Saturday, August 25, 2012

NGUYÊN VŨ * MAI THẢO

MAI THẢO CÒN ĐÓ MỘT ĐỜI
NGUYÊN VŨ

LTS-Mai Thảo tên thật Nguyên Đăng Quý, sinh ngày 8.6.1927, tại Nam Định. Hỏi vì sao có cái tên Mai Thảo, chính Mai Thảo không hay biết nữa: “Lấy là lấy chứ chẳng biết tại sao. May lúc lấy bút hiệu vì một lý do gì đó, lâu quá tôi quên. Nhưng chắc không có lý do gì hết. Cái tên Mai Thảo đến với tôi một cách ngẫu nhiên.” Có lẽ vì tính cách độc đáo đó trong lối nghĩ, lối nhớ mà con đường cầm bút của Mai Thảo khác nhiều người khác. Mai Thảo yêu văn chương hồi còn cắp sách. “Ngày xưa thi ca tiền chiến là một khám phá bàng hoàng cho tuổi trẻ của tôi, tuổi lãng mạn và mơ mộng nhưng ít thấy ở tuổi trẻ bây giờ. Hồi đó tôi muốn viết văn, làm thơ như những nhà văn, nhà thơ tiền chiến tôi yêu thích.” Ra trường Mai Thảo và mấy người bạn cùng lớp hẹn nếu có điều kiện sẽ ra một tờ báo. Bấy giờ năm 1945 ở Hà Nội tờ tuần báo của Mai Thảo chỉ  ra được dăm số, lại chiến tranh chống Pháp. Ba, bốn năm sau trở về Hà Nội mới viết trở lại. Năm 1954 di cư vào Nam viết báo Dân Chủ, Người Việt Tự Do…sau chủ trương tạp chí Sáng Tạo - diễn đàn của những người làm văn nghệ thế hệ mới, dấn thân, yêu đời. Không bao lâu sau báo đình bản, tục bản được chừng bảy số, bộ mới thì chết hẳn. Mai Thảo tiếp tục đường lối cũ, xuất bản tờ Nghệ Thuật, đẹp từ nội dung đến hình thức nhưng vẫn không thoát khỏi Định Mệnh của tờ Sáng Tạo. Chủ trương tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng đến tháng 4.1975. Mai Thảo cộng tác với nhiều báo, chuyên viết truyện dài (feuilleton), được nhiều nhà xuất bản đặt mua trước, nên hễ truyện chấm dứt trên báo, là đã thấy bày bán trên thị trường. Chỉ trong vài năm số lượng tác phẩm đã chiếm một con số khá cao. Nhưng không vì thế mà  các tiểu thuyết của Mai Thảo có một nội dung thả lỏng, trái lại Mai Thảo không viết theo một khuynh hướng nào, không khai thác chuyên biệt một khía cạnh nào đến thành lối mòn như Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ. Qua Hoa Kỳ năm 1978, tục bản tạp chí Văn từ năm 1982. Năm 1983 được nhà văn nữ Jane Katz viết tới trong tác phẩm “Artists in exile” (Nghệ sĩ di lưu vong). (NT)
Tôi là một độc giả của Mai Thảo, nhóm Sáng Tạo, và hầu như tất cả các tác giả miền Nam, từ tuổi 15-17. Dù là học sinh ban Toán, trên trung bình, tôi ham đọc bất cứ lúc nào có thì giờ rảnh rỗi. Từ những tập kiếm hiệp mỏng dính Long Đầu Quái Khách, hay Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Người Đi Trong Mưa Gió của Nhất Linh – Khái Hưng, Thừa Tư của Khái Hưng, Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng, O Chuột của Tô Hoài, Ngọn Cỏ Gió Đùa của Hồ Biểu Chánh thời tiền chiến, tới các truyện ngắn, truyện dài đăng từng kỳ trên tuần san, nhật báo. Ngay các bài ký sự, biên khảo phong tục địa phương ngắn của Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê...tôi đều đọc mê say. Dĩ nhiên, tôi cũng nuôi hy vọng có ngày trở thành nhà thơhay nhà văn. Diễn đàn của chúng tôi và các bạn cùng trang lứa (Nguyễn Đức Nam, Ngọc Hoài Phương...) là các tờ bích báo lớp, đặc san trường, và ngay các tuần san, nhật báo như Ngôn Luận, Tự Do...Nếu không vì sự giáo huấn của cha tôi, có lẽ tôi đã nhập ngũ hoặc vào làng văn, làng báo sớm hơn. Tôi làm quen với thế giới văn chương Mai Thảo qua những ký đăng trên tuần san Thế Giới Tự Do, tới những truyện ngắn và phóng tác trên các tờ Sáng Tạo, Tiếng Vang, Kịch Ảnhchủ nhiệm Quốc Phong đã mất tại Pháp ...Điểm đặc biệt của Mai Thảo là lối hành văn và dùng từ kiểu cách,“chữ nghĩa loảng xoảng. So với Nguyễn Tuân, Mai Thảo trẻ trung hơn, sinh động hơn. Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn giữ được nguyên vẹn cảm giác bùi ngùi, xúc động về hình ảnh gã trai leo núi bỏ cuộc ở các thước cao điểm cuối cùng, khi đỉnh núi kề cận trước mắt. Hay tâm sự người thanh niên Hà Nội di cư, ngồi vắt chân chữ ngũ trong lòng chiếc cyclo, sống với bóng tối nhá nhem ánh đèn của Sài Gòn. Dĩ nhiên, truyện ngắn của Mai Thảo không tạo được các kích xúc của Trùng Dương, Linh Bảo, hay Phạm Nguyên Vũ, Lôi Tam, Nguyễn Mạnh Côn, Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Thảo Trường, nhưng Mai Thảo lập cho mình một thế đứng riêng trong nền văn học“tự do” miền Nam. So với những Duy Lam của trường phái Nhất Linh, hay Võ Hồng, Võ Phiến, Mai Thảo có phần vượt trội.Gần chục năm sau, tôi mới có dịp gặp Mai Thảo. Từ báo quán Văn tới những phòng trà, quán rượu. Dù đã bước vào làng văn, làng báo, tôi và Mai Thảo có một khoảng cách nào đó. Tôi là một người lính tác chiến thực sự, mang những đôi giày vải và ống quần trận ố vàng phèn chua, bụi đỏ đi đo đồng ruộng Cà Mau và núi rừng cao nguyên trong khi Mai Thảo ngất ngưởng những cơn say tại Sài Gòn. Mai Thảo cũng hơn tôi gần một giáp, nên khoảng cách thế hệ là điều khó tránh. Nhưng thẳm sâu là một tài liệu khiến tôi không hài lòng - một người bạn cho xem bản sao giấy phép xuất bản báo của Mai Thảo do một người Mỹ đứng tên. Tôi chủ trương văn hóa, văn nghệ phải hoàn toàn độc lập với những thế lực chính trị. Nhưng tôi quên không xét đến vấn đề ngay chính sự tồn tại của miền Nam cũng do viện trợ Mỹ. Giống như miền Bắc, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng không lúc nào ngừng đồng ca lời cảm tạ “sự giúp đỡ” của Nga Sô, Trung Cộng cùng khối cộng sản anh em vĩ đại. Tố Hữu dạy thiếu nhi miền Bắc:Thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương mình, thương một, thương ông (Stalin), thương mười”

Giáo sư Vũ Khắc Khoan, ông thầy dạy chúng tôi nửa giờ sử mỗi tuần năm Đệ Nhất Chu Văn An, phần nào giúp tôi cởi bỏ thành kiến, nhìn Mai Thảo độ lượng hơn. Thân phận đích thực của chúng tôi, và chúng ta, chỉ là những con chốt qua sông. Những con ngựa chiến của chúa Trịnh, như một tác giả Nhân Văn Giai Phẩm kết luận. Chúng ta mê say, kiêu ngạo với đủ loại vũ khí giết người nhập cảng trên tay, quên đi một điều là ngoại cường luôn luôn có những lý do riêng để cung cấp hay bán chịu cho chúng ta những khí giới ấy. Mao Trạch Đông nói với đại diện cộng sản Việt Nam rằng “cứ tự do vay nợ Bắc Kinh, bao giờ có thì trả, không trả cũng được”- vì đã nắm sẵn tờ giấy nợ của Phạm Văn Đồng năm 1958, nhìn nhận biên giới do Bắc Kinh tự vẽ, không ngừng đàn hồi.

Những ngày đầu nhận mặt chiến tranh - sống giữa những lượn sóng xúc động vỡ bờ trước cái chết của một đồng đội, cùng thôi thúc của bản năng “giết hay bị giết” tôi chưa nghiệm hết sự bẽ bàng của kiếp Lê Dương trên chính quê hương mình. Nên không ngừng cao giọng hô hào người cùng trang lứa nhập cuộc chơi, với ảo vọng duy trì một miền Nam“tự do, dân chủ “. Từ năm 1965, đặc biệt từ sau năm 1967, khi thuyên chuyển về Nhảy Dù tôi có cơ hội sinh hoạt thường xuyên trong giới văn nghệ chuyên nghiệp. Hai nhật báo Thời Luận của Nghiêm Xuân Thiện và Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến do Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân phụ trách, khởi đăng ký Lửa Dậy U MinhNghiệp Đề Lô. Tuần báo Chiến Sĩ Cộng Hòavà nguyệt san Tiền Phong của Cục Tâm Lý Chiến cũng rải rác đăng thơ và ký. Nhưng điểm bứt phá có lẽ là Nguyễn Sĩ Nguyên của Tiểu Thuyết Thứ Năm và Hùng Phong của Chọn Lọc dành cho tôi chỗ viết thường xuyên, có trả tiền. Nhờ vậy ba tập sách đầu tay: Đời Pháo Thủ, Những Cái Chết Vô Danh, và Trở Về Từ CõiChết được chào đời. Nhà xuất bản của Đậu Phi Lục…đã giúp ba tác phẩm trên đứng vào hàng bán chạy tại miền Nam. Từ đó, tôi được Trương Hồng Sơn mời viết tiểu thuyết định kỳ cho Tia Sáng, tờ nhật báo bán chạy hàng đầu của miền Nam. Vòng Tay LửaThềm Địa Ngục, hai tác phẩm bán chạy nhất của tôi, được đăng từng kỳ trên tờ Tia Sáng. Tiếp đó, đến các báo tư nhân Tin Sớm của anh chị Nguyễn Ang Ca, Đồng Naicủa Huỳnh Thành Vị, Công Luận...Tôi cũng đồng ý cho tờ Saigon Post đăng từng kỳ Đêm Hưu Chiến, qua bản dịch của Trần Nhã [The Night of the Cease Fire]. Đây là thời gian tôi làm quen với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo miền Nam như Ngô Tỵ, Trọng Nguyên, Sĩ Trung, Ngọc Linh, Trần Tuấn Kiệt...Sở dĩ tôi được “nổi tiếng” nhanh phần lớn do sự gia tăng cường độ cuộc chiến, và đa số thanh niên đều bị nhập ngũ. Chiến tranh và đời quân ngũ trở thành nhu cầu tìm hiểu của đa số độc giả. Tôi cũng quyết định viết thật đơn giản, dễ hiểu cho những độc giả có mức độ phổ thông. Khoảng ba ngàn nhà cho thuê truyện trên toàn quốc đều tìm mua sách tôi. Nhờ vậy, sách được tái bản nhiều lần. Tôi cũng bước vào nghề xuất bản, khởi đầu tự in sách mình. Nhà xuất bản Đại Ngã tức Chân Nhân, mà có người giễu cợt là ngã to - còn giúp phổ biến sách một số bằng hữu như Mai Trung Tĩnh, Du Tử Lê, Thế Hoài, Thảo Trường...

Là tác giả thành danh đã lâu, Mai Thảo cũng viết tiểu thuyết định kỳ cho nhiều báo như Tiền Tuyến...Anh được mời vào ban giám khảo chấm thi giải “Văn chương tổng thống” hàng năm, giải thưởng do Tướng Edward Lansdale khuyến khích Nguyễn Văn Thiệu lập ra, thoạt tiên với mục đích tố cáo sự tàn ác của Việt cộng trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Nhưng tôi và một số nhà văn độc lập, kể cả anh Chu Tử, xếp loại như những miếng xương thừa mà tập đoàn cai thầu chiến tranh ném ra cho văn nghệ sĩ tranh nhau. Hai trong những người trúng giải đáng ghi nhận là nhà thơ Trần Tuấn Kiệt và nhà văn Xuân Vũ, một nhân viên hồi chính. Trần Tuấn Kiệt không thích đi lính, nên tấm huy chương giải thơ Tổng Thống giúp anh nhiều lần tai qua nạn khỏi khi bị chặn xét giữa đêm. Xuân Vũ, qua tác phẩm Đường Đi Không Đến, là một tác giả chống cộng có giá trị.

Sách Mai Thảo ra khá đều, do nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành. Tuy nhiên, trên thị trường, tôi và Duyên Anh vẫn là hai tác giả Bắc di cư được ứng tiền bản quyền cao nhất. Một người bạn làm kiểm duyệt ở Bộ Thông Tin có lần nhận được “món quà Xuân” hậu hĩ là bản thảo Uyên Buồn (để trao đổi lấy sự dễ dãi của lưỡi kéo kiểm duyệt). Điểm muốn nhấn mạnh là khác với những điều cả đoan của các nhà lý luận, phê bình văn học cộng sản khi nhận lệnh viết về “Vănhóa Mỹ-Ngụy”, nhu cầu thị trường đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa miền Nam. Không được độc giả ưa chuộng, khó có thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Có độc giả là có mai mối của các nhà xuất bản lớn như Sống Mới, Khai Trí, Đồng Nai...tìm đến. Chỉ một thiểu số cây bút sống nhờ tiền lương và trợ cấp của Bộ Thông Tin, hay cơ quan Tâm Lý Chiến của quân đội và tòa Đại sứ Mỹ. Họ thường chỉ là những cây bút hạng nhì, hạng ba, kiếm danh vọng qua những màn xưng tụng, tâng bốc lẫn nhau trong những cuộc phỏng vấn tự viết, chẳng dính nhập gì nhiều với độc giả hay thị trường sách báo.

Từ hạ bán thập niên 1960, mắt nhìn của tôi về cuộc chiến bắt đầu thay đổi. Thời gian ngắn được biệt phái về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV giúp tôi cơ hội nhìn sâu hơn vào hậu trường chính trị miền Nam, và thực chất cuộc chiến. Quyết định trở lại Đại học Văn Khoa theo học Ban Giáo Khoa Triết Đông giúp tôi thoát khỏi bế tắc về tư tưởng. Tác phẩm của Trang Châu cùng kinh Phật mở ra cho tôi một nhân sinh quan mới. Binh nghiệp - nếu thân phận một sĩ quan trừ bị trong quân đội đáng gọi là binh nghiệp -bắt đầu tiến những bước giật lùi. Tôi ứa nước mắt ngậm ngùi nhớ đến những người bạn lính đã chết trong dạ tiệc “rửa mồ hôi lính” vào cuối năm 1967, và thắp lên ảo vọng được trở lại đời sống dân sự, nối nghề giáo thanh bần của cha tôi.

Nhưng chưa tròn một trăm ngày, tôi nhận được lệnh tái ngũ sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Thiếu tá Huỳnh Long Phi, chỉ huy trưởng pháo binh dù, miễn cưỡng đón nhận tôi trở lại. Tôi cũng chẳng vui thú gì ở những ngày cuối của giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bưng tai, bịt mắt cho xong mảnh bằng Cử Nhân Triết Đông, cũng chẳng yên. Cuộc bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu năm 1971 khiến tôi chẳng có một lựa chọn nào khác hơn phải nói lên thân phận chốt qua sông của người lính Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng không thể chấp nhận thái độ hèn nhát của Nguyễn Văn Thiệu khi đánh đổi chiếc ghế Tổng Thống nhiệm kỳ 2 bằng cách cho Bắc Việt duy trì quân chủ lực miền Bắc ở phía Nam vĩ tuyến 17. Một Dân biểu gốc thợ chụp hình tỉnh Quảng Đức báo cáo lên Nguyễn Văn Thiệu về những lời tuyên bố của tôi, trong một cơn say. Hơn một trăm dân biểu gia nô của cái gọi là quốc hội đưa thỉnh nguyện thư yêu cầu điều tra. Dương Hùng Cường, tức ký giả Dê Húc Càn - người sau này nổi danh với bài phiếm “Nếu chàng Trương Chi đẹp trai” - chỉ vì ngồi chung bàn rượu, cũng bị câu lưu điều tra bốn tháng trong Cục An Ninh Quân Đội. Rồi thuyên chuyển ra Sư đoàn 3 Bộ binh tại triền núi Hòa Khánh (Phước Tường) - cùng nhau, “Ta nương đời lính mà qui ẩn # Nghiên nửa càn khôn dưới đáy bầu”.

Thời gian này, Trần Phong Giao đã thay Mai Thảo nắm nguyệt san Văn, ông Nguyễn Đình Vượng đã ứng tiền mua một bản thảo mới của tôi. Thỉnh thoảng tôi gặp Mai Thảo đó đây, nhưng chỉ chào hỏi qua loa.

Đến mùa Xuân đen 1975. Tôi trôi dạt đến Eau Claire, một tỉnh nhỏ Bắc Wisconsin. Tạm biệt nghề văn, nghề báo, chú tâm vào sử học, để tìm hiểu về thực chất cuộc chiến ba mươi năm. Loáng thoáng nghe tin Mai Thảo bị kẹt lại, nhưng từ chối trình diện tù cải tạo. Sống lẩn lút ở Sài Gòn một thời gian, Mai Thảo trốn được qua Mỹ.

Mãi tới năm 1986-1987, khi từ Pháp trở lại Mỹ, tôi mới có dịp gặp lại Mai Thảo. Vẫn Mai Thảo với những cơn say túy lúy, và mắt nhìn cuộc đời đầy khinh bạc. Kiếp tằm nhả tơ, Mai Thảo không thể không viết. Không thể không ra báo. Còn làm thơ, thấy đời mình toàn những miếu đền. Tuổi đời và chứng nghiện rượu khiến Mai Thảo cay đắng, phẫn nộ hơn trong những câu ề à chửi đổng, hay công kích người cùng bàn. Nhưng Mai Thảo vẫn khôngg thay đổi ở thái độ văn chương quen thuộc, tôi chưa từng thấy Mai Thảo dùng ngòi bút công kích bất cứ ai. Mai Thảo đáng yêu, đáng quí nhất ở điểm này.

Đôi lần Mai Thảo khăn gói từ Santa Ana lên San Jose thăm tôi, và ngược lại. Dù tiền bạc không dư giả, thỉnh thoảng Mai Thảo mua rượu cho tôi uống. Chúng tôi rất ít bàn đến văn chương, hay văn học. Hay chuyện đất nước, chiến tranh. Ít năm sau, nghe tin Mai Thảo bệnh nặng. Lần cuối cùng gặp nhau ở nhà hàng Kim Long, Mai Thảo chuyển sang uống vang thay vì Cognac như cũ. Khi tôi trở lại Houston, Đặng Hiền một ngày báo tin Mai Thảo có lẽ không yên. Rồi Mai Thảo ra đi, trong sự bao bọc, săn sóc của nhiều văn hữu trẻ.

Năm 2004, trước khi về Việt Nam nghiên cứu với một học bổng Fulbright, tôi ghé lại Santa Ana. Nguyễn Chí Hòa đưa tôi vào nghĩa trang thăm Long Ân. Trong lúc tìm tòi, tôi chợt nhận ra hình Mai Thảo ở đầu một ngôi mộ nhỏ, khiêm nhường. Ba nén hương thắp cho Mai Thảo, thật tình cờ, nhưng cũng có thể như do một tiền định. Tôi hỏi thầm “Mai Thảo, vui hay buồn?”. Không có hồi đáp.

Trên những bước chân mờ sương trở ra chỗ đậu xe, tôi thấy Mai Thảo lần chót. Khuôn mặt dài, nụ cười khinh bạc như chừng méo mó hơn. Nhưng tôi chợt nghĩ có lẽ ông bạn đồng nghiệp vong niên của tôi đang vui. Rất vui. Thuở sinh tiền, anh luôn trang trọng với văn chương, nghiệp dĩ. Ngòi bút Mai Thảo chưa từng dùng để vẩy mực vào cá nhân nào, cho dù là những con sâu bọ xúm xít quanh bông hoa văn chương Mai Thảo. Hay những người thù đầy hằn học đố kỵ trong cuộc sống. Sống chưa hẳn đã vui. Chết cũng chưa hẳn là điều đáng buồn. Mai Thảo đã đến, sống với chúng ta, rồi đi. Cá nhân Mai Thảo ra sao, có lẽ không quan trọng. Vấn đề là những gì Mai Thảo còn lưu lại cho hậu thế. Toàn bộ tác phẩm của anh. Những dòng chữ đả kích giáo điều, hằn học của các tác giả cộng sản không đủ làm giảm giá trị văn chương của Mai Thảo. Những lời xưng tụng của thân hữu không đủ nâng cao văn tài Mai Thảo. Điều đáng ghi nhớ nhất về Mai Thảo, bạn văn của tôi, là thái độ trang trọng của anh khi sử dụng ngòi bút của mình.



Copyright © 2010 VanNgheSi.Net. All rights reserved

No comments: