Sunday, August 26, 2012

THIỆN ANH LẠC * MẬU THÂN

Bà Lão Tết Mậu Thân
Thiện Anh Lạc, 20/01/2004
http://www.quangduc.com/xuan/107tetmauthan.html

Nhân chi sơ, tánh bổn thiện – Viết lên sáu câu này để nhớ lại thời tôi còn bé ở quê nhà, chỉ biết học và chơi thôi vì “Ăn chưa no, lo chưa tới” nên đời sống thật là hạnh phúc, an lạc biết bao, nên mỗi khi thấy ai đau khổ tôi đều thương cảm ... Tôi chưa biết và thấy gì về chiến tranh, về hậu quả của cuộc chiến đem đến sự chia lìa, chết chóc ... Cho đến mùa Xuân năm ấy ... tôi chứng kiến cảnh đau lòng này ...
Tết Mậu Thân năm nào, tôi còn nhớ rõ, rất rõ ... Ấn tượng kinh hoàng khi ngày mùng một, Việt Cộng đã “thừa nước đục thả câu” bằng tiếng pháo nổ, âm thầm tấn công vào Huế (các thành phố khác, kể cả nhiều khu vực tại Saigon), bắn giết, gây bao đau thương, tang tóc và còn chôn sống tập thể những người dân lành vô tội. Khi ấy, chúng tôi ở trung tâm Sài Gòn vẫn bình yên, tuy không còn vui Xuân nữa. Mùng một, chúng tôi ăn Tết tưng bừng, náo nhiệt, pháo nổ vang rền khắp nơi từ Giao Thừa đến gần sáng. Bỗng nhiên sáng mùng hai, đài phát thanh loan tin dữ là Việt Cộng tấn công nhiều nơi. Chính phủ ra lệnh cấm đốt pháo, đặt cả thành phố trong tình trạng giới nghiêm 24/24 cho đến khi có lệnh mới.
Nhà tôi cách nhà ông bà nội và cô ruột tôi chỉ có hai căn nên tôi thường hay chơi đùa với ba đứa em họ đồng lứa tuổi. Trong khu chúng tôi ở, chỗ ngã ba đường Trần Hưng Ðạo, Phát Diệm và Cao Bá Nhạ là một cửa hiệu lớn chuyên nhập cảng và bán xe Honda. Nơi này, có một mái hiên che mưa nắng khá rộng nên rất mát, còn là nơi lý tưởng để chúng tôi hẹn nhau ra đấy đánh vũ cầu ...
Theo phong tục Tết Việt, hăm ba tháng Chạp là ngày đưa ông Táo về Trời. Bất cứ nhà nào có bàn thờ ông Táo, cho dù xài lò than, lò dầu hôi hay lò ga, cũng phải cúng một mâm cơm có thèo lèo cứt chuột, cò bay ngựa chạy làm phương tiện vận chuyển đưa ông táo về trời. Oâng sẽ tường trình lên Ngọc Hoàng Thượng Ðế tình hình một năm trong gia đình ông coi sóc dưới trần gian, ai thiện ai ác ... Riêng tôi, tôi không tin điều này nên hay đùa là ông được nghỉ phép thường niên một tuần để đi nghỉ mát. Sau đó, đến ba mươi Tết, lại làm mâm cơm rước ông táo về, nhà nào thờ ông bà tổ tiên còn rước cả ông bà, tổ tiên về ăn Tết. Sau ba ngày Tết, chiều mùng ba là ngày “hoá vàng” tiễn ông bà đi, còn ông Táo phải ở lại suốt năm trong nhà. Hai bên Nội Ngoại nhà tôi đều theo phong tục này nên chúng tôi phải về cả hai nơi để lễ lạy ông bà tổ tiên và dự lễ, trưa nhà nội, tối nhà ngoại. Tết năm ấy, tuy tình hình bất ổn nhưng nhà ông bà nội tôi vẫn cúng, vì ở gần, chỉ vài ba bước qua nhà ông bà tôi liền. Lệnh giới nghiêm dường như chỉ áp dụng cho người đi xe thôi, còn đi bộ thì dân chúng vẫn đi lại, ra đường hóng mát như thường. Chợ cũng họp lén thưa thớt, một số bà con đi bộ về nhà ông bà tôi cúng vì ông tôi là trưởng tộc. Năm ấy, cúng xong là xế trưa, ăn uống no nê một bụng, chúng tôi mỗi đứa được một chiếc bánh bích qui Lu, bỏ túi để dành lát nữa ăn. Hí hững chạy đến chỗ thường nhật chơi đánh cầu thì ... ôi thôi ... chỗ ấy đã bị chiếm cứ rồi ... Chúng tôi thật ngỡ ngàng khi thấy biết bao người nằm, ngồi trên vỉa hè ấy, dáng điệu còn hoảng hốt, sợ hãi, áo quần tuy đẹp nhưng xốc xếch, dơ bẩn, dính cả máu, bao bị, mền chiếu, nồi niêu, thực phẩm để bừa bãi khắp nơi. Họ là những người chạy giặc từ Huế vào, mới được xe lính đổ xuống sáng nay nên ở tạm nơi này. Chưa bao giờ nhìn thấy cảnh ấy nên chúng tôi sợ hãi quá độ, bèn “ba chân bốn cẳng” chạy tuốt về nhà. Chạy chưa xa, tôi đã bị một bà lão nắm ống quần kéo khiến tôi phải ngừng lại, mấy đứa em tôi chạy sau cũng ngừng theo. Bà lão dáng người nhỏ thó, đầu quấn khăn nhung rối bù, răng nhuộm đen, gương mặt nhăn nheo lộ nét kinh hoàng chưa dứt, nói giọng Huế đặc, khó hiểu. Bà mặc chiếc áo cộc màu trắng đã cáu bẩn, lốm đốm vài giọt máu, chiếc quần sa teng đen đã sỉn màu, rách rưới, một chiếc bị vải nhỏ và chiếc áo dài nhung ở bên cạnh bà . Chúng tôi bớt sợ, ngồi xuống quanh bà. Bà ngồi trên bực thềm trước cửa một nhà gần đấy, có lẽ bà giành không nổi chỗ tốt với những người kia nên phải ở tạm nơi này. Tôi lễ phép hỏi bà: “ Bà kéo cháu lại có việc gì cơ ạ ?”. Bà lão thều thào: “Bà đói quá, đã không có gì ăn từ mấy ngày rồi”. Tôi áy náy: “Cháu cũng đâu có gì cho bà ăn”. Bà tiu nghỉu, buồn thiu, tôi cũng buồn theo vì không có gì cho bà ăn, rồi chợt nhớ đến miếng bánh bích qui trong túi áo và nhớ đến câu đã học thuộc lòng đem ra áp dụng liền, tôi đưa bà: “Bánh nè, Bà ăn đi, một miếng khi đói, bằng gói khi no, cháu sẽ về nhà lấy cơm cho bà nhé”. Bà lão tay run rẩy cầm lấy chiếc bánh ăn dè dặt, ngon lành. Chúng tôi ngồi vây quay bà trố mắt ra nhìn ái ngại, ăn xong chiếc bánh, bà lão nói: “bây giờ bà mới thấy câu này thật đúng”. Mấy đứa em họ tôi học chương trình Pháp từ nhỏ nghe không hiểu gì nên hỏi tôi: ”Mẹ nói chị Bé Tí hay nói văn hoa, vậy nghĩa là gì ? Chị nói cho tụi em nghe đi”. Chẳng hiểu hơn gì tụi nó, nhưng vì học chương trình Việt, đã học qua câu ấy, tôi được dịp vênh váo, cắt nghĩa:”Là khi đói, ăn miếng bánh nhỏ cũng thấy ngon, còn no bụng cái gì ngon cũng không ăn nổi. Còn có câu ...này ... chị đọc được đằng sau mấy bao nhang, còn có vẽ cái tháp mấy tầng ... là ... dù xây chín ... gì đó ... đồ ... không bằng làm phước giúp một người ...”.Tôi nói như con vẹt nhưng hiểu lõm bõm chín việc gom lại không tốt bằng một việc. Bà lão sửa sai tôi “dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phước giúp cho một người”. Tôi trộm nghĩ “chín đợt phù đồ là cái gì? tôi không hiểu, mà đến chín lận làm cũng không nổi, nhưng làm phước giúp cho một người thì tôi có thể làm được”. Thơ ngây nghĩ vậy xong, tôi liền ra lệnh:”A lê hấp, lấy hết bánh trong túi ra cho bà lão ăn đi”. Trong bọn, tuy nhỏ hơn một đứa đến hai tuổi, bằng một đứa và lớn hơn đứa chót một tuổi, nhưng chúng nó nghe tôi răm rắp, vì tôi “ma lanh, ma bùn” hơn và có vai chị họ thật oai phong. Bà lão ăn hết bốn chiếc bánh bích qui xong vẫn còn đói. Dĩ nhiên, thấm thía gì mấy chiếc bánh này. Tôi lôi tiền lì xì trong túi áo ra cho bà, rồi kêu tụi nó làm theo, bà lắc đầu không lấy vì bà không đi mua thức ăn được, lý do là bà đang bị thương. Bà kể lại gia đình bà chết hết vì bị pháo kích, oái ăm thay, chỉ có bà là sống sót, được giúp đỡ lê thân già vào Nam. Chúng tôi quay về nhà lấy thức ăn và nước uống cho bà lão. Thấy chúng tôi vào bếp lục lọi, u già hỏi chúng tôi: ”Các cháu chưa ăn à? Ðể u lấy cơm cho các cháu ăn nhé”. Bà tôi ngồi đấy cũng tán thành. Chúng tôi ú ớ giả bộ gật đầu lia lịa, lại còn xin thêm mỗi đứa một chai nước ngọt để mang ra cho bà lão. Bà lão ăn cơm thật ngon lành nhưng chỉ ăn một bát, còn thừa, bà nhất định không để dành mà bảo chúng tôi đem cho những người khác ở gần đấy ăn, bà không quên cám ơn và chúc phúc lành cho chúng tôi. Tôi nghĩ đến bà nội tôi ở nhà đang ngồi trên ghế bố nhai trầu bỏm bẻm, vui vẻ xem con cháu ăn uống, dọn dẹp, hết lớp này sang lớp khác, còn bà lão này thì đói lạnh ngoài đường. Ðiểm đặc biệt nơi bà lão mà tôi vẫn nhớ hoài là trước khi ăn, bà chắp tay lại khấn vái, lầm thầm chi đó rồi mới ăn thong thả. Ðêm hôm ấy, tiết tháng giêng, tuy ở Sài Gòn nhưng trời se se lạnh, tôi ngủ không được vì nhớ đến bà lão, không biết bà có lạnh không. Trở mình thì thấy mẹ tôi đang chấp tay niệm Phật, tôi cũng bắt chước mẹ, chắp tay niệm Phật cầu xin cho bà lão rồi thiếp đi. Chúng tôi không còn chỗ nô đuà nữa, thay vào đấy là đi thăm bà lão có vẽ hấp dẫn hơn. Gia đình chúng tôi không hay biết chúng tôi có quan hệ này, ngày ngày, chúng tôi vẫn lén đem cơm nước ra cho bà lão ăn khi nhà ngủ trưa, nhưng bà lão ngày một yếu dần vì tình trạng sức khoẻ và hoàn cảnh sống khắc nghiệt nên cứ nằm bẹp trên bực thềm. Bọn chúng tôi, đâu ai dám xin người lớn đem bà lão về nhà? Vả lại nghe loáng thoáng người lớn nói chuyện thì Saigon cũng không yên ổn và dường như chúng tôi sẽ đi xa. Lệnh Giới nghiêm chỉ còn vào ban đêm để ban ngày dân chúng họp chợ, buôn bán vì cuộc chiến vẫn còn kéo dài. Sau đó, chúng tôi theo gia đình đi Cấp lánh nạn bỏ bà lão ở lại. Trước khi đi, tôi có “ăn trộm” của mẹ tôi mấy lon gạo, vài cặp lạp xưởng và đập “con lợn” đất lấy tiền đưa cho bà lão để bà sống qua ngày, bà khóc không lấy tiền nhưng tôi vẫn để đấy cho bà, cầm chặt tay tôi như người thân duy nhất, bà có linh cảm là không bao giơø gặp lại tôi. Tuy háo hức sắp được đi Cấp tắm biển nhưng tôi cũng buồn sắp xa bà, nắm chặt bàn tay gầy guộc của bà, biết rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại bà lần nữa trong đời.
Mấy ngày đầu ở Cấp, tôi cũng hay băn khoăn nhớ nghĩ đến bà rồi nhắc với mấy đưá em họ. Dần dà, ngày nào cũng đi biển đi núi chơi thoải mái, gặp những bạn trẻ khác, chúng tôi bị ngoại cảnh chi phối do môi trường, đời sống mới nên hình ảnh bà lão mờ dần trong ký ức, dù sao, chúng tôi vẫn còn nhỏ, mau quên.
Chiến tranh chấm dứt khi Việt Cộng bị đẩy lui khỏi Huế, ai về nhà nấy, chúng tôi cũng vậy, rời Cấp về Sài Gòn để tiếp tục đi học. Vừa đến nhà, tôi đã chạy nhanh ra đầu ngõ xem bà còn đấy không ? Tất cả mọi người đã hồi hương, đường phố, vỉa hè vắng tanh, không còn ai hết. Bà lão bây giờ ở đâu? sống chết ra sao? Có ai lo cho bà không? Chỗ ở của bà đã được chủ nhà quét tước, chà rửa sạch sẽ. Tôi không dám hỏi vì họ cũng mới ở quê ăn Tết về, sợ phải nghe chuyện không hay. Cứ để chuyện sống chết của bà lão theo dòng đời lững lờ trôi như thế đi ...
Ðã ba con giáp trôi qua, xuân Giáp Thân làm tôi chợt nhớ lại chuyện ngày trước mà viết lên câu chuyện thời thơ ấu của tôi. Các em họ tôi đều ở Âu Châu, tuy bận rộn với cuộc sống gia đình nhưng không quên chuyện cũ. Mỗi lần gaëp tôi chúng đều nhắc lại chuyện “củ tỉ lông nheo” từ thời thơ ấu chơi chung rồi xúm nhau cười giòn nhưng lạ thật, chưa ai dám nhắc đến chuyện bà lão hồi Tết Mậu Thân. Thiết nghĩ ...bây giờ, bà lão đã ra đi rồi mà vẫn còn hình bóng trong tim tôi, mong sao bà về nơi an lạc. Tôi thầm cảm ơn Bố Mẹ đã thương tôi, sợ tôi học cực khổ nên chọn chương trình Việt cho tôi học để hấp thụ nền văn hoá Việt Nam. Có như thế, từ nhỏ, tôi đã học thuộc được những câu ca dao, tục ngữ, tuy bình dân, giản dị nhưng thấm nhuần lòng từ bi, nhân ái để tôi có thể áp dụng, thực hiện được những lợi ích nho nhỏ, đem lại một kỷ niệm đẹp và niềm vui vĩnh cữu cho tôi trong đời.

No comments: