Wednesday, August 29, 2012

HỒ ÔNG *KHO BÁU TRONG TÁC PHẨM CỦA LÊ XUYÊN

Kho Báu Trong Tác Phẩm Của Lê Xuyên
Hồ Ông
Từ quê nhà, Nhà văn Văn Quang đã sớm gửi bản tin ngắn cho tôi
báo tin một người anh em cũ, Nhà văn Lê Xuyên vừa qua đời.
Kèm theo là 4 tấm hình gồm: một tấm chân dung Lê Xuyên vào
thời kỳ còn dọc ngang trong làng viết Sài-gòn, một tấm chụp di thể
được đặt trên giường với nải chuối trên bụng, hai tấm khác chụp
chị Lê Xuyên cùng người con gái út vào tấm sau cùng là quang
cảnh chuẩn bị tang lễ.
Chưa bao giờ những tấm hình lại giữ được nhiều chi tiết về một
đời người như vậy. Có lẽ tại vì khoảng cách thời gian với bao
nhiêu biến đổi vô thường đã tô đậm thêm những nét hình bất di
bất dịch được lưu giữ qua ống kính, hoặc còn tồn tại trong trí nhớ.
Tôi mày mò phóng lớn tấm chân dung thời trung niên của Lê
Xuyên trên màn hình máy vi tính. Từ đôi mắt của anh, bao nhiêu
mảng rời của một thời đã qua của làng báo quen thuộc năm xưa
lại trổi dậy xôn xao...
Tôi nhớ vào khoảng năm 1970, lúc đó với sức trẻ và lòng yêu
nghề cuồng nhiệt, tôi đã viết cùng lúc cho 4 tờ báo gồm: Nhật báo
là Tự Do (Chủ nhiệm Phạm Việt Tuyền, Tổng thư ký Nguyễn
Trọng), Nhật báo Thời Thế (Chủ nhiệm Hồ Anh, Tổng thư ký Lê
Xuyên), Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong (Chủ nhiệm Hồ Anh,
Tổng thư ký Tử Vi Lang) và Tuần báo trào phúng Con Ong (Chủ
nhiệm "Chí sĩ" Minh Vồ, Chủ bút Thương Sinh, tức Duyên Anh).
Tuy có thể la cà đàn đúm với anh em ở bất cứ toà soạn nào mà
mình cộng tác bài vở thường xuyên, nhưng tôi vẫn thích đóng đô
ở toà soạn báo Con Ong hơn vì toà soạn tờ báo này là chỗ duy
nhất có thể đến đó nói và nghe... chuyện tục được!
Tuy cùng cộng tác chung ở Nhật báo Thời Thế, nhưng tôi chưa có
duyên tiếp xúc với Nhà văn Lê Xuyên, Tổng thư ký của báo này.
Nguyên do vì tôi thường đến sớm đưa bài cho người thư ký của
toà báo Văn nghệ Tiền Phong, và luôn tiện nhờ chuyển cho Nhật
báo Thời Thế, rồi rút ngay về bên toà soạn Con Ong hưởng ứng
những cuộc đấu hót hết từ toà soạn đến mấy cái quán xá nằm
trên đường Võ Tánh.
Chính vì thế đối với nhà văn Lê Xuyên, mặc dù tôi rất ái mộ lời
văn "đối thoại dấm dẳng" pha chất sex nhẹ nhàng kiểu "cởi cái nút
áo người yêu cả tuần lễ chưa xong", rất Lê Xuyên, rất Nam Bộ với
những ngôn ngữ địa phương thuần tuý, không hề bị pha trộn với
ngôn ngữ của thời đại... nhưng tôi vẫn chưa một lần được đối
diện để xem "Chú Tư Cầu" ngoài đời chịu chơi đến mức nào. Cứ
căn cứ vào các nhân vật "Chú Tư Cầu", "Rặng Trâm Bầu", tôi
tưởng nhà văn Lê Xuyên phải là một ông Nam Bộ bậm trợn lắm
mới viết rành lối văn "dấm dẳng ướt át" đến độ độc giả nào đã
2 | P a g e
theo dõi "fueilleton" của anh trên Nhật báo là không thể nào bỏ
qua được tờ báo xuất bản vào ngày hôm sau. Có lần tôi thắc mắc
hỏi "Chí sĩ" Minh Vồ, thì anh cười toáng lên, nói: "Cậu lầm rồi, Lê
Xuyên nó còn hiền lành hơn thầy tu, nhát hơn con gái nhà lành
nữa đấy. Nghe nói tục là nó biến ngay, đố dám!".
Cùng làm việc lâu với Minh Vồ, tôi biết tay "Chí sĩ" này chỉ giỏi
phùng mang trợn mắt nói tục sùi cả bọt mép cho anh em vui, chứ
không hề nói dóc những chuyện không có chủ đích để gây cười
một cách vô tội vạ. Tuy thế tôi vẫn không tin và lòng thầm nghĩ thế
nào cũng phải gặp Lê Xuyên ở Nhật báo Thời Thế một lần cho
biết. Nhưng tôi không phải đợi lâu. Chỉ ít ngày sau, trong một buổi
tôi và Minh Vồ cùng Dê Húc Càn, Hùng Phong rủ nhau ra ăn sáng
tại quán hủ tíu ở "mũi tàu" Võ Tánh - Lê Văn Duyệt gần tượng
Phù Đổng Thiên Vương. Đang đấu hót rôm rả trong lúc chờ đợi
đồ ăn, bất chợt Minh Vồ đứng vụt dậy chạy ra ngoài kêu lớn: "Lê
Xuyên! Lê Xuyên! Vào đây ăn sáng với tụi tao đã!". Nghe thế tôi
cũng mừng rỡ vì tình cờ lại được gặp người mình vẫn thường ái
mộ. Tôi nhìn ra ngoài thấy Minh Vồ đang tíu tít nắm chiếc guidon
xe Vespa giữ ghịt lại như sợ Lê Xuyên bận rộn sẽ không chịu vào
quạn
Lê Xuyên, năm đó trạc khoảng trên 40 tuổi, người hơi nhỏ con, ăn
mặc tươm tất. Anh vừa kịp kéo ghế ngồi xuống và Minh Vồ thay vì
giới thiệu, đã chỉ tôi bô bô hỏi Lê Xuyên: "Mày chắc biết thằng Hồ
Ông, nó viết báo Thời Thế bên mày nó ký bút hiệu Gã Kéo Màn
đó?". Lê Xuyên nhìn tôi và đưa tay bắt tay tôi, nhẹ lắc đầu: "Nghe
tên thì quen nhưng hôm nay mới gặp. Gã Kéo Màn còn trẻ quá
há!". Tôi chưa kịp nói gì, Minh Vồ đã quát chủ quán cho thêm một
tô hủ tíu, rồi quay qua nói với Lê Xuyên: "Tao bắt gặp quả tang
mày hôm thứ bảy". Lê Xuyên thực thà hỏi: "Quả tang chuyện
chi?" - "Mày còn giả bộ hỏi nữa". Nghe Minh Vồ nói thế, Lê Xuyên
càng ngạc nhiên: "Mà chuyện chi chớ?". Minh Vồ cười một tràng
lớn rồi oang oang nói: "Hôm thứ Bảy tao lái xe ngang trường Hai
Bà Trưng, tao thấy mày chạy xe Vespa yên sau chở một em thơm
như múi mít, thơm hơn em Phấn trong Chú Tư Cầu của mày, nó
ôm eo ếch mày, duỗi cặp giò trường túc trắng muốt. Tao còn nhớ
nó mặc mini-jupe ngắn lòi cả cái quần sì-líp màu hồng, lông nách
nó thì bay phất phới, phất phới!". Giọng Minh Vồ bình thường vốn
đã lớn, nhưng có lẽ nhằm chủ đích chọc Lê Xuyên, nên anh càng
cố nói oang oang cho cả quán cùng nghe, khiến ai cũng quay
nhìn về phía bàn chúng tôi.
Lúc đó Lê Xuyên mặt đỏ gay, đứng dậy không kịp chào ai, bước
vụt ra xe Vespa phóng một mạch. Minh Vồ đắc ý cười hô hố, quay
nói với tôi: "Đó cậu thấy tôi nói có sai đâu! Lê Xuyên viết văn thì
dữ dằn như thế, nhưng ngoài đời hắn còn hiền hơn cả mấy ông
thầy tu nữa!".
Đấy là lần đầu tiên tôi gặp tác giả "Chú Tư Cầu", Lê Xuyên. Sau
đó ít lâu, khi gặp lại anh ở quán Tần Phương Khanh, kế toà báo
Muỗi Sài-gòn của Thanh Chiêu Nhữ Văn Uý (sau là Dân Biểu,
Chủ tịch Uỷ ban Thông Tin, Hạ Nghị Viện), Lê Xuyên hình như
3 | P a g e
vẫn còn bối rối và mắc cỡ về câu chuyện dựng đứng của Minh Vồ,
đã cười cười nói với tôi: "Minh Vồ thiệt là bậm trợn, nói năng bậy
bạ không ai bằng. Tôi sợ hắn luôn!".
Tính cách của Lê Xuyên là như thế. Anh không giống các nhân
vật nam trong tiểu thuyết của mình ở khía cạnh quan hệ trai gái,
nhưng tự cốt tuỷ lại rất phù hợp với tính cách chân chất, mộc mạc
và hiền lành của những người dân quê Nam Bộ.
Khi còn làm ở báo Dân Việt, tôi nhận được thư của Thủy Tinh,
một cây viết trẻ độc đáo đã có những bài viết đã thu hút được
nhiều cảm tình của mọi tầng lớp độc giả qua tờ Dân Việt trước
đây và Văn Nghệ Tuần Báo sau này. Trong thư, Thủy Tinh kể
chuyện trong chuyến về Việt Nam thăm gia đình, anh có gặp "ông
già bán thuốc lá" thật tội nghiệp ở ngã tư đường Bà Hạt - Ngô
Quyền. Qua mấy người bạn, Thủy Tinh mới biết ông già tội
nghiệp đó là Nhà văn Lê Xuyên lừng lẫy một thời. Qua câu
chuyện, Thủy Tinh có hỏi nhà văn Lê Xuyên: "Cháu thấy một số
tờ báo ở hải ngoại có đăng lại tác phẩm của Bác, họ có gửi trả
nhuận bút cho Bác không?". Lê Xuyên cười tủm tỉm hiền lành:
"Anh em họ vẫn nhớ đến tôi, nên mới đem truyện cũ của tôi ra
đăng, như vậy là quý lắm rồi, mình còn đòi hỏi chi nữa!".
Thế đấy, dù già yếu bệnh tật mà vì hoàn cảnh sống phải lê thân ra
đường, nhưng Lê Xuyên vẫn thoải mái, rộng lượng với các đồng
nghiệp cũ và mới. Anh không vội nghĩ anh em đã lợi dụng tên tuổi
và tác phẩm ăn khách của mình, mà chỉ nghĩ đến cái tình.
Cũng qua Thủy Tinh, tôi được biết địa chỉ của anh và anh em Dân
Việt lúc đó, có thêm sự đóng góp của anh P.L.P và N.G bên Nhật
báo Chiêu Dương đã gửi về biếu anh một chút tiền nhỏ để chi xài.
Sau này, qua lời kêu gọi của anh Văn Quang, anh em Văn Nghệ
cũng gửi về anh chút quà. Từ đó, bẵng đi hơn một năm và rồi
bỗng nghe tin anh đã qua đời...
Trong một lần nói chuyện thân mật với cây bút trẻ Thủy Tinh, mới
37 tuổi, kỹ sư điện toán ở Adelaide, Thuỷ Tinh cho biết anh rất
khoái thứ ngôn ngữ đặc thù của người dân quê Nam Bộ qua các
tác phẩm tiêu biểu của Lê Xuyên như Chú Tư Cầu, Rặng Trâm
Bầu, Vợ Thầy Hương, Thủy Tinh nói rằng anh đọc sách của
Vương Hồng Sển nói về cái thú chơi đồ cổ, anh cũng khoái lắm,
nhưng không đủ khả năng tiền bạc để chơi thứ của nhà giàu đó.
Nhưng theo anh có một thứ "đồ cổ" vô cùng quý giá không thể để
mai một đi và ai cũng có thể "chơi" được - đó chính là thứ ngôn
ngữ của người dân quê Nam Bộ như những hạt ngọc quý lấp lánh
trong các tiểu thuyết đồng quê của Nhà văn Lê Xuyên. Người ta
có thể đọc bất cứ trang nào, cuốn tiểu thuyết nào của tác giả này
cũng vẫn dễ dàng bắt gặp. Chẳng hạn như một đoạn đối thoại
nhỏ sau đây giữa Tư Cầu và cô Phấn trong tiểu thuyết Chú Tư
Cầu:
........
4 | P a g e
"-Coi, anh có làm phiền thằng chả cái gì đâu? Có em chạy tới
chạy lui lo cho anh nầy nọ, chớ thằng chả cứ ở miết trong tiệm và
có chịu nhúc nhích cục cựa gì đâu! Vậy mà thằng chả còn cằn
nhằn em nhức xương nhức cốt nữa!
Tư Cầu lắc đầu:
-Thì làm phiền chú Ba là ở chỗ đấy em ơi! Đã đành rằng hai đứa
mình là... tình xưa nghĩa cũ. Nhưng bây giờ, bề nào chú cũng là
chồng của em... Anh nói có phải vậy hông?
- Thì phải... nhưng ai biểu hồi đó...
- Biểu khỉ gì! Cũng có em... tham dự vô chớ bộ một mình ên chú
mà... mà xảy ra chuyện đó sao? Kể ra chú Ba cũng hiền lắm chớ
đứng vào địa vị anh mà lại có vợ con bạt mạng như em, thì nhứt
định anh vặn họng bẻ hầu nó liền chớ đâu có để luồng tuông vậy
được!
- Xí, anh hổng biết mốc gì hết mà cũng nói! Thằng chả mà hiền!
Em vì thương anh nên em mới bất kể như vậy, chớ bộ anh nói dễ
chịu đựng với thằng chả lắm hả? Có điều là thằng chả khôn cải
trời cho nên không dám làm gì tới vì sợ em liều bỏ đi luôn, và
nhứt là sợ tùm lum lên, rủi ro anh có bề gì thì cũng kẹt luôn thằng
chả vô trỏng nữa.
........
Văn Lê Xuyên không chải chuốt, nhưng vẫn ẩn hiện chất bóng
mướt như mái tóc chải dầu dừa pha hương sả của cô thôn nữ
đồng quê. Không khai thác độc thoại, nội tâm, triết lý, nhưng vẫn
thể hiện được chiều sâu của tâm hồn nhân vật. Không tả tình tả
cảnh dài dòng, nhưng vẫn nêu bật được thời gian và không gian
sống của nhân vật truyện qua những câu đối thoại sống động. Dù
người đọc có thể đọc thiên kinh vạn quyển nhưng với chỉ một
đoạn văn ngắn ngủi, chưa chắc đã đủ sức để gọi lại đúng tên tác
giả. Với Lê Xuyên thì khác, chỉ một đoạn văn ngắn ngủi như nêu
trên, người ta có thể dễ dàng gọi đúng tên Lê Xuyên mà không sợ
lầm lẫn với ai.
Nếu nói theo cách của Thủy Tinh, thì mỗi tác phẩm của Lê Xuyên
là một kho chứa "đồ cổ" quý giá với những ai còn nặng tình với
quê hương. Lê Xuyên đã trở về với cát bụi, nhưng chắc chắn
"Chú Tư Cầu" vẫn mãi rực rỡ với "kho đồ cổ ngôn ngữ" như báu
vật một thời đã qua cần lưu giữ vì trong đó còn chứa cả tình quê.
Hồ Ông

No comments: