Saturday, August 25, 2012

SƠN TRUNG * VĂN TẾ NGUYỄN HỮU LƯƠNG TIÊN SINH


Văn Tế Nguyễn Hữu Lương tiên sinh

Nguyễn Hữu Lương tiên sinh sinh năm 1919 tại Thanh Hóa, trong một gia đình nho giáo. Tổ tiên mấy đời làm quan triều Lê. Viễn tổ là cụ Binh bộ thượng Thư Nguyễn Đình Giản triều Lê Chiêu Thống. Sau cách mạng tháng tám, tiên sinh đã tham gia kháng chiến, nhưng chán nản vì việc cố vấn Trung quốc là một bọn Mãn Thanh mới,lại đau đớn vì việc cải cách ruộng đât, sát hại dân lành, tiên sinh bỏ hàng ngũ cộng sản vào Nam làm cố vấn cho Cao Đài, phò tá Phan Văn Giáo. Sau khi Ngô Đình Diệm cưop ngôi của vua Bảo Đại, Tiên sinh lui về dạy học. Khoảng 1970. tiên sinh vào dạy Đại Học Văn Khoa Saigon, và làm giáo sư thỉnh giảng tại Huế, Cần Thơ, Hòa Hảo.. Năm 1975, cộng sản chiếm miền Nam, tiên sinh hoạt động chống cộng sản, bị bắt giam nhiều lần. Vì thế cơ thể suy yếu, bệnh tật, tiên sinh mất tại nhà khoảng năm 1992 ,thọ ngoài 70 tuổi.
Tác phẩm của tiên sinh còn lưu thế:
- Kinh Dịch Với Vũ Trụ Quan Đông Phương( Nghiên cứu)
- Thanh Cung Mười Ba Triều ( dịch )
Chúng tôi là bạn vong niên với tiên sinh. Nhân tiên sinh mất, chúng tôi bắt chước người xưa, làm bài văn tế sau đây :


Than ôi !
Trời Gia Định mưa bay tám hướng,
Đất Sài gòn mây phủ tư bề !
Đau thương muôn nỗi,
Nuối tiếc một người !
Nhớ linh xưa !
Thanh hóa quê xưa ngàn dặm,
Công hầu gốc cũ bao đời !
Tính tình ngay thẳng
Chí khí kiên cường.
Thuở niên thiếu mơ đời chiến sĩ,
Tuổi trung niên say sự nghiệp văn chương
Tinh thông thi văn Trung quốc,
Thấu đáo triết lý Đông phương
Bao năm ra xứ Huế luận bàn kinh Dịch,
Mấy bận xuống miền Tây giảng dạy thơ Đường
Nào ngờ đâu :
Đất trời giông bão,
Thế sự tang thương.
Mây độ lao lung,tinh thần suy nhược,
Bao năm bệnh tật, thân thể bi thương.
Vợ con kiếm xuôi kiếm ngược để cầu diệu dược,
Bạn bè chạy tới chạy lui chẳng thấy thần phương.
Mộng ước chưa thành tựu,
Sự nghiệp còn dở dang.
Ôi!
Đời suy rối thịnh,
Nhật hối lại minh.
Sao chẳng gượng vài năm, để xem hối âm tận ?
Sao chẳng thêm mươi tháng, cho thấy cảnh dương sinh ?
Thôi thì thôi,
Sống là gửi, thác là về, đừng lưu luyến tuổi đi ngoài bảy chục,
Được không vui, mất không tiếc, cứ tiêu dao cảnh Phật rộng mười phương.
Còn nước, còn non, còn đất trời che chở,
Có anh, có em,có bầu bạn mến thương.
Ôi ! Hôm nay đây bạn bè đông đủ,
Tiễn đưa lần cuối cùng.
Và từ đây, âm dương cách trở muôn trùng !
Thương ôi !


No comments: