mời khách đến dự lễ kết hôn của mình. Tham dự hôn lễ có phu nhân Bào La Ðình, Thái Sướng, Ðặng Dĩnh Siêu và một bộ phận học viên khoá huấn luyện phụ vận. Phu nhân họ Bào tặng một lẵng hoa tươi. Mấy ngày đầu sau lễ cưới, Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh tạm trú trong Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội, vốn là nơi nghỉ ngơi của Hồ Chí Minh. Lúc ấy, Hồ Chí Minh đang chủ trì khoá huấn luyện chính trị đặc biệt thứ III của Việt Nam, do học viên khá đông nên địa điểm học tập đã chuyển từ Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội đến phố Nhân Hưng ở đường Ðông Cao. Mấy ngày sau Hồ Chí Minh và Tăng Tuyết Minh dọn đến trú ngụ ở quán của ông Bào, lúc đầu dùng bếp tập thể, sau tự nấu nướng. Hồ Chí Minh bận rộn công tác, mọi việc nhà đều do Tăng Tuyết Minh quán xuyến. Cô chăm sóc chu đáo mọi sự ăn uống, sinh hoạt thường ngày của Hồ Chí Minh, giúp cho anh từ tuổi 21 đã xa nhà bôn tẩu, làm " kẻ phiêu diêu " góc bể chân trời, thì nay sau 15 năm lại có được cảm giác ấm áp " ở nhà mình ". Hồ Chí Minh rất mãn nguyện về cô vợ Trung Quốc của mình. Sau ngày cưới, Hồ Chí Minh từng nhiều lần đàm đạo với Lâm Ðức Thụ, Lương Huệ Quần về vợ mình, đều nói rõ điều đó."

Uyên ương chia lìa đôi ngả

" Thế nhưng phúc chẳng dài lâu. Ngày 12 tháng 4 năm 1927, mới nửa năm sau khi Hồ Chí Minh với Tăng Tuyết Minh kết hôn, Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng, phát động cuộc chính biến phản cách mạng tại Thượng Hải, tình thế ở Quảng Châu cũng chuyển biến theo. Trước đó, chính phủ Quốc dân đã rời tới Vũ Hán. Trụ sở của đoàn cố vấn Lao Liên cũng rời tới Vũ Hán. Và tất nhiên, Hồ Chí Minh cũng phải chuyển đến Vũ Hán. Trung tuần tháng 5, Hồ Chí Minh lưu luyến chia tay với Tăng Tuyết Minh, trước lúc lên đường dặn đi dặn lại Tăng Tuyết Minh: " Em phải bảo trọng, đợi tin tức của anh ; ổn định nơi chốn một chút là anh đón em ngay ". Thế rồi, Hồ Chí Minh rời Quảng Châu, chuyển đến Vũ Hán, rồi lại chuyển đến Thượng Hải, đi đường Hải Sâm Uy, khoảng giữa tháng 6 năm 1927 đến Mạc Tư Khoa. Sau đó, Hồ Chí Minh lại vội vàng đến Ðức, Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Italia... tạm ngừng công tác, cuối cùng, tháng 8 năm 1929, đến Thái Lan.
" Do Tưởng Giới Thạc phản bội, thành Quảng Châu rơi vào giữa một cuộc khủng bố trắng. Sau khi chia tay với Hồ Chí Minh, Tăng Tuyết Minh một mình về sống với mẹ và những người thân. Trong hai năm, từ tháng 7 năm 1927 đến tháng 6 năm 1929, Tăng Tuyết Minh vào trường Anh văn Kiêm Bá và trường Trung học nữ sinh Tân Á học tập. Thời gian đầu, cô còn giữ được liên hệ với một số đồng chí cách mạng quen biết ở cơ sở huấn luyện phụ vận. Về sau do Quốc dân đảng ngày càng đàn áp tàn bạo các đảng viên cộng sản, các đồng chí mà Tăng Tuyết Minh quen biết đều rời Quảng Châu, mối liên hệ về tổ chức của cô với đoàn viên Ðoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa Trung Quốc cũng bị gián đoạn. Tháng 7 năm 1929, Tăng Tuyết Minh rời Quảng Châu, về quê nhà của mẹ ở Thuận Ðức, làm nữ hộ sinh tại một trạm y tế tư ở thị trấn Lặc Lưu. Ðầu năm 1930, cô lại chuyển đến làm nữ hộ sinh ở y xá Quần An của Dư Gia Viên, thị trấn Lạc Tòng, huyện Thuận Ðức.
"Thời gian này, Hồ Chí Minh có hai lần nhờ người mang thư và gửi thư liên hệ với Tăng Tuyết Minh, nhưng đều không kết quả. [...] Sau khi đến Thái Lan, Người lấy tên là Ðào Cửu, tiến hành công tác tuyên truyền và tổ chức cách mạng trên đất Thái Lan. [...] đã hơn một năm Hồ Chí Minh li biệt với Tăng Tuyết Minh, nhớ nhung da diết. Nơi đây cách Trung Quốc tương đối gần, nhờ người chuyển thư cũng tiện, bèn cầm bút viết thư cho Tăng Tuyết Minh. Hồ Chí Minh cũng nghĩ đến thời cuộc biến loạn, tình huống thiên biến vạn hoá, thư có đến được tay vợ hay không, thật khó dự đoán. Vì vậy, anh quyết định dùng lời lẽ ngắn gọn, hàm súc viết một bức thư ngắn, bảo cho biết mình vẫn bình an và thăm hỏi người thân. Nội dung bức thư đó như sau: "Từ ngày chia tay với em, đã hơn một năm trôi qua. Nhớ thương khắc khoải, chẳng nói cũng hiểu. Nay mượn cánh hồng, gửi mấy dòng thư để em yên tâm, đó là điều anh mong mỏi, và cầu cho nhạc mẫu vạn phúc. Anh trai vụng về, Thuỵ ". 

Phiên âm
Dữ muội tương biệt,
Chuyển thuấn niên dư,
Hoài niệm tình thâm,
Bất ngôn tự hiểu.
Tư nhân hồng tiện,
Dao ký thốn tiên,
Tỷ muội an tâm,
Thị ngã ngưỡng (*) vọng.
  Tinh thỉnh
  Nhạc mẫu vạn phúc.
Chuyết huynh Thuỵ
Cùng em xa cách
Ðã hơn một năm
Thương nhớ tình thâm
Không nói cũng rõ.
Cánh hồng thuận gió
Vắn tắt vài dòng
Ðể em an lòng
Ấy anh ngưỡng vọng.
  Và xin kính chúc

  Nhạc mẫu vạn phúc.
Anh ngu vụng: Thuỵ
(Bản dịch của N.H.Thành)



Thư của Nguyễn ái Quốc (Lý Thuỵ) gửi Tăng Tuyết Minh, bị Mật thám Ðông Dương chặn được ngày 14.8.1928, hiện tàng trữ tại C.A.O.M. (Aix en Pro-vence). Xuất xứ: Daniel Hémery, HOCHIMINH De L'Indochine au Vietnam, Gallimard, Paris 1990, tr.145.
*) Sau khi do dự giữa sởngưỡng, ông Nguyễn Hữu Thành đã chọn phiên âm là ngưỡng. Ba nhà Hán học khác thì cả quyết là sở và cho biết đó là tự dạng cổ. Bất luận thế nào, sở vọng hay ngưỡng vọng ở đây đều nói lên ý ước mong [chú thích của Diễn Ðàn]
     "[...] Không rõ người mang thư sơ suất, hay là anh ta vốn dĩ không thể tin cậy, mà bức thư đó đã nhanh chóng lọt vào tay cơ quan mật thám Pháp ở Ðông Dương, cuối cùng thành vật lưu trữ tại Cục hồ sơ can án quốc gia của nước Pháp. Năm 1990, trong dịp kỉ niệm 100 năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Gallimard ở Pháp đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Hồ Chí Minh - từ Ðông Dương đến Việt Nam, giữa tranh ảnh minh hoạ trong sách có bản in chụp bức thư bằng Trung văn nói trên của Hồ Chí Minh gửi cho vợ, với những dòng thuyết minh: “ Thư của Nguyễn ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) viết cho vợ.Chuyển tới cơ quan đặc vụ Ðông Dương ngày 14 tháng 8 năm 1928 ”. [...] Một tác giả tên là Bùi Ðình Kế trên báo Nhân Dân của Việt Nam, số ra ngày 19 tháng 5 năm 1991 đã dẫn lại bức thư đó trong bài nhan đề Về một tài liệu liên quan sinh hoạt cá nhân của Nguyễn Ái Quốc. Bài báo đã phân tích và phỏng đoán bức thư đó liệu có phải của Hồ Chí Minh hay không. Tuy nhiên, đã không đưa ra được kết luận rõ ràng. Thực ra, bức thư đó chính xác là do Hồ Chí Minh viết. Một là, đối chiếu với những thư cảo Trung văn của Hồ Chí Minh thì bức thư đó hoàn toàn ăn khớp với bút tích của người. Hai là, lúc Hồ Chí Minh viết bức thư đó cách thời điểm chia tay với Tăng Tuyết Minh đúng là hơn một năm như nói ở trong thư. Ba là, tên kí dưới thư thuỴ đúng là bí danh Hồ Chí Minh dùng trong thời gian ở Quảng Châu. Bốn là, Tăng Tuyết Minh từ nhỏ mất cha, chỉ có mẹ lúc ấy còn sống, và Hồ Chí Minh nắm rõ điều đó, nên trong thư chỉ vấn an nhạc mẫu. Căn cứ những điều trên, bức thư đó do Hồ Chí Minh viết, không còn nghi ngờ gì nữa. Thư viết xong đã rơi vào tay mật thám Pháp, đó là điều Hồ Chí Minh đã không thể lường trước được.
" Lúc ấy, Hồ Chí Minh công tác ở Thái Lan đến tận tháng 11 năm 1929. Sau đó, Người được Quốc tế Cộng sản cử đến Hương Cảng, triệu tập hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản. " Hội nghị thống nhất " đã khai mạc tại Hương Cảng ngày 3 tháng 2 năm 1930, chính thức tuyên bố thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sau hội nghị, tháng 3 năm đó Hồ Chí Minh trở lại Thái Lan, tháng 4 lại đến Hương Cảng. Sau, nhiều lần lại từ Hương Cảng đến Thượng Hải, tiến hành công tác tuyên truyền và tổ chức cách mạng trong Việt kiều tại tô giới Pháp ở Thượng Hải. Lúc ấy, các đảng viên cộng sản Việt Nam Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng... cũng đang hoạt động trong Việt kiều ở Thượng Hải. Ðầu tháng 5 năm 1930, Hồ Chí Minh lại viết một bức thư nữa từ Thượng Hải gửi Tăng Tuyết Minh. Bức thư này gửi qua Quảng Châu cho Tăng Tuyết Minh lúc ấy đang làm nữ hộ sinh ở cơ sở dịch vụ y tế tại Gia Dư Viên, thị trấn Lặc Lưu, huyện Thuận Ðức. Nội dung yêu cầu Tăng Tuyết Minh mau mau đến Thượng Hải đoàn tụ. Trong thư có hẹn kì hạn và nói rõ nếu quá hạn đó mà Tăng Tuyết Minh không đến sẽ đành một mình xuất ngoại. Thế nhưng, với cả bức thư này nữa, cũng đã xảy ra chuyện ngoài ý muốn, Tăng Tuyết Minh cũng không sao nhận được. Tài liệu hồi ức do Tăng Tuyết Minh viết cũng như lời kể lại của bà qua thư từ trao đổi với tác giả bài này đều nói tới hoàn cảnh của sự cố này.
" Hoá ra, tháng 7 năm 1929 Tăng Tuyết Minh sau khi đã rời Quảng Châu, làm nữ hộ sinh ở trạm y tế của bác sĩ Dư Bác Văn mới mở ra ở thị trấn Lặc Lưu, huyện Thuận Ðức, đến cuối năm. Ðầu năm sau, cô lại chuyển đến làm nữ hộ sinh tại y xá Quần An của Sa Khiếu ở thị trấn Lạc Tòng cũng huyện Thuận Ðức. Bức thư của Hồ Chí Minh chuyển đến cho trạm y tế của Dư Bác Văn ở thị trấn Lặc Lưu thì lúc ấy Tăng Tuyết Minh đã rời đi rồi. Trưởng trạm y tế Dư Bác Văn chẳng những không kịp thời chuyển thư đến Tăng Tuyết Minh mà ngược lại còn tự ý mở thư trước mặt vợ mình, lại còn gọi thêm cả nữ y sĩ Hoàng Nhã Hồng, xem trộm nội dung thư, sau đó đem đốt đi. Nửa năm sau khi xảy ra chuyện đó, Tăng Tuyết Minh trở lại Quảng Châu thăm mẹ và nhận lời mời đến dự lễ khai trương cơ sở y tế tại nhà một bạn đồng học cũ. Tại đây cô bất ngờ gặp laại nữ y sĩ HoàngNhã Hồng, người đã từng làm việc cùng tại thị trấn Lặc Lưu, huyện Thuận Ðức. Nữ y sĩ đó đã đem toàn bộ sự việc tuôn ra hết ngọn ngành. Lúc ấy so với thời hạn Hồ Chí Minh hẹn gặp nhau ở Thượng Hải thì đã qua nửa năm. Tăng Tuyết Minh chỉ còn biết kêu khổ khôn nguôi, nuốt nước mắt vào lòng. Như vậy con người kia đã gieo tại hoạ khiến Tăng Tuyết Minh mất đi cơ hội được trở lại bên chồng, cũng gây cho cô một bi kịch suốt đời trong tương lai.
" Ðến cuối năm 1931, rốt cuộc Tăng Tuyết Minh cũng có được một cơ hội gặp Hồ Chí Minh nhưng lại là tại toà án của nhà đương cục Anh ở Hương Cảng xét xử Hồ Chí Minh. Tăng Tuyết Minh chỉ có thể nhìn thấy Hồ Chí Minh từ rất xa, còn Hồ Chí Minh thì hoàn toàn không biết vợ mình có mặt tại toà. Cuối những năm 20 - đầu 30 hoàn cảnh của các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động tại Hương Cảng rất tồi tệ. Trong hàng ngũ cách mạng có kẻ phản bội, các cơ sở bí mật bị phá hoại, chính quyền thực dân Pháp và nhà đương cục Anh ở Hương Cảng cấu kết với nhau bắt bớ các chiến sĩ cách mạng. Hồ Tùng Mậu bị các nhà đương cục Anh bắt rồi giao cho mật thám Pháp " dẫn độ " về Việt Nam giam cầm. Hồ Chí Minh cũng bị các nhà đương cục Anh bắt ngày 5-6-1931, lí do là làm tay sai cho hội Lao Liên, âm mưu tiến hành hoạt động phá hoại tại Hương Cảng. Sau khi Hồ Chí Minh bị bắt, Quốc tế Cộng sản thông qua hội Chữ thập đỏ quốc tế kêu gọi cứu giúp. Tổ chức đó lại mời một luật sư tiến bộ người Anh ở Hương Cảng là ông Loseby bào chữa cho Hồ Chí Minh. Sau vài tháng bị giam giữ, Hồ Chí Minh bị đưa ra xét xử. Lần này đến Hương Cảng, Người lấy bí danh là Tống Văn Sơ. Nhưng sau khi bị bắt nhà đương cục Anh đã phát hiện đó chính là Lý Thuỵ, cũng tức là Nguyễn Ái Quốc. Lúc ấy rất nhiều báo Hương Cảng đưa tin. Cùng thời gian này, thân mẫu Tăng Tuyết Minh đang bị bệnh. Cô cùng mẹ đến Hương Cảng trú tại cơ sở chữa bệnh của anh cả là Tăng Cẩm Nguyên. Ðọc được tin toà sẽ xét xử chồng mình là Lý Thuỵ liền nhờ bạn bè cũ cùng đến toà. Người đến dự thính xét xử rất đông. Tăng Tuyết Minh phải ngồi nghe cách xa phòng xử án. Nhìn thấy hình dáng tiều tuỵ của người chồng xa cách đã năm năm mà lòng khôn ngăn trăm mối ngổn ngang. Nhưng do khoảng cach khá xa, lại giữa toà ánm vợ chồng chẳng những vô phương trò chuyện mà Hồ Chí Minh thậm chí chắc chắn không hề biết Tăng Tuyết Minh đang ở trước mắt mình. Tăng Tuyết Minh muốn đến thăm nom nhưng có lời truyền ra rằng đây là một trọng phạm chính trị không được phép thăm hỏi, gặp gỡ. Tăng Tuyết Minh hỏi dò nhiều nơi và biết được rằng hội Hồng thập tự quốc tế và luật sư Loseby đang tìm cách cứu Hồ Chí Minh, tình cảnh có lẽ cũng sẽ chuyển biến, đành cùng thân mẫu trở về Quảng Châu, lòng hoang mang không biết làm sao.
" Tháng 2 năm 1932, thân mẫu Lương thị của Tăng Tuyết Minh bệnh nặng qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Tăng Tuyết Minh chuyển đến công tác ở y xá Quần An ở huyện Ðông Hoàn, vốn là cơ cấu phân chi của y xá Quần An huyện Thuận Ðức, vẫn làm nữ hộ sinh. Lúc này, cha mẹ cô đều đã mất, anh em đông nhưng người thì đi xa, người thì chết sớm, Tăng Tuyết Minh côi cút độc thân, thật là buồn khổ. Năm 1943, sau tiết xuân, thầy giáo cũ là Trương Tố Hoa mở tại đường Long Tân ở Quảng Châu một phòng chẩn trị, có lời mời Tăng Tuyết Minh đến giúp sức. Cô bèn xin thôi việc ở Ðông Hoàn, đến phòng chẩn trị của Trương Tố Hoa làm nữ hộ sinh và làm việc ở đó cho đến tận ngày (Trung Quốc) giải phóng. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, chính phủ tiến hành cải tạo và chỉnh đốn các cơ sở kinh tế tư nhân, thành lập các trạm vệ sinh bảo vệ sức khoẻ tại các khu. Tăng Tuyết Minh hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, đã đến công tác tại trạm số 8 ở khu vực phía Tây. Về sau trạm này đổi gọi là Viện Vệ sinh Kim Hoa (nay là Viện Y học Trung y khu Lệ Loan). Tăng Tuyết Minh công tác ở đó, hành nghề nữ hộ sinh đến tận năm 1977 khi về hưu."
Thế là từ sau lần trông thoáng thấy chồng ở Hương Cảng, không bao giờ Tăng Tuyết Minh gặp lại Nguyễn Ái Quốc nữa. Theo tác giả Hoàng Tranh, tháng 5-1950, thấy hình Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Nhân dân Nhật báo cùng với tóm tắt tiểu sử, bà tin chắc Hồ Chí Minh chính là chồng mình, nhất là sau khi tìm mua được cuốn Truyện Hồ Chí Minh (nhà xuất bản Tân Hoa). Bà đã " báo cáo với tổ chức ”, đồng thời gửi mấy bức thư cho chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh là Hoàng Văn Hoan. Những bức thư ấy “ đều như đá chìm biển khơi (...) thậm chí chúng có được gửi ra khỏi Quảng Châu hay không là điều còn đáng hoài nghi ". Tuy nhiên, một cán bộ lãnh đạo Quảng Châu đã tới gặp Tăng Tuyết Minh, trao cho bà lá thư của bà Thái Sướng (một trong những người đã tới dự tiệc cưới năm 1926 cùng với bà Ðặng Dĩnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai) " chứng thực Hồ Chí Minh chính là Lý Thuỵ cũng tức là chồng Tăng Tuyết Minh ". Cán bộ này cũng " giải thích (...) lí do tại sao không tiện liên lạc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hy vọng Tăng Tuyết Minh hiểu và lượng thứ việc này, yên tâm công tác ". Vẫn theo sử gia Hoàng Tranh thì về phần mình, Hồ Chí Minh đã " từng thông qua Tổng lãnh sự ViệtNam tại Quảng Châu dò tìm tăm tích của Tăng Tuyết Minh, năm 1960 lại nhờ Bí thư Trung Nam cục Ðào Chú dò tìm dấu vết của bà " song " việc trên đương nhiên không thể có bất kì kết quả gì " vì " điều này vào thời ấy hoàn toàn không kì lạ ".
Bà Tăng Tuyết Minh đã " yên tâm công tác ” cho đến năm 1977 mới về hưu, sau 52 năm tận tuỵ với nghề nữ hộ sinh. Theo Hoàng Tranh, gia đình bà theo đạo Công giáo từ đời ông nội, và bà " thường xuyên đi lễ ở giáo đường ". Bà " có thói quen ăn uống đạm bạc, không dùng cá thịt ", cuộc sống " vô cùng giản dị ", " luôn vui vẻ giúp người "...
" 11 giờ 15 phút ngày 14 tháng 11 năm 1991, sau 86 năm trải qua con đường đầy lận đận long đong, tại nơi cư ngụ [687 đường Long Tân Ðông, Quảng Châu], cụ bà Tăng Tuyết Minh đã bình yên nhắm mắt, thanh thản trút hơi thở cuối cùng ".
Hoàng Tranh

No comments: