Wednesday, August 29, 2012

KÝ TÔ VŨ


Chuyện Cà Kê 09
(tháng 01/2008)

Tô Vũ
Lời cầu chúc đầu năm 2008 của Tô Vũ
- Chúc quý độc giả vui mạnh và tâm thân an lạc
- Chúc quý vị trong Cộng đồng người Việt quốc gia tự do tại Pháp
và ở khắp nơi Âu Mỹ Úc. vui mạnh và chí cương cường tranh đấu bền vững và thành công.
Paris ngày 1-1-2008
Tô Vũ
* * *
Mục lục
Chuyện Cà Kê số 9 tháng 1-2008 của Tô Vũ gồm có 8 mục :
1) Mục 1- Cà kê đầu năm (bài viết của Tô Vũ)
1-1 - Minh nguyệt thanh phong
1-2 - Huyền Trân công chúa
1-3 - Rêveries d'automne và Chinh phụ ngâm
1-4 - Bất khuất
2) Mục 2 - Thương nữ bất tri vong quốc hận (bài viết của Tô Vũ)
3) Mục 3 - Tại sao lại gọi là Chuyện Cà kê (bài viết của Tô Vũ)
4) Mục 4 - Tô Vũ chăn dê (bài viết của Tô Vũ)
5) Mục 5 -Thơ
5-1) Bài văn tế giỗ trận Hoàng sa 34 năm của Trần quan NIệm và Phạm Tứ Lang (Hoa Kỳ)
5-2) Thơ Trận Hoàng Sa của David Lý Lãng Nhân (Hoa Kỳ)
5-3) Vàng bóng cờ bay, của Nhược Thu, Oslo, Na Uy
5-4) Mai mốt em về, của Thi Hanh, Oslo, Na Uy
5-5) Hoang Vu, của Đan Thuý Vy, Paris
5-6) Hoạ bài Thăng Long thành Hoài cổ do Nhạc sĩ sáng tác Anh Huy gửi tới :
5-6-1) Thăng Long thành Hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan
5-6-2) Thức trắng canh trường, bài họa của Vũ Uyên Giang
5-6-3) Tâm vọng chí cùng, bài họa của Anh Huy
5-6-4) Hoạt cảnh Việt nam quốc, bài họa của Tiểu Bảo
6) Mục 6 - Giới thiệu sách và phóng sự ngày Noel 2007 tại Nhà Cao Niên Créteil
6-1) Tập thơ Mùa Xuân Vỗ Cánh của thi sĩ Đỗ Bình
6-2) Tập truyện ngắn Bài ca Vọng cổ của Tiểu Tử
6-3) Tôi đi và sống- Hồi ký sự nghiệp 50 năm (tập 1) của Bạch Yến
6-4) Tử vi và địa lý thực hành của Hàn lâm Nguyễn Phú Thứ, Lyon
6-5) Phóng sự Noel 2007 tại nhà Cao Niên ở Créteil (bài viết của Tô Vũ)
7) Mục 7 - Ngôn ngữ Huế của Tuệ Chương Hoàng Long Hà

* * * * *


Mục 1 - Cà kê đầu năm (bài viết của Tô Vũ)
Thứ bảy 29-12-07 Tô Vũ mới ăn mừng lễ Giáng Sinh, chậm vài ngày vì chờ gặp mấy người bạn ở xa đến Paris cho vui. Có nhà thơ Duy Tường từ Lyon, MNg. từ miền Nam nước Pháp, Trần Huyền Trân và MTh. ở Paris, BX. và Tô Vũ ở Val de Marne, vui vẻ gặp mặt nhau ở quán Saigon. Thứ bảy, quán Sài Gòn đông nghẹt. TV hay đến ăn tiệm này từ hồi tiệm còn gọi là tiệm mì Mỹ Tho ở đường Hôpital quận 13, hơn hai chục năm về trước. Tiệm Sàigòn, mấy năm trước là Vieux Saigon, bây giờ đổi tên khác nhưng vẫn là ông bà chủ cũ vui vẻ vớí khách hàng, tiếp đón lịch sự niềm nở. Nhiều dân Sài Gòn cũ (Vieux saigonnais) đến ăn ở tiệm đó.
Tiệm Sài Gòn như là một nơi để bạn cũ hẹn gặp mặt nhau. Mỗi lần đến đó là TV hay gặp những người quen cũ, mới, VDNh cuối tuần hay ngồi ở đó.
***
Mục 1-1 - Minh nguyệt thanh phong
MNg. ở xa nên thỉnh thoảng TV mới gặp. Mỗi lần gặp TV gọi đùa là "Trăng sáng vườn chè" tên một bài hát mà MNg. thích hát (đêm nay mới thật là đêm, ai đem trăng sáng vào trong vườn chè), MNg. hiền lành, ít nói, dễ thương, chỉ cười thôi và hát hay.
Trăng sáng theo chữ hán việt là minh nguyệt. Các nhà thơ thời xưa đều ca ngợi những cái đẹp của thiên nhiên : Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền (Trăng thanh, gió mát, rượu một thuyền).
Cao bá Quát viết :
Duy giang thượng chi thanh phong dữ sơn gian chi minh nguyệt (chỉ có gió mát trên sông, với trăng sáng trên đầu núi)
Kho trời chung mà vô tận của mình riêng, (là của chung của trời đất, mà riêng mình ta hưởng không bao giờ hết)
Cuộc vuông tròn phó mặc khuôn thiêng (cuộc đời xấu tốt đều do ông Trời định đoạt).
Ai thành thị ai vui miền lâm tẩu (người ở thành thị, người ở miền rừng núi) .
Gõ dịp lấy hát câu Tương Tiến Tửu (vừa gõ nhịp, vừa hát bài Cùng mời nhau uống rượu).
Quân bất kiến Hoàng hà chi thuỷ, thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi. (Bạn chẳng thấy nước sông Hoàng Hà, từ trên trời xuống, ngoằn ngoèo chảy ra biển rồi không trở lại).
Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát. Triêu như thanh ty mộ thành tuyết (Bạn chẳng thấy, đứng ở nhà trên, nhìn vào gương sáng, buồn về tóc bạc. Buổi sáng như tơ xanh, buổi chiều như tuyết trắng).
Nhân sinh đắc ý tuy tận hoan. Mạc sử kim tôn không đối nguyệt. (Con người ta lúc đắc ý, thì nên tận vui hưởng. Đừng để chén vàng cạn dưới trăng).
Bốn câu này Cao bá Quát lấy từ bài thơ Tương Tiến Tửu của Lý Bạch. Lý Bạch (701-769), Đỗ Phủ (719-770) Bạch cư Dị (772-846) là ba nhà thơ lớn của thời nhà Đường bên Tàu.
Lý Bạch làm thơ thời vua Đường Minh Hoàng, là vua mà sách sử có nói nhờ đạo sĩ làm phép thuật cho ông lên cung trăng gặp Hằng Nga.
Lý Bạch hay đi thuyền trên sông, uống rượu làm thơ.
Một đêm sáng trăng ông ngồi thuyền trên sông Thái Thạch, uống rượu say, ông nhoài người ra ngoài thuyền, bắt trăng trên sông, ông rớt xuống sông, bị chết đưối (năm 769 dương lịch). Về sau để tuởng nhớ đến ông, người ta xây một cái đài bên bờ sông đó, gọi là Tróc Nguyệt Đài (Đài bắt trăng).
***
Mục 1-2 - Huyền Trân công chúa
Huyền Trân Công chúa thì Tô Vũ khỏi cần giới thiệu. "Hai châu Ô Rí vuông nghìn dặm. Một gái Huyền Trân của mấy mươi". Những vị nào quê ở miền Trung đều biết Quảng Trị, Thừa Thiên, là hai châu Ô châu Rí, đất xưa của Chiêm Thành. Theo sử thì năm 1306, Huyền Trân công chúa đời nhà Trần lấy Chế Mân, vua nước Chiêm Thành. Vua Chiêm mang hai châu Ô và Châu Rí làm sính lễ cưới Huyền Trân. Huyền Trân làm Hoàng hậu được một năm thì vua Chế Mân chết. Lúc bấy giờ Huyền Trân mới có 24 tuổi. Tục lệ tôn giáo Chiêm Thành hỏa táng nhà vua và cũng hỏa táng hoàng hậu theo. Vua Trần Anh Tông quyết định cứu sống công chúa Huyền Trân. Trần Khắc Chung được cử vào nước Chiêm để phúng điếu và cứu Huyền Trân. Trên đảo Chuk Mui bờ biển Bình Định, trong khi làm lễ cầu siêu, trước khi Huyền Trân bước lên dàn hoả thiêu, thì thuyền Trần Khắc Chung giả làm thuyền cướp biển, bắt cóc công chúa xuống thuyền. Vì sợ Chiêm Thành biết nên thuyền phải lênh đênh ngoài biển một năm, rồi mới bí mật đưa Huyền Trân về thủ đô Thăng Long. Một năm ở ngoài biển ! Do sự này mà dân gian có câu phong dao như sau :
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm.
Hột gạo trắng ngần chỉ công chúa, nước đục chỉ Chế Mân, lửa rơm chỉ Khắc Chung.
*
Trần Huyền Trân (THT) ở Paris 2007 thì "super". Serviable "hết sẩy ". Tô Vũ cần tài liệu chữ Pháp gì để viết là nhờ THT tìm giùm là có ngay, tìm tài liệu thôi chứ không nhờ viết. Chụp ảnh giỏi, chụp nhiều ảnh đẹp. Làm thơ chữ Pháp, làm journaliste, chuyên làm "sondage politique".
Hôm bầu cử Tổng thống Pháp, THT làm (làm giả cho vui) một show vidéo quảng cáo Tô Vũ ứng cử Tổng thống, show đăng trên một "website", TV và các bạn coi, ai cũng cười vui. Nhìn cái banderole "To Vu on t'aime" trong show, Tô Vũ khoái quá mũi nở to bằng "tô phở xe lửa ". Nhưng rồi quý độc giả biết kết quả đấy, ông Tổng Thống Sarkozy đã đắc cử, Tô Vũ được "zéro" phiếu. TV còn giữ cái show đó, một món quà quý của THT cho TV.
* **
Mục 1 - 3 --- Rêveries d'automne và Chinh phụ ngâm
MTh. nhũn nhặn, ít nói, khi cười để lộ hàm răng đẹp, gọng kính kiểu Nana Mouskouri, chụp ảnh thì "manger photo" không chê được, thích thơ văn. TV nhờ kiếm giùm thơ văn Pháp là có ngay. Bài Plaisir d' amour của Claris de Florian là do MTh. gửi đến cho TV từ hai năm trước.
Tô Vũ phải bật mí để quý độc giả biết, "Chuyện Cà Kê" viết mỗi kỳ phải cần đến rất nhiều tài liệu, càng "cà-kê" dài bao nhiêu thì càng cần đến tài liệu bấy nhiêu, chứ "sức mấy" mà TV nhớ hết được, vì vậy phải nhờ đến bạn hữu tìm giùm.
Bài TV viết về Lamartine là nhờ MTh. đưa cho mượn tập Poésies Choisies, édition 1955, của Hachette (một quyển sách quý. TV phải nghĩ đến gửi trả lại sách đó.)
Viết đến đây, đột nhiên TV liên tưởng đến Chinh Phụ ngâm. Không hiểu tại sao. Có những tiềm thức ẩn kín khó giải thích. TV đột nhiên nghĩ đến hai câu :
Thanh thanh lưu thuỷ bất tẩy thiếp tâm sầu
Thanh thanh phương thảo bất vong thiếp tâm ưu.
nghĩa là
Nước sạch chảy mà không tẩy được cái buồn trong tim thiếp
Cỏ xanh thơm mà không nguôi được cái sầu trong lòng thiếp
Bà Đoàn thị Điểm dịch là :
Nước có chảy mà phiền khôn rửa
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây.
Khoảng 1990, có tiệm phở Thanh Thanh ở đường Avenue de Choisy về phía Mairie quận 13. Bà chủ Thanh Thanh là người Sài Gòn. Bà than tiệm ế khách mà thuế má tiền nhà sở phí nặng quá, chắc bà phải dẹp tiệm. Hồi trước 75, ở Sàigòn bà mở một tiệm ăn lớn lắm ở Thị Nghè. Nghe đâu bà là vợ của một ông tướng thời trước.
*
Tô Vũ đến ăn phở với ông bạn H. Mai. từ Chicago, Hoa Kỳ tới. Ông bạn này là một nhà "nho chùm" thấy bà than quá, lấy một mảnh giấy viết hai câu đưa cho bà ta :
Thanh thanh lưu thuỷ bất tẩy thiếp tâm sầu
Thanh thanh phương thảo bất tẩy thiếp tâm ưu.
Bà ta đọc chẳng hiểu gì, có lẽ bà ta tưởng là thơ tình, déclaration d'amour, viết bằng chữ nho, bà cũng chẳng nói gì cả.
Tô Vũ củng không hiểu ý của ông bạn.
Lúc ra về, ông ta giải thích cho TV rằng :
Thanh thanh lưu thuỷ bất tẩy thiếp tâm sầu, nghĩa là Nước phở trong (ngon) của tiệm Thanh Thanh không làm sạch cái sầu trong lòng bà chủ.
Thanh thanh phương thảo bất tẩy thiếp tâm ưu, nghĩa là,
Rau húng thơm (ngon) của tiệm Thanh Thanh không làm hết cái buồn trong lòng bà chủ.
Rồi bà Thanh Thanh bán tiệm phở cho chủ Tàu, Tô Vũ không bao giờ gặp lại bà ta nữa chắc bà đi mở tiệm ở một tỉnh xa nào khác.
***
Mục 1-4 -- Bất khuất
Nhà thơ Duy Tường (DT) từ thành phố lớn thứ ba nước Pháp, thành phố Lyon, đã mấy lần góp bài cho Mục cà kê được phong phú. Thật quý hoá ! TV chưa bao giờ thấy một người có tổ tiên lâu đời như nhà thơ DT. Nhà thơ Duy Tường là cháu không biết đời thứ bao nhiêu của nhà thơ Khuất Nguyên nước Sở, thế kỷ thứ ba trước công nguyên (- 300 BC). Khuất Nguyên là tác giả tập thơ Ly Tao, đến bây giờ còn được truyền tụng. Bây giờ trong văn chương, người ta nói đến tao đàn, tao nhân, tao nhân mặc khách là do chữ Ly Tao mà ra. Người Việt Nam có mỹ tục tưởng nhớ đến những người anh hùng, những người ái quốc, những người vì nước quên mình như Hai bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn thái Học, Thủ khoa Huân, Trần văn Bá v.v...
Ngày mùng 5 tháng 5 ở nước ta có Tết Đoan Ngọ, để tưởng nhớ đến trung thần Khuất Nguyên.
Ngày mùng năm tháng năm cũng gọi là trùng ngũ. Xưa có người trung thần nước Sở là Khuất Nguyên, khi Sở vương định cử binh đánh Tần, ông can vua hết sức, vua không nghe cứ mang quân qua đánh Tần, vua bị thương chết ở Tần. Nhà vua kế nghiệp, nghe nịnh thần kết tội ông. Ông buồn rầu quá, ông viết tập thơ gọi là thơ Ly Tao xong rồi ông buộc đá vào người, trầm mình xuống sông Mịch La tự tử. Sông Mîch La là một con sông nhỏ chảy vào sông Tương là sông lớn, ở tỉnh Hồ Nam, huyện Tương âm, rồi sông Tương chảy vào Hồ Động Đình .
Người nuớc Sở, mỗi năm cứ đến ngày ông chết, là ngày mùng 5 tháng 5, tổ chức đua thuyền, ý nghĩa là để vớt xác ông Khuất nguyên. Về sau tục lệ này trở thành tết Đoan Ngọ hàng năm ở nước ta. (xin đọc Chuyện cà kê số 8 tháng 12-2007).
********
Mục 2 - Thương nữ bất tri vong quốc hận (bài viết của Tô Vũ)
Năm 2007, nghe báo chí nói có nhiều ca sĩ ở hải ngoại về làm ăn ở Sài-gòn, kiếm tiền khá lắm, có tới đến 140 ca sĩ về trong năm 2007, nên có những lời tuyên bố của một vài ca sĩ không được hợp lắm với cái tính cách tỵ nạn cộng sản, bỏ nước ra đi của họ. Tô Vũ chẳng có điều gì phê bình các ca sĩ đó cả. Đó là quyền của họ, quyền của dân một nước dân chủ, mà hiến pháp Mỹ bảo đảm những quyền tự do nhân quyền và dân quyền, quyền đặt tiền tài và danh vọng trên hết mọi sự tuỳ theo cá tính cá nhân. May thay, không phải tất cả các ca sĩ ở hải ngoại đều như thế. Có một ca sĩ mà TV mến mộ tài năng từ nhiều năm nay, cho đến bây giờ cũng vẫn giữ vững lập trường, (không biết sau này thì sao), không thấy nói cô ta về Sàigòn. TV nghĩ nếu cô ta mà về Sài Gòn hát thì chắc hốt bạc hơn ai hết, TV là "fana" trung thành của cô từ 40 năm nay.
Nhưng mà Tô Vũ cứ thắc mắc tự hỏi. Sao lại có cái xoay chiều 180 độ vậy như vậy? Nguyên do vì đâu ? Vì đâu nên nỗi ?
Về vụ ca sĩ ở Mỹ về Sài Gòn ca hát rồi tuyên bố tùm lum này nọ, để lấy lòng thính giả hay để lấy lòng VC, Tô Vũ nghĩ đi nghĩ lại tìm thấy thủ phạm đúng là cái lưỡi. Lẽ tất nhiên ca si hát hay, hót hay, thì phải cần đến cái lưỡi.
Ngày xưa nhà hiền triết Esope bảo người làm bếp nấu cho ông một món ăn ngon nhất. Bếp hỏi ông chỗ thịt nào ngon nhất? Ông bảo : cái lưỡi. Người làm bếp xào nấu cho ông món lưỡi. Ít ngày sau, ông lại bảo nấu cho ông món gì dở nhất. Bếp hỏi ông chỗ nào dở nhất ? Ông đáp : cái lưỡi. Đầu bếp không phải là một nhà hiền triết như ông, nên hỏi tại sao? Ông đáp: không có cái bộ phận nào trong cơ thể làm cho người ta sung sướng, khoan khoái, mãn nguyện bằng cái lưỡi và cũng không có bộ phận nào trong cơ thể làm cho người ta đau khổ, buồn bực, đau đớn bằng cái lưỡi. Mọi việc đang tốt đẹp, cái lưỡi quay 180 độ, mọi việc tốt đẹp trở thành xấu. Mọi việc đang xấu cái lưỡi uốn éo quay mấy chục độ là xấu trở thành tốt, thế cho nên ta cho rằng cái lưỡi vừa ngon lại vừa dở.
TV tôi thầm phục ông Esope trên hai ngàn năm truớc đã nêu đích danh thủ phạm, ở mọi thời kỳ, mọi trường hợp, lúc nào cũng là CÁI LƯỠI.
Ở bên Tàu, có một bài thơ truyền tụng từ trên một ngàn năm nay, nói đến cái nhục vong quốc.
Thi sĩ Đỗ Mục (803-852) đi thuyền trên sông, đến bến Tần Hoài thì trời tối, thuyền cắm sào đợi sáng. Gần thuyền, có một quán rượu. Ông nghe tiếng ca kỹ hát từ quán rượu, hát bài Hậu Đình Hoa, ông làm bốn câu thơ trách người ca kỹ.
Bài thơ có tựa đề là Dạ bạc Tần Hoài (ban đêm ở bến Tần Hoài).
Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa (khói phủ nước lạnh, trăng phủ bãi cát)
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia (ban đêm ở bến sông Tần Hoài, cạnh một quán rượu)
Thương nữ bất tri vong quốc hận (ca kỹ không biết hận mất nước)
Cách giang do xướng Hậu đình Hoa. (bên kia sông hát bài Hậu đình Hoa) (Hậu đình Hoa là tên một bài hát đã làm tan vỡ nhà Trần, thời xưa ở bên Tàu).

***
Cũng cái bài Hậu đình Hoa này, khoảng sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), các ông nhà thơ nhà văn ngán nỗi nước nhà lại bị Nhật cai trị sau khi chính quyền Pháp bị lật đổ nên có tổ chức ở Hà nội một buổi thi thơ Tao đàn, lấy đầu đề là "Thương nữ bất tri vong quốc hận. Cách giang do xướng Hậu đình Hoa".
Bài trúng giải nhất là bài ca trù với tựa đề Trách chi của nhà thơ Lê Đại. Bài như sau:
Mưỡu: Sáu mươi năm mấy đoạn tràng, Nghĩ bao thêm lại bẽ bàng xót xa! Cách sông khúc Hậu đình Hoa. Trách chi cô gái làng ta vô tình.
Nói: Thương nữ bất tri vong quốc hận. Thôi trách chi thêm bận tấc lòng ai. Kiếp nam nhi tai mắt ở đời, Mà lấp bể vá trời đâu vắng cả. Giọt lệ Tần đình ai đó tá! Giọng ca Sở quốc luống mộng hoài! Sáu mươi năm hơn trí dũng nào ai?
Nhìn dĩ vãng ngắm tương lai thêm ngán nỗi! Ơn ai đó sổ lồng phá cũi, Mừng có mừng mà tủi cũng đòi phen! Trách chi cỏ nội hoa hèn! (cỏ nội hoa hèn là những hoa vô danh mọc ngoải đồng cỏ)

*****
Mục 3 --- Sao lại gọi là Chuyện Cà kê ? (bài viết của Tô Vũ)
Hai độc giả Chuyện Cà kê của Tô Vũ, một ở Hoa Kỳ là Giáo sư Thomas L, hiện là giáo sư ở Mỹ, vừa là nhà thơ làm thơ bằng tiếng Mỹ. Ông là tác giả tập thơ Tình còn say - Forever Love, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2005. Một độc giả khác ở Pháp, ông PLK. Hai vị đôc giả đã gửi thư cho Tô Vũ sau khi đọc Chuyện Cà Kê số 8 tháng 12-07
Ông Thomas L. góp vài ý kiến.
Trích email của ông : Thưa anh Tô Vũ,
Rất cảm ơn anh đã gởi cho link để đọc bài Chuyện Cà Kê của anh. Tôi học được rất nhiều về những điều anh viết. Tôi tự hỏi với những đề tài nghiêm chỉnh mà anh viết, cái rubric "Chuyện Cà Kê" có phản ảnh được cái seriousness của đề tài hay không. (...)
2) Một độc giả khác ở Pháp,ông PLK cũng email hỏi Tô Vũ : "Chuyện Cà kê rất hay, không có vẻ cà kê tí nào cả."
3) Một độc giả điện thoại hỏi TV ý nghĩa của chữ "cà kê".
Tô Vũ cảm ơn quý độc giả, xin trả lời :
****
"Cà kê" không có tự điển nào giải nghĩa nghĩa gốc (étymologie), nhưng mọi người vẫn hiểu "cà" là con gà và "kê" là con kê, kê cũng nghĩa là con gà.
Theo Từ điển Hán việt Đào Duy Anh thì "kê" nghĩa là con gà.
Theo Việt nam Tự điển của Khai trí Tíến Đức (Hànội 1931) "Nói chuyện cà kê" là nói tỉ tê lôi thôi.
Theo Từ điển tiếng Việt (KHXH Hànội 1977) thì "cà kê" là lằng nhằng những cái này sang cái khác, không đâu vào đâu.
Theo Từ điển Việt pháp Lê phưong Thanh (Hà nội 2001) "Cà kê" nghĩa là : sans suite, du coq à l'âne, à n'en plus finir.
***
Nếu tìm tòi kỹ lưỡng hơn, thì có chữ "cà" là con "cà cuống" và cà là con "cà cưỡng".
"Cà cuống" là một con bọ đầu to bằng ngón tay cái, có cánh, hình dạng giống con ve sầu, mà lớn hơn, có bọng dầu mùi thơm đặc biệt ở bụng, mỗi con lấy ra đưộc một hai giọt dầu. Người Bắc lấy dầu đó để ăn với bún thang, chả cá, bánh cuốn, v.v... cho tăng mùi vị lên.
"Cà cưỡng" là một con chim sáo lông đen có khoang trắng ở cổ.
Hai danh từ "cà cuống và cà cưỡng" không thể dùng trong từ ngữ "kể chuyện cà kê" được, vì không liên tưởng, không hình dung ý nghĩa được. Khó có thể gắn liền "nói chuyện cà cuống cà cưỡng" với "nói chuyện lằng nhằng, những cái này sang cái khác, không đâu vào đâu" được.
****
Có một học giả giải thích hai chữ "cà kê", cho rằng phải nói "cà kê nghê ngỗng" mới đúng. Vị học giả giảng rằng "gà nói ngọng thành cà, giống như dân Bình Trị Thiên nói cà cáy là gà gáy. Còn nghê là nga (nga chữ hán việt nghĩa là ngỗng) nga đọc trẹo ra là nghê." . Có sự không đồng ý với giải thích này.
***
Một ông gốc tây học bàn rằng từ ngữ "nói cà kê" nguyên gốc ở động từ "caqueter" của Pháp. Caqueter có nghĩa là "nói lải nhải, nói lôi thôi chẳng ra đâu vào đâu" (Tự điển ĐàoVăn Tập). Caqueter được biến sang chữ việt là "nói cà kê", cũng như chữ "savon" của Pháp biến sang chữ "sà phòng", rượu "vin" biến thành "rượu vang", v.v... Nhiều người không đồng ý với cách giải thích này.
***
Còn "dê ngỗng" là sau này mới thêm vào đấy thôi.
Sách Tục ngữ Phong dao của Nguyễn văn Ngọc cũng như các từ điển khác không có ghi thành ngữ "cà kê dê ngỗng" mà chỉ ghi "con cà con kê" .
***
Tô Vũ cảm ơn giáo sư Thomas Le ở Hoa Kỳ và độc giả PLK ở Pháp.
Tô Vũ xin trả lời :
1) Mục "Chuyện cà kê" của Tô Vũ có đã lâu rồi, trên hai mươi năm. Độc giả và tác giả đã quen với tên mục rồi. Không thể thay đổi tên mục (rubrique) được.
2) "Chuyện cà kê" không có nghĩa là một chuyện đứng đắn hay hài hước hay tầm phào mà tùy đề tài, gồm một, hai, hay cả ba tính cách đó. Từ kép "Chuyện cà-kê" không gồm danh từ "chuyện" ghép với với tĩnh từ "cà kê " như là chuyện tình, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện ma, chuyện lịch sử, v.v...
"Chuyện cà kê " có nghĩa là "Kể chuyện một cách cà kê ", kể chuyện lai rai, chuyện này ra chuyện khác, không dứt được. "Cà-kê" đây là một trạng từ (adverbe) không phải là một hình dung từ (adjectif).
Nhưng trong lúc viết bài, Tô Vũ thường dùng "cà kê" như một động từ (verbe). ( Thí dụ : Tôi "cà kê" quá nhiều rồi xin chấm dứt bài Mùa Thu và Tôi...trong số 8)
Nếu hồi này Tô Vũ kể mấy chuyện thơ văn, chỉ vì lúc này TV gặp mấy đề tài đó thôi. Thường thường thì gặp chuyện gì thì viết chuyện đó, chọn đề tài sơ sơ trước rồi lúc viết thì viết theo "ngòi bút", chuyện này nó "bày" ra chuyện khác, có khi không dứt ra nổi, nên có vài độc giả trách Tô Vũ viết dài quá.
Tô Vũ nhận lỗi đã viết dài quá.
Chuyện cà kê số 7 tháng 11-07, nếu in ra báo thì thành một tờ báo dày 200 trang.
Xin quý độc giả cứ theo mục lục mà chọn mục, tiểu mục để đọc, nếu cứ đọc theo Tô Vũ viết thỉ không dứt ra được.
Tô Vũ sẽ viết ngắn lại. Toàn chuyện sẽ ngắt ra từng mục, từng tiểu mục, để tránh sự rối mù, làm độc giả khó theo rõi.
***
Xin cảm ơn hai vị độc giả, giáo sư Thomas Lê ở Hoa kỳ và ông PLK ở Pháp và một độc giả đã gọi điện thoại.Tô Vũ sẽ cố gắng để làm hài lòng quý độc giả.
Tô Vũ 070108
*****
Mục 4 - Tô Vũ chăn dê (bài viết của Tô Vũ)
Kỳ trước Tô Vũ hứa sẻ kể chuyện ông Tô Vũ thật, ông Tô Vũ chính cống mà người đời gọi là Tô Vũ chăn dê, là người được lịch sử Tàu ghi tên, được dân chúng tôn sùng từ hai ngàn năm nay về lòng trung nghĩa, trung quân, ái quốc, quyết giữ vững chính khí mặc dù bị tù đầy khổ sở.
*
Phỏng theo cuốn "A Chinese bibliographical Dictionary" do Maurice Durand trích trong tập "Imagerie Populaire Vietnamienne", sách của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Ecole d'Extrême Orient) xuất bản ở Paris năm 1960, thì vào thời vua HánVũ Đế (Tây Hán 202 trước Tây lịch đến 08 sau Tây lịch) có sự tranh chấp giữa người Hung (Tàu gọi là Hung Nô) ở xứ Mông cổ, và người Hán (Trung hoa). Hai bên đều cử những phái đoàn sang nước địch để điều đình.
Năm 100 trước Tây lịch, Tô Vũ cầm đầu một phái đoàn sang xứ Hung nô, dẫn theo một số tù binh Hung Nô đã bị Hán bắt để trao trả. Khi tới xứ Hung nô, nhân viên phái đoàn của Tô Vũ nổi loạn chống vua Hán, đầu hàng vua Hung nô, ép Tô Vũ phải theo. Tô Vũ không chịu, định tự sát. Rồi Tô Vũ lỡ tay làm chết Ngu Thường là một nhân viên phái đoàn. Tô Vũ bị vua Hung Nô cầm tù, bỏ đói. Tô Vũ phải ngậm băng tuyết cầm hơi và nhai những mảnh rẻ cho đỡ đói. Vua Hung Nô đầy Tô Vũ lên phía bắc xứ Mông cổ, bắt phải chăn cừu trong băng tuyết.
14 năm sau, hoà bình giữa hai nước. Vua Hán đòi thả Tô Vũ, Hung Nô nói Tô Vũ đã chết rồi.
Sứ thần Hán nói rằng với vua Hung Nô là Thuyền Vu rằng : vua Hán đi săn, bắn được một con nhạn. Chân nhạn có buộc một bức thư đưa tin Tô Vũ vẫn còn sống, vua Hung Nô mới không cãi là Tô Vũ đã chết.
Năm năm sau Tô Vũ được thả về, kết thúc 19 năm bị tù đầy nơi xứ băng lạnh, nhưng vẫn giữ được một lòng trung quân ái quốc.
*****
Một bức tranh vẽ Tô Vũ chăn cừu râu tóc bạc phơ, cây gậy sứ thần dựa vào vai có buộc những mảnh lông mao do vua ban khi sang xứ Hung nô.
Có hai bài thơ đề trên bức tranh đó, một bài viết bằng chữ Hán, một bài viết bằng chữ nôm.
Bài chữ Hán như sau:
Hán Tô Vũ tiết.
Độc trì sử tiết hướng thiên nhai.
Ngoạ tuyết, thôn chiên, mấn dĩ ti.
Thập cửu niên gian mao tận lạc.
Thần tâm tuy tử bất hàng di.
(chú thích của TV: tiết là cái gậy cao dài biểu tượng một sứ thần do vua ban cho khi cử ra nước ngoài. Gậy có buộc những túm lông đuôi bò rừng gọi là mao).
Bài chữ nôm như sau:
Hoàng hoa sứ tiết xa bay,
Trông đường muôn dậm mặt đầy uy sương.
Nghĩ mình Thiên Hán trung lang.
Nhẽ đâu lại có chịu hàng cường di.
Vậy nên sinh tử dĩ chi.
Chăn dê trải mấy nan nguy chẳng chồn.
Kể đà mười chín năm tròn.
Mao cờ mòn hết lòng son vẫn còn.
***
Có một thắc mắc được đặt ra là trong các chuyện chữ Hán về Tô Vũ, đều viết "Tô Vũ mục đê" chứ không viết "Tô Vũ mục dương" (dương là dê).
Theo Từ điển Thiều Chửu thì "đê" là "dê đực."
"Tô Vũ mục đê" có nghĩa là Tô Vũ chăn dê đực.
Vì vậy mới có chuyện hoang đường đặt ra là vua Hung Nô bắt Tô Vũ chăn dê đực và bắt phải nuôi cho dê đực đẻ. Lại còn có chuyện bịa đặt là Tô Vũ sống với một con khỉ đột, rồi đẻ ra con.
Trong bức tranh kể trên thì vẽ những con cừu, có lông mọc sù như những con cừu thường thấy chứ không phải những con dê. Như vậy hợp lý, vì rằng ở xứ giá lạnh tuyết băng thì những con dê là nhưng con vật không có lông dầy không chịu được giá lạnh, mùa đông phải nhốt ở trong chuồng chứ không chăn ngoài trời, Tô Vũ chăn cừu đúng hơn là chăn dê, và chữ "đê" chỉ "con cừu" chứ không phải con dê đực.
Bài viết bằng chữ Pháp nói trên mà ông Maurice Durand trích dịch cũng viết rằng (...) Finalement les Hiong Nou, l'envoyèrent vers le Nord et le condamnèrent à garder les moutons (...)
Theo con mắt người âu tây, bắn ngỗng trời hợp lý hơn là bắn nhạn mặc dầu cả ngỗng và nhạn đều di cư mỗi khi đổi mùa (bản văn chữ Pháp viết: Tch'ang Houei ordonna à un envoyé de dire au Khan que l'Empereur avait tué une oie sauvage qui portait attachée à ses pattes une missive qui lui donnait des nouvelles de Sou Wou (...)
Sách sử Tàu thì đều nói là chim nhạn vì cho rằng nhạn biểu tượng cho việc thông tin.
Trong Kiều có câu: Buồn trông phong cảnh quê người, Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa. Nhạn thưa là điển tích trích ở sách Quảng-sự-loại dẫn truyện Tô Vũ : Thường Huệ dạy sứ thần bảo với Thuyền Vu (Thuyền Vu là vua Hung nô): "Vua Thiên tử đi săn ở rừng Thượng-lâm bắn được con chim nhạn, chân nó có buộc một tờ thư bằng lụa, trong thư nói : Hiện Tô Vũ đang ở trong một khoảng đầm hồ. "
Trong Chinh Phụ Ngâm có câu: Thấy nhàn luống tuởng thư phong, nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng là cũng ở trong ý nghĩa đó, con chim nhạn là biểu tượng cho việc thông tin, nhìn thấy chim nhạn là nghĩ rằng có thư tới.
*****
Nhân vụ ông Tô Vũ Chăn Dê bị giam giữ 19 năm tại xứ Hung Nô, TôVũ (nhà báo) tôi nhân ngày sinh nhật có làm câu phú "Sinh nhật tự trào" vơ điển tích ông TôVũ thật vào.
Câu phú như sau:
"Xuân bất tận Trởi cho nên cứ hưởng,
Chẳng hơn ai mà cũng chẳng thấy ai hơn.
Trời ban cho tuổi thọ tới lão niên.
Không bệnh tật là tiên trên cõi thế!.
Đủng đỉnh viết dăm câu thơ, vài bài báo, một truyện tình thích thú.
Nhớ năm xưa, chăm chú mấy lời ca. Buổi truyền thanh, hăng hái những ông bà...
Cũng đã tưởng như tích trước, mười chín năm tù Hung nô xong, trở về nơi cố quốc. Có ngờ đâu, ba mươi thu qua, Tô Vũ sắp biến thành Tô Thị !
Cũng đã tưởng, còn sống ít năm về quê xưa an nghỉ, thăm nom họ hàng làng mạc, viếng mộ ông bà cha mẹ, vui hưởng nốt tuổi trời.
Nào có hay, Trời chửa chiều người, vẫn làm ngơ cho quân tàn bạo.
Thôi đành vậy! Hãy ở với đời vài chục năm nữa, để xem ông Trời đối xử ra sao? " (TôVũ)
Đến đây, Tô Vũ tôi chào tạm biệt quý độc giả, chúc quý vị năm Mậu Tý khang an vạn phúc, tâm thân an lạc.
Paris, 1er Janvier 2008)
Tô Vũ
*****
Mục 5 - Thơ
***
5 - 1 ) -- Giỗ Trận Hoàng Sa 34 Năm
Văn Tế Anh Hùng Tử Sĩ trận hải chiến Hoàng Sa 34 năm Của Trần quan Niệm và Phạm Tứ Lang (Hoa Kỳ)
***
Đây Hoàng Sa. Đây Hoàng Sa
Trận hải chiến lẫy lừng trong lịch sử
Bảo vệ quốc gia - Vẹn toàn lãnh thổ
Vinh quang thay - Hải lực Việt oai hùng
Giữa biển khơi, bao chiến sĩ hy sinh
Máu tô thắm dệt thành trang hùng sử
Ba mươi bốn năm xưa
Một ngày rực lửa
Trung Cộng ngang tàng
Xua chiến hạm tính nuốt trôi đảo Việt
Nào Soái Hạm, Trục Lôi, Hộ Tống
Nào Phi Tiễn Đĩnh, nào Hải Vận Hạm chở quân
Tiến ầm ầm, dậy sóng biển Đông
Hải đội xung kích Hải Quân ta
Trực chỉ Hoàng Sa
Quần đảo hoang sơ, ẩn hiện khói sương mờ
Nằm án ngữ nơi bao lơn nước Việt
Lãnh hải xa, bao đời ông cha ta trấn thủ
Bia đá rành rành, văn bản vẫn còn ghi
Thế mà nay, quân xâm lược lăm le
Loài cuồng khấu, ôm giấc mơ Nam tiến
Ta sẵn sàng nghênh chiến
Dù lực lượng lệch chênh
Dàn đội hình quần thảo một phen
Quyết không hổ danh
Hậu duệ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo
Lực lượng ta:
Trần Khánh Dư (Khu Trục Hạm)
Trần Bình Trọng, Lý Thường Kiệt, (Tuần Dương Hạm)
Nhựt Tảo, (Hộ Tống Hạm) oai phong
Biển động sóng cuồng
Súng gầm khạc lửa
Chiến hạm địch quay cuồng bốc cháy
Bộ Tham Mưu tan xác banh thây
Đô Đốc, Tá, Úy, Hạ Sĩ Quan, Đoàn Viên
Thương vong vô số kể
Địch cố thoát vòng vây
Điên cuồng chống trả
Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo trúng pháo địch
Lửa cháy bùng thượng từng kiến trúc
Nhiều ổ súng ngả nghiêng
Đài chỉ huy tan nát
Trung Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà (1)
Dáng dấp thư sinh - Chỉ huy quyết liệt
Dạn dầy hải nghiệp - Sói biển phong sương
Bị trọng thương, quyết theo tầu vào lòng biển
Thiếu Tá Hạm Phó Nguyễn Thành Trí
Trọng thương nhưng tinh thần bất khuất
Xin được chết theo tầu
Hạm trưởng lắc đầu:
''Anh phải đi
Xuồng đào thoát cần một vị chỉ huy
Hãy để một mình tôi ở lại''
Ôi khẳng khái
Những anh hùng biển cả
Chiến sĩ Hải Quân oai hùng bắn tới viên đạn cuối
Trước khi chìm vào lòng biển Mẹ mênh mông
32 Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và Đoàn Viên
đã vị quốc vong thân.
26 mất tích
Ngày hôm nay, 19 tháng Giêng năm 2008
Nhớ ngày các anh em đã xả thân vì Tổ Quốc
Chúng tôi, bạn bè cùng trang lứa
Quân chủng Hải Quân, tình chiến hữu năm xưa
Trước bàn thờ bài vị trang nghiêm
Ba mươi bốn năm ngày giỗ trận
Thắp nén nhang thơm tưởng niệm
Dâng ly rượu lễ chí thành
Cúi mong các bạn hiển linh
Hồn thiêng về đây chứng giám
Xin được nghiêng mình vinh danh
những anh linh tử sĩ oai hùng:
Hải Quân Trung Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà (1)
Hải Quân Thiếu Tá Hạm Phó Nguyễn Thành Trí
Hải Quân Trung Úy Vũ Văn Bang
Trung Úy Cơ Khí Ngô Chí Thành
Trung Úy Cơ Khí Hàng Hải Thương Thuyền Huỳnh Duy Thạch
Hải Quân Trung Úy Vũ Đình Huân
Hải Quân Trung Úy Nguyễn Văn Đông
Hải Quân Thiếu Úy Lê Văn Đơn
Một Hải Quân Thiếu Úy không rõ tên
Hải Quân Thiếu Úy Nguyễn Phúc Xạ
Thượng Sĩ Quản Nội Trưởng Châu
Thượng Sĩ Vận Chuyển Lễ
Trung Sĩ Cơ Khí Nguyễn Tấn Sĩ
Trung Sĩ Thám Xuất Lê Anh Dũng
Trung sĩ Điện Tử Trung
Trung Sĩ Giám Lộ Vương Thương
Trung Sĩ Quản Kho Tuấn
Trung Sĩ Trọng Pháo Nam
Hạ sĩ Vận Chuyển Lê Văn Tây
Hạ Sĩ Trọng Pháo Trứ
Hạ sĩ Trọng Pháo Hùng
Hạ sĩ Giám Lộ Ngô Văn Ơn
Hạ sĩ Vận Chuyển Trứ
Hạ Sĩ Nguyễn Thành Danh
Hạ Sĩ Quản Kho Nguyễn Văn Duyên
Hạ sĩ Đỗ Văn Long
Thủy thủ Trọng Pháo Đức
Thủy thủ Điện Tử Thanh
Thủy thủ Trọng Pháo Thi Văn Sinh
Thủy thủ Trọng Pháo Mến
Thủy thủ Cơ Khí Đinh Hoàng Mai
Và hai mươi sáu chiến hữu Hải Quân mất tích
Nhớ chư linh xưa
Tung hoành dọc ngang - Biển Đông vùng vẫy
Lướt sóng kình ngư - Giữ gìn lãnh hải
Hỡi ơi
Một ngày biển Đông sóng dậy
Hải âu gẫy cánh trùng dương
Các anh đi
Để nhớ để thương
Cho Mẹ, cho Cha, cho vợ, cho con, cho anh. cho em
Cho bạn bè các cấp
Gương tuẫn quốc, muôn đời ghi sử sách
Lòng hy sinh, sáng mãi đến ngàn thu
Trước bàn thờ
Đèn nến lung linh
Hương trầm ngào ngạt
Hồn linh thiêng về chứng giám lòng thành
Con Rồng cháu Lạc hy sinh
Xứng danh Liệt Tổ, Liệt Tông
Tổ Quốc muôn đời ghi nhớ
Cung duy - Thượng hưởng
(Trần Quán Niệm và Phạm Tứ Lang - (Hoa Kỳ)
(Phạm Tứ Lang cựu học sinh Chu Văn An)
Chú thích
(1) cố HQ Trung Tá Ngụy Văn Thà tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, khóa 12 Đệ nhất Song Ngư - Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ 10 bị chìm, HQ 4, HQ 5, HQ 16 hư hại nhẹ, sau khi sửa chữa đã hoạt động trở lại.
* * * * *
5 - 2 ) Trận Hoàng sa
Thơ của David Lý Lãng Nhân (Hoa Kỳ)
Tưởng Niệm Trận Hoàng Sa
(Bài Họa Vận) David Lý Lãng Nhân
Bảo vệ non sông chết chẳng Thà
Bi hùng hải chiến đảo Hoàng Sa
Biết mình cô thế ta nào ngại
Trách bạn Cờ Hoa sớm lãng ra
Chẳng để giặc Tầu xâm lãnh hải
Kiên cường quyết tử chọn cang qua
Ngàn năm còn đó trang bi sử
Thắp nén hương Nam lệ ứa nhòa
Madison, AL, December 2007
Cước chú : theo tài liệu NET và hồi ký của ĐĐ Hồ-Văn Kỳ-Thoại: Trong trận hải chiến Hoàng Sa giửa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng ngày 17-19 tháng Giêng 1974, Chiến Hạm VN vì kém thế nên bị bắn chìm và Trung Tá HQ VN Ngụy Văn Thà đã oanh liệt tử trận. Tuy nhiên cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cho đến nay vẫn còn tiếp diễn giửa VN và TC trên chiến trường chính trị quốc tế.
*****
5 - 3 ) Vàng Bóng Cờ Bay
Thơ Nhược Thu, Oslo, Na Uy
*
Đất nước ngày mai em trở lại
Với luồng gió mới ngược Trường Sơn
Mang màu nắng ấm xuôi thành phố
Sưởi ấm bao lòng đang héo hon
Mai mốt em về đòi lại nợ
Muôn hồn oan nghiệt đáy trùng dương
Những lời trăn trối nơi tù ngục
Chẳng thấu tai người thân nhớ thương...
Mai mốt em về xin gạn hỏi
Giống dòng Hồng Lạc của mình đâu
Vì sao từng bước dâng Tàu Cộng
Để được phì thân vững tước Hầu...
Mai mốt khi về em có nhớ
Những lòng chiến sĩ chốn xa xôi
Thân tàn xứ lạ hồn mơ mãi
Vàng bóng cờ bay rợp đất trời
Nhược Thu (Na Uy)
*****
5 - 4 ) Mai Mốt Em Về
Thơ Thi Hạnh, Oslo, Na Uy
*
Mai mốt em về em sẽ nhớ
Đứng giữa thênh thang những cánh đồng
Gió ngoan ru khẽ hương mùa lúa
Thắm vàng bát ngát cõi mênh mông
Mai mốt em về em sẽ hát
Dân ca, điệu lý rất tự tình
Văng vẳng trong chiều câu lục bát
Muôn đời tiếng mẹ vẫn uy linh
Mai mốt em về em sẽ nhắc
Hỡi người còn nhớ giấc mơ xưa
Năm tháng trở về trong khoảnh khắc
Câu thương câu nhớ mấy cho vừa
Mai mốt em về em sẽ nói:
Đây dòng máu mẹ vẫn còn lan
Từ nơi hóc hẻo sâu, xa vắng
Cho đến thành đô, khắp thôn làng
Thi Hạnh (Na Uy)
*****
5 - 5 ) Hoang Vu
Thơ Đan Thuý Vy (Paris)*
Người ngồi đây
Trong mênh mông bóng đổ chập chùng.
Người ngồi đây
Nghe hư vô trăm ngàn gọi nhớ.
Người ngồi đây,
Ôm thân đau vết thân phận người.
Gió bão bùng bốn mùa,
Chim gọi rừng
Lời ca thiên thu.
Mùa tình sang.
Tóc thôi bay,
Giọt nắng hiên nắng người.
Về đồi cao
Mây lang thang ôm sầu đỉnh nhớ.
Tìm về đây
Mắt môi nay vạn lời tạ từ
Áo trắng cho nhau một chiều
Tiển hội trần, đất trở mình trăm năm.
Ôi có muôn vạn xôn xao
Cho cuộc đời vẫy gọi
Tay cuộc đời vẫy gọi
Có muôn ngọn nến thắp lên trong đêm mịt mùng.
Ôi ! Những vết thương tươi
Âm thầm nhỏ xuống từng ngày
Dẫu sóng mềm vẫn mãi ra khơi
Cho mặt trời thắp sáng trên môi.
Người về đây
Thôi mong chi một thuở yêu nào
Và niềm đau
Như thân cây mùa đông trút lá
Kỷ niệm xưa
Nay theo trăng hiu hắt qua mành
Dấu địa đàng, người về
Cho tuổi sầu nay mãi mênh mang.
Đan Thuý Vy
*****
5 - 6) Ba bài thơ hoạ bài Thăng Long thành hoài cổ
của Bà Huyện Thanh Quan do Nhạc sĩ sáng tác Anh Huy, Paris, gửi tới
***
5-6-1) - Thăng Long Thành Hoài Cổ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Nghìn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường
Bà Huyện Thanh Quan
*****
5-6-2) - Bài họa của Vũ Uyên Giang
Thức trắng canh trường
Ngày nào hào kiệt chốn sa trường
Mái tóc bây giờ đã điểm sương
Nhớ lúc tung hoành trên trận tuyến
Nghĩ khi ngang dọc dưới tà dương
Đổi đời đất nước bao hờn tủi
Thay bậc cơ đồ một đáng thương
Rồi cũng bay vèo theo cát bụi
Ngồi đây ta thức trắng canh trường
Vũ Uyên Giang
*****
5-6-3) Bài họa của Anh Huy, Paris
Tâm vọng Chí cùng
Tâm vọng trần gian chuốc lệ trường,
Chí cùng vạn sự điểm mù sương .
Ngất ngưởng vàng son thời thiên cổ,
Lờ mờ hư ảnh buổi hoàng dương .
Nước khóc kinh hồn vầng nhật nguyệt,
Non gào khủng khiếp động bi thương .
Thôi nhé, thôi chờ hoàng hôn xuống,
Vững tin, chính khí thoát hoạn trường .
Anh-Huy
Paris 07/11/2007
*****
5-6-4) Bài họa 3 của Tiểu Bảo
Hoạt cảnh Việt-Nam Quốc
Quốc-phá gia-vong cảnh đoạn-trường
Đường xưa lối cũ phủ mù sương
Còn đâu tứ-đức tòng minh-nguyệt
Mất hết hiếu-trung tỏa ánh-dương
Biệt-xứ anh-thư sầu tủi-nhục
Lưu-vong tuấn-kiệt hận đau-thương
Sơn-hà xã-tắc độc-tài trị
Hoạt-cảnh Việt-gian náo nhất-trường
Tiểu Bảo
12/11/2007
* * * * *
6 - Mục Giới thiệu sách
6 - 1 ) Mùa Xuân Vỗ Cánh, tập thơ của Thi sĩ Đỗ Bình do Cội Nguồn ở Hoa Kỳ xuất bản. Sách in trang nhã, do Lê Mộng Nguyên và Nguyễn Thùy giới thiệu. Sách không đề giá bán.
Tô Vũ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Muốn biết chi tiết, xin liên lạc với tác giả qua dịa chỉ dobinh@hotmail.fr
Tô Vũ cảm ơn thi sĩ Đỗ Bình đã gửi sách tặng.
6 - 2) Bài Ca Vọng Cổ, tập truyện ngắn của tác giả Tiểu Tử, ra mắt tại Paris tháng 11-07
Sách gồm 14 truyện ngắn, xuất bản tại Hoa Kỳ.
Tô Vũ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả. và cảm ơn tác giả đã đề tặng
Muốn biết chi tiết, xin liên lạc với tác giả qua địa chỉ tieutuvhn@yahoo.com
6 - 3) Tôi đi và sống. Hồi ký sự nghiệp 50 năm ca sĩ,Tập 1, của Bạch Yến, ra mắt tại Paris tháng 11-07.
Tô Vũ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Muốn biết chi tiết, xin liên lạc với tác giả qua địa chỉ bachyenh@gmail.com
6 - 4 ) Tử Vi và Địa Lý Thực Hành, tác giả Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ ở Lyon.
Tô Vũ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả cuốn sách giá trị này.
Muốn biết chi tiết, xin liên lạc với tác giả qua địa chỉ nguyentran2004@yahoo.fr
6 - 5 ) Noel 2007 thăm những vị Cao Niên tại Créteil (bài viết của Tô Vũ)
*
Nhân ngày lễ Giáng Sinh, ông Lê Trung Cang, Bác sĩ PNToả, cô Thy Như Boulhol, Jean Pierre Boulhol và một số các ông, bà hảo tâm như ông Nguyễn đức Tăng, nhạc sĩ Văn Trung, ông Nguyễn như Giác, ông bà Hà đức Long (hội Chu Văn An), ông bà Từ Nguyên (hội Văn bút), Ngọc Lan, Kim Hoàng, Mi Mi, Huỳnh Mai v.v... đã tổ chức/tham dự một buổi thăm hỏi, ca nhạc để giúp vui các ông bà Cao Niên sống độc thân tại Nhà Cao Niên, Résidence des personnes âgées "Arepa" đường Docteur Cazalis ở Créteil ngày 25-12-07 vừa qua.
Thật là một nghĩa cử rất cảm động, đáng khen ngợi và nên khuyến khích lan rộng sang những Nhà Cao Niên khác ở Paris và Ile de France, nơi nào có người Việt Nam cư ngụ.
Những ông bà cao niên Việt Nam sống độc thân trong các nhà Cao Niên rất cần có người đồng hương đến thăm hỏi chuyện trò. Họ không cần giúp đỡ tiền bạc, quà cáp, vật chất gì cả. Họ không cần tình thương. Họ chỉ cần có những "présence humaine", cần tình đồng hương, chuyện trò thăm hỏi, nói tiếng Việt với họ vì họ sống cô độc, xa gia đình, xa con cái.
Cuộc hội họp hôm nay có sự hiện diện khoảng 80-100 người.
Thực đơn gồm có những món ăn nguội, rượu, nước, bánh ngọt trái cây.
Có xổ số lôtô. Có nhiều ca sĩ và nhạc sĩ đàn hát và có khiêu vũ.
Đặc biệt có nghệ sĩ trẻ Huỳnh Mai múa quạt và múa "giải ruban", múa theo nhạc, một môn múa rất đẹp rất mỹ thuật. Môn múa "giải ruban" này rất thịnh hành ở các nước Á đông, Hongkong, Singapore, nhưng trong cộng đồng Việt Nam chưa thấy có nghệ sĩ nào trình diễn. Huỳnh Mai là người đầu tiên trình diễn ở Paris, nếu Tô Vũ không nhầm. Hy vọng nghệ sĩ trẻ Huỳnh Mai sẽ "former" một toán ba bốn cô múa với những quần áo mầu và các "ruban" mầu, múa Khúc Nghê Thường của Hằng Nga, thì chắc chắn sẽ rất thành công và được khán giả hâm mộ.
Tô Vũ cảm ơn các nhà tổ chức và các ca nhạc nghệ sĩ đã cho TôVũ được một buổi chiều vui vẻ, đầm ấm với tình người.
Tô Vũ rất cảm động thấy những vị Cao Niên ở ngay tại Paris này không bị bỏ quên. Các nhà hảo tâm thường hướng về nơi xa xăm trong nước cách nơi đây nghìn vạn dặm, giúp đỡ những người xấu số ở trong nước, một nghĩa cử rất đáng khuyến khích, nhưng các nhà hảo tâm dường như quên những người ở ngay cạnh nách, cũng cần có những sự nâng đỡ tinh thần, để quên sự sống cô độc hàng ngày, xa con cái, xa gia đình trong những căn phòng nhỏ trong các Nhà Cao Niên. Tuy các vị Cao niên được đối xử rất đầy đủ về vật chất, được đối xử rất bình đẳng nhân đạo, nhưng họ thiếu tình gia đình thân mật, thiếu lời nói đầm ấm bằng tiếng Việt, thiếu chuyện trò hàng ngày bằng tiếng mẹ đẻ. Sự khổ tâm nhất của những người cao niên là cảm giác bị bỏ rơi, bị gia đình con cái quên, bị xã hội coi như thừa thãi, phế thải, vô ích. Sự khổ tâm nữa là thiếu sự có mặt của những người đồng chủng, đồng hương, thiếu nói, thiếu nghe tiếng mẹ đẻ.
Ở Paris, Tô Vũ thấy các vị hảo tâm thường kêu gọi những sự giúp đỡ cho phế binh, cho những trẻ mồ côi, những nguời mù, những người bị bệnh nan y ở trong nước, đó là những điều làm rất tốt, nên làm, Tô Vũ rất hoan nghênh việc làm của quý vị, nhưng xin lưu ý quý vị đến những người ở gần quý vị, cũng cần đến sự giúp đỡ.
Mong rằng quý vị hảo tâm bớt một "chút hảo tâm", một chút thì giờ, một chút suy nghĩ, dành cho những người ở gần, ở Paris hay trong Ile de France.
Cảm ơn quý vị. (Tô Vũ)
080108 TôVũ
*****
Mục 7 - Ngôn Ngữ Huế
Tuệ Chương Hoàng Long Hải
***
Trong bài "Thổ Âm Trị Thiên", tôi có nhận xét rằng khi tôi lưu lạc vào Nam, xuống tận miền Cà Mau, Rạch Giá, thấy trong Nam tiếng nói người nhà quê ở xã ấp không khác mấy với người thành thị, dù người thành thị đó ở Tây Đô, tên một thời của Cần- Thơ.
Ở Trị-Thiên khác hẳn, tiếng của người nhà quê và người thành thị khác nhau không ít.
Người Việt Nam có câu tục ngữ "Đất lề quê thói" hoặc văn vẻ như Hạ Tri Chương thì "Hướng âm vô cải" làm cho người ta không muốn thay đổi tiếng nói của mình, nhưng ngay tại Huế, kinh đô nhà Nguyễn, nơi có nhiều người từ nơi khác, người Quảng Nam như ông Phạm Phú Thứ, người Bắc như ông Phan Đình Phùng quê ở Hà Tĩnh, như Bà Huyện Thanh Quan một thời gian lâu dài làm cung trung giáo tập, người Nam như Phan Thanh Giản, người Nam bộ đầu tiên đỗ khoa thi tiến sĩ, đến làm quan sinh sống thì tiếng nói của người dân ở các miền có lẽ nào không có ảnh hưởng ít nhiều đến tiếng nói của người Huế hay sao?
Nhiều người đến Huế làm quan nhưng vẫn cứ giữ tiếng nói nơi quê nhà họ. Có thể đó là tính "cục bộ", là giữ tiếng nói làng quê mình vì yêu quê hương, nếu thay đổi thì sẽ "lạc lỏng" khi trở lại quê nhà, v.v... Theo nhận xét của Võ Nguyên Giáp trong "Những Năm Tháng Không Thể Nào Quên", ngày 2 tháng 9 năm 1945, khi đọc bản "Tuyên Ngôn Độc Lập" ở Quảng Trường Ba Đình, Hồ Chí Minh dùng tiếng nói của người Nghệ Tĩnh vùng quê, và dĩ nhiên Võ khen "Bác". (sic) Hồ Chí Minh có ở Huế một thời gian không ngắn, lưu lạc qua tới Pháp, tới Nga, tới Tàu và gặp không ít người Việt nói đủ tiếng khắp ba miền. Lê Duẫn cũng vậy. Ông ta từng hoạt động trong Nam khá lâu, khi lên diễn đàn, ông vẫn nói tiếng "đất sét". Tổng thống Ngô Đình Diệm thì khác. Nói chuyện bình thường, ông dùng tiếng Huế, đọc thông điệp gởi đồng bào toàn quốc, ông dùng tiếng Nam, hiệu triệu đồng bào miền Trung, ông dùng tiếng Huế, mới về làm thủ tướng năm 1954, ra Hà Nội, nói chuyện với dân Bắc Hà, ông dùng tiếng Bắc. Mục đích là để đồng bào hiểu rõ những gì muốn nói.
Đến Huế năm mười sáu tuổi, tôi bị người Huế chê không những chỉ vì là "dân đất sét"(*), mà còn vì tôi dùng nhiều tiếng nhà quê khác nữa. Thay vì gọi là "côông" (*) thì tôi gọi là "cò ke"; "sợi cao su", trong nam gọi là "cọng thun(g)" thì tôi gọi là "chạc địu". Vào Nam làm việc, tôi tập nói tiếng Nam kẻo không thì sợ đồng bào trong Nam cho rằng tôi là người... ngoại quốc.
Ở Trị Thiên, khi về miền quê, nên nói cái "trôốc" thay vì cái "đầu", "trôốc cúi" thay vì "đầu gối". Nói thế đồng bào dễ hiểu hơn, khỏi cần... thông dịch viên. Nhưng khi nói chuyện với người Huế thì phải trở lại với cái "đầu", "đầu gối" không thì sẽ bị chê là "dân nhà quê". Mấy cô gái Huế chắc chẳng chịu lấy một anh chồng xổ toàn một thứ tiếng "Cơm nể để trữa cươi..." dù làm tới "giáo sư Trường Lụt" (Luật) như một người quen của tôi.
Một thời mê thơ, năm đầu tiên khi đi học ở Huế, tôi cố tìm cho được một bài thơ làm về Huế của Tố Hữu để chép vào tập "Thơ Chép" của tôi. Bài thơ nầy có câu: "Huế của ta ơi! Huế của ta!" Và tôi cho thế là hay lắm! Về sau, khi mỗi ngày cứ nghe ra rã trên đài phát thanh, trong "học tập cải tạo", v.v... nào những "Đảng ta". "Nhân dân ta", "Bộ Đội ta", "Hà Nội ta" (đánh Mỹ giỏi) (*), "Chi bộ ta", "Xí nghiệp ta", v.v... thì tôi thấy Tố Hữu viết sai mất rồi.
Người Huế ít có cái tự hào một cách khoe khoang như thế (dĩ nhiên tôi nói chung, không phải "thứ người Huế" của "Đảng ta"). Cho nên không mấy khi người Huế họ dùng chữ "ta". Họ không nói là "Huế ta" mà nói là "Huế mình". Nói với người trong Nam, tôi nói theo cách Huế là "ngoài tui" hay "ngoài tôi", chỉ danh Huế thì nói là "Huế tui" hay "Huế tôi". Nói với bạn bè Huế thì tôi nói là "Huế mình" hay "ngoài mình".
Có gì khác giữa ta và mình?
Có chứ! Cứ so sánh:
"Một mảnh tình riêng TA với TA"
của Bà Huyện Thanh Quan với
"Một MÌNH MÌNH biết, một MÌNH MÌNH hay"
trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, người đọc sẽ thấy sự khác biệt giữa TA với MÌNH. MÌNH khiêm nhường hơn, âu yếm hơn (như Mình ơi! Của Diệu Hương), thân thiết hơn, nhẹ nhàng hơn, và chơn chất hơn.
Khi bàn tới tiếng Huế, người ta thường quanh quẩn với "mô tê răng rứa" với "hí" hay "hỉ". Tiếng Huế, nhứt là tiếng Huế của mấy bà mấy cô nhẹ nhàng và dễ mến hơn, "mặn mà có duyên" hơn dù khi họ mắng nhau: "Đồ tinh le", "quỷ sứ" hay đồ "Con Yêu Bánh Nậm" như tên một tác phẩm của Trần Kiêm Đoàn. Ngay trong tác phẩm nầy của Trần Kiêm Đoàn người ta gặp không ít tiếng Huế như thế: "tinh le", "tinh đèo đèo", "đồ yêu", "đồ quỷ", "hổ ngươi", "ôốc dôộc" "trổ trời mà lên", "ác nhơn thất đức" "làm bộ làm tịch", "làm tàng", "giựt le", "tội tình chi rứa?", "thiệt là ngụy", "hiện ngụy" v.v...
Người Huế ít khi nói "nhìn". Họ gọi là "ngó" (Ngó chi tui đồ cỏ dại hoa hèn). Nếu có một anh con trai nào đó, hay nhìn lén hay nhìn lâu một cô gái Huế. Cô ta thấy "ốốc dộộc" và "làm đày" mà nói: "Nợ nần chi ai mà ngó dữ rứa?"
Khi yêu ai, họ ít khi dùng chữ "yêu". Có lẽ từ thập niên 50, "văn minh" hơn, người ta mới nói "Anh yêu em" hay "Em yêu anh" hay "Hai người yêu nhau". Trước đó, họ gọi là "thương". "Anh thương em" hoặc ngược lại. Chẳng hạn như trong câu ca dao:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ Nội Tán dẹp yên (*)
Hoặc "Mười Thương":
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
...............
Chữ "thương" hay hơn chữ "yêu". Thương là cho hết, là hy sinh mà không đòi lui. Thương em là hy sinh cho em, có thể cả cuộc đời cho em nếu em chịu về làm vợ, mà không so đo, kèn cựa em thương lại nhiều hay ít. Yêu thì ngược lại. Yêu còn so đo, kèn cựa, tính toán như trong thơ của Xuân Diệu "Cho rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu!" sau khi than "Yêu là chết ở trong lòng một ít".
Về tiếng Huế, phải nói nhà thơ Hoàng Xuân Sơn đã đưa ngôn ngữ Huế vào thơ một cách tài tình. Ông không chỉ dùng tiếng Huế, mà còn đưa cả những "thành ngữ Huế" vào thơ. Có làm thơ mới biết được cái tài ấy của nhà thơ họ Hoàng. (*)
Có lẽ một số người còn nhớ bài thơ "Huế Chi Lạ Rứa" sau đây của một cô nữ sinh Đệ Tam Đồng Khánh hồi cuối thập niên 1950:
Chi lạ rứa, chiều ni tui muốn khóc
Ngó chi tui đồ cỏ dại hoa hèn
Nhìn chi tui hình đom đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch
Tui mơ ước có bao giờ tuyệt đích
Tui van xin răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngói tui chi lạ rứa hững hờ
Cho thêm tủi bên ni bờ cô tịch
("Chi Lạ Rứa?" Tác giả?)
* * * * *
Vì là chốn kinh đô, nơi vua chúa, quan quyền sinh hoạt, vào ra thưa bẩm, cúi đầu vòng tay; khi đi, tay không đánh xa vung vẩy, chân bước nhẹ nhàng, chậm rãi, không chạy nhảy la hét, v.v... Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng đến cách nói năng của người Huế. Ngoài ảnh hưởng vua quan ấy, còn nhiều ảnh hưởng khác nữa: Phật giáo, Nho giáo khá sâu đậm. Cái "nhu hòa" của đạo Phật, cái "khuôn phép" của đạo Nho tất không chấp thuận những cách nói năng "dao to búa lớn", nhất là đối với đàn bà con gái; con gái thường phải học tập Công, Dung, Ngôn, hạnh. Dĩ nhiên, không ai có thể nói toàn bộ mọi người là như thế, nhưng những ảnh hưởng nói trên với số đông người Huế không thể là không có được.
Dĩ nhiên, bên cạnh những nhu hòa, nhã nhặn đó, không thể không có "giọng nói vua quan" mà người Huế thường gọi chung là nói "giọng các mệ". (*)
Đến Huế, ở tại nhà một người bà con, tôi gọi bằng chú thím. Tôi ngạc nhiên và cảm thấy ghê ghê khi bà thím mắng yêu đứa con trai út của bà: "Quất cho một roi đứt cái đầu". Các thành ngữ: "Chém đầu bây chừ", "chém đầu cho tau" là tiếng các mệ hay dùng để mắng thiên hạ.
Trong cuốn "Nếp Nhà" của Bửu Kế, ông có thuật câu chuyện một "mệ" (Ông Bửu Kế cũng là một mệ đấy!), ngày xưa giàu có lắm, nay thời thế đổi thay, "sa cơ lỡ nghiệp", nhưng "giọng các mệ" thì vẫn còn y chang. Một hôm, đói quá, "mệ" xin người quen hai hào để mua một củ khoai ăn cho đỡ đói lòng, nhưng cách xin và cách nói của "mệ" vẫn y như lúc còn làm "cha thiên hạ":
- "Đưa mệ hai hào mệ ra "chém" một củ khoai".
Không chém được đầu ai, mệ đành chém củ khoai vậy!
Hoặc một lần "mệ" cùng bạn bè vào vườn nhà người ta trộm bưởi, bị chủ nhà đuổi bắt. Bạn bè chạy cả, "Mệ" kẹt trên cây, không chạy kịp, sợ thì sợ nhưng "mệ" vẫn còn "giọng các mệ":
- "Xê ra dưới cho "mệ" xuống".
Từ thập niên 50 trở về trước, khác với ca Huế, khi hát tân nhạc, (âm nhạc cải cách), ca sĩ Huế phải hát theo giọng Bắc. Các ca sĩ đài phát thanh Huế hồi đó như Tôn Thất Niệm, Hương Thủy và cả Hà Thanh, ca sĩ có giọng hát đặc biệt mang âm hưởng dân ca Huế rất đặc sắc, cũng đều hát theo tiếng Bắc. Hà Thanh phát âm "Hẹn Một Ngày Về" (thay vì nói theo tiếng Huế là "Hẹn(g) mộ(ộ)t ngày về" hoặc "Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng" (thay vì "Ai về bến Ngự cho ta nhắn(g) cùng"). Thanh Thúy, tuy hát ở Saigon, (đài Saigon hay Đại Nhạc Hội), cô ấy hát theo tiếng Huế: "Ai về là về Bến Ngự, ai về là về Văn(g) lâu". Cách phát âm như thế làm "lạ tai" nhiều người, khiến người ta thấy thích. Sau nầy, lối hát của Thanh Thúy càng ngày càng phát triển thêm ra, nhứt là với các ca sĩ trong nước hiện tại, làm người nghe cảm thấy khó chịu. Cái chi cũng vậy, "thái quá thì bất cập", lạm dụng thì mất hay.
Về điệu bộ khi nói năng, khi còn nhỏ, tôi vẫn thường bị mẹ mắng là hay "múa tay", không nghiêm chỉnh, thậm chí không vòng tay và bắt buộc phải cất kiếng mát.
Sau tết Mậu Thân, tôi đi thăm bà con. Một ông chú biểu tôi đến thăm "O Hường" nhà ở đường Âm Hồn. Nhà "O Hường" là nhà quan, tôi gọi bằng cô (o) và chồng bà thời còn vua nhà Nguyễn thì làm chức Hồng Lô Tự Khanh, nói trại Hồng ra Hường. Khi tôi vào nhà, thấy "O Hường" của tôi đang nằm trên ghế trường kỷ đọc thơ "Thoại Khanh Châu Tuấn" hay "Phạm Công Cúc Hoa" gì đó. Tôi đứng sát vách tường, hai tay chắp vào nhau, nói vừa đủ nghe:
- "Thưa o".
Bà cô tôi không nghe (hay giả bộ không nghe!?) Tôi chờ mấy phút rồi "thưa o" lần thứ hai. Bấy giờ "o tôi" mới từ từ ngừng đọc, ngồi dậy, bỏ cuốn thơ xuống bàn, gỡ cái kiếng lão để trên cuốn thơ, nheo mắt nhìn tôi, nói hơi nặng tiếng, kéo dài ra, nhão nhẹt để biểu lộ sự đài các:
- "Thưa o thì "cấc" (cất) cái gương (kiếng/kính) đi đã".
Nói xong, "o tôi" chuẩn bị nằm xuống đọc tiếp...
Tôi không mang kiếng mát, nhưng mang kiếng cận, màu nước chè lạt. Tôi vội vàng gỡ kiếng ra cầm tay. "O tôi" nhìn lại tôi một lần nữa, thấy tôi cất kiếng, bà hỏi, giọng nói vẫn kéo dài ra như cuộn băng nhão:
- "A..a..i đó mà thưa o"?
Tôi bèn "làm bản tự khai": - "Thưa o. Cháu là con trai của ông..., cháu nội của ông... "
Bấy giờ "O tôi" mới đon đả:
- Cháu đó à! Tôi nghiệp chưa? Cháu tới thăm o. Trận giặc ni thôi già (nhà) o....
Tôi rán nghe lời "O tôi" ca cẩm, mong màn nầy chấm dứt sớm để dọt cho lẹ...
Trong cái khuôn phép của đạo Nho, "đi cúi mặt xuống đất, về cất mặt lên trời" (Có nghĩa là không được nhìn ngang nhìn ngửa), trong cái nhu hòa của đạo Phật, trong cái vẻ cao sang, đài các của dòng dõi vua quan, người Huế không ngạc nhiên khi thấy một cô gái Huế kín đáo che nụ cười sau mái tóc đen hay cái nón lá, hay tay mân mê tà áo hoặc bứt mấy chiếc lá bên cạnh xé nhỏ thả xuống đất, mặt cúi gầm không cho người đối thoại thấy nét vui hay nụ cười hiện ra trên mặt, còn mấy anh bạn người Nam của tôi khi đến Huế, nói chuyện với mấy cô thì đi không đành mà "tấn công" thì không sao vượt qua được bức tường vô hình vây bọc quanh họ. Chính nhiều người bạn Huế của tôi phải "kỳ công" theo đuổi, cuối cùng mới cưới được người mình yêu.
Dĩ nhiên khi đặt tên con, cha mẹ thường chọn lựa, dựa trên căn bản kiến thức của người đặt tên, trên phong tục địa phương, kỵ húy, v.v... Con trai thì đặt tên cho có "chữ nghĩa" một chút, đừng nôm na quá, tuy vẫn có người chỉ thích nôm na. Đó là chưa nói tới việc "Giữ Gìn Sự Trong Sáng" của Tiếng Việt như Phạm Văn Đồng chủ trương. Thay vì đặt tên Sơn thì gọi là Núi, tên Thủy thì gọi là Nước, cung cách như gọi "Máy Bay Lên Thẳng" thay vì gọi là "Phi Cơ Trực Thăng" hay thủ tướng Phạm Văn Đồng thì nên sửa lại là Phạm Văn Ruộng. Ruộng hay Đồng thì cũng một thứ mà thôi. Ruộng thì nôm na hơn, "trong sáng" hơn. Ở Nam Bộ, tuy cách đặt tên theo chữ Nho tuy chưa đạt trình độ như người Huế hay Bắc Hà nhưng cũng ít khi nôm na. Ở trong Nam, tên con gái thường thấy nhứt là Hoa, hoặc Vân, Hồng, Dung. Người Nam kỵ húy còn "mạnh" hơn người Huế. Hồi đầu thế kỷ 20, người ta còn thấy xuất hiện những tên như Huê (kỵ chữ Hoa), Quờn (kỵ chữ Quyền), Đông Hớn, Tây Hớn (kỵ chữ Hán), San (kỵ chữ Sơn), v.v... Điều ấy dễ hiểu vì đất trong Nam là "đất chúa Nguyễn", có nghĩa là do công lao các chúa Nguyễn khai phá ra, lấy đất Chiêm Thành, Chân Lạp mà lập làng xã Việt Nam.
Ở Huế cũng không khác, cũng có kỵ tên hay còn gọi là "kỵ húy". Tuy nhiên, với những gia đình có Nho học cao, tên con trai thường đặt theo bộ của chữ Hán, như một gia đình tôi quen thân, hai anh em được cha, vốn là một nhà Nho uyên thâm, đặt tên cho một người là Thung, một người là Thụ (Thọ), khi viết chữ Nho đều có bộ Mộc bên cạnh. Hoặc cha mẹ đặt cho những tên có ý nghĩa na ná như nhau, như các người con của ông Ngô Đình Khả có tên là Thục, Khôi, Diệm, Nhu, Cẩn (Các con của nhà văn Phạm Duy Tốn đều được đặt tên là Khiêm, Nhượng, Cẩn, v.v... Việc đặt tên như vầy, tôi có viết qua trong bài "Đặt Tên Con"). Nhìn chung, đàn ông, con trai ở Huế đều được đặt tên văn vẻ như thế, ít người có cái tên nôm na, không có trong chữ Nho. Con gái Huế có tên khá đặc biệt. Ngoài tên các loài hoa, như Mai, Lan, Cúc, Trúc, với một chữ đệm ở trước khá hay hoặc tên các loại Ngọc, có khi là Diêu (tên một loại Ngọc), một số đông có chữ đệm "Diệu" ở phía trước như Diệu Trâm, Diệu Mai, Diệu Trúc, Diệu Lan, Diệu Trang, v.v... Ôi thôi! Rất nhiều Diệu. Diệu thường đi với tên của các loài hoa, loài ngọc, có khi cả với trái cây như chị em Diệu Trà, Diệu Lê (một thời nổi tiếng đẹp ở Huế) nhưng chẳng bao giờ thấy Diệu Lựu, Diệu Chanh, Diệu Bưởi. Tên Lựu thì có thể có Bạch Lựu (Tôi chưa từng thấy hoa hay trái lựu màu trắng, thường hoa màu đỏ nên có khi gọi là lửa lựu như câu Kiều "Bên hè lửa lựu lập lòe đơm bông") hoặc Thạch Lựu, cũng một người đẹp nổi tiếng của Huế.
Tiếng đệm là Diệu cho thấy ảnh hưởng Phật giáo trong việc đặt tên, dù từ chùa Diệu Đế bên kia bên kia sông đào Hàng Bè hay Tứ Diệu Đế trong kinh Phật. (*)
Tiếng Việt vốn đơn âm nên có thể nói lái được, vẫn có nghĩa. Chẳng hạn như câu:
Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ
Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ
Người Huế rất thường hay nói lái để đùa. Trong Nam hiện tượng đó không phổ biến như Huế.
Cũng có khi họ dùng chữ có hai nghĩa như câu "Ai vô trong nội nhớ hoài". "Trong" và "nội" cùng một nghĩa, một tiếng là nôm (trong), một là tiếng Hán Việt (nội). "Nhớ", và "hoài" cũng cùng một nghĩa. "Nhớ" là tiếng Nôm, "hoài" là tiếng Hán-Việt. Câu nầy có nghĩa là có ai đó, một người yêu chẳng hạn, bị "đưa vô Nội" tức là vào trong Đại Nội, cấm thành, nơi vua và hoàng gia ở, khiến người ở ngoài nầy nhớ mãi, nhớ hoài. Ở Huế có thành ngữ "Đưa con vô Nội" là đưa con gái vào làm cung phi, phi tần trong Đại Nội. Người vào đó cũng giống như con gái vào dòng tu kín bên đạo Thiên Chúa, không được ra khỏi Đại Nội và khó gặp lại cha mẹ, bà con. Từ nghĩa đen đó, câu nầy biến thành nghĩa bóng như "Dắt trâu vô rú" là trâu đi mất. Cho bạn mượn tiền, không bao giờ bạn trả lại, coi như mất, giống như "Đưa con vô Nội" hay "Dắt trâu vô rú" vậy.
Ngày xưa có hai người "thương" nhau, rồi người con gái được (hay bị) tuyển vào cung cấm. Thế là coi như hai người không bao giờ gặp nhau lại nữa, có gặp nhau đành hẹn lại kiếp sau, xin "tại thiên nguyện tác tị dực điểu, tại địa nguyện vi liên lý chi" tức là kiếp sau xin làm "chim liền cánh, cây liền cành" hoặc như trong truyện Kiều:
Kiếp sau chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
(*) Người Huế gọi là "đấc séc" chữ C ở cuối thay vì chữ T như tiếng nói của người Quảng Trị. Về vần nầy, người Quảng Trị phát đúng âm hơn. Trong suốt 10 năm dạy Việt Văn, khi giảng bài cho học sinh, bao giờ tôi cũng dùng tiếng Quảng Trị để phát âm cho đúng.
(*) Hai người khiêng một vật nặng bằng một cái đòn, một người trước, một người sau.
(*) Tên một "tác phẩm" của Nguyễn Tuân.
(*) Xin xem "Hướng âm vô cải", tiếng Huế trong thơ Hoàng Xuân Sơn trong "Viết Về Huế" tập 1: Đời vui chi trong sương gió... cùng tác giả.
(*) Tin dị đoan, con cái dòng dõi các vị hoàng thân đều được gọi là mụ hay mệ, tiếng để gọi đàn bà con gái (cũng như sinh con trai đặt tên là Gái), để đánh lừa ma, khỏi bị ma bắt. Ma thường bắt đàn ông con trai, kẻ nối dõi tông đường, không mấy khi bắt đàn bà con gái. Ma cũng như người trần, "trọng nam khinh nữ".
(*) Nhân đây, tôi xin kể tên một số chị học một lớp với tôi để độc giả biết qua tên các cô gái Huế. Cùng học một lớp Đệ Tứ với tôi thì có: Diệu Trâm (nổi tiếng đẹp), Ánh Nguyệt (Nổi tiếng đẹp), Đoan Nghiêm, Đoan Trang (Hai chị em nầy con gái cụ Tôn Thất Hối, em bác sĩ Tôn Thất Niệm), Nguyễn Thị Thiện, Cao Thị Na, và một số ít chị nữa, tôi không nhớ tên. Hai năm Đệ Tam Đệ Nhị, tôi học Khải Định, sau đổi tên là Quốc Học Ngô Đình Diệm, chỉ toàn con trai. Lớp Đệ Nhứt, có các chị: Túy Diệp, Kiều Diệm, Phong Ty, Thu Phong, Thu Nguyệt (hai chị em ruột, thân sinh hai chị là bạn đồng nghiệp của thân phụ tôi), Trà Liên, Ngọc Hương, Ngọc Trâm, (thân phụ là một mục sư, quê Quảng Nam, một lần tôi đến chơi, chị đánh đàn dương cầm cho tôi nghe). Hàng xóm của tôi, phía trong cửa Đông Ba thì có Trương Thị Tuyết, Lê Thị Bích Lài, Mỹ Diêu, Kim Oanh, Kim Nhạn, Hoắc Hương, Nhụ Hương, Diệu Trang, v.v...
(*) Ngay Văn chương Bình dân cũng bị Cộng Sản xuyên tạc và bóp méo như vậy.
Chẳng hạn như câu:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương anh em cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam giang
Phá Tam giang ngày rày đã cạn
Truông Nhà Hồ Nội Tán dẹp yên(4)
Họ đổi hai câu đầu là:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Và bỏ luôn bốn câu sau, không nhắc đến nữa.
Sở dĩ Cộng sản sửa đổi ca dao như thế là vì Hồ Chí Minh gốc Nghệ An (Làng Kim Liên, -làng Sen-, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Họ bóp méo ca dao là nhằm sử dụng chiến lược "suy tôn lãnh tụ", tô vẽ thêm cho Hồ, tuyên truyền rằng cái xứ sở đẹp đẽ ấy (địa linh nhân kiệt) đã sản sinh ra "bác", người họ quảng cáo như là một vị cứu tinh cho dân tộc và nhân loại.
Thứ hai, Huế là cựu kinh đô Việt Nam thời nhà Nguyễn, đã một thời Huế là biểu tượng của Việt Nam, nói tới triều đình Huế là người ta nghĩ ngay tới chính quyền của toàn nước Việt Nam. Cộng Sản không nhắc tới Huế nữa vì chủ trương của họ là chống phong kiến, chống triều đình Huế, bôi lọ nhà Nguyễn và nhất là chống vua Bảo Đại vì ông nầy đã có một hành động lịch sử: "Thoái vị" (Cộng sản có ai thoái vị hay chỉ chờ bị hạ bệ?), vì ông nầy đã có một câu nói lịch sử: "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ" vì nhiều người dân Việt Nam còn rất bảo hoàng, v.v...
Đành rằng văn chương bình dân là một loại văn chương truyền khẩu, người đời có thể thêm bớt sao cho câu chuyện cổ tích hay hơn, câu ca dao đẹp hơn, nhưng không thể bóp méo sửa đổi nó để biến thành những câu tuyên truyền, bợ đỡ, nịnh hót. Văn chương không thể là một phương tiện tuyên truyền lừa mị, láo khoét để phục vụ cho một người, một gia đình, một giai cấp hay một chế độ. Hồ Xuân Hương có viết một câu, dù không phải là biện minh cho tuyên truyền hay không tuyên truyền nhưng rõ ràng văn chương không phải là một phương tiện sinh nhai:
Văn chương không phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.
Không thể có "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh..." mà chính là "Đường vô xứ Huế... ".
Tại sao?
Đã nói là "vô" thì người nói phải là người miền Bắc. Người miền Bắc vô xứ Nghệ làm gì? Không có việc gì người Bắc phải vào Nghệ cả vì xứ Nghệ không là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại hay văn hóa mà người ta đến đó để buôn bán, học hành hay kiếm công ăn việc làm. Phải là đường vô xứ Huế vì Huế là kinh đô. Người Bắc vào Huế để làm quan, để học hành (học tại Quốc Tử Giám), để thi Hội, thi Đình, hay chở hàng hóa vào buôn bán cho vua quan, v.v... Nguyễn Du, Phan huy Vịnh, Cao bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, v.v... cũng như bao nhiêu người Thanh Nghệ Tĩnh hay ngoài Bắc phải vào Huế làm quan. Chính "cậu" Nguyễn Sinh Cung (tức Hồ Chí Minh) thời thơ ấu đã theo cha bỏ Nghệ An vào Huế vì thân sinh của ông đang làm quan ở đó. Người ra đi đường sá xa xôi cách trở, chưa kịp cưới vợ, hay cưới rồi mà chưa thể đem vợ theo được, phải để vợ ở lại quê nhà, cho nên người vợ mới than thân: "Thương anh em cũng muốn vô". Ngoài ra, câu ca dao trên có những địa danh như "truông Nhà Hồ" (Còn gọi là Hạ Cờ, quân binh đi qua đây thì hạ cờ xuống), nằm giữa ranh giới tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, "phá Tam Giang", nằm giữa ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên thì đường vô ấy không phải là vô xứ Nghệ vì Nghệ nằm phía Bắc Quảng Bình, Quảng Trị.
Từ châu thổ sông Hồng Hà vào Nghệ An, chỉ có cảnh ở đèo Tam Điệp (giữa Ninh Bình và Thanh Hóa) là đẹp nhất, là "như tranh họa đồ". Tuy nhiên, đường vào Huế xa hơn và nhiều "tranh họa đồ" hơn, nhất là đèo Ngang (giữa Hà Tịnh và Quảng Bình), một thắng cảnh được nói nhiều trong thơ văn của những người nổi tiếng như Lê Thánh Tôn, Bà huyện Thanh Quan, "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân, v.v..
(Hết Mục 7)
***

No comments: