Sunday, August 26, 2012

VÔ DANH * HƯƠNG VỊ HUẾ

Hương vị Huế qua Thơ Ca và Ca Dao


Huế là vùng đất có nhiều của ngon vật lạ, các đặc sản từng nổi tiếng khắp bốn phương trời này không những làm lưu luyến du khách dù chỉ mới một lần đến Huế mà ngay cả trong lòng người dân chốn Thần kinh cũng luôn xao xuyến đến mùi hương của chén rượu ngon, chiếc bánh ngọt - tất cả thể hiện rõ qua những câu ca dao của dân gian và ở câu thơ của những người tương tư Huế.

Thường vào những lúc gia đình quây quần sum họp như các dịp Tết, lễ, kỵ, giỗ tổ tiên hoặc lúc bè bạn gặp gỡ liên hoan thân mật đều luôn có chén rượu chung vui. Ở Huế có rất nhiều loại rượu ngon nổi tiếng nhưng người sành điệu lại mê rượu làng Chuồn. Nhà thơ Hồng Nhu đã hân hoan viết:

Rượu Chuồn này chén trăng bơi
Uống cùng em với cuộc chơi sang ngày


Đặc sắc của rượu làng Chuồn là khi ta uống vào sẽ cay tê lưỡi, xé họng nhưng lại ngọt lịm tận đáy lòng, nét độc đáo này đã làm cho người xa Huế lâu ngày cứ tơ tưởng mãi về vị ngọt quê nhà:

Nếp làng Chuồn ngọt thơm vò rượu
Huế trở lại bình yên nắng mới trong lành


(Hồ Đắc Thiếu Anh)

Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng da diết hơn với niềm thưong nỗi nhớ khôn nguôi:

Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này


Huế còn có rượu Vinh Thanh cũng từng làm ngẩn ngơ, xao xuyến bao mối tình thơ mộng một thuở:

Anh và em gặp nhau trong mắt
Nghiêng nón em vành che men bất chợt
Rượu Vinh Thanh nhóm lửa tình đầu
Trong điệu lý giao duyên ( hay còn gọi lý huê tình ), người dân Huế đã ưu ái mời du khách thưởng thức đặc sản được xem như đôi bạn tình chung thuỷ: nem An Cựu-rượu Phủ Cam:

Nhắc đến nghe thèm tiếng nem An Cựu,
Ngon ngọt chua giòn với chén rượu Phủ Cam


Về hoa trái, Huế có nhiều loại đặc biệt như quýt Hương Cần,thanh trà Nguyệt Biều, cam Mỹ Lợi, cau Nam Phổ…và ở Kim Long vang tiếng ngày nào không những "có gái mỹ miều" mà có dâu ngon ngọt:

Đường Kim Long dâu ngọt kết từng chùm.

(Hồ Đắc Thiếu Anh)

Không chi thích thú bằng khi đến mùa dâu, trong cặp sách của bất cứ cô nữ sinh nào cúng có một vài chùm để cùng bạn bè ăn vụng trong lớp học, hết ruột tới vo,û không lãng phí một tí gì.

Gần Kim Long còn có Long Hồ, Ngọc Hồ cũng ngân vang âm hưởng lời ru mẹ về cây trái quê nhà:

Đưa em cho tới làng Hồ
Em mua trái mít em bồ trái thơm
Trái thơm là trái thơm non
Bỏ vô hũ mắm ăn chon như dừa


Huế của một thời vua chúa lắm thức ăn quý hiếm và ca dao Huế hãy còn lưu truyền lại về loại gạo de ngon lành ở vùng An Cựu mà khi nấu chín từng hạt trắng ngần thơm phức:

Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi,
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Món điểm tâm ở Huế nổi tiếng có bún bò và nhiều thức ăn khác nữa nhưng tô cơm hến của người bình dân vẫn dược lắm thực khách sang trọng ưa thích, đây là món khoái khẩu của nhiều người và có ở riêng Huế thôi, ai đó nếu có thòm thèm thì ngoài Huế ra không thể tìm thấy được ở đâu món độc chiêu này, vì con hến sinh sống dưới sông Hương có cái vị riêng của nó. Du khách đến Huế mà chưa thưởng thức cơm hến thì xem chuyến du lịch ấy chưa trọn vẹn và thấy kém phần thi vị. Sở dĩ cơm hến có nét riêng như vậy bởi nhờ tổng hợp nhiều hương vị: ngọt của hến, của ruốc (mắm tôm), bùi của đậu phụng (lạc), chua của khế, cay của ớt.

Người ta bảo cách dọn cơm hến như trẻ con chơi bán hàng, mỗi thứ một ít, trông rất vui mắt. Một nhà thơ xứ Huế mê cơm hến đã mời khách rất chân thành:

Đã mê ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành
Mời nhau buổi sáng chân thành món quê


(Lục bát đặc sản Huế-Võ Quê)

Bánh để ăn vào bữa lỡ (xề chiều) ở Huế rất phong phú chủng loại, chiếc bánh nào cũng bé tí, đĩa bánh luôn bày biện in ít thôi, có phải vì thế mà người ta bảo người Huế ăn chỉ lấy hưong lấy hoa hay chính đây là một nghệ thuật trong ăn uống của Huế – để gây cảm giác cho thực khách dù đã ăn – chỉ như nhấm nháp, chưa thấm vào đâu nên thấy quá ngon và muốn được ăn thêm lần nữa.

Dân gian Huế giới thiệu món bánh bèo rất thú vị:

Con quạ hắn đậu chuồng heo
Hắn kêu ơi mụ Sỏi bánh bèo đã chín chưa?


Bánh bèo Huế đúng nghĩa với nguyên ý chữ "bèo" bỡi mỗi chiéc bánh như một cánh bèo, đây là món ăn làm gợi nhớ những buổi trưa hè tỉnh giấc, giữa tiếng ve kêu, được mẹ cho đĩa bánh bèo thật thích thú biết bao!

Tôm chấy hồng thắm cánh bèo
Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương
Hai ta ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết mối tơ vương đôi lòng


(Bánh Bèo - Quỳ Lê )

Bánh bột lọc là thứ bánh được giới trẻ chuộng nhất vì vừa dai vừa dẻo lại vừa mềm và dân gian mô tả thật sinh động, đúng thực tế với nghĩa cái duyên con gái ăn hàng:

Bột lọc mà bọc nhuỵ tôm
Hai tay bóc lá cái mồm há ra


Đây là một loại bánh ăn vào buổi xế chiều rất tuyệt, tuy chưa no nhưng cũng tạm ấm lòng, bánh chấm với nước mắm ớt càng cay càng khoái khẩu, khi ăn phải nghe tiếng xuýt xoa hít hà mới đúng điệu:

Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Anh ơi dùng tạm bữa chiều cùng em
Còn đây đặc sản của các vùng được quảng cáo rất thú vị

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm
Muốn ăn bôn súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm
Biên Hòa có bưởi Thanh Trà
Thủ Đức nem nướng, điện Bà Tây Ninh
Gò Công giáp biển, nổi tiếng mắm tôm chà
Mắm tôm chua ai ai cũng chắt lưỡi hít hà
Saigon, chợ Mỹ ai mà không hay
Gạo Ba Thắt trắng như bông bưởi
Nước phông-tên tiền rưỡi một đôi
Sài Gòn vui lắm em ơi
Lấy chồng về đó một đời sướng thân



Ca Dao Món Ăn Ngày Tết

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh


Bấy nhiêu thôi mà tạo nên cả một không khí xuân, sắc màu xuân và hương vị xuân.

Và nó cũng trở thành nỗi nhớ của người đi xa quê hường, người thương :

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng, dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao


Dù có đi xa, anh vẫn nhớ em. Nỗi nhớ về em mộc mạc và giản dị như nỗi nhớ về cà, về tương. Nỗi nhớ ấy không nguôi hình ảnh tảo tần, đảm đang sớm khuya không quản ngại.

Lạ thật, có bao món ăn ngon khác lại không gợi lên cho người ta nỗi nhớ bằng những thứ mộc mạc như cà, như tương. Phải chăng hình ảnh quê hương đã ẩn mình trong đó.

Nói về tình cảm đối với cha mẹ, có câu:

Trời mưa cho ướt lá dừa
Cho tươi liếp cải cho vừa lòng em
Cho em hái đọt rau dền
Nấu tô canh nấm dâng lên mẹ già


Còn đây nữa, tình cảnh mẹ ghẻ con chồng:

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng


Mà cũng thật thâm thúy khi nói với nhau rằng:

Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi , chua ngọt đã từng
Non xanh , nước biếc xin đừng quên nhau


Trình độ "tỉnh tò" của các anh ngày nay còn thua kém các cụ xa:

Cầm tay em như ăn bì nem gỏi cuốn
Dựa lưng nàng như uống chén rượu ngon


Ai dám bảo con gái ngày xưa là "khuê môn bất xuất"? Khi yêu thì cũng:

Đói lòng ăn một trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương


Chuyện đời sống vợ chồng trong xã hội xưa, tam thê tứ thiếp là điều khó tránh khỏi, vì vậy "cuộc chiến" không kém phần "tương tàn", không khéo thì sẽ lâm vào cảnh:

Cá nục nấu với dưa hồng
Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi


Tuy nhiên, không phải người vợ nào cũng có máu "hà đông", cũng có nhưng người theo kiểu "lạt mềm buộc chặt"

Chàng ơi, giận thiếp mà chi
Thiếp như cơm nguội phòng khi đói lòng


Và cũng có người rất ư chiều chồng:

Đốt than nướng cá cho vàng
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi


Tuy nhiên, lắm khi gặp cảnh dở dang, đành phải thú thật rằng:

Nước mắm ngon dằm con cá liệt
Em có chồng nói thiệt anh hay
Không rõ tác giả
Nguồn: Bạn đọc cung cấp

No comments: