Friday, August 24, 2012

MIKHAIL MAGID * CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ

CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ 1

Mikhail Magid
Chế độ toàn trị - tương lai tươi sáng hay là quá khứ tối tăm
Phạm Minh Ngọc dịch
1 2 3 4
Phần IChế độ toàn trị trong thế kỉ XX
Thế kỉ XX đã đi vào lịch sử như là thế kỉ của các chế độ toàn trị. Đấy là một giai đọan lịch sử mà tại nhiều quốc gia bộ máy nhà nước đã khuất phục được tất cả các thiết chế xã hội cũng như từng công dân riêng lẻ. Trong hàng chục năm, tại các nước này mọi lĩnh vực họat động trong đời sống cá nhân cũng như xã hội đều nằm dưới sự quản lí toàn diện và triệt để của chính quyền.
Mikhail Magid
Chế độ toàn trị

Đấy là giai đoạn mà việc giết người đã trở thành một công việc thường ngày, giống như công việc của một chiếc máy cơ khí. Trong đại chiến thế giới thứ II bè lũ phát xít đã giết hàng triệu người Do thái, người Slav và các dân tộc khác trong các trại tập trung và các trại lao động khổ sai. Vụ diệt chủng này được thực hiện với những lời tuyên bố như sau: “Giữa chúng ta với nhau, chúng ta có thể gọi đúng tên các sự kiện…Ý tôi muốn nói…việc tiêu diệt giống Do thái…Đa số các vị phải hiểu rằng đấy là khi có 100, hay 500 hay 1000 xác chết nắm thành hàng, liền nhau. Chịu đựng điều đó đến cùng mà vẫn là người đứng đắn, lương thiện…chính điều đó làm cho các vị trở thành những người cứng rắn” (Trích bài nói chuyện của Heinrich Himmler với các tướng lĩnh SS tại thành phố Poznan – Balan ngày 4 tháng 10 năm 1943). Hay: “Một cải tiến khác được chúng tôi thực hiện, đó là các buồng hơi ngạt có thể xử lí hai ngàn người một lúc, trong khi tại Treblinka có hàng chục buồng có thể tiêu diệt hai trăm người mỗi buồng” (Trích lời khai của Rudolf Hess, trưởng trại Osvenzim [1] , tại phiên tòa ở Nürnberg)

Ta có thể thấy thái độ tương tự của chế độ bolsevic ở Liên xô đối với các nạn nhân của nó: “Cuộc bạo loạn rộng khắp của nông dân tỉnh Riazan bắt nguồn từ tệ đoan của chính chúng ta”, Ovsianikov, đại diện của Ban chấp hành trung ương Liên xô đã viết. “Cuộc bạo loạn không ảnh hưởng đến hai huyện là Skopinski, chính sách ở đây mềm dẻo và huyện Dankovski, nơi chính sách khủng bố khốc liệt đã đè bẹp tất cả....Đối với nông dân chỉ có hai cách, hoặc là cái bánh hoặc là nện cho đến ngất xỉu”. “Không nghi ngờ gì là quan điểm có tính nguyên tắc của chúng ta rằng dân Cô dắc là thành phần xa lạ đối với chủ nghĩa cộng sản và tư tưởng Xô viết là hoàn toàn đúng”, Reinold, một cán bộ bolsevic cao cấp khác, viết năm 1919. “Người Cô dắc, hay là đa số người Cô dắc trước sau gì cũng sẽ bị tiêu diệt, đơn giản là giết về mặt thể xác, nhưng cần phải khôn khéo, cần phải rất thận trọng, cần phải ve vãn dân Cô dắc. Không một phút giây nào được quên rằng chúng ta đang phải đối mặt với một dân tộc hiếu chiến”.

Chế độ toàn trị đặt ra trước nhân lọai nhiều câu hỏi mới. Tại sao chuyện đó lại có thể xảy ra? Tại sao người ta lại có thể phạm những tội ác khủng khiếp đến như vậy? Sau những gì đã thấy, ta có thể nói về tiến bộ trong quan hệ giữa người với người và tiến bộ trong quan hệ xã hội sau hàng ngàn năm phát triển được không? Hay là ngược lại, cần phải nói về sự suy đồi và thoái hoá của giống người?

Nhưng nhiều người lại cũng nói rằng dưới chế độ toàn trị họ cảm thấy tình đoàn kết, cảm giác được tham dự vào các sự kiện vĩ đại, giữa người với người không có sự ghẻ lạnh như hiện nay. Thể chế xã hội ấy là gì mà có thể kết hợp được những khía cạnh tưởng chừng không thể kết hợp nổi như: sự man rợ lạnh lùng với tình đoàn kết và niềm tin vào hạnh phúc chung?


Chế độ toàn trị, một hình thức chính quyền mới
Chúng ta có thể nhận thấy rằng các tư tưởng gia của các chế độ toàn trị có thể phủ nhận hoàn toàn (như ở Liên xô trước đây) hoặc ngược lại, công khai công nhận tính chất toàn trị của nó, hơn nữa còn cố gắng xác định những đặc trưng cơ bản của hình thức cai trị ấy. Lãnh tụ phong trào phát-xít Ý, Mussolini, từng nói: “...Đối với một người phát-xít thì tất cả đều nằm trong nhà nước, không có gì là nhân tính hay tinh thần có thể tồn tại, hơn nữa có thể có giá trị bên ngoài nhà nước. Trong ý nghĩa này thì chủ nghĩa phát-xít là toàn trị, và nhà nước phát-xít đóng vai trò như một cơ chế tổng hợp và hợp nhất các giá trị, luận giải và phát triển toàn bộ đời sống của dân chúng cũng như tăng tốc nhịp điệu của nó”. Như vậy là các lí thuyết gia cũng như những người thiết lập nên các chế độ toàn trị đã nêu lên một trong những đặc trưng cơ bản nhất của chế độ toàn trị: các chế độ này là biểu hiện cực đoan nhất của xu hướng nhà nước hoá, xu hướng thống trị của nhà nước đối với xã hội. Xã hội bị nhà nước nuốt chửng chính là mô hình “tổng thể”, nghĩa là một nhà nước bao hàm tất cả, bao trùm tất cả, nuốt tất cả các thể xã hội vào trong bộ máy của mình. “Xuất phát điểm của chế độ chuyên chế hoàn toàn trái ngược với chế độ toàn trị về mọi khía cạnh”, Hannah Arendt, một nhà nghiên cứu về chế độ toàn trị viết. “Chế độ chuyên chế dưới mọi hình thức luôn luôn lấn át hay là hạn chế tự do nhưng không bao giờ thủ tiêu tự do. Chế độ toàn trị, không phụ thuộc vào mức độ bạo ngược, có mục đích thủ tiêu tự do chứ không phải là giới hạn tự do”. Hướng đến một quyền lực không giới hạn “là bản chất của các chế độ toàn trị. Chính quyền như vậy chỉ đứng vững khi tất cả mọi biểu hiện của đời sống cá nhân của tất cả mọi người, không có ngoại lệ nào, đều bị kiểm soát một cách có hiệu quả”.

Khác với các chế độ độc tài hay chuyên chế thường gặp trong quá khứ, những chế độ này cho phép sự tồn tại các đơn vị phụ thuộc và liên kết lại với nhau vào cùng một trục dọc (hương ấp, hiệp hội, liên minh) bên trong hệ thống, nhà nước toàn trị cố gắng tiêu diệt một cách có ý thức tất cả các mối liên kết phi chính thống theo chiều ngang giữa các thành viên và không cho phép tồn tại những khoảng trống thiếu sự bảo trợ của nhà nước. Trong trường hợp này chính quyền nhà nước được coi như cỗ máy điều tiết hay quản lí tất cả các quan hệ xã hội, kể cả các quan hệ riêng tư nhất (ở Liên xô trước đây các quan hệ gia đình nhiều khi được mang ra giải quyết tại các cuộc họp chi bộ đảng). Điều kì lạ là các phong trào có tính quần chúng của các chính phủ toàn trị lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dưới lên.


Toàn trị là “nô dịch tích cực”
Khi nói về chế độ toàn trị người ta thường chú ý đến hiện tượng xã hội là các cá nhân sống trong đó bị bộ máy nhà nước nuốt gọn. Nhưng đây chỉ là cái vỏ bên ngoài của chủ nghĩa toàn trị. Cốt lõi của chủ nghĩa toàn trị chính là hiện tượng mà Yaakov Oved, nhà nghiên cứu chính trị học Israel, gọi là “nô dịch tích cực”. Khác với các chế độ chuyên chế cổ điển dựa trên nguyên tắc “nô dịch thụ động”, nghĩa là cấm “làm một điều cụ thể nào đó”, chế độ toàn trị thiết lập nguyên tắc “nô dịch tích cực” nghĩa là nó cố gắng đưa từng cá nhân hoặc cả một tập thể đến một tình trạng mà họ “tự làm cái được phép”.

Hiện tượng này là kết quả của quá trình thôi miên quần chúng theo một ý thức hệ cụ thể mà kết quả là họ trở thành những người tự nguyện, thường khi là những người tham gia tích cực vào chính sách cũng như tội ác của chính chế độ ấy. Nhưng điều đó không thể nào thực hiện được nếu chế độ toàn trị không dành cho quần chúng một sự đền bù nhất định về mặt tâm lí. Chế độ toàn trị đưa cho người ta một niềm tin, một hệ toạ độ hoàn chỉnh, sự đồng nhất, tình đồng chí và cuối cùng là cảm giác say sưa khi được tham gia vào đám đông hân hoan và phấn khích đầy thù hận.

Sự cưỡng ép và kiểm soát toàn diện của bộ máy nhà nước đối với xã hội cùng với tính tích cực của phong trào quần chúng do chính bộ máy đó điều khiển, hai hiện tượng này là cốt lõi và cũng là điểm khác biệt của nó với các chế độ chuyên chế khác.

Đề tài “nô dịch tích cực” đã được nhiều nhà nghiên cứu về chế độ toàn trị khảo sát. Tất nhiên lãnh tụ của các phong trào này chính là những người đầu tiên đề cập tới vấn đề đó. Chính Lênin là đã xác định trật tự bolsevic ở Nga là sự kết hợp giữa chuyên chính vô sản (chính quyền của đảng bolsevic và bộ máy nhà nước do nó lãnh đạo) và “sự sáng tạo sống động của quần chúng”. Adolf Hitler, khi còn trẻ, trong lúc chứng kiến cuộc biểu tình do những người dân chủ xã hội tổ chức có hàng triệu công nhân tham gia ở Viên đã cảm thấy vô cùng hoảng sợ và sau đó là thích thú. Hoảng sợ vì cái đám đông quần chúng được một số lãnh tụ dẫn dắt đó có thể dễ dàng đè bẹp đối phương (hắn tự coi mình là đối phương của đám đông đó). Thích thú vì hắn bỗng hiểu rằng có thể lái sức mạnh của các phong trào quần chúng đó vào hướng cần thiết.

Khi nói đến những người không chấp nhận chế độ toàn trị thì trước tiên người ta nghĩ đến những thành viên cuộc khởi nghĩa trên đảo Kronshtadt năm 1921 (đảo ở gần thành phố Leningrad – Saint Peterburg hiện nay – ND), cuộc khởi nghĩa chống chế độ toàn trị đầu tiên trong thế kỉ XX. Trong số báo do Ủy Ban Cách Mạng Lâm Thời Kronshtadt xuất bản vào tháng 3 năm 1921 có đoạn viết: “...Nhưng việc nô dịch về tinh thần nhục nhã và tội lỗi nhất của những người cộng sản là: họ can thiệp cả vào thế giới nội tâm của quần chúng lao động, bắt quần chúng phải suy nghĩ như họ”.

Vsevolod Volin, một người vô chính phủ, thành viên tích cực của cách mạng Nga và là một trong những người phê phán không khoan nhượng Liên xô, một trong những người đầu tiên quan tâm đến hiện tượng là tại một số nước trên thế giới đã hình thành những điều kiện làm cho các phong trào quần chúng tiếp thu tư tưởng chuyên chính, ông cũng là người nhận ra sự tương đồng giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản và như vậy đã mở ra phương hướng tư duy về chế độ toàn trị và nô dịch tích cực. Ông đã viết trong cuốn sách Chủ nghĩa phát xít đỏ xuất bản đầu những năm 30 của thế kỉ trước như sau: “Nếu tư tưởng chuyên chính – tàn bạo hay bọc đường - được công nhận và ủng hộ rộng rãi thì có nghĩa là con đường cho sự xâm nhập của tâm lí, tư tưởng và hành động phát xít đã mở rộng rồi… Khi ý tưởng này được… các nhà tư tưởng của các giai cấp vô sản nắm lấy và đưa vào thực hiện như là phương tiện giải phóng cho họ thì ta phải công nhận rằng đấy là…một sự lầm lẫn nguy hiểm. Thực chất đấy là tư tưởng phát xít, nếu được thực hiện nhất định sẽ dẫn đến một tổ chức xã hội hoàn toàn mang tính phát xít”. Tất nhiên là các chế độ chuyên chế khác cũng cần được xã hội mà nó cai trị công nhận chứ không thể chỉ dựa vào báng súng. Nhưng các chế độ này chỉ cần các thần dân thoả hiệp với chính sách của nó chứ không cố gắng nắm cả “trái tim và khối óc dân chúng”, không đòi hỏi sự ủng hộ nhiệt tình và sự tham gia trực tiếp của dân chúng vào đường lối cũng như tội ác của chế độ.

Tâm trạng đặc trưng cho trạng thái “nô dịch tích cực” được nữ văn sĩ Nga, Evghenia Melser, viết ngay từ cuối những năm 20 của thế kỉ trước như sau: “Ghenia rất thích những ngày lễ 7 tháng 11 và 1 tháng 5. Đấy là những cột mốc trong đời sống đất nước, cột mốc trong hành trình như vũ bão tiến về phía trước, cũng là cột mốc trong cuộc đời của chính cô, cô cho rằng mình có những tình cảm đặc biệt và sẽ nhớ những ngày ấy theo một cách cũng thật là đặc biệt. Sau đó là cảm giác không gì so sánh được, cảm giác được hòa tan vào đám đông quần chúng được khích lệ bởi niềm hân hoan chiến thắng, khi tất cả cùng thở một nhịp, cùng một suy nghĩ, cùng một khí thế”. Ở đây điều đáng lưu ý không chỉ là cảm giác say sưa khi được hoà tan vào đám đông, mà ta sẽ thấy trong phần trình bày sau, có thể là hình thức tồn tại cổ sơ, tiền công nghiệp của con người. Điều đáng buồn nhất và có thể cũng là vô lí nhất trong trường hợp này là dân chúng đã ăn mừng “chiến thắng” trong một đất nước nghèo nàn, đói khát, trong một đất nước đang chìm ngập trong những đợt thanh trừng tàn bạo cả về qui mô và mức độ tàn nhẫn do nhà nước tiến hành. Họ mừng chiến thắng của nhà nước đối với chính mình, mừng sự thất bại thảm hại của chính mình. Ở đây chúng ta bắt gặp một trong những khía cạnh quan trọng nhất của hiện tượng nô dịch tích cực: khi bạo lực trở nên không thể chịu đựng được mà dân chúng lại không có cách nào né tránh thì họ đành phản ứng bằng cách yêu ngay những kẻ đang thi hành bạo lực. George Orwell, dựa vào lời kể của những người từng bị các chế độ toàn trị đàn áp đã chỉ ra sự gắn bó một cách kì quặc giữa nạn nhân và những tên đao phủ. Một nhà nghiên cứu chế độ toàn trị nổi tiếng khác, ông Erich Fromm, đã gọi hiện tượng đó “biểu hiện của bệnh tự làm khổ mình và làm khổ người".

Một khía cạnh quan trọng nữa của hiện tượng nô dịch tích cực là nguyên tắc trách nhiệm tập thể và cảm giác tội lỗi tập thể. Tại sao các chế độ toàn trị lại cần giành được sự ủng hộ của toàn dân đối với tất cả các họat động của nó, đặc biệt là các họat động thanh trừng? Tạo sao nó phải thường xuyên tổ chức các buổi mít tinh đông người tại các công xưởng, nhà máy, hoặc các buổi diễu hành trên đường phố, nơi thường vang lên các khẩu hiệu đòi tiêu diệt kẻ thù giai cấp hay các dân tộc hạ đẳng? “Đoàn kết, đoàn kết - một nhân vật trong truyện ngắn Trên công trường xây dựng Vạn lí trường thành của Franz Kafka reo lên - tất cả đứng, vai kề vai, cùng nắm tay nhau, máu không chỉ chảy trong huyết quản từng cá nhân riêng lẻ nữa mà chảy trong khắp nước Trung hoa rộng lớn để rồi cuối cùng lại trở về với chính bạn”. Ta có thể thấy ẩn ý của từ máu trong tiếng reo mà nhà văn gắn vào miệng nhân vật của những “công trình xây dựng vĩ đại”. Máu ở đây tượng trưng cho những vụ giết người hàng loạt, những vụ giết người nhằm tăng cường sự thống nhất trong một nhà nước toàn trị. Khi máu đã trở thành chất kết dính mọi người với nhau thì không thể nào lùi được nữa, muộn rồi, cảm giác tội lỗi quá lớn, chỉ còn mỗi một cách là tiến lên.

Kết quả của nô dịch tích cực là con người như nó vốn là biến mất, nó đã trở thành một chiếc đinh ốc nhỏ trong bộ máy đàn áp của nhà nước toàn trị. Con người bị bộ máy to lớn đó nghiền nát, một bộ máy không cho người ta thể hiện tất cả các chiều kích vốn có của cá nhân mình, không cho người ta suy nghĩ, cảm thụ độc lập, một bộ máy làm cho cá nhân con người tan ra trong sự thần phục lãnh tụ, tan ra trong cơn phấn khích của lòng hi sinh. Chủ nghĩa toàn trị, dù dựa trên tinh thần dân tộc hay giai cấp, thực chất là “một vụ tranh chấp không bao giờ dứt”.


Cơ cấu xã hội tiền công nghiệp
Ngay từ khởi thủy con người đã sống trong những cộng đồng nhỏ, phù hợp với bản năng xã hội về sự tương trợ nằm tận đáy sâu tâm hồn họ. Trải suốt chiều dài của lịch sử, cuộc sống tập thể đã được biểu hiện dưới nhiều hình thức: dòng họ, bộ lạc, cộng đồng…Lao động, sinh hoạt và các hoạt động khác của con người trong hàng ngàn năm được qui định theo truyền thống, sự khác nhau liên quan đến hoạt động giữa các thành viên của xã hội chỉ mang tính tạm thời và không tạo ra đặc lợi. Những nhiệm vụ quân sự và nhu cầu phối hợp trong hoạt động sản xuất của cộng đồng đã thúc đẩy việc hình thành và củng cố dần dần quyền lực vào tay các lãnh tụ và các thày tư tế. Quyền lực đã được thiết lập bằng cách đó và chính từ đây năm, sáu ngàn năm trước bộ máy nhà nước đã ra đời. Nhưng mặc dù ngày nay chúng ta coi những hệ thống chính trị thời tiền công nghiệp là những chế độ chuyên chế thì sự can thiệp của nhà nước vào đời sống của các làng xã nông nghiệp hay các tổ chức thủ công cũng rất hạn chế. Ở châu Âu thời trung cổ các cộng đồng nông nghiệp và hiệp hội thợ thủ công, xưởng và các hiệp hội trực thuộc nhà thờ vẫn giữ được một sự tự trị nhất định, nhà nước ít khi can thiệp vào đời sống của các tổ chức đó.

Sự phát triển của các dân tộc và các nền văn hoá đi theo những con đường khác nhau, đôi khi hơi giống nhau. Nếu ở châu Âu, do chính sách của các chính quyền chuyên chế, đã xuất hiện những thiết chế tư hữu để từ đó hình thành chủ nghĩa tư bản hiện đại thì tình hình ở phần còn lại của thế giới lại hoàn toàn khác. “Nhà nước” – Karl Marx viết về các nước phương Đông – “là chủ sở hữu tối thượng của đất đai. Quyền lực tối thượng ở đây là sở hữu ruộng đất được tập trung trên qui mô toàn quốc.…Trong trường hợp này không hề có sở hữu tư nhân về đất đai mặc dù có việc sử dụng tư nhân hoặc cộng đồng”. Vì thời thượng cổ đất đai là phương tiện sản xuất chủ yếu cho nên có thể nói rằng nhà nước và nhà vua không chỉ nắm quyền lực chính trị mà còn nắm quyền lực kinh tế, áp đảo cả xã hội và cá nhân. Đa số tuyệt đối cư dân là các cộng đồng nông dân, sống chủ yếu bằng tự cấp tự túc (kinh tế tự nhiên) được quyền sử dụng đất (nhưng không phải là quyền sở hữu) và canh tác trên cơ sở chủ nghĩa tập thể và tương đối bình đẳng về tài sản (mặc dù ở một số vùng ở phương Đông đã có các trung tâm đô thị nơi các quan hệ buôn bán và tiểu thủ công nghiệp đã phát triển). Marx gọi đấy là “chuyên chế châu Á”. Có thể đọc những bản báo cáo, phân tích kĩ lưỡng cơ cấu xã hội loại này trong các tác phẩm của nhà nghiên cứu nổi tiếng người Đức Karl Wittfogel, nhà sử học-phương đông học người Nga Leonid Vasiliev và nhiều nhà nghiên cứu khác nữa.

Chế độ chuyên chế Á châu thường cố kết bằng những truyền thống văn hoá rất mạnh. Ở Nga, đấy là chính quyền của Sa hoàng đựơc nhà thờ tôn vinh như là “người chủ của đất Nga”, mà hoàn toàn không phải theo nghĩa bóng của từ này vì ngoài những khoảnh đất mênh mông là tài sản của chính Sa hoàng, các điền chủ, ở một khía cạnh nào đó, cũng được coi là người quản lí đất đai của nhà nước. Mặc dù họ có quyền mua bán đất đai, nhưng nhà nước vẫn thường can thiệp vào quan hệ ruộng đất. Trong khi đó tuyệt đại đa số dân chúng là nông nô của nhà nước và địa chủ.

Trong các nước Hồi giáo ruộng đất được coi là của Thượng đế, Halif và Sultan chỉ là những người đại diện cho Thượng đế quản lí mà thôi. Nền văn hoá Trung quốc trong suốt hơn hai ngàn năm chịu ảnh hưởng mạnh của tư tưởng Khổng giáo, một học thuyết xã hội mà nền tảng của nó là sự phục tùng bậc huynh trưởng; quan niệm vua là thiên tử, có quyền sinh sát và quản lí đất đai thông qua bộ máy quan liêu và cuối cùng là quan niệm bình quân chủ nghĩa về công bằng xã hội.

Nhưng không nên nghĩ rằng phương Đông là thế giới nằm dưới sự cai trị tuyệt đối của nhà nước. Ngay ở đây vẫn tồn tại một sự tự trị nhất định của các làng xã nông nghiệp, vốn tương đối tự trị trong nhiều lĩnh vực, là một thế giới khép kín, sống theo những truyền thống và nguyên tắc có từ lâu đời. Khi nhà nước can thiệp quá mức vào quan hệ làng xã hoặc áp bức quá mức về kinh tế (thuế khóa) thì làng xã có thể phản ứng bằng những hành động bạo loạn để lập lại công bằng.

Những thiết chế xã hội truyền thống ở phương Tây đã bị đặt dưới áp lực của chủ nghĩa tư bản đang phát triển được nhà nước ủng hộ và giúp đỡ. Kết quả là những mối liên kết xã hội dựa trên sự tương trợ đã bị nhoà dần hoặc phá hủy. Chế độ tư bản-công nghiệp đã phát triển và hoàn thiện trong các nước phương Tây, sau đó mở rộng dần ra các nước, các lục địa khác dưới những hình thức khác nhau, đôi khi thật là lố bịch.


Tăng tốc công nghiệp hoá
Các nhà nghiên cứu chủ nghĩa toàn trị thường gắn việc bành trướng khuynh hướng toàn trị và vai trò điều tiết của nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như những vụ trấn áp tập thể với tiến trình tăng tốc công nghiệp hoá. Alvin Toffler, một nhà nghiên cứu chính trị hiện đại Mĩ cho rằng quá trình phát triển công nghệ của xã hội loài người diễn ra theo hình sóng và có thể chia thành ba làn sóng thay đổi công nghệ. Làn sóng thứ nhất là cuộc cách mạng nông nghiệp đã bắt đầu và cũng đã hoàn thành từ rất lâu, cuộc cách mạng này chấm dứt thời kì hái lượm, đưa loài người đến những quan hệ mới và lập ra những nền văn minh đầu tiên trong lịch sử. Làn sóng thứ hai là cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu cách đây khoảng ba trăm năm, dựa trên sản xuất công nghiệp đánh dấu việc hình thành những hình thức tổ chức xã hội mà ta đã biết. Toffler coi một trong những đặc trưng quan trọng nhất của nền sản xuất công nghiệp là sự tách rời giữa sản xuất và tiêu thụ và ưu thế của sản xuất so với tiêu thụ. Khác với các xã hội thủ công-nông nghiệp tiền công nghiệp, sản xuất tự cấp tự túc không còn nữa, thay vào đó là sản xuất hàng hoá, nghĩa là sản phẩm dành cho những người tiêu thụ vô danh và có mục đính tìm kiếm lợi nhuận (nói cách khác là sản xuất hàng hoá, chủ nghĩa tư bản).

Theo quan điểm của Toffler thì sự xuất hiện của các chế độ toàn trị gắn liền với quá trình công nghiệp hoá. Xã hội công nghiệp với bộ máy quan liêu, bệnh sùng bái tổ hợp lớn, tiêu chuẩn hoá, và vô danh đã sinh ra các chế độ toàn trị. Các nhà máy cực lớn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chủ nghĩa quan liêu trong xã hội, đòi hỏi tăng cường vai trò điều tiết của nhà nước, nhà nước phải theo dõi một cách gắt gao sự tuân thủ, vâng lời của hàng triệu công nhân đang phải làm những công việc đơn điệu đến kiệt sức. Xu hướng này càng tăng cường thêm khi xuất hiện phương pháp “Ford”, phương pháp sản xuất theo dây chuyền được đưa vào đầu tiên trong các nhà máy của hãng Ford. Đấy là hình thức tổ chức lao động trong nhà máy có chuyên môn hoá cao, phân chia quá trình lao động thành rất nhiều bước nhỏ, tương đối đơn giản, cấp dưới tuyệt đối phục tùng cấp trên cùng với các biện pháp khen thưởng và kỉ luật nhằm hợp lí hoá sản xuất. Hệ thống tổ chức lao động như thế có thể dẫn đến và trong một số trường hợp (Liên xô, nước Đức phát xít) đã dẫn đến sự xuất hiện các hình thức chính quyền chuyên chế dựa trên cơ sở quản lí toàn bộ đời sống của xã hội. Tại các nước đó người ta từng hi vọng rằng cùng với việc tăng nhanh tiềm năng công nghiệp họ có thể đóng vai trò bá chủ thế giới hoặc chí ít cũng có thể ngang hàng với các nước công nghiệp phát triển khác trên vũ đài chính trị quốc tế.

Khác với Toffler, chúng tôi không cho rằng việc phát triển công nghiệp là nguyên nhân chủ yếu và duy nhất của sự xuất hiện chế độ toàn trị. Tuy nhiên không nghi ngờ gì rằng các xu hướng toàn trị có một mối liện hệ nhất định đối với quá trình công nghiệp hoá.


Liên Xô
Hệ thống gọi là “Chủ nghĩa xã hội hiện thực” ở Liên xô cũng như các hệ thống toàn trị khác đã tiến hành tăng tốc hiện đại hoá nền công nghiệp theo kiểu của mình. Những người bolsevic đã xây dựng ở nước Nga cơ sở của hệ thống công nghiệp với tốc độ rất nhanh, bằng phương pháp thực ra là sự tiếp tục và cấp tiến hơn của chính sách công nghiệp hoá khởi đầu từ thời Nga hoàng. Từ những năm 60 của thế kỉ XIX chính quyền Nga hoàng đã hiện đại hoá nền công nghiệp, tuy qui mô không thể nào so sánh được với thời Xô viết. Tín dụng của chính phủ đóng vai trò quan trọng đối với công nghiệp khai khoáng, dệt và luyện kim, nếu không có tín dụng thì cũng không thể nào xây dựng được hệ thống đường sắt to lớn như vậy. Chính phủ Nga có hai nguồn cung cấp tín dụng chính. Thứ nhất là trái phiếu của chính phủ trên các thị trường Đức, Pháp, Bỉ và Anh. Thứ hai là chính sách thuế khoá, cụ thể là tăng thuế gián thu đối với hàng hoá tiêu dùng. Mức thuế là gánh nặng đối với dân chúng, cả thành thị và nhất là nông dân vốn là phần dân cư chủ yếu của đất nước. Nông dân bị phá sản, họ phải di cư vào các trung tâm công nghiệp, đảm bảo cho các xí nghiệp đang phát triển sức lao động rẻ mạt. Ở một khía cạnh nào đó, điều này có nghĩa là nền công nghiệp Nga đã phát triển chủ yếu nhờ vào việc bóc lột cộng đồng nông dân từ phía nhà nước và tất nhiên điều đó không thể không tạo ra căng thẳng xã hội cả ở nông thôn vì cuộc sống ở đấy đã bị đảo lộn, cả ở thành thị vì ở đó đang có hàng triệu người tức giận vì bị phá sản, bị đẩy ra khỏi môi trường sống quen thuộc, bị tước đoạt điều kiện sống và lao động quen thuộc.

Sergei Pavliutrenkov, nhà sử học hiện đại Nga từng viết: “Cái gọi là “Chủ nghĩa cộng sản thời chiến” (chính sách kinh tế và xã hội của chế độ bolsevic trong những năm 1918-1921) xuất hiện một cách tự nhiên từ nhà nước nông nô truyền thống, từ nền công nghiệp công và tư được nuôi dưỡng bằng chế độ thuế khóa nặng nề đối với các tầng lớp trung lưu và hạ lưu. Đầu thế kỉ XX chỉ có nước Nga là có các tiền đề lịch sử cần thiết và nền tảng để có thể tiến hành một cuộc thí nghiệm trên qui mô rộng lớn về việc tăng cường về chất vai trò của nhà nước trong việc quản lí và can thiệp sâu vào quá trình phát triển xã hội. Không có một nước nào có thể cung cấp cho các nhà cách mạng những đòn bẩy quyền lực mạnh mẽ như vậy”. Nước Nga, với một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá như năm 1918 thì trật tự xã hội toàn trị với sự tập trung hoá nền kinh tế và các lĩnh vực khác vào tay nhà nước và việc cướp lúa mì bằng vũ lực do chính quyền bolsevic áp đặt đã là một trong những phương án tổ chức xã hội khả dĩ. Như vậy là những người bolsevic đã thực hiện công việc cải tạo do hoàn cảnh chiến tranh đưa lại. Nhưng các biện pháp này đã bị một bộ phận công nhân và hàng triệu nông dân lao động chống đối quyết liệt. Năm 1921 chính quyền chuyên chế bolsevic suýt nữa thì bị làn sóng khởi nghĩa của nông dân nhấn chìm và buộc phải từ bỏ chính sách đó (cộng sản thời chiến – ND). Việc cướp bóc nông dân một cách trực tiếp và trên diện rộng đã chấm dứt. Người nông dân được tự do sử dụng thành quả lao động của mình: bán hay trao đổi trực tiếp lấy sản phẩm của công nghiệp. Bắt đầu thời kì chính sách kinh tế mới, một giai đoạn ngưng chiến trước một làn sóng tấn công mới vào quyền lợi của người lao động ở cả thành thị và nông thôn. Trong suốt những năm 20 các làng xã nông dân tiếp tục tồn tại và kháng cự, đôi khi khá cương quyết, chính sách thuế khóa của chính quyền bolsevic.

Cuối những năm 20 Liên xô vẫn còn là nước kém phát triển, chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp. Gần 80% dân cư sống ở nông thôn, sản phẩm nông nghiệp chiếm 2/3, công nghiệp chỉ đóng góp 1/3 sản phẩm kinh tế quốc dân. Nền công nghiệp mới bắt đầu vượt qua mức trước chiến tranh. Nắm được chính quyền ở một đất nước to lớn, bộ máy cầm quyền thực chất đã ở vào đúng vị trí của chế độ Sa hoàng trước đây. Bộ máy đó cũng muốn thực hiện chính sách đế quốc, nhưng cơ sở vật chất lại quá yếu. Để thực thi chính sách đó thì cần phải hiện đại hoá đất nước về tất cả các mặt, phải xây dựng cho được nền công nghiệp nặng và công nghiệp quốc phòng mạnh. Chính quyền cho rằng đây không chỉ là cách giải quyết các vấn đề quốc nội mà còn bảo đảm được nền độc lập và sức mạnh quốc gia cũng như khả năng bành trướng của nó và điều đó cũng có nghĩa là sự ổn định và đặc quyền cho giai cấp cầm quyền. “Anh lạc hậu, anh yếu, thì anh sai, nghĩa là có thể bị đánh, có thể bị nô dịch. Anh mạnh thì anh có lí, nghĩa là người ta phải tránh anh. Đấy là lí do vì sao chúng ta không thể lạc hậu thêm được nữa” – Stalin từng tuyên bố như vậy.

Bộ máy quan liêu của đảng và nhà nước hi vọng rằng: “Dựa vào việc quốc hữu hoá đất đai, nhà máy, phương tiện vận tải, ngân hàng, thương mại, thực thi chế độ tiết kiệm tối đa, có thể tích lũy được đủ kinh phí cần thiết cho việc khôi phục và phát triển công nghiệp nặng” (Stalin). Đây rõ ràng là công cuộc công nghiệp hoá do nhà nước tiến hành, trong đó bộ máy nhà nước hoạt động giống như một nhà máy duy nhất cực kì to lớn. “Sự biến đổi lớn lao” trong kinh tế đòi hỏi một sự tích tụ và đưa về một mối sức người, sức của, sự tập trung quyền lực về kinh tế và trấn áp vào tay giới cầm quyền chóp bu và các cơ quan kế hoạch nhà nước, việc áp dụng phương pháp chỉ huy-hành chính cũng như lao động khổ sai của hàng triệu tù nhân, không một công trường xây dựng lớn nào thời Stalin là không sử dụng lao động của tù nhân. Người ta đã thiết lập được một bộ máy quản lí và kế họach hoá nền kinh tế quốc gia, dựa trên các kế hoạch phát triển kinh tế năm năm. Công cuộc hiện đại hoá tiến kịp theo các nước phát triển được thực hiện bằng cách cướp bóc nông dân, trả lương thấp cho công nhân (sức mua của đồng lương từ năm 1928 đến năm 1940 đã giảm đi ba lần), xuất khẩu nguyên liệu và lúa mì, tăng thuế và bán thêm rượu.


Và ở Đức
Việc tăng cường vai trò của nhà nước trong một loạt nước phươg Tây trong những năm 20-30 của thế kỉ XX là kết quả của những biến chuyển xã hội và kinh tế. Áp dụng sản xuất theo dây chuyền đã dẫn đến việc giảm đột ngột nhu cầu về nhân lực, bần cùng hoá quần chúng, suy giảm nhu cầu có khả năng thanh toán và cuộc “Đại khủng hoảng” đã làm cho căng thẳng xã hội tăng thêm. Người ta đã không giải quyết được những vấn đề đó trong khuôn khổ của hệ thống thị trường tự do. Trong khi cuộc cạnh tranh một mất một còn với các nước khác và việc củng cố sức mạnh chính trị và kinh tế đòi hỏi phải cải tạo nhanh chóng nền công nghệ cũng như gấp rút ổn định chính trị. Nhà nước buộc phải thực hiện những biện pháp nhất định, nếu không thì xã hội không còn là một thực thể thống nhất nữa. Các qui tắc có tính cách hành chính được áp dụng không chỉ trong lĩnh vực đời sống mà còn được đưa vào trong kinh tế thông qua hệ thống trợ cấp, thuế khóa, điều tiết giá cả và tiền lương, kế họach hoá và quốc hữu hoá. Những vấn đề đó thể hiện rõ nhất đối với các nước thất trận trong thế chiến thứ nhất và đang bị áp lực cả về kinh tế và chính trị từ phía các nước thắng trận trong việc đền bù chiến phí và hạn chế phát triển công nghiệp quốc phòng cũng như quân đội.

Ngoài ra, việc bành trướng của tư bản Đức ra nước ngoài đã bị ngăn chặn bởi chính sách bảo hộ của nhiều chính phủ để phản ứng lại cuộc khủng hoảng kinh tế, còn việc đầu tư vào những lĩnh vực phi quân sự thì không có lời vì nạn thất nghiệp cao và sức mua thấp. Các thế lực công nghiệp liên kết chặt chẽ với đảng phát xít và đảng này đã nhận được nguồn tài trợ rất lớn. Trong một loạt cuộc gặp với giới công nghiệp, Hitler, đảng trưởng Đảng phát xít, đã thuyết phục được giới này rằng chỉ có chính quyền do hắn cầm đầu, thực hiện việc tăng cường vũ trang, mở rộng các xí nghiệp công nghiệp mới có thể giải quyết được vấn đề đầu tư và đàn áp được mọi sự chống đối của quần chúng lao động.

Năm 1936 đảng phát xít đưa kế hoạch phát triển kinh tế 4 năm ra thực hiện. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch này là tái cấu trúc nền kinh tế Đức để có thể sống còn trong điều kiện bị bao vây về kinh tế. Theo kế hoạch, người ta đã thành lập những nhà máy cực lớn chuyên sản xuất vải, cao su, nhiên liệu tổng hợp và các sản phẩm khác bằng nguyên liệu trong nước. Những nhà máy luyện thép cực lớn dựa vào quặng rẻ nội địa cũng được xây dựng. Một phần chi phí cho việc thành lập và mở rộng các lĩnh vực công nghiệp mới được thanh toán bằng các kì phiếu “mefo” do ngân hàng quốc gia phát hành và được nhà nước bảo lãnh. Như thế nghĩa là sự phát triển của nền kinh tế Đức được thực hiện bằng công trái mà các thế hệ tương lai sẽ phải thanh toán. Nền công nghiệp bị bao vây bởi một loạt các qui định của nhà nước. Tiến sĩ Funk, năm 1937 giữ chức bộ trưởng bộ kinh tế Đức, đã từng tuyên bố: “Hiện nay báo cáo chính thức chiếm hơn một nửa các thư từ giao dịch của các nhà doanh nghiệp”. Dưới áp lực của chính phủ, các công ty tư nhân buộc phải liên hết thành hiệp hội. Phòng kinh tế của đế chế là do các nhà tài phiệt, mà đứng đầu là một quan chức, nắm. Các kế hoạch kinh tế của nhà nước được thực hiện thông qua tổ chức này. Công ty tư nhân nào có mức lợi tức vượt 6% thì bắt buộc phải mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên phải nói thêm rằng nhà nước phát xít dù có hạn chế và định hướng hoạt động của các cơ sở tư nhân nhưng không hủy bỏ sở hữu tư nhân như Liên xô đã làm. Sự phát triển một loạt ngành kinh tế và việc cấm các cuộc biểu tình gây nhiều tổn thất đã có ảnh hưởng tích cực đối với thu nhập của phần đông giới tư sản nên dù cảm thấy khó chịu với những qui định gò bó, giai cấp này đã ủng hộ chế độ phát xít.

No comments: