Monday, August 27, 2012

CAO MỴ NHÂN * VĂN HỌC

CAOMYNHAN

 VĂN HỌC NGHỆ THUẬT BOSTON

                          MỘT CÕI THƠ KHÁC

                         (Bài viết chuyển từ tuần báo SaiGon Times USA tháng 12.2011)

     Cách đây không lâu, ở CHỐN BỤI HỒNG này, tôi thưa với quý vị rằng: Có rất nhiều nhà thơ được nổi lên chớp nhoáng bởi ý tưởng hay ngôn từ đã vô cùng mới mẻ lạ lùng, đến nỗi bạn đọc dù hờ hững đến đâu, cũng phải nhớ tên nhà thơ ấy, hay nhớ cái ý nghĩ hoặc lời văn của tác giả.

Thí dụ 4 câu trong bài thơ khá dài của thi sĩ Tô Kiều Ngân ở Huế, đăng trên báo Xuân Thẩm Mỹ (Saigon) năm 1953 tặng nhà thơ Song Nhất Nữ, bút hiệu của Giáo sư Đặng Bá Ngư dạy giảng văn lớp đệ thất trường trung học Trí Tri Hải Phòng xưa, nhưng ông vốn ở Hà Nội, rằng:
Tết nay gởi ảnh đi Hà Nội
Qua mấy con sông, mấy nhịp cầu
Nghệ sĩ trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn nhân thế, khó quên nhau
           (Tô Kiều Ngân)

     Thủa đó, thập niên 50, 60 thế kỷ trước, lời thơ cứ mênh mang trong ý tưởng như là hoàn cảnh không thoát ra được sự hạn chế của trời đất, nhân loại..., phần nào mang chút âm hưởng triết lý nhân sinh thời Trung Hoa phong kiến, cảm thấy tiểu ngã vô cùng bé nhỏ, không vượt qua được trở ngại thiên nhiên, đành là mặc cho số phận an bài, tuy vẫn luôn nhớ về nhau.

     Giữa cái niên kỷ 50-60 đó, có 3 nhà thơ, mà tình cờ tôi được hân hạnh gặp, theo thứ tự thời gian quen biết, không phải qua bề cao tuổi tác hay bề dày văn chương, và cùng thời gian đó, tôi cũng có nhiều thơ đăng báo rồi, mặc dầu tuổi tác tôi thua xa 3 vị tôi đan cử ra đây:
-
Nhà thơ Anh Tuyến - Gốc Miền Nam.
Đã có thơ in thành tập, tập thơ tình đầu cũng là tình cuối, dành tặng giai nhân cũng là phu nhân. Xong tập thơ này, tôi không thấy ông in thêm.
-Nhà thơ Tô Như - Gốc Miền Trung.
Cũng đã in vài tập thơ, lại cũng thơ tình, đa phần là viết ca tụng tuổi vào thu diễm tuyệt. Với nhà thơ này, tôi được nghe ông có di tản qua Hoa Kỳ năm 1975, và mất ở xứ sở tạm dung này khoảng gần vài chục năm nay.
-Nhà thơ Anh Hoa, nay là thi sĩ Hoa Văn - Gốc Miền Bắc di cư. Cựu Trung tá Quân Lực VNCH, tới Mỹ theo diện HO, hiện nay rất nổi tiếng thơ ca ở Tiểu bang Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, mà hôm nay, bởi nhiều lý do, tôi muốn giới thiệu ông với quý vị, nhà thơ đang đứng ở bậc thềm bát thập, mà người đời hay ví von:
...thất hiền, bát tú.
Nên, với tuổi đời, nhà thơ Anh Hoa xưa, hay Hoa Văn nay, đang đứng ở cửa vườn đào tiên, nhìn lại sự nghiệp thơ ông, cũng đã hơn nữa thế kỷ đa mang vần điệu, tuổi Thơ cách tuổi Đời 20 năm, đủ để có những đứa con tinh thần ưu tú.
Thành ra, tạm khép cửa vườn thơ Hoa Văn lại, để chúng ta kiểm điểm thành tích thơ Anh Hoa, Hoa Văn, theo lược kê của tác giả:
Thơ đã in tại Việt Nam Cộng Hòa
-Đường Em Hoa Nở 1964.
-Thơ Anh Hoa 1965.
-Thơ Lục Bát 1966.
-Những Bài Âu Ca 1968.
Thơ in tại Hoa Kỳ:
-Thơ Và Thời Gian 2002.
-Tạ Ơn Đời 2005.
-Che Đời Mưa Bay 2008.
-Như Áng Mây Hồng 2010.
Và tập thơ cuối cùng sẽ in vào mùa xuân 2012 sắp tới.

     Đọc qua dòng Tập Thơ Cuối Cùng, Mùa Xuân 2012 tới nơi rồi, quý vị cảm thấy thế nào, với nhà thơ Anh Hoa trước 1975, rồi đổi tên thành Hoa Văn sau 1975, chúng ta thấy tác giả, cựu Trung tá Quân Lực VNCH Ngô Văn Hòa quyết liệt đóng dấu trên thơ ông cái mốc đổi đời, mà vị Trung tá gộc Tâm Lý Chiến, không muốn nhiều lời tranh cãi với một số ai kia cũng làm thơ và cũng từng mang cấp bậc sĩ quan QLVNCH mà cứ ngang nhiên về Việt Nam, ngang nhiên đưa thơ cho chính quyền Cộng Sản Kiểm duyệt, để được in thơ bên quê nhà cho rẻ!
Thực ra thì chuyện in thơ bên Việt Nam không phải tại điều rẻ, đắt, mà họ chỉ muốn đọc giả ở quê nhà chiếu cố đến thơ ca của họ.

Về phía đọc giả ở Việt Nam, thì lại muốn xem thử thơ hải ngoại thế nào, có mới lạ hơn thơ trong nước, hay có chút...vĩ đại, kiểu trái bí đỏ ở Hoa Kỳ lớn hơn trái bí đỏ ở quê nhà chẳng hạn. Cựu Trung tá Ngô Văn Hòa, với bút hiệu Anh Hoa trước 1975, theo diện HO qua Hoa Kỳ năm 1993 đã nhất định ký tên trên tác phẩm lưu vong của ông là Hoa Văn.

     Vốn là một sĩ quan cao cấp Chiến Tranh Chính Trị VNCH từ khi xếp bút nghiên theo việc đao cung, qua bản Tướng Mạo Quân Vụ của ông, ông theo học Khóa Cương Quyết trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt từ năm 1954, để rồi ra trường, theo lý tưởng Chiến Tranh Tâm Lý, ông về học chuyên nghiệp Chiến Tranh Tâm Lý trường Cây Mai Saigon, rồi được đề cử qua Hoa Kỳ tu nghiệp các ngành Thông tin, Báo chí, Tâm Lý Chiến.

Về nước, ông nhận lãnh nhiệm vụ làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 20 chiến tranh chính trị, tích cực đấu tranh với Cộng sản ở khắp miền rừng núi, hành lang Tây Nguyên, trải dài từ Komtum, Pleiku, Chudron (Phú Bổn) xuống tới Ban Mê Thuột, hàng ngày thả tâm hồn cùng bom rơi, đạn nổ.

     Luôn luôn tay loa, tay súng, mà vẫn vun vén, trồng tỉa hoa thơ trên Đường Em Hoa Nở (1964)...tập thơ đầu như thế, mà tập áp chót lại lãng đãng Như Áng Mây Hồng (2010), để chuẩn bị cho tập cuối Vạt Nắng Bên Đời (2012), chao ôi, nhanh quá thời gian chưa bao giờ ngừng lại, mặc dầu thi sĩ Hoa Văn lúc nào cũng đĩnh đạc, ung dung, thư thái, bắt tay vào nhiều thứ công việc bao quanh thế giới Thơ.

     Thơ Hoa Văn đã nở hoa mãn khai lâu rồi nơi thành phố Boston, Tiểu bang Massachusetts. Ông luôn hòa nhã, khiêm tốn, làm một gạch nối giữa các văn nghệ sĩ VN ở Boston, để thành lập Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật, tổ chức được nhiều buổi Ra Mắt Sách cho các văn thi sĩ địa phương, các văn thi sĩ ở các tiểu bang xa, kể cả Canada nếu có bạn văn thơ muốn tới giới thiệu tác phẩm cũng hoan hỉ đón mừng.

     Một bạn thơ ở Boston cho tôi hay nhà Thơ Hoa Văn chưa hề nghĩ tới chuyện bát tuần khánh thọ, ông vẫn viết lách như đang ngồi ở văn phòng Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị, tiếp tục làm thơ, những câu thơ lục bát yêu kiều, vẫn phụ trách trang Thơ cho một tuần báo, ông còn đăng thơ trên nhiều báo bạn nữa.

     Thơ lục bát nhiều thì tâm tư tình cảm càng mượt mà, khoảng khoát, lời thơ bay bổng, khiến lại cũng rất tình cờ có cơ hội bắt gặp khoảng hai chục bài thơ Hoa văn được phổ nhạc. Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ thơ Em Hãy Lên Chùa Lễ Phật, vừa như khuyến đạo mà vẫn hoan ca, tươi vui mùa lễ hội, các bài tâm ca phảng phất màu sắc thiền được các nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, Nhất Chi Vũ, Nguyễn Thiện Lý, và đặc biệt vị nhạc sĩ ẩn danh LMST đã từng phổ cả nửa ngàn bài thơ của rất nhiều thi sĩ khác, trên mạng lưới nhạc của ông, riêng thơ Hoa Văn được chiếu cố khoảng gần 10 bài.

     Bận rộn quá, mà thời gian còn...ngắn quá, nhưng nhà thơ Hoa Văn vẫn giữ phong cách khoan thai, mỉm cười hòa nhã:

     "Tàu đời đang đi tới, song chưa tới sân ga, thì cứ...làm thơ, hễ tàu đời đó tới, tất phải đi thôi, chắc Muội cũng như Huynh, và bạn bè chúng ta, tất cả đứng chờ tàu đến, đưa ta tới nơi hẹn, đó là một cõi Thơ khác."

     Thi sĩ Hoa Văn bình tĩnh, thản nhiên, nhất định rồi, ông có cả một bề dày thơ, khả dĩ an tâm với ngòi bút còn vững vàng lui tới trên đường thơ xa thăm thẳm...rực rỡ mây hồng nắng ấm...

     Hawthrone 4-12-2011
      
CAO MỴ NHÂN


No comments: