Saturday, August 25, 2012

BILL BELL * MẬU THÂN

CUộC CHIẾN TẾT MậU THÂN DƯỚI
NHÃN QUANG CỦA MộT CỰU CHIẾN BINH HOA KỲ

Bill Bell


          LTS.- Bill Bell là một cán sự bậc GM-14 (tức cấp
                Tá) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
                Ông Bell qua Việt Nam năm 1965 là lính trinh sát.
                Sau khi chuyển qua ngành Tình Báo tại Sài Gòn,
                ông Bell được chuyển qua làm Trưởng Phòng Liên
                Lạc Phái Đoàn Hoa Kỳ trong Ban Liên Hợp Quân Sự
                Bốn Bên. Ông Bell mất người vợ và đứa con trai
                trong chiếc máy bay C-5A bị rơi tại Gò Vấp. Sau
                khi hồi huơng di hài vợ con ông xong, ông quay
                trở lại Việt Nam và ra Hà Nội ngày 25 tháng 4 để
                nhận điều kiện di tản Sài Gòn. Ông Bell rời Việt
                Nam bằng trực thăng vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
                Dưới thời kỳ chính quyền Tổng Thống Bush, ông
                Bell được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Liên Lạc của
                Hoa Kỳ tại Hà Nội. Hiện nay ông Bell làm điều tra
                hình sự tại Khu Tư Pháp 12, tiểu bang Arkansas.
                Dưới đây là nguyên văn bài viết bằng tiếng Việt
                của Ông Bill Bell

                                                      
                                                   

          Mỗi năm, Tết Nguyên Đán sắp đến tôi lúc nào cũng nhớ đến
     một người lính Biệt Kích Dù Mỹ đã góp phần quan trọng trong
     cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của Việt Cộng năm 1968. Hồi
     còn thanh niên, tôi có hai lần làm việc dưới quyền Đại Tá
     Charlie Beckwith, và thấy rằng Đại Tá là loại người chỉ huy
     mình không bao giờ quên được. Đại Tá Beckwith làm việc rất
     sốt sắng nên anh em trong đơn vị hay gọi tên của Đại Tá là
     "Chargin' Charlie," tức "Charlie lao vào." Đại Tá rất được
     nổi tiếng trong quân đội vì trong chiến dịch Plei Me năm
     1965 Đại Tá đi quan sát trên một chiếc trực thăng nhỏ bị
     trúng một viên đạn súng cao xạ 12,7 ngay ở giữa bụng của
     mình. Mặc dù mổ bụng mất một nửa lá lách, Đại Tá vẫn tiếp
     tục chiến đấu tại Việt Nam lâu năm. Song đối với nhân dân
     Mỹ họ chỉ bắt đầu biết Đại Tá vài năm sau khi chiến tranh
     Việt Nam kết thúc và lúc Đại Tá chỉ huy vụ đột kích của
     lực luợng "Denta" vào Iran để cứu thoát 52 con tin Mỹ bị
     chính quyền Ayatollah Khomeini giam giữ.

          Còn đối với chiến tranh Việt Nam, sau một năm lãnh đạo
     "Chương Trình Denta", tức chương trình trinh sát chiến lược
     tại vùng Cao Nguyên Trung Phần, Đại Tá nhận được lệnh chuyển
     về làm Phòng Nhì Sư Đoàn 101 Dù đóng tại trại Fort Campbell,
     tiểu bang Kentucky. Lúc đó tôi cũng ở vùng Cao Nguyên mới
     về và được nhập vào tiểu đoàn 2/506 Dù của sư đoàn. Tôi nghĩ
     rằng vào lúc ấy Đại Tá đã biết trước là cả sư đoàn sắp sửa
     qua Việt Nam chiến đấu, bởi vì trong sư đoàn thiếu người nói
     được tiếng Việt và Đại Tá đã phối hợp với phòng 1, nhờ họ
     chuyển tôi từ tiểu đoàn Dù qua Biệt đội Quân báo làm ở dưới
     quyền của Đại Tá. Kể từ năm 1965 sư đoàn chỉ có một Lữ đoàn
     đóng tại Việt Nam, là Lữ đoàn 1 tại Phan Rang, nhưng vào mùa
     Thu năm 1967 cấp trên đã ra lệnh cho cả sư đoàn ra chiến
     trường. Vậy thì sư đoàn được chuyển qua một căn cứ khác ven
     sân bay Biên Hòa và gần bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III của Việt
     Nam Cộng Hòa, là một căn cứ cũ của Lữ đoàn 173 Dù. Lúc bây
     giờ Biên Hòa là một thị xã tương đối nhỏ, nằm ven bờ đông
     sông Đồng Nai. Tuy rằng tỉnh Biên Hòa đã khai hoang và có
     nhiều đồn điền cao su thời Pháp thuộc, phần nhiều đất đai
     nằm về phía bắc của tỉnh vẫn là rừng lá, ba lớp phủ kín
     trong một khu vực địa phương gọi là "Chiến Khu D." Cây cối
     xanh tươi này rất thuận tiện cho sự ẩn náu và tập trung các
     đơn vị chính quy của miền Bắc xâm nhập vào Nam qua đường mòn
     Hồ Chí Minh.


          Ngay sau khi đến Biên Hòa, Đại Tá Beckwith đã cho tập
     họp tất cả anh em có nhiệm vụ trinh sát hoặc sưu tập tình
     báo. Sau khi triệu tập tất cả anh em trong một nhà lều "GP"
     của phòng tác chiến Đại Tá tung vào cái nắp vải. Vì Đại Tá
     là Biệt Kích Dù nên không quan tâm họp mít tinh nhiều và
     cũng ít khi dùng chữ "tình báo". Đại tá nói to lên với chúng
     tôi một cách ngay thẳng : "Anh em phải chui rừng và bắt cho
     tôi một số tù binh cùng tài liệu, mang về đây cho tôi càng
     sớm càng tốt ! Đù Mẹ, nếu mình không biết vị trí của chúng,
     thì làm sao diệt chúng nó được !" Sau khi bắt tay, nói
     chuyện với một số anh em quen biết ngày xưa, Đại Tá biến mất
     trở lui qua nắp lều bụi bám.

          Hầu hết những người làm việc dưới quyền Đại Tá trong
     quá khứ kính trọng Đại tá nhiều, song cũng có một số người
     phê bình Đại tá trong thời gian ông chỉ huy "Denta." Hồi đó
     Đại tá tiếp tục bổ sung thêm viện binh để cố gắng cứu một
     đội Biệt Kích Dù Mỹ bị sư đoàn 3 Bắc Việt phục kích tại
     thung lũng An Lão, Bình Định, gây ra tổn thất rất nặng. Theo
     ý kiến họ, anh em bị thiệt hại nhiều vì Đại tá vị kỷ, sợ
     mang tiếng mất lính. Nhưng thật ra, ý kiến của Đại tá là
     đúng theo quy luật, bắt đầu từ lúc mất lính, người chỉ huy
     của họ phải chịu trách nhiệm thêm 72 tiếng đồng hồ để cứu
     vớt họ. Qua 72 tiếng đồng hồ là trách nhiệm được chuyển cho
     Trung Tâm Hỗn Hợp Cứu Vớt Nhân Viên (JPRC), là một đơn vị bí
     mật của Cục Điều Hành Đặc Biệt (SOG).

          Sau "cuộc họp mít tinh" của Đại tá với anh em, tất cả
     các đơn vị quân báo sẵn sàng hoạt động để thu lượm tin tức,
     đặc biệt là những đội trinh sát. Các anh em y tá cung cấp
     cho anh em uống thuốc "trắng-xanh" để bảo đảm nhân thức,
     không cho ngủ để các đội hoạt động cả ngày đêm 24/24.
     Quan điểm của Đại tá là một đội trinh sát chuyên nghiệp
     chui rừng có giá trị hơn 100 điệp viên ngồi trong Tòa Đại
     Sứ Mỹ ở Saigon. Có một lần Đại Tá tiết lộ với tôi là nếu
     cấp trên đồng ý, trong tương lai Đại Tá sẽ bố trí những đội
     trinh sát chỉ có một người đi.

          Những nỗ lực trinh sát bắt đầu có hiệu quả rất nhanh và
     nhiều tài liệu bí mật đến tận tay Đại Tá. Ví dụ trong những
     tài liệu ấy có bản kế hoạch và sơ đồ của một vị thiếu tá
     pháo binh của bộ đội chủ lực, là chỉ huy Trung đoàn Pháo
     DKB. Theo tài liệu này, bộ đội Pháo binh đã lập kế hoạch bắn
     hỏa tiễn 122mm nửa đêm khuya vào bãi đậu máy bay trong sân
     bay Biên Hòa. Trong lúc phân tích tài liệu trước hết chúng
     tôi xác định vị trí đặt hỏa tiễn và đảo ngược góc phương vị
     ghi trên sơ đồ 180 độ. Tối hôm đó một máy bay ném bom của
     chúng tôi báo cáo về là lúc ném bom tại địa điểm đặt hỏa
     tiễn 122mm ghi trên tài liệu chúng tôi bắt được, họ đã thấy
     nhiều tiếng nổ phụ.

          Một tài liệu quan trọng khác được Việt Cộng phân loại
     là "Tối Mật", và tài liệu này có ghi tất cả địa danh và tiện
     nghi chủ yếu của Cộng Sản cũng như các bí hiệu cung thoi
     trong vùng hoạt động của sư đoàn Dù. Lúc mà tôi thấy tài
     liệu đánh máy chữ này là loại "giấy vỏ hành" để cho nhân
     viên giao liên dễ nuốt miệng, tôi tin chắc rằng tài liệu này
     phải quan trọng lắm. Đại tá Beckwith bảo tôi mang tài liệu
     tới cơ quan nghe đài đối phương (tức Cục 265 của cơ quan An
     Ninh Quốc Gia) để phân tích ra mật mã trong tài liệu. Anh em
     nghe đài đối phương mừng lắm vì trước đó họ rất khó mà theo
     rõi các đài truyền tin của địch. Qua tài liệu mới này họ có
     thể xác định dễ dàng tất cả những kế hoạch và truyền tin
     liên lạc bí mật của đối phương, rất ích lợi cho Phòng
     Tác Chiến của sư đoàn. Điều không may là vài ngày sau khi
     bắt được tài liệu, một anh sĩ quan báo chí trẻ trên Bộ Tham
     Mưu đã đăng bài báo trong báo thời sự sư đoàn xuất bản hàng
     tháng là "sư đoàn có bắt được tài liệu tối mật của địch, ghi
     rõ tất cã mật mã, bí hiệu trong vùng." Lẽ ra báo này sẽ phổ
     biến cả Biên Hòa và khu vực lân cận, nên thế nào địch cũng
     sẽ đổi hết mật mã của chúng ! Đại tá biết tin này, rất tức
     giận, ra lệnh là lần sau Phòng Báo Chí phải phối hợp với
     Phòng Nhì trước khi đề cập đến bất cứ vấn đề nào liên quan
     đến đối phương.

          Cũng trong thời gian này, anh em trong đơn vị trực
     thăng sư đoàn phát hiện một phụ nữ người Việt đi qua sân để
     máy bay của họ, và theo ý của họ, phụ nữ ấy "có hành động
     nghi ngờ", tức là theo ý họ bà này đang đi bộ như bà đang đo
     lường phạm vi, diện tích của nơi đậu máy bay. Theo anh em
     trong đơn vị có thể bà này được họ thuê để làm "bồi phòng".
     Sau khi chúng tôi cứu xét hồ sơ tại văn phòng lao động thì
     được biết bà ta là một nhân viên "bồi phòng" thật, nhưng
     điều không may cho bà ta là bà có mang theo một mảnh giấy
     nhỏ của nhà bếp dính mỡ heo. Lúc xem mảnh giấy ấy, chúng tôi
     rất ngạc nhiên vì thật ra đây là một sơ đồ ghi rõ tình hình
     tại sân đậu trực thăng với đầy đủ chi tiết, sẽ rất lợi cho
     đơn vị Việt Cộng nào có súng cối, pháo binh, hoặc hỏa tiễn
     122mm. Một anh sửa chữa máy bay trực thăng trong đơn vị cũng
     giao nộp cho chúng tôi một quả lựu đan M-26 trong một bao
     tay và quả lựu đạn ấy đã có trục nhỏ rút ra rồi và có thể nổ
     bất cứ lúc nào. Đầu tiên bà bảo là không biết gì về quả lựu
     đạn và cũng không biết gì về sơ đồ. Nhưng sau khi bà bị đưa
     qua máy thăm dò sự thật (Polygraph) khoảng nửa tiếng đồng hồ
     và thấy là không chối cãi được nữa nên bà bắt đầu nói sự
     thật. Theo bà nói, bà có ông chồng "theo cách mạng" kể từ
     năm 1954 và ông chồng tập kết ra Bắc. Sau này bà lấy thêm
     hai ông chồng, cả hai là sĩ quan cấp tá của Việt Nam Cộng
     Hòa. Do những hoạt động bí mật của bà, cả hai chồng sau đều
     chết, cũng như nhiều lính trong đơn vị của họ bị Việt Cộng
     phục kích. Chúng tôi có hỏi làm sao bà có thể đi tự do trong
     sân máy bay đậu, bà trả lời là đúng theo chỉ thị của cấp
     trên, bà đã "dần dần làm quen" với vị chỉ huy đơn vị trực
     thăng. Sau khi lên giường làm cho ông chỉ huy sung sướng vài
     lần, thì bà đi đâu trong sân bay cũng được. Sau khi báo cáo
     gởi về cho Đại tá thì ông ta cho biết sẽ giải quyết tình hình
     tồi tệ này, nhưng không cho biết chi tiết. Tuy nhiên, chúng
     tôi biết trước là Đại tá xem an ninh như là một yếu tố hết
     sức quan trọng, nên chúng tôi biết thế nào vị chỉ huy đơn vị
     trực thăng cũng sẽ rất hối hận về "chuyện tình" của ông.

          Trong khi Tết Nguyên Đán đến, chúng tôi bắt đầu nhận
     được các tin đồn về một cuộc tấn công trong vùng hoạt động
     của sư đoàn nhưng không được chi tiết lắm. Vào ngày mồng ba
     tháng giêng năm 1968, chúng tôi nhận được thêm một tài liệu
     quan trọng qua nỗ lực của một đơn vị trinh sát khi mở một
     cuộc phục kích tại huyện Tân Uyên, về phía bắc tỉnh Biên
     Hòa, được Việt Cộng đặt bí hiệu là "U-1". Tài liệu này được
     phát hiện trong xác của một vị thiếu tá Việt Cộng mang tên
     là "Út Hiệp" chết trong trận phục kích. Theo chúng tôi được
     biết, thiếu tá Út Hiệp là chỉ huy của tiểu đoàn Đồng Nai,
     tức là tiểu đoàn trinh sát của "Trung Ương Cục Miền Nam" tức
     "Cục R". Trung Ương Cục Miền Nam là văn phòng tiền phương
     của Bộ Chính Trị tại Hà Nội và duy trì quyền hành về cả
     chính trị lẫn quân sự từ vùng Cam Ranh đến mũi Cà Mâu. Vùng
     họat động tương đối lớn này được Việt Cộng đặt bí hiệu là
     "B-2". Theo tài liệu này, thiếu tá Út Hiệp đi họp tại "R"
     mới về và đã nhận nhiệm vụ trinh sát "sân bay B.H. và xã
     Bình Mỹ" từ ngày mồng 7 đến 14 tháng giêng năm 1968.

          Theo chỉ thị của "R", anh Út Hiệp phải về "R" trình
     bày tình hình cho cấp trên không trễ hơn ngày 19 tháng
     giêng. Tuy rằng tài liệu viết bằng tay và lờ mờ, sau khi tôi
     đọc được tôi trình bày với Đại Tá là đối phương sắp mở một
     cuộc hành quân đại quy mô trong vùng của sư đoàn. Tôi cũng
     cho biết ý kiến là sân bay B.H. có nghĩa là sân bay Biên Hòa
     và xã Bình Mỹ đúng là xã nhỏ giáp sân bay về phía bắc, tất
     là một vị trí Việt Cộng có thể đặt súng cối để hạn chế máy
     bay không được cất cánh để yểm trợ các đơn vị bộ binh của sư
     đoàn. Qua hai tuần lễ không nghe gì về ý kiến của mình, song
     Phòng Nhì cho biết là các "chuyên gia" tại Trung Tâm KhaiThác
     Tài Liệu Sài Gòn không đồng ý với tôi. Đại Tá có bảo tôi
     xuống bàn luận với các "chuyên gia" này, nhưng sau khi đến
     trung tâm tôi mới được biết là các nhân viên Mỹ không có ý
     kiến, họ đã nhường lại cho một cán sự người Việt Nam làm cho
     Trung Tâm. Tôi không còn nhớ tên của ông này mà chỉ nhớ là
     ông tưởng sân bay B.H. là một sân bay khác. Điều lạ đối với
     tôi là ông không chịu nói rõ là nếu B.H. không phải Biên Hòa
     thì là phải tương quan với địa danh nào khác ? Tôi về Biên
     Hòa cảm thấy giận và thất vọng vì không thể nào thuyết phục
     họ được. Vài ngày sau một số nhân viên của Phòng Nhì qua gặp
     tôi tại Biệt Đội Quân Báo. Họ có đem theo đầy đủ bản đồ và
     tài liệu của họ để nắm lại tình hình trong vùng. Sau khi
     nhận xét tất cả phương án, họ về báo cáo cho Đại Tá, rồi Đại
     Tá kéo tôi qua. Tôi nói thẳng là theo tôi lực lượng phòng
     thủ căn cứ sư đoàn rất kém vì đa số những đơn vị tác chiến
     đang đi rừng tại các vùng Mã Đá, La Ngà, Sông Bé. Sau khi
     suy nghĩ lại rất kỷ lưỡng, Đại Tá đồng ý và lên gặp vị tướng
     tư lệnh sư đoàn.

          Ngày trước Tết Nguyên Đán, Đại Tá gọi điện thoại cho
     tôi, rồi cử tôi lên tỉnh Bình Dương - nằm về phía bắc tỉnh
     Biên Hòa - để lấy cung một người lính của bộ đội chính quy
     của Việt Cộng vừa mới ra chiêu hồi. Thật ra lính hồi chánh
     đó đang bị bệnh sốt rét rừng và sức khỏe rất yếu. Anh cho
     biết là bởi vì anh mới đi theo Việt Cộng vài ngày nên không
     biết gì nhiều. Sau khi tôi xác định là trong ngữ vựng anh ta
     dùng hay đổi lại chữ "L" và chữ "N" nên điều rõ ràng là anh
     ta không phải "Việt Cộng" địa phương như anh đã khai. Theo
     cách nói của anh ta thì anh ta thuộc về bộ đội chủ lực sinh
     ra tại vùng từ Thái Bình tới Hải Phòng, vì đối với dân ở
     những nơi đó Hà Nội thành ra "Hà Lội", nước Lào thành "Nước
     Nào", v..v... Tôi cũng nghi ngờ anh ta không phải là đào ngũ
     thật, anh ta đào ngũ vì đang đau ốm, đói bụng. Ý của anh ta
     là lãnh thực phẩm, thuốc men và được ngủ ngon. Sau khi lấy
     cung anh bộ đội này, tôi được biết anh ta là lính trong một
     trung đoàn bộ đội chính quy đang di chuyển về phía Nam với
     tốc độ rất nhanh nên anh ta theo không kịp. Tôi bèn dẫn anh
     ta đi với tôi trên một chiếc trực thăng UH-1 và bay rất thấp
     trên rừng Mả Đá. Tôi thấy một số bộ đội chính quy đang đi
     vất vả trên một đường mòn lớn nằm về phía bắc sông Bé, sau
     này địa phương gọi là đường Trần Lệ Xuân. Mỗi lần trực thăng
     đến gần vị trí của họ, họ quỳ xuống bên lề đường và dắt lên
     trên đầu một khung tròn nhỏ làm bằng roi mây, đậy cái nón
     cối làm ngụy trang, nhìn bằng mắt thường rất khó thấy. Lúc
     tôi báo cáo về cho Đại Tá, hình như ông sốt ruột muốn biết
     được là có nhiều bộ đội chính quy đang tiến vào Biên Hòa với
     tốc độ nhanh.

          Bởi vì đa số đơn vị tác chiến của sư đoàn đang đi hành
     quân tại Phước Long và Bình Dương, nên lực lượng phòng thủ
     hậu cứ rất kém. Hình như Đại Tá đang bị vào thế khó xử bình
     thường của sĩ quan tình báo: nếu mình rút quân từ Phước
     Vĩnh, thì căn cứ này có thể bị đánh mãnh liệt! Nếu không,
     thì hậu cứ tại Biên Hòa có thể bị tràn ngập! Sau khi nhận
     xét hai điều là cuộc công tác trinh sát của Trung Ương Cục
     Miền Nam với lại những bộ đội chính quy đang vượt rừng Mả Đá
     trên đường vào Biên Hòa, Đại Tá quyết định bổ sung thêm lực
     lượng phòng thủ hậu cứ. Nhưng việc này không phải dễ đâu,
     Đại Tá phải thuyết phục tư lệnh sư đoàn là Thiếu Tướng
     Olinto Barsanti cho phép tiểu đoàn Công Binh 326 chuyển từ
     Phước Vĩnh về Biên Hòa, bố trí dọc theo chu vi của sân bay.
     Hành động giờ phút chót này tuy quyết định chậm nhưng mà
     đúng vì một số tài liệu bắt được của bộ đội hậu cần chết
     trên đường đi cho biết là cả đơn vị cộng sản có chuẩn bị
     trước để ăn Tết ba ngày sớm hơn bình thường. Tức là theo chỉ
     thị của cấp trên, họ phải mua cá khô, thuốc hút và trà vào
     giữa tháng Giêng để cho các lực lượng cộng sản trong vùng
     được ăn Tết ba ngày trước ngày ngưng bắn mà cả bốn bên đã
     đồng ý sẽ tôn trọng trong thời gian Tết Mậu Thân năm 1968.

          Cuối cùng, đêm trước Tết, một đoàn phụ nữ trẻ đã đến
     thăm bót gác của một đơn vị Địa Phương Quân đóng đối diện
     đầu sân bay. Để tỏ lòng tri ân của dân làng, các phụ nữ này
     đã tặng một số "quà" Tết như là hạt dưa, kẹo, thuốc lá và
     một cặp rượu. Nhân viên đứng gác, lo an ninh đêm đó rất vui
     mừng vì dân làng đã nhớ đến họ. Thực phẩm và thuốc lá không
     thành vấn đề nhưng cặp rượu rất đặc biệt. Các anh lính địa
     phương vừa nhậu, vừa nghe hợp ca các "tiếng chim" sung sướng
     hết xảy. Nhưng điều đáng tiếc là ngày lễ vui vẻ, sung sướng
     của các ông lính gác quá ngắn, vì mất tính hết, gục ngã ngay
     chính giữa sân bót gác chủ yếu, đo ván cả. Cũng giờ phút
     này, những đơn vị tiên phong của các Trung đoàn 274 và 275
     bộ đội Bắc Việt chính quy đang lội ra khỏi bóng tối Chiến
     Khu "D" để đi theo đường rầy tàu hỏa về phía Tây vào sân bay
     Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn III, Trại Frenzell Jones của
     Lữ Đoàn bộ binh nhẹ 199, và căn cứ hậu cần quan trọng nhất
     của Mỹ tại Việt Nam là trại Long Bình. Tuy rằng Lữ đoàn 1
     của sư đoàn đã có mặt tại Việt Nam kể từ năm 1965 và đã đánh
     nhiều trận ác liệt với địch, trận đánh Tết Mâu Thân sẽ là
     trận lớn nhất cho hai Lữ đoàn còn lại của sư đoàn mới qua
     Việt Nam vào năm 1967. Trong quá khứ, cả Đại Tá và tôi đã
     thấy các chiến thuật tương tợ của cộng sản trong lúc tham
     gia các trận đánh tại Dak To, Play Cu, Play Me, Ban Mê
     Thuột. Nhưng đa số anh em trong sư đoàn mới từ Fort
     Campbell, Kentucky qua và họ sắp sửa tham gia vào "lễ rửa
     tội bằng lửa", tức trận đánh đầu tiên. Trong thời gian mới
     qua Việt Nam của đơn vị, tức thời gian làm quen khí hậu
     người ta hay gọi là "thời gian khí hậu hỏa", chúng tôi kéo
     nhau vào những nhà lợp tôn họ dùng để làm "câu lạc bộ", uống
     bia hộp nóng ừng ực. Bia này khó uống vì không có đá và loại
     ngon, bông trang chẳng hạn không có, nên phải gắn chịu loại
     hạng nhì như là Carling, Ballentine, và Hamms.

          Trong lúc say, anh em khoe khoang nhau về anh nào sẽ
     anh hùng, đơn vị nào sẽ được huân chương nhiều hơn, ai sẽ
     đánh quân xâm lăng Bắc Việt răng đen hung dữ nhất, hết đánh
     ai còn sống, ai chết? Theo tôi tinh thần chiến đấu cao nhất
     kể từ Đệ Nhị Thế Chiến và anh em chúng tôi rất hãnh diện
     được đeo trên vai phù hiệu của sư đoàn anh hùng là chim đại
     bàng. Có thể người ngoài sư đoàn nhìn thấy khoe khoang nhau,
     đánh nhau của anh em là hành động của cường hào hét ra lửa,
     nhưng thật ra anh em có làm vậy để giải thoát sức ép chiến
     tranh, mặc dù nói thế nào anh em nào cũng đều sợ chết cả.
     Đồng thời anh em nào cũng muốn tiêu diệt quân xâm lăng từ
     Bắc vào Nam để nhân dân khỏi phải ở dưới quyền một chế độ
     độc tài. Trong nỗ lực này phải có 58,000 anh em gục ngã, hy
     sinh trên chiến trường, anh em của Việt Nam Cộng Hòa phải
     gấp bốn lần.

          Khoảng 3 giờ sáng ngày 31 tháng Giêng, sau khi các nhân
     viên địa phương quân tại bót gác mất hết khả năng hoạt động,
     canh phòng, bộ đội Đặc Công Việt Cộng chỉ mặc quần lót và
     treo cái kim băng dây thung ni lông trên cổ, bắt đầu chui vào
     hàng rào kẽm gai và bãi mìn nằm ở giữa bót gác và sân bay.
     Trong khi bộ đội Đặc Công đang dò mìn bổng nhiên một người
     lính của tiểu đoàn Công binh 326 thấy cái gì rung động nơi
     hàng rào và nổ súng trung liên M-60. Loạt súng nổ liên hồi
     vài phút thì có ai hô lên "đù mẹ, có phải thằng đó bị điên
     không? Nói nó ngưng bắn, ớn quá"! Chẳng mấy chốc hết cả chu
     vi cùng nổ súng, hỏa lực rất ác liệt. Tình hình trở thành
     cuồng nhiệt nên tôi chưa xác định được ai là người nổ súng
     đầu tiên. Nhưng tôi hứa là nếu một mai gặp được tôi sẽ bắt
     tay và cảm ơn thằng bị điên ấy.

          Tuy rằng chúng tôi đã ngăn chận cuộc tấn công chính
     nhưng nhóm bộ đội cộng sản vẫn tiếp tục bắn súng tự động vào
     vị trí của mình qua hết ngày đầu của Tết. Trong cuộc càn
     quét diễn ra sau hỏa lực từ các nhóm bộ đội lẻ tẻ mãnh liệt
     đến mức độ đã có một ông Thượng sĩ làm thư ký riêng cho
     tướng tư lệnh sư đoàn bị trúng viên đạn vào cổ, gục ngã trên
     bàn làm việc trong văn phòng chính của sư đoàn. Xác chết bộ
     đội, cũng như bộ đội bị thương nằm rãi rác trong đồng cỏ và
     bụi cây dọc theo chu vi phòng thủ sư đoàn. Hình như một số
     bộ đội là của đơn vị Biệt động vì trong ba lô của họ chúng
     tôi thấy có quân phục Không quân Việt Nam Cộng Hòa, mới giặt
     ủi. Nếu những lính Biệt động này lọt vào được trong nội địa
     sân bay, đặc biệt là đơn vị Không quân VNCH, thì tình hình
     đã nguy hiểm hơn nhiều. Nếu cộng sản đã thành công trong nỗ
     lực trá hình làm lính VNCH và bắn vào đơn vị Mỹ, thì thế nào
     tình hình phải rối loạn thật sự. Có thể là như vậy, sau khi
     kết thúc trận đánh này, có trên 500 bộ đội Việt Cộng chết và
     thêm 40 người bị bắt làm tù binh. Ngoài ra có một nhóm bệnh
     nhân của nhà thương điên Biên Hòa "bị bắt" và nhốt chung
     với 40 lính cộng sản. Và sau đó một số Việt Cộng cũng cố
     gắng trá hình làm người điên. Một số khác thì lấy họ tên của
     người khác cùng đơn vị đã chết trong trận đánh. Chúng tôi
     xét hỏi thấy phức tạp quá nên phải nhờ Biệt đội 9 Quân Báo
     của VNCH cho mượn một anh Trung Sĩ Thông dịch viên.

          Anh ta tên là "Đốc" sinh ra tại miền Bắc và di cư với
     một nhóm Giáo dân vào miền Nam năm 1954. Chúng tôi lấy một
     bộ quần áo của bộ đội Bắc Việt và một túi vải chứa bản đồ
     cho anh Đốc mặc vào. Khi chuẩn bị xong xuôi rồi, chúng tôi
     đưa "tù binh" Đốc này vào trại giam của sư đoàn, nhốt chung
     anh ta với số 40 bộ đội chính quy Bắc Việt kia. Anh Đốc chỉ
     ở với họ một đêm và báo cho chúng tôi là họ nói dối hết.
     Trong đó có một anh bộ đội đã tự xưng là binh nhất bộ binh,
     không biết gì về kế hoạch, chiến thuật, v..v.. Ít lâu sau
     khi anh Đốc của chúng tôi vào trại thì anh "binh nhất" lén
     gặp anh Đốc, mắng mỏ, phê bình anh ta, hỏi vì sao không giấu
     túi bản đồ trước khi bị bắt. Anh ta chỉ thị cho anh Đốc phải
     khai tên một anh đã chết trong trận đánh trước, và nói với
     anh Đốc là nếu cố chịu đựng được vài ngày thì đơn vị đã dọn
     đi nơi khác rồi, và khi đó khai thế nào với Mỹ cũng không hề
     hấn gì.

          Sau khi ngưng tiếng súng, tại chu vi phòng thủ, chúng
     tôi thấy rõ là có 115 xác chết bộ đội chồng chất trong rào
     kẽm gai. Ngày hôm sau, chúng tôi dùng máy ủi "Caterpillar"
     đào hố, rãi bột vôi trên xác chết, rồi san đất cho bằng. Thế
     là xác của bộ đội được chôn chung trong một hố, gần đầu phi
     đạo của sân bay. Rất có thể hiện nay những xác bộ đội vẫn
     còn ở nguyên trong hố đó và cái máy ủi "Caterpillar" chúng
     tôi dùng hồi đó có thể đã được cộng sản dùng để san bằng
     Nghĩa Trang Quân Đội của Việt Nam Cộng Hòa ở ven xa lộ Biên
     Hòa sau "Đại Chiến Thắng" của họ năm 1975. Chúng tôi nhận
     thấy rằng đa số bộ đội tiền phong ở tuyến đầu trận Tết Mậu
     Thân là người Nam đã tập kết ra Bắc nay được điều động để
     trở vô Nam. Sau khi kết luận cuộc tổng tấn công này, chúng
     tôi mới biết là cộng sản sắp sửa ngồi thương thuyết với
     chính phủ mình tại Pháp, với mục đích thành lập một
     chính phủ liên hiệp. Và sau khi suy xét lại, chúng tôi bàn
     nhau về khả năng là chính quyền miền Bắc đã lợi dụng cơ hội
     Tết Mậu Thân để "giải quyết" phần lớn những người đi theo
     cách mạng vì ái quốc hơn là ái cộng sản; và đó cũng là để
     "giải quyết" thành phần có khả năng nêu lên vấn đề đa đảng,
     đa nguyên trong môi trường chính phủ liên hiệp.

          Chẳng những tình hình tại Biên Hòa hỗn loạn, mà tình
     hình tại tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn còn căng thẳng hơn. Sáng
     sớm ngày 31 tháng Giêng, lính "Biệt Động" xảo quyệt là Ông
     Ba Đen đến gặp Ông Ba Thắng, Chính Ủy Đặc Khu Sài Gòn-Gia
     Định và Ông Tư Chủ, Tư Lệnh đơn vị, tại Tiệm Phở Bình, số 7
     Đường Yên Đỗ. Sau đó ít lâu, bộ ba nguy hiểm này cho mở cuộc
     tấn công vấy máu Tòa Đại Sứ Mỹ. Lúc mà Đại Tá Beckwith nghe
     báo cáo về tình hình này, Ông cử người Phụ Tá của Ông là
     Thiếu Tá Schwartz cùng với một trung đội lính Dù đi bằng
     trực thăng và đáp xuống trên mái nhà Tòa Đại Sứ. Mặc dù
     Thiếu Tá Schwartz - lẽ ra là "lính văn phòng" - trong hành
     quân này Ông ta tỏ ra rất hung dữ. Thiếu Tá dẫn trung đội Dù
     từ mái nhà xuống từng tầng lầu, quét sạch hết tòa nhà. Điều
     không may là trong khi giải phóng có một số nhân viên người
     Việt Nam bị bắn nhầm.

          Trong cuộc giao tranh tại Tòa Đại Sứ Mỹ, Ông Ba Đen bị
     thương rồi bị bắt làm tù binh. Ba Đen được đưa về bệnh viện
     Chợ Quán để băng bó, trị bệnh. Rồi sau đó Ông ta được đưa
     vào Trung Tâm Thẩm vấn Hỗn Hợp Việt Mỹ gần trường đua ngựa
     Phú Thọ, Trung Tâm Thẩm Vấn Quốc Gia số 3 Bạch Đằng và Cục
     An Ninh Quân Đội. Khác hẳn nhiều đồng đội bị bắt hồi Tết Mậu
     Thân, Ông Ba Đen rất ngoan cố, không chịu hợp tác với chúng
     tôi cho đến lúc đặt chân lên Đảo Phú Quốc, nơi giam bộ đội
     chính quy. Sau khi được trả tự do trong cuộc trao đổi tù
     binh đầu năm 1973, Ông Ba Đen xâm nhập vô lại miền Nam, rồi
     bổ sung vào đơn vị Biệt Động 716, kịp thời tham gia cuộc
     tổng tấn công đại quy mô cuối cùng tháng 4 năm 1975. Sau sự
     sụp đổ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, Ông Ba Đen về hưu và
     ở tại một biệt thự tại Thủ Đức, ngoại ô Sài Gòn, nay là
     thành phố Hồ Chí Minh. Hình như cuộc tấn công Tết Mậu Thân
     đã nhóm lại ngọn lửa trong lòng Đại Tá Beckwith, bởi vì sau
     khi trận đánh kết thúc, Ông đón bạn học tại Bộ Chỉ Huy và
     lên trục thăng về Huế. Sau đó, Đại Tá vào thung lũng A Shau
     làm trưởng một đơn vị cũ của tôi là tiểu đoàn 2/327 Dù. Bởi
     vì khâm phục Đại Tá nhiều nên chuyên gia trinh sát giỏi nhất
     của chúng tôi là Ông Roger Brown bỏ Biên Hòa chạy theo Đại
     Tá, nhập vào tiểu đoàn 2/327. Vài năm sau tôi có gặp lại anh
     Roger tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Kích. Anh ta cười giễu
     cợt và cho biết là sau khi vào A Shau-A Lưới với Đại Tá, anh
     chỉ đạt được hai kết quả: một là viên đạn xuyên qua ngực và
     hai là huân chương Ngôi Sao Bạc.

          Sau khi Đại Tá về A Shau, tôi được đổi đi làm việc với
     Ông Dennis Marasco, mà sau này sẽ mang tiếng là thủ phạm
     trong vụ giết người điệp viên hai mang tại Nha Trang, tức
     "vụ ám sát mũ nồi xanh". Ông Dennis và tôi làm việc tại
     Quảng Trị-Thừa Thiên vài tháng rồi Ông được chuyển về Lực
     Lượng Đặc Biệt. Còn tôi được chuyển về Sài Gòn làm cho Trung
     Ương. Tôi có đọc sách báo nhắc đến Ông Dennis vài lần, và
     cho đến nay tôi chưa gặp lại Ông. Còn đối với Đại Tá
     Beckwith, tôi có gặp lúc mà hai anh em học cùng lớp tại Đại
     học. Ít lâu sau khi tốt nghiệp, cả hai anh em có nhận được
     lệnh qua cộng tác với Trung Tâm Giải Quyết Thương Vong
     (JCRC), nhưng đây là một câu chuyện khác và tôi sẽ kể lại
     lần sau. Cho đến nay Đại Tá chưa biết số phận của anh em
     trong chương trình Denta bị mất tại Cao Nguyên. Rất tiếc là
     Đại Tá qua đời vào năm 1995 và tôi không kịp báo cho Ông
     biết là tôi có phỏng vấn một cựu bộ đội sư đoàn 3 chính quy
     tại Sài Gòn năm 1993. Anh bộ đội này cho biết là anh đã
     tham gia trong vụ giết và chôn anh em trong đội trinh sát và
     cung cấp một số chi tiết về anh em Denta mất tích, có thể
     phụ giúp chúng tôi đi tìm.

          Quân đội Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng như
     quân đội Đồng Minh đã chiến đấu rất can đảm hồi Tết Mậu
     Thân. Tất cả mọi người đã tham gia trận đánh phải hãnh diện
     về nỗ lực cao quý này. Qua nỗ lực của họ hiện nay, một phần
     tư dân số toàn cầu đang sống tự do như Thái Lan, Mã Lai,
     Singapore, Nam Dương, Phi Luật Tân v..v.. Mặc dù Mỹ phải đổ
     vào 122 tỷ Mỹ Kim trong thời chiến, thì bên phía Liên Xô
     cũng hao tài nhiều lắm chứ! Số bạc vàng Liên Xô phải đóng
     góp để hỗ trợ cho Bắc Việt thế nào cũng phải ảnh hưởng đến
     tình hình kinh tế sau này. Chính đây là một yếu tố quan
     trọng đã làm cho Liên Xô bị phá sản vào năm 1988 và kéo theo
     sự gục ngã của Đảng Cộng Sản Nga vào năm 1989. Đúng đây là
     lý do chính mà thế giới tự do đã thắng cuộc chiến tranh
     lạnh! Tôi đã mất nhiều bạn thân trong cuộc chiến Tết Mậu
     Thân; song tôi tin chắc rằng nếu Đại Tá Beckwith không tìm
     đường vòng quanh chế độ hành chánh quan liêu, thì số anh em
     bị thiệt mạng tại Quân Đoàn III còn nhiều hơn nữa.

          Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, lúc di tản ra khỏi Tòa
     Đại Sứ Mỹ, tôi cố gắng tìm người chuyên gia của Trung Tâm
     Khai Thác Tài Liệu mà làm cho tài liệu chúng tôi không có
     căn cứ, để xem thử Ông ta có chạy hay là ở lại với chính
     quyền mới. Không thấy Ông ta ở đâu cả. Tuy nhiên có một cái
     không bao giờ thay đổi, là mỗi năm Tết đến, lúc nào tôi cũng
     nhớ lại Tết Mậu Thân và bạn bè đã hy sinh trong một trận
     đánh quan trọng nhất trong lịch sử nhà nước của mình.

          Tuy rằng cựu chiến binh đã thắng trong chiến trận quân
     sự tại Việt Nam, nhưng do bởi yếu tố chính trị hiện nay mà
     nhân dân Việt Nam chưa có dân chủ tự do, và sau cùng người
     dân không may này đã trở thành nạn nhân chiến tranh, chưa có
     tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do nhóm họp yên ổn.
     Trong quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước Mỹ-Việt, ta
     phải nên nhớ là ngoài vấn đề 2200 binh sĩ Mỹ vẫn liệt kê là
     mất tích ra, ta cũng phải cần nhắc sự hy sinh của 58,000
     lính Mỹ và trên 200,000 lính Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình vì
     dân chủ tự do, kẻo sự hy sinh này trở thành vô ích.

                                                                          Bill Bell

                              











No comments: