Saturday, August 25, 2012

NGUYỄN VY KHANH * VÕ PHƯỚC HIẾU

Miền Nam Lục-Tỉnh Trong Truyện Ký Của Võ Phước Hiếu
Nguyễn Vy Khanh
Trong tập biên khảo Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX: Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại xuất bản năm
2004, chúng tôi đã nói đến một văn nghệ "miệt vườn" nở rộ ở ngoài nước, sau biến cố 30-4-1975.
Trong hoài niệm, người miền Nam đã làm sống lại một "mảng" văn học đặc thù. Người miền Nam
"lục tỉnh" lần đầu phải rời bỏ quê hương đông đảo đã thành công ghi lại quá vãng văn hóa, tình tự
con người và những thú điền viên, nếp sống không còn nữa hay không còn hy vọng tìm lại như
trước: Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng, Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Nguyễn Văn Sâm, Trần Long Hồ,
Nguyễn Văn Ba, Sĩ Liêm, Huỳnh Hữu Cửu, Võ Phước Hiếu, Phùng Nhân, Cao Bình Minh, Đặng Thị
Quế Phượng, Nguyễn Thị Phong Dinh, Hoàng Du Thụy, Nguyễn Thị Thảo An, Tiểu Thu, v.v. Khi đã
xa thì cây trái quê mình mới thấy là quý và khi phải sống đời lưu xứ thì mảnh đất quê nhà trở nên
thân thương như không thể dứt rời! Chúng tôi sử dụng cụm từ “Nam-kỳ lục-tỉnh”, một đặc điểm rộng
hơn tính “miệt vườn”. Và sau khi được mùa với nhiều đợt tị nạn, đoàn tụ gia đình, thì vào những
năm cuối thế kỷ XX, "mặt trận" văn chương "miệt vườn" lặng lờ hơn, người viết ít lại và ít tác phẩm
hơn. Tính chất khai phóng của văn học miền Nam dần mất phần nào khía cạnh bộc phát hồn nhiên,
văn chương và tình ý dần dà cũng được lăng-kính tâm và trí thức gạn lọc hơn.
Trong số các nhà văn Nam-kỳ lục-tỉnh, Võ Phước Hiếu năng động và bền bĩ hơn cả dù ông xuất hiện
trên văn đàn hải-ngoại sau đợt sóng “miệt vườn”. Tập truyện đầu tay ông xuất-bản ở hải-ngoại là
Phá Sơn Lâm Đâm Hà Bá do Làng Văn (Toronto Canada) xuất-bản năm 2000 (tái bản 2009), sau đó
là Hùm Chết Để Da (Làng Văn 2001), Như Nước Trong Nguồn (2004), Quê Cha Quê Mẹ Quê Mình
(2006). Ông còn xuất-bản chung với nhà văn Hiếu Đệ các tập: Bên Đục Bên Trong (2004), Niềm
Đau Bạc Tóc (2005), Nước Mắt Tình Yêu (2006), Nước Lớn Nước Ròng (2007), Ngàn Sao Lấp Lánh
(2008). Tất cả đều do nhà Hương Cau ở Pháp xuất-bản.
Với bút hiệu Võ Đức Trung, ông làm thơ phần lớn bằng Pháp ngữ và đã xuất bản Thắp Sáng Hoàng
Hôn (1989), Le Chemin vers la mer (1988), Coeur de mère (1989), Les Sentiers de l'Exil (Editions
Feu Sacré, 2009), cũng như chủ biên tập hợp thi ca Một Phần Tư Thế Kỷ Thi Ca Việt Nam Hải Ngoại
1975-2000 (2003 – 2008), hai tuyển tập thi ca lưu vong Ba Mươi Năm Niềm Đau Còn Đó 1975-2005
(2006), Tình Lính Duyên Thơ (2008), cùng các tuyển tập hoài niệm Phi Vân, Nỗi Buồn Hoài Niệm
(2009) và Hiếu Đệ Lão Ngoan Đồng (2010). Ông từng chủ trương tạp chí Văn-Hóa (France-Vietnam
Culture) xuất bản ở miền Bắc Pháp từ thập niên 90. Trước khi phải rời bỏ quê hương làm thân tị nạn
và làm văn hóa, trong thời lịch sử miền Nam tự do 1954-1975, Võ Phước Hiếu đã chủ trương một
nhà xuất bản đa đạng, tụ tập được nhiều giáo sư đại học cũng như khuynh hướng chính trị. Ông còn
chủ trương một Tập san "ra đời trong mục đích tạo điều kiện cho các nhà suy tư Việt Nam diễn đạt
và phổ biến những tư tưởng quý giá của họ trong mọi lãnh vực" (theo bài mở đầu Tập san số 1).
* * *
Trong bài này, chúng tôi viết về các truyện ký của tác-giả Võ Phước Hiếu đã xuất-bản cho đến hôm
nay 2010, qua 4 tập truyện và 5 tập in chung với Hiếu Đệ, và chúng tôi đi tìm những đặc tính Nam-kỳ
lục-tỉnh qua các trang viết của ông.
Một số các tuyển tập truyện được tác-giả ghi thêm phụ đề “chuyện đồng quê “, ”chuyện đồng quê
miền Nam” hoặc “chuyện đồng quê Nam-kỳ lục-tỉnh”. Các tựa đề Võ Phước Hiếu chọn đã gợi ý và
khiêu khích người đọc tìm đến truyện ký của ông: Ngày Ấy Qua Mau, Như Nước Trong Nguồn, Nỗi
2
Buồn Hoài Niệm, Nẻo Nhớ Tìm Về, Quê-Hương Lãng Đãng, Miếng Thương Miếng Nhớ, Niềm Đau
Cuối Đời, v.v.
Thật vậy, ông viết về những đề tài thường thấy nhất của văn-học hải-ngoại, đó là quá khứ và quê
nhà, và ở những vùng thôn quê của miền Nam lục-tỉnh! Người phải sống lưu xứ có những nhu cầu,
hy vọng và những âu lo riêng. Trong tình cảnh đó, quá khứ trở thành tổ ấm, ngọn lửa. Thời gian đã
qua khiến quá khứ trở thành một thực tại thường trực, bất biến! Quê hương của người phải sống lưu
đày như đối với người Việt sau tháng Tư 1975 là một quê hương đã mất nhưng đồng thời quê
hương đó cũng trở nên không chắc chắn, mơ hồ vì cái mất mát ở đây không thể đo lường, thống kê
như khi người ta đánh mất vật dụng hay tài sản! Quê-hương đó đi đôi với quá-khứ, một quá-khứ
lịch-sử và văn-hóa! Quê nhà, không gian ấy, Rạch Rít hay làng xóm miền quê sống động trong
những trang viết và đối với Võ Phước Hiếu, như một hạnh phúc được sống lại, như đang sống. Thứ
hạnh phúc còn có thể tìm thấy trong văn chương, nhờ đó mà còn có thể qua văn chương đi thăm lại
những con đường quê, bờ ruộng, khu phố xưa, càng xưa càng thấm. Qua văn-chương và với một
tấm lòng! Như Võ Phước Hiếu đã hơn một lần tâm sự với người đọc: “Tôi có thói quen thường lang
thang trở về quá-khứ, sống lại những ngày qua xa hút, xem như một phong cách đưong nhiên của
con người trần tục lúc tuổi xuân đã bị bỏ lại quá xa sau lưng mình(... Và cũng để nhận rõ ra rằng mỗi
cuộc đời đều phải có trước có sau, có cội có nguồn, căn cư gốc rễ” (Quê Cha Quê Mẹ Quê Mình, tr.
208).
Nhìn chung, bối cảnh của gần toàn bộ truyện ký của Võ Phước Hiếu là các vùng đất thôn quê,
những nơi chốn khác nhau của miền Tây không xa Sài-Gòn là bao. Ngôn-ngữ, nhân-vật, tâm lý cũng
là của con người sống chết với miền đất mới còn gọi là vùng đất phù sa và tân bồi - cũng là những
nơi ông đã sống, nay phải xa và đã mất đi, nhờ đó ông đã có nhiều cảm hứng để viết, và cũng nhờ
đó ông đã ghi nhận được những nét tinh tế, linh động và đặc-thù địa-phương! Thật vậy, tác-phẩm
của Võ Phước Hiếu vẽ lại một cách sống động hình ảnh những con người chân lấm tay bùn, quanh
năm bám chặt với ruộng vườn – nơi cảnh có thơ mộng nhưng phải đổ mồ hôi, nước mắt và nơi ấy
cũng đầy bất công, áp bức, khổ đau.
Miền Nam vốn là nơi “Đất đai hoang vu ngút ngàn không ai thừa nhận sở hữu chủ. Mạnh ai nấy vóc
tâm gắng sức đổ mồ hôi làm thành khoảnh, theo sự cổ võ khuyến khích của làng xã, đã chính thức
cấp giấy phép tạm thời cho vỡ hoang, cày cấy trồng trọt sinh sống. Họ đến đây, "đất nước lạ lùng",
«chim kêu vượn hú», không một bóng người, đôi khi đơn độc một mình. Tứ cố vô thân. Hành trang
mang theo chỉ vỏn vẹn vài dụng cụ cần thiết cho cuộc sống và nhu cầu làm việc hằng ngày. Đại khái
một nóp bàng để ngủ đêm cuốn tròn gọn lỏn quải trên vai. Một chiếc áo tơi lá chầm, người bạn đời
không bao giờ rời, như bóng với hình mùa mưa dầm rả rích, gió lạnh thấu xương. Rồi ít dao rựa, vài
cái phảng cổ cò cổ diệc để phát cỏ hoang, năn sậy.
Và quan trọng hơn hết, một cái cà ràng dễ di chuyển, đặt nơi nào cũng được, trong chòi vào mùa
khô, trên bè hay trên xuồng ba lá nhằm mùa lũ lụt. Quanh năm nó giúp ấm lòng ấm dạ để an tâm
trong hiện tại và phấn khởi ở những ngày dài trước mắt.
Thêm chiếc xuồng con thon thon làm chưn làm cẳng, xê dịch đó đây hoặc dùng chuyên chở mạ non,
thóc lúa. Không có nó kể như bị chặt tiện mất hai chân. Không còn khả năng làm ăn ra trò trống gì cả
ở vùng sông rạch với những đường nước mà trời cao lồng lộng, rộng rải ban cho thừa thải khắp nơi”.
Nhưng khi đất đã có chút ít hoa màu, dân ”ra quận, lên tỉnh xin hợp thức hóa, họ mới tá hỏa tam tinh,
té ngữa, kêu trời không thấu. Phần đất khai khẩn bấy nay là sở hữu của thầy Cai tổng này, ông Hội
đồng nọ, hoặc của ông lớn ông nhỏ, bà thứ bà bé các quan ở quận ở tỉnh. Đôi khi còn ở xa mút tí tè
tận Sài Gòn Chợ Lớn hoa lệ nữa. Họ ngồi không, chưa hề động đến móng tay, chẳng nhễu một giọt
3
mồ hôi công khó, chỉ chờ đến thời điểm thuận lợi cấu kết nhau chia phần từ thuở nào rồi.“ (Trâu Già
Chẳng Nệ Dao Phay).
Các nhân vật chính trong truyện của Võ Phước Hiếu thường gặp những biến cố, trắc trở, bất ngờ
xảy ra, vì “cuộc đời thăng trầm, thượng vàng hạ cám”. Nhất là những người dân nghèo lam lũ và
những nạn nhân của thời cuộc. Đi vào thế giới văn-chương của Võ Phước Hiếu, thật vậy, người đọc
bắt gặp một trời tình cảm dạt dào, gắn bó với đất đai dù hoàn cảnh, tình thế có thế nào đi nữa. Cũng
vì tình cảm này mà người dân ở chốn thôn quê phải gánh chịu nhiều cay đắng cũng như nợ nần và
thất vọng. Họ bắt buộc phải đối đầu với những khó khăn trước mắt, chạm trán từng ngày với thực tế
khắc nghiệt, cam khổ. Vi thế họ liên tục là nạn nhân dù thời thế có đổi thay! Truyện Bác Thầy Hù vẽ
lại cuộc sống đầy bất trắc sau ngày 30-4-1975, với chính sách Giản dân kinh tế mới của cộng-sản
Hà-nội thực ra chỉ là đòn thù nhắm những thành phần chúng xem như là kẻ thù giai cấp - những Hai
Nhím nghệ sĩ hát bội nay phải hớt tóc dạo, và qua nhân-vật này, những tên cán bộ, công an khu vực
dưới ngòi bút của tác-giả trở nên kệch cỡm: “đồng phục màu vàng xúng xính xùng xình, xanh xao
vàng vọt như tàu lá chuối non, ốm yếu trơ bẹ xường như cá lẹp tăm nhang, mặt mày hống hác nhăn
nheo như những người già háp (…) Bây giờ đã thấy hắn ta phì ra tròn vo, căng da trắng mởn...”.
Chúng 'lột da, đổi lốt' nhưng lòng dạ vẫn tham hiểm, tàn bạo. Đạo đức hay cách mạng đều giả, có
lúc sàm sỡ hỏi tìm gái 'chịu chơi'.
Trong Đồ Quân Ăn Cướp, nhân-vật thằng Vẳng dù theo cộng-sản và được nhìn nhận có công với
'cách mạng” nhưng hai năm sau ngày 30-4-1975 cuối cùng y cũng đã trở nên nạn nhân, y cũng bị
cướp nhà đất như dân 'ngụy', do âm mưu của 'đồng chí' mụ Bảy Rồi, đại diện tập đoàn “như gà mở
cửa mả, quanh quẩn bên mồ ma”. Tựa truyện mà cũng là tiếng chưởi rủa của thằng Vẳng sau khi bị
chúng xảo quyệt cướp mất nhà mất vườn.
Đến truyện Bức Chân Dung, nhân-vật bộ đội Tư Ca người xứ 'Đồng khởi' nhưng không tiến thân
được vì lý lịch bần cố nông chưa đủ và bị phê bình kiểm thảo liên tu. Dù trung thành theo Đảng
cộng-sản nhưng lại thường trực sợ hãi, sợ chết, xin xâm nhập vào Nam vì muốn xa lánh đám cộngsản
Bắc. Về sau lê la kiếp sống “mượn hơi men cay nồng nóng cháy của rượu đế quốc doanh để vổ
về giấc ngủ hối hận và lỗi lầm (?) nhằm xoa dịu những ray rứt xót xa trong lòng (?) Và cũng để quên
những 'thành tích lẫy lừng' suốt một kiếp người đóng góp xây dựng chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa tai hại
cho cả nước”.
Chú Năm Nghê trong truyện Trâu Già Chẳng Nệ Dao Phay sau 1975 tuổi đời đã hơn 70, đã sống
qua đủ đổi thay nhưng cũng không thể sống dưới chế độ cộng-sản Hà-nội. Ông chỉ muốn chết vì
“Ông bà viễn tổ mình nói đúng lắm: "Chết trẻ khỏe ma, chết già nhọc xác". Sống lâu trong chế độ
này thêm nhục nhã. Tao cầu nguyện ông Trời thương, ngủ một đêm đi luôn, khỏe ru bà rù, không
phiền hà ai, ngay cả cái bản thân của mình nữa. Sống thoi thóp, cơm ngày hai buổi, chạy túi bụi, mệt
cầm canh mà còn bữa đói bữa no. Chết đói cà dựt cà dựt như vầy thêm đau đớn, tội cho xác thân.
Chú cho biết lý do: “Cái đám lãnh đạo lãnh địa, chỉ đường chỉ ngõ này, dốt đặc cán mai. Chữ viết
như cua bò, quọt quẹt chấm phết như ở thời phong kiến La Mã. Nhiều tay vua chúa, tướng tá chém
giết không ngừng tay, oai phong lẫm liệt hò hét thét ra lửa, nhưng khi ký tên chỉ có hai sổ ngang và
đứng làm dấu thánh giá. Làm sao chú cháu mình ngóc đầu dậy nổi? Họp hè thúc réo, tao đếch có đi.
Tao "măn phú". Tới đâu thì tới. Đường cùng rồi! Tụi nó có muốn làm gì thì làm. Sao cũng được. Đầu
tao đã bạc trắng rồi! "Trâu già chẳng nệ dao phay" mà!”. Đám cán bộ làm mưa làm gió, bất kể tình
người vì “Đám con cháu Bác Hồ nghèo xơ nghèo xác đang hồ hởi tập tành đổi đời qua những tiện
nghi phồn vinh giả tạo của Miền Nam”.
Những chuyện bi hài hậu-30 tháng Tư chiếm nhiều trang truyện của Võ Phước Hiếu. Như hầu hết tất
cả người miền Nam đã phải bàng hoàng trước những đổi đời sau ngày gọi là “giải phóng”. Nói như
4
tác-giả, “ 'khí thế cách mạng' đang lên, lòng người hời hợt nhẹ dạ có lắm đổi thay không ai lường
trước được”. Trong Con Sao Chiếu Mạng, nhân-vật Hai Ngọng đời cha đời con đạp xích lô ở xóm
Cống là một nạn nhân tiêu biểu, hồ hỡi khi cộng-sản đến bao nhiêu thì sau những trò học tập và
tuyên truyền “giải phóng giai cấp nghèo”, “làm chủ tập thể”, v.v., lại trở về làm nạn nhân còn tệ hại
nhiều lần so với trước ngày chúng vào. Cộng-sản bày ra Tổ hợp đạp xích lô, Hai Ngọng phải giao
nộp xe cho Tổ hợp và trở thành … tổ viên đạp chiếc xích lô của mình ngày trước: “Làm chủ mà nay
đói nhăn răng, vợ con ốm yếu gầy mòn. Nó bắt đầu càu nhàu cau có và văng tục với giọng ngọng
nghịu bẩm sinh”. Cuối cùng nhà đất cũng mất hết, nằm trong một mái lá lụp xụp, nó mới nghiệm ra
rằng nó đã bị “sao vàng” chiếu cho … mạt tận luôn! (Trong khi bà vợ thực tế cho là y bị con sao
'chàn hảng' chiếu cố).
Truyện ký của Võ Phước Hiếu mang tính truyền thần vì ông dùng văn tự để minh họa lại cho người
đọc ông - phần lớn ở ngoài nước, những con người trọng nghĩa khinh tài, thật thà, quê mùa, lời nói
thẳng ruột ngựa. Cá tính thì cương trực, dứt khoát và trọng chữ tín. Đó là tính cách của người nông
dân Nam-kỳ trong một xã hội đen tối, đầy phức tạp và nhiều biến động, từ thời Pháp-thuộc cho đến
sau 1975. Chính hoàn cảnh sống và việc phản ứng lại tình cảnh là những nhân tố tạo thành tính
cách này.
* * *
Trâu Già Chẳng Nệ Dao Phay kể chuyện chú Năm Nghê của xóm Rạch Rít, có duyên “kể chuyện
xưa tích cũ, nói thơ chàng Lía, thơ Thầy Thông Chánh, cậu Hai Miêng... nhứt là thuật chuyện tiếu
lâm châm biếm, mọi người đều cười nôn ruột...”. “Chú tự tạo niềm vui, tự tạo những ngày tháng hạnh
phúc cho chính bản thân mình. Vì chú quả quyết, niềm vui và hạnh phúc chỉ do chính mình tạo dựng
ra, chính mình suy nghĩ phát kiến mà có, chớ không ai vào chéo đất hoang vu này ban bố cho bao
giờ. Nhứt là chẳng ai mang tiền mang của, dù tiền rừng bạc biển ra mà hòng mua được. Nhưng cái
ưu điểm quý hiếm tuyệt vời ở chú Năm Nghê là biết chia xẻ niềm vui và hạnh phúc đó cho mọi người
xung quanh. Như vậy cuộc sống chung đụng hằng ngày thêm dễ chịu, hào hứng và có ý nghĩa hơn”.
Với một nhân sinh quan lạc quan tự nhiên như nắng mưa, như con nước lên xuống, nhân-vật Năm
Nghê cuộc đời đổi thay, lên xuống, cả bị đưa sang Pháp mẫu quốc làm lính thợ nhưng vẫn nhìn đời
bằng con mắt tin tưởng, thanh thản: “Kinh nghiệm cho tao thấy đời sống hằng ngày vô cùng tươi đẹp
với muôn màu muôn sắc và ý nghĩa. Tha hồ mà chọn lựa. Đời rất hấp dẫn, chất chứa bao nhiêu lôi
cuốn quyến rủ gọi mời. Đời lại muôn hình vạn trạng. Mỗi người nhìn một góc cạnh nào đó của cuộc
đời để qua cái đẹp mình vừa khám phá, đón nhận đời với niềm vui hạnh phúc tự tạo. Từ đó dẫn dắt
mình thêm thương yêu cuộc sống, thêm thương yêu những gì chung quanh mình như yêu người, yêu
thiên nhiên, yêu nội tâm, yêu ngoại cảnh… Tất cả đều bao la không biên giới. Đời luôn luôn mở rộng
cửa nẻo thênh thang để vẫy mời đón đợi, mở rộng những ngõ ngách lối đi niềm nỡ tiếp rước mình.
Chỉ có những ai bi quan chán chường, những tâm hồn bịnh hoạn, trật đường rầy mới lạnh lùng quay
lưng lại đời. Những hạng người đó mới thực sự cô đơn thôi” (Trâu Già Chẳng Nệ Dao Phay).
Cách ứng xử rặt Nam-kỳ, có thể bị xem như có chút … quê mùa, thô sơ, nhưng là một thứ ứng xử
kiểu Lục Vân Tiên hay “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” đã là những
phương thức xử thế và nhân sinh quan của con người Nam-kỳ lục-tỉnh vốn đã thấm nhuần từ truyền
thống văn-hóa và giáo dục dân gian. Từ những ứng xử đó, người dân như ở xóm Rạch Rít đã đi đến
một thứ triết lý mà tác-giả gọi là “tự vệ để sinh tồn”: bà con tôi vốn nhẫn nhục, chịu đựng, trông cậy ở
tình đoàn kết keo sơn gắn bó, ở sự hy sinh bất kể đến sinh mạng mình để bảo vệ xóm làng. Cái triết
lý tự vệ để sinh tồn, duy trì sự sống đáng sống ấy là niềm hãnh diện lớn lao của bà con tôi. Niềm
hãnh diện ấy cùng với khí thế tự hào chung được thể hiện tròn đầy qua tiếng cười vui bất chợt trong
những câu chuyện dong dài nhắc nhớ nhau sau mỗi đêm thức trắng. Họ ríu rít không ngưng ở những
5
buổi sáng uể oải chống cướp quấy nhiễu dân tình.”(Đám Cháy Đầu Xuân). Chuyện Vét Ao Ăn Tết
cho thấy thêm khía cạnh thực tế của triết lý tập đoàn này ở chốn ruộng bưng và đồng rừng tân lập.
Các truyện của Võ Phước Hiếu đầy dẫy những chuyện đạo lý vốn là đặc điểm trội bật của xã hội ở
vùng đất “tân lập rảo hổi” như miền Nam lục-tỉnh, nơi người dân vẫn tin “có đức mặc sức mà ăn” và
“ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Người đọc được thấy lại những tinh thần đạo lý như “quân, sư, phụ” và
“trọng đạo tôn sư” trong các truyện Ông Thầy Giáo Làng Quê, tinh thần kẻ sĩ như của ông Thầy Huế
và ông thầy dạy chữ nho trong Chữ Nghĩa Một Thời, Giáo Sử và Thầy Huế trong Ngày Ấy Qua Mau,
Hương sư Chương trong Như Nước Trong Nguồn. Như lời dạy của ông Thầy Huế tác-giả còn nhớ:
“đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo” (đạo không xa cái bổn tánh con
người; hễ vì đạo mà xa cái bổn tánh ấy thì kể đạo ấy không phải là đạo). Dù chỉ học một thời gian
ngắn, nhưng theo tác-giả ông Thầy Huế “đã hun đúc trong tâm hồn trong trắng của tôi một nền tảng
vững chắc về đạo đức làm người và phương châm ứng xử qua cái tâm lành và nhân cách trong sáng
của Thầy. Chính đó là căn cơ cội rễ của niềm tin nơi cuộc sống và cuộc đời của tôi sau này”.
Viên đốc học tên Thường trong truyện Hùm Chết Để Da thì lại khác. Làm công chức ngành giáo dục
thời Pháp thuộc, được lòng cấp trên và đồng nghiệp (như ông ta), nhưng lại là một con người bất
thường và vong bản. Ngay từ trẻ Hai Thường đã tỏ ra là một tay chân tốt cho chủ là ông bà Hương
quản Hạnh. Cuộc đời tiến thân dễ dàng vì lúc đầu may mắn được giúp đỡ, từ quận lên Sài-thành
học trường Sư phạm, về sau thì bợ đỡ: ra trường, y làm đốc học trường nhỏ rồi trường lớn, rồi làm
thanh tra, dùng tiếng Pháp làm ngôn-ngữ sinh sống, viết cả sách giáo khoa, nịnh quan Tây, nhưng
xa lần tiếng mẹ đẻ cùng gốc gác của mình. Hương quản Hạnh trở thành Cai tổng Hạnh, gả con gái
cho Hai Thường. Đốc Thường là một người con bất hiếu, từ hành cử đến ngôn-ngữ ăn nói, khiến
thân sinh đã phải chua xót than phiền “Hai Thường có học mà không có hạnh. Mà con người không
có hạnh thì kể như đời vất đi!”. Thời đi học, y xấu hổ với bạn bè biết thân phận nghèo nên không
thích mỗi khi cha là Bảy Cối thợ đóng cối xay, lên thăm, đến khi lấy vợ rồi thì từ bỏ gốc gác gia-đình
và không hề nhắc đến xứ sở xóm Cống Bề Long Khê, ai hỏi thì chỉ khoe là con rễ của Cai tổng Hạnh
ở Long Hưng Trung. Nhưng thời cuộc đổi thay, Nhựt đến, Pháp thua, rồi thời Việt Nam Cộng hòa,
đốc Thường bị cho về hưu non, sống đó mà như lê lết quãng đời còn lại - phải chăng ông hối tiếc đã
“từ mẹ phụ cha” và “vong ơn bội nghĩa“?
Ngoài tình thầy trò và trọng đạo tôn sư, một số mẫu mực đạo lý nho giáo á-đông như Nhân, Nghĩa,
Lễ, Trí, Tín hoặc tình phụ tử, mẫu tử, lòng hiếu thảo, tình gia-đình, bằng hữu, hay của Phật giáo
(nhân quả), v.v. cũng được Võ Phước Hiếu đưa vào các truyện ký. Các truyện trong tập Như Nước
Trong Nguồn là những nỗi nhớ, thương tưởng ông bà, cha mẹ: ta có mặt và được như hôm nay là
nhờ ở công ơn ông bà tổ tiên, và công danh hành trạng ta có cũng là do cha mẹ chăm chút tập tành
từ những ngày thơ ấu. Mà được sống gần mẹ cha là hạnh phúc lớn: “phụ mẫu tại đường như Phật
tại thế”(cha mẹ còn sống trong nhà như Đức Phật ở thế gian). Mẹ tác-giả qua đời khi ông đã đến đất
tạm dung miền Bắc nước Pháp, nơi không có những com chim vịt tiếng “kêu khắc khoải theo con
nước lớn nước ròng” mỗi khi hoàng hôn xuống, nhưng nỗi tiếc nhớ và ray rức đậm đà cùng những
nỗi buồn cứ trở về xâm chiếm, gặm nhấm tâm hồn ông!
Ngoài ra, những chuyện trị quỷ trấn ma như với nhân-vật Sáu Kiếm trong Con Quỷ Gò Bướm Quê
Tôi cũng là phương tiện để đề cao đạo ngay lẽ phải và nhân quả nhãn tiền ngay tại kiếp này cũng
như để phê phán thói mê tín dị đoan của người mình.
Như vậy đặc tính miền Nam lục tỉnh thật đã rõ rệt trong truyện ký của Võ Phước Hiếu, qua văn
phong, ngôn-ngữ sử dụng cũng như qua các nhân-vật, sự kiện và ký ức cá nhân cũng như tập thể!
* * *
6
Võ Phước Hiếu tinh tế trong kỹ thuật sử dụng, chọn lựa tình tiết câu chuyên, một cách rất Nam-kỳ
mà chỉ những người sinh trưởng ở một địa phương và thật sự yêu mến con người xóm làng của
mình, mới thể hiện một thứ tình tự quê hương tinh tế như thế. Trong Quê Hương Lãng Đãng, người
con là tác-giả đã phải bỏ xóm Rạch Rít để đến Gò Đen trọ học tuy không xa xôi lắm nhưng đã gây
nơi tác-giả biết bao nhung nhớ từng con nước, từng nơi chốn trẻ nhỏ vui đùa bè bạn, … tất cả đã
hiện lên trang giấy những hình ảnh quê-hương tuyệt đẹp, không phải cái đẹp hào nhoáng, vật chất,
mà là đẹp vì cảnh vật nơi đó có hồn và chứa đựng biết bao quá-khứ và biến cố cuộc đời! Hay như
trong Nhứt Phá Sơn Lâm Nhì Đâm Hà Bá, người đọc có thể sống lại những ý nghĩ của Tám Thôi,
người con xóm Phú Thứ bỏ đi xa (tuy không xa lắm, Chợ Lớn), nay về thăm quê cũ và chỉ muốn
sống yên nơi quê hương chấp nhận làm nghề câu tôm cá như thời xa xưa. Vui buồn lẫn lộn, niềm
vui dù khôn tả trong tình cảnh tái ngộ, nhìn lại song hành với nỗi buồn trước những cảnh sống nghèo
nàn, khốn cùng đang bủa vây quê nhà vì chế độ bần cùng hóa nhân dân cho dễ bề thống trị.
Người đọc thường nghĩ là nhà văn ẩn mình tinh tế kín đáo sau tác phẩm, nhưng trong nhiều tình
huống và trước những hoàn cảnh xúc cảm, nhà văn sẽ trực tiếp đưa cái Tôi ra để đến với người
đọc. Trong Cơn Lốc Xoáy Tim, xóm Rạch Rít trở lại với những kỷ niệm ấu thời để tụ lại ở thời tác-giả
rời nhà ra học trường Bổ túc Gò Đen (Bến Lức), nơi đưa ký ức và tình cảm tác-giả ngừng lại rất lâu
với những nhân-vật lịch-sử như ông Hội đồng Võ Công Tôn mà mẹ con ông thuê căn phố trọ. Phần
mộ ông Hội đồng Võ Công Tôn (không xa nơi yên nghĩ của chí sĩ Nguyễn An Ninh) còn đó như nhắc
nhở người đời những thành tích chống thực dân Pháp và bênh vực kẻ cô thế. Trước khi vượt biên,
tác-giả đã “ngoái nhìn lại về phía sau, về phía Voi Lá-Long Phú của quận Bến Lức thân yêu. Giữa
bối cảnh nội tâm dồn dập đó, hình ảnh ông Hội đồng Võ Công Tôn, mẫu người lý tưởng của tôi thuở
thiếu thời lại hiện ra trong sáng, chói lọi hào quang”. Cũng nơi địa danh Voi Lá - Long Phú này, thàng
bạn Bảy Cò ngang ngược, cờ bạc ngày xưa khi Cộng quân xâm chiếm quê-hương, đã trở về tác oai
tác quái hành hạ chính dân làng mình: “Bảy Cò mà làm cách mạng cái com khỉ khô gì! Chữ cách
mạng thiêng liêng cao đẹp biết dường nào đã bị chúng nó bôi bẩn (…) Thối thân của nó là thằng cờ
gian bạc lận, đá cá lăn dưa, thuộc phường ăn hại, quỵt nợ quỵt đời (…) Nó trở mình còn hơn bánh
phồng nướng lửa rơm … Nó làm như là người ở dưới đất nẻ chui lên”. Người xưa người nay, tác-giả
không nói ra nhưng người đọc đã thấy quá rõ ai thương nước thương dân!
Võ Phước Hiếu dùng phương ngữ miền Nam lục-tỉnh. Hầu hết các nhân vật đều có ngôn ngữ và cử
chỉ của người miền sông Tiền, quê hương của người viết truyện. đặc tính tìm thấy trong ngôn ngữ
mà cả không gian và các địa danh đặc thù của Nam-kỳ lục-tỉnh như Ô Cu, Ô Cò, Con Lươn, Vàm
Cây Trôm, Bàu Lác, bưng Bà Mụ, ấp Bà Lác, ao Bà Vãi, gò Bà Sún, Gò Bướm, xóm Rạch Rít, v.v.
Tác-giả cũng nói đến cách đặt tên, gọi tên theo thứ tự trong gia-đình và làm sao cho khỏi trùng (X.
Niềm Đau Cuối Đời).
Ngôn-ngữ trong truyện Võ Phước Hiếu đa tạp vì con người đến từ nhiều đời, từ nhiều phương
hướng, từ Đàng ngoài của đất Việt cũng như từ các nước lân cận. Một phương ngữ phản ảnh tâm
tư, chân dung con người và hình ảnh của nhiều địa phương đồng thời phản ánh quá trình phát triển
của một vùng đất: tâm hơ, lạ huơ, nóng hơ, “chà lết, lờn mặt”, v.v. Hoặc những từ hay nghe thấy ở
miền Nam lục-tỉnh hơn là những nơi khác như sung túc thạnh mậu, thum lá (nghèo nàn), mâm cơm
vĩ vèo, “qua cầu rút ván, qua sông dụt đò”,... Những tiêu đề truyện như Nhứt Phá Sơn Lâm Nhì Đâm
Hà Bá mang vẻ hoang dã của thời khai khẩn đất hoang, ở Võ Phước Hiếu là chuyện bẫy chim câu
cá của nhân-vật Tám Thôi!
Ông đã sử dụng ngôn ngữ của đời thường, thứ tiếng nói bình dân, giản dị nhưng không kém phần
độc đáo của địa phương nơi nhân-vật sinh sống, những vùng địa lý Rạch Rít, Gò Công, Bến Lức,... :
(nồi nước) to bình rỉnh, hàng lu vú, hũ da bò, trụ hình trụ bộ, bườm (rút lui, rời), (con heo) ú na ú nú,
mập lút chỉ, đám trẻ lòng tong cá chốt, sợ lưn tim, (tóc) cạo trọc trơn lu bóng láng, mập mạp xởn xơ,
7
miệng mồm ống nhổ đường mương, mặt mày đỏ gay như mồng gà cồ sung sức lúc tờ mờ sáng, bùn
non xà nịn,... Hoặc đầy hình ảnh như “những cánh rừng mút chỉ cà tha”, “chòi lá lè tè xập xệ”, “ngăn
ngắt gậm nhấm” tâm hồn, “gánh hát xả giàn”, bạn nhỏ thuộc “hàng chằn ăn trăn quắn”, ... Hay “bán
lưng cho trời” khi nói về nỗ lực, phấn đấu, như “ăn mắm húp giòi” về thói hà tiện, v.v.
Văn Võ Phước Hiếu giản dị được bổ xung bởi những từ láy, những từ ngữ tiếp âm đơn hoặc ghép,
riêng nhưng đầy lí thú của miền lục-tỉnh, gây sống động và đồng thời gợi hình qua âm thanh, hình
ảnh: phơi (lác) dôn dốt, bù trơ bù trớt, công việc đăng đăng đê đê, lục lăn lục lửa, (mấy bà) bồng
chanh bốc chách, xa xưa hun hút, chợ chiền thị tứ, (gà) mập trìu trịu, cắc ca cắc củm, lạ hoắc lạ huơ,
v.v.
Ngôn-ngữ ở đây rõ là chân-phương và giàu hình ảnh cụ thể, trực tiếp, cả để diễn-tả những tình cảm,
suy tư, v.v. Ngôn-ngữ chân-phương để phản ánh đúng cách nói của người Nam Kỳ cũng như cách
tác-giả tả cử chỉ, diện mạo, thái độ, hành động, v.v. của các nhân-vật đã giúp người đọc khám phá
con người cùng tâm-lý, tư tưởng nơi vùng đất mới này. Ngôn-ngữ đó được phát xuất từ những con
người mộc mạc, thẳng ruột ngựa nhưng tế-nhị, thừa biết ăn ở cho phải đạo! Một ngôn-ngữ đầy tính
lạc quan, tính chân thật và giản dị. Võ Phước Hiếu đã ghi lại ngôn-ngữ Nam-kỳ của một thời cố-cựu
và đã góp phần tái dựng nên bức tranh xã-hội của thời điểm đó. Người đọc thưởng thức truyện ký
của Võ Phước Hiếu sẽ tìm thấy một thời đại đã qua với con người cũng như văn-hóa, tâm lý, cách
cư xử, v.v.
* * *
Cái riêng độc đáo của Võ Phước Hiếu là sự chân chất mộc mạc phát ra từ mỗi truyện, là nồng độ
phương ngữ miền Nam trong truyện, với một kho từ-vựng dân dã, lấy thẳng từ cuộc sống chung
quanh. Sự hấp dẫn của truyện Võ Phước Hiếu là ở chỗ sử dụng phương ngữ tối đa và đúng chỗ vào
những câu chuyện thật “miền Nam lục-tỉnh”. Đó là miền Nam của miệt ruộng miệt vườn, đất tân lập,
rừng hoang dã. Đó là miền Nam đã thái bình nhưng vẫn còn dấu chiến tranh -- không ở sự điêu tàn
vì bom đạn mà ở những vết thương trong đời người (…). Nước Mắt Tình Yêu là chuyện tình trai gái
có thể là duy nhất của Võ Phước Hiếu, chuyện anh Bần và cô Tư Xinh quen nhau nơi đồng áng và
đến với nhau thân mật giữa thiên nhiên. Hai người có vẻ 'môn đăng hộ đối' không do hoàn cảnh giađình
mà do có cùng số phần long đong lận đận. Nhưng kết cuộc, cô Tư Xinh lại làm vợ Hai Phú, con
ông Ban Biện, có vẻ 'tham phú phụ bần', còn anh Bần đau buồn thành bệnh tâm thần rồi ”âm thầm đi
vào giấc ngũ thiên thu trong cô đơn cô độc”.
Trong một truyện ngắn, việc xây dựng và dàn tả tât cả tình huống làm nổi bật tính độc đáo của nhânvật
hoặc khiến người đọc cảm nhận được khúc mắc của tình huống mà còn cho thấy một tâm trạng,
một nhận thức nào đó của nhà văn. Nhân vật trong truyện của Võ Phước Hiếu không thao thức, dằn
vặt nội tâm theo kiểu thời thượng phân tâm, hiện sinh như nhiều nhà văn khác. Nhân-vật của ông
nói chung sống những mảnh đời đơn sơ, bình thường, «nơi chéo đất quê nhà», nào là những con
người của xóm Rạch Rít với tục danh dân làng đặt cho: thím Chín Tý (lò bún nổi tiếng), Bảy Sô (ba
xi đế), chú Bảy Cối (cối xay lúa), ..., rồi những con người mộc mạc, tình tứ khác của xóm Cầu Sắt,
xóm Phú Thứ, xóm Cống, xóm Rạch Chung, Ba Cụm, Sò Đo, Voi Lá-Long Phú, Thủ Thừa, Bến Lức,
làng Phước Lợi, chợ Đệm, chợ Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn, v.v. Rạch Rít thuộc làng Thanh Hà, Bến Lức -
“nơi chôn chặt ghì níu chuỗi ngày dải thơ ấu của tôi. Nơi chưa một lần vẩn đục nhựng vướng bận hệ
lụy của cuộc đời” (QCQMQM tr. 113), được xem như là không gian quá vãng được tác-giả viết đến
nhiều nhất qua gần như toàn bộ các truyện ký.
Võ Phước Hiếu đặc sắc ở cách đặt tên nhân-vật: Năm Nghê, Tám Thôi, Bảy Sô, Sáu Củ Nừn, thằng
Ba Nô, thằng Vẳng, thằng Xồi, thằng Ba La, mụ Bảy Rồi, bà Mười Phận, bà Tư Trầu, bà Hai Xệ, Sáu
Kiếm, bác thầy Hù, chú Quậy, Hai Nhím, Hai Hàng, Hai Ngọng, Bảy Thứ-Bảy Nổ, Bảy Cò, … Trẻ con
8
thì mang những tên bình dân như con Lem, con Rớt, con Xí, con Đẹt, thằng Sỏi, thằng Sạn, thằng
Tàn, thằng Tèo, … trong Cơn Lốc Xoáy Tim, thằng Đực Lớn, thằng Đực Nhỏ, thằng Bảy Rái, thằng
Hai Đớt, con Tư Yêm,... trong Ngày Ấy Qua Mau, Như Nước Trong Nguồn, hay thằng Đực Lang tục
danh Cò Lửa trong Miếng Thương Miếng Nhớ chuyên bẫy chim, bắt ếch bắt lươn. Nhân-vật đủ
nguồn gốc, người Nam-kỳ từ nhiều đời hoặc từ Trung vào, có cả người Hoa, người Tiều, người gốc
Miên, Ấn-Độ, v.v. Nhân-vật khác nhau hoặc đôi khi trở đi trở lại (Thầy Huế, Giáo Sử, Hương sư
Chương, thằng Đực Nhỏ, thằng Bảy Rái, thằng Hai Đớt...), cứ như những nhân vật đó đã có thật
trong đời sống, quanh quẩn trong những vùng đồng chua sông nước Tiền và Hậu giang mà nếu nối
kết những truyện ngắn này sẽ có thể thành một tiểu-thuyết trường thiên.
Một đặc thù khác trong các truyện của Võ Phước Hiếu, đó là sông nước: sông nước tư bề hoặc kinh
rạch tuôn chảy len lỏi trong khắp cùng miền đồng bằng sông Cửu Long. Sông rạch cảnh trí thiên
nhiên và đồng thời là nguồn sự sống: “mọi sinh hoạt lớn nhỏ của xóm tôi nhứt nhứt đều xuất phát và
trông cậy vào dòng nước duy nhất trời ban cho”. Sông nước trở thành hình ảnh của nhớ nhung, của
quá-vãng dù những dòng sông con nước đó nay vẫn tuôn chảy, luồn lách. Tác-giả còn nói đến “sự
trở về của giỏng nước lớn”, có nước ròng thì phải có nước lớn như chu kỳ tất yếu của tạo vật cũng
là ngày tàn sẽ phải đến với chế dộ độc tài đảng trị thối nát đang tàn phá đất nước (QCQMQM, tr.
160).
Quan niệm sống Nam-kỳ lục-tỉnh theo Võ Phước Hiếu ”rất giản đơn như nước lớn nước ròng, như
con rạch cắt ngang cái xóm nghèo của họ, có lúc vơi lúc đầy” (Nẻo Nhớ Tìm Về). Đó còn là những
đam mê, như trong Chữ Nghĩa Một Thời, «Nơi xóm Rạch Rít của tôi, cái đam mê chung của bà con
vẫn không ngoài công việc phá rừng lấp vũng, đào kinh lên rẫy. Họ biến những vùng hoang vu rập
rạp chẳng mấy chốc thành cảnh thổ quyến rủ với ruộng nương vồng liếp ngút ngàn, quanh năm xanh
um mơn mởn». Con người miền Nam trong truyện Võ Phước Hiếu phần lớn sống gắn chặt với mảnh
đất quê nhà, từ thế hệ này sang thế hệ khác, chấp nhận “định mệnh an bày“, những nơi đó, như ở
làng Thanh Hà của tác-giả, “bà con trong xóm như những dây mơ rễ má, có mối quan hệ rất thân
thiết với nhau“ mà tác-giả xem như là “một bộ lạc nhỏ hẹp thuở xa xưa“. Theo tác-giả, đó là một nơi
chốn thật buồn, ”trăm năm cũng vẫn một vẻ rã rượi buồn tênh, hắt hiu nghèo khó” (NMTY).
Mặt khác những hình ảnh như những bếp lửa mà bà của tác-giả đã nhắc nhở con cháu mỗi khi xây
nhà mới lại mang giá trị tượng trưng: những vật dụng thực tế và thiết yếu ở vùng đồng quê hẻo lánh
đánh dấu sự an cư lạc nghiệp, đã trở thành những hình ảnh thân thương đầy ý nghĩa và ắp tâm tình
mỗi khi nhớ lại (Ngày Ấy Qua Mau). Cũng như những chiếc bánh phồng của một thời, nay sống ở
nước người, ”mỗi lần nghe trong hồn tôi tiếng chày khuya quết bánh phồng Tết là tôi ý thức và nhìn
lại rõ ràng sáng trưng gốc rễ cội nguồn của bản làng thôn ổ khắc khổ của mình. Để rồi xác quyết
thêm một lần cuối, muôn thuở tôi vẫn là người Việt Nam” (Cái Bánh Phồng Tết).
Về văn phong, các truyện của Võ Phước Hiếu nói chung có đặc tính hồn nhiên. Hãy đọc đoạn văn
sau: "… Có bữa chú cao hứng thuật lại một câu chuyện cũ mèm, xưa từ đời ông Nhược ỉa cứt su,
nhưng bà con vẫn chăm chú theo dõi, hồi hộp với những cảm giác chưa từng có. Chú khéo léo thêm
thắc, bày vẻ nhiều tình tiết éo le gay cấn, cải sửa nội dung sao cho phù hợp hoàn cảnh đang sống
hoặc đúng khớp thời sự mới tinh khôi vừa xảy ra nóng hổi ở xóm làng. Hoặc chú dậm mắm thêm
muối bằng vài chi tiết lạ hoắt lạ huơ, người nghe chưa bao giờ nghĩ và tưởng tượng đến, nhờ ba mớ
kinh nghiệm sống thực, rất dồi dào trong cuộc đời phiêu lưu bất đắc dĩ của chú trước đây. Và chính
cuộc đời phiêu bạt đó của chú khiến cho chất lảng mạn bay bướm, phảng phất hơi hướm ngoại lai,
cứ tuôn trào ngọt ngào trong câu chuyện”.
- “Bà con tôi phần lớn sinh trưởng và lớn lên quanh quẩn ở vùng đèo heo húc gió, chó ăn đá gà ăn
đất buồn tênh, suốt đời cột chặt với thửa mạ luống cày, lúc thúc bên lũy tre xóm làng. Có người từ
cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa ra tỉnh ra quận một lần. Cái thủ đô Sài Gòn Chợ Lớn sát bên, lớn nhỏ ra
9
sao, tròn méo, đông đúc thế nào còn chưa biết, nói chi đi đó đi đây vạn dặm làm gì” (Trâu Già Chẳng
Nệ Dao Phay).
Một đoạn văn khác nhẹ nhàng cho cảnh sống êm đềm của miền quê Rạch Rít trước khi thảm cảnh
xảy tới: “Bà tôi cầm cái đèn dầu trứng vịt để ở đầu giường, vén mùng chun vào, cẩn thận ém đi ém
lại rất kỹ. Muỗi mòng ở xóm Rạch Rít của tôi cũng như những nơi khẩn hoang lập ấp khác nhun
nhúc, vo ve ngày đêm như trẩy hội.
Bà nhè nhẹ thò tay ra ngoài, phất tay liên tiếp mấy cái mạnh để tắt đèn. Tim đèn hãy còn đỏ ửng, từ
từ uốn thành vòng cung rồi lịm dần trong u tối.
Cử chỉ quen thuộc đó, bà tôi đã làm từ hơn nửa thế kỷ nay. Một cử chỉ sản khoái toại nguyện vì bà tỏ
ra sung sướng đã kết thúc một ngày làm lụng không ngừng tay, đón đợi giấc ngủ an tịnh trong lành.
Bên ngoài vắng vẻ tĩnh mịch như thường lệ. Nhạc bản ngàn đời của côn trùng ếch nhái bắt đầu trổi
lên dai dẳng buồn tênh, ru giấc ngủ ông bà tôi thêm nồng nàn say đắm. Vài tiếng chim ăn đêm quá
quen tai chập chập vút lên đâu đó bên liếp mía, vồng khoai, ngoài vườn cau vườn dừa, cũng không
thể phá giấc ngủ vùi đó, chuẩn bị sức lực cho ngày mai đón đợi.”
Truyện của Võ Phước Hiếu hay nói đến xóm Rạch Rít vốn là quê hương thân thương của tác-giả:
"Xóm Rạch Rít của tôi phát đạt, trù phú. Ruộng lúa bát ngát, óng ánh vàng hực mùa gặt. Cây trái oằn
cành. Kinh đào tăm tắp ngút mắt. Nhà ngói kinh dinh đỏ au. Đêm đêm, đèn «măng-soong» rực trời
ngày lễ lộc.
Ghe máy xình xịch, sông rạch dậy sóng, tung bọt trắng xóa làm cho mấy chiếc xuồng ba lá và ghe
tam bản nhảy sóng liên hồi, chồm lên sụp xuống dịu dàng. Hội hè đình đám tấp nập người xem.
Hát cải lương, hát bội dù là những đoàn hát bầu tèo nghèo xơ xác chỉ lưu diễn ở làng ở tổng, thỉnh
thoảng tạt ngang trụ lại trình diễn năm bảy đêm liền”(Đám Cháy Đầu Xuân).
* * *
Tình cảnh sống lưu vong xa quê không ngày về, Võ Phước Hiếu thương nhớ quê nhà da diết, nên
ông đã dùng vần thơ câu văn chuyên chở những tâm tình nhung nhớ, ký vãng pha cùng hy vọng.
Nhung nhớ quê-hương nhập vào tâm tình của nhân-vật Năm Nghê trong truyện Trâu Già Chẳng Nệ
Dao Phay khi phải làm lính thợ sang Âu châu: "nhớ, hơn bao giờ hết. Nhớ cồn cào trong tủi hận...
Chú nhớ khoảng không gian thênh thang trước nhà mình, lung linh ánh nắng sớm chiều với tiếng
chim nô đùa hợp chợ ríu ra ríu rít không thôi trên những tàn ổi, tàn mãn cầu... đâm tượt non mướt
mùa mưa.
Chú nhớ những bữa cơm đạm bạc với cá tép tôm cua, rau cỏ vườn nhà chú thường ăn, tuy không
thịnh soạn, nhưng lúc nào cũng no bụng ấm lòng.
Chú nhớ những con cá rô to bằng bàn tay phóng nhảy rèn rẹt rèn rẹt rất cao khỏi mặt nước ở những
đám lúa trổ đồng đồng để táp bông lúa non thơm ngon, mà chú thường câu nhấp đem về nướng lửa
rơm căn phồng tươm mở.
Chú nhớ những ngày ra giêng gió lành lạnh, những trái xoài con thon thon nho nhỏ đong đưa đồng
loạt với những bông xoài nở muộn, một màu trắng vàng giữa những lá non tim tím, báo hiệu một
mùa trái ngon ngọt hứa hẹn.
Chú nhớ mấy bầy ròng ròng lớn nhỏ, màu đỏ hoe, quấn quít sát vào nhau, ganh đua trườn lên mặt
nước ngớp thở, bên cạnh cá lóc mẹ, thỉnh thoảng táp mống bụp bụp bảo vệ con, xua đuổi ếch nhái
khuấy rầy.
10
Chú nhớ vào những mùa gió chướng bắt đầu thổi, mấy cây so đũa suông đuột trước nhà chú trồng
cốt để về sau lấy thân ủ làm núm mèo, trổ bông trắng ngần lòng thòng, phất phới lay chuyển theo
chiều gió. Chú đang thèm một nồi canh chua cá trào, cá chốt bụng trứng nặng kè kè nấu với bông so
đũa, ăn mệt nghỉ. Nhứt là phải để sót chút ít nhụy bông so đũa để có mùi đăng đắng nhân nhẩn.
Giờ đây, nơi xa xôi có lúc bất chợt nghĩ đến, chú càng thêm nhớ thêm thương quê hương khổ hạnh
của chú. Và cái mùi nhân nhẩn đăng đắng của bông so đũa ngày xưa càng làm cho chú thêm thấm
thía với cuộc sống giăng mắc đắng cay hiện tại...”
Sau khi Đức Quốc Xã bại trận, chú Năm Nghê thuộc nhóm lính thợ đầu tiên đăng ký hồi hương. Chú
thương cái xóm Rạch Rít của tôi. Chú nhớ quê hương, bà con lối xóm. Chú không chần chừ rời khỏi
mảnh đất xa lạ bị tàn phá với nhiều kỷ niệm chú cố gắng quên mau, xem như một vấp váp trong đời
mình.
Sau này, chú có thố lộ tâm trạng của chú lúc đó như những chú cá lóc, cá trê, cá rô… ưa thích sống
trên đồng ruộng, bưng biền hay đầm vũng, nơi chúng được sinh trưởng và lớn lên. Sau này nên hình
nên vóc, dù cho đồng ruộng có cạn khô mùa nắng, dù cho bưng biền có hết nước đi nữa, nhưng
chúng nó không bao giờ phiêu lưu thoát ra sông cái đầy cạm bẫy. Trái lại, chúng nó lần mò tìm mọi
cách rút xuống ao sâu đầm vắng, như chúng quyến luyến không rời bỏ được vùng đất dưỡng nuôi
bảo bọc chúng trước đây. Cũng như chú, chú không thể bỏ được quê hương Rạch Rít của chú”(Trâu
Già Chẳng Nệ Dao Phay).
Phần Võ Phước Hiếu sống đời tị nạn, nỗi nhớ hiện tại có khác nhưng cũng không khác những nhớ
nhung của chú Năm Nghê năm xưa: “Nỗi buồn lưu đày ray rứt, nỗi tủi nhục về thân phận lạc lõng bơ
vơ nơi xứ lạ quê người, nỗi chán chường đeo đẳng hiện tại với niềm uất hận tràn dâng ngút ngàn...
tất cả nỗi niềm thầm kín đó gặm nhấm tim tôi khiến tôi càng thêm vọng nhớ quê hương xa xôi ngăn
cách.
Tôi nhớ, tôi yêu dậm đà tha thiết cái xóm hẻo lánh, nghèo nàn, nơi tôi sinh trưởng, cất tiếng đầu đời.
Cái quê mẹ, quê cha, quê ông bà thân thương đó với những kỷ niệm chia thịt thà ngày tư ngày Tết
thuở quê hương tôi thanh bình sung túc, những cảnh trao đổi thổ sản, thóc lúa, biếu xén không vụ
lợi, không mảy may hậu ý... đương nhiên đã trở thành một cái gì thiêng liêng, quý giá nhất trong cuộc
sống của tôi.
Quê nhà đó cứ vấn vương réo gọi, thôi thúc không thôi, nhắc nhớ gọi hồn, giục giã hướng đến mùa
Xuân ước mơ, thanh bình thực sự, hạnh phúc ấm no tràn đầy, vĩnh cửu”(Đám Cháy Đầu Xuân).
Trong thương nhớ có con sông lớn, cả con rạch nhỏ “hằng ngày, nước chảy xuôi ngược lững lờ, kéo
theo những dề lục bình, những người bạn trăm năm ngàn năm uể oải u buồn”. Nhớ những vườn cây
trái như xoài, bưởi, chùm ruột, mãng cầu dai, ... Những ruộng đồng tân lập bát ngát … những rừng
chồi, rừng tràm “chạy dài ngút mắt” - mà tác-giả gọi là “những cánh rừng mút chỉ cà tha”. Những địa
danh có tính “man dại”, “hoang dã của một thời xa xôi khẩn hoang lấn đất … thời hoang sơ hun hút
của tổ tiên”. Thương nhớ những thú vui đạm bạc hay tao nhã xa xưa, như các loại trà Thiết Quan
Âm, Bạch Hào Kỳ Chưởng, Nghi Bồi Nhâm thứ mua thứ trồng chung quanh nhà, rượu đế Gò Đen,
thuốc rê Gò Vấp, v.v. , và những món ăn như bún thịt cua đinh nấu cà ri, như nem chua và bánh
phồng ngày Tết, gạo nanh chồn vùng Chợ Đào, v.v. Qua truyện kể của Võ Phước Hiếu, người đọc
có thể “thấy” lại những ngành nghề nay không còn nữa như nghề đạo tỳ của nhân-vật Năm Đặng
trong Chữ Nghĩa Một Thời, nghề trị quỷ trấn ma của ông Sáu Kiếm trong Con Quỷ Gò Bướm Quê
Tôi, hay nghề bà mụ thô sơ thời xa xưa với bà Hai Đặng trong Như Nước Trong Nguồn. Và những
thú vui hay cảnh sinh hoạt đã mất với thời gian như cảnh ăn Tết nhộn nhịp đầy ý nghĩa văn-hóa dântộc
ở vùng quê, cảnh gánh hát ở các đình miễu xóm làng quê heo hút hay trong nhà lồng chợ những
nơi thị tứ nhỏ, với những tài tử hát diễn một thời! Tác-giả còn kể chuyện những chuyến xe điện ở
11
Sài-gòn và xe lửa Sài-Gòn-Mỹ Tho của ngày nào, những sinh hoạt và cảnh tượng nay đã mất dấu
theo đà hiện đại hóa!
Võ Phước Hiếu thương nhớ những vùng đất cũ, rồi những kỷ niệm và bạn bè, người thân nay kẻ
còn người mất. Thương nhớ theo cùng phẫn nộ trước khốn khổ của người dân quê, bất mãn trước
lề lối cai trị tàn bạo và tham ô nhũng lạm của cán bộ cộng-sản. Thương nhớ biểu hiện theo từng
hình ảnh, nhân-vật, mà lo âu, tiếc nuối cũng theo từng dòng chữ viết. Trong Nẻo Nhớ Tìm Về, nẻo
nhớ là con đường tráng nhựa từ nhà lồng chợ Phú Lâm đến thị trấn Hiệp Hòa chạy ngang qua
trường Sò Đo, thị xã Tân Phú Thượng, con đường thân mẫu tác-giả đã phãi đi về khi dạy học ở Sò
Đo. Con đường huyết mạch nhưng lởm chởm đá xanh và “ổ gà, ổ trâu, cả ổ voi tầy quầy … úng
nước lầy lội“. Cứ vài tháng bà mới có thể về thăm nhà, bằng phương tiện xe thổ mộ, có khi tác-giả
được đi theo, nhờ đó có dịp quan sát, nay ông nhớ tả lại cảnh sinh hoạt và lưu thông trên đoạn
đường đó thật linh động và cảm động. Nổi nhớ tha thiết với những đoạn văn đẹp, vừa hiện thực vừa
trữ tình: “Đoạn đường nhiêu khê trắc trở này, hầu như hoang vu, lâu lâu mới thấy một mái tranh lẻ loi
nằm lạnh lùng sát bên cánh rừng chồi hay một thum lá nghèo nàn xơ xác với ánh đèn dầu mờ ảo, leo
lét xa xa giữa màu đêm đen dầy mịt. Ếch nhái uềnh oang não nuột và bầy đôm đốm lập loè như ma
trơi bên những buội rậm sẫm tối, càng dấy lên trong lòng những người xiêu lạc, trôi nổi mưu sinh nơi
xa sôi như mẹ tôi một nỗi buồn hoài hương thấm thía. (…) Trời đã tối khá lâu rồi. Cảnh vật hai bên
vệ đường vắng hoe dễ sợ. Chỉ thấy xa xa từng chập, ở những gò hoang mênh mông bát ngát hay
dọc theo những chéo đất bỏ phế, cỏ lác năn sậy mọc loạn xạ không quá gối, vài ngọn đèn chai soi
cá, soi chim khúm núm. Ánh sáng le lói bập bùng như hồn ma bóng quế vui đùa trửng giỡn ở những
truyện liêu trai rợn tóc gáy ...”. Chuyện xảy ra khi tác-giả đã lớn hơn thời mẹ ông đưa ông đến
trường lớp ông Thầy Huế và Hương sư Chương ở ngay trong làng Thanh Hà trong Ngày Ấy Qua
Mau và Như Nước Trong Nguồn.
Cũng như một số tác-giả văn-học hải-ngoại khác, tính chất tự truyện khá trội bật trong các truyện
của Võ Phước Hiếu. Có thể nói quá-khứ và kỷ niệm sống đã là nền tảng và bước khởi đi của văn
thơ Võ Phước Hiếu. Ông khiêm tốn gọi đó là những “kỷ niệm giản đơn, bình thường”, bình thường
nhưng “không thể vứt bỏ đi được”; ông cho biết “Bao nhiêu kỷ niệm xa xưa vẫn cứ lắng đọng, chìm
sâu trong miền ký ức phức tạp, nhiều lúc tôi tưởng chừng như nó vĩnh viễn năm im trong quên lãng
để chết rủ trong đó. Nào dè, thỉnh thoảng, nó lại cục cựa nhỏm dậy sáng trưng với đầy đủ cả những
chi tiết và tình tiết buồn vui sướng khổ ngày nào, đôi lúc quá bất ngờ nhưng đầy ấp hấp dẫn cuốn
lôi”(Như Nước Trong Nguồn, tr. 151). Đó cũng là lý do nhiều nhân-vật và không gian được tác-giả
nhiều lần sử dụng lại, đưa vào tác-phẩm.
Theo thiển ý, Võ Phước Hiếu viết với ý thức trách nhiệm đối với tổ quốc, dân tộc, và ý thức của nhà
văn có vai trò đối với xã hội. Võ Phước Hiếu hình như không quan tâm đến chỗ đứng tương lai của
ông như là nhà văn đó trong văn học sử, mà đúng hơn ông đóng góp cho lịch-sử dân tộc qua
phương tiện văn-học. Ông không làm văn chương, không viết ra những câu văn thời thượng hay
theo chủ thuyết hình thức này kia thường rỗng tuếch nội dung và vắng chiều sâu. Văn ông được
diễn tả theo kiểu có sao nói vậy, nghĩ sao bộc tả vậy!
Võ Phước Hiếu tỏ ra ý thức sứ mạng văn chương của mình. Viết về quê-hương không phải để chỉ
nhớ quê nhà, đụng đến quá-khứ không phải để tưởng tiếc thuần tình, mà ông còn dụng ý cho người
đọc tìm biết tại sao ông đã đánh mất quê-hương đó, tại sao và vì ai mà có người phải bỏ chốn thân
thương đó để ra đi,… Sống đời lưu xứ, những việc tưởng là tủn mủn, lẩm cẩm như sưu tập, nghiên
cứu ca dao tục ngữ hay phương ngữ đều là những cách thế tích cực đóng góp cho dân-tộc hơn là
thuần nhung nhớ quê-hương. Như nhân-vật thầy giáo Mạnh trong truyện Ông thầy giáo làng quê,
hoàn cảnh bị đưa về vùng «xa xôi hun hút», làng Thanh Hà, đã sưu tầm văn-chương văn-hóa bình
12
dân mà ông xem như là «ký ức tập thể của chòm xóm» với quan niệm đó là một thể cách «sống đam
mê là một hạnh phúc vô biên cương, vô giới hạn của một kiếp người».
Đề cao tình quê hương, tình yêu đất cũng như đề cao quá-khứ oai hùng, kiên cường của những con
người đã làm nên mảnh đất đó, truyện của Võ Phước Hiếu đã ghi lại những hình ảnh xinh đẹp, tốt
lành trước khi biến mất với thời gian và trước khi những con người cai trị thời sau 1975 đến áp bức,
gây xáo trộn. Với một ý thức trân quí muốn giữ gìn truyền thống văn-hóa của đất nước, truyền thống
với những giá trị văn-hóa địa phương và cả nước, đã ăn sâu vào tiềm thức và thể hiện qua sinh hoạt
thường ngày. Qua tác-phẩm của Võ Phước Hiếu người đọc thấy thấp thoáng một thứ đạo đức phổ
quát, nền tảng về đạo làm người, làm con dân đất nước, và một tâm tình đôn hậu, chân phương, cởi
mở như là xương sống cho đặc-tính Nam-kỳ lục-tỉnh!
Như Võ Phước Hiếu đã có lần tâm sự “cuộc đời lưu đày ray rức vẫn cứ ngăn ngắt gậm nhấm tâm
hồn tôi” (QCQMQM, tr. 110), tác-phẩm của ông được viết ra bộc phát từ trái tim mẫn-cảm, thương
nhớ của mình, mà Võ Phước Hiếu đã đem đến cho người đồng hương và đồng bào lòng tin yêu vào
cuộc đời, tin vào tính nhân bản dù ở vào hoàn cảnh nào cũng hãy còn đó. Ngoài ra, tác-phẩm của
Võ Phước Hiếu còn làm phong phú thêm cho chữ nghĩa Việt Nam ở quê người và còn cung cấp
thêm những chứng liệu lịch-sử, văn hóa về vùng đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy những yếu tố
đặc trưng riêng của vùng đất và con người nơi đây.
Nguyễn Vy Khanh
Montréal, 15-11-2010

No comments: